Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Saturday, 17 December 2016

NGUYỄN TRÃI = KY SƠN TRUNG =BIBLIOGRAPHY OF NGUYEN TRAI = PHẬT GIÁO

NGUYỄN NGỌC BÍCH * NGUỲỄN TRÃI

TÂM-SỰ NGUYỄN TRÃI ..



PrintE-mail
. Nguyễn Ngọc Bích PDF
TÂM-SỰ NGUYỄN TRÃI
QUA MẤY BÀI THƠ THỂ TÍNH RA NIÊN-ĐẠI
Nguyễn Trãi sinh năm 1380, cách chúng ta trên sáu thế-kỷ, nên suy nghĩ của ông chắc phải khác chúng ta rất nhiều. Đây là một điều chúng tôi muốn đem ra cân đo, thử nghiệm trong bài viết sau đây, nhất là trong hoàn-cảnh chúng ta ở Mỹ, nơi mà người ta hay nói về “hố ngăn cách thế-hệ” (“generation gap” trong tiếng Anh) dễ làm cho cha mẹ, con cái không hiểu nhau. Nếu hai thế-hệ ngay gần kề nhau mà đã có thể không hiểu nhau, thậm chí có thể đi đến cả chỗ xung đột thì 20 thế-hệ hơn (nếu ta tính 30 năm là một thế-hệ), nhất định không thể nào ta dễ hiểu được thơ Nguyễn Trãi. Đó là chưa kể đến ngôn ngữ rất xa lạ với ngôn ngữ đời thường của chúng ta ngày hôm nay.
Đây là một chuyện mà chúng tôi đã có kinh-nghiệm bản-thân khi giảng dạy về văn-học cận-hiện-đại Việt Nam tại George Mason University cách đây cũng đã hơn 20, gần 30 năm (từ 1979 đến 1989). Nhiều điều mà thế-hệ tôi coi là đương-nhiên, không cần phải mất công giải thích dông dài, thì lại không đương-nhiên tí nào đối với các em 18, đôi mươi đến lớp tôi những năm đó. Thí dụ, ta (thế-hệ tôi) đương-nhiên coi truyện của Tự Lực Văn Đoàn là những truyện đáng đọc nhưng khi đưa vào chương-trình bắt các em đọc thì đa-phần không hiểu:
- Sự tổ-chức của xã-hội hồi đó (các em không hiểu vì chưa từng sống dưới một chế-độ thuộc-địa hay quan-liêu, các em không rõ, chẳng hạn, sự khác biệt giữa một ông tổng-đốc và một người cai tổng, hay các em không phân-biệt được giữa một ông tổng-đốc và một ông tuần phủ, lại cũng không rõ là phủ trên huyện hay ngược lại, không tách biệt được tổng hay xã hoặc làng v.v.).
- Những quan-niệm như khao vọng hay “ăn trên ngồi trốc” của thời bấy giờ, tỷ dụ, cách sắp xếp chỗ ngồi ở làng khi có cỗ (“một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”) hoặc chuyện người ta có thể đi đến xô xát vì một cái đầu heo, thủ lợn v.v.).
- Cách ăn nói thời đó, đặc-biệt là những cách rào đón có ẩn-ý, ngụ-ý (tế-nhị và rất xa lạ với cách nói bộc trực, không vòng vo tam quốc của các em lớn lên tại Mỹ).
Tóm lại, thế-giới TLVĐ là một thế-giới rất xa lạ với các em dù như một số vẫn còn đọc và viết khá lưu loát tiếng Việt. Nhất là các em gốc miền Nam vì các em có hỏi bố mẹ thì kinh-nghiệm của các bậc phụ huynh sinh sống ở miền Nam cũng rất khác kinh-nghiệm của những người cùng lứa ở ngoài Bắc hay ở miền Trung (từ các định-chế xã-hội đến cách cư xử, ăn nói: tỷ dụ, ở miền Nam người làm nhiều khi ăn cùng mâm cùng bàn với chủ trong khi một chuyện tương-tự không thể xảy ra được ở miền Bắc).
Sở dĩ chúng tôi phải hơi dông dài như trên đây, thậm chí còn có vẻ hơi lạc đề nữa, là vì chúng tôi muốn dẫn vào chuyện học hay thưởng thức văn-học VN cách ta nhiều thế-kỷ như trường-hợp thơ Nguyễn Trãi (1380-1442).
***
Tuy sống cách ta hơn 600 năm, Nguyễn Trãi cũng đã để lại cho chúng ta một sự-nghiệp văn-chương khá đồ sộ. Chỉ riêng thơ Nôm và Hán, chúng ta đã còn giữ được của ông khoảng 340 bài,(1) đủ để cho chúng ta biết khá cặn kẽ về những suy nghĩ, tư tưởng của ông. Tuy-nhiên, khác với một Nguyễn Chí Thiện, chẳng hạn, người đã ghi lại năm sáng-tác của khoảng 400 trên 700 bài thơ trong tác-phẩm Hoa Địa Ngục, Nguyễn Trãi không có thói quen làm chuyện này trong Quốc-âm thi-tập (QÂTT). Do đó nên ta buộc lòng phải đi vào tìm kiếm những nội-chứng (internal evidence) trong thơ của ông.
Về phương-diện này, rõ ràng nhất thì ta có 4 bài trong đó ông nhắc đến tuổi đời của ông:
Bài 22(2) (tức bài 21 trong phần II QÂTT, “Ngôn chí,” Nói lên cái chí của mình) trong đó có câu “Chẳng hay rắp rắp đã bốn mươi.” (Câu 1) Như vậy, bài này đã được viết vào năm 1419 (lối tính là: 1380 + 40 -1 = 1419).
Bài 120 (tức bài 9 trong phần VII QÂTT, “Tự thuật,” Kể về mình) trong đó có câu “Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi.” (Câu 2) Thế có nghĩa là bài này viết khoảng 1420 hay một hai năm sau đó.
Bài 75 (tức bài 5 trong phần VI QÂTT, “Tự thán,” Than thân, than mình) trong đó có câu “Tuổi đã năm mươi, đầu đã bạc.” (Câu 7) Tính theo lối trên thì bài này viết vào năm 1429.
Bài 40 (tức bài 4 trong phần IV QÂTT, “Trần tình,” Nói ra lòng mình) trong đó có câu “Ngoài năm mươi tuổi, ngoài chưng thế.” (Câu 7) Và như vậy, bài này phải viết sau năm 1429, sang thập niên 1430.
Thực ra thì cũng còn có đôi bài khác mà tuổi tác của ông cũng được nhắc tới. Một là bài 15 (tức bài “Ngôn chí 14” trong phần II QÂTT) với câu “Vừa sáu mươi dư tám chín thu” (Câu 1). Còn bài kia là bài 130 (tức bài 3 trong phần X QÂTT, “Bảo kính cảnh giới,” Gương quý nhắc nhở) trong đó có câu cuối “Tám chín mươi thì vạn sự không,” nghĩa là “Ở tuổi tám chín mươi thì mọi sự đều là không cả.” Sở dĩ hai bài này, ta không nên để trong thơ Nguyễn Trãi vì:
Theo bài 15 thì “sáu mươi dư [= thừa ra] tám chín thu” không thể hiểu như Đào Duy Anh mượn lời người khác mà giải thích là “nếu tính vừa 60 thì dư mất 8, 9 tuổi, tức là 51, 52 tuổi, như thế là đúng.” Đây là một cách đọc rất gượng, khó chấp nhận. Cách đọc của Nguyễn Thạch Giang, chúng tôi thấy có lý hơn: “Theo câu này thì Nguyễn Trãi bấy giờ 68, 69 tuổi. Nhưng theo Gia phả dẫn trong mục Sự trạng của sách Ức Trai di tập thì Nguyễn Trãi thọ 63 tuổi. Chúng ta có nhiều chứng cớ tỏ rằng khi Nguyễn Trãi bị giết thì ông 63 tuổi là phải.”(3) (Nguyễn Thạch Giang cũng có lý khi cho là dựa vào câu cuối bài này, “Dạy láng giềng mấy sĩ nho,” thì gần như chắc chắn đây là thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm vì chúng ta hoàn-toàn không có thông tin nào là Nguyễn Trãi về già đã từng làm nghề dạy học.)
Còn bài 130 thì ta có hai cách hiểu: Nếu “tám chín mươi” là tuổi thật của tác-giả thì chuyện này chắc chắn không thể là trường-hợp của Nguyễn Trãi (trường-hợp Nguyễn Bỉnh Khiêm thì có thể vì ông sống đến tuổi 95, 1491-1585), còn nếu theo như Đào Duy Anh đây là chuyện giả-thuyết “nếu sống đến tám chín chục tuổi” thì đó không còn là chuyện tuổi thật nữa, trường-hợp đó thì ta không cần bàn tới.
***
Tóm lại, ta có 4 trường-hợp trong thơ Nôm Nguyễn Trãi trong đó ta biết được chắc hay cũng gần chắc tuổi của ông khi ông viết ra mấy bài này:
Ở tuổi (ta) 40 khi ông viết bài 22 trong QÂTT (năm 1419).
Một hai năm sau đó, nghĩa là khoảng tuổi 41-42 trở lên khi ông viết bài 120 QÂTT (khoảng năm 1921-22 hay liền sau đó).
Ở tuổi 50 khi ông viết bài 75 trong QÂTT (năm 1429).
Và ở tuổi 50+ khi ông viết bài 40 QÂTT (sớm nhất là 1429, gần như chắc chắn là sang đầu thập niên 1430), khoảng 10 năm trước khi ông mất (bị giết) năm 1442.
Tâm-sự lúc mới ra thi thố với đời (khoảng 1400-1407)Nói cách khác, trong mấy bài trên đây ta có được ít nhiều tâm-sự của Nguyễn Trãi ở phần ba cuối đời của ông. Nhưng liệu ta có bằng-chứng gì rõ ràng về tuổi trẻ của ông mà đến từ tay ông không? Tôi thiết tưởng ta cũng có thể biện ra mấy bài này mà ta có thể hiểu là ông đã viết khi mới rời việc học:
Bài 34 (Phần III, “Mạn thuật 12”):
Trường văn nằm ngả / mấy thu dư,
Uổng tốn công nhàn / biện lỗ, ngư.
Còn miệng tựa bình / đà chỉn giữ,
Có lòng bằng trúc / mỗ nên hư.
Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ,
Quạt đã hầu thu lòng Tiệp Dư.
Chỉn sá lui mà thủ phận,
Lại tu thân khác, mặc Thi, Thư.
Theo bài này thì ta biết là ông đã có “mấy thu dư” (= mấy năm có thừa) ở “trường văn.” Song “mấy thu dư” là bao nhiêu thu (= năm)? Bài 7 (Phần II, “Ngôn chí 6”) xem chừng có thể trả lời được một cách chính-xác:
Trường ốc ba thu uổng mỗ-danh,
Chẳng tài đâu xứng chức “tiên-sinh”!
Cuốc cùn ước xáo vườn chư tử,
Thuyền mọn khôn đua biển lục kinh.
Án sách, cây đèn, hai bạn cũ;
Song mai, hiên trúc, một lòng thanh.
Lại mừng nguyên-khí vừa thịnh,
Còn cậy vì hay một chữ đinh.

Người đọc ngày nay có thể hiểu “ba thu” là đúng 3 năm. Nhưng có lẽ người xưa dùng thành-ngữ này trong một nghĩa bất định, có nghĩa là ta có thể hiểu thành “vài ba,” từ 2-3 đến 4-5 năm. Ủng-hộ cho cách đọc này thì ta có một sự mô-tả đích-xác hơn trong bài 36 (Phần III, “Mạn thuật 14”):
Án tuyết mười thu uổng độc thư,
Kẻo còn lọt đọt chữ Tương Như.
Nước non kể khắp quê Hà Hữu?
Sự-nghiệp nhàn khoe phú Tử-hư.
Con mắt hoà xanh, đầu dễ bạc;
Lưng khôn uốn, lộc nên từ.
Ai ai đều đã bằng câu hết:
Nước chẳng còn có Sử Ngư.

Xem ba bài này, ta có thể nghĩ mà không sợ sai là cả ba bài đều nói đến cái ăn học của Nguyễn Trãi. Dù là “ba thu,” “mấy thu dư” hay “mười thu” thì ta vẫn không thể biết được là tính từ thời-điểm nào. Vì thế nên ta chỉ có thể đưa ra một vài giả-thuyết:
Cái học mà Nguyễn Trãi nói đến ở đây - “trường văn,” “trường ốc” (= nhà trường), “độc thư” (= đọc sách)—có lẽ không có ý nói đến chuyện đi học “mẫu-giáo” như ta nói ngày nay mà chủ-yếu là nói đến cái học “đại-học,” cái học “Thi, Thư” (tức Kinh Thi và Kinh Thư), cái học “vườn chư tử” và “biển lục kinh” (các kinh Dịch, Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu). Như vậy ta phải hiểu là tính từ độ tuổi 17 và như thế, “ba năm” có nghĩa tối-thiểu là 17 + 3 = 20 tuổi, “mấy năm dư” có nghĩa là khoảng 22-23, và “mười thu” có nghĩa là 17 + 10 = khoảng 27 tuổi.
Nếu cách đọc do tôi đề nghị mà có lý thì ở đây ta lại có ba bài cho ta thấy tâm-sự của Nguyễn Trãi ở khoảng tuổi 20-25, nghĩa là khi ông còn đang ăn học, theo đuổi “Thi, Thư” hay mới học xong để có thể thi đậu thái-học-sinh(4) (tương-đương với tiến-sĩ sau này, vào năm 1400) dưới thời nhà Hồ (1400-1407).
Hai bài đầu viết xem chừng không xa nhau lắm nhưng lại phản ánh hai tâm-trạng gần như đối nghịch nhau. Nếu trong cả hai bài (đều có than là “uổng” công học hành), nhất là trong bài 7, Nguyễn Trãi tỏ ra khiêm nhường về cái học của mình, trong bài 34 ông còn tả một tình-trạng cần phải thủ thân, giữ mình giữ miệng:
… miệng tựa bình đà chỉn giữ,
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Chỉn sá lui mà thủ phận,
Lại tu thân khác, mặc Thi, Thư.

Đây có thể là vì bài thơ đã được viết ra vào lúc nhà Trần đang suy sụp và Hồ Quý Ly đang có ý lên thoán ngôi (1400): Chỉ nên rút lui mà giữ lấy cái thân / phận cho mình đã là khó, hãy dẹp bỏ sang bên, quên đi chuyện theo học các thánh hiền qua Kinh Thi và Kinh Thư để tìm đường “tu thân” khác.
Ngược lại, bài số 7 thì lạc-quan hơn hẳn. Nguyễn Trãi vẫn nói biếm về mình (“Chẳng tài đâu xứng chức ‘tiên-sinh.’ / Cuốc cùn ước xáo vườn chư tử, / Thuyền mọn khôn đua biển lục kinh.”) nhưng tâm-trạng có lẽ đã lắng xuống và ông tỏ ra lạc-quan về đất nước (“Lại mừng nguyên-khí vừa thịnh” lên xong) nên ông hãnh-diện là mới chỉ hay (= biết) có một chữ “đinh” (nghĩa là một chữ quá dễ trong chữ Hán, tượng-trưng cho một cái vốn còn nông cạn) song đã có thể cậy vào đó mà ra phục-vụ, ra giúp nước.
Trong bài thứ ba, tức bài 36, Nguyễn Trãi tỏ ra chán ngán với thế-thái nhân-tình, than van là “ai ai đều bằng câu hết,” nghĩa là ai cũng đã trở nên cong [lưng] như cái lưỡi câu nên Nguyễn Trãi không thể tham-gia vào cái xã-hội đó: “Lưng khôn uốn” nên “lộc” quan đã phải “từ.”
Như vậy, ba bài viết khoảng 20-25 tuổi của Nguyễn Trãi cho thấy là ông, tuy đã được ăn học tử tế song vẫn tỏ ra bi-quan về thời-cuộc, và có lẽ chỉ thấy loé lên một tia hy-vọng khi nhà Hồ vừa mới lên ngôi… để rồi lại vỡ mộng: “Một thân lẩn quất đường khoa mục, / Hai chữ mơ màng việc quốc gia.” (Bài 8 QÂTT, “Ngôn chí 7” viết có lẽ cũng cùng thời với bài 36). Một khẳng-định về lòng yêu nước mà chưa có lối thoát!
Mười năm nghiền ngẫm (1407-1417)
Giai-đoạn sau trong đời ông, nghĩa là khoảng 10 năm từ 1407 đến 1417, Nguyễn Trãi một mặt thì bị Trương Phụ, tướng nhà Minh, quản-chế ở Đông-quan (tên nhà Minh áp đặt ra cho thành Thăng-long), một mặt thì nhớ lời cha dặn ở ải Nam-quan(5) đem tâm nghiền ngẫm nghiên cứu sách-lược đánh đuổi quân xâm-lăng.
Thời-gian này, ta có thể nghĩ là ông ít có thời giờ hay tâm can nào để làm thơ mà tập trung vào việc suy nghĩ đến chuyện cứu nước với sản-phẩm đúc kết sẽ là cuốn Bình Ngô sách mà theo truyền-thuyết(6), ông đem dâng Lê Lợi như một quốc-sách để đánh đuổi quân Minh khi được gặp ở Lỗi-giang(7) (1421). Thời-gian này, có lẽ ta chỉ chắc chắn được là ông viết bài thơ nổi tiếng nhất trong Quốc-âm thi-tập, bài để ngay ở đầu tập, bài thủ-vĩ-ngâm “Góc thành Nam lều một căn.”(8)
Thủ-vĩ-ngâm
Góc thành Nam lều một căn.
No nước uống, thiếu cơm ăn.
Con đòi trốn / dễ ai quyến,
Bà ngựa già / thiếu kẻ chăn.
Ao bởi hẹp hòi / khôn thả cá,
Nhà quen xuế xoá / ngại nuôi vằn.
Triều-quan chẳng phải, ẩn chăng phải!
Góc thành Nam lều một căn.

Trong bài này, tâm-trạng của ông xem chừng là tâm-trạng của một nhà nho nghèo (mà người xưa gọi là “hàn-nho”) nhưng có tự-trọng, biết giá trị mình nên không than van, dù có lúc thiếu thốn mà có lẽ là nằm chờ thời, chờ cơ-hội ra giúp nước, cứu dân. Cơ-hội này, Nguyễn Trãi sẽ có khi tham-gia vào một hội thề chung, cắt máu ăn thề với một số tướng tá đầu tiên trong lực-lượng nghĩa-quân Lam-sơn đi theo về với Lê Lợi năm 1416 ở Lũng-nhai(9). Vì tầm đặc-biệt quan trọng của bài thơ này nên tôi xin mạn phép dịch nghĩa sang tiếng Việt ngày nay như sau:
góc phía Nam thành [Hà-nội bây giờ], [ta có] một túp lều,
Nơi đây nước uống thì dư thừa nhưng cơm ăn thì không đủ, bữa có bữa không.
Con ở trốn đâu mất, ý chừng có người đã dụ đi theo họ mất rồi;
Thậm chí con ngựa cái già cũng không có nổi một người dắt đi ăn cỏ.
Do nhỏ tí (hẹp hòi) nên cái ao trước nhà không thả cá được,
Còn nhà ta thì quen xuề xoà [bầy biện qua loa] nên cũng ngại nuôi chó vện.
Quan trong triều đã chẳng phải, làm ẩn-sĩ cũng không!
Ở góc phía Nam thành, ta có một túp lều [gianh, không phải lều vải như bây giờ].

Sáu câu đầu và câu cuối xem ra không có gì khó hiểu: điều đáng chú ý có chăng là cái giọng điệu hơi tự-trào một chút, cười mình nhưng cũng nhẹ nhàng thôi! Riêng chỉ có câu 7 là đáng nói: “Triều-quan” thì Nguyễn Trãi đã hết làm quan nhà Hồ từ lâu, còn ra làm quan với quân xâm-lược nhà Minh, như Trương Phụ muốn, thì nhất định không thể có chuyện đó rồi. Nhưng muốn rút lui đi ở ẩn thì cũng không dễ bởi Trương Phụ, nghe theo Hoàng Phúc, đã giam lỏng Nguyễn Trãi ở Đông-quan, cũng tựa như Pháp hơn 500 năm sau sẽ giam lỏng Phan Bội Châu ở Huế trong 16 năm cuối đời ông (1926-1940).
Vào giai-đoạn này, cái bế tắc của đời ông có lẽ là cái day dứt lớn nhất trong suy tư của Nguyễn Trãi. Vì thế nên có lẽ bài 37 trong QÂTT (Phần IV, “Trần tình 1”) tuy không thuộc về giai-đoạn này (vì theo câu đầu bài, ông đã “gặp hội phong vân,” nghĩa là ra làm quan với nhà Hồ, cõ lẽ thế) song vẫn nói lên cái ưu tư của ông ở thời-gian ông chưa có kế-sách nào để giúp nước cả, đặc-biệt là hai câu 7-8:
Quốc phú, binh cường, chăng [= chẳng] có chước,
Bằng [= như] tôi nào thửa ích chưng dân.

Theo Đào Duy Anh, một trong những bài thơ chữ Hán cuối cùng Nguyễn Trãi làm ra trong Ức Trai thi-tập (ƯTTT) trước khi ra làm quan với nhà Lê là bài “Hải-khẩu dạ bạc hữu cảm” (“Làm ra lúc đậu thuyền ban đêm ở cửa biển,” bài 16 trong ƯTTT theo cách tính của cụ)(10). Nếu cụ Đào đúng thì bài này có lẽ viết trước năm 1427 sau “mấy chục năm” (sổ thập niên) giang hồ, cũng có cùng một tâm-sự (trong hai câu 7-8):
Bình sinh độc bão tiên ưu chí,
Toạ ủng hàn khâm dạ bất miên
.
(Cả đời ôm ấp lòng “lo trước” [cái lo của dân]
Ngồi ôm chăn lạnh thức thâu đêm.)
Hai thập niên cuối đời, ngẫm nghĩ về lòng người và lý-tưởng
Chúng tôi xin trở lại bốn bài thơ nêu ra ở đầu bài viết. Với lý-tưởng “lo trước cái lo của dân” (tiên-ưu-chí), cố tìm ra “chước” nào có thể đem lại dân (hay ít nhất cũng nước) giàu, binh mạnh, Nguyễn Trãi ở tuổi 37 đã quyết-định đi vào con đường dấn thân kháng-chiến (hội thề Lũng-nhai, 1416). Từ trước đến giờ đã có một số người nghĩ rằng Nguyễn Trãi đã có Bình Ngô sách ngay từ lúc này rồi và cho rằng ông đã dâng sách ấy lên cho Lê Lợi từ đây. Thực ra, Lê Lợi đến tháng Giêng năm Mậu-tuất (1418) mới dựng cờ khởi nghĩa ở Lam-sơn và mấy năm đầu (có thể nói là 5 năm đầu, cho đến 1423) hoàn-toàn dựa vào những chiến-thắng quân-sự. Giai-đoạn này ta chưa trông thấy rõ lắm ảnh-hưởng của lối phối-hợp quân-sự và ngoại-giao mà Nguyễn Trãi chủ-trương như trong Quân-trung từ mệnh tập để bớt phải làm hao tổn xương máu của cả quân ta lẫn quân địch. Nói cách khác, lúc đầu chưa chắc Nguyễn Trãi đã được tin ngay, Lê Lợi còn nghe những người phụ giúp khác, có lẽ vì thế mà đến năm 1419, trong bài 22, Nguyễn Trãi còn nói ở tuổi 40 (trong hai câu 3-4):
Thế-sự người no ổi tiết bảy,
Nhân-tình ai ủ cúc mùng mười?

có nghĩa là tháng 7, ổi chín nên người ta tha hồ ăn no loại trái cây này, đâu còn ai “ủ” (= chăm nom, ủ ấp) “cúc mùng mười,” loại cúc quá đát vì người ta chỉ chơi cúc vào ngày trùng cửu mồng 9 tháng 9 mà thôi. Tóm lại, ở giai-đoạn này, Nguyễn Trãi chưa đến nỗi bi-quan, giọng bài thơ còn khá vui đời, tin tưởng, lạc-quan (câu 2: “Ngày tháng bằng thoi / một phút cười,” câu 5-6: “Thuyền chèo đêm nguyệt sông biếc, / Cây đến ngày xuân lá tươi.”) và lòng thanh thản (câu 7-8: “Phú quý chẳng tham / thanh tựa nước, / Lòng nào vạy mỗ [mà có thể làm cong được ta] hơi hơi [dù chỉ là tí chút].” Ông chỉ nhận-định một cách khá khách-quan: Trái cây cũng như hoa lá đều có mùa, ai gặp thời thì ăn, ai quá thời thì bị người ruồng bỏ, thế thôi! Rất khách-quan!
Ít năm sau (“ngoại tư mươi,” nghĩa là ít năm sau tuổi 40, khoảng đầu thập niên 1420) thì tâm-trạng ông đã đổi khác nhiều. Cuộc đời dưới mắt ông đã trở thành một bi-hài-kịch và cá-nhân ông tỏ ra khá bi-quan:
Ở thế nhiều phen thấy khóc cười,
Năm nay tuổi đã ngoại tư mươi.
Lòng người một sự yêm chưng một [mỗi sự là một ghét],
Đèn khách mười thu lạnh hết mười.
Phượng những tiếc cao, diều hãy lượn,
Hoa thì hay héo, cỏ thường tươi.
Ai ai đều có hai con mắt:
Xanh bạc dầu chưng mặt chúng cười.

Tình-hình là mới được dăm năm kháng-chiến, chưa biết ai được cái gì song sự kèn cựa đã thấy hiển lộ: gặp “phượng,” hàng vua của loài chim, thì người ta lại tiếc không cho nó bay lên cao, chỉ cho “diều” tức “diều hâu” (“vultures” trong tiếng Anh) thì tha hồ bay lượn, cũng tựa như “hoa (= cái đẹp) thì hay héo, cỏ (= cái tầm thường thì) thường tươi.” Chỉ may ra còn vớt vát được sự thật này: Người đời còn biết dành con mắt xanh cho người có giá và con mắt trắng (“bạc” ở thế-kỷ XIII cũng như thời Nguyễn Trãi có nghĩa là “trắng”) cho người mình không ưa hay khinh.
Đến tuổi 50 (vào năm 1429), trong bài 75 QÂTT, Nguyễn Trãi đã thấy “hổ” thẹn (= mắc cỡ) vì hồi trẻ còn thích đua đòi để có tiếng là học giỏi rồi sau đó “luỵ vì danh.” Giờ đây, ông chỉ còn muốn làm quen với cúc, với thông, còn “lượm chân tay” nghĩa là co chân co tay lại vì ngại đến chốn cửa quyền, dành thời giờ làm thơ, đọc sách. “Tuổi đã năm mươi, đầu đã bạc, / Ý còn bìu rịn lấy chi vay?” Nghĩa câu cuối: Vậy thì ý còn nấn ná, bị giữ chân lại, bịn rịn bởi cái gì? “Đi về sao chẳng về đi?” (dịch “Quý khứ lai từ” của Đào Tiềm)
Ít năm sau nữa, ở tuổi 52-53 gì đó (vào khoảng năm 1431-32, nghĩa là 10 năm trước khi ông gặp nạn), ông xem chừng đã hết tin ở người đời và chỉ còn biết trông vào trời cao (trong bài 40 QÂTT):
Lồng lộng trời / tư chút đâu!
Nào ai chẳng đội ở trên đầu?
Suông cửa ngọc / vân yên cách,
Giãi lòng đan / nhật nguyệt thâu.
Chim đến cây cao chim nghỉ đỗ,
Quạt hay thu lạnh quạt sơ thu.
Ngoài năm mươi tuổi / ngoài chưng thế,
Ắt đã tròn bằng nước ở bầu.

Một vấn-đề đặt ra ở đây bởi bài này cũng có thấy ghi trong Bạch-vân thi-tập (bài 59) của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585). Thành thử chúng tôi không dám mạnh miệng lắm khi khẳng-định đây là những tư tưởng của Nguyễn Trãi khoảng 10 năm trước khi ông chết. Đến đây, có lẽ ông đã chán đời làm quan vì tất cả những cái ganh tị nhỏ bé của người khác (như Lương Đăng trong việc ấn-định triều-nhạc) hay những âm-mưu của các bà vợ vua nhằm tìm cách đưa con mình lên làm thái-tử, nên ông đã hơn một lần xin về quê hưởng nhàn ở Côn-sơn (“Côn-sơn có suối nước trong, / Suối nghe róc rách như cung đàn cầm…” dịch bài “Côn-sơn-ca”). Song ông vẫn bị gọi ra, và mỗi lần ra là một lần bực mình - để cuối cùng phải chết thảm vì sự đam mê của vua với nàng Thị Lộ, tiểu-thiếp của ông.
Tới đây, ông kêu lên đến tận Trời cao (mà ta cũng có thể hiểu được là ngụ ý vua Lê Thái-tông nữa) song ông cũng không tin tưởng lắm, vì lời của ông chưa chắc đã thấu được đến Cửu Trùng. Đó có lẽ là ý như bản dịch nghĩa bài trên cho ta thấy:
Lồng lộng trời cao, đâu có tư-vị ai đâu!
Thì ai mà chẳng (phải) đội ở trên đầu?
Nhìn suông cửa ngọc (lên Thiên-đình) vì có mây khói che,
Phơi lòng đỏ (= trung) chỉ có mặt trời, mặt trăng thâu nhận.
Chim đến cây cao chim nghỉ đỗ [là chuyện đương-nhiên],
Quạt biết thu lạnh thì quạt phải thu về [cũng là dễ hiểu].
Ngoài năm mươi tuổi là cũng như ra ngoài trần-thế rồi,
Hẳn đã tròn được bằng nước ở bầu?

Nguyễn Ngọc Bích
Đồng Xuân, Bang Trinh Nữ
Ngày 19-VII-2007
Chú thích:1. Nguyễn Ngọc Bích, “Về lô-gích của cách đọc chữ Nôm,” Văn Học 234 (tháng 11&12, 2006), trang 40.
2. Trong một thời-gian khá lâu, từ khi Ức Trai di-tập, 7 cuốn (trong đó Quốc-âm thi-tập là cuốn cuối cùng), do Dương Bá Cung (1795-1868) thu thập trong vòng hơn 10 năm, được in thành sách (1868) cho đến năm 1956, người ta chỉ biết thơ Nguyễn Trãi qua một vài bài thơ Nôm lưu-hành (“Ả ở đâu mà bán chiếu gon?” và sách Gia-huấn-ca mà ngày nay gần như không còn ai xem là thơ của ông nữa). Đến năm sau này, lần đầu tiên Quốc-âm thi-tập được hai cụ Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm phiên âm toàn-bộ sang Quốc-ngữ (NXB Văn Sử Địa, 1956) song vì đây là lần đầu tiên cuốn sách được phiên âm sang Quốc-ngữ nên còn nhiều chỗ đáng ngờ. Ở trong Nam, Phạm Văn Diêu cũng có một bản phiên âm sang Quốc-ngữ nhưng chỉ lưu-hành rất giới-hạn trong học-giới. Bản phiên âm của Đào Duy Anh trong Nguyễn Trãi Toàn tập (NXB Khoa Học Xã hội, 1976) được xem là một bản mẫu mực song vẫn còn khá nhiều lỗi do lối làm việc tuỳ tiện của cụ. Ở bên Pháp, Paul Schneider (Xuân Phúc) có cuốn Nguyễn Trãi et son recueil de poèmes en langue nationale (Paris: CNRS, 1987) đưa ra được một vài cách phiên âm có cơ-sở hơn. Ở trong Nam rồi ra hải-ngoại, G.S. Lê Hữu Mục cũng đã hoàn-tất (tuy công-trình này mới chỉ được công-bố từng phần) một luận-án nghe đâu tới 1000 trang về cách đọc mà ông cho là chính-xác hơn hết. Ở đây, chúng tôi xin tạm theo bản phiên âm của Nguyễn Thạch Giang, Quốc âm thi tập (NXB Thuận Hoá, 2000), tuy cũng có chỗ chúng tôi chưa thể hoàn-toàn đồng-ý được. Bài 22 là ở trang 81 NT Giang 2000, bài 120 ở trang 215, bài 75 ở trang 158, và bài 40 ở trang 108.
3. NT Giang 2000:68-69.
4. Năm 1400, “nhà Hồ mở khoa thi Thái học sinh (Tiến sĩ). Lấy đậu 20 người, trong số đó có Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân…” (Viện Văn Học [Hoàng Trung Thông và ngkh], Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa của dân tộc, Hà Nội: NXB Khoa Học Xã Hội, 1980, trang 330)
5. Sau khi Hồ Quý Ly bị quân Minh đánh bại, cha con Hồ Quý Ly và các triều-thần bị bắt đưa về Trung-quốc, trong số có Nguyễn Phi Khanh, cha của Nguyễn Trãi. “Được tin cha bị bắt, Nguyễn Trãi cùng em là Nguyễn Phi Hùng đến chỗ quân Minh giam giữ tù binh để tìm cha, rồi hai anh em theo đoàn xe tù lên ải Nam-quan với ý định sang bên kia biên giới để hầu hạ cha già trong lúc bị cầm tù. Nguyễn Phi Khanh biết rằng ông đi chuyến này lả để không bao giờ trở về Tổ quốc nữa, cho nên nhân một lúc vắng vẻ, ông bảo Nguyễn Trãi rằng: ‘Con là người có học, có tài, nên tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu. Lọ là cứ phải đi theo cha khóc như đàn bà mới là hiếu sao?’ ... Nguyễn Trãi gạt nước mắt từ biệt cha và em rồi quay trở lại tìm con đường ‘rửa nhục cho nước, trả thù cho cha,’ đúng như lời giáo huấn [của ông].” (Viện Sử học [Đào Duy Anh và ngkh], Nguyễn Trãi Toàn tập, Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 1976, trang 13)
6. Trong một thời-gian lâu, vấn-đề Nguyễn Trãi về theo với khởi nghĩa Lam-sơn từ năm nào là một điều không rõ lắm. Theo Việt-sử thông-giám cương mục và một số tài-liệu từ thế-kỷ XIX (như Nhị-khê Nguyễn-tộc thế-phả và bài đề tựa Ức Trai di-tập của Nguyễn Năng Tĩnh) thì vào khoảng 1421 hay sau đó một chút, ông vào Lỗi-giang (ở Thanh-hóa) tìm gặp Lê Lợi và trao cho ông bản Bình Ngô sách. Nhưng cụ Hoàng Xuân Hãn, trong “Những Lời thề của Lê Lợi (Văn Nôm đầu thế kỷ XV)” (Tập san Sử Địa số 1/1966, trang 3-23, số 2, trang 11-28), và Đặng Nghiêm Vạn, trong “Tìm thấy gia phả dòng họ Lưu Nhân Chú” (Nghiên cứu lịch sử số 105, tháng 12/1967, trang 42-49, 56), đã chứng minh được là Nguyễn Trãi có mặt ở hội thề Lũng-nhai (1416), một điều được xác-nhận bởi một bản Lam-sơn thực-lục phát hiện được ở trong nhà dòng họ Lê Sát (Ty Văn hóa Thanh Hóa xb, 1978). Dựa vào những điều mới được phát hiện này, tập-thể tác-giả thuộc Viện Văn học Hà Nội, trong cuốn Nguyễn Trãi, khí phách và tinh hoa của dân tộc (sđd, trang 331) “tạm xếp việc dâng Bình Ngô sách vào thời gian này.” Chúng tôi cho đây là một sự hiểu lầm vấn-đề. Ráp tất cả các nguồn tin trên, cả mới lẫn cũ, chúng ta có thể hiểu như thế này:
- Năm 1416, Nguyễn Trãi có mặt ở hội thề Lũng-nhai cùng với 17 người khác để thề bồi với Lê Lợi là tham-gia vào kháng-chiến chống Minh. Lúc này, chưa có Bình Ngô sách.
- Hai năm sau, đến 1418, Lê Lợi mới thực-sự khởi nghĩa vì cần một thời-gian chuẩn-bị.
- Giai-đoạn đầu, 1418-1421, thuần quân-sự. Chưa có vấn-đề chiến-lược lớn.
- Năm 1421, đúc kết kinh-nghiệm mấy năm đầu kháng-chiến và có lẽ cũng để tiết-kiệm xương máu, Nguyễn Trãi mới có Bình Ngô sách với quan-niệm “tâm-công” (mà nhiều người đã hiểu lầm thành “công tâm,” đánh vào lòng người) để dâng lên Lê Lợi ở Lỗi-giang. Từ đó, vai trò của Nguyễn Trãi mới nổi bật khi Lê Lợi cho phép ông đem áp-dụng sách-lược mới, để có thể hạ được 14 thành mà không cần đến đổ máu (như ta thấy còn ghi trong Quân-trung từ mệnh tập).
7. Theo Viện Văn học 1980:57 thì Lỗi-giang là “tên một miền trên bờ sông Mã nằm giữa huyện Cẩm Thủy, huyện Bá Thước và huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa.” Cũng theo sách này, nơi cước-chú trang 331, thì “trước đây có tài liệu ghi rằng Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang năm 1420; một số tài liệu khác lại ghi: Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa và dâng Bình Ngô sách năm 1426.” Đã đến lúc ta phải dứt khoát cho những thông tin này là sai.
8. NT Giang 2000:43. Chữ cuối câu đầu, tôi chủ-trương đọc là “căn” thay vì “gian” như ta thấy trong hầu hết các bản phiên âm khác (Xem NN Bích, bđd, trang 44).
9. Xem chú-thích 6 trên đây.
10. Viện Sử học 1976:284.

THƠ NGUYỄN TRÃI

 
 
清 明

一 從 淪 落 他 鄉 去
屈 指 清 明 幾 度 過
千 里 墳 塋 違 拜 掃
十 年 親 舊 盡 消 磨
乍 晴 天 氣 摸 稜 雨
過 半 春 光 撕 句 花
聊 把 一 杯 還 自 彊
莫 教 日 日 苦 思 家

Thanh minh

Nhất tòng luân lạc tha hương khứ,
Khuất chỉ thanh minh kỷ độ qua.
Thiên lý phần oanh vi bái tảo;
Thập niên thân cựu tận tiêu ma.
Sạ tình thiên khí mô lăng vũ;
Quá bán xuân quang tê cú hoa.
Liêu bả nhất bôi hoàn tự cưỡng.
Mạc giao nhật nhật khổ tư gia.



Thanh minh

Ever since the disaster I have gone to a strange land.
I have counted on my fingers so many Thanh minh festivals going by.
Along a thousand miles the duty of sweeping the graves has been neglected.
For a decade my relatives and friends have gradually become entirely lost.
Suddenly the weather clears. The rain is barely felt.
It is half way through the splendour of spring when the đồ mi flower is offered.
I shall abandon myself to a cup of wine and once more strengthen myself
So that I shall not every day be bitter when I think of my family.

* Bản dịch tiếng Anh của O. W. Wolters.
 


Re: Sưu tập thơ Nguyễn Trãi
Posted by: Ho (62.132.1.---)
Date: January 11, 2005 06:19PM
歸 崑 山 舟 中 作

十 年 飄 轉 嘆 蓬 萍
歸 思 搖 搖 日 似 旌
幾 托 夢 魂 尋 故 里
空 將 血 淚 洗 先 塋
兵 餘 斤 斧 嗟 難 禁
客 裡 江 山 只 此 情
鬱 鬱 寸 懷 無 奈 處
船 窗 推 枕 到 天 明

Quy Côn Sơn Chu Trung Tác
Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình,
Quy tứ dao dao nhật tự tinh.
Kỷ thác mộng hồn tầm cố lý;
không tương huyết lệ tẩy tiên uynh.
Binh dư cân phủ ta nan cấm;
Khách lý giang sơn chỉ thử tình.
Uất uất thốn hoài vô nại xử,
Thuyền song thôi chẩm đáo thiên minh.

Written on the boat when returning to Côn Sơn (translated by O. W. Wolters)

A decade of restless change. Ah! I have been torn from my roots like floating tumbleweed.
My thoughts when I return tremble as though every day I am flapping like a flag.
I am always commissioning my dreaming soul to seek out the old village.
In my dreams I vainly wash the ancestral graves with tears of blood.
In the aftermath of war axes and hatchets, alas, are difficult to control.
As I travel among the rivers and mountains, there are only these feelings.
The heart cherishes its melancholy. There is nothing to be done,
Except lie sleepless at the window of the boat until daybreak.







傳家舊業只青氈
離亂如今命苟全
浮世百年真似夢
人生萬事總關天
壼白酒消塵慮
半榻風足午眠
惟有故山心未斷
何時結屋向梅邊

Hạ Nhật Mạn Thành
Truyền gia cựu nghiệp chích thanh chiên;
Ly loạn như kim mệnh cẩu tuyền.
Phù thế bách niên chân tự mộng;
Nhân sanh vạn sự tổng quan thiên.
Nhất hồ bạch tửu tiêu trần lự;
Bán tháp thanh phong túc ngọ miên,
Duy hữu cố sơn tâm vị đoạn,
Hà thì kết ốc hướng mai biên.

Complete satisfaction on a summer day (translated by O. W. Wolters)

All that remains of my family patrimony is only a pauper's garb.
In times of disturbances such as now I have just managed to stay alive.
A lifetime in the fickle world is truly like a dream.
One's existence in everything is wholly in Heaven's hands.
But a cup of wine will wash away the world's worries.
A narrow couch in the fresh wind is sufficient for a noonday nap.
As long as there is the old mountain, my heart is not yet broken.
When will be built the cottage facing the edge of the plum orchard?
Viện Việt Học


ĐỖ ĐÌNH TUÂN * NGUYỄN TRÃI

Tình yêu Côn Sơn trong thơ Nguyễn Trãi Đỗ Đình Tuân
Nguyễn Trãi sinh năm 1380 ở Thăng Long trong gia đình ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Đến năm 1385 thì cụ Trần Nguyên Đán xin cáo quan vè trí sĩ ở Côn Sơn. Về đây cụ đã cho xây dựng Thanh Hư động- một công trình kiến trúc nổi tiếng trong lịch sử. Trong bài Thanh Hư động ký , Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi có kể lại rằng: " Rồi ông xem xét đất đai, đo đạc hình thế, một hồi trống đánh lên, mấy vạn người xúm lại, phát lùm cây rậm rạp, san gò đá gồ ghề, dòng suối gạn trong, lối hoang mở rộng, có đủ nhân công vật liệu đắp móng xây tường, việc làm liên tiếp không đầy một tháng mà công trình xây trát kẻ vẽ đều đã hoàn thành. Chỗ cao hình vòm, chỗ thấp hình chảo. Nhìn chỗ xa, ngắm màu xanh, thu vẻ lạ quán nét đẹp, gồm biết bao cảnh trí để yên nghỉ hoặc vui chơ, gọi chung là động Thanh Hư ( có nghĩa là trong trẻo và lộng lẫy)" Sau khi động Thanh Hư được xây dựng thì cảnh trí của Côn Sơn càng trở nên thơ mộng. Cũng trong bài ký ấy, ở một đoạn khác,Nguyễn Phi Khanh đã tả rằng: " Khói đầu non ráng ngoài đảo gấm vóc phô bầy; hoa dọc suối cỏ ven rừng biếc hồng phấp phới. Bóng mát để nghỉ, chỗ vắng để ngồi, mùi thơm để ngửi, sắc đẹp để xem, phàm những hình ảnh trong mát, tiếng suối tuôn reo, xa vời mà hư không, sâu thẳm và yên lặng, hợp với tai mắt tâm thần người ta, ở đây đều có đủ cả".
Lúc ấy thì mẹ con Nguyễn Trãi cũng về Côn Sơn ở với ông ngoại, cho dù cha của Nguyễn Trãi vẫn đang dạy học ở Nhị Khê. Nhưng vì sao lại có việc này? Nguyên do như sau: thân phụ Nguyễn Trãi trước đây vốn tên là Nguyễn Ứng Long, người làng Chi Ngãi, huyên Phượng Sơn (nay thuộc Chí Linh), xuất thân nghèo khổ nhưng có tài và khá nổi tiếng trong giới nho sĩ ở Thăng Long. Vì thế mới được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán vời vào làm gia sư để kèm cặp một người con có tên là Trần Thị Thái. Không ngờ thày trò lại yêu nhau say đắm đến nỗi làm cô Thái có mang. Nguyễn Ứng Long hoảng quá bỏ chạy. Quan Tư đồ phải ngầm sai người đi dò tìm Ứng Long trở về và nói với Ứng Long rằng: "Người đời xưa đã có việc này, không thấy chuyện Văn Quân với Tương Như sao? Nếu được như Tương Như để tiếng về sau thì ta cũng bằng lòng". Và ông đã tác thành cho đôi trẻ. Cảm động trước tấm lòng ấy, Nguyễn Ứng Long đã ra công dùi mài kinh sử và đến khoa thi năm 1374, lúc ấy ông mới có 19 tuổi đã đỗ Tiến sĩ. Nhưng Thượng hoàng Nghệ Tông lúc đó đã phán rắng: " Bọn ấy lấy vợ con nhà phú quý, là kẻ dưới mà phạm người trên, bỏ không dùng". Vì thế mà suốt những năm còn lại của nhà Trần, Nguyễn Ứng Long phải về làng Ngọc Ổi (thuộc Thường Tín ngày nay) ngồi dạy học, còn vợ con vẫn phải ở lại nhà nhạc phụ. Như vậy là từ khi mới năm tuổi Nguyễn Trãi đã về sống ở Côn Sơn. Mối giao cảm đầu tiên của ông đối với thế giới bên ngoài chính là thiên nhiên và kiến trúc đầy thơ mộng của Côn Sơn. Đó chính là cái lý do rất tự nhiên khiến suốt cuộc đời mình, ông đã giành cho Côn Sơn một tình yêu đặc biệt. Có thể nói, cả đời ông chưa có tình yêu nào lại gắn bó thuỷ chung và bền chặt như tình yêu đối với Côn Sơn.
Chúng ta đã nói rất nhiều về lý tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi và chúng ta cũng biết ông đã tận tuỵ chiến đấu để thực hiện lý tưởng ấy như thế nào. Nhưng về cuối đời không phải không có lúc Nguyễn Trãi cũng cảm thấy bi quan bế tắc; thậm chí có lúc ông còn phủ nhận cả ý nghĩa của cuộc đời:
Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư
Giác lai vạn sự tổng thành hư
(Đời người chỉ là cái thừa của giấc mộng kê vàng
Lúc tỉnh lại muôn việc đều trở thành không cả)
Ngẫu thành
Hoặc:
Đời người trong trăm tuổi
Rốt cuộc như thảo mộc
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau
Một tươi một héo vẫn tương tục
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên
Chết rồi ai vinh với ai nhục
Côn Sơn ca
Và không phải không có lúc Nguyễn Trãi đã tự trách mình:
Bình sinh vu khoát chân ngô bệnh
Vô thuật năng y lão cánh gia
(Viển vông vốn thật là bệnh của ta
Không thuật gì chữa được mà già càng thêm nặng)
Ngẫu thành
Nhưng riêng tình yêu đối với Côn Sơn của ông thì dường như lúc nào cũng gắn bó và vẹn nguyên:
Thập niên phiêu chuyển thán bồng bình
Quy tứ dao dao nhật tự tinh
(Mười năm xiêu dạt thân mình như cỏ bồng cánh bèo
Lòng muốn về lay láy ngày nào cũng như cờ phất)
Quy Côn Sơn chu trung tác
Đọc thơ ông, ta thấy dường như trong suốt những năm tháng bận rộn đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cho lý tưởng nhân nghĩa, chưa một lúc nào ông quên cái mảnh đất Côn Sơn muôn quý ngàn yêu đối với ông. Cho nên, có lúc thì nhớ Côn Sơn trong giấc ngủ:
Cố sơn tạc dạ triền thanh mộng
Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền
(Núi cũ đêm qua vấn vương vào mộng nhẹ
Trăng chứa đầy sông Bình Than, rượu đầy thuyền)
Mạn hứng
Có lúc ông lại nhớ Côn Sơn khi vừa tỉnh giấc:
Mộng giác cố viên tam kính cúc
Tâm thanh hoạt thuỷ nhất âu trà
(Tỉnh mộng nhớ vườn cũ có ba rặng cúc
Rửa lòng cho sạch có nước chảy với một âu trà)
Mạn hứng III
Nhiều khi nhớ Côn Sơn quá mà không về thăm được thì ông về Côn Sơn trong giấc mộng:
Miến tưởng cố viên tam kính cúc
Mộng hồn dạ dạ thượng quy đao
(Nhớ nhung vườn cũ có ba rặng cúc
Hồn mộng đêm đêm vẫn lên thuyền để về)
Thu nhật ngẫu thành
Và nỗi nhớ nhung ấy nhiều khi trở thành một nỗi buồn thương vô cùng cảm động. Trong bài Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác, ông viết:
Nhất biệt gia sơn kháp thập niên
Quy lai tùng cúc bán tiêu nhiên
Lâm tuyền hữu ước na kham phụ
Trần thổ đê đầu chỉ tự liên
Hương lý tài qua như mộng đáo
Can qua vị tức hạnh thân tuyền
Hà thì kết ốc vân phong hạ
Cấp giản phanh trà chảm thạch miên.
Nghĩa là:
Từ khi đi khỏi núi nhà đã vừa mười năm
Trở về thì tùng cúc đã nửa hoang rậm
Có hẹn với rừng suối sao ta nỡ phụ
Gục đầu nơi đất bụi chỉ tự thương mình
Làng quê mới qua như thấy chiêm bao đến
Can qua chưa dứt may được vẹn chiếc thân
Bao giờ làm được nhà ở dưới gió mây
Để múc nước khe nấu trà và gối đá ngủ.
Sau loạn về Côn Sơn, thấy cảnh vườn nhà tiêu điều hoang rậm ông đã không sao cầm lòng được và ông đã thương cảm như muốn khóc. Tình thương Côn Sơn của ông ở đây thật đúng như tình thương đối với một người thân, như đối với một mảnh máu thịt của mình vậy.
Cũng bằng những xúc động rưng rưng như thế, nhưng ở bài khất nhân hoạ Côn Sơn đồ tình cảm của ông còn não nuột hơn:
Bán sinh khâu hác phế đăng lâm
Loạn hậu gia hương phí mộng tầm
Thạch bạn tùng phong cô thắng thưởng
Giản biên mai ảnh phụ thanh ngâm
Yên hà linh lạc trường kham đoạn
Viên hạc tiêu điều ý phỉ cầm...
Nghĩa là:
Nửa đời phải bỏ cái thú leo trèo khe núi
Sau loạn quê nhà chỉ phí chiêm bao mà tìm về
Gió tùng trên bậc đá không có ai thưởng thức
Bóng hoa mai bên suối đành phụ thú ngâm nga
Thấy yên hà vắng vẻ lòng ta muốn đứt
Thấy vượn hạc tiêu điều tâm ý khó cầm...
Gắn bó với Côn Sơn như vậy, cho nên khi cuộc đời Nguyễn Trãi gặp bế tắc trên con đường thực hiện lý tường nhân nghĩa thì tình yêu Côn Sơn đã lên tiếng gọi và thôi thúc ông trở về đây sống cuộc đời nhàn dật. Về Côn Sơn càng ngày càng trở thành một niềm khao khát đối với ông:
Như kim chỉ ái sơn trung túc
Kết ốc hoa biên độc cựu thư
(Như nay ta chỉ muốn ở trong núi
Làm nhà bên hoa và đọc sách xưa)
Ngẫu thành
Cho nên khi được về sông ở Côn Sơn, ông cảm thấy nhẹ nhàng và sung sướng lắm:
Côn Sơn có suối nước trong
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm
Côn Sơn có đá tần vần
Mưa trơn rêu sạch ta nằm ta chơi
Côn Sơn thông tốt ngất trời
Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do
Côn Sơn trúc mọc đầy gò
Lá xanh bóng rợp tha hồ tiêu dao.
Côn Sơn ca
(Theo bản dịch của Nguyễn Trọng Thuật)
Hình như, ngoài bài Côn Sơn ca ra thì các bài thơ chữ Hán ông viết về Côn Sơn đều được sáng tác trong hoàn cảnh ông phải sống xa quê hay trong những lúc ông ghé thăm ít bữa mừng mừng tủi tủi rồi lại đi. Cho nên tình cảm thường rất thiết tha cảm động. Đến những bài thơ viết về Côn Sơn trong Quốc âm thi tập thì lại khác. Phần lớn những bài này đều được Viết khi Nguyễn Trãi đã về sống ở Côn Sơn. Có lẽ chỉ có bài Bảo kính cảnh giới số 28 là được viết trong những ngày cuối cùng khi ông còn ở Thăng Long :
Nghìn dặm xem mây nhớ quê
Chẳng chờ cởi ấn gượng xin về
Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại
Hai chữ công danh biếng vả vê...
Bài thơ cũng cho ta biết chuyện về Côn Sơn của Nguyễn Trãi lúc bấy giờ là không bình thường. Hình như ông ở trong tình trạng tuy chưa mất chức nhưng đã bị nghi ngờ và không được tin dùng nữa. Ông bắt đầu thấy chán ghét công danh nên mới "Chẳng chờ cởi ấn gượng xin về". Nghĩa là chưa giả chức, mới là nghỉ tạm, nghỉ chờ chứ chưa nghỉ hẳn. Tuy vậy nghĩ đến chuyện được về Côn Sơn là lòng ông đã cảm thấy nhẹ nhõm và hào hứng lắm: "Một bầu phong nguyệt nhàn tự tại/Hai chữ công danh biếng vả vê". Có lẽ ngay sau đó là ông về Côn Sơn sống một cuộc đời rất bình dị và thanh đạm. Ông ở trong những gian lều cỏ, kiến trúc rất sơ sài và tạm bợ:
Chụm tự nhiên một thảo am
Dầu lòng đi bắc miễn về nam.
Thuật hứng,19
Trong nhà cũng chỉ thấy có một chiếc giường thấp, một nồi hương, một cây đàn, mấy cuốn sách...Thậm chí còn không dùng cả đèn dầu và chổi quét, bởi lẽ:
Gió tịn rèm thay chổi quét
Trăng kề cửa khỏi đèn khêu.
Nghĩa là ông đã lấy trăng làm đèn và lấy gió làm chổi. Ngoài cái ngôi lều tạm ấy ra, những người hàng xóm gần gũi và thân thiết của ông là núi, là chim, là mây, là nguyệt:
Núi láng giềng,chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam.
Thuật hứng, 19
Nguồn sống thì dựa vào cái: "Vườn còn thông trúc đáng năm mẫu" (Mạn thuật, 2); cái "Ruộng đôi ba khóm đất con ong" (Thuật hứng, 11); cái "Ao cạn vớt bèo thả muống" (Thuật hứng, 24). Cũng có khi ông còn phải nhờ cả đất vườn của nhà chùa Côn Sơn này:
Ao quan thả gửi hai bè muống
Đất bụt ương nhờ một lảnh mùng
Thuật hững, 23
Cho nên bữa ăn của Nguyễn Trãi thường rất đạm bạc "cơm ăn chẳng quản dưa muối":
Hôm dao đủ bữa bát cơm xoa
Ngôn chí, 17
Hoặc:
Lành thay cơm cám được no ăn
Trần tình, 2
Đến cái mặc của Nguyễn Trãi cũng thật bình dị "Aó mặc nài chi gấm thêu". Nhiều bài thơ như những bức chân dung tự hoạ ông tả như thế này: chân đi hài gai, hoặc hài cỏ; mùa rét thì sỏ thêm đôi bít tất cũng thấy đã cũ rách:
Miệt bở hài gai khăn cóc
Xuềnh xoàng làm mấy đứa thôn dân
Mạn thuật, 2
Nhưng lòng ông lại cảm thấy tự hào và thanh thản làm sao:
Hài cỏ đẹp chân đi đủng đỉnh
Aó bô quen cật vận xênh xang
Tức sự, 4
Tâm hồn Nguyễn Trãi lúc này hoàn toàn không để ở công danh phú quý, không để ở ăn ngon mặc đẹp. Trái lại ông đắm mình vào trong cái thế giới thiên nhiên tạo vật kỳ thú của Côn Sơn:
Say minh nguyệt chè ba chén
Thú thanh phong lều một gian
Ngỏ cửa nho chờ khách đến
Trồng cây đức để con ăn
Mạn thuật, 5
Hoặc:
Bẻ cái trúc hòng phân suối
Quét con am để chứa mây
Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá
Rừng tiếc chim về ngại phát cây
Mạn thuật, 6
Những "say", những "thú", những "tham", những "tiếc" ấy nói lên tất cả cái thiết tha đằm thắm của Nguyễn Trãi đối với cảnh vật Côn Sơn. Trong thơ ông, từ hình ảnh một ngày đi núi:
Con cờ quay, rượu đầy bầu
Đòi nước non chơi quản đâu
Đạp áng mây, ôm bó củi
Ngồi bên suối, gác cần câu...
Trần tình, 5
Đến một buổi chiều vãng cảnh:
Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay
Trông thế giới phút chim bay
Mạn thuật, 4
Cho đến một buổi tối thưởng hoa:
Quét trúc bước qua lòng suối
Thưởng mai về đạp bóng trăng
Ngôn chí, 15
Ở đâu ta cũng thấy hiện ra một Nguyễn Trãi rất phóng khoáng và ung dung tự tại. Có thể nói Nguyễn Trãi đã sống ở Côn Sơn một cuộc sống tuyệt vời trong sáng và tinh khiết, một cuộc sống đầy văn hoá như ánh sáng, như khí trời vậy:
Tiên thư sổ quyển cửu sinh nha
Cơ thực tùng căn tước nhật hoa
Trúc hữu thiên can lan tục khách
Trần vô bán điểm đáo sơn gia
(Mấy quyển sách tiên là vốn sinh nhai
Đói ăn rể thông và hớp ánh nắng
Trúc có ngàn cây để ngăn khách tục
Bụi không nửa hạt bén vào căn nhà trong núi)
Sống trong sáng, sống đam mê với cảnh vật Côn Sơn, thực chất cũng chỉ an ủi, chỉ khuây khoả được đôi phần nỗi đau đời của Nguyễn Trãi. Trong đáy sâu tâm hồn ông vẫn cứ dây dưa một nỗi buồn không thể nguôi đi được:
Thấy nguyệt tròn thì kể tháng
Nhìn hoa nở mới hay xuân
Bài 102, QÂTT
Đôi khi ông cũng như người ngất ngưởng dở tỉnh dở say:
Ngỏ tênh hênh nằm cửa trúc
Sây lểu thểu đứng đường thông
Bài 61, QÂTT
Ông hoài nghi con người và chán ghét thế sự:
Dễ hay ruột bể sâu cạn
Khôn biết lòng người ngắn dài
Sự thế dữ lành ai hỏi đến
Bảo rằng ông đã điếc hai tai
Bài 6, QÂTT
Nhưng chưa bao giờ ông quên trách nhiệm của một kẻ sĩ đối với đất nước, gia đình và xã hội:
Còn có một lòng âu việc nước
Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ trung
Bài 68, QÂTT
Hoặc nữa:
Tơ tóc chưa hề báo sở sinh
Già hoà lủ tủi nhiều hành
Chông gai nhẹ đường danh lợi
Mặn lạt no mùi thế tình
Sách một hai phiên làm bầu bạn
Rượu năm ba chén đổi công danh
Ngoài chưng phần ấy cầu đâu nữa
Cầu được ngồi coi đời thái bình.
Bài107, QÂTT
Nguyện vọng "ngồi coi đời thái bình" là một tư tưởng lớn và khá cháy bỏng trong tâm hồn Nguyễn Trãi:
Mọi sự đã chăng còn ước nữa
Nguyện xin được thấy thuở thăng bình
Tự thán, 27
Có thể nói tình cảm của Nguyễn Trãi đối với Côn Sơn vừa là một biểu hiện tự nhiên của tình yêu quê hương đất nước, lại vừa là một thái độ chính trị, một quan điểm nhân sinh của một nhân cách lớn. Đồng thời nó cũng là một nỗi đau lớn, một bế tắc lớn của một lý tưởng xã hội không thể được thực hiện trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Lúc ấy Nguyễn Trãi tuy mới độ năm mốt năm hai tuổi nhưng những cuộc tranh quyền đoạt lợi thời hậu chiến của các phe cánh trong triều đình nhà Lê lại vô cùng khốc liệt và phức tạp. Một con người như Nguyễn Trãi không thể nào hoà nhập được. Tuy rất đau lòng nhưng ông cũng không còn cách nào khác là phải tự tách mình ra để tìm đến những thú riêng. Và cái thú riêng của ông chính là trở về sống nhàn dật ở Côn Sơn:
Tròn sáu mươi dư tám chín thu
Lưng gầy da xỉ dáng lù khù
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào-Hứa
Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng-Chu
Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc
Gian lều cỏ đội đức Đường-Ngu
Tơ hào chẳng có đền ơn chúa
Dạy láng giềng mấy sĩ nho.
Ngôn chí, 143
Cộng cả hai thời kỳ, Nguyễn Trãi có khoảng 17 năm sống ở Côn Sơn và ông đã giành cho Côn Sơn một tình yêu thật đặc biệt. Tình yêu ấy đã tạo nên một nguồn thi ca rất phong phú trong cả Ưc Trai di tập và đặc biệt là trong Quốc âm thi tập. Tình yêu ấy từ lâu đã trở thành linh hồn của di tích lịch sử văn hoá Côn Sơn. Ngày nay, khi về thăm Côn Sơn, có lẽ phải đi qua cánh cửa thi ca mới có thể trực tiếp gặp được tâm hồn Nguyễn Trãi. Và gặp lại tâm hồn Nguyễn Trãi ta sẽ thấy danh thắng Côn Sơn giầu thi vị thêm rất nhiều.
Đỗ Đình Tuân


THƠ NGUYỄN TRÃI


 記友
半生世路嘆屯邅,
萬事惟應付老天。
寸舌但存空自信,
一寒如故亦堪憐。
光陰焂忽時難再,
客舍凄涼夜似年。
十載讀書貧到骨,
盤惟苜蓿坐無氈。

 Ký hữu
Bình sinh thế lộ thán truân chiên,
Vạn sự duy ưng phó lão thiên.
Thốn thiệt đãn tồn không tự tín,
Nhất hàn như cố diệc kham liên.
Quang âm thúc hốt thời nan tái,
Khách xá thê lương dạ tự niên.
Thập tải độc thư bần đáo cốt,
Bàn duy mục túc, toạ vô chiên.

Gửi bạn 
 (Người dịch: Trúc Khê) 
Truân chuyên từng ngán bước đường đời,
Muôn việc đành thôi phó mặc trời.
Tấc lưỡi còn đây thường tự tín,
Thân nghèo mãi thế đáng thương thôi.
Lạnh lùng khách xá đêm dài mấy,
Vùn vụt quang âm bóng xế rồi.
Đọc sách mười năm nghèo đến tuỷ,
Ăn không rau đậu, chẳng chiên ngồi. 


 


題南花禪房
 半生丘壑羨幽凄,
禪法分明聽鳥啼。
萬里南來山水遠,
一生能幾過曹溪。 

Ðề Nam Hoa thiền phòng
Bán sinh khâu hác tiện u thê,
Thiền pháp phân minh thính điểu đề.
Vạn lý Nam lai sơn thuỷ viễn,
Nhất sinh năng kỷ quá Tào Khê. 

Đề ở phòng thiền Nam Hoa 
 (Người dịch:Nguyễn Thiên Thụ)
 Nửa đời nương náu chốn sơn khê, 
Chim kêu vượn hú thảy đều nghe..
 Phương Nam sông núi xa ngàn dặm,
Một đời mấy bận đến Tào Khê!

 
聽 雨
寂寞幽齋裏
終宵聽雨聲
蕭騷驚客枕
點滴數殘更
隔竹敲窗密
和鐘入夢清
吟餘渾不寐
斷續到天明
Thính Vũ 
Tịch mịch u trai lý
Chung tiêu thính vũ thanh
Tiêu tao kinh khách chẩm
Điểm tích sổ tàn canh
Cách trúc sao song mật
Hoà chung nhập mộng thanh 
Ngâm dư hồn bất mị
Đoạn tục đáo thiên minh
Nghe Mưa
 (Người dịch:Nguyễn Thiên Thụ)
Vắng vẻ chốn thư trai
Suốt đêm nghe mưa rơi
Tiếng mưa lay gối khách
Tí tách suốt đêm dài
Mưa rơi ngoài song cửa
Tiếng chuông hòa giấc mộng
Đứt nối đến sáng mai 

 


崑山歌

崑山有泉
其聲冷冷然
吾以為琴弦
崑山有石
雨洗苔鋪碧
吾以為簞席
岩中有松
萬里翠童童
吾於是乎偃息其中
林中有竹
千畝印寒綠
吾於是乎吟嘯其側
問君何不歸去來
半生塵土長膠梏
萬鐘九鼎何必然
飲水飯蔬隨分足
君不見董卓黃金盈一塢
元載胡椒八百斛
又不見伯夷與叔齊
首陽餓死不食粟
賢愚兩者不相侔
亦各自求其所欲
人生百歲內
畢竟同草木
歡悲憂樂迭往來
一榮一謝還相續
丘山華屋亦偶然
死後誰榮更誰辱
人間箬有巢由徒
勸渠聽我山中曲


Côn sơn ca

Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh lãnh lãnh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn Sơn hữu thạch,
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đạm tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn lí thuý đồng đồng
Ngô ư thị hồ yển tức kì trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm tiếu kì trắc.
Vấn quân hà bất quy khứ lai
Bán sinh trần thổ trường giao cốc?
Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên,
Ẩm thuỷ phạn sơ tuỳ phận túc.
Quân bất kiến: Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ,
Nguyên Tái hồ tiêu bát bách hộc.
Hựu bất kiến: Bá Di dữ Thúc Tề,
Thú Dương ngạ tự bất thực túc ?
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
Diệc các tự cầu kì sở dục.
Nhân sinh bách tuế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
Tử hậu thuỳ vinh cánh thuỳ nhục.
Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ,
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc. 



CÔN SƠN CA 
Bản dịch của học giả Đào Duy Anh

Côn Sơn có khe,
Tiếng nước chảy rì rầm.
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa xối rêu xanh đậm,
Ta lấy làm chiếu thảm.
Trên núi có thông,
Muôn dặm rờn rơn biếc một vùng,
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in biếc lục,
Ta tha hồ ca ngâm bên gốc.
Ngươi sao còn chửa về đi!
Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc,
Muôn chung, chín đỉnh có làm gì?
Nước lã, cơm rau miễn tri túc,
Ngươi chẳng thấy Ðổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà?
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề?
Thú Dương chết đói không ăn thóc?
Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
Cũng đều muốn thoả lòng sở dục.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc như thảo mộc.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn tương tục.
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi ai vinh với ai nhục?
Nhân gian nếu còn bọn Sào Do,
Khuyên hãy nghe ta ca một khúc.
 






No comments:

Post a Comment