Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 14 December 2016

NGUYỄN ANG CA =BÙI GIÁNG =

NGUYỄN ANG CA * LÀNG BÁO SAIGON

Kể chuyện làng báo Sài gòn 35 năm về trước
Nguyễn Ang Ca
Cố văn sĩ Bình Nguyên Lộc có nói: «Trong làng báo có ba cây viết vừa nhà báo, vừa nhà binh cùng mang tật nói lắp. Đó là Nguyễn Bính Thinh, Nguyễn Đạt Thịnh và Nguyễn Ang Ca, cả ba đều cà lăm khi gặp phải chuyện xúc động hoặc trước... phụ nữ đẹp »
Hình: Nguyễn Ang Ca [1989]

Quả thật An Khê và tôi có lắm sự trùng hợp  ngẫu nhiên. Cùng họ Nguyễn và bút hiệu bắt đầu bằng chữ An, tuy chữ Ang của tôi có G, nhưng phần lớn khi biên thư, các bạn hay gọi tôi là An Ca. Anh An Khê và tôi cùng giống nhau giấy căn cước: sanh tại làng Tân Hưng, tỉnh Sa Đéc. Khi chánh thức lãnh lương nhà báo, mang danh xưng ký giả chuyên nghiệp trùng một năm:1950. Tôi và anh An Khê có một người anh chung trong nghề nghiệp, một «nghĩa huynh» mà chúng tôi kính yêu như cùng chung huyết thống: anh Bình Nguyên Lộc. Chưa hết, anh An Khê và tôi cưới vợ một lượt năm 1950.
Anh An Khê tên thật là Nguyễn Bính Thinh, con trai của cố bác sĩ Nguyễn Bính (không phải là nhà thơ Nguyễn Bính), gốc người Trà Vinh. Bác sĩ Nguyễn Bính là vị y sĩ Đông Dương xuất thân khóa đầu tiên ở trường Thuốc Hà Nội. Khi còn đi học, bác sĩ Nguyễn Bính làm thơ Đường và viết sách lấy biệt hiệu là Biến Ngũ Nhy.
Ông bà bác sĩ Nguyễn Bính (bà vốn là cô đỡ ở nhà thương Phủ Doãn, Hà nội) có tất cả 11 người con (4 trai, 7 gái). Trong số anh trai của An Khê có người anh thứ tư là dược sĩ kiêm tiến sĩ khoa học, ông Nguyễn Bính Tiên, từng có nhà thuốc tên Pharmacie Tiên ở đường Bonard (sau nầy là Lê Lợi) ngang bịnh viện Saigon. Xuất thân từ báo Đọc ThấyĐời Mới của cụ Trần Văn Ân, viết hai loại truyện dã sử (ký tên Cửu Lang) và tình cảm (ký Vân Nga). Có một thời, độc giả rất say mê theo dõi loạt truyện dã sử của Cửu Lang như Xương máu Phiên Ngung, Người anh hùng mặt sắt (Mai thúc Loan), Đoàn quân ma (Trần Quốc Toản), Ngai vàng sụp đổ. Còn loại truyện tình cảm của Vân Nga như: Ánh sáng đô thành, Cây kiếng vàng…rất được nữ độc giả hoan nghinh.
Khi giã từ anh Huỳnh Hoài Lạc (gốc người Long Xuyên), chủ nhiệm báo Thời Cuộc (thay cố chủ nhiệm Đinh Xuân Tiếu bị ám sát chết một lượt với ký giả Nam Quốc Cang), tôi sang đầu quân cho nhựt báo Tiếng Chuông của ông Đinh Văn Khai, cũng gốc  người Long Xuyên.
Còn anh An Khê thì chia tay với cụ Trần Văn Ân (gốc người Thốt Nốt, Long Xuyên) sang giúp cho báo Dân Đen của ký giả Nguyễn Duy Hinh. Thời kỳ 1950-60, ký giả Nguyễn Duy Hinh có biệt tài viết phóng sự điều tra, rất sôi nổi, anh Hinh lại có tài «quậy», tạo nên nhiều tin giựt gân, hấp dẫn độc giả.
Ngoài ra, anh An Khê còn lãnh viết feuilleton cho báo Buổi Sáng của Tam Mộc Mai Lan Quế và báo Công Nhân của ký giả Trần Tấn Quốc (chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Công Trần Quốc Bửu cho mượn manchette). Vào thời nầy, anh chị Đinh Văn Khai rất phiền Nguyễn duy Hinh vì đang cộng tác và được ưu đãi ở nhựt báo Tiếng Chuông, anh Hinh tách ra lập báo Dân Đen và đăng một loạt bài công kích anh Đinh Văn Khai một cách kịch liệt.
Anh chị chủ nhiệm báo Tiếng Chuông cũng rất buồn anh Tam Mộc, bởi anh chủ nhiệm báo Buổi Sáng, ở phụ tranh hài hước, với bút hiệu Tám Móc hay phụ họa theo anh Nguyễn Duy Hinh để soi mói đời tư của anh chị Đinh Văn Khai. Lúc đó, người em thúc bá với Tam Mộc là tướng Mai Hữu Xuân có nhiều quyền uy, nên tuy tức tối, anh chi Khai chẳng dám có phản ứng gì!
Trong lúc An Khê có đất dụng võ ở ba tờ báo lớn, anh suýt chút nữa lại làm bể nồi cơm của một phóng viên. Số là ngoài bút hiệu Vân Nga, tên con gái đầu lòng, truyện tình cảm của An Khê viết cho Buổi Sáng, anh còn ký tên vợ là Trương Thanh Vân.
Ở tòa soạn báo Tiếng Chuông có phóng viên kiêm nhiếp ảnh viên Quốc Phượng (có khuôn mặt và nụ cười rất giống với  tôi, nên tại tòa soạn báo Tiếng Chuông thường xảy ra lắm chuyện nực cười khi nữ độc giả đi tìm tên thiệt của Trương Thanh Vân). Thường chủ báo buộc cộng tác viên không được viết cho báo khác (ngoại trừ tiểu thuyết gia viết feuilleton và thông tín viên ăn tiền từng bản tin), huống chi báo Tiếng Chuông đang căng thẳng với báo Buổi Sáng, nên anh chị Đinh Văn Khai cằn nhằn Quốc Phượng» ăn cây nào sao không rào cây đó» lại nỡ  «ăn cơm tôi mà lại tiếp tay kẻ khác để hại tôi».
Quốc Phượng thề bán mạng là tên Trương Thanh Vân trên báo Buổi Sáng không phải của anh, nhưng chủ nhiệm báo Tiếng Chuông nhứt định không tin, cho người móc nối với thợ sắp chữ Buổi Sáng đem bản thảo của Trương Thanh Vân về coi, nhưng vì bản thảo đánh máy nên oan tình của Quốc Phượng vẫn không giải tỏa, có miệng mà chẳng thể kêu oan, mà có kêu nào ai tin!
Một hôm Quốc Phượng nhờ An Khê chở đi sân Cộng Hòa xem đá banh, vì chiếc xe Lambretta của Quốc Phượng bị hỏng máy. Nhìn cái plaque ở xe mô tô của An Khê có mang tên chủ xe là Trương Thanh Vân, hỏi rõ, Quốc Phượng la lên :
- Trời ơi, ông báo hại tôi bị nghi oan, suýt bể nồi cơm đây, ông nội ơi!
Rồi thay vì nhờ An Khê đưa vào sân Cộng Hòa, Quốc Phượng kêu An Khê chở về đường Gia Long, đến tòa soạn Tiếng Chuông để làm sáng tỏ nỗi oan…Thị Kính.
Sau nầy, khi có dịp tâm sự với tôi, Quốc Phượng kể lúc ông bà Đinh Văn Khai giận, nếu không có sự can thiệp của họa sĩ Phạm Thăng và ký giả Phong Đạm (cũng như các anh Huyền Vũ, Lê Tân, Phong Đạm người gốc Phan Thiết, chuyên phụ trách trang trong. Nhỏ con mà kết duyên một lượt với hai chị em, sản xuất trên chục con…) thì QP đã bị tống ra khỏi báo Tiếng Chuông rồi !
Chỉ trong khoảng thời gian từ 1958-1972, An Khê đã viết trên 200 loạt truyện đủ cỡ, đủ loại, và có lúc, anh dám lãnh viết feuilleton một ngày cho…13 tờ báo. Nhiều anh em trong làng thấy mỗi ngày, anh và con gái anh thay nhau chạy giao bài cho các báo, có lúc phải đưa thẳng bản thảo cho nhà in, vì ấn công đang ngóng cổ đợi bài, anh em đã gọi đùa An Khê là phụng hoàng Lê Thành Các, cua rơ đại tài của làng xe đạp đã tạo nhiều kỷ lục phi thường trên lộ trình có nhiều đèo cao dốc cả!
Mà quả thật, trong làng văn làng báo từ xưa đến lúc đó, chưa ai viết nhanh, viết khỏe như An Khê, và trong cuộc đời sở trường viết feuilleton của An Khê, có lắm giai đoạn thật ly kỳ đặc biệt mà anh em chúng tôi còn nhớ kỹ.
Hại anh Trần Tấn Quốc gần nổi khùng
Viết truyện trinh thám, gián điệp, sau Phú Đức Nguyễn Đức Nhuận (Châu về hiệp phố), Viên Hoành, Nam Đình…nhưng trước Phi Long (Bàn tay máu), Bùi Anh Tuấn (Z28) rất lâu; anh An Khê dành bút hiệu Nguyễn Bính Long (tên một người anh đã qua đời) viết một loạt truyện điệp báo, mật vụ, phản gián (X30 trong lưới nhện)
Sau 1975, Cộng Sản có cho phát hành một cuốn truyện trinh thám và chúng đã mượn tên X30 của Nguyễn Bính Long. Đó là quyển X30 phá lưới có nhắc lại thời kỳ ông Thiệu  khi còn là trung úy, tùng sự ở Huế. Quyển truyện nầy nghe đâu do nhà văn Nguyễn Minh Lang ở Hà Nội viết, nhưng về sau lại có hai người khác giành quyền tác giả với Nguyễn Minh Lang.
Sau đây tôi nhắc lại chuyện anh An Khê đáp lời mời của ký giả Trần Tấn Quốc viết truyện Rừng Sát hấp hối cho báo Công Nhân. Lúc đó là trào chánh phủ Ngô Đình Diệm, cụ Ngô mới dẹp xong Bình Xuyên, đang xúc tiến tổ chức quốc hội lần 2. An Khê về Rạch Giá ứng cử dân biểu, nhưng bị ăn gian nên lọt sổ. Vì kẹt ở Phú Quốc nên phải viết bài gởi về qua « Air VN » cho nhà báo. Thay vì đề Trần Tấn Quốc, chủ nhiệm nhật báo Công Nhân, 216 Gia Long Saigon, An Khê lại viết chình ình ngoài phong bì: Rừng Sát hấp hối, rồi địa chỉ nhà báo. Có lẽ An Khê nghĩ rằng đề phong bì như vậy, anh chủ nhiệm khi được thơ khỏi phải mở ra coi mà đưa thẳng cho ấn công để tranh thủ thời gian không bị trể bài.
Bấy giờ Bộ Thông Tin uy quyền rất rộng lớn, chế độ kiểm duyệt báo chí khắt khe, ngoài giám đốc báo chí trực thuộc Bộ Thông Tin, anh em làng báo còn bị đè nặng do áp lực của cơ quan Mật vụ.  Cơ quan nầy cũng có văn phòng đặc trách báo chí mà các ông chủ báo rất ngán hai ông Thái Đen, Thái Trắng còn hơn thợ săn đêm ngán gặp cọp.
Tại Tổng Nha Bưu Điện, nhân viên soạn thơ, kiểm duyệt thơ thấy có một phong bì dầy cộm có đề chữ Rừng Sát hấp hối, sợ hỏa tam tinh nên báo cáo lên trưởng phòng. Ông nầy ớn da gà không dám mở ra xem mới trình lên chánh sự vụ, ông nầy cũng phát hoảng hớt ha hớt hải đi trình ông phó giám đốc. Ông Phó đưa phong bì cho ông giám đốc xem.
Trong lúc đó, ở tòa soạn, anh Trần Tấn Quốc ngóng đợi bài của anh An Khê, vì anh em ấn công thúc hối, đang sốt ruột cả mấy bữa thì được thư mời khẩn lên gặp Giám đốc Bưu Điện Saigon. Đến chừng anh Quốc gặp ông giám đốc Nhà Dây Thép, thư được mở ra, mới biết đó là truyện dài của An Khê. Lòng vòng cả tuần lễ và dĩ nhiên anh chủ nhiệm báo Công Nhân phải thay chuyện Rừng Sát hấp hối bằng một chuyện khác.
Trong làng báo lúc bấy giờ, anh Trần Tấn Quốc nổi tiếng có tay nghề cứng, lại vô cùng tôn trọng độc giả mà phải để bài đăng dang dở, lại thêm phải mất công mặc đồ lớn đi gặp chánh quyền khi đang bù đầu «mise » tờ báo, khiến anh Quốc gần phát khùng, nổi sùng An Khê luôn!
Thoạt đầu, Nguyễn Bính Thinh rất bất mãn anh Bình Nguyên Lộc
Phi Vân nghỉ Tiếng Chuông đi làm cho báo Dân Chúng, Nguyễn Kiên Giang được ông bà Đinh Văn Khai mời về làm Tổng thơ ký. Kiên Giang liền mời An Khê về thay Phi Long (tức Ngọc Sơn) để viết truyện gián điệp. Nhưng chủ nhiệm báo Tiếng Chuông lại muốn An Khê viết chuyện dã sử ký là Cửu Lang vì bút hiệu nầy được nhiều độc giả các báo quen biết.
An Khê đánh máy 25 trang bài tóm lược câu chuyện đưa cho tòa soạn Tiếng Chuông. Y ngày hẹn, An Khê đến tòa báo, hỏi điều kiện thì chủ nhiệm và chủ bút Tiếng Chuông đưa An Khê đi gặp nhà văn Bình Nguyên Lộc. Khi đó, Bình Nguyên Lộc vừa về xem trang trong cho Tiếng Chuông, sắp xếp lại bài vở, phụ trang. Gặp An Khê, anh Lộc nói :
- Tôi có đọc các truyện của anh, từ gián điệp đến dã sử. Theo tôi, anh viết truyện tình cảm ướt át lâm ly và hấp dẫn lắm. Anh lại có «fond» hơn bà Tùng Long nhiều, anh yên chí và tự tin đi. Tuần sau, anh đem bài truyện tâm tình đến tôi.
Khi đó, An Khê trong bụng oán trách anh Bình Nguyên Lộc vì từ chủ nhiệm đến chủ bút đều OK cốt chuyện, tại sao anh Lộc lại còn làm khó dễ? Anh Bình Nguyên Lộc còn góp ý :
- Bút hiệu Vân Nga, Trương Thanh Vân đã cũ, Nhuyễn Bính Long thì có vẻ đấm đá quá! Anh nên lấy một bút hiệu mới, không ai biết…là ai mới được! Mình phải tạo cho độc giả yếu tố bất ngờ, tò mò, tìm hiểu...
Rồi chính anh Bình Nguyên Lộc đề nghị :
- Anh là một sĩ quan từng chết hụt trên đoạn đường Qui Nhơn-Pleiku cùng với tướng Nguyễn Khánh. Theo tôi, anh nên chọn bút  hiệu An Khê để kỷ niệm cuộc vào sanh ra tử trong cuộc đời binh nghiệp.
Sau nầy, tại tòa soạn báo Tiếng Chuông, có lần anh An Khê nói cho tôi biết :
- Anh Bình Nguyên Lộc đã chơi đòn tâm lý, nói tôi không lẽ lại chẳng thể viết bằng Ngọc Linh, Sĩ trung, Thanh Thủy, Dương Hà, Trọng Nguyên hay sao? Và khi tiểu thuyết Người vợ hai lần cưới được đăng ở báo Tiếng Chuông dưới bút hiệu An Khê, báo Tiếng Chuông tăng số bán ở đô thành lên cả ngàn số. Anh Đinh Văn Khai tươi rói nét mặt, cả anh Bình Nguyên Lộc và tôi cũng không ngờ kết quả khả quan ngoài sức tưởng tượng.
Ba mươi năm trước, tôi còn là một ký giả trẻ trung, nhanh nhẹn hay chọc đùa anh em ở tòa soạn. Mỗi lần thấy anh An Khê cỡi mô tô lại tòa báo giao bài, tôi gọi Việt Quang, Trường Sơn, Phong Đạm, Phạm Thăng  rồi nói: 
- Ê, người vợ chưa từng tắm lại kìa !!
Về sau, soạn giả Thái Thụy Phong điều đình với An Khê để lấy cốt chuyện Người vợ hai lần cưới dựng thành vỡ tuồng Hai chuyến xe hoa cho Thanh Minh, Thanh Nga. Tại rạp Hưng Đạo, dù trời mưa, đoàn TMTN đã diễn vỡ tuồng nầy trọn 19 đêm, đợt sau ba tuần lễ mà vẫn đông khách nhờ tiểu thuyết đã đăng báo Tiếng Chuông và tài diễn xuất của nữ nghệ sĩ Thanh Nga.
Bạn Hoàng Anh Tuấn nhanh tay lấy cốt chuyện quay phim và nhà xuất bản Sống Mới cũng hốt bạc bộn bàng khi xuất bản quyển Người vợ hai lần cưới.
Một tiểu thuyết thứ hai của An Khê cũng được đưa lên sân khấu Thanh Minh, đó là truyện Bơ vơ, do Nhị Kiều dựng, mà tôi thường gọi đùa là Bỏ vợ. Một đêm nọ, khi gặp tôi trong hậu trường Thanh Minh Thanh Nga, An Khê khều tôi bảo nhỏ :
- Nè, từng mê «kỳ nữ» Kim Cương, đừng có làng chàng đến «tài nữ» Thanh Nga nghe, tía nó !
Tôi phá lại An Khê :
- Còn anh? Coi bộ anh cũng mê mệt bà Bầu Thơ lắm đó nhe. Và anh nên nhớ là tôi lớn hơn Thanh Nga nhiều.
An Khê lắc đầu:
- Mà anh lại nhỏ tuổi và bảnh tẽn hơn…Đổng Lân ! Anh có đọc truyện nầy không ? «Xin đừng gọi anh bằng… chú»!
Không chịu thua, tôi hù An Khê :
- Anh mà chạy theo Bà Bầu, coi chừng tướng Lam Sơn. Ỏng dữ lắm, hay bắn bậy lắm đấy!
Vợ tôi đứng bên cạnh nghe nói, cằn nhằn:
- Anh An Khê thật thà lắm, đừng phá ảnh.
An Khê phát cà lăm:
- Nè, bồ gi..ỡn điệu đó, bà xã tôi nghe được bã  đô.. ốt xe mô..m.tô của t.. ôi đó !
Những cuộc «đảo chánh» trong làng báo
Ngoài đời, có những cuộc đảo chánh, binh biến để giành quyền lực, còn trong làng báo cũng có những cuộc đảo chánh nữa sao?
Từ thập niên 1960-1970, trong làng báo miền Nam có xảy ra hai cuộc đảo chánh làm chấn động dư luận.
Cuộc đảo chánh thứ nhứt do anh Nguyễn Kiên Giang chủ động. Từ vai tuồng Tổng thơ ký tòa báo Tiếng Chuông, « anh Hai » chiêu dụ Trường Sơn và mấy cây viết chủ lực về giúp anh Dương Chí Sanh làm một tờ báo mới (dường như tờ Saigon Thời Báo?). Nghĩ rằng không phải ký giả chuyên nghiệp như các anh Nam Đình, Trần Tấn Quốc, Phạm Việt Tuyền, Vũ Ngọc Các, Tam Mộc, Hồ Anh, Hà Thành Thọ…, nên nếu tòa soạn mất thành phần chủ lực, anh Đinh Văn Khai sẽ phải sập tiệm tức khắc. Anh Nguyễn Kiên Giang còn điều đình các cây bút chuyên viết feuilleton cúp ngang xương truyện đang viết cho Tiếng Chuông để sang viết cho tờ báo mới ra lò.
Nhưng anh Giang quên rằng trong làng báo, có nhiều người tuy không phải là thợ viết, nhưng lại có lắm sáng kiến, có tài tổ chức, biết cách điều hành tờ báo. Trong số nầy có bạn Trương Hồng Sơn (tổ chức biên tập cho báo Tin sáng) và anh Đinh Văn Khai.
Có gần gũi anh Đinh Văn Khai mới biết được biệt tài của anh. Biết khai thác các tin «local», theo dõi từng feuilleton từ báo nhà đến báo người để xem bộ truyện nào ăn khách, và các bài xã luận đều do ý anh đề ra. Anh cũng đích thân xem «bản vỗ cuối cùng»  trước khi đem trình bộ Thông tin kiểm duyệt, duyệt xét lại cái «tít» bài, để khỏi sơ suất có thể bị đóng cửa (vì ấn công, đa số còn trẻ, hay trửng giỡn như trường hợp một tờ báo kia có cái tít : «Cuộc kinh lý của Tổng Thống Ngô Đình… Chậu», báo hại tờ báo suýt bị sạt nghiệp)
Để phá anh Đinh Văn Khai, vợ chồng Nguyễn Kiên Giang  đến nhà An Khê bảo đem tiểu thuyết «Người yêu không thể cưới» đang đăng dở dang ở Tiếng Chuông sang Thời Báo. Biết An Khê là người tình cảm, rất yêu quý bạn bè,  Nguyễn Kiên Giang cầm tay bị thương của anh và nói :
- Tụi mình là bạn nối khố, không bao giờ bỏ nhau!
An Khê đang lưỡng lự chưa dứt khoát thái độ thì anh chị Đinh Văn Khai đi đòn tâm lý cao đến năn nỉ bác sĩ Nguyễn Bính, thân phụ của An Khê, nhờ can thiệp vì nếu Người yêu không thể cưới bỏ ngang Tiếng Chuông mà sang cưới nhau ở Thời Báo thì Tiếng Chuông chắc chết.
Cha mẹ An Khê từ lâu là độc giả Tiếng Chuông khuyên anh ăn ở sao cho phải đạo.
Tình cờ gặp tôi, An Khê hỏi :
- Ca ơi, mỏa phải làm sao? Anh chị Khai rất điệu với mỏa, còn Nguyễn Kiên Giang là bạn cũ, cùng dân Rạch Giá, cùng lận đận từ thời Đọc Thấy của anh hai Ân.
Tôi đáp :
- Anh và tôi là hai thằng…duy tâm. Chủ trương của anh em mình giống như đại ca Bình Nguyên Lộc, thà người phụ mình chớ mình đừng phụ người.
Anh Bình Nguyên Lộc cũng lên tiếng :
- Có một giải pháp tốt, không ai phiền hà anh hết. Cứ để nguyên Người yêu không thể cưới cho Tiếng Chuông, anh viết một truyện khác cho Nguyễn Kiên Giang.
Thế là An Khê viết một tiểu thuyết mới tựa là « Người đàn bà hai tim » cho Thời Báo.
Ngày nào báo ra, hai bà Dương Chí Sanh, Nguyễn Kiên Giang đều đọc trước phê bình :
- Tiểu thuyết mới cũng hay mà sao không mùi mẫn hấp dẫn như Người yêu không thể cưới.
Còn cuộc đảo chánh thứ hai xảy ra ở báo Dân Ta của anh Nguyễn Vỹ.
Người chỉ huy cuộc đảo chánh là Nguyễn Thế Trung, cựu phát hành viên và quản lý báo Lẽ Sống. Anh Trung không phải là ký giả, nhưng có tài phát hành báo, giao dịch mật thiết với các nhà phát hành như Nam Cường, Đồng Nai, Thống Nhứt và cặp rằng phân phối báo.
Là quản lý của Dân Ta, thấy tờ báo đang bán mạnh, Nguyễn Thế Trung điều đình với Nguyễn Minh Châu (anh Châu đã có giấy phép xuất bản Dân Tiến mà chưa có phương tiện ra báo nên nhường quyền khai thác cho Nguyễn Thế Trung) để ra báo Dân Tiến và kéo cả ban biên tập Dân Ta về Dân Tiến.
Buổi sáng, Nguyễn Vỹ ôm cartable đến tòa báo làm việc, chưng hửng khi thấy tòa soạn vắng tanh, trước sự việc như vậy chỉ còn biết kêu trời. Báo Dân Ta phải tự đình bản cả tuần, nhưng khi tái bản bị mất trớn, mất độc giả, lỗ lả nặng nề.


LÊ DINH * 50 NĂM ÂM NHẠC

NT 142 - tháng 01 - 2006

LÊ DINH

50 NĂM ÂM NHẠC



Nhạc phẩm đầu tay của tôi, do nhà Xuất bản Tinh Hoa Miền Nam ấn hành, ra đời ngày 18 tháng 7 năm 1956, năm tôi 22 tuổi: đó là bài Làng Anh Làng Em. Thấm thoát đã đúng 50 năm tôi cầm bút và cầm đàn. Có nhiều bạn đọc, sau khi xem Thúy Nga Paris By Night số 70, thắc mắc về số tuổi của tôi, cắc cớ hỏi tôi vậy chớ anh (tức là tôi) có khai thêm tuổi không? Xin trả lời, tôi sinh năm Giáp Tuất và năm nay là năm Bính Tuất, 6 lần 12 con Giáp đã đi qua với tuổi của tôi rồi. Nếu nói về năm Dương lịch thì tôi sinh năm 1934, và bước qua 2006, tới ngày 8 tháng 9 này là đã 72 lần mùa Xuân qua đời tôi. Và tiện đây, nhân ngày tư ngày Tết, tôi cũng có vài điều muốn nói với quý thân hữu và những người đã mến mộ nhạc Lê Dinh từ nửa thế kỷ nay, và cũng để giải đáp thắc mắc của một số độc giả muốn tìm hiểu đôi điều bốn chuyện về chúng tôi, những chuyện từ trước đến nay chưa có ai nói tới.

Trước nhất là về cái tên. Cách nay 7 năm, nhân dịp tham dự một buổi họp mặt do một nhà thơ thân hữu ở Montréal tổ chức đón tiếp thi sĩ Hà Huyền Chi từ Lacey (WA) qua thăm bạn bè ở Montréal, có một ông khách hỏi sao tôi lấy tên Lê Dinh? Tôi trả lời rằng tên trong khai sinh của tôi làø Lê văn Dinh, chữ Lê Dinh lấy từ đó ra, chỉ bỏ bớt chữ "văn" cho đỡ luộm thuộm mà thôi. Ông bạn này mỉm cười khó hiểu và thú thật cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu ý nghĩa cái mỉm cười của ông khách lạ này. Có lẽ theo ông, tên tôi không lấy gì làm văn hoa cho lắm, không biết có phải vậy không? Nói về cái tên trong giới nhạc sĩ, phần đông lấy tên thật của mình làm tên riêng, có khi giữ nguyên, có khi bỏ bớt chữ giữa, có khi bỏ bớt chữ đầu hoặc chữ cuối. Cũng có những nhạc sĩ lấy những tên lạ hoắc, không ăn nhập gì tới cái tên trong khai sinh, nhưng có một ý nghĩa riêng tư nào đó, rất quýù đối với họ. Tôi cũng thường hay nói với bạn bè trong giới sáng tác rằng tôi sinh ra ở làng Vĩnh Hựu của tỉnh Gò Công năm xưa (Bây giờ Gò Công không còn là tỉnh nữa) cho nên dù có muốn - cũng như nhiều nghệ sĩ khác, lấy tên nơi chôn nhau cắt rún của mình - tôi cũng không thể lấy được biệt danh Lê Vĩnh Hựu, vừa khó đọc, vừa khó nhớ. Những làng kế cận làng Vĩnh Hựu của tôi cũng đều bắt đầu bằng chữ Vĩnh, như Vĩnh Trị, Vĩnh Viễn, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thạnh... nếu tôi sinh ra ở Vĩnh Trị, tôi có thể lấy tên Lê Vĩnh Trị chẳng hạn, để ghi nhớ quê hương của mình như các nhà văn Hà Kỳ Lam, Trà Lũ... ghép hay lấy tên nơi sinh trưởng để làm biệt danh của mình, vì dù sao Lê Vĩnh Trị còn nghe được hơn là Lê Vĩnh Hựu (người bình dân miền Nam sẽ đọc là Lê Dĩnh Hụ). Người bạn lâu năm của chúng tôi là nhạc sĩ Minh Kỳ, tên thật là Vĩnh Mỹ, người hoàng phái, đã qua đời từ 31 năm nay, cho nên tôi rất lấy làm tiếc vì cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu do đâu anh lấy tên Minh Kỳ để rồi không bao giờ còn hỏi được nữa. Còn nhạc sĩ Anh Bằng, tên thật là Trần An Bường, rồi sửa "trại" ra là "Anh Bằng", nghe đâu anh cũng lấy tên từ một con sông hay một cái làng nào ở miền Bắc, nơi sinh trưởng của anh. Ngày xưa, tôi và Minh Kỳ thường hay nói giỡn chơi với Anh Bằng rằng không ai khôn bằng anh, lấy biệt danh Anh Bằng thì già trẻ bé lớn gì cũng phải gọi anh bằng "anh" hết. Nhất là phái nữ, khi nói chuyện với Anh Bằng thì thế nào cũng bắt đầu bằng tiếng "anh" ngọt xớt: Anh Bằng ơi... Nhạc sĩ sáng tác có tên bắt đầu bằng "Anh" khá nhiều như Anh Việt, Anh Thy, Anh Huy, Anh Hoa, Anh Sơn, Anh Việt Thu, Anh Việt Thanh v.v... nhưng chưa thấy nhạc sĩ nào cả gan lấy tên bắt đầu bằng chữ "Ông" cả.

Nhắc đến Minh Kỳ, trước khi thành lập nhóm Lê Minh Bằng, Minh Kỳ và tôi thường hay sáng tác chung. Anh có biệt tài viết nhạc rất nhanh, nhưng nhanh mà hay chứ không phải nhanh mà dở. Chẳng hạn như trường hợp bài "Cánh thiệp đầu Xuân". Một buổi trưa vào khoảng tháng 11 năm 1964 (Giáp Thìn), gần đến Tết Ất Tỵ, anh đến nhà tôi ở cư xá Chu Mạnh Trinh (Phú Nhuận) bằng chiếc Lambretta trắng của anh. Nghe tiếng Lambretta quen thuộc từ xa là tôi biết anh Minh Kỳ đến. Đưa cho tôi bản nháp một bài nhạc chưa có tên, anh bảo tôi xem lại và viết lời gấp để kịp cho trình bày trong dịp Xuân, ngày mai phải có tựa bài và lời ca cho anh. Biết tính ý nóng nảy và gấp rút của anh, tôi nhận bản thảo anh đưa và báo hại đêm đó, tôi phải thức đến quá nửa khuya mới hoàn tất bài "Cánh thiệp đầu Xuân" mà sau này và cho mãi đến bây giờ, mỗi dịp Xuân về, quý độc giả thường nghe nhiều ca sĩ trình bày qua làn sóng phát thanh cũng như ở những buổi nhạc hội mừng Xuân:
Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng
Xuân đến rồi đây nào ai biết không
Mang những hoài mong đi vào ngày tháng
Bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang...

Hôm sau, Minh Kỳ đến xem bản nhạc đã hoàn tất và chúng tôi ngồi lại hát thử, anh bảo rằng chắc chắn bài này sẽ "ăn". Chữ "ăn" đây là ăn khách, có nghĩa là sẽ được nhiều người ưa thích và như vậy sẽ tái bản nhanh. Mà quả thật vậy, khi bài hát này được trình bày vài lần trên đài phát thanh, anh Lê Mộng Bảo, giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam liền tìm chúng tôi để hỏi mua bản quyền xuất bản vĩnh viễn và liên tiếp rất nhiều năm sau nữa, bản nhạc này được tái bản nhiều lần.

Nhưng chưa hết, sau khi lấy bài nhạc "Cánh thiệp đầu Xuân" và trước khi ra về, Minh Kỳ còn trao cho tôi một bài khác, cũng nhạc không thôi, chưa có lời, chưa có tựa và nhịp điệu rộn rã, có vẻ Xuân, bảo tôi làm tiếp lời thêm một bài nữa cũng về... Xuân. Cầm bản nháp trong tay, sau khi Minh Kỳ ra về rồi, tôi mới nghĩ thật khó mà viết lời cho hai bản nhạc cùng đề tài Xuân mà không giống nhau. Cũng lại phải nửa đêm thức trắng để tìm cách viết lời ca sao cho khác đi, và vài ngày sau, một bài về Xuân thứù hai ra đời, có cái tựa "Hạnh phúc đầu Xuân" như sau:
Thắm thoát là đây, một mùa Xuân mới với ngàn cánh mai vàng
Nụ cười trên môi, trên làn má ai đón Xuân tươi vừa sang
Biết chúc chi đây, khi làn gió Xuân về, giấy trắng ghi lại đôi giòng nhạc tâm tư, làm thơ trao duyên, gửi người đôi câu chúc nhau "hạnh phúc đầu Xuân".
Xuân nay tôi chúc, người miền biên cương...

Nhạc phẩm này sau đó cũng do nhà Xuất bản Tinh Hoa Miền Nam mua đứt bản quyền xuất bản.

Về nguồn gốc của ca khúc "Thương đời hoa", tôi viết năm 1959, khi biết tin qua báo chí, một nữ sinh Gia Long tên Lan (?) bị bà vợ của người yêu đánh ghen và tạt nước cường toan vào mặt, hủy hoại nét mỹ miều trên gương mặt của một cô nữ sinh xinh đẹp. Tin này gây xúc động cho mọi người, không những chỉ nam giới mà cho cả nữ giới. Nếu tôi là đàn bà, khi nổi máu Hoạn Thư, tôi tạt "acide" vào mặt ông chồng tôi, chứ không nở phá hủy một nụ hoa hàm tiếu như thế. Với tâm hồn đa cảm của một nhạc sĩ ở lứa tuổi 25, tôi không thể không cảm xúc được cho nên viết đôi dòng nhạc thương cảm để tặng người con gái xấu số chưa hề quen biết này:
Buồn viết nên bài ca
Vì nhớ thương đời hoa
Mặn mà thay lúc đầu, dịu dàng khoe sắc màu, nhìn dòng đời vui biết bao.
Ngày ấy nay còn đâu
Vì xác hoa tàn mau
Ngại ngùng hoa biếng cười, vì đời hoa úa rồi mà thời gian lạnh lùng trôi...

Có nhiều độc giả cũng như thân hữu hỏi tôi tại sao tôi viết bài "Nếu mai này" (1972) nghe thảm thiết quá vậy, nhất là khi nghe Thế Sơn trình bày trong chương trình Thúy Nga Paris By Night 70, với phần hòa âm rất đặc sắc của Tùng Châu, nhắm mắt lại, chúng ta tưởng tượng như một đoàn người mặc đồ đen, âm thầm, lặng lẽ bước sau chiếc xe tang, đưa người bạc phước về nơi chín suối. Thú thật, tôi viết bài này khi tôi nhìn thấy sự giả dối trong trường hợp của riêng tôi, mà có lẽ cũng là của không ít bạn bè quen biết, qua những mối tình thề non hẹn biển nhưng chỉ là những lời đầu môi chót lưỡi. Còn sống bên nhau mà đã phản bội nhau rồi thì khi một người về chốn âm cảnh, kẻ còn lại dương thế, đừng che mắt thế gian bằng cách ôm hoa đi viếng mộ, đốt vài cây nhang, lấy mù soa chậm nước mắt, khiến linh hồn người chết không thanh thản về miền miên viễn được:
Nếu mai anh chết, xin em đừng tìm vào nghĩa trang nghe
Xin em đừng vờ thương người cũ, đặt vòng hoa tưởng nhớ
Nếu mai anh chết, đừng quấn khăn tang, để lãng quên duyên ban đầu và hồn anh được nghĩ yên một giấc thiên thu.

Nhưng cũng không nên quơ đũa cả nắm những người tình một thuở đó, cũng có người rất chân thành như một người đã cho tôi lời nói chân thành đáng yêu trong giai đoạn đời son trẻ, bay bướm của tôi mà tôi nhớ lại và lấy làm lời kết thúc bài "Biển Dâu", đó là 7 chữ "Tôi yêâu người còn hơn yêu tôi":
Em về ôm phận thương đau
Tình vui được buổi ban đầu
Tình buồn không biết bao lâu
Lệ nhạt nhòa qua những đêm thâu
Cho dù dâu biển chia phôi
Chiều nao nhìn áng mây trôi
Người ơi còn nhớ nhung lời:
"Tôi yêu người còn hơn yêu tôi"
Cũng trong chiều hướng tốt đẹp này, tôi được biết có một trường hợp thật đáng đề cao tấm lòng chung thủy của người con gái. Đó là chuyện một người bạn nhạc sĩ nổi tiếng, rất thân với tôi, vào tháng tư năm1975, anh đã ra đi bất cập không một lời từ giã người yêu, một nữ ca sĩ, đã từ bao năm gắn bó. Nàng vẫn chờ, một năm, hai năm rồi ba năm, người ra đi vẫn biệt tâm, không có tin tức gì gửi về nhà, cô này vẫn đợi... Thỉnh thoảng cô ta gặp tôi, với nét mặt buồn hiu, hỏi thăm tin tức về người yêu, nhưng tôi cũng như cô thôi, đâu có nhận được thư từ gì của ông bạn. Nhưng có lẽ vì sự thúc bách của gia đình nên cô phải lấy chồng. Đám cưới của cô, tôi có tham dự. Nhưng tôi biết chắn chắn rằng cuộc hôn nhân tạm bợ này không kéo dài được và quả nhiên, không lâu sau đó họ ly dị và cho đến ngày tôi vượt biên, hơn 3 năm sau, lòng cô vẫn còn vương hình bóng của người yêu cũ và cô vẫn đợi chờ.

Trong một bữa tiệc cưới, tôi ngồi gần một người khách không quen. Qua câu chuyện, ông khách này biết tôi là tác giả bài "Chữ Tình", ông hỏi tôi làm thế nào mà tôi viết được một bài nhạc nói đúng tâm trạng của những người đang yêu quá vậy? (Có lẽ ông cũng đang ở trong tâm trạng này chăng?). Tôi nói thì thời thanh xuân, cũng ba chìm bảy nổi, chết đuối trồi lên hụt xuống bao nhiêu bận rồi mới lấy đó làm kinh nghiệm để viết chứ. Thử hỏi có kẻ nào đang yêu mà được yên ổn sống phẳng lặng trong hạnh phúc không? Người ta bảo "Yêu nhau lắm cắn nhau đau", mà thật vậy, yêu nhiều thì ghen nhiều. Ghen thật cũng có mà ghen vu vơ cũng có. Ghen thật rồi buồn dằn vặt thì không nói làm gì. Nhưng ghen vu vơ rồi sợ sệt, sợ người yêu ngoạïi tình rồi nay hờn mai giận, tối ngày sống trong khắc khoải lo âu thì mới đáng nói. Thấy người yêu thân mật với một kẻ khác - không phải là mình - thì mặt mày ủ rũ, buồn ơi là buồn. Vắng mặt người yêu đôi ba ngày thì thấy dài như đôi ba tháng, vắng mặt đôi ba tháng thì thấy dài như đôi ba năm. Tình yêu là liều thuốc bổ, đem lại cho con người sự hăng say làm việc nhưng tình yêu cũng là liều thuốc độc giết dần giết mòn kẻ bị người yêu cho mọc sừng:
Chữ tình, thuốc đắng đã trao nhau
Uống vào, chuốc lấy lắm thương đau,
U sầu và héo hắt, lo âu đêm ngày
Chữ tình là sông dài bóng mát
Chữ tình là đêm dài thức trắng,
Chữ tình một khi uống vào đầy mặn, ngọt, chua, cay.

Về sự hợp tác làm ăn, người ta kỵ nhất con số 3, cũng như khi có 3 người cùng chung với nhau mở một công ty hay hùn hạp làm ăn chuyện gì. Trong quân đội, "tam tam chế" thì được, nhưng trong công việc làm ăn, rất kỵ khi có 3 người kết hợp. Trường hợp của chúng tôi, 3 người: Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng, lấy tên chung là Lê Minh Bằng, hợp tác với nhau từ năm 1966 để mở lớp nhạc Lê Minh Bằng ở đường Hai Bà Trưng, thành lập ban Sóng Mới trên Đài Phát Thanh Saigon, phụ trách tổ chức Tuyển lựa ca sĩ ở rạp Quốc Thanh, và làm cố vấn cho hãng dĩa cùng nhà xuất bản Sóng Nhạc của Ông Nguyễn Tất Oanh ở đường Phạm Ngũ Lão. Thoạt tiên, ông Nguyễn Tất Oanh (đã qua đời) bảo rằng không được vì là 3 người, xui lắm. Chúng tôi không tin, cho đó là dị đoan, hơn nữa chúng tôi 3 người, một Nam, một Trung, một Bắc, có lẽ đó là ngoại lệ, sự xui xẻo không áp dụng cho trường hợp của chúng tôi. Ông chủ nhà in Tương Lai trong Chợ Lớn, nơi chúng tôi in nhạc lúc mới bắt đầu hợp tác, là một người Tàu, cũng nói: "À cái lày không được đâu nị, chếch à". Nhưng chúng tôi cũng không tin. Nhưng rồi 9 năm sau CS vào, Minh Kỳ, người luôn luôn bảo rằng khi Việt cộng tới thì anh phải chạy tị nạn ngay, đem theo một đứa con trai lớn để nối giòng, nhưng rồi anh ở lại để chỉ 5 tháng sau, anh chết một cách oan uổng và phi lý ở trại giam. Và Anh Bằng với tôi, hai người còn lại cũng phải ở hai nơi xa xôi, cách nhau hơn 4,000 dặm, có gặp nhau cũng 5, 3 năm mới gặp nhau một lần. Người ta bảo "Có thờ, có thiêng, có kiêng, có lành", ở trường hợp của chúng tôi, biết vậy nhưng không làm sao được. Ba anh em chúng tôi - tam ngu thành hiền - trong vấn đề làm việc cũng như trong vấn đề tình cảm, tính tình, đều bổ túc cho nhau, thiếu một trong ba người là không thể nào thành công được.

Thoáng một chốc, đã 30 năm, hết nửa đời người. Ngày đặt chân lên vùng đất lạ, sức khỏe còn sung mãn, mái tóc còn đen mun, thế mà giờ đây, qua sinh hoạt hàng ngày, tôi thấy tôi "bóng dâu đã xế ngang đầu", càng ngày càng gần với đất hơn. Rồi đi về đâu? Người ta bảo đó là "chín suối mười suối", hay "cửu tuyền thập tuyền", "thiên đàng địa ngục" gì đó, đố ai biết được? Nhưng có lẽ mình sẽ gặp lại những người đã đi trước và về nơi đó trước mình, trước nhất là ông bà cha mẹ, thân nhân, rồi sau đó là bạn bè thân thích. Có điều chắc chắn là nơi đó không có hận thù mà chỉ có yêu thương, nơi đó chỉ có yên vui, không có buồn phiền, không có phản trắc. Rồi Minh Kỳ cũng làm nhạc đưa Lê Dinh viết lời cho thật gấp. Rồi tôi cũng sẽ thức trắng đêm để viết bài, không phải "Hạnh phúc đầu Xuân" mà bài "Hạnh phúc vĩnh cửu" và cùng Minh Kỳ đèo nhau trên chiếc xe Lambretta màu trắng của anh, rong chơi khắp chốn trong cõi yên bình miên viễn.




THƯ CỦA GS. NGUYỄN VĂN PHÚ

THƯ GỬI CON CHÁU

Thưa lão hữu,
Trong những dịp chuyện trò với nhau ở trụ sở trong khi chờ đợi các con đến đón, chúng
ta đã đồng ý với nhau về một số vấn đề và lão hữu bảo tôi nên viết các điều ấy ra để
cho con cháu đọc, vì lão hữu tay run quá, muốn viết cũng không được. Đặc biệt là năm
nay là tròn 30 năm tỵ nạn, cho nên cần làm sáng tỏ một số việc cho các con, nhất là
các cháu, hiểu. Mấy tháng vừa rồi, tôi đã gắng tuân theo lời của lão hữu; nay coi như
việc đã tạm xong. Để dễ trình bày ý kiến, tôi viết dưới dạng một bức thư của bố mẹ gửi
cho các con. Kính mời lão hữu nhàn lãm, rồi sửa đổi và bổ túc cho, đa tạ.


Các con thân yêu,
Nay, bố mẹ tuổi đã 80, thế cũng là khá thọ so với các thế hệ trước bố mẹ. Bố mẹ đã
nhiều lần nói chuyện với các con về một số vấn đề, nhưng không phải lúc nào cũng có
đủ các con cùng nghe. Hơn nữa, không chắc các con đã nhớ hết những lời nói của bố
mẹ. Vì thế mới có lá thư này để tóm tắt những ý kiến chính mà bố mẹ muốn gửi đến
các con. Còn các cháu thì chỉ nói mà ít đọc được tiếng Việt, nên các con hãy liệu cách
truyền đạt lại ý của bố mẹ và giảng giải cho các cháu biết, chẳng những biết mà phải
hiểu kỹ những điều bố mẹ viết ra đây ngày hôm nay.
Biết Ơn. Các con ạ, trên đường tỵ nạn cộng sản, tìm tự do, chúng ta đã bỏ lại tất cả,
tài sản, bàn thờ và mồ mả tổ tiên. Khi đến định cư nơi quê hương thứ hai này, chúng ta
đã được chính quyền và dân chúng đón tiếp và giúp đỡ. Hiện nay, đời sống của chúng
ta đã ổn định. Chúng ta phải biết ơn đất nước này và hãy tìm cách góp phần làm cho
đất nước này tươi đẹp hơn, giàu mạnh hơn để đền đáp phần nào cái ơn đó.
Lý Do Tỵ Nạn. Các con cần giảng rõ cho các cháu biết lý do nào đã khiến cho gia
đình chúng ta tới đây cùng với hàng vạn gia đình khác, đó là: chúng ta tỵ nạn cộng
sản, đi tìm tự do. Các cháu được sống trong một xã hội dân chủ, tự do từ lúc mới sinh
ra nên không thể tưởng tượng nổi tính dối trá và các thủ đoạn nham hiểm của cộng
sản. Các cháu khó có thể tin được tại sao con người đối với nhau mà lại tàn ác như
vậy. (Có thể cho các cháu coi phim Journey from the Fall – Vượt Sóng, do Trần Hàm
đạo diễn, khởi chiếu 30-4-2005). Cộng sản hành động rất ác nhưng nói rất khéo và che
đậy rất giỏi! Vì thế phải giải thích cho các cháu hiểu, không phải để hận thù mà là để
biết sự thật. Có một câu mà nhiều người hay nhắc: “Đừng nghe những gì cộng sản nói,
mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.”

Quê Cha Đất Tổ. Dù công việc bận rộn đến mấy, các con hãy dành thì giờ nghiền
ngẫm những trang lịch sử và địa lý Việt Nam, để biết nguồn gốc dân tộc, sự hình thành
đất nước, những bước thăng trầm, những nỗi vinh nhục, những khôn ngoan và lầm lỗi
của ông cha ta. Và từ đó chúng ta rút ra những bài học. Có những trang sử oai hùng,
mà cũng có những trang sử đẫm nước mắt. Có khi nước ta bị đô hộ khổ nhục cả ngàn
năm, mà cũng nhiều khi dân ta anh dũng vùng lên phá xiềng xích, giành tự chủ. Lại
cũng có khi người mình đi xâm chiếm tàn phá nhiều nước khác, thí dụ gần đây nhất là
mười năm tàn phá Cao Mên, gây nên căm hờn của nước láng giềng và để lại cái
nghiệp nặng mà các thế hệ sau sẽ còn phải gánh chịu!
Lịch Sử Gần Đây. Nước ta bị Pháp đô hộ từ cuối thế kỷ 19. Khoảng 1940, đại chiến
thế giới bùng nổ. Ở nước ta, Nhật đảo chánh Pháp ngày 9-3-45. Vua Bảo Đại tuyên bố
hủy bỏ hiệp ước bảo hộ ký với Pháp, rồi giao cho ông Trần Trọng Kim thành lập chính
phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Phe Trục gồm Đức, Ý, Nhật thua Đồng minh
gồm Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa. Ngày 19-8-45, Việt Minh cướp chính quyền
của chính phủ Trần Trọng Kim, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Nhưng không được bao lâu, Pháp tìm cách quay lại. Cuộc toàn quốc kháng chiến chống
Pháp bắt đầu ngày 19 tháng 12, 1946. Khi phe Việt Minh lộ rõ bản chất cộng sản, các
đảng phái quốc gia trước nguy cơ bị họ tiêu diệt dần, đã trở về vùng quốc gia là nơi đã
thiết lập một chính quyền khác với chính quyền vùng kháng chiến mà thực chất là
cộng sản. Sau trận Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước: miền
Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa. Miền Bắc
công khai theo khối cộng sản, tiến hành xâm lăng miền Nam bằng võ lực và che mắt
thế giới bằng con bài Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Miền Nam được Hoa Kỳ và
đồng minh của khối tự do ủng hộ để ngăn sự bành trướng của cộng sản. Khi quân xâm
lăng mạnh lên thì Hoa Kỳ đổ quân vào miền Nam, bắt đầu vào 1960, và chiến tranh
trở nên khốc liệt.
Năm 1972, sau khi Liên Xô và Trung Quốc trở thành đối nghịch thì tổng thống Nixon
đến Trung Quốc ký Thỏa hiệp Thượng Hải. Hoa Kỳ không cần đến “tiền đồn chống
cộng” nữa nên bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa! (Soạn phẩm Khi đồng minh tháo chạy của
tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho biết những sự thật phũ phàng về sự bội ước và tháo
chạy của Mỹ.) Theo Hiệp định Paris 1973: Hoa Kỳ rút quân khỏi miền nam Việt Nam,
chỉ để lại một số cố vấn mà thôi, còn quân Bắc Việt vẫn ở lại! Cộng sản Bắc Việt tiếp
tục xâm lăng miền Nam với nhiều viện trợ của cộng sản quốc tế. Việt Nam Cộng Hòa
dù tự vệ can trường đến mấy, mà không đủ vũ khí, xăng dầu… thì chắc chắn là kém
thế. Ngày 30 tháng Tư 1975, thủ đô Sài Gòn thất thủ. Cuộc di cư tỵ nạn cộng sản, tìm
tự do bắt đầu. Từ đây trở đi, chính các con biết khá nhiều chi tiết.
Suy Xét Thông Tin và Sử Liệu. Thời buổi này, thông tin rất nhiều, quá nhiều. Người
ta viết về Việt Nam, về chiến tranh Việt Nam nhiều lắm, có cả phim ảnh nữa, nhưng
trung thực thì chẳng được bao nhiêu. Có người viết trung thực nhưng chỉ nhìn được một
khía cạnh của vấn đề, hệt như “những anh mù sờ voi”. Có người cố ý bẻ cong sự thật,
nhằm đạt mục đích riêng của mình. Có người – kể cả nhà tu – còn bịa đặt thêm chuyện
để vu khống người khác! Tệ nhất là khi kẻ cầm quyền hay tay sai của họ viết sử. Nhà
văn Alex Haley đã viết ở dòng cuối tác phẩm Roots (Nguồn cội): “Rốt cuộc, chính kẻ
chiến thắng là kẻ viết sử.” Cho nên, bố mẹ ân cần dặn các con và nhất là các cháu
rằng khi đọc tài liệu, sách vở và coi phim về Việt Nam thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, dù là
của tác giả nào, kể cả Âu-Mỹ, cũng phải hết sức thận trọng và suy xét thông minh.
Theo bố mẹ thì cuộc chiến 1954–1975 ở nước ta là chiến tranh Nam Bắc, là nội chiến,
là chiến tranh ủy nhiệm, là đối đầu giữa hai khối cộng sản và tự do; khí giới nước
ngoài, máu dân Việt mình. Đối với người miền Nam, đó là chiến tranh tự vệ. Còn cộng
sản Bắc Việt thì tuyên truyền và giáo dục quần chúng rằng đó là chiến tranh chống
Mỹ-Ngụy và thống nhất đất nước. Kẻ thắng kiêu ngạo và tàn ác, người thua uất hận
trong tủi nhục. Mấu chốt của sự chia rẽ trầm trọng trong dân tộc ta nằm ở điểm ấy (kể
ra thì dân tộc ta còn nhiều sự chia rẽ khác nữa). Chưa thay đổi được hai cách nghĩ đó
thì chưa nói tới hòa hợp dân tộc được! Hàng triệu người đã chết, tuy đất nước được
thống nhất mà lòng người đến nay vẫn còn chia rẽ.
Về Thăm Việt Nam. Có vài vị hỏi bố mẹ đã về thăm Việt Nam chưa. Câu trả lời là
chưa; vì lý do sức khỏe. Đã có rất nhiều người về Việt Nam, mỗi người một lý do, mỗi
người một mục đích, mỗi người một cách nhìn! Về để chăm sóc cha già mẹ yếu, thăm
nuôi người thân, về để sửa sang phần mộ tổ tiên, về để giảng dạy cho sinh viên, để
nhìn lại quê hương, những điều ấy là chính đáng. Về để cứu trợ nạn nhân của các
thiên tai hay giúp đỡ đồng bào nghèo túng mà không vì danh vì lợi, cũng là việc tốt.
Về để ăn chơi, để du lịch rẻ tiền, để cầu danh lợi, để xin vài tấm bằng khen, thì không
nên.
Sau này, khi trong nước thay đổi thật sự, các con có thể đưa các cháu về thăm quê
hương. Bố mẹ biết trước rằng các cháu sẽ không xúc động lắm đâu vì con người ta
phải có kỷ niệm, phải có gắn bó thì mới xúc động được. Các con hãy cố hướng dẫn cho
các cháu yêu đất nước, dân tộc và đồng bào Việt Nam, đừng để cho các cháu chỉ là
những khách du lịch bình thường. Còn việc các con hay các cháu sẽ về làm ăn sinh
sống tại Việt Nam thì bố mẹ nghĩ rằng điều đó rất khó xẩy ra.
Hiện Tình Đất Nước. Nếu có ai nói rằng Việt Nam nay đã tiến bộ (đa số người dân
nay đã được ăn cơm thay vì cơm trộn bo bo, có nhiều xe gắn máy và xe hơi thay cho
xe đạp... ; chẳng lẽ sau 30 năm im tiếng súng mà không có tiến bộ!) thì đó là một vài
tiến bộ so với chính Việt Nam chứ nếu đem so sánh Việt Nam với các nước láng giềng
thì đáng xấu hổ về nhiều mặt (như Cao Mên mà cũng còn có đảng đối lập). Muốn biết
những sự thật ở Việt Nam đằng sau những “bin đinh” cao ngất, những “ô tô con” bóng
loáng, những khách sạn năm sao, những sân “gôn” tân kỳ, thì phải theo rõi tin tức trong
nước để thấy sự băng hoại trầm trọng về nhiều phương diện (nhất là về giáo dục), sự
hiện diện của tư bản đỏ, của quốc nạn tham nhũng, sự phung phí tài nguyên quốc gia,
và phải đích thân đến thăm đồng bào nơi các vùng xa xôi nghèo khó. Chúng ta cần
biết sự thật, không tô hồng mà cũng chẳng bôi đen!

Để tạm hiểu hiện trạng nước ta, các con tìm đọc bài nói của tiến sĩ Lê Đăng Doanh,
nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương Hà Nội. Ông ta thuyết trình
các sự thật cho các cán bộ cao cấp nhất của cộng sản Việt Nam nghe. Bài nói này gần
đây mới được tiết lộ ra ngoài. Bài giới thiệu viết: “Mọi người phải chú ý tới những con
số cho thấy sự thật phũ phàng về nền kinh tế Việt Nam. Ông Doanh cho thấy cả tình
trạng yếu kém của nền kinh tế lẫn tính chất phi dân chủ của chế độ cộng sản ở Việt
Nam. Từ đó ông dám nói thẳng cả cơ cấu chính trị cũng hỏng, phải thay đổi” (Ngô
Nhân Dụng, nhật báo Người Việt, ngày 30-3-2005).
Ông Doanh kể lại rằng một chuyên viên tài chánh quốc tế đã đặt câu hỏi với ông như
sau: “Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến thế, là thế nào? Trí tuệ như thế
này, truyền thống như thế này, sao mày ăn xin hoài thế? Chúng mày cứ đề ra cái mục
tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng đi ăn xin nữa, có được không?” Thật là một mối
nhục chung cho cả nước! Nước ta đâu có hèn kém, dân ta đâu có lười biếng. Do đâu
mà khổ nhục đến thế? Do độc tài đảng trị!
Thái Độ Chính Trị. Không những đồng bào hải ngoại đòi bãi bỏ độc đảng, thiết lập
đa nguyên đa đảng, mà ngay cả những đảng viên cộng sản cùng các phần tử tiến bộ ở
trong nước cũng đòi như vậy. Cần hiểu rằng: chống độc tài, độc đảng, chống tham
nhũng, chống đường lối sai lầm của cộng sản, không phải là chống nước Việt Nam mà
là mong cho nước Việt Nam khá hơn, tiến hơn.
Nếu có ai nghĩ rằng cộng sản Việt Nam ngày nay đã “đổi mới” một chút thì nên biết
rằng do sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu, do sự đấu tranh ở trong và ngoài nước, do áp
lực quốc tế và do nguy cơ tan rã của đảng nên cộng sản Việt Nam bắt buộc phải đổi
mới về kinh tế (mà không chịu đổi mới về chính trị)! Tuy mình không làm chính trị
nhưng mình phải có thái độ chính trị, mình phải tiếp tục ủng hộ các cuộc đấu tranh sao
cho đất nước có dân chủ tự do thật sự.
Tổng bí thư của cộng sản Việt Nam đã nhận rằng cộng sản Việt Nam có “phạm nhiều
sai lầm”. Chúng ta hỏi: sai lầm sao không sửa, sao không công khai xin lỗi quốc dân,
sao không trả lại ruộng đất nhà cửa cho các tư nhân và các giáo hội, sao không bồi
thường cho các nạn nhân của vụ cải cách ruộng đất, của vụ Nhân Văn Giai Phẩm, của
các đợt cải tạo công thương nghiệp, sao không bồi thường và xin lỗi những người bị bắt
đi tù “học tập cải tạo”? Sự thực thì ai ai cũng muốn xóa bỏ hận thù, nhưng cộng sản
Việt Nam cần phải hành động cụ thể cho nhân dân trông thấy. Nói “xóa bỏ hận thù,
khép lại quá khứ, nhìn về tương lai” xuông thôi thì ích gì? Nói “đại đoàn kết” mà lại
do đảng lãnh đạo (điều 4 hiến pháp cộng sản) thì ai mà tin được!
Chuyện Trong Gia Đình. Bây giờ, nói chuyện trong nhà. Bố mẹ thuộc thế hệ trước,
nuôi nấng các con theo quan niệm thời bố mẹ, cũng như ông bà nuôi nấng bố mẹ thời
ông bà. Một vài lúc nào đó, có thể các con nghĩ rằng bố mẹ đã quá khắt khe với các
con. Thời buổi ấy là như vậy. Mong các con quên đi những gì mà bố mẹ đã vô tình làm
các con buồn lòng. Hãy nhớ rằng bố mẹ không đua đòi ăn chơi, không chi tiêu hoang
phí, lúc nào cũng giữ một đời sống mực thước, và bố mẹ đã cố gắng làm việc và dành
dụm để các con được sống đầy đủ, được học hành cẩn thận, dưới mái ấm của gia đình.
Vì tài sản của bố mẹ đã bị cs cướp hết rồi nên khi sang tới đất mới này, đời sống của
chúng ta khá khó khăn. Bố mẹ đã nhận làm những công việc thật mệt nhọc. Các con
đã chịu khó đi làm vất vả trong các dịp hè, và đã cố gắng học hành chăm chỉ, đến nay
thì “đâu vào đấy”cả. Các con không bao giờ được tự mãn, nghĩ rằng mình tài, mình
giỏi. Cái tài, cái giỏi nếu có thì chỉ là một phần thôi, còn các phần khác là nhờ các
thuận duyên, nhờ âm đức của tổ tiên và của chính mình, từ các kiếp trước và kiếp này.
Các con phải luôn luôn sống đạo đức để bồi đắp cho cái nghiệp lành của mình, hệt như
người dùng xe hơi phải lo “xạc điện” cho cái bình ắc-quy vậy. Gieo nhân lành thì sẽ
hái quả lành. Luật nhân quả là một luật của trời đất, không sai được!.
Trong gia đình riêng của các con, bố mẹ khuyên: vợ chồng phải cư xử với nhau trong
sự tương kính, phải nhường nhịn lẫn nhau. Không thể tránh được vài đụng chạm đâu,
hãy khéo léo và bình tĩnh mà giải quyết mọi việc. Nóng giận là hỏng.
Còn đối với con cái, hãy thương yêu nhưng không được nuông chiều. Cần phải kiểm
soát bạn bè của các cháu và phải liên lạc với cha mẹ của bạn bè các cháu để tìm hiểu
cho chắc chắn; hư hỏng vì bè bạn trong xã hội này là một sự kiện rất phổ biến! Tivi,
“ghêm”, “chat” .. , phải hạn chế, còn thể dục thể thao thì nên khuyến khích. Bản thân
các con phải lo xếp thì giờ tập thể dục, sống một cuộc sống thăng bằng. Hãy rút kinh
nghiệm của bố: lúc trẻ, bố miệt mài làm việc nhiều quá cho nên nay về già, bị cơ thể
“hỏi tội”, đau lên đau xuống hoài!
Trong đời sống hàng ngày, phải luôn luôn tiết kiệm và bảo vệ môi trường sinh hoạt vì
tài nguyên thế giới chỉ có hạn, chúng ta cần nghĩ đến các thế hệ mai sau. Dùng thứ gì
cũng không được phí phạn, kể từ tờ giấy lau tay! Thỉnh thoảng, hãy cho các cháu coi
hình chụp hay phim ảnh những trẻ em đói rét và cho các cháu biết rằng trên trái đất
này còn rất nhiều người khổ cực.
Khi anh chị em cư xử với nhau, phải nhớ kỹ mấy câu “anh em như thể tay chân”, “chị
ngã em nâng”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “một con ngựa đau, cả tàu không
ăn cỏ”. Bí quyết là áp dụng chữ xả. Hãy bỏ qua hết mọi khuyết điểm của anh chị em
mình. Các con mà chia rẽ thì bố mẹ sẽ đau khổ vô cùng.
Trong xã hội này, vì bận rộn quá, người ta chỉ đủ thì giờ lo cho gia đình riêng nên có
khi lơ là với đại gia đình, dù thâm tâm không muốn như vậy. Các con hãy đề cao tình
đoàn kết trong đại gia đình. Với các con gái và con dâu, bố mẹ nhắc: các con hãy giúp
chồng giữ liên lạc tốt đẹp với anh chị em và họ hàng nội ngoại.
Tiếng Việt Tại Nước Ngoài. Có vài điều đáng bàn. Các cháu là công dân nước này,
với mọi bổn phận và quyền lợi của một công dân. Cuộc sống thực tế trong trường học
cũng như ngoài xã hội bắt buộc các cháu phải nói Anh hay Pháp ngữ, và phải nói và
viết thật giỏi, nếu không thì sẽ khó hòa đồng, bị lạc lõng và bị thua kém! Đi học, các
cháu nói tiếng Anh hay tiếng Pháp (hoặc cả hai). Về nhà, các cháu thường nói với
nhau bằng hai thứ tiếng ấy. Tuy các con thường bắt các cháu nói tiếng Việt trong gia
đình, bố mẹ vẫn cảm thấy tiếng Việt của các cháu hãy còn kém. Nói tiếng Việt đã
yếu, viết câu tiếng Việt còn tệ hơn, vì các cháu có tập đọc và viết chữ Việt thường
xuyên đâu! Một vài giờ tiếng Việt vào cuối tuần ở trung tâm Việt ngữ với các cô giáo
rất tận tâm cũng chưa đủ làm cho các cháu khá lên. Chỉ riêng việc học cách xưng hô
theo tiếng Việt đã là khó nhất thế giới rồi!
Đồng bào ta ở hải ngoại luôn luôn nhắc đến việc bảo tồn tiếng Việt. Bố mẹ cũng nghĩ
như vậy. Nhưng xét cho cùng, một đứa trẻ không thể kể là hai đứa trẻ (Việt & Canada
hay Việt & Mỹ) nhập làm một được! Nếu ép quá thì sức của chúng chịu không nổi.
Còn thể thao, còn âm nhạc nữa chứ. Vậy ta phải khéo chọn đúng liều lượng, đừng biến
đứa trẻ thành “cái máy học”! Các cháu sẽ phải vươn lên ở đất nước này. Các con cần
chuẩn bị sao cho chúng sống thích hợp với môi trường và sống thoải mái tại đây.
Xã Hội Âu-Mỹ. Xã hội này là một xã hội tiêu thụ quá mức. Các con không nên để
mình bị lôi cuốn dễ dàng vào các trò tiếp thị khéo léo nhằm xúi giục chúng ta mua
hàng thả dàn. Chúng ta dễ bị ảnh hưởng của quảng cáo, ngay cả trong khi chúng ta
đang bị các nhà băng và các hãng bảo hiểm bao vây, chi phối. Các con cần “thiểu dục,
tri túc” tức là “ít ham, biết đủ”, chỉ mua thứ cần thiết, không có không được mà thôi!
Nhà, xe cũng vậy; an toàn và đủ dùng cho sinh hoạt hàng ngày là được rồi. Tránh nợ
nhiều. Thảnh thơi thì hơn! Bố mẹ không nói lý thuyết xuông đâu, xã hội bây giờ xuống
dốc về đạo đức, về tâm linh, chỉ vì hướng ngoại nhiều quá, lo về vật chất nhiều quá,
ích kỷ quá, chẳng tìm thấy hạnh phúc ở đâu cả! Bớt ích kỷ, hãy nghĩ đến đồng loại,
phải biết chia sẻ với đồng loại.
Riêng Phần Bố Mẹ. Già thì sẽ bệnh, bệnh rồi sẽ ... ra đi! Quy luật tự nhiên là vậy.
Đến ngày ấy, các con hãy lo thu xếp tổ chức tang lễ cho bố mẹ được trang nghiêm
nhưng đơn giản. Nếu chôn cất bố mẹ ở một nghĩa trang thì, sau này, khi phải đi làm ăn
nơi khác, các con sẽ thắc mắc vì ở xa không trông nom được phần mộ! Bố mẹ chọn
cách hỏa táng, thuận tiện hơn; mà khỏi phải chiếm đất, vì đất rất cần thiết cho các thế
hệ sau. Có thể đem trải tro của bố mẹ lên núi hay xuống sông, xuống biển. Cát bụi trở
về cát bụi, có gì đâu! Thay vì đãi đằng ăn uống, các con nên dành tiền bạc góp vào
các việc có ích lợi chung. Đừng e thiên hạ chê cười, mọi người sẽ hiểu và sẽ tán thành.
Có một chi tiết như thế này: nếu chẳng may, bố hay mẹ ngã bệnh mà phải chịu một
“đời sống thực vật”, các con hãy can đảm chọn giải pháp rút các ống trợ sinh; kéo dài
làm chi, chỉ gây khổ cho mọi người!
Bàn Thờ Gia Đình. Trong hoàn cảnh ngày nay, khó lập bàn thờ ngay trong nhà. Nhớ
đến tổ tiên, ông bà nội ngoại, cha mẹ, các con có thể bày ảnh nơi trang trọng nhất ở
trong nhà để tỏ lòng tôn kính và để tự hứa không bao giờ làm tổn hại gia phong. Đến
ngày giỗ, xếp một bàn nhỏ, bày một chén nước trong, vài bông hoa thơm, mấy trái cây
tươi và một nén nhang (nhang điện cũng được) là đủ, vì lòng thành của các con và các
cháu mới là quý. Bố mẹ nói “các cháu” là có ý nhắc các con cần cho các cháu biết ý
nghĩa ngày giỗ của dân tộc Việt Nam. Vào những ngày giỗ, các con hãy nghĩ thiện,
làm lành nhiều hơn các ngày khác, hãy chia sẻ chút đỉnh cho người nghèo, hãy gom
quần áo dư để dành cho các hội từ thiện. Nếu anh chị em nhân ngày giỗ mà về họp
mặt ở một nơi thì thật là tốt vì tình thân gia đình sẽ nhờ đó mà tăng lên.
Mong các con đọc kỹ thư này, suy nghĩ đến nơi và cố gắng thực hành những lời dặn
Hôn các của bố mẹ.
Bố mẹ cám ơn tất cả các con đã luôn luôn tận tâm săn sóc bố mẹ từ bao nhiêu năm
nay và đã lo toan đầy đủ để cho bố mẹ được thoải mái, vui hưởng tuổi già.
Hôn các con thật lâu!
Hôn các cháu thật lâu!
Bố Me ï?

!  
8


NGUYỄN THIÊN THỤ * HIẾU ĐỆ

 
 Hiếu Đệ (1932- 2009)


Ông tên thật là Nguyễn Tánh Đệ, sinh năm 1932, tại Phan Thiết. Từ 15 tuổi ông sống ở Sài Gòn, học trường Huỳnh Khương Ninh, Lasan Tabert và Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Khi còn là sinh viên, ông cộng tác với tờ Đời Mới của Trần Văn Ân, và Tiếng Chuông của Đinh Văn Khai. Tốt nghiệp Mỹ Thuật năm 1957, giáo sư hội họa các trường Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Đồng Khánh (Huế). Năm 1968, nhập ngũ khóa 14 Thủ Đức. Sau 1975, bị tù năm năm. Từ 1990 định cư tại Michigan, Hoa Kỳ. Ông tiếp tục cộng tác với nhiều báo chí hải ngoại.
TÁC PHẨM. Các tập truyện:
-Bên Đục Bên Trong, Hương Cau, Paris, 2004
-Niềm Đau Bạc Tóc. Hương Cau, Paris, 2004
-Nước Mắt Tình Yêu. Hương Cau, Paris, 2006
-Lưu Xứ U Minh, Hương Cau, Paris, 2006
(Ba tập truyện đầu viết chung với Võ Phước Hiếu ).
Truyện của họa sĩ Hiếu Đệ là truyện về những sĩ quan Cộng Hòa, đặc biệt là các họa sĩ trong trại tù Cộng sản, như Văn Đen, Nguyễn Thanh Thu, Nguyễn Vạn Lộc. Thế giới của Hiếu Đệ là các họa sĩ, và chủ đề của ông là cảnh tù đày trong nhà tù cộng sản.
>1. Bên Đục Bên Trong.
Tập truyện này gồm 8 truyện ngắn, Hiếu Đệ viết bốn truyện :
- Họa sĩ Trần Quang Hiếu
- Hai mối tình của người tù biệt giam.
- Món quà tết cho thủ trưởng mang về Bắc.
- Pho tượng thương tiếc.
Trong tập truyện này, Hiếu Đệ viết về tình đồng đội, và chí khí bất khuất của người chiến sĩ cộng hòa. Một tù nhân hái chuối rừng về ăn, bị công an đánh đập tàn nhẫn. Nạn nhân biện hộ rằng mình vô tội, mình chỉ hái cây rừng, không ăn cắp của trại. Chúng vừa hành hạ, vừa nói:
Chuối rừng cũng là của trại, của nhà nước, của nhân dân. Ăn cắp của nhà nước, của nhân mà bảo là không có tội à? (39).
Thu Dù đứng lên quát mắng bọn công an, kêu chúng ngừng tay nên anh bị chúng xúm lại đánh đòn hội chợ, và kết tội anh chống đối chúng, bắt biệt giam trong ‘’conex’’, là loại thùng sắt lớn của Mỹ, vuông vắn, dài khoảng hai mét, dùng đựng quân cụ.
Thu Dù vẫn cao đầu, thẳng lưng, mắt trừng trừng nhìn chúng, không hề sợ hãi (39).
Người tù, đặc biệt là tù biệt giam, ngoài ý chí phải có các yếu tố khác phù trợ để tồn tại. Thu Dù đã dùng phương pháp tập thiền để quên đau đớn.
Những đau đớn về thể xác như dần dần bớt đi. . .Lòng anh yên tĩnh, không bồn chồn lo lắng, không bận bịu nội tâm. Khắc phục được ngoại cảnh, tâm hồn anh an nhiên tự tại, thơ thới hơn bao giờ (41)
Ngoài ra, anh còn gặp một cơ duyên. Trong các truyện tù, có những tù nhân làm bạn với chuột, còn đây, Thu Dù làm bạn với một cọng rau lang từ ngoài bò vào conex:
Đấy quả là một cọng rau lang, không biết gốc nó từ đâu mà bò vào lỗ hổng dưới gầm connex. Anh mừng vô cùng. Anh vừa có một sinh vật đến làm bạn (42).
Trong tù, trong conex, Thu Dù có một thế giới riêng, là thế giới của tâm thức, không gian của tình yêu, và vũ trụ thiền:
Trong conex, ngọn rau lang kia cũng là mặt trời, cũng là trăng sao của anh. Nó đem không gian bên ngoài vào lòng cô đơn của anh bên trong (43).
Đoạn viết về cọng rau lang rất hay, mang ý vị thiền, nhưng đoạn sau viết về mối tình thầm lặng giữa Thu Dù và cô Xuân thì kém hơn. Trong trại tù, dù là ban đêm, cũng có những cặp mắt quan sát, lẽ nào tù nhân và ‘’chị nuôi’’lại nói chuyện cà kê, trong buổi sáng, không phải giờ phát cơm, đối thoại dài khoảng mười trang giấy (48-59) , nào là ‘’nhân chi sơ, tính bản thiện’’, ‘’tình thương ‘’, ‘’hận thù’’.
Hiếu Đệ cho ta biết sinh hoạt các họa sĩ và tình cảnh của họ bị đày ải sau ngày 30-4-75. Trong khi nhậu, Nghiêu Đề kể chuyện Gia Long phục quốc, các họa sĩ Bắc Kỳ bảo anh phản động (31), họa sĩ Tú Duyên trước 1975 vẽ tranh Kiều, trong đó có hình Tử Hải chết đứng, một người mua tranh và mang đi ngoại quốc, bị chận lại. Đã thế, bọn công an bắt ông về tội ông trù ẻo đảng chết tươi như Từ Hải. Tú Duyên thanh minh rằng ông vẽ tranh Kiều hơn ba bốn chục năm trước nên mới được thả ( Họa sĩ Trần Quang Hiếu , 32). Qua chuyện này, chúng ta biết cái bệnh chụp mũ, cái bệnh vu khống và phóng đại đã ăn sâu trong tâm khảm người cộng sản, cho dù họ là văn nghệ sĩ. Ta còn thấy bọn công an rât thông minh, biết tranh quý muốn chiếm đoạt nên bày chuyện để khủng bố và cướp tài sản người ta!
Đi tù về, Hiếu Đệ phải đạp xích lô kiếm sống. Ông cho ta thấy một màn bi hài kịch của một mảnh đời của ông sau 1975:
Tôi đạp chiếc xich lô cũ rích leo dốc Càu Bông hết muốn nổi.giữa lúc cơn mưa lớn. . . Khách xuống xe, tôi quay lại đạp hối hả vì mưa mỗi lúc một lớn và sấm sét ào ào.. . Tôi nép vào mái hiên một căn nhà nhỏ. . Nghe tiếng sột soạt bên ngoài, một chàng trai bước ra trước hiên nhìn tôi rồi nói:
-Này ông xích lô ơi! Có đụt mưa thì cứ vô trong này. Ngoài đó lạnh lắm, không khéo đứng lâu bị cảm bây giờ. Ông này ốm yếu như vầy mà còn đạp xích lô kiếm ăn. . . Thật cơ khổ quá!
Nghe tiếng nói xem thiệt lòng, tôi bước vô thềm nhà. Bỗng trong bàn rượu có đứa nhìn tôi chằm chặp rồi la lên:
-TrờI ơi! Thầy HIếu Đệ nè tụi bây ơi. Này tụi bây không nhìn ra ông thầy sao?
Cả đám vụt đứng lên lôi tôi đến bàn nhậu:
- Ngồi xuống đây, ông thầy! Thầy đi học tập cải tạo về hồi nào vậy? Sao tụi em không hay? Sao thầy phải đạp xe xe như vầy? (Chiếc xích lô của thầy, 118-119).
Bức tranh thật cảm động. Thanh niên miền Nam còn mang nặng tình xưa nghĩa cũ, còn nhiều nhân tính, không đến nỗi tàn ác như một số thanh niên ngoài Bắc, như người học trò đã giết Lan Khai!
2. Niềm Đau Bạc Tóc:
Tập truyện này có 7 truyện, Hiếu Đệ viết 5 truyện.
Trong các truyện, Sau đêm văn nghệ , là có ý nghĩa nhất. Cộng sản bắt tù nhân phải làm văn nghệ. Ở đây tác giả muốn nhấn mạnh thái độ của một số cộng sản trong văn nghệ, và hành xử độc đoán, tàn bạo của cộng sản trong nhà tù nhỏ, một hình thái thu gọn của nhà tù lớn là đất nước Việt Nam.
Cũng như ngoài đời, các tác phẩm văn nghệ đã được trình duyệt trước khi tập và diễn. Tất cả được ban quản đốc nhà tù chấp nhận. Ấy thế mà đêm đó, bọn quản đốc trại giam tập trung anh em tù nhân lại, lên mặt chê bai, bắt khoan, bắt nhặt, tỏ ra chúng thông minh, sáng suốt. Chúng ăn nói hàm hồ theo lối ‘’lý luận của kẻ mạnh’’ ( La raison du plus fort). Trong một vở kịch, bối cảnh là một bàn thờ có ảnh người mẹ, chúng bảo là ảnh của Nguyễn Văn Thiệu:
Sao lại vẽ mặt thằng Thiệu? Đã đi học tập cải tạo mà chưa bỏ lòng tôn thờ thằng Thiệu? (31)
Buồn cười nhất là nhạc đệm là bản ‘Giải phóng Miền Nam’ . Trong màn kịch có đoạn lính Mỹ đi càn, trong xóm có tiếng chó sủa. Chúng bảo:
Sao lại để chó sủa quân đoàn anh dũng của ta? Sao cho chó sủa bài hát chiến thắng của ta? (32)
Kịch có nhiều đoạn làm khán giả cười dù không phải là hài kịch.
Trong màn kịch, có đoạn lính Mỹ đánh ông già, cô dâu đang bế con, lính Mỹ hất cô ngã lăn, đứa trẻ văng ra thành một đống giẻ rách. Khán giả cười vang.
Lẽ ra bữa ấy, tất cả khán giả phải đứng dậy (như thời cải cách ruộng đất ngoài Bắc) , giơ nắm tay lên cao, đồng hô: -Đả đảo! Đả đảo Mỹ thực dân! Đả đảo Mỹ xâm lăng. . . chứ sao lại cười? Cười là phản động! Là phản cách mạng (33) .
Về màn kịch khác, mẹ tù nhân đi thăm con. Mẹ khuyên con, con khuyên mẹ nên học tập tốt, lao động tốt. Các tù nhân bị kết tội:
Về hoạt cảnh thì tồi tệ vô cùng. Lúc mẹ già đi thăm con, hai mẹ con từ giã nhau và hát bài học tập tốt, lao động tốt. . . Đoạn ấy không nghiêm trang. Mẹ nhắn nhủ con rất phải cách. Thế sao cả khán giả lại ôm bụng cười lăn ra. Té ra đãy là hài kịch ư? B an văn nghệ không đủ trình độ xây dựng. Cả khán giả trại viên cũng chưa có trình độ xem kịch (33).
Qua truyện này cũng như một số truyện khác của Hiếu Đệ, và báo chí cộng sản
( như vụ đánh Nhân Văn Giai Phẩm), chúng ta thấy cái lý luận Mác-xít Lenin- nít, cái cơ sở ‘biện chứng pháp’ của người cộng sản từ bọn trung ương cho đến văn nghệ sĩ và bọn công an, toàn là lối nói hồ đồ, vô căn cứ, nhằm vu khống và buộc tội cho người.
Cộng sản chú trọng tuyên truyền, nhất là mặt văn nghệ. Dân Nam ra Bắc tập kết bị bạc đãi đúng như Xuân Vũ đã trình bày, Tám Sạc Ne là người Nam ra Bắc tập kết, hiểu lòng dạ bọn Bắc Kỳ, bất mãn với bọn Bắc Kỳ, và có chút cảm tình với dân miền Nam. Ông còn là người từng trải xã hội chủ nghĩa về chính trị cũng như văn hóa, nghệ thuật. Trước đêm văn nghệ, Tám Sac Ne đã nói:
Tao thấy tụi bây hồ hởi lắm về đêm văn nghệ đó hả? Khó lắm đo nghen! Chuyện văn nghệ không phải chuyện giỡn đâu. Sớn sác rồi bị nhốt connex cả đám cho coi. Tao nói trước cho biết. Tụi bây có nghe chuyện Trăm hoa đua nở, nhà nhà lên tiếng ở ngoài Bắc hồi 1957 rồi chứ? Liệu hồn đó nghen!( 27)
Trong ngày tập văn nghệ, bọn tù nhân xin Tám Sạc Ne cho ý kiến., ông nói:
-Tao không có ý kiến gì hết.. . Bày chi cái chuyện văn nghệ văn gừng toi mạng có bữa đó nghen. Tao nói thật đó.
- Nhưng kịch bản chúng tôi ca ngợi cách mạng mà cũng không được sao?
Tám Sạt Ne cười ruồi: Tụi bây giỏi cứ ca ngợi tụi nó đi rồi sẽ biết hì hì. . . (29).
Sau đêm văn nghệ, Tám Sạc Ne lại đến. Như một triết gia, ông phân tích cho bọn tù nghe:
Vì các anh không biết vị trí của mình. Làm việc gì cũng phải nhớ vị trí các anh đứng chỗ nào cái đã. Ví như anh Hiếu Đệ vẽ hình giỏi mà anh vẽ hình bác Hồ có đẹp cách mấy thì anh vẫn có tội. Ý gì mà anh học viên học tập cải tạo lại đi ca tụng lãnh tụ của tụi tui là người cách mạng chiến thắng? Anh đâu phải là đảng viên cũng như anh đâu phải là thứ con ruột mà ca ngợi bố tui. Anh chỉ cốt làm cho tôi nghi ngờ anh (34).
Tám Sạc Ne đã nói đúng tâm lý cộng sản, tâm lý của một số ông hương, lý, quê mùa, vô học nhưng vô cùng tự cao, tự đại và cùng hung cực ác. Cộng sản bao giờ cũng chủ trọng cái ‘‘ngã’’ của họ. Họ không có công bằng, tự do, dân chủ, dân tộc và nhân loại. Khi yếu, họ có thể cộng tác, nhưng khi nắm quyền, họ trừ khử mọi đối thủ kể cả đàn em của họ. Trong từ điển cộng sản, không có chia chác, hòa hợp. Marx chú trọng về vô sản, không bao giờ để các giai cấp khác sống. Stalin không tha thứ cho Trotsky và đệ tứ quốc tế. Mao thẳng tay khử Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu. Hồ Chí Minh quyết sát hại Quốc Dân Đảng, Đại Việt Đảng. Ông không để Phan Bội Châu sống mà cũng không nương tay với các đồng chí ông, nhất là những kẻ có thể tranh quyền ông như Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sơn, Hải Triều, Trần Văn Giàu, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp. Những người này trước sau sẽ bị đích thân ông hạ thủ, hay ra lệnh cho đàn em giết, hoặc nhờ tay Pháp tiêu diệt. Nhẹ lắm là đám này sẽ bị ô nhục, lột chức, bị đẩy dần dần ra khỏi bộ máy đảng. Họ giữ độc quyền chống Pháp và độc quyền cai trị nước. Họ cho họ là giỏi nhất, vì họ là cộng sản chính thống, từng lao động, từng chiến đấu và chiến thắng. Họ coi họ giữ độc quyền về Marx, những trí thức ở Pháp hay Liên Xô về như Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu chỉ là cục phân, lý thuyết suông, chỉ riêng ông Hồ là xứng đáng làm lãnh tụ cộng sản, và giảng dạy về Marx. Ngay trong đảng, đám miền Trung làm chủ, đám miền Nam tập kết bị coi như một thứ ghẻ lở. Không có anh em, đồng chí, không có đại đồng thế giới mà là tinh thần cục bộ, tinh thần địa phương. Cho nên khi Trường Chinh làm Tổng bí thư, miền Bắc ăn mừng lớn vì từ Lê Lợi cho đến Nguyễn Ánh, hơn mấy thế kỷ, đây là lần đầu tiên dân Bắc lên làm ‘’vua’’! Trong đảng, vai vế, mâm cỗ đã xếp sẵn. Bọn nô lệ tránh xa, đừng đứng ngoài nhìn vào. Như thế là vô lễ! Ngày xưa, vua chúa còn trọng đãi hiền sĩ nghèo nàn, tư bản còn coi trọng công nhân, và trí thức, trong thế giới cộng sản chỉ có cộng sản mới có quyền lợi và địa vị. Ngoài ra, anh phải biết anh thuộc phe nào, mạnh hay yếu, và anh có dù che hay không. Anh không phải là cộng sản, đừng viết về Marx và Lenin dù anh là tiến sĩ triết học. Dù anh là cộng sản, anh cũng phải được cấp trên phép mới được vinh hạnh này. Cũng vậy, dù anh là họa sĩ, nếu không có lệnh, anh đừng vẽ ông Hồ hay cờ búa liềm. Anh là đảng viên, được lệnh trên ra cũng chết, huống hồ anh là ngụy quân, ngụy quyền! Không dễ đâu. Nếu anh vẽ màu đậm hơn hay nhạt hơn, thân ông già mập hơn hay ốm hơn, râu dài hơn hay ngắn hơn, anh đều bị đưa ra phê bình và kết tội là phản động. Trong một đại hội đảng cộng sản Việt Nam, một anh họa sĩ cộng sản đã khốn đốn về tội vẽ búa liềm ‘’sai quy cách’’ chỉ vì anh muốn khác đời hoặc anh theo phái lập thể của Picasso, hoặc phái ấn tượng!

Truyện của Hiếu Đệ rất sâu sắc. Ông là một triết gia. Khổng tử đưa ra thuyết chính danh : ‘’quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử’, nghĩa là vua phải xứng đáng danh hiệu vua, tôi phải xứng với danh hiệu tôi; cha phải làm đúng danh xưng cha, con phải xứng đáng bổn phận con. Khổng tử gọi Kiệt, Trụ là giặc, không gọi là vua. Hiếu Đệ đưa ra thuyết vị trí. Trong cuộc sống, mỗi người phải biết rõ vị trí mình và vị trí người khác trong mỗi hoàn cảnh. Chúng ta là chủ hay khách, ta ngồi ghế chủ tọa hay kẻ đứng hầu, ta là con đẻ hay con nuôi, hay mang thân phận nô lệ. Nếu biết vị trí mình, thì ta sẽ có tư tưởng đúng và hành động đúng.

Truyện của Hiếu Đệ phản chiếu lịch sử Việt Nam thời trước và sau 1975. Trong truyện Con hổ đình Xóm Củi, ông trình bày một sự thực phũ phàng, và cũng là một chân lý. Ông Thanh Thu nổi tiếng về pho tượng Tiếc thương, thế mà khi ông đắp hình ông hổ đình xóm Củi thì bị dân chúng chê. Như vậy, nghệ thuật cũng như chân lý chỉ là tương đối, đúng và đẹp nơi này nhưng sai và xấu ở nơi khác. Cũng trong truyện này, Hiếu Đệ cho biết lịch sử các bức tượng đặt tại Sài Gòn sau khi Ngô Đình Diệm bị giết. Ông cho rằng Vũ Văn Mảu và Dương Văn Minh lừa thầy, phản bạn (13). Vấn này đã gây tranh cãi trong nhân dân ta. Nhiều người tôn sùng Ngô Đình Diệm, đâm ra oán hận Mỹ và Phật giáo. Không phải Mỹ, không phải Phật giáo, không phải Dương Văn Minh. Chính là tâm tham , tâm phản phúc của anh em ông, gia đình ông và tập đoàn ông làm hại anh em ông ( đã trình bày ở tập I, Bối cảnh lịch sử ). Tại sao Hiếu Đệ không trách ông Diệm phản bội Bảo Đại, phản bội Thiên chúa giáo, phản bội dân tộc Việt Nam, và nước Mỹ, người bạn, người thầy của ông đã nuôi dưỡng ông và đưa ông về làm tổng thống? Một tổng thống mà như thế thì sao người ta chẳng bỏ mình mà lui binh!


3. LƯU XỨ U MINH.
Ngoài bìa đề là ký sự, tức là truyện thực, tả cuộc sống thực tại đây. Sau khi đi tù về, ông bị đày xuống U Minh lao động khổ sai trong nông trường cộng sản .Tại đây, ông và các tù nhân sĩ quan khác, cũng như một số nhà tư aản sau khi bị cướp tài sản, bị giam, rồi bị đày làm nông nô tại vùng U Minh.. Ông cho biết vài nét về U Minh thời chống Pháp, và sinh hoạt tại đây sau 1975. Truyện của ông cũng mang tính cách tố cộng, nói về tội ác của cộng sản từ 1945 cho đến nay tại U Minh đối với nhân dân Việt Nam. Ông cũng nói đến việc người Hoa thân Trung cộng bị giết sạch, và người Hoa giàu có bị đày xuống U Minh sau 1975:
Họ kêu khổ liền miệng, kể lể những đoạn trường trầm luân từ sau 1975, nhà mất, người chết, của cải tan tành, lang thang đói rách, qua nhiều vùng kinh tế mới, rồi cuối cùng lại bị xuống đến U Minh và có lẽ là đoạn đường chót của sự chịu đựng của họ .
Họ chán nản bảo: Đàn ông trong xóm, kể cả trẻ con phải làm quần quật ngoài đồng. Lãy sức người để thay thế sức trâu bò. . . Rồi đây ỡ U Minh, đàn ông biến thành trâu bò, còn đàn bà thành khỉ Cà Mâu hết (119).
Truyện này cho ta biết sinh hoạt và phong tục tại U Minh. Hơn nữa, tiểu thuyết của ông đã nói đến các phụ nữ miền Nam trong thời Cộng sản chiếm miền Nam. Có những người vợ chạy theo quyền lực và tiền bạc như cô An, vợ của Nguyễn Ga Hào ( 151-155). Tuy nhiên có những nguời vợ chung thủy, khôn ngoan biết tìm cách cứu thoát chồng như vợ của Hiếu Đệ (257), đã tìm cách xin cho ông về vùng kinh tế mới Bà Bèo gần Mỹ Tho, rồi tìm cách xin đi theo chương trình HO. Mặt khác, cũng như Lê Xuyên, Hiếu Đệ viết về truyện nam nữ xứ U Minh rất đặc sắc, thành thử truyện của ông cũng có chất tươi mát, không khô khan. Hiếu Đệ có tinh thần triết lý. Chỗ nào liên hệ đến tâm lý, hoặc triết lý, ông đều viết xuất sắc.
  


TS. THÁI VĂN KIỂM * NGUYỄN ANG CA

Hoài niệm ký giả Nguyễn Ang Ca


Thái Văn Kiểm
Tôi đã gặp Nguyễn Ang-Ca từ năm 1951, tính ra vừa đúng 40 năm, lúc tôi vào Sài-Gòn, để chuẩn bị cùng đi Âu-Châu với Luật-Sư Trần Văn Tuyên, cựu Tổng Trưởng Thông tin của Chính Phủ Quốc-Gia đầu tiên do Tướng Nguyễn Văn Xuân điều khiển. Chính là Thủ-Tướng Trần Văn Hữu đã ký Nghị định, hồi tháng 6 năm 1951, cử chúng tôi đi sang Paris tham dư. Lễ Kỷ-niệm 2.000 năm Thành Phố Ba-Lê (Bi-Millénaire de Paris) đã được thành lập từ năm 51 trước Tây Lịch / rồi sau đó cùng đi Londres để tham dư. Đại-Hội Luân-Đôn (Great Festival of London), cứ 100 năm cử hành một lần, với sự hướng dẫn rất chu đáo của ông Svvan, Lãnh Sự Anh-Quốc tại Sài-Gòn.


Trong cuộc gặp gỡ tại nhà ông Đinh Văn Khai - sáng lập nhật báo Tiếng Chuông -, ký-gia? Ang-Ca đã tỏ ra rất bạt thiệp và gây được nhiều cảm tình với tôi là người được Chánh Quyền trao trọng trách Thông Tin, Báo-Chí và Phát-Thanh tại miền Trung. Qua những buổi mạn đàm, chúng tôi đã kết thân trong tình huynh-đệ và cũng từ đó Ang-Ca gọi tôi là Anh Hai.
Hiền đê. Ang Ca sinh ngày 10 tháng 10 năm 1927 tại Bạc Liêu, Nam Việt. Tên thật là Kim Cang. Ang-Ca tâm sự với tôi rằng Thân-sinh rất mộ đạo Phật, nên mới đặt cho tên Kim Cang, cũng gọi là Kim Cương, chữ phạn (sanscrit) là Vajra, chữ Pháp dịch là Diamant, Foudre. Trong Nam gọi là Hột Xoàng. Chủ ý của Thân sinh là để con mình ghi nhớ trong tâm khảm Bộ Kinh 'Kim-Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Kinh' (Vajra Prajna Paramita Sutra), gọi tắt là Kim Cang Kinh. Đã gọi là Kim Cang thì không dao búa nào đập bể được cả. Với ý niệm đó, Kim Cang có bốn tính chất đặc-biệt mà không có một chất nào khác bì kịp:
1 - kiên cố, không bị/hủy hoại, không sức nào phá được,
2 - quí báu, khó kiếm,
3 - có công dụng tiện lợi vì thâu nhỏ tối đa, có sực tự tại và giá trị tinh-túy (valeur intrinsèque), đồng thời có sức công phá khi cần,
4 - có hình chất trong sạch nhất và ánh triệt (lumineux)
Còn lại chữ Prajna (Bát Nhã) có nghĩa là Trí huệ (Intelligence, Faculté de perception) và chữ Paramita (Ba-La Mật-Đa) là Đại hạnh (Vertu cardinale) khả dĩ đưa Người ta từ bến Mê qua tới bờ Giác.
Ang-Ca cũng cho tôi biết: vì hoàn cảnh sớm mồ côi cha mà bao nhiêu việc trong gia đình đã do từ mẫu đảm đang, nuôi dưỡng, hướng dẫn trên đường đời đầy chông gai và cạm bẫy, với sự giúp đỡ của thân bằng quyến thuộc. Và cũng do hoàn cảnh đặc biệt đó mà Ang-Ca đã sớm hun đúc tinh thần tự-túc, tự-lập, tự-do. Lại cũng nhờ bẩm sinh 'tiên thiên hữu dứ, với thân thể tráng kiện và tinh thần sáng suốt, và nhất là nhờ thấm nhuần đạo lý do song thân truyền lại, mà Ang-Ca đã tiến thân và thành công tốt đẹp trên đường nghề-nghiệp.
Trên đường sự nghiệp, Ang-Ca đã ký với nhiều bút hiệu: Nhu Thắng Cang, Ngọc Kỳ Lân, Ngọc Huyền Lan, v.v. kể từ khi bước vào Làng báo từ năm 1949. Ang-Ca đã cộng tác với nhiều tờ báo ấn hành tại Sài-Gòn, như: Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Sài-Gòn Mới của Bà Bút Trà, Lẽ Sống, Dân Quyền của Trần Tấn Quốc, Dân Ta của Nguyễn Vỹ, v.v.
Ang-Ca đã nổi danh qua những phóng sự thể thao, kịch trường, màn ảnh. Ngoài ra, kể từ năm 1957, Ang-Ca đã chủ trương 2 tuần báo Duy Tân, Tầm Nguyên. Và cứ mỗi năm, Ang-Ca xuất bản 1 số báo Xuân lấy tên 'Xuân Dân Tộc Hòa Bình'. Đầu năm 1964, Ang-Ca đứng ra làm Chủ nhiệm, kiêm Chủ bút báo Tin Sớm cho đến năm 1972 thì tự động đóng cửa để phản đối Luật Báo Chí 007, kiềm hảm công luận và tự do báo chí.
Ang-Ca là một ký giả xuất sắc với những phóng sự hấp dẫn, linh động được theo dõi nhiều nhất trong nước và hải ngoại trong Cộng Đồng Việt Kiều. Ang-Ca là ký gia? Việt Nam xuất ngoại nhiều nhất. Tôi còn nhớ, trong thời kỳ làm việc tại Bộ Ngoại Giao, đã ký chiếu-khán xuất-ngoại công-vụ cho các anh Đinh Văn Ngọc, Võ Văn Ứng và Nguyễn Ang Ca, đi tham dự các Thế-Vận-Hội và tranh giải Á-Châu Túc Cầu và Bóng Bàn.
Riêng ký gia? Nguyễn Ang-Ca đã tham dự bốn lần Thế-Vận-Hội (Jeux Olympiques) và năm 1968 đã đoạt huy chương vàng Thế-Vận-Hội về Báo Chí Bình-Luận. Đến năm 1969, ký gia? Ang Ca lại đoạt thêm huy chương vàng về giải phóng sư. Thể Thao, cũng tại Mexico, đem lại danh dự lớn cho quốc gia và giới báo chí Việt-Nam. Cùng năm này, Ang-Ca được bầu Phó Chủ Tịch Ủy-Ban Ký-Giả Thể-Thao Quốc-Tế (Vice-Président du Comité International des Grands Reporters Sportifs). Chính trong thời kỳ này, ký gia? Nguyễn Ang Ca đã có nhiều cơ hội kết-giao thân hữu với rất nhiều ký giả và nhân-sĩ ngoại quốc.
Ký-gia? Nguyễn Ang Ca còn kiêm thêm nghề soạn giả kịch tuồng (auteur dramatique) với bút hiệu Ngọc Huyền Lan. Cùng với soạn gia? Viễn Châu hợp soạn nhiều vở tuồng cho sân khấu miền Nam như: Yêu Nữ Thần, Người Yêu của Hoàng Thượng, Thiên Thần Trên Thiết Mã, Gió Cuốn Cành Hoa, Từ Sân Khấu đến Cuộc Đời, Viên Ngọc Trắng Thần, Con Gái Hoa Mộc Lan và nổi bật nhất là vở tuồng Hoa Mộc Lan, đã từng được diễn và thâu hút nhiều khán giả nhất trên sân khấu Thanh-Minh Thanh-Nga.
Chính ký gia? Ang-Ca đã cùng với ký giả lão thành Trần Tấn Quốc thành lập Giải Thanh Tâm. Rồi cũng hai bạn tri âm đó đã có sáng kiến thành lập Hội Bảo Trợ Học Sinh Nghèo, do Bà Vũ Bá Hùng làm Chủ Tịch và ký gia? Ang-Ca làm Phó Chủ Tịch. Trong mấy năm trời, Hội này đã hoạt động tích cực giúp đỡ những học sinh nghèo khó, mà có chí hiếu học, với những học bổng và phương tiện nâng đở cho tới khi tốt nghiệp và thành tài. Công tác tốt đẹp này đã bị chấm dứt bởi Cộng sản xâm chiếm miền Nam, hồi tháng tư đen năm 1975.
Trong mọi hoạt động và công tác tốt đẹp kể trên, ký gia? Ang-Ca đã được sự hổ trợ của bà vợ hiền lành và đảm đang là nữ ký-giả kiêm thi-sĩ Huyền Nhi, luôn luôn đem lại cho chồng những ý kiến xây dựng và một tình thương đằm thắm.
Trong thời kỳ cộng sản chiếm đóng miền Nam, ký gia? Nguyễn Ang-Ca và gia đình đã phải trãi qua những năm tháng cực nhọc và buồn thảm với vận nước điêu tàn, bất hạnh. Rốt cuộc, chịu không nổi, cả gia đình phải vượt biển vào cuối năm 1978. Nổi trôi bình bồng trên sóng đại dương mấy ngày đêm sóng gió hải hùng, tưởng chừng như sắp kết liễu cuộc đời với kình ngư cá mập, thì may thay! nhờ gió thuận mà cập được
bến Hòn Rắn (Poulo Bi-Dong) của Mã Lai, cho tới tháng hai 1979 mới định cư tại Belgique nhờ có con trai du học bảo lãnh. Nơi xứ lạ quê người, gia đình Ang-Ca bắt đầu 'trở lại hồn' rồi ổn định trong tình thế mới. Ang Ca và Huyền Nhi lần lần bắt liên lạc với các thân hữu và tổ chức quốc gia ở hải ngoại. Rồi anh đi làm cho Hồng Thập Tự và các Tổ chức Cứu Trợ Tị Nạn Đông Nam Á, lãnh đồng lương khiêm tốn, nhằm bảo đảm đời sống thanh đạm cho gia đình. Đồng thời, Ang Ca viết báo trở lại, cũng hăng say như thuở nào, vì trót 'đã mang cái nghiệp vào thân, thì đừng trách lẫn trời gần trời xa! như lời khuyên của thi-bá Nguyễn Du mấy trăm năm về trước.
Từ đó, ký gia? Ang-Ca cộng tác với rất nhiều báo chí Việt trên khắp thế giới, để bày tỏ quan điểm và lập trường quốc-gia chống cộng của mình. Thỉnh thoảng có đăng những hồi-ký thời quốc nội, rất hấp dẫn và thành thật, và đó cũng là đức tính của người quá cố thân thương. Lúc nào thiếu tài liệu, hoặc thắc mắc về điểm nào thì Ang-Ca biên thơ, hoặc điện thoại cho tôi. Chúng tôi cho nhau tin tức thường xuyên. Hồi
này, chúng ta thấy nhan nhản trên báo chí hải ngoại những bút hiệu rất mới là: Việt Hưng Quốc, Quách Tô Vương, Quách Tư Sinh và Hoàng Bích Vân. Việc Ang-Ca dùng nhiều bút hiệu khác nhau là một dấu hiệu khiêm tốn, thêm vào tánh tình hòa nhã, khiến cho sự giao tiếp trở nên bình dị và khả ái.
Trong lãnh vực nhân đạo và xã hội, ký gia? Ang-Ca, từ khi thoát ra hải ngoại, không ngớt tranh đấu cho người tị nạn, cho gia đình những ký-giả, những nhà thể thao, còn kẹt lại Việt-Nam. Được bầu làm Phó Chủ Tịch Văn-Bút Việt-Nam Hải-Ngoại tại Paris và tại Bruxelles, ký-giả Ang-Ca là một trong những sáng lập viên Chùa Linh Sơn ở Bruxelles, đồng thời là Tổng Thư Ký Hội Cao Trung Niên tại thủ đô nước Bỉ.
Tôi còn nhớ năm 1977, tôi sang Canada tham dư. Đại-Hội Văn-Học Pháp-ngữ của Đại-Học-Đường Sherbrooke. Lúc trở về ghé lại Montreal để thuyết trình đề tài 'Đàn Chim Việt' ở Đại-Học Kỷ-Thuật tỉnh Quebec, thì tình cờ gặp lại chủ-nhiệm Đinh Văn Khai và Ông Nguyễn Thành Lễ. Cả hai ông bạn đều nhắc đến ký gia? Nguyễn Ang Ca, tỏ tình thương nhớ và sự lo lắng cho số phận hiền-đê. Ang-Ca và Huyền-Nhi còn đang kẹt lại Sài-Gòn, không rõ sinh sống ra sao?
Ngày 23-4-1988, lần đầu tiên Ang-Ca viết thơ báo tin bị 'crise cardiaqué: 'từ ba năm nay em bị bịnh tim, nên BS cấm đánh máy và viết nhiều, nhưng anh chị nghĩ: kiếp tằm chỉ có chết mới hết nhã tơ! Thơ anh chị làm em cảm động vô cùng. Trong nghề nghiệp, em kính yêu nhất là anh Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Vỹ và ... Anh. Được tin Bà Năm Sađec <FONT face="Times New Roman, Times, serif">mới qua đời ở Sài-Gòn. Bà Năm là vợ anh Vương Hồng Sển. Anh có biết nhiều về mối tình của Anh V H Sển với người nữ nghệ sĩ tiền phong này không?
'Bà Lý Công Trinh với chúng em là chổ thân tình. Lời đề tựa của Anhđã giúp phần nào quyển 'Le Mirage de la Paix' được giải thưởng cao quí, làm hãnh diện Cộng Đồng Người Việt Tự Do.'
Cũng trong bức thơ này, nơi đoạn cuối, Ang Ca đã giới thiệu nữ-sĩ Huỳnh Dung ở Genève (Kershatz), để nhờ tôi đề tựa bản dịch Pháp-ngữ quyển truyện 'Thiên Đàn của Thý (Le Paradis de Thy) do Bác-sĩ Trần Quang Đệ đảm trách, một bản dịch trung-thành, văn hoa và lưu loát. Và tôi đã tìm được giáo-sư Bernard Le Calloch, Cố Vấn Văn-Hóa và Pháp-Luật cho Thượng-Nghị-Sĩ André Le Jarrot, để viết đề tựa cho quyển sách của nữ-sĩ Huỳnh Dung.
Ngày 20 tháng 1 năm 1989, Ang-Ca viết cho chúng tôi một lá thơ thương khóc nữ-sĩ Lý Thu Hồ, tác giả quyển 'Le Mirage de la Paix' (Ảo ảnh Hòa Bình), đã đoạt giải Nhất Văn Chương về Á-Đông 1987 của Hội Nhà Văn Pháp-Ngữ (Association des Ecrivains de Langue Francaise, ADELF). Lời trong thơ như sau:
'Thưa Anh Chị: Em rất xúc động khi hay tin Bà Lý Thu Hồ đã qui tiên. Bà bị bịnh gì? Đau lâu mau rồi? ông Lý Công Trinh, chồng của Bà, còn ở ngôi nhà cũ không?' 'Em định sẽ khóc nhớ Bà bằng một bài thương tiếc. Xin anh cho em chi tiết, những gì mà anh biết về Bà, tiểu sử, sự nghiệp. Cơ duyên nào mà Anh quen Bà và dịp nào Anh đã viết Tựa cho quyển 'Le Mirage de la Paix'? Anh cho em xin photocopies các thơ khen ngợi Bà của Thủ Tướng kiêm Đô trưởng Paris là ông Jacques chirac, của Quận Vương Đan-Mạch ở Copehhague (Henrik De Montpezat), của Hoàng-Hậu Fabiola của Vương-Quốc Bỉ, v.v.
Liền sau đó, tôi đã cung cấp đầy đủ tài liệu cho nghĩa-đê. Nguyễn Ang Ca, để viết về nữ-sĩ Lý Thu Hồ, qui tiên ngày 8 tháng Janvier 1989, hưởng thọ 73 tuổi. Sinh tiền Bà là người rất mến phục ký gia? Nguyễn Ang Ca. Nay cả hai người đều về bên kia thế giới, thoát xa trần tục, để lại người thương luống ngậm ngùi!!
Ngày 12 tháng 5, 1989, Ang-Ca viết thơ giới thiệu ông bạn Võ Phước Lộc, thi-sĩ Việt và Pháp, nguyên Chủ nhiệm nhà Xuất bản Lữa Thiêng ở Sài-Gòn, trước 1975. Đồng thời Ang-Ca cho biết mới về Rennes thăm Anh Cả Trần Văn Ân, bút hiệu Văn Lang, đã được Anh Cả truyền dạy thuyết vô cầu để tạo cho mình một nếp sống an vui với tình thương và đạo lý. Hồi đó Anh Cả đã 88 tuổi, năm nay đúng 90, mà vẫn còn minh mẫn, mặc dầu sức khỏe có phần suy giảm. Ang-Ca cũng cho biết ký giả lão thành Nguyễn Hưũ Lượng mới mất ở Sài-Gòn, cũng như Đại Tướng Nguyễn Văn Xuân, cựu Thủ Tướng Việt-Nam, đã qua đời ở Nice, hưởng thọ 97 tuổi, cùng mất một lượt với nữ-sĩ Lý Thu Hồ.
Trong thơ trả lời (1/6/89), tôi có cho Ang-Ca biết: Anh Cả Văn Lang cũng thường hay thơ từ qua lại với chúng tôi, kể từ khi ông ta còn làm Chủ nhiệm tập san Đời Mới ở Sài-Gòn, mà tôi cũng có cộng tác. Thuyết vô cầu của Văn Lang Tiên sinh rút từ cả hai đạo Lão và Phật, đã được Nguyễn Bỉnh Khiêm thu gọn trong hai câu:
Lòng vô sự như trăng in nước,
Của thảng lai như gió thổi hoa!
Vào cuối năm ấy, trời Tây đang chuyển từ Thu sang Đông, lá vàng rơi rụng khắp đường phố Ba-Lê thì vừa nhận được lá thơ viết ngày 12/10/89 của Ang-Ca cho biết:
'Vợ chồng em vừa đi Marseille, đáp lời mời của anh chi. An Khê, để viếng Foire Internationale de Marseille. Qua Pháp hay tin anh Nguyễn Kiêng Giang qua đời, chúng em có vào Chùa Khánh Anh cầu siêu cho ảnh. Anh Võ Phước Lộc-tức Võ Đức Trung - có gởi cho em xem bức thơ của Anh, khích lệ ảnh. Đối với một người có tâm hồn và lý tưởng như Anh Lộc, bức thơ của anh quả là một món quà tinh thần... Theo em nghĩ, Anh Chị đã có một đứa em Văn Nghệ xứng đáng rồi vậy.'
Thế rồi, năm hết Tết tới, tuyết phủ đầy đồng, Ang-Ca lại viết thơ ngày 12/1/90, để báo tin người bạn quí Nguyễn Long, tư. Thanh Nam, mới qua đời bên Hoa Kỳ. Anh Nguyễn Long là chủ nhiệm 'Đuốc Từ Bí, cũng là lãnh tu. Phật Giáo Hòa Hảo, Đãng Dân Xã, có nhiều uy tín. Ang Ca viết: 'mỗi lần nghe hung tín, chứng bịnh đau tim của em lại hành hạ, dù cố nén không cho xúc động mạnh. Chẳng hay Anh Chị sức khoẻ tốt? Em lại vừa hay tin chi. Nguyễn Xuân Nhẫn từ trần. Anh chị có quen biết anh chi. Nhẫn hay không? Anh này cũng mê nghề viết, thích thơ văn lắm. ''Ảnh từng đoạt giải truyện ngắn ở báo Tiếng Chuông. Ở Anh Quốc, nữ nghệ sĩ Thanh Tùng, cô đào đẹp nhất của sân khấu Cải Lương 2 thập niên 1935-1955, không bệnh mà chết (bể ống tim). Anh có sáng tác bài nào dịp Xuân này, hay viết về Văn Hóa, thì gởi cho em xem với.'
Thơ của Ang-Ca khiến tôi nhớ lại thời kỳ, đáp lời mời của Chủ nhiệm Đinh Văn Khai, tôi đã tham dự nhiều lần Ban Chấm Thi Truyện Ngắn Tiếng Chuông, cùng với các nhà văn Thuần Phong Ngô Văn Phát, luật-sư Nguyễn Văn Lộc (sau này làm Thủ Tướng), thẩm phán kiêm văn-sĩ Tuần-Lý Huỳnh Khắc Dụng, v.v. Tôi còn nhớ hồi đó, không nhớ năm nào, nhà văn-thơ Hàm-Thạch Nguyễn Xuân Nhẫn (hiện ở Paris) đã đoạt Giải Truyện Ngắn Tiếng Chuông với một bài nói về Thân phận một Vú già, bị phú gia bọc lột!
Tôi cũng cho Ang Ca biết là chúng tôi quen thân cả hai ông bà Nguyễn Xuân Nhẫn và riêng tôi có viết thơ phê bình và khen ngợi Tập thơ 'Mặt Nước Hồ Xuân' của nữ sĩ Thanh Liên, người bạn đời của thi-sĩ Hàm Thạch.
Đầu tháng 2, ngày 5, 1990, Ang Ca lại viết thơ hỏi địa chỉ của ca-sĩ Họa Mi, mới ra đi tìm Tự Do nơi đất Pháp. Thấm thoát thoi đưa đã đến tháng 10, tôi lại nhận được thơ của Ang Ca, báo tin vui, 'đã bán được quyển sách cho Đại Nam bên Hoa Kỳ, tên ách là Giá Tự Do hay là Lệ Tràn Biển Đông, có được đủ số tiền mua 2 vé phi cơ khứ hồi, để đi Mỹ thăm bạn bè. Vì em bị đau tim, vợ em sợ em bị chết thình lình, nên có cơ hội, là đi thăm ... cứ nhận ngay.' 'Khi sách in xong, xin gởi đến Anh chị ngay. Nếu được Anh nhận dịch ra Pháp ngữ thì hân hạnh cho em vô cùng.'
'Nếu có thể, Anh cho em đôi hàng viết về 'con người của ký-gia? Nguyễn Ang Cá, để em được in ở bìa sau quyển sách, cùng với lão huynh Trần Văn Ân, cố văn-sĩ Bình Nguyên Lộc, anh Vũ Ký... 'Em lại mới được tin ông Lý Công Trinh đã qua đời. Buồn quá anh chị ơi!' Rất tiếc kỳ rồi, Anh sang Liège dư. Đại-Hội Thi-Ca Quốc-Tế mà tụi em không mời được Anh về nhà để hàn huyên, tâm sự...'
Giữa tháng 11, 1990, chúng tôi có sang nước Bỉ thăm vợ chồng Ang-Ca và Huyền Nhi, ở nhà số 32 Antoine Labarre, Bruxelles 1050, cùng với một số nhân sĩ từ Hoa Kỳ và Pháp sang họp Hội-Thảo Việt-Nam tại Đại-Học-Đường Tự-Do Bruxelles. Nhìn thấy Ang Ca vẫn tráng kiện và vui vẻ, chúng tôi an tâm, nhưng vẫn cầu nguyện thầm Trời Phật phò hộ cho Ang Ca tai qua nạn khỏi.
Về Paris ít lâu sau, thì tôi nhận được thơ viết ngày 11/1/91, Ang-Ca xin tài liệu về đảo Phú Quốc và cuộc vượt biển ngày xưa của Chúa Nguyễn Ánh. Tôi liền sưu tập khá nhiều tài liệu gởi sang Bỉ cho Ang-Ca tham khảo mà viết bài. Tôi không ro? Ang Ca đã viết chưa, và nếu đã viết thì đăng báo nào?
Đầu tháng 2, tôi nhận được lá thơ viết ngày 4/2/91, báo tin như sau: 'Kính Anh Chị Hai - Em bị crise tim, vào bệnh viện từ 24/1/91. Sau khi làm examen đủ thứ, có cả soi indoscopie, thọc tuyau vào ngực để thăm dò và làm échographie. Nhưng chưa biết sẽ bị opération hay không?
<FONT face="Times New Roman, Times, serif">'Anh Hai có bài, tài liệu gì về Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, xin gởi cho em xem, để em có tài liệu, thuyết trình sau khi mạnh. ....... Sau 8 giờ tối, nếu anh Hai có rảnh, phone vào viện cho em, số 764.0628. Nếu như em bị đổi phòng, anh hỏi Standard, Nguyễn Kim Cang nằm lit 628-B, đổi về phòng nào, lit số mấy?
'..... Xin anh Hai cho em hay tin sốt dẻo với nhe. Kính thăm Anh Chị Hai và quí quyến luôn an lành. Thân quý: Nguyễn Ang Ca, 4/2/1991'
Nhận được thơ này, tôi không ngờ là thơ cuối cùng, thơ vĩnh biệt của nghĩa đê. Nguyễn Ang Ca! Chiều theo ý muốn, tôi đã sắp xếp các tài liệu để gởi sang và tôi cũng đã điện đàm nhiều lần. Lần chót, trong đêm 25/3, tôi nghe tiếng nói Ang-Ca hơi yếu, thoi thóp như con chim bị đạn của Thầy Tăng Tử. Rồi Ang-Ca bảo tôi đọc lại hai câu thơ của Ôn Đình Quân mà sinh tiền Ang-Ca rất ưa thích:
Tam xuân nguyệt chiếu thiên sơn lộ,
Thập nhật khai hoa nhất dạ phong!
mà Vũ Tùng Chi đã khéo dịch:
Một đêm gió lộng hoa tơi tả,
Ba tiết trăng soi núi chập chùng!
Phải chăng đây là một cái điềm báo trước Ang-Ca sẽ ra đi vĩnh viễn?
Quả thế, trong đêm sau thì điện thoại nhà tôi reo. Tôi lấy máy nghe thì, than ôi! ông bạn Đỗ Việt báo tin không lành: Ký-gia? Nguyễn Ang Ca đã qua đời, lúc 3 giờ chiều ngày 26 tháng 3 năm 1991, nhằm ngày 11 tháng 2 âm lịch, Tân Mùi, tại Bruxelles, hưởng thọ 65 tuổi.
Thế là một người tài hoa của nước Việt, một hiền hữu trong Làng Văn, Làng Báo và Kịch Trường, một nghĩa đệ trong Gia-đình, đã vĩnh viễn ra đi nơi xứ lạ quê người, đem theo niềm thương tiếc vô biên của biết bao thân bằng quyến thuộc, của đồng bào mọi giới từ Hải Ngoại về tới Quê Hương.
Và cũng từ đây, hai chữ KIM CANG sáng chói, sẽ được ghi vào tâm khảm của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia:
Xác tục ngàn măm lưu Hải Ngoại,
Hồn thiêng vạn dặm gởi Quê Hương!
Paris (Chiêu Anh Các), 2 Mai 1991 Hương Giang Thái Văn Kiểm.

NGUYỄN PHƯƠNG MINH * BÚI GIÁNG

Nguyễn Phương Minh

BÙI GIÁNG

   Ông ngon lành hơn tất cả các triết gia đó nhiều. Ngay giưã một xã hội đày đọa và kiểm soát con người chặt chẽ nhất, ngay ở một nơi chốn mà lối sống ngụy tín trở thành rất thực vàu mực, ngay trên những hè phố SàiGòn mà những tưởng đầu đường thương xó chợ / Nào ngờ xó chợ chẳng thương nhau, Bùi Giáng vẫn sống tự do, tự do tuyệt đối :







LTS: Chớp Biển là tập thơ mới nhất của Bùi Giáng in ở hải ngoại. Thân nhân Bùi Giáng đã phát hành tập thơ này để kỷ niệm 70 năm ngày sinh của ông. Tập thơ dày 170 trang, in trên giấy tuyệt đẹp tại VINAGRAPHICS ở Toronto, Canada [Tel&Fax: (416)537-6927], nạp lưu chiểu với số ISBN 0-9682954-0-1 của La Giang Publishings; và có lẽ là tập thơ đầu tiên và duy nhất có những tư liệu chính xác về tác giả - các tư liệu ở mức độ gia phả -, có những bài thơ mới nhất của ông, cùng các bài thơ ông sáng tác trong quá khứ nhưng chưa từng in. Mọi chi tiết về tập thơ, xin bạn đọc liên lạc về: ANAHILLS, 1055 Dewcrest Drive, Anaheim, CA 92808; điện thoại: (714) 281-2934, Fax: (714)280-1204.

***

Một đời đâu chốn đâu nơi
Đâu người đi kẻ ở đời đâu đâu
Em đi từ tỉnh mộng đầu
Một mình anh ở mang sầu trăm năm
Em từ vô tận xa xăm
Trùng lai chất vấn: từ trăm năm nào?
(Một Đời)


Từ trăm năm nào?


Câu chất vấn muôn thuở. Câu chất vấn lực-đẩy của cuộc chơi hàm-hỗn-và-nghiêm-trọng Bùi Giáng. Câu chất vấn hồi tác (feedback) của cuộc định hướng mùa Xuân năm nào từ những thập niên 60 của Mưa Nguồn:


Xin chào nhau giưã con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Để rồi đồng vọng vào năm 1995 với:
Tôi từ xa lắc mộng trường
Về ăn một trái mười phương tôi chào


Để rồi, ở đây, vào cuối thập niên 90, cái đi rất mực cụ thể lại được khởi từ chốn thực ảo (virtual reality) tỉnh mộng đầu, cái ở cũng rất-mực-hôm-nay lại được cho yên vị hài hòa bên sầu trăm năm. Cái đời rất hiện-tiền lại được nhìn-vào-tận-mặt với tất cả nỗi xao xuyến lo âu của nó (anxiety theo thuật ngữ của Heidegger). Và tất cả là để thực hiện t i ế n t r ì n h p h i ê u b ồ n g l ữ t h ứ t h ờ i - t í n h - h ó a (temporalization) q u a k i n h n g h i ệ m M ư a N g u ồ n, C h ớù p B I ể n. Cuộc thời tính hóa gần 40 năm, Từ mưa nguồn tới chớp biển xanh(Chớp Biển), Từ cổ lục tới tân thanh lẩy bẩy (Rồi có lúc); cuộc thời tính hóa đem cái chớp biển nọ mà làm nên đủ một cõi trăm năm, để rồi khi cần phải giải tỏ thì đã:


Lỡ từ lạc bước bước ra
Chết từ sơ ngộ Màu Hoa Cuối Cùng
(Giải Tỏ Cái Điên)


Tại sao thế?


Tại sao phải dấn liều một trận máu me tiêu tan tinh thể nhà ma như thế?


Đời vốn như thế. Ban đầu vào cuộc sống, chúng ta giầu, giầu nhiều, giầu nưã; trong bao năm, chúng ta trồng cây tiả hột, nhưng ngày tháng trôi qua, năm sầu lại: thời gian phá vỡ mất công trình; cây rừng bị chặt; bạn hữu từng người rơi rụng mất. Bóng tùng quân nghìn tầm siêu đổ, cái con người trơn trụi sẽ còn nghe rõ trong hoang liêu mối ngậm ngùi xuân xanh xa mất. (Cõi Người Ta, tr. 45)


Nghe rồi nó xao xuyến! Nghe rồi nó lo âu! Nghe rồi nó ưu tư!


Té ra đời lỗi muôn vàn, nó lẩm bẩm té ra ta sẽ không tránh khỏi bị co rúm vào ... khoảng không, té ra cái ta ôm, cái ta cho là ta, ở trong ta, thuộc về ta, cuối cùng rất có thể là không thật, là không là gì cả, là không, là ... cũng chỉ là trăm năm một nấm cỏ khâu xanh rì. Nó sợ, vì cái diệt-phải-đến của từng mối yêu thương của nó, của từng tụ-bám-víu của nó, như là mũi tên đâm thẳng vào cái sâu thẳm nhất của nó, cái sâu thẳm tôi là. Nó lo âu, vì cái mâu thuẫn hấp hối giữa cái tôi là tưởng chừng còn mãi lại rất mực chông chênh dựa trên một nền mà trong đó đã phục sẵn mầm hủy hoại.


Kính em
từ biển non gần
Tới xa lạ của tử phần rỗng tuênh
(Gửi Tặng Tặng)


Nhưng, nếu nó là con người-không-đích-thực (the unauthentic man theo thuật ngữ của Heidegger), thì nó chỉ sợ từng cơn (lúc cái chết thì thầm vào tai nó khi người thân của nó chết ... ), và thay vì đối diện với nỗi lo âu, nó chạy trốn. Nó sa đọa. Nó tự tan biến vào đám đông. Nó tị nạn nơi những gì được chấp nhận chung quanh nó. Nó gia nhập hội đoàn này, đảng nọ, lấy căn cước của tổ chức làm căn cước của chính nó (theo nghiã này, người cộng sản là người-không-đích-thực ... ngoại hạng, vì họ có cả một chủ nghiã để chạy trốn chính con người của họ, để biện minh cho sự vay mượn căn cước, cho sự chạy trốn khỏi lo âu, để đưa sự ngụy-tín lên làm mẫu mực sống). Người không-đích-thực sống theo khuynh hướng chung, theo người-ta, cho dù đó là mốt ăn mặc, cách trang điểm, một bản nhạc thịnh hành. Nó bị cuốn hút vào đám đông. Nó đắm chìm vào đủ mọi loại dự án. Nó luôn bận rộn, bận rộn ngay cả lúc nghỉ ngơi, mệt nhoài ngay cả lúc đi nghỉ hè. Nó không bao giờ bằng lòng với cái nó có. Nó muốn thêm nưã, nhiều thêm nưã, để bù đắp vào khoảng trống trong nó, khoảng trống mà nó sợ vô cùng phải đối diện. Nó tự đánh lừa nó về cái còn-mãi của nó. Nó sửa sắc đẹp. Nó chạy theo thời trang. Nó cố khoác lên nó bề ngoài trẻ trung. Nó tìm cái hiện hữu của nó nơi người khác. Nó bận rộn, vô cùng bận rộn, tùm lum bận rộn. Nó quàng vào người nó đủ mọi thứ dây mơ rễ má ở đời để ... tìm quên, để khỏi phải đối diện với vực sâu trong chính nó: bỏ đi tất cả những ràng buộc ở ngoài, nghề nghiệp, cái xe, nhà cửa, người thân, người tình, bạn bè ... nó là gì? nó còn gì? ... khi cái chết đến?


Đi về với gió phù du
Mở trang mộng mị cho mù sa bay
(Với Gió Phù Du)

Con người-đích-thực (the authentic man theo thuật ngữ của Heidegger) không sống như thế. Nó biết rõ cõi-người-ta không làm nên cõi-nó; rằng chính nó - qua tiến trình sống mà nó thể nghiệm - tạo nên cõi-nó và cõi-nó tạo nên nó. Nó - và chỉ một mình nó - hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự làm nên nó và cõi-nó. Và vì cõi-nó được hình thành qua nó, từ những kinh nghiệm của riêng nó, nên cõi-nó chỉ có giá trị với nó, và không thể được đại cương quá thành một cõi siêu nhiên nào đó, để rồi bắt mọi người phải quy về. Nó ghi nhận sự hiện diện của cõi-người-ta nhưng nó để cõi-người-ta trong ngoặc kép. Nó chìm đắm trong cõi riêng của nó và nó tự tìm trong cõi riêng của nó. Tất cả đè nặng lên nó. Cái nặng vô cùng ở mỗi lúc của dòng-sống-nó. Cái nặng mà khả thể nhẹ-lắm là rất thực, ở mỗi lúc đã qua, ở lúc chết. Cái nặng làm con người đích-thực sợ, nhưng cái nhẹ làm nó lo âu. Nó nhìn thẳng vào lo âu. Nó ưu tư. Và nó biết nó ưu tư. Một mình. Nó ý thức trong từng chặp của cuộc sống cái mâu thuẫn căn bản của kiếp người, cái mâu thuẫn giưã cái tôi còn và cái nền tảng thoáng qua của nó:


Về tuế nguyệt bước ngao du tận mỵ
Người có nghe tang hải réo vô thường?
(Hoàng Hôn Vẽ Bóng)


Dụm dành riêng của trăm năm
Rồi ra muôn một trăng rằm lửng lơ
(Tặng Kỹ Nữ /II/)


Nó rõ lắm cái giá trị vô cùng của giây phút nó đang sống, nhưng nó cũng cười cợt vì rằng mười ngàn năm đã qua là vô cùng nhẹ như cách nói của Kierkegaard.
Nhẹ quá không kham nổi. Không kham nổi! Nó ưu tư. Nó biết nó ưu tư. Nó xao xuyến. Nó biết nó xao xuyến. Nó khảo sát nó, nó cảm nhận nỗi xao xuyến một cách tỉnh táo. Nó treo lơ lửng cái mâu thuẫn mãi-thoáng của kiếp người người trước mặt nó. Nó sống thi thiết với nỗi xao xuyến, không thuần-buồn-khổ mà cũng chẳng chỉ-cười-cợt, mà đối diện nó một cách bi-hài (lại cũng như cách nói của Kierkegaard). Chính cái mâu thuẫn này của kiếp người - cái mâu thuẫn được con người đích-thực cảm nhận trong nỗi xao xuyến tỉnh giác - là gốc nguồn của bi và hài trong các diện của đời sống hàng ngày Cái bi-hài của tình trạng thế nhân được con-người-đích-thực dự cảm trong nỗi trở trăn khải ngộ của mình là cội nguồn của mọi nỗi bi và hài trong từng cấp độ cuộc đời thường. Và như thế nó không đắm chìm trong khổ đau và cười cợt, nó không chết ngộp trong cái bi và cái hài của cuộc sống, mà nó sống cái bi cái hài đó. Khi bi thảm, nó biết nó bi thảm. Khi cười cợt , nó biết nó cười cợt. Nó khóc than trong ý thức tỉnh giác về cái cười cợt dấu mặt; nó vui đùa, nhưng biết-lắm về cơn sầu khổ chực trào. Khóc và cười bù đắp cho nhau và làm nên đủ một cõi trăm năm.

*
* *

Đã thế thì thử có gì lạ lắm không khi Bùi Giáng đặt việc chăn nuôi bên cạnh sự chuyển động của Long Thọ nơi Trung Quán:


Làm thơ như thể chăn trâu
Chăn bò, chăn ngựa, ngõ hầu chăn dê
Chăn hùm thiêng mệt chán chê,
Chăn beo, chăn gấu, nghiệp nghề chăn voi ....
. . .Chào nhau giưã bước chân đi
Mà quên chân bước chậm rì - chân qua.
(Du Mục)


Và cũng chính cái cùng-lúc-có-mặt của khóc và cười, sự thể nghiệm trọn vẹn của mâu thuẫn không thoát khỏi của kiếp người, giải thích cái gắn bó giưã thực và ảo, giưã nghiêm trọng và bỡn cợt, giưã cái phơi-trần và mật-chú, giưã rất-thực-ở-đây và viễn-ảo-nơi-nào trong thơ Bùi Giáng.


Bùi Giáng đã đẩy cái mâu thuẫn đó vào giưã lòng tiểu đối đặc thù Nguyễn Du, đưa mâu thuẫn vào khắp diện bài thơ: đoạn trên đối đọan sau, câu trước đối câu sau, từng phần trong câu đối nhau, từng từ trong câu đối nhau; tất cả gặp nhau ở giưã cái xoáy ảo-thực cuộc đời, dung nhiếp nhau, thêm lực cho nhau, nâng đỡ nhau, làm nên cõi riêng, để từ:


Bờ mây trắng cuối chơn không
Chân trời diệu hữu phiêu bồng bê tha
(Giải Tỏ Cái Điên)


mà nghiệm:


Sầu dâng tấc cỏ pha mù
O bồng sương đục mây lừ đừ cong
(Ly Bôi)
mà cảm:
Rung rinh trái mận trái đào
Đổ ra trái óc, đắp vào trái tim . . .
(Tý Tỳ Ty)
để rồi lại nghiệm:
Trần gian trên đất dưới trời
Một lời là một không lời nói ra.
(Chắp Nhặt)
và té ra là:
(Tuy nhiên Tuyệt Đối là gì?
- Từ trong tinh thể nhu mì mọc ra ...)
(Tý Tỳ Ty)

Nơi Chớp Biển, đây là lần đầu tiên - và có lẽ là duy nhất - mà ta có được một số thông tin xác thực - ở mức độ gia phả - về Bùi Giáng. Có bài viết của em viết về anh Bùi Giáng, của chú viết về cháu Bùi Giáng. Ông nội của mẹ Bùi Giáng, cụ Hoàng Văn Bảng, là em ruột cụ Hoàng Diệu. Ta biết, năm cỡ 19, Bùi Giáng lập gia đình, đưa vợ về phía tây, tận vùng núi rừng Trung Phước. Nhưng chỉ vài ba năm sau đó, vợ ông qua đời vì một cơn bệnh (Bùi Công Luân ghi, tr. 13-15). Ta cũng biết, năm 1950, sau khi thi đậu Tú Tài II văn chương, ông lội bộ một tháng rưỡi để đi từ Quảng Nam ra Hà Tĩnh. Sau khi nghe ông viện trưởng đọc diễn văn trong ngày khai giảng, anh lại lội bộ một tháng rưỡi để trở về Quảng Nam. Năm 1952, ông vào SàiGòn để ghi danh theo học đại học Văn Khoa, sau khi đọc danh sách giáo sư, ông quyết định tự mình phiêu bồng trong việc học. (Bùi Văn Vịnh ghi, tr. 89-91). Và ta cũng biết - có thế mới hoàn chỉnh nưả mặt còn lại của cái điên chứ! - té ra Bùi Giáng không chỉ là người sáng tỉnh chiều điên, sáng vào Chợ Quán, tối ra lề đường, mà còn là:


Bùi gia gốc ở Nghệ An
Hoan Châu tên cũ, mộ phần còn ghi
(Bùi Tấn - Hoài Niệm Tổ Tiên)


Vẫn con-người-đích-thực đó dung nhiếp cơn khóc và trận cười. Nó khóc và cười một cảnh tỉnh thức, chính sự tỉnh thức này tạo nên chiều sâu chóng mặt cho những trận cười, và khoác sự khó hiểu lên những giọt nước mắt của nó. Nó đặt một tấm chắn hài (hoặc/và điên) giưã nó và cuộc đời, để tách biệt nó với đời-sống-qui-ước, để nó được yên thân sống đời sống của nó, truy tầm về chính nó, để tra vấn con người xa lạ trong nó, để thể nghiệm trọn vẹn cuộc phiêu bồng của tồn-lưu trong cuộc lữ thời tính hóa.


Tôi đi tuế nguyệt giang hà
Ngu ngơ tôi ngó người ta quên mình
(Cô Em Mọi Nhỏ)
Nhìn anh, em hỏi: Anh ôi!
Anh vui như thể suốt đời anh điên?
(Em Từng Đã)


Với nó, chỉ có điều này là tối quan trọng. Và đây cũng chính là khởi đầu cho hài kịch của đời sống. Vì trong khi nó sống cực kỳ nghiêm trọng, đẩy giới hạn của cảm nhận ra đến nơi thì thùng, thể nghiệm trọn vẹn cái giây phút cực kỳ ngắn của lần phùng ngộ với vô biên; thì đối với những người-không-đích-thực - những người mà rất nhiều thứ trên đời, nếu không nói là hầu hết, đều quan trọng, nhưng không có gì là tối quan trọng - thì chính những người này lại kết án nó là coi đời không ra gì!. Song, có sao đâu:


-Tới đâu cũng được, có sao:
Từ đầu tiên tới cuối đầu tiên đi!
(Cuả Em)


Khi những người-không-đích-thực gặp nhau, họ thấy nhau dầy đặc, đầy đặc những khác biệt, nhưng họ lại phải nương vào nhau để thấy cái tôi của chính họ, để thấy cái nghiã của đời sống của họ. Người không-đích-thực thấy người-đích-thực rất khó nắm bắt. Của đáng tội, người đích-thực có gì để nắm bắt, làm thế nào nắm bắt cái chỗ dừng của thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ (Hồ Dzếnh) cơ chứ! Nắm bắt gì ở một người mà suốt đời chỉ mong:


Gom từng cơn nắng nhỏ nhoi
Nụ cười hiu hắt phanh phơi nỗi đời,
Nhánh đời gió lộng trùng khơi
Nhặt lên thả xuống chiều vời vợi bay . . .
(Theo Từng Mây Bay)


Nhưng khi hai người-đích-thực gặp nhau, họ thấy nhau trong suốt, và họ có với nhau niềm dửng-dưng-tương-kính; tương kính vì biết người đối diện là người đích-thực, dửng dưng là vì, do họ đích-thực nên không ai áp đặt lên ai, không ai tranh giành của ai, không ai so bì với ai. Họ không nghĩ rằng 'Có người tốt hơn ta' hay 'Có người giống như ta' hay 'Có người hạ liệt hơn ta' . Người đích-thực cảm được điều đó, nó kham nhẫn:


Người người chịu lắm thiệt thòi
Biển dâu vô tận từ ngoài vào trong
Chỉ riêng thiên thể thong dong
Đi về du hý giưã vòng khép khung
Nếu vấp giới hạn thì thùng
Tất nhiên tính mệnh tận cùng tuôn ra
Đau lòng đứt ruột đứt rà
Ấy là khổ lụy ấy là khả kham
(Kham Nhẫn)


Vẫn con người-đích-thực đó, nó biết cái giới hạn thì thùng của cuộc thí nghiệm thời tính hóa mà chính nó là vật thí nghiệm. Cuộc thí nghiệm chỉ có giá trị với nó và với nó mà thôi. Nó không kêu gọi bất cứ ai sống theo lối sống của nó:


Ông điên đầy đủ mỏi mòn
Cấm con bắt chước sinh tồn của ông !
(Gửi Tặng Tặng)


Nó không kênh kiệu đâu! Nó chỉ phát biểu điều mà nó kinh nghiệm, điều mà nó cho là cực kỳ quan trọng đối với nó, nhưng rất có thể là không có nghiã gì cả đối với bất cứ ai khác. Nó cô đơn trong đối diện với sinh tồn của nó:


Đi một phút trăm năm về đẫm lệ
Giưã bụi hồng
con cô độc đấy con
(Các Con)
Vì sao? Peut-être parce que / Vì chưng, có lẽ vì chưng ... (Parce-que)

Vì chưng nó ở trong một thế giới, nhưng cũng qua nó mà nó có thế giới đó để thuộc về. Nó ở-đó bởi vì qua nó mà có cái nó-ở-đó. Nó là cái mà qua đó nó nhìn thế giới và cấu thành nên thế giới. Và đó là giới hạn của nó, giới hạn do nó sống. Vì là giới hạn định ra từ kinh nghiệm nó thể nghiệm, giới hạn đó không thể được đại cương hóa để bao trùm các tồn lưu khác, các cõi khác. Và nó biết cái giới hạn của nó. Nó là tay phù thủy đại tài, đứng trước đống xương cọp, nó đã biến đống xương cọp thành con cọp để rồi bị chính con cọp đó ăn thịt. Nó đích-thực ở chỗ nó biết nó là tay phù thủy thần sầu, nhưng nó cũng ý thức là nó bị con cọp nơi chính nó ăn thịt. Nó tạo nên thế giới và cái thế giới nó tạo nên, tạo nên nó; một qua lại theo tiến trình vòng-hồi-tác (feedback loop), không cái nào trước cái nào sau, mà theo lẽ duyên khởi. Với nó không hề có một cái NgãThể to lớn, siêu nhiên mà tấùùt cả thuộc về. Với nó có mặt là có mặt ở một nơi chốn, trong một thế giới được hình thành do sự tương tác giưã nó với các có-mặt khác - yonder theo thuật ngữ của Heidegger - trong thế giới đó. Có-mặt có nghiã là có mặt trong cái thế giới đó, trong cái thế giới có mặt qua nó, và chiếm một khoảng không trong thế giới đó. Cái thế giới của những ưu tư của nó, cái thế giới tập hợp của những cái có-mặt có-nghiã đối với nó đồng thời cũng tạo-nghiã cho nó.


Hình dung con cớ xa mù
Làm sao phỏng đoán cuộc phù trầm riêng
(Chuyện Ngẫu Nhiên)


Đó là thế giới tập khởi Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ họp, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh, nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, naõ sanh khởi. Đây là thế giới tập khởi. (Tương Ưng Bộ Kinh, tập2, tr. 134). Và cũng thế với tai, mũi, lưỡi, thân, ý.


Các con từ bấy bao giờ
Không hề thật sự thật là các con.
(Gửi Tặng Tặng)


Vẫn với con người-đích-thực, thế giới của nó và chính nó là sự thể hiện của tiến trình thời tính hóa của nó, tiến trình mà lực đẩy là những khả thể, là những yếu tố vắng-mặt (negative). Vì cái hiện diện (positive) là cái đã thành và vì chưng đã-thành nên không còn gì để nói. Nó nhìn quan điểm 'tôi tư duy nên tôi là' (Cogito, ergo sum / I think therefore I am) của Descartes theo cái nhìn không-còn-gì-để-nói đó. Với nó quan điểm của Descartes chỉ là một lời tự đánh lừa huề vốn để biện minh cho sự hiện diện của một cái tôi, cái tôi không thể nghĩ bàn không thể chứng minh mà chỉ có thể giả định là có từ trước. Là vì ngược dòng tư duy, theo Descartes đi đến tận cùng, nó bắt gặp cái gì? Cái tôi mà Descartes đã giả định, mà Descates không thể phủ định cái tôi đó (cái cogito) để tiến xa hơn, vì muốn phủ định cái tôi đó, phải khẳng định là nó có, vì nếu nó không có thì ... lấy gì mà phủ định.


Con từ mộng tưởng xưa sau
Oâng từ mộng mỵ không đầu không đuôi
(Tặng Cháu Ny)


Nó không thể đi đến tận cùng thế giới để tìm hiểu về thế giới. Nó không thể đi ngược chiều kích tư duy để biết về nó. Này các tỷ kheo, ta tuyên bố rằng sự tận cùng thế giới không thể biết, không thể thấy, không thể đạt được bằng cách đi đến tận cùng thế giới. Ta cũng không tuyên bố rằng, này các tỷ kheo, sự chấm dứt đau khổ có thể làm được bằng cách không đạt được sự tận cùng thế giới. (Tương Ưng Bộ Kinh, tập 4, tr. 168). Và nó biết Tự nó, nó không có (Kinh Lời Vàng, tr. 53).
Con người-đích-thực không ngừng đi tìm cái tôi ngay trong những kinh nghiệm bây-giờ. Tôi là gì?, nó không biết. Nó mãi mãi đặt vấn đề, mặc dù nó biết câu hỏi về chính nó không có giải đáp. Điều nó ưu tư là tiến trình sống. Bằng cách liên tục đặt lại vấn đề, nó cấu chính nó ra khỏi nó và đặt cuộc sống ra ngoài nó, và tỉnh táo nhìn nó - trong thế giới của nó - phiêu bồng trong cuộc lữ thời tính hóa. Nó tra vấn chính nó và thế giới mà nó thuộc về, rằng bất kỳ một lời đáp hiển nhiên và hiện hữu nào cũng đều là giả, vì chưng chân lý là nằm trong tính nước đôi bất khả vượt qua ngay tự trái tim con người và thế giới. Nó dõi theo những cái vắng mặt làm nên nó và cõi-nó. Với nó không phải vấn đề tôi tư duy nên tôi là (I think therefore I am), mà chính là vì tôi chưa thành nên tôi tư duy (I am not therefore I think). Vì nếu đã-thành cho dù là thành bất cứ cái gì, như hòn sỏi đã-thành chẳng hạn, thì có cần phải suy tư nưã không?


Nó không chủ trương nó là cái này hay nó là cái kia, mà luôn tự tra vấn Tôi là gì? Là gì chăng?. Nó sống trọn vẹn khả thể tính của nó, để cho cái vắng-mặt mời gọi sự thể nghiệm, nhưng không bao giờ nó trông mong có một cuối con đường với một nơi chốn trú ẩn cho nó dừng chân. Nó luôn thắc mắc:


Một đời đâu chốn đâu nơi
Đâu người đi kẻ ở đời đâu đâu
để rồi trả lời với thực-ảo:
Em đi từ tỉnh mộng đầu
Một mình anh ở mang sầu trăm năm
để rồi lại tự tra vấn:
Em từ vô tận xa xăm
Trùng lai chất vấn: từ trăm năm nào?


Chính cái lững lơ này là sức mạnh tư duy của nó, chính cái Không gian như có dây tơ / Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tan (Xuân Diệu) này là lực đẩy cho tiến trình thời tính hóa của nó, và nó là cái đang-thành nhưng không bao giờ đạt. Vì nó đang-thành, cho nên mọi cố gắng đóng khung nó trong một cái gì đã-thành đều là tai nạn, cho dù sự đóng khung có gán cho nó cái tên là nhà thơ nhà phê bình nhà biên khảo hay bấy cứ nhà nhà gì. Chính tiến trình triển sinh theo cách thế sinh động mở này khiến cho khuôn mặt Bùi Giáng khó nhận diện. Làm sao nhận diện một người mà quê và tên là:


Hỏi tên? - Cổ lục phong trần.
Hỏi quê? - Mộng tưởng tiền trình bơ vơ.
(Hỏi Và Gọi)
và điểm và giờ hẹn lại là:
Ngày tái ngộ nước non nào chẳng biết
Anh chào em như ảo mộng đêm rằm
. . . Em có thấy thời gian đi óng ả
Suốt càn khôn châu thổ nguyệt sương đồng?
(Trang Phượng Vỹ)
để lên đường rất thực mà:
Mở đầu một cuộc mà ra
Trận du hý với nhà ma phiêu bồng
(Mang Đi)


Nhưng chính cái đang-thành đó, mà mới thoạt nhìn tưởng là khiếm khuyết trong sự định hình một cái tôi, lại là sức mạnh của con người-đích-thực. Con người-đích-thực mãi mãi đang-là, và tuyệt đối tự do trong tiến trình đang-là của nó, vì nó được hình thành trong thế giới của nó, và thế giới của nó được định hình qua nó. Nó tuyệt đối tự do trong tiến trình đang-thành nhưng không-bao-giờ-đạt của tồn lưu của nó. Nó biết nó tự do tuyệt đối và nó xao xuyến.

*
* *

Có người-đích-thực đã không chịu nỗi cái nhẹ vô cùng của sự tự do tuyệt đối đó. Và cái nhẹ quá thể đó bỗng chốc trở thành một gánh nặng vô cùng.
Nó kinh hoảng!


Sống là phải sống cho cái gì đó cơ chứ! Phải chấp nhận một loại trách nhiệm nào đó chứ! Nhưng cái gì bây giờ? Trách nhiệm nào? Làm gì bây giờ? Cuộc sống bỗng trở thành một trò chơi mà người chơi không hề biết luật chơi. Trước nỗi kinh hoảng đó, các người-đích-thực trong quá khứ đã chọn - dẫu đa dạng, song vẫn là mô hình hoá - các ứng xử:


Ngủ quên trên chiến thắng. Họ xem việc họ nêu vấn đề về một cái tôi đang-thành nhưng không bao giờ đạt, về một tiến trình thời tính hóa không đáp án là ... nhất rồi. Và họ dừng ở đó.


Im lặng gậm nhấm bế tắc của mình. Heidegger rút về khu rừng đen, giam mình trong một căn nhà trên núi, diện bích và ... đọc thơ Holderlin. Sự gậm nhấm này có thể bế tắc đến mức điên loạn và chết trong điên loạn như Nietzsche đã phải trả giá cho sự tự do tuyệt đối đó.


Loay hoay tìm chỗ bám víu. Marcel trở thành con chiên ngoan đạo. Một số ... không còn là người đích-thực. Sartre trở nên dấn thân, tham gia chính trị, và đã làm điều sa đọa nhất - sa đọa theo lối hiểu của Heidegger - của đời mình, là trở thành đảng viên đảng cộng sản - cho dù chỉ là ba tháng- và đứng chung hàng ngũ với những (mà nếu gọi thẳng tên tục ra, thì là đã biến thành) người mà Heidegger xếp là không-đích-thực.


Họ bế tắc. Vì họ chỉ giải quyết vấn đề đúng có năm mươi phần trăm, mà đúng năm mươi phần trăm có nghiã là sai. Họ đúng 50% khi họ đồng hóa họ với tiến trình thời tính hóa (lẽ ra họ phải đồng hóa 100%), và sai tự căn để khi họ dành 50% còn lại để nêu câu hỏi Tôi là gì? Là gì chăng? mặc dù họ biết câu hỏi không có đáp án. Họ đã không nghe lời khuyên bảo của bậc đạo sư - bậc Thầy của trời và người - vọng lại từ 2500 năm xưa, rằng có bốn điều không thể nghĩ bàn, Phật giới của các đức Phật, Thiền giới của người ngồi Thiền, Quả dị thục của nghiệp, và Tâm tư thế giới, nếu nghĩ đến thời có thể đi đến cuồng loạn và thống khổ. khổ (Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1, tr. 706). Họ đã dám nghĩ bàn về tâm tư của thế giới nên đã phải trả giá bằng sự điên loạn hoặc/và thống

Còn Bùi Giáng?


Ông ngon lành hơn tất cả các triết gia đó nhiều. Ngay giưã một xã hội đày đọa và kiểm soát con người chặt chẽ nhất, ngay ở một nơi chốn mà lối sống ngụy tín trở thành rất thực vàu mực, ngay trên những hè phố SàiGòn mà những tưởng đầu đường thương xó chợ / Nào ngờ xó chợ chẳng thương nhau, Bùi Giáng vẫn sống tự do, tự do tuyệt đối :


Thênh thang gió núi mây ngàn
Trăng rừng rú nguyệt chưa từng phụ ta
Ta đi khắp mặt sơn hà
Ta ngồi ngẫm nghĩ quả là ta điên:
Thong dong vốc nước ngọc tuyền . . .
(Gió Núi Mây Ngàn)
Bùi Giáng vẫn sống trong thế giới riêng của mình:
Xiết bao tình tự mông lung
Đi về vây bọc một vùng máu tim
(Chốn Nào Nè Này)
vẫn rất thực và bi-hài để cho cái vắng-mặt bất ngờ thúc đẩy cuộc lữ thứ thời tính hóa:
Trần gian du hý bất ngờ
Một thao thiết dựng một giờ trăm năm
(Kể Từ Cổ Lục)


Trong cuộc du hý đó, Bùi Giáng đã:

nghĩ đến tâm tư của thế giới qua cuộc đối thoại

 Từ cổ lục đến tân thanh lẩy bẩy (Rồi Có Lúc),

 Từ vô tận tới trăng lầu bốn phương (Chắp Nhặt),

để rồi:


Dông dài chắp nhặt hai tay
Lầm than đối thoại phôi thai lúc nào
(Sương Nắng)
đã lạm bàn về quả dị thục của nghiệp khi đồng vọng với các luận sư A Tì Đàm (Tháùng Pháp Tập Yếu Luận) tra vấn về thức tái sinh đã đưa Em đến đây:
Từ quốc độ vô biên em lấp ló
(Em đã nói)
Em từ viễn tượng chiêm bao
(Còn ở đợi chờ)
Em từ vô tận xa xăm
(Một đời)
Từ vô tận xứ thăng bằng em đi
(Em là rất mực ấy em)
đã đưa con đến đây:
Con từ tinh thể tuyệt vời
Mang tâm tính nọ về chơi cõi người
. . . Kể làm sao xiết bao lần
Bao phen ráo riết lần khân . . . con từ
(Con Từ)


Trong lúc hầu hết - và sẽ không quá nếu ta cho là tất cả - các triết gia hiện sinh đều chuyển hướng vào tuổi trung niên (chẳng hạn, Heidegger sinh năm 1889 và viết Holderlin và Bản Chất Thi Ca vào năm 1936; Sartre sinh năm 1905 và trở thành ngọn đèn cánh tả vào năm 1945), thì trung-niên-đười-ươi-thi-sĩ Bùi Giáng của chúng ta vẫn thể nghiệm tiến trình thời tính hóa của mình cho đến cái tuổi ... cổ lai hy thất thập! Và hình như, ở lúc này, ông đã đẩy tiến trình đó đến tận cùng của nó, để chỉ còn thể nghiệm cái đang-thành, cái hiện-tại-đang-sống. Câu hỏi Tôi là gì? Là gì chăng? đã được ông lửng lờ niêm hoa vi tiếu:


Tới nay một đổ ra mười
Ta không còn biết ta người của ai
(Phong Tình Cổ Lục)
không của ai ... thế trong cái ai đó có mình không ?
Dạ, thưa vậng ạ, vâng, ừ ...
Thành thân o bế tương tư o bồng
(O Bồng O Bế)

Vì,ø hình như, với Bùi Giáng, bây giờ, cái ta không ở chỗ nào, mà có không để mà ở, vì có chỗ nào cho cái tự-tưởng-tự-tương-tư-tự-o-bế? Chỗ nào bây giờ, ngoài chỗ do chính nó tưởng; Ngoài chính nó, do cái tưởng nó có về nó? Bây giờ, với Bùi Giáng, trọn vẹn là tiến trình thời tính hóa, trọn vẹn là cái ghi nhận không vướng chấp vào của tôi hay tôi là, trọn vẹn là cái hiện tiền, và trong cái thấy chỉ là thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là cái thức tri (Kinh Phật Tự Thuyết, UDANA, tr. 298-299). Cả tiến trình thời tính hóa dồn lại ở một lúc, đem trăm năm vào chung cuộc chớp-biển-bây-giờ:


Đổ thêm nước vào nồi canh
Bớt củi nồi cá; chậm, nhanh, từ từ!
(O Bồng O Bế)


Orange, Đinh Sửu trọng đông


TRẦN MỘNG TÚ * BÌNH THỦY

 Bình Thuỷ 1969 - Trần Mộng Tú

  Vốn là bạn thân của em chị, lâu lâu tôi được theo bạn đến nhà ăn chực và ngắm chị. Nhiều lần bị bắt gặp ngắm trộm, không bị mắng chỉ bị ký đầu khi tôi đổ thừa - “tại chị đẹp quá!”. Vừa chợt đó đã bốn mươi năm hững hờ trôi xuôi.
Dân, bạn tôi, theo lệnh đôn quân tham dự cuộc chiến vào cuối năm 1968 và năm 1974 nằm xuống bên bờ đê đọng nước ở một địa danh có cái tên thật hiền hoà, Cái Răng, Phụng Hiệp, thuộc vùng bốn. Sau đám tang của Dân, tôi không còn có dịp gặp lại chị. Và dòng sống nổi trôi với những nhọc nhằn và đầy bất trắc chụp đến những tháng ngày sau đó. Tôi đoán chừng, lại một lần nữa chị cùng gia đình rời bỏ thiên đường được hứa hẹn. Tôi mong tất cả được yên bình.
Đến năm 1995 được nói chuyện với chị, sau những lời thăm, tôi không quên hỏi chị có còn đẹp như xưa không? Và được trả lời trong tiếng cười đùa khẻ - "Chị vẫn vậy em". Ở một khoảng xa hơn 5000 cây số nhưng tôi vẫn dung tưởng được nụ cười thật đẹp trong thời hương sắc nhất của chị.
Mãi đến năm 2006, tôi mới được thăm chị tại tư gia vào một buổi tối. Đứng trên lan can của ngôi nhà trên triền đồi cạnh hồ, ngắm vầng trăng non lung linh ánh lên từ mặt nước của hồ Sammamish, Seattle, WA, tôi nhủ thầm, khung cảnh đượm thiên thai nầy đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nguồn thi hứng để chị hiến tặng cho cuộc đời những vần thơ thật đẹp.
Tận mặt, quả đúng như lời chị nói, dù đùa, từ hơn mười năm trước - "Chị vẫn vậy em!"
Mới đây, nhằm giúp cho Trang Nhà của chúng ta, Thầy Nguyễn Văn Vũ đã liên lạc với các bạn thi văn của Thầy và gởi cho một số truyện, thơ của những văn thi sĩ đã thành danh. Đọc một trong hai tên tác giả - Trần Mộng Tú, tôi nhận ra bà chị thi sĩ xinh đẹp của tôi. Tôi gọi chị để tỏ lòng biết ơn thì được chị cho phép đăng thêm một số thơ và truyện với lời nhắn - Gởi biếu em và bạn bè thân hữu của em.
Hội, Trang Nhà xin ghi nhận trong sự biết ơn cho sự giúp đỡ tận tình của Thầy Nguyễn Văn Vũ, Nhà thơ Trần Mộng Tú và Thầy Tạ Quang Khôi.
Xin trang trọng giới thiệu với độc giả của Trang Nhà một truyện ngắn về cuộc đời của chính chị. (Trang Nhà)
Bình Thủy 1969
(Trích trong Mưa Sài Gòn Mưa Seattle (Tạp Văn-2006) NXB-Văn Mới)
Buổi tối của một ngày đầu tháng 8 năm 1969, khi tôi đang ngồi xem những tấm ảnh màu đám cưới gửi từ Mỹ về, xắp xếp để làm một cuốn album, thì nghe tiếng chuông cửa. Tôi ra mở cửa, hết sức ngạc nhiên khi thấy Carl và anh Huân là hai người ở Sở trước mặt. Anh Huân làm phòng tối, phụ trách về rửa phim, in hình và Carl vừa là phóng viên vừa là nhiếp ảnh viên. Cả hai người này chẳng bao giờ đến nhà tôi vào giờ này, càng chắc chắn là không phải gọi tôi đi làm. Tôi lúc đó làm thư ký cho hãng Thông Tấn The Associated Press, công việc của tôi là lo tất cả những việc linh tinh cho hãng: Từ phát lương cho nhân viên, giữ sổ chi thu, mua bán hình ảnh, thư ký cho ông chánh văn phòng, đi nghe họp báo bỏ túi, v.v. Những việc này không bao giờ phải làm cuối tuần, cũng như không bao giờ làm ca đêm.
Cả hai người bước vào buồng khách, cả hai nhìn tôi, rồi cả hai nhìn nhau, không ai muốn là mình nói trước. Tôi linh tính có điều không tốt, nhưng không hiểu chuyện gì. Cuối cùng Carl nói:
"Sở nhận được điện thoại từ Rạch Giá gọi về chiều nay, nói là Cung, chồng của cô đã tử trận."
Tôi đứng ngẩn người, nhìn lại cả hai, không nói được tiếng nào, Carl nói tiếp:
"Suốt từ chiều, chúng tôi liên lạc được với Rạch Giá (Kiên Giang), xác định tin rõ ràng, có gọi điện thoại nói chuyện với bà giám thị của đại học xá Trần Quý Cáp, mẹ Cung, cụ cũng nhận được tin rồi."
Tôi ngồi xuống hai gót chân mình, không nghe được gì tiếp, ngoài tiếng xôn xao của cha, mẹ và gia đình.
Chúng tôi mới cưới nhau sau lễ Phục Sinh vào tháng Tư, Cung tử trận 30 tháng 7, năm 1969. Cung không phải là quân nhân chính gốc, anh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, ban Pháp Văn và đã đi dạy được 1 năm, anh bị gọi trong chương trình Tổng Động Viên. Khi nhận giấy báo phải nhập ngũ, anh đến xin cha mẹ tôi cho làm hôn thú, vì sợ sau này sẽ khó khăn khi ở quân đội. Trên giấy tờ, tôi có chồng từ tháng 6-1968. Lúc làm đám hỏi chú rể tương lai không có mặt (đang đóng ở chi-khu Trà Bồng) chỉ có mẹ chồng mang trầu cau sang. Nghĩ cũng tủi thân, nhưng thời chiến mà, làm sao được.
Sau đám cưới, Cung về đơn vị, tôi vẫn ở nhà với cha mẹ, đợi Cung được biệt phái về dạy học lại, (Bộ Giáo Dục hứa sẽ cho các giáo chức được về vào tháng 10/1969) rồi sẽ ra ở riêng.
* * *
Chiếc máy bay vận tải Mỹ đáp xuống phi trường Bình Thủy, Cần Thơ.
Người phi công phụ quay xuống nói với anh trai của Cung và tôi, đang ngồi cạnh chiếc quan tài.
"Chúng tôi rất tiếc là phải thả hai người và quan tài xuống đây, vì đây là máy bay quân đội Mỹ chở dầu, chúng tôi chỉ đi tới Cần Thơ chứ không về đến Sàigòn."
Đuôi máy bay mở ra, một chiếc forklift tiến đến trục quan tài ra khỏi máy bay để giữa lòng phi đạo. Anh chồng tôi dặn:
"Em đứng đây, anh vào gặp ông xếp của phi trường này may ra được giúp đỡ."
Buổi trưa tháng Tám, mặt trời tóe những chùm nắng rát bỏng, chói chang trên sân bay, cái sân bay rộng lớn chổng chơ một chiếc áo quan có phủ xộc xệch lá quốc kỳ, mấy giọt nến đóng thành mảng khô cứng trắng đục trên màu vàng của lá cờ, một vài chiếc lá quăn queo sót lại của vòng hoa chiều qua còn dính ở đó.
Tôi tự thấy mình bé nhỏ, mỏng manh trong chiếc áo dài màu xanh nhạt, áo nhầu nát, tóc bơ phờ, mặt ngơ ngác đứng nhìn chung quanh mình. Cái sân bay trông sao mông mênh thế mà cái áo quan thì bé tí, tôi đứng bên cạnh trông lại càng bé hơn. Sân bay không một bóng người, vài ba chiếc máy bay quân sự đậu rải rác bên cạnh những phuy dầu chưa kịp xếp vào kho. Hình như đã có mùi hôi bốc ra từ áo quan, tôi đứng lui ra một tí nữa, xoa tay lên ngực, thấy mình nghẹt thở, ngực nặng và đau buốt, đau thấu xuống tận bụng, tôi muốn ngất đi.
Hai ngày, một đêm ở Kiên Giang đã làm tôi đuối sức. Tôi có làm gì đâu. Tôi chỉ không ăn, không ngủ, không khóc, không cả vệ sinh. Chắc trong người tôi không còn nước. Bà mẹ chồng một bên, ông anh chồng một bên, họ đổ sữa ông Thọ cho tôi. Bà mẹ chồng tôi thật giỏi, bà có kinh nghiệm với chiến tranh, kinh nghiệm với chết chóc, nên đi đón xác con mà bà còn nhớ đem theo hộp sữa ông Thọ cho cô con dâu tiểu thư, cô con dâu còn mới như vuông lụa chưa thêu.
"Con uống đi. Con mà gục xuống đây nữa thì mẹ biết nói làm sao với cha mẹ con."
Tôi không uống được, cái mùi tử khí trưa nay của mấy chục cái xác xếp chất lớp trước cửa nhà xác vẫn ràn rụa trong thân thể tôi. Nó phủ chụp từ đỉnh đầu xuống hai bàn chân, khi tôi len lỏi bước qua những xác lính bên ngoài để vào bên trong chỗ người ta để xác sĩ quan. Tôi đã phải bước qua từng cái túi có bọc thây người ở trong, có cái thòi hai bàn chân còn nguyên đôi giầy sau ra một đầu, có cái thì lòi ra ở đầu kia một đỉnh tóc bết đất, có cái thò nguyên một khuôn mặt tái mét vàng khè có mấy con ruồi đậu trên đôi mắt chưa khép kín hẳn. Tôi đi theo bàn tay dắt của người anh chồng, xúc động và kinh hoàng đã làm tôi không còn cảm giác nữa. Không biết tôi có dẫm phải ai không. Tôi cố gắng không dẫm lên những người đàn ông nằm đây. Vào được đến bên trong thì tôi có nhìn thấy gì đâu. Tôi chỉ nghe tiếng bật khóc của mẹ chồng, tiếng anh chồng bảo "Đúng là Cung rồi."
Tôi thấy hình như tôi được bế lên, được đặt ngồi xuống một cái bậc thềm, gió ở sông thổi vào mặt tôi, giúp tôi tỉnh lại, tôi mở mắt ra, nhìn xuống. Tôi thấy một giòng nước đục chẩy lờ đờ bên dưới. Thì ra nhà xác của bệnh viện Kiên Giang nằm sát cạnh bờ sông. Tôi không dám nhìn vào những người đàn bà đang đi lật từng cái poncho quấn thây người để tìm chồng, tìm con họ trước cửa nhà xác. Tôi thấy tôi còn may mắn hơn họ.
Người ta đem xác Cung về trại gia binh tiểu khu để làm lễ. Tôi được bày đứng cạnh áo quan cho ông Phó Tỉnh Trưởng đọc diễn văn, trong khi ông đọc thì tôi đứng nhìn mấy cây nến chẩy, nhìn vòng hoa đã bắt đầu héo, có cả chén cơm đã khô và quả trứng luộc có mấy con ruồi bay lên bay xuống, tàn nhang rơi phủ đầy trên đó. Ông Phó Tỉnh đọc diễn văn xong, hấp tấp ra về. Chắc ông hơi thất vọng vì không thấy tôi khóc để có dịp nói lời an ủi. Mấy người vợ lính trong trại gia binh, chạy sang thăm hỏi, mấy đứa nhỏ con lính chạy loanh quanh áo quan với mấy con chó gầy trơ xương, trụi cả lông, cái áo chúng mặc ngắn cũn, bụng ỏng ra ngoài, mũi thò lò cũng chẳng chùi. Chúng tròn mắt nhìn mấy người Sài Gòn, mặt mũi có vẻ khang khác với nhưng người trong trại lính nầy. Có người cũng từ xa đến chưa tìm ra xác chồng, xác con đến hỏi han bà mẹ chồng tôi với con mắt nặng trĩu và gương mặt thất thần.
Tôi đứng đó lơ mơ nghe lao xao những tiếng nói chồng lên nhau, mỗi người kể một cách, giống như ở nhà tôi mỗi khi đi xem một cuốn phim về, chị em tôi vẫn thường tranh nhau nói như thế. Hình như họ nói về trận đánh ngay ở xã Vĩnh Thanh Vân. Xã này, tôi không biết ở đâu nhưng chắc là rất gần. Họ nói đánh ba bốn hôm rồi, và vẫn còn đánh nên xác không kéo ra hết được, phải ngồi chờ thôi. Cứ ngồi chờ thế nào cũng gặp, họ bảo nhau.
"Không thấy người thì thấy xác. Thế nào cũng gặp mà!"
Người anh chồng thì thỉnh thoảng lại biến mất, không biết đi đâu, chắc là đi tìm cách đưa mọi người về nhà. Tôi thấy trong những người đi nhận xác chỉ có 3 người trong gia đình này ít khóc nhất.
Bà mẹ chồng tôi thì vừa mếu máo vừa lo xin nước sôi pha sữa cho con dâu uống. Con bé này vốn đã gầy, hai hôm rồi nó chẳng ăn, chẳng nói gì làm bà phát hoảng, giá nó cứ khóc sướt mướt như mấy người vợ lính đang khóc ngoài kia thì bà lại đỡ lo. Không biết còn kẹt ở đây đến bao giờ? Bằng vốn liếng tiếng Pháp bà nói chuyện với một ông sĩ quan Mỹ cho bà quá giang máy bay quân sự về Sàigòn, rồi bà sẽ thuê máy bay dân sự xuống đây đón mấy đứa con.
Bà giỏi lắm. Mấy chục năm trước, còn trẻ măng mà bà đã một mình thuê đò ở Nam Định đi tìm chồng. Chồng bà đang đêm được Việt Minh đập cửa mời đi, rồi cả tháng không thấy về. Ông được mời vì lúc đó ông có một ngôi trường nhỏ dạy học tiếng Pháp ở Nam Định. Bà đi đò, đi bộ cả bao nhiêu cây số, đến tận chỗ không ai dám bén mảng đến hỏi tin tức chồng. Họ bảo về đi, bắn chết rồi. Bà lại thuê đò về, tính ngày đi của chồng dùng làm ngày giỗ vì bà không biết ông bị xử bắn vào hôm nào. Mấy hôm sau bà bỏ nhà ở Nam Định, dắt ba thằng bé, đứa lớn nhất chưa quá 10 tuổi tìm đường ra Hà Nội. Đi làm, nuôi con ăn học. Rồi lại dắt con di cư vào Nam. Ai làm được gì thì bà cũng làm được như vậy. Bà cũng khóc chứ. Nhưng nước mắt thì vốn chóng khô vì nó không chảy hết ra một lúc, nó chảy rỉ rả ít một. Chảy suốt một đời. Cô con dâu bà mới cưới được có ba tháng, còn trẻ lắm, lại chưa có con, đi đón xác chồng lại có mẹ chồng, anh chồng bên cạnh. So với bà cô còn may mắn chán.
Mà đúng thật, bà mẹ chồng tháo vát của tôi số khổ hơn con dâu. Bà xin lên được máy bay về trước các con một hôm thì cũng bị thả xuống phi trường Bình Thủy đêm hôm đó, máy bay không về đến Sài Gòn. Một cơn mưa tháng Tám bất chợt ập xuống làm bà ướt sũng, thất thểu tìm một nhà thờ vào xin ngủ qua đêm, bà không cần khóc nữa, trời đất khóc hộ bà rồi. Sáng hôm sau bà đi xe đò về Sàigòn. Trong khi đó thì các con của bà: Con sống, con chết cũng bị thả xuống chỗ mẹ ngày hôm qua, nhưng không phải buổi tối mưa sũng nước mà một buổi trưa đầy nắng.
Cuối cùng thì cũng đưa được quan tài về Sài Gòn. Khi xuống đến phi trường Tân Sơn Nhất thì cả người và cảnh trông thật bắt mắt. Nếu có cần quay một cảnh phim cho chiến tranh thì hay quá. Cái quan tài cũng không cần phải trang trí cho ra vẻ tang thương hơn nữa. Lá cờ phủ trên nó nhầu nát, xộc xệch, cô đơn, đã đủ vẻ tang thương.
Hai nhân vật thất thểu xác xơ đứng cạnh không cần phải hóa trang hay diễn xuất, họ đi đứng như người mất hồn, ngơ ngác, thất lạc, rơi ra từng mảnh như những người lính vừa bại trận trở về. Cứ dựng máy quay phim lên, quay họ như thế vào phim cũng tuyệt lắm rồi.
Sau nầy tôi nghĩ lại vẫn tự hỏi. Tại sao lúc đó mà mình tỉnh khô như vậy, sao mình không phát rồ, phát điên, không đập đầu vào tường?
Cả trăm câu hỏi cứ chạy lung tung trong đầu tôi bao nhiêu năm trời.
Một chiếc xe nhà binh đón chở áo quan từ phi trường đến nhà xác bệnh viện Grall. Đã bảo bà mẹ chồng tôi là người tháo vát mà! Bà còn xin được miếng đất chôn Cung trong Mạc Đĩnh Chi để bà thăm viếng cho tiện, chứ lên tận Nghĩa Trang Quân Đội thì làm sao bà có thể đi thăm thường xuyên được.
Họ cho Cung đi qua nhà, dừng lại cho Cung nhìn chỗ mình đã sống, đã lớn lên một lần chót. Chẳng biết ai là người nghĩ ra cái tục không được chết ở nhà thì phải ghé qua nhà trước khi ra đi hẳn mà hay thế! Tôi thấy những người lân cận và một vài người họ hàng đã đứng chờ sẵn trước cửa nhà. Họ nhìn tôi, nhìn quan tài như xem phim chiếu chậm, họ quen quá rồi cái cảnh nầy những năm gần đây. Tôi còn trẻ quá, họ nghĩ. Thế nào rồi cũng quên đi, cũng lại lấy chồng, chỉ tội cho bà mẹ anh ta.
Họ nghĩ cũng chẳng sai mấy. Khi tôi bị đẩy ra khỏi nước, gia đình chồng cũng bỏ đi, chỉ có Cung là người ở lại. Cung cũng chẳng khác gì những người còn sống, cũng bị đuổi nhà, bị chiếm đoạt tài sản. Người anh họ ở lại tìm cho anh một nơi cư ngụ mới trong nhà thờ Tân Định.
Tôi trôi mãi rồi cũng phải dạt vào một chỗ. Bảy năm sau tôi lấy chồng, sanh con, tôi sống bình thường như tất cả mọi người đàn bà khác trên một đất nước không có chiến tranh. Tôi cũng vui, cũng buồn với những thăng trầm của đời sống.
Ở đời sống hàng ngày, tôi quên dần cái bất hạnh của tôi mấy mươi năm về trước. Nhưng tôi nhớ rất rõ ràng là cái bất hạnh đó nó có hiện diện trong kiếp người của mình. Thỉnh thoảng Cung vẫn về trong giấc mơ, dù suốt ngày hôm trước tôi không hề nghĩ đến. Cung về như còn sống hay về như đã chết thì khi tỉnh dậy, nước mắt tôi vẫn lặng lẽ trào ra trên gối. Tôi cố gắng không làm giao động người nằm bên cạnh đang ngon giấc. Buổi sáng, thức dậy, tôi thay áo gối, rồi lại thản nhiên bước vào đời sống trước mặt: Giặt giũ cho chồng, cơm bánh cho con.
Thời gian cứ thản nhiên trôi, buồn và vui đầy ắp hai tay. Ngày trắng tóc rồi cũng đến.
* * *                
Lần đầu tiên về thăm lại Việt Nam năm 1998, sau 23 năm, tôi đi tìm Cung ở nhà thờ Tân Định. Tôi đi len lỏi giữa những dẫy kệ, đọc từng cái tên, đi đến vần "T" là họ của Cung. Tôi nhìn thấy một cái hộc nhỏ, không có hình chỉ có ghi Họ, tên, ngày sinh, ngày mất. Tôi đứng lặng người, run rẩy chạm những ngón tay mình lên mặt chữ. Cái cảm giác chạm tay vào đầu áo quan của năm 1969 bỗng hiện ra dưới những ngón tay tôi. Một tiếng nấc đưa lên thanh quản, vỡ òa ra, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt của bao nhiêu năm tụ lại một ngày, nước mắt của những ngày đi đón xác ở Kiên Giang khô lại bây giờ nứt ra như một mạch ngầm của suối bật lên trên mặt đất nứt nẻ. Tôi khuỵu chân ngồi xuống giữa lối đi của hai hàng kệ, khóc như chưa bao giờ được khóc.
Chung quanh tôi vắng lặng. Tôi trầm mình vào nước mắt, vào bất hạnh, vào nỗi cô độc của mình. Cái hộc nhỏ đựng tro than bên trên đầu tôi vẫn thản nhiên, im lìm nhìn như trước khi tôi đến.
TRẦN MỘNG TÚ

Sau đây đôi hàng về tiểu sử của chị:
Sang Mỹ tháng Tư năm 1975 (Thư Ký cho Hãng Thông Tấn The Associated Press ở Sàigon 1968-1975).
Hiện sống ở Seattle, Washington với gia đình.
Thường xuyên cộng tác với các tạp chí văn học ở Mỹ và các nước khác.
Viết truyện nhi đồng cho báo Los Angeles Times từ năm 2000, có thơ Anh Ngữ trong sách giáo khoa Mỹ cho chương trình trung học (American Literature- Glencoe-1999)
Đoạt giải về bình luận (Commentary) của The New California Media (NCM) "Ethnic Pulitzers" năm 2003.
Chủ Bút cho Nguyệt San Phụ Nữ Gia Đình Người Việt ở California (Oct.2002 -Oct.2005)
Đã xuất bản:
Thơ Trần Mộng Tú (Tập Thơ-1990) NXB-Người-Việt.
Câu Chuyện Của Lá Phong (Tập Truyện Ngắn-1994) NXB-Người-Việt
Để Em Làm Gió (Tập Thơ-1996) NXB-Thế-Kỷ
Cô Rơm và Những Truyện Ngắn Khác (Tập Truyện Ngắn-1999) NXB-Văn Nghệ
Ngọn Nến Muộn Màng ( Tập Thơ-2005) NXB-Thư-Hương
Mưa Sài Gòn Mưa Seattle (Tạp Văn-2006) NXB-Văn Mới
Sắp xuất bản:
Thơ Tuyển Trần Mộng Tú
 http://nlsbaoloc.info/index.php?option=com_content&view=article&id=355:binh-thu-1969-trn-mng-tu&catid=89:truyn-ngn&Itemid=299

MẶC LÂM * DOÃN QUỐC SỸ

Văn Học & Nghệ Thuật Câu Chuyện Văn Học Doãn Quốc Sỹ, một ngòi bút chân phương, cổ điển
Doãn Quốc Sỹ, một ngòi bút chân phương, cổ điển Print E-mail
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, một ngòi viết được nhiều nhà phê bình văn học cho là đôn hậu trong hầu hết các tác phẩm của ông.
 
photo courtesy of vietnamlit.org
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ viết hơn 25 tác phẩm song song với sự nghiệp giáo từ thập niên 1950.
Sau khi vào Nam, cùng với Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Tô Thùy Yên và nhiều nhà văn, nhà thơ khác, Doãn Quốc Sỹ và các bạn của ông đã đóng góp tài năng của họ vào sự hình thành một trào lưu mới của nền văn học Miền Nam Việt Nam khi họ thành lập nhóm Sáng Tạo. Sự đóng góp của nhóm Sáng Tạo đã góp phần quan trọng đa dạng hóa văn chương nghệ thuật của Miền Nam sau thời gian dài bị chiếm lĩnh bởi Tự Lực Văn Đoàn và Thơ mới.

Hơn nửa thế kỷ cầm bút

Doãn Quốc Sỹ sinh năm 1923, tại Hạ Yên Quyết (Hà Đông), nay thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Cha ông là Doãn Hưu, một nhà nho và người em trai của ông là nhạc sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, Doãn Nho. Năm 1946, ông lập gia đình với  bà Hồ Thị Thảo là con gái nhà thơ trào phúng Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu.

Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào miền Nam. Ông dạy học tại nhiều trường trung học công lập ngoài Bắc cũng như trong Nam. Ông còn là Giáo sư cho các trường Đại học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Ông du học tại Hoa Kỳ về ngành giáo dục và rồi trở về nước tiếp tục công việc giảng dạy cho đến năm 1975.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Doãn Quốc Sỹ là Khu Rừng Lau, một trường thiên tiểu thuyết gồm có: Ba Sinh Hương Lửa (1962), Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (1964), Tình Yêu Thánh Hóa (1965).

Ông là tác giả của khoảng 25 cuốn sách, trong đó có: Sợ Lửa, U Hoài, Gánh Xiếc, Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng Sông Ðịnh Mệnh, Khu Rừng Lau,  Người Vái Tứ Phương, Dấu Chân Cát Xóa, Mình Lại Soi Mình ...

Sau năm 1975, ông bị giam cầm nhiều lần vì tội "viết văn chống phá cách mạng", tổng cộng là 14 năm, trước khi được phép di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1995. Hiện nay ông sống tại Houston, tiểu bang Texas.

Mặc Lâm: Thưa Ông, có lẽ ông là một trong số rất ít ỏi các nhà văn sau hơn nửa thế kỷ vẫn còn cầm viết. Ông còn nhớ kỷ niệm đầu tiên khi bước chân vào văn giới và muốn chia sẻ với thính giả ngày hôm nay không?

Những đoản văn đầu tay thời thanh niên

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Năm 1954 danh từ thời thượng thời đó cứ gọi là "Bắc Cờ 54" tức là dưới thời di cư từ Bắc vào Nam vào năm 1954. Khi vào Nam tôi ở trong cái đoàn gọi là "Sinh viên Hà Nội di cư" mà anh Trần Thanh Hiệp, tức luật sư Trần Thanh Hiệp, là chủ tịch.

Tôi cũng có cái khuynh hướng viết văn vào khoảng 16,17 tuổi. Thời đó là có tờ Hà Nội Báo của các bậc trưởng thượng mà cái thời đó cùng với thời Tự Lực Văn Đoàn, có những ông Lê Trần Kiều, Vũ Trọng Cam là có tờ Hà Nội Báo. Dạo đó thì tôi viết từng đoạn văn thôi, từng đoản văn nho nhỏ tả một cái tình nào đó hay tả một cái cảnh nào đó, chứ chưa phải là một truyện ngắn.

Thì các vị trưởng thượng lúc đó là Lê Trần Kiều, Vũ Trọng Cam khuyến khích giới trẻ nên đăng những đoản văn đó trên Hà Nội Báo. Được khuyến khích như vậy nên thành ra tôi giữ cái lòng thích viết từ cái thuở 16 tuổi đó. Thế rồi đến mãi 1954 theo đoàn sinh viên Hà Nội di cư vào Nam, tôi có mang một truyện ngắn viết dưới dạng truyện cổ tích, bây giờ không còn là đoản văn nữa. Và tôi đã viết từ ngoài Bắc một truyện dưới dạng truyện cổ tích lấy tên là Sợ Lửa.

Khi vào trong Nam, đoàn sinh viên Hà Nội Di cư chúng tôi trình diện đồng bào Miền Nam bằng cái tập gọi là tập Xuân Chuyển Hướng. Tập Xuân Chuyển Hướng đó là do đoàn sinh viên Hà Nội di cư đứng ra trông nom ấn loát, ấn hành, thì may sao tôi mang được truyện ngắn Sợ Lửa từ miền Bắc vào miền Nam thì tôi đóng góp cho anh chủ tịch cái tập Xuân Chuyển Hướng đó cái truyện ngắn Sợ Lửa của tôi.

Tôi vẫn nghĩ rằng nếu Sợ Lửa mà tôi quên không mang vào trong Nam, hoặc đã mang vào trong Nam rồi thì lại quên mà để ở đâu đó, mất đi, thì chính tôi tôi cũng chẳng để ý đến nữa. Nhưng mà một khi đã thấy tác phẩm của mình được in thành chữ đàng hoàng trên một tờ báo thì tự nhiên lòng cảm hứng của tôi nổi lên. Thế là như lửa gặp gió, tôi cầm bút tiếp tục viết để đi vào cái nghiệp viết văn từ thuở đó.

Nghiệp văn song song với nghiệp giáo

Mặc Lâm: Ông là một trong vài người đầu tiên thành lập nhóm Sáng Tạo, xin ông cho biết một vài kỷ niệm của ông vào những ngày đầu cũng như bối cảnh sinh hoạt văn học nghệ thuật thời ấy như thế nào, thưa ông?

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Tôi có đứng ra làm chủ nhiệm một tờ tuần báo lấy tên là Người Việt thì cũng là do chúng tôi, tôi đứng làm chủ nhiệm, rồi thì có những Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Sỹ Tế, v.v., Báo Người Việt của tôi cũng chỉ ra được mấy số thì đình bản. Thế rồi sau đó tôi gặp thêm được Mai Thảo xúm lại để ra tờ báo có thể nói là vượt xa là tờ Sáng Tạo.

Tờ Sáng Tạo chúng tôi ra cứ một tháng một kỳ, thì ra được - nếu tôi nhớ không lầm - vào khoảng số 31 thì đình bản. Sau đó cũng lại cố gắng ra được thêm một vài số nữa rồi thì hoàn toàn là đình bản hẳn.

Mặc Lâm: Có gì đặc biệt về vấn đề nhân sự của nhóm Sáng Tạo, thưa Ông?

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Sau cái khoảng thời gian 31 số tờ nguyệt san Sáng Tạo chúng tôi ở đó thì bấy giờ tôi chính thức đi vào nghiệp viết văn bên cạnh nghiệp cầm phấn của nhà giáo rồi.

Trong nhóm Sáng Tạo ban đầu thì Thanh Tâm Tuyền là phải kể và anh cũng là người mà chúng tôi thấy kiểu như là đem lại đường hướng mới trong thi ca, mới về tư tưởng hay là cách diễn đạt. Cách chấm câu của Mai Thảo cũng đem lại những đường nét mới cho văn chương của cái thuở ban đầu, lúc chúng tôi di cư vào Miền Nam. Thanh Tâm Tuyền về thơ, Mai Thảo thì về cách viết, thì là có đem lại cái đường lối mới. Có tôi là vẫn cứ đủng đỉnh theo con đường bình thường, cổ điển mà viết thôi.

Kinh nghiệm kháng chiến chống ngoại bang trong Khu Rừng Lau

Mặc Lâm: Tác phẩm Khu Rừng Lau được Ông lấy bối cảnh nào để dựng nên mà khiến ông bị di lụy với nhiều năm trong trại cải tạo như vậy?

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Khu Rừng Lau là truyện dài vào khoảng độ ngót hai ngàn trang, gồm có Ba Sinh Hương Lửa, Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến, rồi tập thứ ba là Tình Yêu Thánh Hoá. Tập thứ tư và là tập cuối cùng là Đàm Thoại Độc Thoại, hình như khoảng độ trên dưới hai ngàn trang. Cái chuyện Khu Rừng Lau đó thì cũng là bối cảnh của thời kháng chiến, rồi kéo dài ra với những kinh nghiệm bản thân của tôi được chứng kiến, và tôi dựng thành tập truyện coi như là trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau.

Mặc Lâm: Bản thân Ông cũng như các thành viên trong gia đình có gợi ra một liên tưởng nào đó tới các nhân vật trong Khu Rừng Lau hay không?

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ: Hết bộ Khu Rừng Lau tôi cũng viết bằng cả cái kinh nghiệm bản thân của tôi, có nhân vật từ   thuở gia nhập chống Pháp. Thời đó chống Pháp là tất cả các thanh niên và chính bản thân tôi ở trong Đoàn Thanh niên Cứu Quốc để mà chống Pháp. Rồi thì chính tôi, bản thân tôi đã từng họp dân chúng biểu tình để đi phá kho thóc của Nhật để phân phát gạo cho người dân vào cái thời đó.

Với cái việc của bản thân như vậy thì tôi dựng lại thành cái bộ truyện trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau đó. Và cái bối cảnh cùng những tình tiết thì đều là lẽ cố nhiên là viết dưới hình thức tiểu thuyết, nhưng mà kinh nghiệm là do kinh nghiệm bản thân của tôi với những điều mắt thấy tai nghe, và rồi thì là để vào viết thành cuốn tiểu thuyết như vậy.
Nguồn: Mặc Lâm, phóng viên đài RFA - 2008-06-23
 

HỒ NAM * LÊ XUYÊN

LÊ XUYÊN - CHÚ TƯ CẦU
Hồ Nam

Lê Xuyên (Lê Bình Tăng) vào đời đi làm chánh trị phiêu bạt giang hồ từ đất Nam kỳ lục tỉnh ra tận ngoài Bắc chống Tây để giải phóng dân tộc; bị Tây bắt bỏ tù.  Nhờ ở tù mà ra tù cưới được một cô vợ Bắc Kỳ vào loại sắc nước hương trời.
http://www.tinparis.net/vanhoa/lexuyen2.jpgRa tù Lê Xuyên [Lê Bình Tăng] cưới vợ xong bèn trở về miền Nam làm báo cùng Bẩy Bốp Phạm Thái [tác giả truyện Năm Người Thanh Niên từng được giải thưởng của Tự Lực văn đoàn]. Vào nghề báo ban đầu Lê Xuyên  chưa ký bút hiệu Lê Xuyên mà ký bút hiệu Lê Nguyên; cũng chưa viết tiểu thuyết mà viết bình luận chính trị. Giữa thập niên 50 nhà bình luận chính trị Lê Nguyên khá nổi; nhưng vì tổ chức chính trị của ông chống đối quyết liệt chế độ gia đình trị của Thủ tướng Ngô đình Diệm, tờ báo của tổ chức Lê Nguyên viết bình luận bị đóng cửa. Bẩy Bốp Phạm Thái nhanh chân chạy được sang Nam Vang sống lưu vong. Lê Nguyên chậm chân nên bị mật vụ của chính phủ gia đình trị Ngô đình Diệm ''vồ'' được, nhốt vô khám Chí Hòa nhiều năm.
Lê Nguyên nằm khám Chí Hòa năm năm, lăn lóc với đủ hạng người từ thượng vàng tới hạ cám. Lê Nguyên chỉ nghe kể chuyện tiếu lâm và không nói năng gì. Năm 1961 sau khi chế độ Ngô đình Diệm bị Vương văn Đông làm binh biến ''liểng xiểng'' bác sĩ Trần Kim Tuyến trùm mật vụ của chế độ Ngô đình Diệm tung đàn em ra làm chủ báo, đã cho người sang Nam Vang kiếm nhà văn Nhị Lang về làm Chủ bút tờ Saigon Mai. Nhị Lang nói với bác sĩ Tuyến rằng Nhị Lang chỉ làm Chủ bút Saigon Mai với điều kiện phải vô Chí Hòa đem Lê Bình Tăng về làm Thư ký tòa soạn; bác sĩ Tuyến đồng ý với điều kiện của Nhị Lang nhưng đòi Nhị Lang phải hứa với bác sĩ Tuyến rằng Lê Bình Tăng ra tù làm báo không được viết bình luận nữa vì Tổng thống Ngô đình Diệm không ưa văn bình luận của Lê Bình Tăng.
Lê Bình Tăng làm Thư ký tòa soạn tờ Saigon Mai giữa lúc báo chí Saigon bị cơn sốt truyện võ hiệp của Kim Dung làm điên đảo mà Saigon Mai thì lại chậm chân không kiếm được bộ tiểu thuyết nào của Kim Dung để câu độc giả; thành ra Nhị Lang phải  vấn kế Lê Bình Tăng tìm lối thoát cho Saigon Mai; Lê Bình Tăng nói chuyện này dễ thôi để Lê Bình Tăng viết cho Saigon Mai một trường thiên tiểu thuyết loại tiểu thuyết đồng quê bảo đảm ai đọc cũng sẽ ''dính'' mỗi ngày phải tìm đọc thêm; thế là trường giang tiểu thuyết Chú Tư Cầu ra mắt độc giả với tác gỉa là Lê Xuyên.
Với lối văn tả thực duyên dáng với cách thức khai thác đời sống tình dục của một anh nông dân chăn vịt ''tưng tửng'' tên Tư Cầu; Lê Xuyên đã dẫn dắt người đọc vào cái không gian thanh thoát đầy quyến rũ của đồng quê Nam bộ và làm cho người đọc cồn cào  với những cuộc tình nóng bỏng, những cảm xúc chăn gối cồn cào thịt da. Lối viết truyện của Lê Xuyên không suồng sã xác thịt như Bồ Tùng Linh nhưng những câu đối thoại của Lê Xuyên thì chỗ nào cũng ẩn chứa hơi thở của dục tình.
Lê Xuyên tà tà trong mười mấy năm trời cứ hai năm cho ra một bộ trường giang tiểu thuyết và vài truyện ngắn rồi đã trở thành nhà văn viết tiểu thuyết về đời sống phòng the của người nông dân Nam bộ không lẫn vào đâu được. Cái tài của Lê Xuyên là cứ tà tà viết mỗi ngày ít trang sau cữ cà phê sáng trước khi bắt đầu làm nhiệm vụ Thư ký tòa soạn làm tin đặt tưạ đề cho những bản tin.
 Trong những lần nói chuyện với tôi về nghệ thuật viết tiểu thuyết Lê Xuyên thú thật những truyện ông viết các nhân vật đều gần như có thật cả có người ông từng sống chung lúc thiếu thời ở quê như chú Tư Cầu có người ông nghe kể chuyện khi nằm trong khám Chí Hòa tuy nhiên nhân vật có thật chỉ là cái cớ để cho đầu óc của nhà văn hư cấu tưởng tượng thêm mắm thêm muối mới được người đọc theo dõi. Nhà văn giỏi là nhà văn biết ''bịa chuyện'', biết ''nói dóc'' cứ như thật bởi người đọc từ xưa đến giờ ai cũng thích những chuyện khác thường, những chuyện khó tin  chứ cứ sự thật trần trụi đem vô truyện ai mà thèm đọc.
Sau năm 1975 vừa là nhà văn, vừa là nhà báo, vừa là lãnh tụ đảng phái quốc gia, Lê Xuyên bị cộng sản nhốt vô đề lao Gia Định. Vô tù bị giam với đám đao búa, tôi vô cùng kinh ngạc khi thấy tên trùm đao búa là loại tù cha [trưởng phòng giam] vô cùng lễ phép với Lê Xuyên một điều đại ca, hai điều đại ca xếp chỗ cho Lê Xuyên nằm bên cạnh hắn ta nhưng Lê Xuyên lại từ chối xin được đổi chỗ ra nằm cạnh cầu tiêu và yêu cầu nhà sư nằm tại nơi đây đến nằm cạnh ''tù cha''. Lê Xuyên ở tù rất ít nói chỉ  nằm im quay mặt vô tường nghe thôi. Tôi hỏi Lê Xuyên tại sao anh ít nói anh cười bảo tôi rằng nói dễ vạ miệng tốn hơi có hại cho sức khỏe.
Ra tù người ta bon chen đủ thứ Lê Xuyên lại ra lề đường Ngô Quyền ở quận 5 gần nhà ngồi bán thuốc lá lẻ nhưng bán thuốc lá lẻ chỉ là cái cớ mà chính là nhìn đời. Thiên hạ rủ làm chính trị rủ vượt biên Lê Xuyên đều từ chối và nói rằng Lê Xuyên đang suy nghĩ và nghiền ngẫm sự đời để viết một cái gì đắc ý nhất vì từ trước tới giờ chỉ toàn viết  để kiếm cơm thôi.
Thế rồi Lê Xuyên bị bạo bệnh nằm bẹp một chỗ cả năm trời rồi ra đi một cách âm thầm như đã sống như vậy cả đời tôi hỏi vợ con Lê Xuyên về cái tác phẩm Lê Xuyên nghiền ngẫm lúc cuối đời Lê Xuyên đã viết được bao nhiêu trang rồi người nào cũng lắc đầu và nói Lê Xuyên có chịu viết gì đâu.

Hồ Nam

NGUYÊN SA * SÁNG TẠO

Sự sáng tạo đề tài
NGUYÊN SA
 
Đã nhìn kỹ rồi cái sự cần lắm của ý thức về sự sáng tạo. Bây giờ ta thử ném nó, cái ý thức đó, vào một khía cạnh của sự sáng tạo là sự sáng tạo đề tài. Vấn đề đại khái như thế này.

Giai đoạn bắt chước, sao chép, trong cuộc đời những người muốn thể hiện một tác phẩm nghệ thuật, muốn hình thành bằng văn tự, âm nhạc hoặc đường nét các nhu cầu sáng tạo thần thánh, thường là giai đoạn khởi đầu. Sự bắt chước ấy có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức.

Biết rằng có những tập thể đông, vắng của những người viết, vẽ, đàn trong dĩ vãng, đã tạo dựng được sự nghiệp, những người trẻ tuổi, trong những ngày tháng say mê văn nghệ đầu tiên, mặc dầu sự vắng thiếu một lý thuyết văn nghệ chỉ đường, một quan niệm thẩm mỹ nền tảng, đã thành lập những "văn đoàn", "thi đoàn", "nhóm nghiên cứu". Những "văn đoàn chim non", "thi đoàn hoa ban đêm"… nói lên niềm khao khát "làm giống", sự ngưỡng mộ thần tượng. Họ muốn làm giống "Tự lực Văn đoàn", "Nhóm Pléiade". "Phái siêu thực", "Trường lập thể", "chủ nghĩa Hiện hữu".

Say mê những "Tình thứ nhất", Đoạn tuyệt, Số đỏ, Vang bóng một thời… người viết kia đã cất kỹ trong ngăn kéo những kỉ niệm, ấn loát trên những trang "thơ độc giả", những "chuyện mỗi ngày", những tác phẩm đầu tiên mà danh hiệu mang nặng dấu vết của những trái núi lớn: "tình nguyên thuỷ", "tan vỡ", "dứt tình"… Người vẽ trẻ tuổi này trình bày người thiếu nữ "cổ rất dài", "người mẹ Việt Nam bồng con", "làng mạc trong bão tố". Trong đôi mắt, thớ cổ của người thiếu nữ, trong cánh tay người mẹ, giữa ngọn gió chạy qua làng, người thưởng ngoạn nghệ thuật nhìn thấy tình yêu Modigliani, sự say mê Picasso, lòng ngưỡng mộ Vlaminck. Và cuốn sách này có những chương mục của tác phẩm Sartre, bài thơ kia có hơi thở Eluard, dáng điệu Apollinaire. Những người này muốn làm một Picasso, một Eluard, một Sartre Việt Nam. Người khác muốn trở thành một Nguyễn Tuân, một Huy Cận, một Vũ Hoàng Chương, một Nhất Linh của thời hậu chiến. Những người viết, người vẽ, người đàn, của thời đại này cũng đã thổi được một ngọn gió khát khao vào những đôi mắt tuổi trẻ. Nhưng giai đoạn bắt chước, sao chép, giai đoạn khởi đầu của cuộc đời sáng tạo sẽ bị vượt qua trong cuộc đời sáng tạo của mỗi người. Cần lắm. Giai đoạn ấy, tất nhiên, không đáng chê trách nếu chỉ là một giai đoạn. Người tập sự hội hoạ kia chẳng phải mang giá vẽ vào Louvre chép lại, tập lại những đường nét sấm sét của những "bậc thầy" đó sao? Nhưng đó chỉ là giai đoạn cần phải được vượt qua. Sẽ có một lúc người viết, vẽ nhìn lại tác phẩm của nó, nó nhìn thẳng với đôi mắt sáng của ý thức, vào tác phẩm của nó và nhận chân rằng tác phẩm ấy không nói lên điều gì khác ngoài tình yêu Picasso, sự quý mến Sartre, sự ngưỡng mộ Nhất Linh. Đôi cánh lớn đó nâng nó lên nhẹ nhõm như những hòn đá nhỏ cấu vào núi lớn, nhánh gầy yếu của dòng sông to, cành khẳng khiu, cỏ dưới chân cổ thụ vững mạnh. Nó chợt nhận thấy rằng nó chỉ là những "mẩu Eluard", "mẩu Vũ Trọng Phụng", "mẩu Buffet". Ý thức soi chiếu, thiêu đốt nói rằng: sự say mê sáng tạo là một mảnh đất phong phú. "Giai đoạn bắt chước" là cỏ hoang. Loài hoa quý xuất hiện sau khi phạt cỏ hoang, cầy đất đai, trồng hạt giống. Ý thức về sự thất bại cần thiết như một ngọn lửa thiêu đốt mở đầu cho một cuộc thoát xác. Người sáng tạo nói với tâm hồn mình rằng: không được. Những tác phẩm đã thành hình này (mà tôi đã yêu mến chân thành, say mê đến cùng độ) chưa phải là tôi. Nó chỉ là "vang bóng" của những người đi trước tôi. Nếu tác phẩm đó là tôi chỉ còn tấm gương phản chiếu nhan sắc của kẻ khác. Tôi không thể là tấm gương. Tôi phải là nhan sắc. Người sáng tạo ấy là Chateaubriand thì lời nói của tâm hồn sẽ mang hình thức của câu văn: "Thiên tài là người không bắt chước ai và không ai bắt chước được nó". Lời nói đã cô đọng trong bài diễn văn L'esprit nouveau et les poètes khi người sáng tạo là Apolinaire, Préface de Cromwell khi nó là Victor Hugo, Tuyên ngôn của phái siêu thực khi nó là André Breton. Tất cả đều nói lên tiếng nói dõng dạc của ý thức sáng tạo: phải độc đáo! "Giai đoạn bắt chước" là một giai đoạn tập sự. Cần thiết? Đúng. Nhưng chưa đủ. Phải nhường chỗ cho tác phẩm thật.

Nó như thế nào? Tác phẩm độc đáo có những đặc tính gì? Thân hình người đàn bà đẹp ấy được thẩm định bởi hệ thống đo lường nào? Không có tiêu chuẩn chính xác tuyệt đối nào. Không có đơn vị, kích thước toán học nào. Không có một giải đáp, một câu hỏi dứt khoát nào. Có nhiều, câu đầu tiên có thể là: nó phải nói lên điều chưa ai nói bao giờ. Và "điều chưa ai nói bao giờ" đó, trước hết là đề tài mới. Người sáng tạo, trước hết, phải tìm được cho tác phẩm của mình một trong những đề tài độc đáo. Cái mà người muốn làm tác phẩm thi ca, tiểu thuyết, hội hoạ nói tới phải là cái mà nó là người đầu tiên nói lên. Tác giả Truyện Kiều là người đầu tiên nói lên sự xung đột giữa Tự do và Định mệnh. Hồ Xuân Hương là người đầu tiên nói tới cái "quạt", cái "đu", cái "cuộc cờ người". A. Camus: tình cảnh về sự phi lý. Khái Hưng: tục lệ thừa tự. Nhất Linh: con người và những hệ thống đạo đức, phong tục tập quán cổ truyền.

Nhưng thế nào là một đề tài mới? Những tác phẩm đã đi vào lịch sử và những tác phẩm đã bị gạt bỏ ra ngoài cho phép ta nhận thấy: có "cái mới thật" và "cái mới giả".

"Cái mới thật" gồm có "cái hoàn toàn mới" và "cái cũ rất mới".

Chọn những "đề tài mới giả tạo" thường là phản ứng của người sáng tạo muốn chống lại khuynh hướng bắt chước đã chi phối tác phẩm của mình trong dĩ vãng. Người vẽ này đặt câu hỏi: người đi trước tôi đã vẽ những gì? Cánh đồng lúa chín, buổi ban mai, dãy núi trùng điệp, con thuyền trên biển, chân dung thiếu nữ, cảnh xum họp, hội hè, ngựa chạy, khiêu vũ, tĩnh vật… Tất cả những gì tôi định vẽ, tưởng là chưa ai vẽ, càng đi sâu vào lịch sử hội hoạ càng nhận thấy rằng: người ta vẽ cả rồi. Tình ái, người chinh phụ, sự đợi chờ, giận hờn, mong nhớ, cô đơn, sự tương tư, niềm mong ước, tất cả những đề tài, tôi định nói bằng thơ, người ta đã nói hết. Và người định cấu tạo tác phẩm tiểu thuyết sẽ chẳng muốn nói đến sự ngoại tình khi đã gặp Bovary, chẳng muốn nói tới chiến tranh và hoà bình khi đã gặp Tolstoi, nhất định trừ bỏ loại mô tả tâm lý sau khi đọc Marcel Proust, sợ sẽ rơi vào Sartre, Camus khi muốn xây dựng tác phẩm có tính chất triết học. "Tất cả những phối hợp có thể thế, đều cạn, tất cả mọi hoàn cảnh đều mòn…", Balzac đã nhận định thế. Trong khi đó, dưới sự thúc đẩy của sự khao khát độc đáo, lòng ao ước sáng tạo thật không cho phép đi lại con đường mòn, chạy trên bánh xe cũ… Tìm đề tài mới ở đâu? Trong phút hứng khởi, nhiều người tưởng đã tìm được ngọc quý, bắt được chim lạ: "Chân dung con giun", "Bức hoạ số 28" "Nhạc khúc máy bay", "Nỗi buồn trong giờ thứ 25", "Cuộc đối thoại giữa hai ngón chân". Đúng rồi. Tác phẩm của tôi độc đáo. Chứng cớ: chưa ai vẽ chân dung con giun, đặt tên bức hoạ bằng số, chưa ai tạo nhạc khúc của một vật cơ giới là máy bay. Dòng suối, biển, sự dang dở, có; máy bay, chưa. Chưa ai làm thơ viết văn nói về cuộc đối thoại giữa hai ngón chân. Tôi độc đáo.

Nhưng cái mới, sự độc đáo đó chỉ là độc đáo giả tạo. Người khát khao sáng tạo vội vàng đã nhầm lập dị và sáng tạo, sự lố bịch và nghệ thuật. Những tác phẩm có những đề tài "mới giả tạo" có giá trị của những lời phản kháng cái cũ, dọn đường cho tác phẩm thật nhưng chưa phải là tác phẩm thật.

Những "cái mới rất cũ" là đề tài của những tác phẩm có vẻ mới. Đó là đề tài của những tác phẩm không có ai có thể bảo là cũ được vì chưa một tác giả nào đề cập tới bao giờ nhưng thật ra chỉ nói lại những tác phẩm đã có rồi. Gạt ra ngoài trường hợp những tác phẩm mô phỏng một hay nhiều tác phẩm ngoại quốc. Những tác phẩm phóng tác không xứng danh này có lẽ mới lạ, độc đáo với những người xa lạ. Tác phẩm có đề tài "mới rất cũ" là tác phẩm có đề tài chưa ai nói tới bao giờ nhưng tương tự với những đề tài khai thác rồi. Người thi sĩ này đứng trước một cành phong lan, một bầu trời, mặt biển liền tức cảnh: "Vịnh phong lan", "Gia Định thành hoài cổ", "Kỷ niệm Vũng Tàu". Ai dám bảo là những đề tài ấy cũ? Người sáng tạo đoán chắc rằng đó là những đề tài mới vì anh là người đầu tiên đưa hoa phong lan, thành Gia Định, biển Vũng Tàu vào thi ca. Bạn thơ khác đã chọn những tác phẩm khoa học làm đề tài: "Vịnh chiếc quạt máy", "Vịnh chiếc xe hơi"… Mặc dầu những người sáng tạo ấy đã hướng về những đề tài chưa ai đề cập tới, "cái mới" của họ "vẫn cũ". Những đề tài mới ấy vẫn còn ở trong khuôn khổ của những đề tài "ngâm phong vịnh nguyệt" cổ điển.

Lấy cái lập dị làm độc đáo, lấy sự mô phỏng làm sáng tạo, như hai trường hợp trên, chưa phải là đạt tới "cái mới thật sự". Vậy thế nào là đề tài thật sự mới? Vấn đề, tất nhiên, không phải là tìm kiếm để xác định để trước, "ra đề hạn vận" cho tác phẩm sáng tạo mà là xem xét những kinh nghiệm sáng tạo để lại trong các tác phẩm nghệ thuật có tính chất tương đồng nào, đề tài được chọn lựa được gửi đến những chiều hướng nào và bởi đó, tác phẩm tương lai có thể hình thành với những đề tài nằm trong khuôn khổ nào? Những tác phẩm sáng tạo đã có một chỗ đứng vững chãi trong lịch sử văn học nghệ thuật đã được kể là "mới" thường được hướng về một trong hai loại đề
tài mà tôi tạm gọi là đề tài lớnđề tài cá biệt.

Đề tài lớn có hai loại: tình yêuchiến tranh

Những tác phẩm lớn nằm trong khôn khổ của đề tài tình yêu thật vô cùng đông đảo với những mối tình của những Roméo và Juliette, Tristan và Iseult, Paul và Virginie, Kim Trọng và Thuý Kiều, Ngọc và Lan, Lolita và Humphrey Humphrey.

Sự phân tách chi tiết sẽ cho phép ta phân loại các tác phẩm chọn tình yêu làm đề tài chính thành nhiều loại khác nhau tuỳ theo loại tình yêu: tình yêu nam nữ, tình yêu tôn giáo, tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân loại, tình yêu thiên nhiên,… Mỗi loại tình yêu đó đều đã hơn một lần được chọn làm đề tài của tác phẩm và trong các loại tình yêu đó, tình yêu nam nữ rõ rệt đã được chọn làm đề tài cho một số lượng tác phẩm lớn lao hơn cả.

Cũng như tình yêu, chiến tranh đã là đề tài của nhiều tác phẩm lớn. Hemingway, Malraux, Tolstoi, Đặng Trần Côn với những Pour qui sonne glas, Adieu aux armes, La condition humaine, Chinh phụ ngâm đã nói lên chứng tích của vết chân của thần Mars.

Đề tài cá biệt nói lên điều chưa ai nói bao giờ. Đó có thể là một sự việc kỳ thú, một ý tưởng tân kỳ, một cảm xúc mới lạ… Đề tài lớn được chọn lựa nhiều lần bởi nhiều tác giả khác nhau, trái lại, đề tài cá biệt là đề tài chỉ được chọn và chỉ chọn được một lần. Khi một tác giả đã chọn một đề tài cá biệt nào đó để xây dựng tác phẩm thì không ai có thể trở lại đề tài ấy được nữa. Nói đến đề tài ấy người ta liền nghĩ đến tác giả ấy. Nó là nhãn hiệu của tác giả. Người thứ nhì đề cập tới sẽ chẳng bao giờ được coi là làm một công việc sáng tạo đứng đắn, một tác giả sáng tạo. "Chí nam nhi" làm người ta nghĩ đến Nguyễn Công Trứ. Có thể nói rằng "chí nam nhi" là Nguyễn Công Trứ. Nói đến sự "kéo xe", ta nghĩ đến Tam Lang, "Kỹ nghệ lấy Tây" bắt ta nghĩ đến Vũ Trọng Phụng. Và Beaudelaire là tác giả duy nhất của Ác hoa, Balzac tạo dựng trong văn chương xã hội Pháp của những năm 1815–1835. Prosper Mérimée nói về sự trả thù ghê gớm của người dân đảo Corse. Cũng vậy, những hoạ sĩ thường hướng một số đáng kể tác phẩm của mình về một đề tài cá biệt. Vlaminck là những cơn bão gió. Toulouse-Lautrec là những vó ngựa, vũ điệu của những cô gái ở Moulin Rouge, Van Gogh là những cánh đồng lúa chín…

Sự việc kỳ thú, một loại của đề tài cá biệt, có thể là một phong tục tập quán không còn tồn tại như lối uống trà, sự thưởng thức hương cuội, thú chơi thả thơ. Vũ Ngọc Phan đã đặt Khái Hưng của Thừa tự. Mạnh Phú Tư của Làm lẽ, Bùi Hiển của Nằm vạ, Trần Tiêu của Con trâu vào loại các tiểu thuyết gia hướng về sự mô tả phong tục. Đó có thể là nếp sống của một loại người: những sĩ tử của cuộc đời Lều chõng, những người thợ mỏ Lầm than, những nông phu lâm vào Bước đường cùng, những tay anh chị của cuộc đời Bỉ vỏ, những kẻ chui rúc ở Ngoại ô, những thanh niên Bốc đồng, nhà giáo Vỡ lòng - Đó có thể là nếp sống, cá tính của một người đặc biệt vì có "nét chữ tài hoa", có "lối chém treo ngành", có cuộc đời may mắn, "số đỏ", hay cuộc đời xông pha của "một chiến sĩ".

Ý tưởng tân kỳ có thể là "sự chống nam quyền", sự "lẫn lộn hữu ý cái thanh và cái tục" của nữ sĩ họ Hồ, quan niệm về danh dự của một Don Rodrigue trong tác phẩm của Corneille, quan niệm về sự cao cả, khắc kỷ của con chó sói của Vigny, Mười điều tâm niệm của Hoàng Đạo, tư tưởng hiện hữu của Hoàng Đạo, tư tưởng hiện hữu trong những tác phẩm của Sartre, sự chán chường trong Dans un mois, dans un an của Sagan…

Cảm xúc lạ có thể là sự "khát khao di chuyển" của tác giả Một chuyến đi, Thiếu quê hương, sự kinh hoàng trong tác phẩm của Edgar A. Poe, đời sống tiềm thức trong thi ca siêu thực, những mặc cảm lạ lùng của nhân vật của Dostoievsky, niềm rung động tôn giáo của Hàn Mặc Tử, đức tin của Claudel, nỗi buồn của người đàn bà đã "Lỡ bước sang ngang" dưới ngòi bút Nguyễn Bính.

"Đề tài cá biệt" tất nhiên, không phải chỉ gồm có 3 loại "sự việc kỳ thú", "ý tưởng tân kỳ", "cảm xúc mới lạ". Càng đi sâu vào lịch sử văn học nghệ thuật của các dân tộc khác nhau, bảng phân loại càng được mở rộng, ta càng tìm thấy nhiều loại "đề tài cá biệt" khác. Và với thời gian, những tác giả mới đóng góp thêm càng nhiều tác phẩm sáng tạo, ta lại càng tìm được thêm nhiều đề tài khác nằm trong khuôn khổ của loại đề tài mà ta gọi là "đề tài cá biệt". Đồng thời, cùng với sự gia tăng tác phẩm, người yêu văn nghệ lại bắt gặp thêm nhiều "sự việc kỳ thú", "ý tưởng tân kỳ" hơn, "cảm xúc mới lạ" hơn nữa.

Ý thức được hai loại đề tài, "đề tài lớn" và "đề tài cá biệt", người say mê sáng tạo sẽ bị đặt trước câu hỏi: nên chọn đề tài nào? Sự chọn lực nào sẽ cho ta thực hiện được tác phẩm có một chủ đề độc đáo.

Bắt gặp được một sự việc thật kỳ thú, một ý tưởng thật tân kỳ, một cảm xúc mới lạ sẽ mang lại ngay được cho người sáng tạo một chỗ ngồi riêng biệt trong thế giới nghệ thuật. Đó là ý tưởng hoặc rõ rệt, hoặc mơ hồ ít nhiều đã xuất hiện trong tâm hồn người khát khao sáng tạo khi nó tìm kiếm một đường đi. Bởi đó, người viết này đã tập trung nhiều thi phẩm trong khối lượng tác phẩm của mình để nói về biển, về cuộc đời thuỷ thủ, người lính nhẩy dù; người viết kia đã hướng tác phẩm của anh về cuộc di cư, nỗi niềm tâm sự của người đàn bà giang hồ, vì những người viết đó nghĩ rằng đó là điều chưa ai nói bao giờ. Cũng vậy, sự chửa hoang, ý thức về thân phận của người đàn bà, nỗi đau khổ của người tàn phế đã được một số người chọn lựa làm chủ đề cho tác phẩm. Và hơn nữa, để nhấn mạnh vào tính chất đặc biệt của đề tài, một vài người đã đè lên bên cạnh danh hiệu của tác phẩm những dòng chữ như "truyện có thật", "kể theo lời X"… Những người chọn lựa đề tài cá biệt đã không nhầm lẫn. Chọn lựa đề tài cá biệt có thể đưa tới tác phẩm sáng tạo. Tác phẩm sáng tạo, chúng ta đều biết, là một sự khám phá, sáng tạo toàn diện chớ không phải chỉ sáng tạo đề tài. Những sự sáng tạo đề tài cũng là một yếu tố đáng kể trong việc hình thành cái toàn thể, toàn khối sáng tạo là tác phẩm. Cho nên, bắt gặp được một đề tài cá biệt, thật sự độc đáo, người sáng tạo đã thực hiện được công việc sáng tạo đề tài.

Nhưng "đề tài lớn" cũng là một con đường đưa tới sáng tạo. Một vài người, trong những ngày tháng say mê sáng tạo đầu tiên, đã nghĩ rằng "tình yêu" và "chiến tranh" là những đề tài đã hao mòn. Họ gọi những bài thơ, bài văn nói về chiến tranh là "văn chương thời sự", những tác phẩm nói về tình ái là "lãng mạn". Nhưng thật ra tình yêu và chiến tranh không phải là đề tài đã cũ, đã mòn. "Đề tài cá biệt" chẳng bao giờ hết, chẳng bao giờ cạn nên dùng lại sẽ mòn. Còn đề tài lớn chỉ có bấy nhiêu nên không thể mòn được. Cuộc chiến tranh của người chinh phụ nhớ chồng không giống cuộc chiến tranh của người lính nằm trong hố cá nhân. Cuộc chiến tranh của người chỉ huy mặt trận không giống cuộc chiến tranh của người dân bị oanh tạc trong thành phố. Cuộc chiến tranh dưới mắt người dân địa phương bị chiếm đóng không giống cuộc chiến tranh dưới gót giầy viễn chinh. Nhật ký của Anna Frank khác xa Chinh phụ ngâm. Cùng một Malraux đã có hai chiến cuộc: Tây Ban Nha và Trung Hoa. St. Exupéry nhìn từ phi cơ xuống, Vercors lưu động trong những rừng núi kháng chiến chống Đức và bởi đó, Pilote Guerre khá xa Le silence de la mer.

Tình yêu trong tác phẩm lớn cũng vậy, chẳng bao giờ không độc đáo vì "chẳng bao giờ không độc đáo tình yêu". Chỉ có tác giả kém, không có đề tài lớn bị mòn. Tình yêu trong tác phẩm chạy từ Corneille đến Eluard qua những Lamartine, Musset, Stendhal, Zola cho ta nhìn thẳng những khuôn mặt không ngừng biến dạng của tình ái. Corneille nói về một "tình yêu mã thượng", tình yêu trong danh dự của những Don Rodrigue, Horace, Polyeucte. Lamartine ca ngợi tình yêu lãng mạn, một thứ tình yêu trên hết vì cuộc đời sẽ vô nghĩa, "tất cả đều hoang vắng", khi vắng thiếu người yêu. Stendhal, Zola mô tả "tình yêu vật dục", mổ xẻ động cơ của ái tình như người thợ đồng hồ tháo mở trước mắt ta những "bánh xe, lò xo vật chất" đã đưa tới cuồng nhiệt tình yêu. Eluard say mê với tình yêu của người đặt "chúng ta" thay thế cho "tôi", của cá nhân không cô độc vì tham gia vào cuộc tranh đấu của tập thể, cá nhân biết lo âu khi "Giới nghiêm", buồn khi "Ba Lê đói và rét", "Ba Lê không ăn hạt dẻ", đam mê viết "Tự do" trên vở học trò cũng như trên mây, trên tuyết. Trong văn chương Việt Nam những chiếc áo lộng lẫy khác nhau cũng được khoác lên thân thể tình yêu. Người đàn bà khóc với những "Giọt lệ thu" phô bầy một tâm sự khác người thanh niên "mang thầm trong túi áo" những tờ thư "mà ngàn lần chép lại mới đưa đi". Tình yêu của người "Lỡ bước sang ngang" không giống tình yêu của người mang tâm hồn "tủ áo" hay người lảo đảo trên "sàn gỗ trơn chập chùng như biển sóng" hoặc người say mê "kỳ nữ".

Tại sao "đề tài cá biệt" kia chưa ai nói bao giờ mà nay tôi nói thì mới, còn "đề tài lớn", tình yêu và chiến tranh, người ta đã đề cập đến nhiều lần rồi, nay vẫn có thể làm mới?

Nhiều lý do có thể cắt nghĩa được sự trạng này. Các nhà thẩm mỹ học đã làm những bản phân loại các loại thẩm mỹ. Ch. Lalo trong Notions d'esthétique đã chia ra chín loại như "cái vĩ đại", "cái duyên dáng", "cái cao cả", "cái bi đát", "cái khôi hài", "cái lố bịch"... [1] M. E. Wolff lại chi ra sáu loại [2] .
Thí dụ, "cái bi đát" là vẻ đẹp của sự chiến đấu tuyệt vọng của một người tưởng là tự do chống lại một sự tất yếu ngoại giới nào đó mà ta không thể địch nổi. Câu chuyện một người tàn phế cố gắng chống lại bệnh nan y của nó, cô Kiều chống lại định mệnh, "đề tài cá biệt" trên và "đề tài lớn" dưới đều mang vẻ bi đát. Nhà thẩm mỹ học đứng trong khuôn khổ của những phân loại thẩm mỹ (catégories esthéstiques ou valeurs esthéstiques) sẽ cắt nghĩa rằng "đề tài cá biệt" cũng như "đề tài lớn" đều có thể là những cột trụ của tác phẩm nghệ thuật và nó đều có thể nói lên hoặc vẻ đẹp vĩ đại, hoặc vẻ đẹp duyên dáng, cái cao cả hay bi đát, cái khôi hài hay lố bịch...

Nhưng ta có thể đi sâu hơn nữa vào vấn đề. Tác phẩm nghệ thuật có thể gây ra nơi người thưởng ngoạn những phản ứng nào? Sự lạnh lùng, sự thích thú, khoái trá, và sự say mê? Tác phẩm được gọi là đạt, là thành, là truyền cảm, là tác phẩm nào nếu không phải là những tác phẩm đã gây cho ta, người thường ngoạn, sự thích thú tột cùng, sự khoái trá vô biên, sự say mê cuồng nhiệt. Người thưởng ngoạn âm nhạc này chẳng còn để ý đến người ngồi chung quanh, người đọc truyện kia lấy nhân vật tiểu thuyết làm thần tượng, mơ ước những cuộc phiêu lưu tưởng tượng, sửng sốt trước vấn đề ghê gớm tác giả đặt ra, người đọc thơ kia ngâm to lên qua một hơi thuốc lá.

Tại sao lại có sự thích thú, khoái trá, say mê to lớn ấy? Ta có thể nghĩ như Kant khi tác giả này nói lên: Đối tượng của một thoả mãn chứng tỏ cái đẹp con người có những khát khao nào cần được thoả mãn? Vô số. Nhà tâm lý học kể ra từ những khuynh hướng tôn giáo siêu hình gọi là khuynh hướng cao thượng đến những khuynh hướng vị tha, vị kỷ như tình mẫu tử, tự ái, tình yêu gia đình, sự khát khao hạnh phúc, tham vọng, hiếu kỳ...

Tác phẩm nói về những phong tục tập quán "vang bóng một thời", cuộc phiêu lưu lên mặt trăng hay xuống "hai mươi ngàn dặm dưới đáy biển", những tác phẩm có đề tài cá biệt ấy phải chăng đã thoả mãn tính hiếu kỳ? Anh phải sống nặng tình mẫu tử, Julien Sorel, Rastignac là tượng trưng cho tham vọng. Hàn Mặc Tử nói lên khuynh hướng tôn giáo. Nhà văn này đã đập vào mặc cảm phạm tội, nhà văn kia hướng tới mặc cảm tự ti tự tôn của người đọc, lòng khát khao hạnh phúc của người đọc. Không khát khao hạnh phúc thì tại sao ta muốn cho "nhân vật này đừng chết", "sao tác giả chẳng cho hai người lấy nhau", "không biết cô gái đó sẽ ra sao" sau khi đã đóng cuốn sách lại. Hiểu được những khát khao của con người ta sẽ hiểu được tại sao "đề tài cá biệt" cũng như "đề tài lớn" đều làm được tác phẩm nghệ thuật. Đề tài cá biệt chính là "đối tượng của thoả mãn tất yếu nào đó". Thoả mãn một tham vọng hay uẩn ức. Cuộc đời có vô số khía cạnh nhỏ bé như muôn mặt của một thấu kính, một hạt kim cương. Mỗi đề tài cá biệt là lớp ánh sáng chiếu vào một mặt nhỏ bé long lanh ấy của cuộc đời. Còn đề tài lớn? Rất dễ hiểu: cuộc đời nào chẳng hướng về hai con đường lớn, tình ái và sự chết chóc. Tình ái mãnh liệt nhất ở đâu nếu không ở chiến tranh? Có chỗ nào có loài người, có thời nào có loài người mà không có chiến tranh và tình ái. Khuôn mặt của chúng, tình ái và chiến tranh, khi thì cao cả, bi đát, khi thì lố bịch, hài hước hay duyên dáng ở trong cuộc đời cũng như trong tác phẩm. Bởi đó, đề tài lớn chẳng bao giờ cũ vì tình yêu và sự chết chóc không bao giờ không mới lạ đối với mỗi người đang đi qua con đường dài kinh nghiệm gọi là cuộc đời.

Nhiều tác giả khôn ngoan đã phối hợp những đề tài kể trên. Lồng tình yêu vào một khung cảnh kỳ thú, lồng chiến tranh vào tình yêu, lồng tình yêu hay chiến tranh vào những ý tưởng tân kỳ, những cảm xúc mới lạ. Đó là những công việc có thể làm được cũng như Victor Hugo pha trộn bi kịch và hài kịch.

Nhưng để làm mới, để khám phá một đề tài thật sự độc đáo, yếu tố quan trọng hơn cả bất cứ sự phối hợp tinh tế nhất, thông thái, công phu nhất có lẽ là sự sống thật. Về phía người thưởng ngoạn tác phẩm nghệ thuật phải đi vào được tận đáy tâm hồn nó. Như chúng ta đã nhận định: Phải thích thú tột độ, khoái trá vô cùng, say mê cuồng nhiệt. Làm thế nào nhịp cầu ghê gớm, ma quỷ ấy được thiết lập từ tác phẩm đến tâm hồn người thưởng ngoạn nếu trước hết không có một nhịp cầu tương tự bắt liền tâm hồn tác giả và tác phẩm.

Sự việc kỳ thú, ý tưởng tân kỳ, cảm xúc mới lạ mà tôi định thể hiện bằng tác phẩm đã làm tôi say mê từng thớ thịt, đã làm xúc động đến đáy sâu tâm hồn thì tôi hãy viết hãy vẽ chớ không phải chỉ vì ý muốn làm mới. Yếu tố trí thức này - ý muốn làm cho mới - vốn dĩ lạnh lùng, khô khan, không đủ sức sống để thổi vào tác phẩm ngọn gió sáng tạo. Nó chỉ là một bực thang, một yếu tố cần thiết nhưng không đầy đủ. Phải có sự sống kia.

Tình yêu, chiến tranh mà ta định viết, vẽ cũng phải là tình yêu của ta, chiến tranh của ta. Người đọc có cảm tưởng "không thể chịu được" khi phải theo dõi "những ngày tháng kháng chiến" của một cây bút chưa đầy 20 tuổi vào năm 1967, "nhớ Hà Nội" của người di cư lúc mới ba bốn tuổi, sự chán chường về tình ái của những thiếu niên mới chỉ có "những mối tình chưa dám nói ra".

Nhìn những công trình kiến trúc ta thấy gì? Bao giờ cũng là một cái mới, một vài khoảng không gian lớn, nhỏ, ít nhiều cột. Nhưng công trình kiến của người bán khai, cái động đá thô sơ ấy không giống những giáo đường kiểu La Mã, những ngôi nhà thế kỷ 17 khác xa những nhà chọc trời của thế kỷ 20. Nhìn ngôi nhà cao ngất này người ta nhận ra ngay tác phẩm của thế kỷ 20, nhìn những chiếc cột to chơ vơ kia người ta đã nhận ra tác phẩm kiến trúc Hy Lạp. Bởi thể, người sáng tạo phải để lại dấu vết của nó. Trong tác phẩm, phải làm được tình yêu của nó, chiến tranh của nó bằng tác phẩm.

Đề tài mới, như thế, rút lại, dù "đề tài lớn" hay "đề tài cá biệt" phải là đề tài của nó. Đề tài ấy phải là sự sống thật của nó, phải được bột phát từ đáy sâu cuộc đời và tâm hồn người sáng tạo.

Sự sáng tạo đề tài, một trong những yếu tố cần thiết của sự sáng tạo toàn khối tác phẩm, mà trong nhiều trường hợp, người sáng tạo bắt gặp trong một phút thần cảm, một trực giác phát minh "thấy" mà "không tìm" thật ra bao giờ cũng là kết quả của một sự tìm kiếm gian khổ trong sự sống, sự kết tinh hoặc ý thức hoặc bất ngờ của cuộc đời.


7. Khái niệm thẩm mỹ học

Thẩm mỹ học đã được nhắc đến ở đây ở đó trong những tờ trước. Bây giờ, nhìn riêng một mình nó.

Môn học mang tên Thẩm mỹ học, trong lịch sử triết học, không phải là một môn học mới lạ, không phải mới được tạo thành trong những ngày tháng gần đây, mà thật ra đã xuất hiện ngoài hai mươi thế kỷ, đã có một quá trình tiến triển lâu dài.

Những triết gia lớn của lịch sử triết học không những đã đề cập tới những vấn đề siêu hình, luận lý, đạo đức, tâm lý mà còn coi những vấn đề thẩm mỹ là những mối quan tâm hằng cửu. Triết gia Hy Lạp Aristote không phải chỉ là người thiết lập nên Siêu hình học, tác giả của tác phẩm Luận lý học quy mô đầu tiên mang tên là Dụng cụ (Organon) mà còn là tác giả của những đoạn văn sâu sắc nói về Thi ca (La poétique) và Tu từ học (La rhétorique). Diogène Laerce xác nhận rằng tác giả của Metaphysique, Organon, Ethique à Nicomaque cũng là tác giả của một Traité du Beau. Kant, triết gia Đức danh tiếng của những năm 1724-1804 đã để lại bên cạnh Critique de la Raison PureCritique de la Raison Pratique một Critique du Jugement. Nếu những tác phẩm hướng về Lý trí thuần tuý và Lý trí thực hành đã lay động siêu hình học cổ điển đến cỗi rễ, đã xây dựng được một thuyết Tương đối, về những vấn đề siêu hình, xây dựng được một "đạo đức học độc lập" thì Critique du Jugement đã được nhiều nhà tư tưởng đến sau coi là "kho tàng vô tận của thẩm mỹ học", là "sơ thảo của thẩm mỹ học tương lai". Cũng vậy Hégel đã để lại cho chúng ta bốn cuốn của bộ sách Thẩm mỹ học, những cuốn sách mà tính chất phức tạp và phong phú được xếp ngang với Triết học Lịch sử (Philosophie de l’Histoire) của cùng một tác giả. Và nếu đặt toàn bộ tác phẩm của Hégel cạnh nhau, người ta sẽ thấy rằng Thẩm mỹ học gồm bốn cuốn trong khi đó Triết học Lịch sử chỉ gồm hai cuốn; Luận lý học, hai cuốn. Tất nhiên, sự quan sát chi tiết này không nói lên ý nghĩa lệ thuộc giá trị của tác phẩm vào kích thước của tác phẩm mà cốt để nhấn mạnh rằng Thẩm mỹ học chiếm giữ một vị trí đáng kể trong toàn bộ tác phẩm triết học của những triết gia danh tiếng như Aristote, Kant, Hégel.

Và Aristote, Kant, Hégel không phải là những nhà tư tưởng hiếm có đã quan tâm đến Thẩm mỹ học. Những quan niệm thẩm mỹ của những Platon, Schiller, Schopenhauer, Taine, Croce, Delacroix, Alain, Lalo v.v... đều có một tầm quan trọng đáng kể trong lịch sử Thẩm mỹ học, cổ điển và hiện tại.

Chính số lượng đáng kể các triết gia và các nhà Thẩm mỹ học, nghệ sĩ quan tâm đến những vấn đề thẩm mỹ đã cho phép một số tác giả phân chia lịch sử Thẩm mỹ học thành những giai đoạn khác nhau. B. Croce cho rằng lịch sử Thẩm mỹ học đã đi qua ba thời kỳ trước khi đến được giai đoạn thẩm mỹ hiện đại. Ba thời kỳ đó là: Thời kỳ tiền-Kant thời kỳ Kant và hậu-Kant, thời kỳ thực nghiệm. Denis Huisman, thư kỳ toà soạn tạp chí Thẩm mỹ học, trong cuốn sách nhỏ nhưng rõ ràng mang tên L'Esthestique hầu như muốn chia lịch sử Thẩm mỹ ra làm ba thời kỳ như Croce nhưng với những danh hiệu khác: thời kỳ quyết đoán hay chủ nghĩa Platon, thời kỳ phê bình hay chủ nghĩa Kant, thời kỳ tân tiến hay chủ nghĩa thực nghiệm.

Sự quan tâm đặc biệt của số lượng đáng kể các nhà tư tưởng, nghệ thuật đến Thẩm mỹ học đã nói lên được một phần nào cái địa vị đáng kể của Thẩm mỹ học trong các ngành sinh hoạt tinh thần. Vậy Thẩm mỹ học thật sự khảo cứu về cái gì, muốn tìm hiểu điều gì? Đối tượng của Thẩm mỹ học là gì?

Quan niệm đơn giản nhất về đối tượng của Thẩm mỹ học có thể thâu tóm được trong câu văn: Thẩm mỹ học là khoa học về cái đẹp. Chúng ta biết rằng một số các nhà tư tưởng đã phân biệt ba lý tưởng mà con người muốn đạt tới là Chân, Thiện, Mỹ. Ba kiểu mẫu này, mà sự phân biệt theo một số tác giả đã khởi từ Victor Cousin, là đối tượng của ba môn học khác nhau. Luận lý học hướng về đối tượng là cái Chân. Thật vậy, Luận lý học được định nghĩa là "khoa học có mục đích xác định trong những động tác trí tuệ hướng đến sự nhận thức chân lý, động tác nào là đúng, động tác nào là không đúng". Tất nhiên, quan niệm về đối tượng Luận lý học của các triết gia thuộc các trường phái khác nhau, các triết gia quan tâm đến những ngành Luận lý học khác nhau, thường khác nhau. Luận lý học của Aristote không giống Luận lý học của Descartes và Bertrand Russell hay Bachelard. Đối tượng của Luận lý học hình thức không giống đối tượng của ngành Luận lý học mang tên Triết lý khoa học gồm Phương pháp luận và Khoa học luận. Nhưng mặc dầu những dị điểm về chi tiết, dị điểm ở bề mặt, Luận lý học dù của bất cứ triết gia hay trường phái nào, bất cứ ngành nào của Luận lý học, đều trực tiếp hay gián tiếp hướng đến mục tiêu chính yếu là: phải nghĩ thế nào để đạt được chân lý. Nói một cách phức tạp: Trong những động tác trí tuệ hướng đến sự nhận thức chân lý, động tác nào là đúng, động tác nào là không đúng, đó là đối tượng của Luận lý học. Cho nên, trong một phạm vi nào đó, có thể nói được một cách đơn giản là phạm vi khảo cứu của Luận lý học là phương pháp hướng tới cái Chân.

Phạm vi của Đạo đức học là cái Thiện. Môn học mang tên Đạo đức học này đã được Lanlande gọi là "thuyết lý mạch lạc về thiện và ác". Thật vậy, các quan niệm khác nhau về đối tượng Đạo đức học đều hàm chứa một điểm tượng đồng căn bản là mối quan tâm về điều Thiện. Kant cho rằng "Đạo đức học là khoa học về Bổn phận" đã gián tiếp nói về sự cần thiết xác định thế nào là Thiện. Vì bổn phận để làm gì nếu không phải một sự thể hiện điều thiện. Le Senne cho rằng Đạo đức học là môn học về những qui tắc hay cứu cánh được hệ thống hoá ít nhiều, mà bản ngã, với tư cách nguồn gốc tuyệt đối nếu không phải là toàn diện về tương lai, phải qua hành động của nó, thể hiện trong cuộc sống để đạt tới một giá trị cao hơn". Định nghĩa này của Le Senne cũng xác định phạm vi của Đạo đức học là cái Thiện qua những đoạn văn hàm súc, những quy tắc hay cứu cánh phải thể hiện để cho đời sống có một giá trị cao hơn đó là gì nếu không phải là quy tắc phải theo để hướng về cứu cánh là cái Thiện.

Phân biệt ba lý tưởng Chân, Thiện, Mỹ và xác định rằng cái Chân thuộc về phạm vi nghiên cứu của Luận lý học, cái Thiện là đối tượng của Đạo đức học, thì quả nhiên ta có thể định nghĩa được rằng đối tượng của Thẩm mỹ học là cái Đẹp hay "Thẩm mỹ học là khoa học về cái Đẹp".

Nhà kiến trúc này tạo ra một công trình kiến trúc đẹp. Hoạ sĩ vẽ một bức tranh đẹp. Điêu khắc gia tạc một pho tượng đẹp. Bài thơ hay, cuốn truyện hay, vở kịch hay, đều là những tác phẩm gọi được là đạt tới cái đẹp. Nhưng cái đẹp công trình kiến trúc không giống vẻ đẹp của bức tranh hay pho tượng. Vẻ đẹp của bài thơ khác xa cái đẹp của cuốn tiểu thuyết hay kịch bản. Mỗi loại tác phẩm nghệ thuật đó có một vẻ đẹp riêng. Và tác phẩm nghệ thuật thuộc cùng một loại vẻ đẹp cũng biến thiên theo tác phẩm. Vẻ đẹp của bài thơ Đường không giống vẻ đẹp của bài thơ lục bát hay bài thơ tự do. Vẻ đẹp của bài thơ lục bát mà Nguyễn Du là tác giả không giống vẻ đẹp của những bài thơ lục bát của tập Lửa thiêng. Thẩm mỹ học đứng trước những hình dạng khác nhau của cái Đẹp, đứng trước những tác phẩm thể hiện được cái đẹp đó, muốn tìm kiếm: thế nào là Đẹp? Những hình dạng khác nhau của cái Đẹp qua các tác phẩm nghệ thuật đó đều chứa đựng một yếu tố chung nào? Dấu hiệu nào cho phép ta phân biệt được cái Đẹp, phân biệt được một tác phẩm là Đẹp? Đâu là tiêu chuẩn của cái Đẹp?

Nhưng có thể giản lược những cái đẹp khác nhau vào một số yếu tố chung nào đó gọi là cái Đẹp được chăng hay nên nói tới những cái Đẹp hơn là tới cái Đẹp. Phải chăng, để tránh óc quyết đoán, tinh thần bè phái, thẩm mỹ học nên có đối tượng là những cái Đẹp. Và như thế, ta nên sửa lại Thẩm mỹ học là khoa học về những cái Đẹp, Thoạt nhìn, sự sửa chữa này hiện ra với ta rất hợp lý. Sự quan sát thông thường nhất cho ta thấy ngay rằng tình cảm thẩm mỹ, phán đoán thẩm mỹ biến thiên theo không gian, thời gian và chủ quan tính của mỗi cá nhân. Cái Đẹp của nơi này chưa phải là cái Đẹp của nơi khác. Cái Đẹp của thời này có thể bị kể là xấu đối với thời khác. Vẻ đẹp mà người này ca ngợi nhiều khi làm kẻ khác mỉm cười. Vẻ đẹp của người con gái "tóc để đuôi gà, răng đen nhưng nhức" khác xa vẻ đẹp của thiếu nữ có "mùa thu tóc ngắn" của những ngày tháng gần đây. Vẻ đẹp Đông phương không giống vẻ đẹp Tây phương. Cho nên, mượn tinh thần của câu văn của Pascal, ta có thể nói :"Vẻ đẹp ở bên này Thái Bình Dương là sự xấu ở bên kia."

Để bênh vực cho ý kiến "Thẩm mỹ học là khoa học về những cái Đẹp", ta có thể nhận định thêm rằng "vẻ đẹp thiên nhiên không giống với vẻ đẹp nghệ thuật, cái đẹp của phái tả chân không giống vẻ đẹp của phái lãng mạn và cái đẹp của phái siêu thực gần như không phản với cái đẹp của phái cổ điển. Nhưng trong số những nhận xét nêu lên bên trên, có những nhận xét đúng và những nhận xét sai.

Dù đúng, những nhận xét đó vẫn không đòi ta nên sửa chữa đối tượng Thẩm mỹ học là khoa học về cái đẹp thành "khoa học về những cái đẹp" vì một lẽ đơn giản là sự sửa chữa này cũng vẫn còn thiếu sót, vẫn chưa cho ta một định nghĩa đầy đủ về đối tượng của Thẩm mỹ học.

Trước hết, ta xác nhận rằng Thẩm mỹ học phải vượt trên những tranh luận giữa các trường phái. Thẩm mỹ học phải tôn trọng quan niệm về cái đẹp của các trường phái khác nhau và không đứng về quan niệm này để đả phá quan niệm khác liên hệ đến cái đẹp. Thẩm mỹ học không tham gia vào các cuộc bút chiến của các trường phái. Nhưng một việc làm tổng hợp rất cần thiết. Thẩm mỹ học không thể đóng vai trò thuật lại những quan niệm khác nhau về cái đẹp đã được thể hiện trong các tác phẩm trong các trường phái văn học nghệ thuật khác nhau. Giới hạn đối tượng Thẩm mỹ học trong phạm vi này tức là giản lược Thẩm mỹ học trong phạm vi này tức là giản lược Thẩm mỹ học vào lịch sử văn học. Nhà văn học sử không phải chỉ ghi nhận sự kiện văn học mà còn phân loại tác phẩm, trường phái, cắt nghĩa nguồn gốc và sự diễn tiến của tác phẩm hay trường phái, tìm hiểu quan niệm thẩm mỹ cũng như luân lý, triết lý, chính trị... hàm chứa trong tác phẩm hoặc được phát biểu trong các tuyên ngôn văn nghệ. Hơn nữa, nhiều nhà văn học sử còn làm cả công việc phê bình văn học vì đưa ra những phán đoán giá trị về các trường phái, tác giả, tác phẩm. Bởi đó, nếu chỉ mô tả những cái đẹp, thẩm mỹ học sẽ không có lý do tồn tại. Tôn trọng những quan niệm thẩm mỹ khác nhau của các trường phái hay tác giả, vượt trên những cuộc tranh chấp trường phái những Thẩm mỹ học không phải là môn học chỉ có đối tượng là mô tả lại các vẻ đẹp khác nhau mà phải là môn học về cái đẹp, hiểu theo nghĩa tổng hợp những khuynh hướng khác nhau đó để rút tỉa lấy được một lý thuyết về cái đẹp. Lalo viết: "Thẩm mỹ học cố gắng thực hiện việc tổng hợp những khuynh hướng (văn học nghệ thuật) khác nhau để giữ lấy cái phần tích cực của mỗi trường phái và gạt bỏ đi phần nào, của các trường phái ấy, có chất tiêu cực nghèo nàn" [3] .

Cũng vậy, tác giả này đã nhận định rằng sự đối lập của một quan niệm thẩm mỹ chủ quan và thẩm mỹ khách quan là một vấn đề đặt sai.

Thẩm mỹ học khách quan bắt nguồn từ Platon cho rằng có một cái đẹp tuyệt đối không phải là kết quả của những suy luận hậu thiên nghĩa là rút tỉa, đúc kết thành bởi những cái đẹp riêng biệt. Có một cái đẹp tuyệt đối và những tác phẩm, những vẻ đẹp riên biệt sở dĩ đẹp là vì tham gia vào cái Đẹp tuyệt đối đó.

Thẩm mỹ học chủ quan phủ nhận cái đẹp tiên thiên và tuyệt đối đó và cho rằng vẻ đẹp mà chúng ta có thể nói tới được chỉ là vẻ đẹp "trong ta, do ta và cho ta". Mọi khách thể, dù là người, cảnh vật, tác phẩm, tự nó không xấu, không đẹp. Mọi xác định về tính chất đó đều do ta mà ra. Và Lalo cho rằng Thẩm mỹ học vừa chủ quan vừa khách quan. Vẻ đẹp nhìn thấy vừa lệ thuộc vào cơ cấu sinh lý của mắt vừa lệ thuộc vào tác phẩm. Từ nhận định này của Lalo ta có thể quan niệm được rằng một lý thuyết về cái đẹp có thể thực hiện được. Vì một phần giữa những con người mà sở thích vô cùng phân tán vẫn có những yếu tố chung, những yếu tố tâm lý, những yếu tố xã hội tâm lý: phần khác là giữa những tác phẩm với những vẻ đẹp dị biệt vẫn có thể rút tỉa được cái cốt yếu của thẩm mỹ chìm trong những vẻ đẹp phân tán đó.


*


Thẩm mỹ học là môn học về cái Đẹp, định nghĩa này về Thẩm mỹ học đã được một số các nhà Thẩm mỹ học nói tới. Nhưng nhiều tác giả lại còn nhấn mạnh kỹ lưỡng hơn. Lý thuyết về cái Đẹp tức là Thẩm mỹ học đó cốt yếu hướng về cái Đẹp trong nghệ thuật nhiều hơn vẻ đẹp của thiên nhiên. Bởi lẽ theo Lalo, thiên nhiên tự nó không đẹp, không xấu, không thẩm mỹ, không vô thẩm mỹ mà phi thẩm mỹ (anesthétique). Thiên nhiên chỉ có giá trị thẩm mỹ khi nó được nhìn qua nghệ thuật. Tác giả này nói: núi chỉ trở thành đẹp từ khi chúng ta trở thành lãng mạn. Với các nhà cổ điển Hy Lạp, La-tinh hay Pháp, chúng không được chú ý tới nếu không bị coi là xấu.

"Lý thuyết về cái Đẹp", với các người chủ trương Tạp chí Thẩm mỹ học đã được hiểu theo một ngoại diện tối đa. Thẩm mỹ học không phải chỉ trả lời câu hỏi: Thế nào là Đẹp, mà còn là "bất cứ suy tưởng triết học nào về nghệ thuật". Ý tưởng này về thẩm mỹ học của bài "Trình bày" của Tạp chí nói trên và Denis Huisman đã nhắc tới trong cuốn L'Esthétique đã được Lalo cắt nghĩa rõ rệt hơn: "Cũng như Luận lý học là sự suy tưởng triết học về những định luật của bất cứ chân lý nào, nhưng nhất là những chân lý do khoa học tạo ra, và Đạo đức học là sự suy tưởng triết học về tâm lý của hành vi cá nhân và xã hội và khoa học về phong tục, cũng vậy, một Thẩm mỹ học được hiểu thấu đáo cần phải, trước hết, là sự suy tưởng triết học về nghệ thuật, về sự phê bình và lịch sử nghệ thuật, những ngành đã dọn lối đi cho nó" [4] .

Quan điểm của nhà Thẩm mỹ học danh tiếng này về Lý luận học và Đạo đức học để lại nhiều thiếu sót mà ta không thảo luận vào chi tiết để khỏi đi ra ngoài vấn đề. Nhưng quan điểm của ông về thẩm mỹ học ra sao? Cái đẹp do nghệ thuật mang lại có những tính chất thế nào? Thế nào là Đẹp? Tiêu chuẩn của Đẹp là gì? Sự suy tưởng triết học về nghệ thuật như thế là một trong những mục tiêu của Thẩm mỹ học. Nhưng Thẩm mỹ học không thể dừng lại, thu hẹp trong phạm vi của sự suy tưởng triết học về nghệ thuật, về cái Đẹp. Phê bình nghệ thuật ngành sinh hoạt này hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, dù muốn dù không, dù nhiều dù ít thường đưa ra những phán đoán giá trị về tác phẩm nghệ thuật. Căn cứ trên tiêu chuẩn nào mà nhà phê bình văn nghệ làm được và được làm cái công việc phê bình văn nghệ đó? Phê bình về sự phê bình văn học nghệ thuật là một phạm vi hoạt động của Thẩm mỹ học. Và sự suy tưởng triết học là thẩm mỹ học này không dừng lại ở chỗ suy tưởng về sự phê bình văn nghệ mà còn hướng cả đến những tác phẩm liên hệ đến lịch sử nghệ thuật. Văn học sử gia đã theo phương pháp nào, cắt nghĩa, phân loại, tổng hợp cũng như chọn lựa tác phẩm nghệ thuật căn cứ theo tiêu chuẩn nào? Giá trị ra sao?

Đồng ý với Lalo trên quan điểm nên xác định một đối tượng rộng rãi cho Thẩm mỹ học, ta có thể tiếp tục quan niệm đó mà nói thêm rằng Thẩm mỹ học còn là sự suy tưởng về tâm lý nghệ thuật về giá trị nghệ thuật, về một xã hội nghệ thuật.

Nhà Thẩm mỹ học ngoài những câu hỏi cổ điển: Thế nào là cái Đẹp? Thế nào là nghệ thuật? Tiêu chuẩn đó là gì? còn phải suy tưởng triết học về sự phê bình văn nghệ, về lịch sử nghệ thuật. Và hơn nữa, ông còn quan tâm đến những câu hỏi, những vấn đề: giá trị của nghệ thuật ra sao? Tâm lý của người sáng tạo và người thưởng ngoạn như thế nào? Mối liên hệ giữa tác giả, tác phẩm, độc đáo và môi trường ra sao? Bởi lẽ, suy tưởng về tiêu chuẩn của nghệ thuật mà không tìm hiểu giá trị của nghệ thuật, tâm lý nghệ thuật thì sẽ thiếu sót. Nhưng tìm hiểu giá trị của nghệ thuật mà không hiểu về tiêu chuẩn của nó thì cũng không đủ.

Một đối tượng mở rộng cho thẩm mỹ học bao gồm cả triết lý nghệ thuật, tâm lý học nghệ thuật và xã hội học nghệ thuật như thế là một điều kiện thiết yếu để phát triển ngành sinh hoạt tinh thần này.

- Hết -
(MỘT BÔNG HỒNG CHO VĂN NGHÊ)


[1]Beau, grandiose, gracieux, sublime, tragique, dramatique, spirituel, comique, ridicule.
[2]Sublime, beau, gracieux, grotesque, laid, comique
[3]Notions d’esthétique, Charles Lalo, P.U.F
[4]Notions d’esthétique, Charles Lalo, P.U.F
Nguồn: Nguyên Sa, Một bông hồng cho văn nghệ, NXB Trình Bày, Sài Gòn, 1967. Bản điện tử do talawas thực hiện.
























TRẦN BÌNH NAM * BIẾN CHUYỂN CUNG ĐÌNH

 

 Biến chuyển cung đình
Trần Bình Nam


      Đại hội 10 của đảng Cộng sản Việt Nam dự trù triệu tập trong năm 2006 được chuẩn bị từ hơn một năm qua. Trong năm 2005 đảng đưa ra dự thảo báo cáo chính trị, khuyến khích mọi thành phần dân chúng và đảng viên đóng góp ý kiến, tạo ra một không khí tranh luận về đường lối và tương lai của đất nước khá sôi nổi. Thoáng qua hình như có hai phe, một bên bảo thủ thân Trung quốc và một bên cởi mở thân Tây phương. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn thì hình như thực chất chỉ là sự tranh giành quyền lực nội bộ.

      Trong thời gian qua, một số người đấu tranh cho dân chủ tại hải ngoại đã dồn hết sức mình yểm trợ cho phe cởi mở với hy vọng rằng dư luận trong và ngoài nước có thể tạo nên những áp lực nhất định làm cho đảng Cộng sản Việt Nam thay da đổi thịt và thực hiện những cải tổ về nhân sự và đường lối cần thiết tạo điều kiện cho đất nước đi lên trước trào lưu dân chủ, nhân quyền và hội nhập kinh tế toàn cầu.

      Tuy nhiên, hình như đó vẫn chỉ là ước mơ của những người có thiện chí (trong đó có rất nhiều đảng viên bỏ đảng lưu vong) nhưng không phải là hướng thực tế.

      Thực tế cho thấy, ngay cả phe cởi mở trong đảng cũng không hy vọng gì họ có thể thay đổi đường lối của phe đang nắm quyền. Họ biết rằng quyền lực thực sự nằm trong tay những ai đang kiểm soát lực lượng vũ trang, nói cách khác là đang nắm quân đội và công an. Cuộc vận động của họ nhắm mục tiêu duy trì cho được ảnh hưởng họ đang có trong đảng. Nếu không, để phe bảo thủ nắm trọn quyền hành, thì sau đại hội 10 họ chỉ còn là một bóng mờ. Họ sẽ không thể bảo vệ những quyền lợi vật chất và uy thế chính trị họ đang có.

      Ông Võ Văn Kiệt, và cựu tướng Võ Nguyên Giáp, hai người cầm đầu cuộc vận động cởi mở và đòi hỏi đảng cần có tư duy mới nói là để cứu nước biết rất rõ vị trí và mục tiêu của mình. Là những người cộng sản đã bỏ cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh giành quyền lực cho đảng, nói cách khác là đã đổ máu và mồ hôi đóng nên cỗ xe độc tài của đảng hiện nay, họ biết rõ hơn ai hết những quy luật của cỗ xe độc tài đó.

      Từ gần một năm nay, tướng Võ Nguyên Giáp đã lên tiếng phê bình lãnh đạo, và cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt hơn một lần phê bình cung cách chuẩn bị đại hội 10 mà ông cho là làm lấy lệ. Nhưng hai ông biết rõ rằng ý kiến phải trái của các ông, cũng như ý kiến của những người cùng lập trường với hai ông sẽ không có khả năng tạo sức mạnh dư luận để thay dổi đường lối của những người đang nắm thế thượng phong trong đảng.

      Áp lực dư luận chỉ có trong một nước dân chủ có tự do ngôn luận.Tại Việt Nam hiện nay không có tự do ngôn luận nên không có áp lực từ quần chúng. Còn thành phần đảng viên cũng không có tiếng nói về những vấn đề của đảng và của đất nước. Các đại hội trù bị của các chi bộ đảng cấp địa phương (quận, huyện …) gọi là trù bị thật ra chỉ là hình thức sắp xếp nhân sự do nhóm cầm quyền từ trên đưa xuống. Đại hội 10 sẽ được định ngày giờ và triệu tập khi mọi chương trình của nhóm cầm quyền đã được sắp xếp. Và những ai có óc thực tế không chờ đợi những thay đổi quan trọng về đường lối cứu nuớc của đảng Cộng sản Việt Nam: chỉ là bình mới rượu cũ. Tùy theo cuộc đấu tranh của nhóm Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp mầu sắc của chiếc bình có thể thay đổi nhưng chất liệu thì không.

      Hơn một năm nay trong nước, ngoài nước nói nhiều về vụ lạm quyền của Tổng Cục 2 được mệnh danh là “một tổ chức Đảng trong Đảng”, vừa tố cáo vừa vu cáo các ủy viên cao cấp của đảng làm tay sai cho tình báo nước ngoài, đến những vụ nhũng lạm như chiếm đất đai của dân trong toàn quốc lên đến hàng chục ngàn vụ trong hai năm 2004, 2005 và tiếng oán thán của người dân thấp cổ bé miệng đã đến tận trời xanh.

      Trong một nước vận hành theo nguyên tắc dân chủ, một tình hình chính trị và xã hội như vậy tự nó đã tạo ra những đổi thay cần thiết. Nhưng trong một nước vận hành theo nguyên tắc độc tài toàn trị như tại Việt Nam mà quyền hành nằm trong tay một số Ủy viên Bộ chính trị nắm các lực lượng vũ trang thì không. Ngoại trừ một biến chuyển cung đình.

      Biến chuyển cung đình ngoạn mục nhất là biến chuyển cung đình tháng 10 năm 1976 tại Bắc Kinh sau khi Mao Trạch Đông qua đời và nhóm 4 người gọi là “Tứ Nhân Bang” gồm Giang Thanh, vợ của Mao và Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diệu Văn Nguyên chuẩn bị cướp quyền hành bất chấp di chúc của Mao giao quyền kế thừa cho Hoa Quốc Phong.

      Nhóm Tứ Nhân Bang làm mưa làm gió đã 10 năm qua từ ngày bắt đầu cuộc cách mạng văn hóa (1966) nhờ tư thế riêng của Giang Thanh bên cạnh Mao, nhất là vào những năm cuối cùng khi Mao nằm liệt trên giường bệnh. Tháng 9 năm 1976 Mao chết, Giang Thanh chuẩn bị áp lực Bộ chính trị cách chức Hoa Quốc Phong. Bà ra lệnh cho lực lượng vũ trang tại Thượng Hải, căn cứ quyền lực của bà sẵn sàng đập tan thành phần chống đối, đồng thời vũ trang cho một lực lượng cách mạng của bà trong vùng Bắc Kinh. Giang Thanh giả lệnh của Trung ương đảng chỉ thị các chi bộ đảng toàn quốc phải thông qua mọi quyết định quan trọng với Tứ Nhân Bang và chuẩn bị kiến nghị đưa bà Giang Thanh vào chức vụ Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Bà cho biết một lực lượng thiết giáp sẽ tiến vào Bắc Kinh nghiền nát mọi chống đối. (Theo “Deng Xiaoping and the Cultural Revolution” by Deng Rong, nhà xuất bản ngoại ngữ Bắc Kinh, Chương 54)

      Nhưng đất nước Trung Hoa còn những người can đảm và có lòng. Thống chế Diệp Kiếm Anh, đương thời là Ủy viên Bộ chính trị, một người từng góp phần thành lập quân đội nhân dân Trung quốc năm 1927, và một nhân vật then chốt khác là Uông Đông Hưng, cũng là một ủy viên Chính trị bộ đang nắm lực lượng bảo vệ an ninh tổng hành dinh của đảng tại Bắc Kinh cương quyết ủng hộ Hoa Quốc Phong không để cho Tứ Nhân Bang thực hiện ý đồ đen tối. (Sách đã dẫn, Chương 55)

      Ngày 6 tháng 10 năm 1976, 27 ngày sau khi Mao Trạch Đông qua đời, Tứ Nhân Bang được Hoa Quốc Phong mời đến tham dự một buổi họp tối mật và lần lượt bị lính của Uông Dông Hưng bắt. Riêng Giang Thanh bị bắt tại nhà. Với sự hiện diện của Hoa Quốc Phong lệnh bắt và giải nhiệm được chính thức đọc trước mặt từng nhân vật trong Tứ Nhân Bang. Và quyền hành được chuyển qua cho những người có trách nhiệm. Lịch sử Trung quốc sang trang. (Sách đã dẫn, Chương 55)

      Trong không khí bế tắc chính trị hiện nay, tại sao lịch sử Việt Nam lại không thể sang trang? Hùng khí của đất nước từ những tấm gương Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ vẫn còn lung linh ngời sáng. Và nếu thật sự một lòng vì nước vì dân, hai ông Võ Văn Kiệt và Võ Nguyên Giáp, những người từng nắm quyền hành, biết quy luật của lịch sử, và thuộc nằm lòng quy luật đấu tranh hiểu rõ hơn ai hết các ông phải làm gì hơn là những đóng góp ý kiến với đảng Cộng sản Việt Nam mà các ông đã làm từ trước đến nay.

Trần Bình Nam

Jan. 1, 2006

BinhNam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

TRẦN HỒNG CHÂU * GIẤC MƠ ĐÀO LÝ

GIẤC MƠ ĐÀO LÝ
TRẦN HỒNG CHÂU



Giấc mơ đào lý hoa niên
Nửa thân bé bỏng khơi miền viễn du
Trường xưa mấy phiến mây thu
Mấy thơ mấy nhớ mấy mùa tóc tiên
Một thương má núm đồng tiền
Mấy thương da trắng tóc huyền bỏ lơi
Cánh sen hồn bướm choi vơi
Mắt du thuyền mộng tiếng người Sơn Tây
Bâng khuâng sách nhỏ hoa gầy
Tấm son hé mở say say tình đầu
Từ xuân ly biệt về đâu
Mang mang kỷ niệm tôi sầu mấy muôn
Hoàng hôn gió lộng trường buồn
Nhện chăng vách lở chim buồn cửa thông
Khi đi em chửa có chồng
Khi về em đã con bồng con mang
  

TRẦN BÌNH NAM * PHI THUYỀN COLUMBIA

CHUYỆN NĂM CŨ, NĂM MỚI
VÀ TAI NẠN PHI THUYỀN COLUMBIA

Trần bình Nam


(Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn của Quang Dũng, phóng viên đài tiếng nói Phục Hưng Việt Nam qua làn sóng của đài Việt Nam Hải Ngoại phát sóng vào lúc 10:15PM ngày Thứ Năm 6 tháng 2 năm 2003)
Quang Dũng: Hôm nay là những ngày đầu Xuân Quí Mùi 2003, ông có nhận xét gì về năm cũ?
Trần Bình Nam: Năm Nhâm Ngọ 2002 là năm thế giới nói nhiều nhất đến chiến tranh chống khủng bố. Và đó là sự việc ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt chính trị và kinh tế của thế giới. Năm 2002 có thể nói là năm bản lề đưa thế giới vào khúc quanh mới. Bản lề đó bắt đầu bằng cuộc tấn công của những người Hồi giáo vào hai cao ốc của Trung tâm Mậu dịch Thế giới của Hoa Kỳ tại New York ngày 11 tháng 9 năm 2001. Sau cuộc tấn công này thế giới hình như chia ra làm hai: thế giới Tây Phương với nền văn minh Cơ Đốc và thế giới Hồi giáo tranh chấp nhau.
Cuộc tranh chấp này diễn ra dưới hình thức nóng như cuộc chiến tranh Afghanistan, và cuộc đối đầu với Iraq hiện nay, và dưới hình thức âm thầm của các hoạt động tình báo của Hoa Kỳ và Anh quốc và các nước đồng minh Âu châu để phá hủy hệ thống khủng bố của tổ chức Al Queda.
Tại nước Mỹ tâm lý quần chúng thay đổi một cách căn bản. Đời sống kinh tế khó khăn hơn nhưng dân chúng vẫn ủng hộ chính sách mạnh tay của tổng thống George W. Bush, nghĩa là nếu cần chiến tranh thì chấp nhận chiến tranh.
Vì nhu cầu an ninh, quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một số luật lệ hạn chế chút ít quyền tự do của người dân và ban hành những chính sách về di trú gắt gao nhất từ trước tới nay đối với truyền thống rộng rãi của Hoa Kỳ.
Do nhu cầu khai thác tin tức tình báo nhanh chóng để ngăn chận kịp thời những cuộc tấn công tự sát có thể gây nhiều thương vong, cơ quan an ninh Hoa Kỳ đã áp dụng những phương pháp trước đây cấm đoán như ám sát những kẻ khủng bố và dùng những hình thức áp lực cơ thể tù nhân trước đây được xem là một hình thức tra tấn.
Do khuynh hướng quan tâm đến an ninh là chính và chấp nhận chiến tranh, dân chúng Hoa Kỳ đã ủng hộ đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tháng 11/2002 vừa qua, kết quả đảng Cộng hòa đã chiếm đa số trong cả hai viện quốc hội, giúp tổng thống Bush có thêm quyền hành. Ông Bush không bỏ qua cơ hội. Nắm quốc hội trong tay ông đưa ra chương trình kinh tế gọi là chương trình “tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế” (job & growth) dự trù cắt giảm 670 tỉ mỹ kim tiền thuế trong 10 năm tới. Lý luận kinh tế của ông Bush là giảm thuế người ta sẽ có nhiều tiền để đầu tư, và sẽ tạo nên công ăn việc làm. Lẽ dĩ nhiên giới tài phiệt và những nhà tỉ phú là thành phần được hưởng sự cắt thuế này nhiều hơn trăm ngàn lần người trung lưu và giới thắt lưng buộc bụng. Chính sách giảm thuế của tổng thống Bush có một hậu quả không tránh được là làm cho ngân sách quốc gia thâm thủng hơn và thế hệ tương lai phải trả nợ. Nhưng đó là chuyện tương lai. Ông Bush cần kích thích kinh tế trong năm nay và năm 2004 tới để tránh vết xe đổ của thân phụ ông, cựu tổng thống George Bush. Năm 1992, thân phụ ông huy hoàng vừa thắng trận chiến Trung đông, Liên xô cũng vừa sụp đổ nên không làm gì để chấn chỉnh tình trạng kinh tế đang suy thoái nên đã thất cử khi tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 dưới tay ông Bill Clinton, ứng cử viên của đảng Dân chủ.
Trở lại bức tranh năm 2002. Các hoạt động khủng bố hình như càng ngày càng bạo dạn hơn và lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Tại Á châu là vụ đánh bom ở Bali, tại Liên bang Nga là vụ quân du kích Chechnya chiếm một rạp hát ở Mạc tư khoa và bắt giữ hơn 700 con tin. Tại Kennya Phi châu là dùng hỏa tiễn cầm tay bắn phi cơ dân sự của Do thái.
Trước áp lực của Hoa Kỳ, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA/LHQ) đã thông qua quyết nghị 1441 buộc Iraq phải mở cửa lại cho các quan chức của Liên hiệp quốc vào thanh sát xem Iraq còn chế rạo và tàng trữ vũ khí hóa học, vi trùng và nguyên tử là những thứ vũ khí giết người tập thể không. Cuối tháng giêng vừa qua đoàn thanh tra báo cáo sơ khởi với HĐBA rằng đoàn không tìm thấy gì nhưng không quả quyết Iraq đã không có những thứ vũ khí trên.
Trong khi đó Bắc hàn dưới sự lãnh đạo của Kim Chính Nhựt trở chứng tiếp tục lại các chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử và công khai rút ra khỏi thỏa ước cam kết không phổ biến hiểu biết về vũ khí nguyên tử. Bắc Hàn cho chạy lại các nhà máy điện nguyên tử có khả năng sản xuất chất plutonium, là nhiên liệu chế tạo bom nguyên tử.
Tại Âu châu, một số nước Đông âu trước kia thuộc khối Liên xô như Tiệp, Slovakia, Hung, Bảo, Latvia, Estonia và Luthiana được chính thức gia nhập khối NATO. Liên bang Nga chỉ bày tỏ sự không hài lòng lấy lệ, biết rằng không làm gì được để ngăn cản tiến trình này. Nhưng sự việc này sẽ tạo nên hiềm khích ngầm giữa Hoa Kỳ và Liên bang Nga.
Về mặt khoa học, việc công ti Clonaid công bố đã sao bản (cloning) được con người là một biến cố khác của nhân loại. Mặc dù cho đến nay, do sự can thiệp của luật pháp Hoa Kỳ, công ti Clonaid không thực hiện được cuộc thử nghiệm khoa học để chứng minh cô bé Eve sinh ngày 26/12/2002 là sao bản của một phụ nữ khác, việc công nhận sao bản người được chỉ là vấn đề thời gian. Và việc này sẽ là một vấn nạn lớn đối với nhân loại bên cạnh những vấn nạn khác là chiến tranh và nghèo đói.
QD: Tạo sao ông xem việc sao bản người là một vấn nạn lớn của nhân loại. Nhiều người nghĩ rằng đó là một tiến bộ của khoa học?
TBN: Mặc dù sao bản là một vấn đề khoa học, nhưng sao bản người có những hệ lụy nghiêm trọng đối với sự sống và sự tồn tại tự nhiên của con người.
Khi biết được tiến trình thành hình bào thai trong bụng mẹ các khoa học gia tìm cách lặp lại tiến trình này trong ống nghiệm rồi đặt vào tử cung của một người nữ, gọi là sự thụ thai nhân tạo. Và họ đã áp dụng sự thụ thai nhân tạo giúp cho những cặp vợ chồng không sinh nở được có con cái. Thai nhân tạo đầu tiên là cô Louise Brown sinh năm 1978 năm nay 25 tuổi, và đến nay tại Hoa Kỳ đã có 28.000 gia đình có con qua phương pháp thụ thai nhân tạo.
Nhưng các nhà khoa học không ngừng ở đó. Họ hỏi, tại sao không thực hiện quá trình hình thành một bào thai (thú vật hay người) mà không cần (tinh trùng) một nam và (trứng) một nữ? Để làm gì? Nhà khoa học không cần biết. Kết quả cừu Dolly đã được các nhà khoa học Anh sao bản mấy năm trước, và bà Brigitte Boisselier thuộc công ti Clonaid cuối năm 2002 đã tuyên bố đã sao bản được cô bé Eve từ một phụ nữ Mỹ 31 tuổi.
Ở đây tôi không bàn về đạo lý và quyền của đấng tạo hóa trong việc tạo ra sự sống. Tạo hóa do con người tạo ra do nhu cầu của đời sống tâm linh, cho nên quyền của đấng tạo hóa cũng do quan niệm của con người, và về mặt này mỗi người có thể có một quan niệm khác nhau. Thật ra, nếu thế giới này không có nạn nhân mãn, không có những vùng đất có quá nhiều người nhưng không có gì ăn phải chết đói thì việc sao bản con người chắc không có ai phản đối. Một ngôi nhà trống vắng có thêm người ở cũng tốt thôi, dù người đó từ đâu tới.
Nhưng vấn nạn là, thế giới chúng ta đã có quá nhiều vấn đề. Nhân mãn, chiến tranh, bệnh tật, xung khắc văn minh, xung khắc tôn giáo... Càng nhiều thuốc tiên càng nhiều bệnh bất trị. Càng văn minh càng thấy lúng túng với những gì mình tạo ra. Bây giờ lại thêm con người sao bản chỉ có Mẹ hoặc có Cha, thế giới càng thêm hỗn độn.
Một hiện tượng được ghi nhận trong nhiều thế kỷ qua là hôn nhân trong cùng họ tộc thường sinh ra những đứa bé bệnh hoạn. Bây giờ khoa học biết lý do vì các nhiễm sắc thể trong tế bào của chúng đa số đều mang tính di truyền của giòng giống. Nếu là sao bản thì tất cả nhiễm sắc thể đều mang cùng một tính di truyền nên sát xuất bệnh tật rất cao. Kết quả sao bản cho đến hôm nay cho thấy các thú vật sao bản thường mang nhiều dấu hiệu bất ổn. Sao bản con người cũng không ra khỏi qui luật này. Và vấn nạn là: có nên tạo ra thêm những con người bệnh hoạn không?
QD: Với bối cảnh đó của năm cũ, ông nghĩ gì về thế giới trong năm 2003?
TBN: Tiên đoán thời cuộc là một khoa học không chính xác. Nhưng các dấu hiệu đều cho thấy năm 2003 sẽ không phải là một năm của hòa bình. Trước mắt, nếu Saddam Hussein không rời bỏ chính trường bằng một cách nào đó, thí dụ bị đảo chánh hay tự nguyện lưu vong, Hoa Kỳ sẽ không có cách nào khác hơn là đánh để giải giới Iraq. Với tương quan sức mạnh của đôi bên cuộc chiến có thể kết thúc nhanh chóng. Nhưng vấn đề ổn định Iraq và những cuộc tấn công khủng bố trả đũa của những người Hồi giáo tại nội địa Hoa Kỳ hay các cơ sở liên quan đến quyền lợi của Hoa Kỳ trên khắp thế giới sẽ không phải là một vấn đề nhỏ. Nếu những cuộc khủng bố này đe dọa an ninh của quốc gia thì khó đoán được Hoa Kỳ sẽ hành động như thế nào để tự vệ. Một cuộc oanh tạc phá hủy các cơ sở nguyên tử của Bắc Hàn là điều khó tránh. Hoa Kỳ không thể khoanh tay ngồi nhìn quân khủng bố dùng vũ khí của Bắc Hàn để đánh mình.
Tại Âu châu, Liên hiệp Âu châu dự trù thu nhận thêm 10 nước nữa (gồm các nước Đông âu cũ trừ Romania và Bảo gia lợi và hai tiểu quốc Cyprus và Malta) sẽ làm thay đổi khung cảnh chính trị Âu châu và thêm một nổi buồn phiền cho Liên bang Nga. Trong năm 2003 vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ có được gia nhập Liên hiệp Âu châu hay không cũng sẽ là một vấn đề tạo căng thẳng tại lục địa này.
Ngày 5/2/2003, ông bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Colin Powell đã trưng nhiều bằng chứng tình báo trước HĐBA/LHQ để chứng minh rằng chẳng những Iraq còn cất dấu vũ khí giết người tập thể mà còn quan hệ với tổ chức Al Queda. Và HĐBA/LHQ đang đứng trước một vấn đề nan giải. Hội đồng sẽ phải quyết định chấp thuận hay không chấp thuận cho phép Hoa Kỳ dùng vũ lực giải giới Iraq. Cho phép, có nghĩa Liên hiệp quốc không chống nỗi áp lực của Hoa Kỳ. Không cho phép mà Hoa Kỳ vẫn đánh chứng tỏ LHQ không còn có khả năng làm trọng tài các tranh chấp quốc tế. Trong cả hai trường hợp LHQ sẽ mất uy tín, và không thể tiếp tục tồn tại dưới hình thức hiện nay. Một cuộc cải tổ sâu rộng sẽ phải đến sau năm 2003.
QD: Riêng đối với Á châu thì sao?
TBN: Ở trên tôi có nói về vụ Bắc Hàn chế tạo vũ khí nguyên tử, nhưng Bắc Hàn rồi sẽ là chuyện nhỏ, ngay cả trong trường hợp Hoa Kỳ dội bom Bắc Hàn. Vấn đề Trung quốc và Đài Loan cũng vậy. Đài loan sẽ không dại gì tuyên bố độc lập để Trung quốc có cớ xâm lăng. Và cho dù Đài loan muốn tuyên bố độc lập Hoa Kỳ cũng sẽ không để cho Đài loan làm. Chuyện chính của Á châu trong năm 2003 và có thể nói trong thập niên này vẫn sẽ là tình hình chính trị và sức mạnh kinh tế của Trung quốc trong phương trình đối đầu không tránh được giữa Trung quốc và Hoa Kỳ. Cuộc đối dầu này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt chính trị Á châu.
Vào tháng Ba năm nay, khi quốc hội Trung quốc họp, Trung quốc sẽ có thủ tướng mới. Ông Hồ Cẩm Đào đương kim tổng bí thư đảng CSTQ có phần chắc được bổ nhiệm làm chủ tịch nước thay Giang Trạch Dân. Cựu Tổng bí thư họ Giang có thể sẽ còn giữ chức Chủ tịch Quân ủy để có đủ uy thế giúp ban lãnh đạo mới gồm đa số thành phần trẻ trong Thường vụ Bộ chính trị đảng CSTQ nắm vững việc nước. Tôi không thấy nội bộ lãnh đạo Trung quốc sẽ xâu xé nhau giành quyền lãnh đạo chính trị, nhất là đối với Giang Trạch Dân như đa số các quan sát viên tây phương tiên đoán. Nếu Giang Trạch Dân tham quyền cố vị ông ta đã không trao quyền lãnh đạo đảng cho Hồ Cẩm Đào (một người trẻ hơn cả người đàn em thân tín của ông ta và công lao đối với đảng không nhỏ là Tăng Khánh Hồng) và cũng không đưa thành phần trẻ lên nắm Thường vụ Bộ chính trị. Sự việc nếu ông ta còn nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương có thể chỉ là một cách để giúp cho dàn lãnh đạo mới một cách hữu hiệu. Điều này Đặng Tiểu Bình đã làm đối với Giang Trạch Dân, không nên diễn đạt là một hành động tham quyền. Tôi nghĩ nếu Giang Trạch Dân sau đại hội tháng 11 vừa qua, bỏ mọi chính sự ra ngoài, rủ áo ra đi ngay thì đó mới là một hành động thiếu trách nhiệm.
Nhưng không nhờ đại hội thứ 16 mà Trung quốc ổn định dễ dàng. Cái làm cho xã hội Trung quốc căng thẳng là sự chọi nhau giữa hai đối lực: một nền kinh tế thị trường đòi hỏi một xã hội dân chủ, và đảng CSTQ muốn nắm mọi quyền hành trong tay. Quyết định cho giới doanh nhân vào đảng trong đại hội 16 sẽ không làm cho sự đối chọi này giảm bớt (như ý của lãnh đạo), trái lại có thể làm cho căng thẳng hơn.
Á châu còn có Ấn Độ với dân số hơn 1 tỉ người. Cuộc tranh chấp giữa những người Ấn Độ giáo đang cầm quyền với thiểu số Hồi giáo có triển vọng tạo rối loạn xã hội trong năm 2003. Sự rối loạn này sẽ được sự tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan (mà trên căn bản do tranh chấp giữa Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong vùng Khasmir) làm cho căng hơn. Nếu Pakistan không ngăn cản được du kích Hồi giáo tấn công Ấn Độ qua vùng Khasmir, Ấn Độ sẽ tấn công trả đũa. Nỗi lo sợ của thế giới là cả hai nước đều có vũ khí nguyên tử. Trong hơn 10 năm qua Ấn Độ và Pakistan ba lần xuýt đánh nhau nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ.
QD: Trong khung cảnh hiện nay của thế giới Hoa Kỳ có thể trở thành một đế quốc không?
TBN: Câu trả lời tùy theo định nghĩa thế nào là một đế quốc, và tùy theo chính sách của các nhà lãnh đạo nước Mỹ. Hiện nay Hoa Kỳ là nước có tổng sản lượng bằng 1/3 tổng sản lượng toàn thế giới, và chi phí quốc phòng của Mỹ lớn bằng chi phí quốc phòng của 20 nước cao nhất gộp lại. Do đó ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới là điều không thể chối cãi. Nhưng Hoa Kỳ có là một đế quốc hay không là một chuyện khác.
Nhìn lại lịch sử Hoa Kỳ, chỉ có một lần (năm 1898) khi Hoa Kỳ đánh bại Tây Ban Nha Hoa Kỳ mới có thái độ đế quốc bằng cách cai trị một số vùng do quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng từ Puerto Rico đến Phi Luật Tân, còn ngoài ra Hoa Kỳ rất tự chế. Qua chiến tranh lạnh Hoa Kỳ đã mạnh tay can thiệp vào nội chính của một số nước như Iran, Việt Nam, Chí Lợi ... trong chính sách ngăn chận làn sóng cộng sản, và khó nói những sự can thiệp này là một biểu hiện đế quốc. Từ năm 1991 sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất, người ta không thấy Hoa Kỳ muốn khống chế thế giới, ngoại trừ chính sách xiển dương sự toàn cầu hóa thế giới bằng kinh tế và ý niệm về dân chủ và nhân quyền. Nhưng sau cuộc khủng bố ngày 11/9/2001 Hoa Kỳ thấy rằng hòa bình, thịnh vượng và dân chủ trên thế giới không thể có bằng nước bọt mà phải là kết quả của đấu tranh. Và Hoa Kỳ biết mình chẳng những không thể đứng ngoài cuộc đấu tranh này mà còn phải giữ vai trò lãnh đạo. Và tùy theo cung cách lãnh đạo của Hoa Kỳ mà thế giới sẽ phán đoán Hoa Kỳ là một đế quốc hay không.
QD: Còn đối với Việt nam trong năm 2003 thì sao?
TBN: Bức tranh của Việt Nam mầu xám. Không thấy có dấu hiệu gì đảng CSVN sẽ cởi mở hơn về chính trị trong năm 2003. Trái lại, lợi dụng thế giới đang bận tâm với tình hình thế giới nóng bỏng, và nhất là Hoa Kỳ đang ve vãn Trung quốc, một đồng minh của Việt Nam sẽ không đặt vấn đề nhân quyền với Việt Nam một cách gắt gao như trước nên đảng CSVN sẽ mạnh tay đàn áp các tiếng nói đối lập. Đảng CSVN cho biết sẽ ban hành luật cấm các cuộc biểu tình dưới mọi hình thức. Một dấu hiệu khác, Tết nguyên đán năm nay đảng CSVN chỉ giảm án và trả tự do cho gần 200 tù nhân so với Tết năm 2000 đã trả tự do và giảm án cho hàng ngàn tù nhân.
Vấn đề khó khăn của đảng CSVN là thi hành thỏa ước thương mãi song phương ký năm 2001 với Hoa Kỳ và có hiệu lực từ ngày đầu năm 2002. Đảng CSVN muốn lợi dụng tối đa thỏa ước này để tăng mức xuất cảng sang Hoa Kỳ. Nhưng trái lại Việt Nam phải để cho các công ti Hoa Kỳ làm ăn tại Việt Nam theo luật lệ quốc tế mà kết quả là quyền hành của đảng bị nới lỏng. Đảng CSVN có chấp nhận thực tế này để một cách tiệm tiến dân chủ hóa xứ sở hay sẽ coi thường quyền lợi của đất nước vì quyền lợi của đảng? Câu trả lời không mấy khích lệ nếu dựa vào những gì đảng CSVN đã làm từ khi thống nhất đất nước đến nay. Chỉ còn đặt hy vọng vào thế hệ lãnh đạo tương lai và vào cuộc đấu tranh của những người dân chủ trong và ngoài nước.
QD: Ông đề nghị gì về một hướng đấu tranh cho những người dân chủ trong và ngoài nước?
TBN: Các đoàn thể ngoài nước và những người dân chủ trong nước có thể có chương trình hành động khác nhau tùy theo khả năng và điều kiện. Người trong nước không có điều kiện như người Việt tại hải ngoại có thể đấu tranh khéo léo và mềm dẽo để tránh né sự kiểm soát của bộ máy công an. Người ngoài nước có điều kiện hơn cần triển khai cuộc đấu tranh trên nhiều mặt như đòi hỏi tự do tôn giáo, dân quyền, nhân quyền, đa nguyên chính trị, bầu cử tự do, đòi hỏi đảng CSVN phải trả quyền lại cho dân ...
Nhưng cuộc đấu tranh nhiều mặt cần có một chủ điểm nếu muốn tạo thành sức mạnh. Thí dụ đòi hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp. Điều 4 giao trọn quyền lãnh đạo đất nước cho đảng CSVN. Đòi đảng CSVN bỏ điều 4 HP là khởi đầu sự công nhận đa nguyên chính trị và bầu cử tự do.
Nhân dân trong nước và người Việt ngoài nước không mong ước gì hơn, và đều hướng cuộc đấu tranh của mình vào mục tiêu tối hậu là lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam, thành lập quốc hội lập hiến, viết lại Hiến Pháp mới, và xây dựng một chế độ dân chủ mới (như ông Đỗ Thái Nhiên chủ trương trong bài viết “Ngày Tết và Con Cá Rô Gỗ” để phê bình chủ trương đòi bỏ điều 4 HP đăng tải trên nhiều tờ báo xuân Qúi Mùi). Vấn đề là: Làm sao đạt được mục tiêu? Áp lực đảng CSVN hủy bỏ điều 4 HP là đòn chính trị (chứ không phải là đánh về mặt luật Hiến Pháp như nội dung bài viết công phu của ông Đỗ Thái Nhiên) khởi đầu cho tiến trình dân chủ hóa nói trên.
QD: Xin có một câu hỏi cuối cùng. Ông nghĩ gì về tai nạn không gian của chiếc Columbia ngày 1/2/2003?
TBN: Phi hành thám hiểm không gian là một việc làm nguy hiểm. Cho nên nếu tai nạn xẩy ra là điều không làm cho giới khoa học kỹ thuật ngạc nhiên. Năm 1986 chiếc Challenger chở 5 phi hành gia cũng đã nổ tung trên bầu trời sau khi rời dàn phóng chưa đầy 2 phút. Trước đó là hỏa hoạn trên chiếc Apollo làm thiệt mạng hai phi hành gia khi chuẩn bị phóng. Tuy nhiên không vì vậy mà tai nạn xẩy ra vào ngày 1 tháng 2 cũng là ngày mồng một Tết Qúi Mùi cho phi thuyền con thoi Columbia làm thiệt mạng 7 phi hành gia trong đó có hai phụ nữ và một người Do thái không làm cho mọi người đau buồn và thương tiếc, nhất là những người mang truyền thống Á châu xem ngày đầu năm là ngày để hân hoan chứ không phải là ngày tang tóc.
Về phương diện khoa học tai nạn của chiếc Columbia sẽ làm chậm lại chương trình thám hiểm và khảo sát không gian của Cơ quan Không gian Hoa Kỳ và là một bước lùi của khoa học.
Về chính trị, tai nạn xẩy ra vào lúc đang có cuộc chiến tranh chống khủng bố, Hoa Kỳ đang chuẩn bị đánh Iraq và tìm cách kềm chế chương trình sản xuất vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn là một bất lợi cho tổng thống Bush. Nhưng tôi tin rằng Hoa Kỳ sẽ vượt qua những khó khăn này như đã từng vượt qua những khó khăn lớn khác trong lịch sử của quốc gia trẻ trung này.
QD: Xin cám ơn ông Trần bình Nam

NGUYỄN QUỐC TUẤN * HỌA SĨ HIẾU ĐỆ

Họa sĩ HIẾU ĐỆ (1935 - 2009)

Giáo sư, Trường Quốc Gia Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định - trước 1975
-  Học trường Mỹ nghệ Gia Định, năm 1949 - 1952
- Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Khóa I : 1954 - 1957
Làng chài Phan Thiết (1958) khổ 42x73 cm - sơn dầu
 Trâu
Hiếu Đệ - vẽ Nguyễn Lâm, 1960
Nguyễn Quốc Tuấn (tư liệu - ảnh)

HOÀNG NGỌC LIÊN * CON SỐ KỲ LẠ

Hoàng Ngọc Liên
 CON SỐ KỲ LẠ

Một bữa đứng trước nhà, tôi thấy thằng Út - con ông Ba "giấy số" - nhà bên cạnh, cầm một cuốn "Truyện Võ Hiệp". Thoáng đọc thấy tên tác giả, đúng là một ông bạn rất thân, tôi đang muốn tìm thăm mà chưa biết hiện nay ổng ở đậu
    Tôi hỏi thằng Út:
    - Cháu cũng mua truyện võ hiệp để coi sảo
    Thằng nhỏ lắc đầu:
    - Đâu có, ông Nặm Nhỏ bạn cháu mới chọ Ông già cổ là tác giả đọ
    Tôi mừng rỡ:
    - Hay quá, cháu cho ông địa chỉ cổ, được khổng
    Thằng Út trố mắt nhìn tôi:
    - Ông Năm cũng muốn vô "Quán Đèn Mờ" sảo
    Thấy tôi ngơ ngác không hiểu, nó cười:
    - Chắc cháu nói tầm bậy rồi!
    Tôi nói:
    - Ông là bạn của ông già tía cô bạn chạu Ông muốn đến thăm ổng!
    Sau đó tôi được thằng nhỏ cho địa chỉ "Quán Đèn Mờ" này, nó còn dặn tôi là khi vào quán, chỉ cần ngỏ ý với người mang đèn bấm hướng dẫn chỗ ngồi, là mình muốn kêu cô Hồng phục vụ Chỉ mấy phút sau, nếu con bé chưa ngồi bàn, thế nào nó cũng tợi
    Tôi làm theo lời dặn, quả nhiện
    Khung cảnh trong quán đúng là mờ ạo Ngọn đèn nhỏ xíu có chiếc chao màu đen chụp xuống, chỉ vừa đủ ánh sáng cho khách thấy tổng quát mặt bạn
    Tôi không nhìn rõ mặt cô bé:
    - Cháu tên Hồng, phải khổng
    Một giọng nói nhỏ nhẹ cất lên:
    - Dạ! Bạc đi có một mình sảo
    Tôi gật đầu:
    - Bác đi một mình! Cháu lạ lắm sảo
    Cô bé ngập ngừng:
    - Không, nhưng sao bác lại kêu chảu
    - Vì bác cần biết tin của Ba chạu Bác là bạn của Ba chạu Ba cháu hiện đang ở đẩu
    Không nghe cô bé trả lời, tôi hỏi tiếp:
    - Nếu cháu không tiện nói cũng không sạo
    Cô bé lên tiếng ngay:
    - Dạ không phải vậy đâu, Bác! Nhưng Bác phải hứa không cho Ba cháu hay là cháu làm ở đậy
    Tôi nói ngay:
    - Đồng ý!
    Nói xong tôi trao cho cô bé tờ giấy 5 ngàn:
    - Tặng chạu
    Rất nhanh nhẹn, nó cầm tiền nhét vô túi áo ngoài rồi rút ra mẩu giấy và cây viết, ghi cho tôi địa chỉ nạy Tôi không hỏi cô bé gì thêm, vội vã trả tiền 2 ly nước ngọt, ra vệ
    Ngay sáng hôm sau, tôi vẫy xe lam lên Ngã Ba Hàng Xanh, rồi xuống đi bộ vào ngõ hẻm có cửa hàng bán vật liệu xây cất, cách rạp hát bóng Cao Đồng Hưng Gia Định không xạ
    Đến trước một chiếc cổng khép hờ, tôi đọc tấm bảng treo, số nhà 1016 như ghi trong mẩu giấy, nhưng tôi còn đang ngần ngừ, cánh cửa bên trong lại có số 1057, viết bằng phấn trắng, chợt nghe một giọng nói quen thuộc cất lên:
    - Quý phải không, vô đây!
    - Thúc, ông bạn ngày xưa của tôi vừa từ trong nhà bước ra, đang đứng trước những thùng cây cùng với vô số vỏ chai la de, trong chiếc sân không rộng lắm, trước một căn nhà có giàn bông giậy
    Đúng lạ Thúc đây rội Tên ông bạn tôi trùng với họ của Kỳ Tâm, anh chàng hảo ngọt suýt bị toi mạng trong Đoạn Trường Tân Thanh của Tiên Điền Nguyễn Tiên Sịnh Thúc có một bà vợ lúc nào cũng mang nét mặt nghiêm nghị Ngày trước, đã nhiều lần tôi tới thăm Thúc, khi gia đình anh còn ở đường Trần Quý Cáp Sài Gòn, tôi chưa thấy bà xã ạnh cười lần nạo Bả... khó quạ Thế mà Thục sinh dám dấu một "cục cưng" dưới Khánh Hội
    Có bữa, thừa lúc bà xã bồng đứa con gái mới đầy tuổi tôi, - bây giờ là cô bé Hồng - vô nhà trong, Thúc nói nhỏ với tôi:
    - Tánh bả vậy đọ Nhưng người thiệt tốt bụng, hết lòng lo cho chồng cọn Không có bả, chẳng biết cha con tôi làm sao sộng Chỉ phải cái tật ghen ẩu!
    Tôi cười:
    - Vậy mà ông còn dám cọ
    Thúc hoảng hồn, cắt ngang:
    - Đừng phá nha, cha nội!
  
- o O o -

    Bẵng đi mười mấy năm không gặp, bữa nay mới có dịp tìm thăm lại cố nhận
    Thúc nắm chặt tay tôi:
    - Nghe nhà ngươi mãn tù, ta chưa biết kiếm ở đâu thị
    Tôi tiếp lời Thúc:
    - Nhà ngươi đã dẫn xác tới!
    Thúc buông tay tôi ra rồi hỏi:
    - Làm sao cậu kiếm được nhà tớ ở đây, tài vẩy
    Tôi cười:
    - Chỉ cần đôi chút công phụ
    Chúng tôi vào trong nhạ Cảnh vật lộn xộn quạ Thốt nhiên tôi thấy có điều gì bất thường:
    - Cậu Thúc này! Bà Xã đẩu
    Thúc chìa tay về phía bộ sa lông ngổn ngang sách, báo:
    - Cậu ngồi chờ mình kiếm cái gì uống đạ
    Tôi xếp mấy tờ báo qua một bên rồi ngồi xuộng Thốt nhiên tôi thoáng nhìn lên bàn thờ, có đặt khung hình của bà xã Thúc!
    Tôi đến gần, rút 3 nén nhang châm lửa thắp rồi xá 3 lận Cắm nhang vô bát, tôi hỏi Thúc khi anh chàng vừa bước ra:
    - Bà Xã cậu "đi" hồi nào vẩy
    Thúc đặt 2 ly bia lạnh trên bàn:
    - Mình đang định nói với cậu đậy Hai năm trước đây, bả vượt biên, bị hải tặc Thái Lan bắn chết rồi liệng xuống biện Một người quen thoát chết còn bên Đảo nhắn tin về cho hạy Tớ chỉ còn cách làm bài vị, đặt hình bả lên bàn thờ!
    Tôi cúi đầu:
    - Chia buồn với cậu
    Thúc nói thêm:
    - Còn thằng Thanh và con Hồng, sau khi má mất, chụng thối về Ngoại ở Tây Ninh, phụ làm rậy Tớ ở đây một mình, bán cuốn sách cũng chẳng được bao nhiêu, nên tớ nhẩnbo mối la de, thâu vỏ chại, cũng kiếm ăn lai rại
    Đến đây, Thúc hạ giọng:
    - Đó là mặt nổi, còn thực tế, tớ được bà xã phò hộ, hiện đạng khá lắm!
    Tôi trố mắt:
    - Khá lẳm
    Thúc không trả lợi Anh ta đứng dậy, bước vô nhà trong một lát rồi trở ra, trên tay cầm một bọc giậy Thúc để bọc giấy bên cạnh ly bia của tôi rồi thong thả nói:
    - Tớ nghe cậu đang cần một số tiền lo Dịch Vụ Nguyễn Trại Tớ có sẵn đây, xin giúp cậu Không cần phải cảm ợn Mà cũng không bao giờ tớ nhận lại đậu Coi bọc giấy này như một cái "Không" của cuộc đời "Vô Thường". Sau này, biết đâu tớ lại được sự giúp đỡ của một người nào khạc
    Tôi ngạc nhiên:
    - Tiền ở đâu mà cậu có nhiều thể
    Tôi hỏi vậy, tuy không biết Thúc để bao nhiêu trong bọc giẩy
    Thúc gật gù:
    - Đã bảo là tớ khá lặm
    Cặp mắt Thúc nhìn lên bàn thờ:
    - Bà Xã tớ giúp đọ Nói ra thì chẳng ai tịn Mà cũng không dám hở môi với bất cứ người nào, kể cả mấy đứa nhọ Thời buổi này, một cái tóc là một cái tội Có khi không làm gì, không nói gì, mà cũng ở tụ Huống chi tự nhiên có được một số tiền lợn
    Nhìn nét mặt ngơ ngác của tôi, Thúc đâm thương hại Anh ta không nói vòng vo nựa Bằng một giọng trầm trầm, vừa đủ nghe, Thúc đưa tôi theo anh vào giấc mộng
  
- o O o -

    Đoạn sau đây, tôi ghi lại đại ý câu chuyện theo lời Thúc kể suốt buổi chiều hôm ậy Tôi nghĩ có thể phần đông độc giả coi đây là một chuyện hoang đượng Nhưng với riêng tôi, tôi tin Thúc quả đã gặp lại bà Xã trong một giấc mợ Nếu không, làm sao một người nghèo xác như Thúc, lại có thể trao cho tôi cái bọc giấy mà lúc về nhà mở ra, tôi và một đứa con đếm mãi mới hết: một triệu đồng! Số tiền này trị giá 120 mỹ kim lúc đó, tức tương đương hơn 3 chỉ vàng ỵ
    Lúc tiễn tôi ra tận đầu hẻm, Thúc cầm tay tôi:
    - Chừng nào cậu đi, nhớ cho hạy
    - Dĩ nhiện Nhưng chắc còn lậu Cảm ơn cậu, tôi về nhạ
    - Đã biểu đừng nói cảm ợn
    Tôi sực nhớ ra chuyện "có mèo" ngày xưa của Thúc:
    - Cọn cái đuôi bên Khánh Hổi
    Thúc gượng cười:
    - Cô ấy đã qua một chuyến đọ Chuyện phải xảy ra vậy thôi!
    - Cậu không định tục huyền sảo
    Thúc co người lại:
    - Bả thiêng vậy, tớ không dám đâu!
    Mấy ngày sau, tôi trở lại "Quán Đèn Mờ". Trao cho con bé Hồng 2 trăm ngàn đồng, khuyên nó nên trở về nhà, lo cho ba nọ Tôi bật mí cho nó biết, ông già nó hiện nay bỏ mối la de, lại viết sách có tiện Nó khỏi phải lên Ngoại làm rẫy nựa Để ông già ở một mình như vậy không được đâu, rủi bị đau bịnh đâu có ai hạy Con bé nghe tôi nói dường như cảm động Nó hứa ngay hôm sau sẽ về thăm ông giạ Quả nhiên, bữa tôi đến chào từ giã Thúc, cả hai đứa con anh đang xếp những két bia thành từng chồng, sẵn sàng đem giạo Con bé Hồng - tôi quen kêu nó như vậy, nhưng năm đó nó đã trên 20 tuổi - thấy tôi vô, mừng quýnh, la lớn:
    - Ba! Bác Quý đến!
  
- o O o -

    .Đệm đó tớ uống hơi nhiều - Thức kệ Nghe mấy người bà con trên Tây Ninh xuống cho hay, con Hồng không chịu phụ làm rẫy như thằng anh nọ Nó thường lén bà ngoại, dọt về thành phộ Tớ đã lên trển mấy lần mà chưa gặp nọ Tớ buồn, phải má nó còn sống thì đâu đến nội Đầu óc tớ nhức rần rận Tớ đến gần bàn thờ, thắp hương, mong bả linh thiêng khiến tớ tìm được con Hộng Tớ cứ đứng trước tấm hình của vợ, nói lảm nhạm Đúng là một kẻ say sưa không ra gị Rồi hồi lâu, tớ lại nhớ những chuyện có lỗi với bạ Tớ mong được bả tha thự Sau đó, đầu choáng, mắt hoa, tớ gục xuống chân bàn thờ rồi không biết gì nuấThot nhiên, tớ thấy mình sắp đặt chân lên một chiếc cầu nhỏ, bắc ngang trên một giòng sộng Tớ còn biết thành cầu sơn màu xạm Giòng nước dưới sông không chạy Mặt sông như một bức tranh, bất động Bầu trời đen nghịt, không một cọng mậy Nhìn qua khu nhà bên kia sông, tớ thấy giống như một chúng cự Nhà cửa thấp lè tè, cũng một màu xám ngặt Cửa nhà nào cũng khép kín, thế mà chẳng hiểu sao, từ trong những căn nhà ấy, nhiều người vội vã lướt ra được Chân họ không chạm đật Thốt nhiên, một cái bóng xám lướt về phía chiếc cầu, lúc đó tớ đang bước quạ Bóng người hiện ra trước mặt tợ Tớ dừng chân lại Bà Xã mình đây chớ ai! Tớ mừng húm, quên hẳn bả mất đã lâu rồi!
    - Má con Hồng qua bển làm chi vẩy"Bà Xã tớ không trả lợi Bả cầm tay tớ kéo đị Gió rát mặt Đến một căn nhà đóng cửa, bả lôi tớ vô, đi xuyên qua cánh cửa luộn Chuyện lạ đời vậy mà sao tớ thấy cũng bình thượng Bả du tớ ngồi trên tấm ván cậy Tớ nhìn chung quanh thì không thấy đồ đạc, bàn ghế chi cạ Nhưng có một chiếc xe dream dựng vào góc tượng
    Chợt tớ nghe mình cất tiếng:
    - Sao có xe mà bà không chạy, lại lội bổ
    Lúc đó bả mới bắt đầu nói:
    - Xe chưa đổ xặng Ba con Hồng gởi xe cho tôi mà quên đổ xăng vô, làm sao chảy
    Trong lúc tớ lú lẫn, không hỏi tại sao bà Xã tớ ở chốn này, thì lại nghe bả nói:
    - Vợ chồng mình gặp nhau bữa nay là do đời trước mình có công đực Nhưng chỉ được một lần thội Tôi cầu giúp cho ba nó có món tiền lớn, vậy ráng lo cho mấy đứa nhọ Cần coi sóc con Hồng đàng hoàng cho tội
    Tớ chưa kịp hỏi thêm thì lại bị bả lại cầm tay kéo ra phía trược Lướt ra đến ngoài, bả chỉ tay vào tấm bảng ghi số nhà - lúc vô đâu thấy tấm bảng này! Con số lớn dần về phía tớ, rõ ràng tớ thấy đó là số 1057. Tiếng bả la lớn bên tai tớ:
    - Ba con Hồng nhớ kỹ số nhà nghe!
    Tiếng la làm tớ giựt mình choàng dậy Thì ra tớ nằm chèo queo ngủ suốt đêm dưới chân bàn thợ Tớ kiếm nước rửa mặt cho tỉnh ngủ, đặng còn đi giao hàng cho người tạ Những chuyện xảy ra trong giấc mơ, tớ còn nhớ từ đầu đến cuối, hầu như không bao giờ quên được Tớ lấy mẩu phấn ghi số 1057 vô cánh cựa Cũng chẳng hiểu ghi để làm gì!
    Sáng ngày thứ bảy, tiếp theo đó, tớ còn nhớ, vì là ngày xổ số của Thành Phố và tỉnh Long Ạn Lúc đi ngang qua một sạp bán giấy số, tự nhiên tớ muốn thử thời vận Bữa đó, tớ giao hàng miệt quận bạ Khu vực này, tớ quen một ông bạn, bán giấy số và ghi "đề". Ổng ngồi thường trực góc đường Kỳ Đồng - Trương Minh Giảng cụ Đã có lần tớ thử mượn cuốn sổ ghi số trúng của ông bạn, rồi lượm 1 tấm giấy số của tỉnh Đồng Nai (Biên Hoà) mà người ta đã liệng đi, đem dò suốt 50 trang ghi các số đã xổ của tất cả các địa phương trong mấy tháng trời, mà không trúng một lô nào cạ Tự nhiên, tớ tự nhủ chẳng bao giờ dại dột Mình không có "căn", không chơi!
    Nhưng lúc đó thì khác, nhớ lại con số 1057, hình như có một động lực thần bí điều khiển bàn tay của tợ Lúc chạy xe đến sạp của ông bạn, tự nhiên tớ thắng chiếc ba gác lại Tớ đem ba ngàn tư có trong bóp, đem ghi số 1057, bao mười bảy lô, mỗi lô 100 đồng, cả 2 đại Nếu trúng, chỉ cần 1 lô, 1 đài, tớ cũng lãnh 600 ngàn! Ông bạn vừa ghi cho tớ, vừa mỉm cười:
    - Bữa nay bạn ta chơi hơi lạ, lại có "chuy-ô" nào chắc ăn, mới dám "bao" lớn thế nạy Tôi phải "ăn theo" ông bạn mới được
    Ngay chiều hôm đó, tớ ôm cái "đài" nghe kết quả cuộc xổ sộ Tay cầm cây viết, tớ chăm chú nghe, nhứt là từ câu:
    - Bây giờ xổ lô mười ngàn động Lô mười ngàn đồng sẽ được quay bốn bánh xe, các hàng đơn vị, hàng trăm, hàng ngàn, hàng chục ngàn và quay 2 lận Đây là lần quay thứ nhứt của lô trúng mười ngàn động Mời các em ra quay sộ
    Sau một loạt sè sè,... kịch kịch, tiếng người xướng ngôn lại cất lên:
    - Sau đây là kết quả của lô trúng mười ngàn động Các vé có số tận cùng bằng một, không, năm, bảy; tức một ngàn không trăm năm mươi bảy, mỗi vé trúng mười ngàn động Chúng tôi xin nhắc lại
    Tớ mừng quá, hét lên:
    - Dzô rồi, cảm ơn bà Xã!
    Chiều hôm đó, tớ đạp xe tới ngã ba Ký Đồng-Trương Minh Giạng Ông bạn vừa thấy mặt tớ, vội đưa tay ngoắc:
    - Tới đây! Trúng rội
    Tớ đẩy xe qua một bên:
    - Tới liền!
    Ông bạn nắm tay tớ lắc mạnh:
    - Bạn ta trúng cả 2 đại Cộng là một triệu hai!
    Tớ mở to mắt:
    - Đã quá!
    Người bạn vừa chung tiền cho tớ, vừa khoe:
    - Tôi ăn theo bạn ta số 057, bao 19 lô, 2 đài, cũng kiếm được một trăm hai mươi ngàn!
    Tớ rút mười ngàn trong gói bạc trao cho ông bạn:
    - Lì xì cho ông!
    Ông bạn đẩy ra:
    - Khọi "boa". Tôi cũng trúng mà!
    Một triệu hai, đối với tớ đã là quá lợn Nhưng tớ còn thấy ham lặm Tuần sau, tớ lại mò tợi Số tiền tớ bao lần này là ba mươi tư ngạn Coi như của vứt đị Nếu trúng một lô, tớ lãnh 6 triệu Ông bạn tớ không dám ghi cho tợ Ổng bắt tớ ngồi chờ để trực tiếp lên "tỉnh đề" ở Chợ Lớn hỏi lại Vì nếu trúng một số tiền quá lớn - trên 2 triệu thì ngay cả "huyện đề" cũng phải thỉnh ý "trên". Huống chi ông bạn tớ chỉ là người ghị mượn Chỉ có "tỉnh đề" mới có quyền cho nhận hay không! Cả tiếng đồng hồ sau, ông bạn trở lại với 2 tiếng: "OKAY!"
    Cậu có thể tưởng tượng là tớ lại trúng không, mà vẫn trúng 2 lộ Bữa đó, một trong những lô trúng năm trăm ngàn đồng và lô độc đắc của đài Tây Ninh đều có 4 con số tận cùng là 1057! Tớ ôm 12 triệu, đem gởi bà già vợ Số một triệu hai trúng lần trước, tớ đưa cho mấy bạn hàng làm vốn, họ cho tớ 3 phân lời, một thạng Cái giá coi như cả nước hiện không đâu cọ Ít ra cũng 10 phân, một thạng Có chỗ người ta còn cho vay cắt cổ: 20% một ngày!
    Lần này, vì ông bạn tớ không tin là còn xổ con số 1057, nên không ăn theo! Uổng quá!
    Tớ biếu ông bạn một trăm ngạn Ổng nhận ngạy
    Đang ham, tớ lại ghi thêm một chuyến, nhưng số 1057 không còn linh ứng nựa Tớ hiểu vận hên của mình đến đó là hết, không thể tiếp tục được nữa, nếu không muốn trắng tay!
    
Kết Thúc (END)

SƠN TRUNG * YÊU GÁI ĐẸP

YÊU GÁI ĐẸP



Cậu Tám Bạc Liêu là con nhà giàu, đẹp giai, học giỏi, là thần tượng của hàng trăm, hàng ngàn thiếu nữ trong vùng. Cậu Tám cũng là tay chơi bời hào hoa, lão luyện. Bất cứ nơi nào có danh ca, danh kỹ là cậu tìm tới, bỏ ngàn vàng mua lấy trận cười. Cậu đã chán chê giai nhân thành phố Hoa Lệ, sang chơi bên Đông Kinh, Thượng Hải và Luân Đôn nhưng không nơi nào cầm được bước chân giang hồ của cậu.

Một hôm, cậu ra chơi đất Thuận Hóa, lên núi Túy Vân viếng chùa Tuý Vân. Sau khi lễ Phật, cùng tiểu đồng ra sau chùa ngắm cảnh, cậu thấy hai cô gái bước vào chùa, một một cô gái yếm thắm, áo tơ tằm vàng nõn, một cô yếm trắng, áo hồng bước vào lễ Phật. Cô yếm thắm coi xinh tươi hơn cô yếm trắng. Cả đời cậu đã thấy nhiều giai nhân nhưng không ai làm cậu say đắm như cô nàng yếm thắm. Cậu chờ hai cô lễ Phật xong thì sẽ đến làm quen nhưng vừa ra khỏi chùa thì bỗng chốc hai cô biến mất. Cậu trở vào buồn bã, không biết than thở cùng ai, và hỏi han ở đâu!

Cậu vẫn nấn ná ở lại chùa mười ngày, rồi nửa tháng, một tháng mà vẫn không thấy cô yếm thắm trở lại chùa. Cậu phải trở về Bạc Liêu. Nhưng hồn cậu ở Thuận Hóa. Cậu nhớ cô yếm thắm. Câu say mê như điên. Cậu nhờ một họa sĩ vẽ hình giai nhân. Cậu tả người cho họa sĩ vẽ truyền thần. Chàng tả từng ánh mắt, nụ cười, gò má, khuôn mặt. Họa sĩ cứ theo đó mà vẽ. Nếu không giống thì vẽ lại cho đến khi giống mới thôi. Người họa sĩ phải vẽ đi, vẽ lại hàng trăm, hàng ngàn lần thì cậu mới được một bức tranh giống như giai nhân trong mộng. Cậu bỏ ăn, bỏ uống, bỏ cả ngủ , say mê ngồi ngắm nghía người đẹp. Cha mẹ cậu tính cưới vợ cho cậu nhưng cậu cự tuyệt. Họ tổ chức các cuộc gặp mặt nhưng cậu từ chối. Cậu tuyên bố chỉ có cô yếm thắm ngoài Thuận Hóa mới là giai nhân, ngoài ra thiên hạ không có ai là đàn bà nữa! Cậu luôn nói với mọi người rằng cô yếm thắm là người yêu lý tưởng của cậu. Cậu chỉ yêu giai nhân trong tranh, thề không lấy vợ. Cha mẹ, anh em của cậu buồn rầu, lo lắng, cho là cậu ra Trung trúng ma Hời.

Một buổi chiều kia, cậu đang ngồi đọc sách trong chùa Tuý Vân thì thấy cô yếm thắm bước vào chùa lễ Phật. Thấy nàng lễ Phật xong, cậu vội chạy lại chào hỏi nàng. Nàng quay mặt không trả lời. Cậu chạy theo năn nỉ, ỉ ôi. Nàng nghiêm mặt mà nói:- "Thiếp biết chàng có cảm tình với thiếp, luôn tưởng nhớ đến thiếp. Thiếp xin cảm ơn tấm hảo cảm của chàng. Nhưng thiếp không phải loài người như chàng mà là loài Hồ. Thiếp xin chàng hãy quên thiếp, vì đôi ta khác chủng loại, không thể sống với nhau".
Nói xong, nàng khóc mà bỏ đi. Tỉnh dậy, té ra đó chỉ là một giấc mộng.

Cha mẹ cậu phải mời thầy trừ tà mà vẫn không lành. Cha mẹ cậu mới tính phương án khác là gửi cậu sang Pháp Lan Tây du học cho khuây nỗi buồn. Ở bên đó cậu cũng vui thú khiêu vũ và đi du lịch khắp nơi nhưng cậu vẫn nhớ quê nhà cho nên cậu lại trở về Bạc Liêu.

Vài năm trôi qua nữa. Trong Bạc Liêu có gia đình họ Phan vốn là một điền chủ giàu ngang ngửa với gia đình cậu Tám, có cô con gái rất tươi thắm tên là Bích Ngọc, tuổi độ mười tám, học trường Áo Tím ở Thành Đô. Nhiều nhà danh giá cho mối mai đến thăm dò đều bị từ chối. Cô ta ngang nhiên tuyên bố phải là người nhà giàu, đẹp giai, học giỏi như cậu Tám mới lấy.

Nghe tin người đẹp tuyên bố như vậy, cậu Tám lấy làm cảm động, bèn thuận tình cho người mối sang thăm hỏi. Nhà gái bằng lòng và đám cưới được tổ chức sau đó vài tháng. Quả thật Bích Ngọc rất đẹp, có thể là nói đẹp hơn cô yếm thắm ngoài Trung vì nàng có cái đẹp tươi thắm, tự nhiên và hiền hậu của các cô gái quý phái Miền Nam.

Nhưng vì cô gái đẹp nên Cậu Tám quá yêu, không rời nửa bước. Cậu luôn ngồi bên nàng, ngắm nàng, ôm nàng, hôn nàng, và cầm tay nàng. Cậu giữ rịt trong nhà không cho vợ đi đâu cả, dù là đi chợ. Cậu không cho vợ về thăm cha mẹ . Vợ phải van xin thì chàng giang tay từ nhà ra kiệu không cho ai thấy nhan sắc của nàng. Khi vợ lên kiệu thì cậu đích thân bỏ rèm xuống che kín. Rồi cậu cưỡi ngựa theo sát phía sau, đến chiều tối thì giục về cùng mình. Cô vợ bực mình nói :-"Thiếp mà lăng nhăng thì chàng cấm cản được à?”
Cậu tức tối mà im lặng.

Một hôm, cậu Tám có việc phải lên quan, khi ra khỏi nhà thì khóa cửa nhốt nàng trong phòng, khiến cho vợ càng càng chán ghét. Hôm khác, nhân cậu đi ăn giỗ ở họ đại tông, người vợ bèn thay khóa phòng, khóa cỗng, cố ý làm cậu nghi ngờ. Khi cậu về, nhìn thấy cả giận, hỏi ống khóa lạ này ở đâu ra, người vợ bực bội nói không biết, cậu càng ngờ vực và tức tối nhiều hơn.

Một hôm cậu Tám đi xa về nhà, rình nghe hồi lâu rồi mở khóa vào nhà, sợ có tiếng động nên rón rén vào phòng. Thấy có người đàn ông đội nón lông điêu nằm trên giường, tức giận cầm dao xông vào chém chết. Nhìn kỹ lại thì ra vợ mình ngủ trưa sợ lạnh, lấy cái khăn lông điêu trùm kín mặt, chứ không phải có người đàn ông nào. Thấy vợ chết, cậu hoảng hốt và ăn năn.

Nhà vợ bèn kiện lên quan. Quan tước bỏ khăn áo học trò, đóng gông giam lại. Cha mẹ cậu phải bán điền sản hối lộ khắp cả trên dưới mới khỏi tội chết. Vì việc này, song thân cậu buồn bã theo nhau mà xuống suối vàng. Còn cậu từ đó tinh thần hoảng hốt, như tỉnh như say. Một hôm đang từ ngoài bước vào phòng, câu bỗng thấy vợ mình lõa lồ ôm ấp một người đàn ông trên giường, cậu bèn cầm dao chém cả hai nhưng họ đều biến mất. Định bước ra ngoài phòng, lại thấy hai người vẫn ôm nhau trên giường, tức giận quá cầm dao chém xuống giường, đứt nát cả chăn nệm, nhưng cả hai khúc khích cười mà bỏ chạy như chơi trò cút bắt. Cậu bèn ngồi lên giường cầm dao chờ đợi, Ngồi mãi mỏi mệt, cậu định nằm xuống thì cả hai lại ôm nhau nhảy nhót trước mặt, cậu nhỏm dậy phóng đao thì cả hai cười khanh khách mà bỏ đi. Ngày nào cảnh tượng cũng diễn ra như thế, chỉ khác nay thì người đàn ông rậm râu, mai thì chàng thanh niên mặt trắng, bữa khác lại là một người đàn ông to cao ôm ấp, hành lạc với vợ chàng, hoặc đứng, hoặc nằm trước mặt chàng. Cậu chịu không thấu bèn bán hết nhà cửa ruộng vườn, tới ở khu khác. Một đêm có bọn trộm vào, lấy hết vàng bạc, tiềng nong mang đi. Từ đó cậu trở nên bần cùng, đau khổ, và uất hận , dần dần mà chết, người làng phải đem cậu ra đồng chôn vào đám đất hoang dành cho những người vô gia cư hoặc vô thừa nhận..

***

TS. NGUYỄN HỮU CHI * TÔI BIẾT SỢ

“Toâi Bieát Sôï”
Phaàn III
“Toaøn Daân Traêm Ngöôøi Nhö Moät”
… Ñeàu Bieát Sôï
Nguyeãõn Höõu Chi, Tieán Só Taâm Lyù Chính Trò Hoïc
Trong baøi khaûo luaän naøy, toâi seõ trình baøy moät khía caïnh ñaëc bieät veà taâm lyù sôï haõi. Caâu hoûi ñöôïc ñaët ra laø: taïi sao ngöôøi ñaïo ñöùc laïi hay lo sôï, vaø gheùt ngöôøi voâ ñaïo ñöùc? Taïi sao ngöôøi coù quyeàn theá laïi sôï ngöôøi yeáu theá? Taïi sao caùc laõnh tuï ñoäc taøi laïi sôï daân, roài tìm ñuû moïi caùch laøm cho daân sôï? Ñaây khoâng phaûi laø moät baøi “choáng Coäng” vì nhieàu ngöôøi ñaõ vieát veà vaán ñeà naøy roài.[1] Toâi chæ döïa vaøo söû lieäu [2] ñeå chöùng minh vaøi ñònh lyù baét nguoàn töø lyù thuyeát veà sôï haõi maø toâi ñaõ coù dòp trình baøy trong maáy soá baùo tröôùc.
1. Ngöôøi Ñaïo Ñöùc Sôï Haõi: Töø “Chöõ Trinh” Ñeán “Chöõ Trung”
(a) “Chöõ Trinh”
Ai cuõng bieát caùc coâ gaùi ñieám thuoäc veà haïng ngöôøi lyø lôïm vì khoâng bao giôø sôï maát “chöõ trinh”. Tay ñaõ nhuùng chaøm” (tuïc ngöõ) thì coøn coù gì ñaâu nöõa maø sôï! Traùi laïi, caùc coâ gaùi nhaø laønh coi “chöõ trinh ñaùng giaù ngaøn vaøng”(töïc ngöõ) neân luoân luoân sôï “caùi thaèng phaûi gioù noù ñeø em ra” (ca dao). Sôï nhö vaäy cuõng phaûi, vì ôû treân coõi ñôøi naøy thieáu gì nhöõng “thaèng phaûi gioù” theøm thuoàng “cuûa quyù”. Ngaøy xöa, caùc cuï caám trai gaùi gaàn nhau cuõng chæ vì sôï con gaùi hö hoûng nhö sôï chaùy nhaø vaäy, cuõng chæ vì caùc cuï tin raèng “löûa gaàn rôm laâu ngaøy cuõng beùn” (tuïc ngöõ). Ñöôïc giaùo hoùa caån thaän nhö vaäy, neân caùc coâ, caùc caäu cuõng khoâng muoán giaùp maët nhau vì sôï mình khoâng cuôõng noåi söï caùm doã cuûa thuù nhuïc duïc. Nhö trong truyeän Luïc Vaên Tieân, khi naøng ngoài treân xe thaáy chaøng ñi tôùi, naøng voäi vaõ xuoáng xe ñeå tieáp chaøng, chaøng hoaûng hoát la om soøm:
Khoan khoan ngoài ñoù chôù ra.
Naøng laø phaän gaùi, ta laø phaän trai.
Caùc nöôùc Trung Ñoâng coøn baûo veä “chöõ trinh” caån thaän hôn nöõa: ñaøn baø con gaùi ra ñöôøng phaûi chuøm kín töø ñaàu ñeán chaân ñeå ñaøn oâng khoâng coù dòp thaáy baøn chaân hoaëc caùi loã tai cuûa mình roài ñaâm ra thoøm theøm nhöõng “choã khaùc”. Trong caùc xöù coå kính naøy, coâ naøo hay caäu naøo khoâng bieát “giöõ mình” thì coù theå maát maïng nhö chôi. Theo tuïc leä “honour killing” trong caùc gia ñình Hoài giaùo nghieâm khaéc: nhieàu baäc cha meï vì quaù haêng say baûo veä neàn taûng “ñaïo ñöùc”, neân caûm thaáy coù boån phaän phaûi laáy ñaù ñaäp vôõ soï ngöôøi con gaùi vì toäi cheånh maûng khoâng bieát gìn giöõ “ñoà gia baûo”, roài sau ñoù hoï laïi coøn ñi luøng “thaèng phaûi gioù” ñeå gieát cho baèng ñöôïc, coù nhö vaäy môùi ñöôïc tieáng laø ngöôøi bieát baûo veä danh döï gia ñình. Traùi laïi, trong caùc xaõ hoäi AÂu Myõ, maïng soáng con ngöôøi raát laø coù giaù, nhöng “chöõ trinh” bò naïn haï giaù khuûng khieáp. Vì vaäy, ôû caùc nöôùc giaàu coù naøy, söï lo sôï “maát trinh”, cuõng nhö söï theøm muoán “phaù trinh”, khoâng maõnh lieät baèng ôû caùc nöôùc haäu tieán. Hình nhö, trong caùc nuôùc ngheøo ñoùi, ñôøi soáng con ngöôøi caøng reû bao nhieâu, thì “chöõ trinh” laïi caøng cao giaù baáy nhieâu! Cuõng may, trong thôøi ñaïi “kyõ thuaät cao sieâu” hieän nay, chuyeän gieát ngöôøi vì thieáu “ñaïo ñöùc” khoâng coøn thònh haønh nhö tröôùc nöõa. Tuy vaäy, trong taát caû caùc neàn vaên hoùa treân theá giôùi, duø “tieán boä” (?) ñeán theá naøo ñi chaêng nöõa, caùc coâ gaùi nhaø laønh thöôøng toû veû khinh bæ caùc coâ gaùi ñieám, coù bieát ñaâu raèng chính caùc coâ gaùi ñieám ñaõ coù coâng baûo veä danh döï cuûa caùc coâ gaùi nhaø laønh. Coâng lao taày trôøi cuûa caùc coâ gaùi ñieám ñaõ ñöôïc nhaø hieàn trieát noåi tieáng Bertrand Russell heát lôøi ca tuïng nhö sau:
Moät khi tieát haïnh caùc coâ gaùi nhaø laønh ñöôïc coi laø toái ö quan troïng, thì theå cheá hoân nhaân caàn phaûi phuï boå baèng moät theå cheá khaùc nöõa – ñoù laø theå cheá maõi daâm. Thöïc ra, ta coù theå coi theå cheá maõi daâm ñi lieàn vôùi theá cheá hoân nhaân … Thieät laø toäi nghieäp cho caùc coâ gaùi ñieám, ñi ñaâu cuõng bò thieân haï khinh bæ tuy raèng caùc coâ ñaõ coù coáng hieán moät dòch vuï hieån nhieân [thoaû maõn nhu yeáu ñaøn oâng], vaø ñaõ coù coâng baûo veä tieát haïnh caùc baø meï vaø caùc coâ con gaùi …[3]
ÔÛ treân coõi ñôøi ñaày ñaïo ñöùc naøy, coù ai coù can ñaûm beânh vöïc caùc coâ gaùi ñieám baèng oâng Rusell! Duø sao ñi chaêng nöõa, choái boû coâng lao caùc coâ gaùi ñieám khoâng nguy hieåm ñeán tính maïng baèng “choái boû coâng lao Baùc”.
Trong phaïm vi toân giaùo cuõng vaäy. Ngöôøi naøo caøng tin vaøo Thöôïng Ñeá bao nhieâu, thì laïi caøng sôï bò Quyû Sa-Taêng caùm doã baáy nhieâu. Coù ngöôøi quaù sôï haõi, neân haøng ngaøy hoï phaûi caàu nguyeän cho ñôõ sôï. Caùc Phaät töû chaân chính thì laïi sôï “phaïm giôùi” – nhaát laø “saùt sinh”, coù khi con ruoài mang vi truøng e-coli vaøo chuøa cuõng khoâng daùm gieát. Ngoaøi ra, coøn coù nhöõng Vieät kieàu coi vaên hoùa coå truyeàn laø moät gia taøi quyù baùu, roài sôï “maát goác”, neân haøng naêm keùo nhau ñi “Gioã Toå Huøng Vöông”, tuy raèng tröôùc kia ôû Saøi-Goøn coù maáy ai nghó ñeán chuyeän naøy ñaâu.
Sôï vi phaïm tín ngöôõng ñoâi khi ñi lieàn vôùi loøng caêm thuø. Ta ñaõ töøng thaáy caùc tín ñoà quaù khích coi caùc Ñaáng Thieâng Lieâng cuûa hoï troïng hôn maïng soáng con ngöôøi. ÔÛ Trung Ñoâng, daân Do Thaùi vaø daân Hoài giaùo gieát nhau hôn nöûa theá kyû nay, tuy raèng hai daân toäc naøy thôø cuøng moät Chuùa, vaø ñeàu taâng oâng Moise leân baäc thaùnh. ÔÛ Baéc AÙi Nhó Lan, tröôùc ñaây, ngöôøi Tín Laønh (Anglican) kyø thò vaø boùc loät ngöôøi Coâng Giaùo, baây giôø hai giaùo phaùi naøy thuø gheùt nhau cöïc ñoä, tuy raèng caû hai phe ñeàu thôø Ñaáng Cöùu Theá vaø ñeàu duøng moät cuoán Thaùnh Kinh. ÔÛ Tích Lan cuõng vaäy, caùc tín ñoà Phaät giaùo vaø AÁn Ñoä giaùo ñeàu tin vaøo ñieàu ngaên caám “saùt sinh”, hoï khoâng muoán gieát suùc vaät hay saâu boï, nhöng hoï saün saøng gieát ngöôøi maø khoâng gôùm tay. Thieät laø oan nghieäp: vì maûi tranh ñaáu cho thaàn quyeàn hoaëc nhaân quyeàn gì ñoù, maø khoâng bieát bao nhieâu tín ñoà ñaõ bò “hoùa kieáp”.
Töø nhöõng thí duï treân, toâi xin suy dieãn ra ba ñònh lyù veà sôï haõi nhö sau:
Ñònh Lyù 1: Ta sôï vi phaïm nhöõng tín ñieàu maø ta coi laø linh thieâng; tín ñieàu naøo caøng linh thieâng bao nhieâu, thì ta caøng lo sôï baáy nhieâu.
Ñònh Lyù 2: Ta thöôøng aáp uû trong loøng söï theøm muoán vi phaïm nhöõng tín ñieàu maø ta cho laø linh thieâng; tín ñieàu caøng linh thieâng bao nhieâu, thì söï theøm muoán thaàm kín trong loøng caøng maõnh lieät baáy nhieâu.
Ñònh Lyù 3: Ta thöôøng nghieâm khaéc phaùn xeùt nhöõng ngöôøi vi phaïm nhöõng tín ñieàu maø ta cho laø linh thieâng; tín ñieàu caøng linh thieâng bao nhieâu, thì söï phaùn xeùt caøng nghieâm khaéc baáy nhieâu.
Trong caùc ñònh lyù trình baøy ôû treân, toâi duøng cuïm töø “tín ñieàu” (belief) theo nghóa thöôøng ñöôïc duøng trong taâm lyù hoïc hoaëc xaõ hoäi hoïc.[4] “Tín ñieàu” coù theå laø moät truyeàn thoáng ñaïo ñöùc maø ta caûm thaáy coù boån phaän phaûi toân troïng (thí duï nhö trung, hieáu, leã, nghóa, v.v. ). “Tín ñieàu” cuõng coù theå laø nhöõng nguyeân taéc caên baûn trong moät yù thöùc heä hoaëc nhöõng giaùo ñieàu trong moät toân giaùo naøo ñoù. Thí duï nhö ôû Myõ, Baûn Hieán Phaùp ñöôïc coi laø neàn taûng cho cheá ñoä töï do daân chuû, neân ñöôïc coâng daân Myõ tin töôûng vaø kính troïng, vaø caùc luaät gia khoâng daùm laøm ñieàu gì traùi vôùi tín ñieàu naøy. Ngay caû Toång Thoáng Myõ tröôùc khi leân naém chính quyeàn phaûi dô tay leân theà vôùi Chuùa, vaø xin Chuùa giuùp hoï baûo veä Hieán Phaùp. Chaéc caùc vò naøy cho raèng hoï phaûi nhôø ôn Chuùa môùi coù ñuû can ñaûm cöôõng laïi caùi baû ñoäc taøi. Nghó ñeán ngöôøi, laïi thöông daân mình, khi thaáy hieán phaùp nöôùc mình chæ laø moät “chaäu caûnh” ñöôïc baøy ra cho ñeïp maét daân gian. Haønh ñoäng naøy cuõng deã hieåu. Trong cheá ñoä töï do phaùp trò, ngöôøi caàm quyeàn kính troïng taát caû moïi nhaân quyeàn ñaõ ñöôïc quy ñònh roõ raøng trong luaät phaùp; coøn trong cheá ñoä ñoäc taøi ñaûng trò, luaät phaùp bò coi reû nhö moät tôø giaáy loän duøng ñeå lau tay hoaëc chuøi meùp caùc ñaûng vieân maø thoâi.
Ba ñònh lyù trình baøy ôû treân cho ta thaáy taâm lyù con ngöôøi quaû thaät laø nhieâu kheâ: Taïi sao ta thích “aên traùi caám” (sôï vi phaïm tín ñieàu, ñoàng thôøi theøm laïi vi phaïm tín ñieàu)? Taïi sao “traâu buoäc laïi gheùt traâu aên” (theøm vi phaïm tín ñieàu, ñoàng thôøi laïi gheùt nhöõng ngöôøi vi phaïm tín ñieàu)? Ñeå giaûi thích nhöõng hieän töôïng “traùi caûng ngoãng” naøy, toâi ñaønh phaûi döïa vaøo thuyeát phaân taâm hoïc cuûa Freud.[5] Theo lyù thuyeát naøy, baûn ngaõ (personality) goàm coù ba thaønh phaàn: thuù ngaõ (id), thöïc ngaõ (ego), vaø sieâu ngaõ (super-ego). Khi ñöùa treû môùi sinh ra ñôøi, noù chæ bieát phaûn öùng theo söï ñoøi hoûi cuûa thuù ngaõ, maø troïng taâm laø thoûa maõn nhöõng thuù tính (“töù khoaùi”) ñeå duy trì söï sinh toàn. Neáu moät trong “töù khoaùi” maø noù khao khaùt khoâng ñöôïc thoûa maõn, thì noù noåi côn töïc giaän cöïc ñoä, bieåu loä baèng nhöõng tieáng gaøo theùt hoaëc reân ræ. Tuy nhieân, trong moät thôøi gian raát ngaén, noù thaáy ngay raèng noù khoâng coù quyeàn löïc vaïn naêng (omnipotence) ñeå coù theå baét taát caû moïi ngöôøi phaûi laäp töùc chaïy ñeán phuïc vuï noù khi noù theøm muoán moät ñieàu gì. Ñeå giaûm thieåu noãi lo sôï trieàn mieân khi söï theøm muoán cuûa noù ñoâi khi khoâng ñöôùc boá meï ñaùp öùng töùc thôøi, noù caàn phaûi thích öùng vôùi thöïc teá. Nhôø vaäy, thöïc ngaõ cuûa noù ñöôïc phaùt trieån, giuùp noù tìm hieåu thuù duïc naøo ñöôïc thoûa maõn, luùc naøo ñöôïc thoûa maõn, vaø ñöôïc thoûa maõn ñeán möùc ñoä naøo. Khoâng nhöõng theá, noù cuõng nhaän thaáy raèng noù phaûi phuï thuoäc vaøo quyeàn thöôûng phaït cuûa cha meï, töùc laø noù phaûi soáng theo khuoân maãu ñaïo ñöùc maø boá meï ñaõ truyeàn laïi cho noù. Nhöõng tín ñieàu ñaïo ñöùc naøy ñöôïc ghi saâu trong sieâu ngaõ cuûa noù, vaø ñöôïc coi nhö moät kim chæ nam höôùng daãn ñôøi soáng noù trong xaõ hoäi.
Theo Freud, con ngöôøi luoân luoân soáng trong söï daèng co giöõa ba khía caïnh gaàn nhö ñoái nghòch vôùi nhau:
· Thuù ngaõ ñoøi hoûi thoûa maõn nhöõng thuù theå xaùc, töùc laø nhöõng ñoøi hoûi vaät chaát caàn thieát cho söï soáng coøn cuûa loaøi ngöôøi.
· Sieâu ngaõ höôùng veà nhöõng vaán ñeà sieâu hình nhö löông taâm, ñaïo ñöùc, toân giaùo, v.v..
· Thöïc ngaõ giuùp con ngöôøi thích öùng vôùi thöïc teá.
Ngöôøi laønh maïnh (mentally healthy) bieát ñieàu hoøa ba thaønh phaàn naøy cuûa baûn ngaõ, töùc laø khoâng ñeå moät thaønh phaàn naøo laán aùt caùc phaàn khaùc cuûa baûn ngaõ. Ñoâi khi ta gaëp tröôøng hôïp thuù ngaõ laán aùt baûn ngaõ: ñoù laø nhöõng ngöôøi chæ bieát soáng theo “töù khoaùi” vaø noåi giaän neáu nhöõng laïc thuù naøy khoâng ñöôïc thoûa maõn; hoï khoâng nghó ñeán ñaïo ñöùc, vaø cuõng khoâng caàn bieát haäu quaû cho mình vaø nhöõng ngöôøi xung quanh cuûa mình. Traùi laïi, coù nhöõng tröôøng hôïp sieâu ngaõ laán aùt baûn ngaõ: ñoù laø nhöõng ngöôøi “ñaïo ñöùc cuøng mình”, soáng moät ñôøi soáng khaéc khoå vì hoï chæ bieát theo leänh cuûa “löông taâm”: “löông taâm” baét hoï cheát, thì hoï saün saøng cheát vì “löông taâm”; “löông taâm” baét hoï gieát ngöôøi “voâ ñaïo ñöùc”, thì hoï saün saøng gieát ngöôøi vì “löông taâm”. Laïi coù tröôøng hôïp thöïc ngaõ laán aùt baûn ngaõ: ñoù laø nhöõng ngöôøi raát “thöïc teá”, soáng theo nguyeân taéc “cô hoäi chuû nghóa”, “gioù chieàu naøo, theo chieàu ñoù”.
Ta ñöøng töôûng nhöõng ngöôøi coäng saûn soáng theo thöïc ngaõ khi hoï haønh ñoäng theo lyù thuyeát Maùc-Xít maø hoï cho laø moät lyù thuyeát “khoa hoïc”, ñi saùt vôùi “thöïc teá”. Caùi nguy hieåm laø hoï coá baùm vaøo moät thöù “thöïc teá” ñaõ bò boùp meùo bôûi moät quan ñieåm heïp hoøi cuûa Caùc-Maùc. Tieác thay, “thöïc teá” theå hieän ra trong ñôøi soáng con ngöôøi döôùi muoân hình vaïn traïng (multi-dimensional), laøm sao ta coù ñuû minh maãn ñeå nhìn toaøn dieän “thöïc teá” ñöôïc. Vì nhöõng laõnh tuï coäng saûn luoân luoân nhìn thöïc teá moät caùch phieán dieän nhö vaäy, neân hoï khoâng giaûi quyeát ñöôïc nhöõng khoù khaên traàm troïng cho ñaát nöôùc. Sau nhöõng thaát baïi lieân tieáp – töø chöông trình caûi caùch ruoäng ñaát cho ñeán chính saùch quoác doanh vaø bao caáp – hoï vaãn khoâng daùm nhìn vaøo thöïc teá ñeå nhaän ra nguoàn goác cuûa söï thaát baïi. Suy luaän theo kieåu Freudian, ngöôøi coäng saûn muø quaùng vì thöïc ngaõ cuûa hoï suy nhöôïc (weak ego), neân bò sieâu ngaõ vaø thuù ngaõ laán aùt. Döôùi aùp löïc cuûa sieâu ngaõ, lyù thuyeát Maùc-Xít trôû thaønh moät toân giaùo, vaø ngöôøi coäng saûn trôû thaønh nhöõng tín ñoà cuoàng tín, töï cho mình laø ngöôøi coù “ñaïo ñöùc caùch maïng”. (Ta cuõng neân bieát, Caùc-Maùc khoâng ñaû ñoäng ñeán vaán ñeà ñaïo ñöùc trong lyù thuyeát cuûa oâng; thöïc ra oâng ta chæ suy luaän raèng giai caáp lao ñoäng laø giai caáp “tieán boä”, chöù khoâng “ñaïo ñöùc” hôn nhöõng giai caáp khaùc.) Ñoàng thôøi, döôùi aùp löïc cuûa thuù ngaõ, hoï loàng loän nhö ñaøn thuù döõ khi nhöõng ñieàu mong muoán cuûa hoï khoâng ñöôïc thoûa maõn. Noùi toùm laïi, ngöôøi coäng saûn khoâng ñöôïc thöïc ngaõ höôùng daãn ñeå nhìn thaúng vaøo thöïc taïi, neân môùi mô töôûng xaây döïng nhöõng “thieân ñaøng” döôùi traàn theá – ñuùng laø Nhöõng Thieân Ñaøng Muø maø Döông Thu Höông ñaõ phaûi traûi qua.[6]
(b) “Chöõ Trung”
Noùi ñeán trinh tieát vaø ñaïo ñöùc maø khoâng baøn qua veà caùc ñaáng quaân töû vaø nhöõng keû tieåu nhaân thì thieät laø thieáu soùt. Quaû thöïc, toâi thaáy taâm traïng hai loaïi ngöôøi naøy cuõng naù naù nhö taâm traïng caùc coâ gaùi nhaø laønh vaø caùc coâ gaùi ñieám. Theo söï hieåu bieát cuûa toâi veà Khoång giaùo, toâi thaáy caùc oâng quaân töû Taøu ngaøy xöa cuõng raát lo laéng “giöõ mình”, nhö maáy coâ gaùi nhaø laønh vaäy. Tuy caùc vò Nho gia khoâng sôï maát “chöõ trinh”, nhöng laïi raát sôï maát chöõ “chöõ trung” (Ñònh Lyù 1), vaø raát khinh bæ nhöõng teân tieåu nhaân khoâng bieát soáng theo “chöõ trung”, coù leõ vì caûm thaáy nhöõng teân tieåu nhaân coù moät ñôøi soáng thaûnh thôi hôn mình (Ñònh Lyù 2 vaø Ñònh Lyù 3).
Vaäy caùc ñaáng quaân töû lo sôï nhö theá naøo? Caâu hoûi naøy ñaõ ñöôïc cuï Traàn Troïng Kim trình baøy roõ raøng khi giaûi thích thuyeát Trung Dung nhö sau:
“Nhaân taâm nghóa laø caùi phaàn saùng suoát rieâng cuûa ngöôøi ta, tuy laø moät phaàn thieân lyù ... nhöng thöôøng hay bò vaät duïc laøm beá taéc, hôi sai moät ly laø cheách leäch ngay, ... heã sai moät ly laø maát caùi trung roài, cho neân ta phaûi lo sôï, phaûi coá heát söùc maø giöõ noù khoâng treäch leäch.”[7]
“chöõ trung” thieâng lieâng vaø “ñaùng giaù ngaøn vaøng” nhö vaäy, neân Töû Tö (“chaùu ngoan” cuûa cuï Khoång) ñaõ phaùn raèng:
“Ñaïo laø caùi chaúng neân rôøi xa giaây phuùt naøo, heã rôøi ra ñöôïc thì chaúng phaûi ñaïo nöõa roài. Vaäy ngöôøi quaân töû raên ñe vaø caån thaän veà nhöõng ñieàu cho roõ [theâm veà lyù thuyeát Trung Dung], e sôï ôû nhöõng ñieàu mình chöa nghe chaéc [veà lyù thuyeát]... vì vaäy ngöôøi quaân töû giöõ gìn caån thaän trong khi chæ moät mình mình ñoái vôùi mình[8]
Noùi moät caùch khaùc, neáu ta muoán trôû thaønh moät ngöôøi quaân töû vaø muoán giöõ vöõng danh vò quaân töû thì ta phaûi töï pheâ bình kieåm thaûo haøng ngaøy, khoâng khaùc gì moät caùn boä trung kieân muoán trôû thaønh “chaùu ngoan” cuûa “Baùc”. OÂi, ñôøi soáng cuûa ngöôøi quaân töû quaû thieät laø gian truaân! Coøn gì khoå hôn laø töï mình taåy naõo mình, töï mình môû roäng cöûa loøng cuûa mình ñeå cho moät teân coâng an voâ hình leûn vaøo kieåm soaùt ñaàu oùc cuûa mình töøng giôø töøng phuùt! Theá cho neân tìm ra ñöôïc moät ñaáng quaân töû, hay moät “chaùu ngoan cuûa Baùc” quaû laø khoù hôn laø ñi moø kim döôùi ñaùy bieån Ñoâng. Cuõng vì theá, ôû treân coõi ñôøi naøy, ta chæ thaáy ñaày raãy nhöõng teân “nguïy quaân töû” giaû nhaân giaû nghóa, khoâng khaùc gì nhöõng teân caùn boä “nguïy caùch maïng”, nhaân danh “töï do” ñeå kìm keïp daân, nhaân danh “coâng baèng xaõ hoäi” ñeå boùc loät daân. Noùi toùm laïi,
· Caùc ñaáng quaân töû chæ coù moät noãi lo sôï: sôï khoâng theo ñuùng giaùo ñieàu maø caùc “Thaùnh Hieàn” ñaõ “phòa” ra trong luùc ngoài raûnh rang, roài baét ngöôøi ñôøi phaûi trieät ñeå tuaân theo.
· Nhöõng teân “nguïy quaân töû” laïi coù hai noãi lo sôï: (1) sôï khoâng ñuû gian manh ñeå che maét thieân haï, neân phaûi luoân luoân tìm ñuû moïi caùch caûi tieán phöông phaùp löøa bòp; vaø (2) sôï ngöôøi hieåu bieát laät taåy vaø leân aùn laø ñaõ ñi ngöôïc laïi lôøi daïy cuûa caùc “Thaùnh Hieàn” (tuy raèng trong buïng coi “Thaùnh Hieàn” nhö coû raùc).
· Coøn nhöõng keû tieåu nhaân khoâng sôï caùi gì caû, nhaát laø khoâng sôï ngöôøi ñôøi cheâ bai, neân soáng raát ö laø “ung dung töï taïi”, theo ñuùng caâu chaâm ngoân “Ai chöûi maëc ai, tieàn thaày boû tuùi” – khoâng khaùc gì caùc caùn boä thoái naùt bò chöûi sa saû maø vaãn “tænh bô nhö ngöôøi Haø-Noäi” (thaønh ngöõ maø ngöôøi Mieàn Nam ñaõ truyeàn khaåu cho nhau sau khi coù dòp tieáp suùc vôùi ñaùm caùn boä Mieàn Baéc).
2. “Baùc” Sôï Caùc “Chaùu”
Nhieàu ngöôøi thöôøng nghó raèng daân sôï “Baùc”, chöù ít ai cho raèng “Baùc” sôï daân. Theo toâi nghó, “Baùc” soáng trong tình traïng lo sôï vì “Baùc”, cuõng nhö ba teân sö phuï cuûa “Baùc” (Leâ-Nin, Sì-Ta-Lin vaø Mao) ñeàu laø thöù “nguïy quaân töû”, töï voã ngöïc laø con ngöôøi Maùc-Xít, nhöng khoâng laøm theo ñuùng nhöõng giaùo ñieàu maø “Thaùnh Hieàn Caùc-Maùc” ñaõ daïy. Thöïc ra, coù teân Maùc-Xít naøo theo ñuùng lyù thuyeát cuûa Caùc Maùc ñaâu? Ngay caû Caùc-Maùc cuõng cheâ bai nhöõng ngöôøi mang danh “Maùc-Xít” khi oâng thanh minh raèng oâng laø Caùc-Maùc chöù khoâng phaûi laø ngöôøi Maùc-Xít.[9] Vì theá, “Baùc” (cuõng nhö taát caû nhöõng laõnh tuï “Maùc-Xít” khaùc) raát sôï bò loä taåy, neân tìm ñuû moïi caùch tieâu dieät nhöõng ngöôøi saùng suoát ñaõ nhaän ra nhöõng caùi sai laàm cuûa “Baùc”. (Thí duï: “Baùc” cuõng nhö Mao-Traïch Ñoâng ñaõ phong chöùc ñaùm baàn coá noâng leân ñòa vò “giai caáp tieán boä”, thay theá giai caáp thôï thuyeàn ñeå laøm caùch maïng lao ñoäng; Leâ-Nin cuõng muoán ñoát giai ñoaïn neân ñaõ tieâu dieät ñaùm Men-Sô-Vích ñeå naém ñoäc quyeàn, laøm moät cuoäc caùch maïng lao ñoäng cöôõng eùp, traùi vôùi loái suy luaän veà “dieãn tieán lòch söû” trong lyù thuyeát maø Caùc Maùc ñaõ saùng taùc ra).
Hôn nöõa, “Baùc” laïi laø ngöôøi gian ngoan neân cuõng thöøa bieát laø caùc “chaùu” cuûa “Baùc” ñeàu laø moät tuïi “hö ñoán”, khoâng ñuû “yù thöùc giai caáp lao ñoäng” (“proletarian class consciousness), neân “Baùc” cuõng sôï chuùng laém, vì baát cöù “thaèng phaûi gioù” naøo cuõng theøm caùi ñòa vò ñoäc toân cuûa “Baùc”. Trong ñaùm naøy, theá naøo maø chaúng coù thaèng quaù ö “ñoài truïy” vaø lieàu lónh (töùc laø khoâng bieát sôï “Baùc”), heã coù dòp laø laø laät taåy “Baùc”, vaø coù theå cho “Baùc” veà höu non, hoaëc ñi “moø toâm” nhö “Baùc” ñaõ ra leänh dìm Khaùi Höng xuoáng soâng cho ñeán cheát. Ñoù laø lyù do taïi sao “Baùc” sôï caùc “chaùu”. Cho neân “Baùc” phaûi duøng moïi phöông phaùp khuûng khieáp ñeå laøm cho caùc “chaùu” sôï “Baùc”. Cuoái cuøng, caû “Baùc” laãn “chaùu” ñeàu sôï laãn nhau.[10]
Noùi chung, baát cöù teân ñoäc taøi khaùt maùu naøo cuõng bò daèn vaët bôûi hai noãi sôï: (1) sôï bò chæ trích laø ñaõ sai laàm, vaø (2) sôï ñaùm ñaøn em noåi leân cöôùp quyeàn sinh saùt cuûa mình. Ñeán ñaây, toâi xin döïa treân nhöõng ñònh lyù veà sôï haõi ñaõ trình baøy ôû treân ñeå ñöa ra moät soá ñònh lyù veà quyeàn löïc nhö sau:
Ñònh Lyù 1 : Keû naøo caøng coù nhieàu quyeàn löïc bao nhieâu, thì keû ñoù laïi caøng sôï maát quyeàn löïc baáy nhieâu; hôn nöõa, quyeàn löïc tuyeät ñoái taïo ra noãi lo sôï tuyeät ñoái.
Ta ñaõ töøng thaáy ngöôøi laõnh ñaïo trong caùc cheá ñoä daân chuû phaùp trò khoâng coù toaøn quyeàn thoáng trò (vì bò raøng buoäc bôûi luaät phaùp), neân khoâng maáy lo sôï daân noåi loaïn, hoaëc ñaùm caän thaàn taïo phaûn. Traùi laïi, nhöõng teân ñoäc taøi khaùt maùu thì ngaøy ñeâm lo sôï ñeán möùc khieáp ñaûm (paranoia), nhìn ñaâu ñaâu cuõng thaáy keû thuø. Do ñoù, cheá ñoä ñoäc taøi naøo cuõng aùp duïng trieät ñeå chính saùch “nhoå coû phaûi nhoå taän reã”, ñi ñoâi vôùi chính saùch “thaø gieát nhaàm coøn hôn thaû nhaàm”. Traùi laïi, ngöôøi khoâng coù moät chuùt quyeàn löïc naøo, keå caû quyeàn sinh soáng thì khoâng sôï giôùi quyeàn löïc töôùc quyeàn cuûa mình. Vì theá, hieän nay “Ñaûng vaø Nhaø Nöôùc”raát sôï ñaùm baàn coá noâng noåi leân “thí maïng cuøi” (nhö vuï noåi loaïn Thaùi Bình ñaõ xaåy ra caùch ñaây maáy naêm). Traùi laïi, trong caùc nöôùc daân chuû nhö ôû Myõ, ngöôøi daân coù ñaày ñuû nhaân quyeàn, neân ñaïi ña soá raát sôï ngöôøi naém quyeàn löïc trong tay töôùc ñoaït maát quyeàn töï do vaø quyeàn sinh soáng cuûa mình (quyeàn “pursuit of happiness” trong Tuyeân Ngoân Ñoäc Laäp cuûa Myõ).
Ñònh Lyù 2: Ñoäc quyeàn sinh saùt taïo ra söï tranh daønh noäi boä taøn baïo vaø nhöõng cuoäc thanh tröøng ñaãm maùu.
Ñoäc quyeàn sinh saùt taïo ra theøm muoán trong soá nhöõng teân chöa naém ñöôïc quyeàn chuùa teå. Theá laø tranh daønh nhau. Ñoäc quyeàn naøy thöôøng ñi lieàn vôùi khaåu hieäu “Theà phanh thaây uoáng maùu quaân thuø” (quoác ca Vieät Nam XHCN). Khi “quaân thuø” khoâng coøn nöõa, taát nhieân caùc ñoàng chí ñaønh phaûi tieáp tuïc “phanh thaây uoáng maùu” laãn nhau. Chuyeän quaù deã hieåu neáu ngöôøi naøo tin vaøo lyù thuyeát “aùc giaû, aùc baùo” trong Phaät giaùo. Thí duï nhö Sì-Ta-Lin luùc coøn soáng ñaõ duøng teân chuùa chuøm coâng an Beâ-Ria-A tieâu dieät haøng traêm ngaøn ñaûng vieân trung kieân chæ vì nhöõng ngöôøi naøy bò nghi ngôø laø thuoäc thaønh phaàn choáng ñoái. Ñeán luùc Sì-Ta-Lin qua ñôøi, Beâ-Ri-A ñöôïc môøi ñeán hoïp Boä Chính Trò, theá laø caùc ñoàng chí sôï teân ñao phuû naøy leân naém quyeàn laõnh ñaïo, beøn xuùm nhau vaøo gieát haén ngay trong phoøng hoïp. Mao Traïch Ñoâng cuõng khoâng thoaùt khoûi ñònh lyù naøy, neân tröôùc khi naém ñöôïc quyeàn toaøn trò ñaõ tìm caùch thanh toaùn nhöõng ngöôøi ôû ñòa vò cao hôn mình ñeå chieám quyeàn laõnh ñaïo ñaûng; ñeán khi leo leân tôùi ñòa vò chuùa teå thì laïi tìm caùch loaïi boû nhöõng teân “coâng thaàn” manh nha muoán laøm chuùa teå.[11] Soáng trong moâi tröôøng tranh daønh voâ giôùi haïn naøy, baát cöù teân naøo naém ñöôïc quyeàn löïc trong tay (duø ôû thöù vò cao hay thaáp) ñeàu phaûi giöõ theá thuû, baèng caùch keùo beø baïn hoaëc thaân thuoäc vaøo guoáng maùy ñaûng, vaø cho ñaùm ñaøn em “ngoài döôùi duø” ñöôïc höôûng lôïi nhuaän baát chính cuûa quyeàn löïc. Ñoù laø nguyeân nhaân cuûa naïn beø phaùi, thoái naùt trong taát caû moïi cheá ñoä ñoäc taøi ñaûng trò.
Ñònh Lyù 3: Nhöõng ngöôøi sôï maát quyeàn löïc thöôøng raát gheùt nhöõng keû khoâng bieát sôï quyeàn löïc.
Coøn gì böïc mình hôn nöõa khi mang quyeàn löïc ra huø ñôøi maø ngöôøi ñôøi vaãn toû veû khoâng sôï haõi. Ngöôøi duøng quyeàn löïc ñi huø ñôøi neáu gaëp phaûi moät ngöôøi yeáu theá khoâng sôï haén, haén seõ noåi côn giaän loâi ñình, vaø duøng quyeàn löïc ñaøn aùp taøn baïo ngöôøi khoâng bieát sôï. Haønh ñoäng hung haõn naøy nhaèm hai muïc ñích chính:
· Ñeå töï chöùng minh laø haén haõy coøn naém quyeàn löïc trong tay, coøn coù khaû naêng huø ñôøi (power testing).
· Ñeå bieåu dieån quyeàn löïc laøm cho nhöõng ngöôøi yeáu theá khaùc phaûi sôï haén (power demonstration).
Ngay caû trong nhöõng cheá ñoä töï do troïng luaät, ngöôøi naøo bò caûnh saùt coâng loä chaën hoûi maø toû veû leã ñoä vôùi ñieäu boä sôï haõi, thì deã ñöôïc khoan hoàng hôn laø ngöôøi coù veû maët “xaác laùo, ñaùng gheùt”. Neáu can phaïm naøo bò ñieäu ra toøa maø bieát sôï haõi vaø toû veû hoái haän (plead guilty) thì quan toøa cuõng khoâng nôõ maïnh tay tröøng phaït. Traùi laïi, nhöõng teân can phaïm naøo ñaõ coù boä maët “coâ hoàn”, roài laïi coøn khoâng bieát ñoùng vôû kòch “Em lôõ choùt daïi, xin quan toøa khoan hoàng” thì taát nhieân seõ ñöôïc “laõnh ñuû”. Khi bò baét vaøo tuø roài maø can phaïm vaãn khoâng coù veû sôï haõi ñaùm cai nguïc thì seõ bò haønh haï (bieät giam), vaø coøn coù theå bò xeáp vaøo loaïi ngöôøi “baát trò” neân maát luoân quyeàn ñöôïc taïm tha tröôùc khi maõn haïn tuø (parole). Coøn trong caùc traïi “caûi taïo” thì khoûi caàn phaûi noùi nhieàu veà quyeàn sinh saùt cuûa caùc teân “quaûn giaùo” ngu doát, thieáu töï tin neân trôû neân kieâu caêng quaù loá; naïn nhaân naøo muoán ñöôïc “nhaân daân khoan hoàng” ñeàu khoâng daùm laøm traùi yù nhöõng teân hung thaàn naøy.[12]
Noùi toùm laïi, ngöôøi coù quyeàn löïc thöôøng sôï ngöôøi yeáu theá coi thöôøng mình. Trong cheá ñoä ñoäc taøi, teân laõnh ñaïo naøo cuõng sôï daân, nhieàu khi coøn sôï daân hôn laø daân sôï haén. Haõy nhìn vaøo lòch söû nhaân loaïi töø Ñoâng sang Taây, ta ñeàu thaáy nhöõng teân naém toaøn quyeàn trò daân trong tay luoân luoân ngaám ngaàm sôï haõi. Thôøi xöa thì coù Taàn Thuûy Hoaøng. Teân baïo chuùa naøy baét toaøn daân ñoå moà hoâi nöôùc maét ra xaây böùc Luõy Tröôøng Thaønh chæ vì haén sôï ñaùm man rôï mieàn Baéc tieán quaân sang laøm rung chuyeån ngai vaøng cuûa haén. Sau khi laäp ñöôïc coâng thoáng nhaát ñaát nöôùc, haén laïi sôï ñaùm Nho gia giôû troø “hö ñoán”, beøn ra leänh ñoát nhöõng saùch “ñoài truïy” vaø choân soáng nhöõng ngöôøi naøo khoâng bieát sôï. Haén ñaõ thoaùt nhieàu vuï möu saùt chæ vì haén bieát sôï, vaø bieát duøng ñuû moïi caùch laøm toaøn daân run sôï, neân khoâng ai ñuïng ñöôïc tôùi loâng chaân cuûa haén (Kinh Kha ñònh vaøo gieát haén, nhöng khi nhìn thaáy haén thì ñaõ run sôï ñeán noãi ñaùnh rôi thanh ñoaûn ñao, neân khoâng laøm ñöôïc troø troáng gì). Cuoái cuøng teân baïo chuùa chæ coøn bieát sôï Trôøi baét cheát, neân ñaõ chi raát nhieàu vaøng baïc cho caùc danh lang ñi tìm thuoác “traøng sinh, baát töû” cho haén. Nhöng “ngöôøi traàn maét thòt” laøm sao maø coù theå cöôùp ñöôïc quyeàn sinh saùt cuûa Trôøi. Theá laø daân Taøu taïm thoaùt naïn. Sau khi Taàn Thuûy Hoaøng thaûnh thôi ñi thaêm “Suoái Vaøng”, thì caùc só phu ñöôïc dòp ngoài vieát haøng ngaøn trang söû chöûi bôùi thaäm teä teân baïo chuùa ñaùng gheùt naøy. Haønh ñoäng hieân ngang cuûa caùc söû gia naøy cuõng khoâng giuùp gì cho daân Taàu thoaùt khoûi caûnh cuøm keïp thöôøng xuyeân xaûy ra. Caùc vò Nho só khaû kính vaãn tieáp tuïc daïy daân Taàu phaûi coù boån phaän “Quaân, Thaàn, Töû”, töùc laø phaûi quyø laïy heát ñôøi baïo chuùa naøy sang ñôøi baïo chuùa khaùc.
Trong thôøi ñaïi môùi, khoâng teân ñoäc taøi naøo laïi mô töôûng ñeán chuyeän “traøng sinh, baát töû”, nhöng teân naøo cuõng sôï ñaùm caän thaàn xoâng vaøo gieát nhö tröôøng hôïp Brutus ñaõ thæa dao con choù vaøo buïng Jules Ceùsar ngay tröôùc hoaøng cung ôû La-Maõ. (Ta cuõng neân bieát, Brutus laø moät caän thaàn ñöôïc Ceùsar yeâu meán vaø tin caån, roài sau ñoù Brutus caàm ñaàu ñaùm Thöôïng Nghò Só noåi leân gieát Ceùsar). Caùc teân ñoäc taøi thôøi môùi khoâng ngaây thô nhö Ceùsar. Ta ñaõ thaáy töø Hitler tôùi Sì-Ta-Lin, Mao-Traïch Ñoâng vaø Hoà Chí Minh, nhöõng teân khaùt maùu naøy khoâng sôï ñòch thuû ngoaøi tieàn tuyeán baèng sôï ñaùm “coâng thaàn” trong cung caám. Ñieàu naøy Haøn Phi Töû ñaõ töøng nhaän thaáy caùch ñaây hôn 2 ngaøn naêm (cuøng thôøi vôùi Taàn Thuûy Hoaøng). Nhö oâng ñaõ vieát: “Loaïn sôû dó do saùu haïng ngöôøi naøy [gaây ra]: (1) meï vua, (2) haäu phi, (3) con chaùu, (4) anh em, (5) ñaïi thaàn, (6) ngöôøi noåi danh laø hieàn”.[13]
Nhìn vaøo lòch söû caän ñaïi ôû Vieät Nam thì ta môùi thaáy Haøn Phi Töû quaû laø moät nhaø chính trò hoïc taøi ba, ñaõ nhìn thaáy nhöõng neùt ñaëc thuø cuûa moät xaõ hoäi suy vi. OÂng Ngoâ Ñình Dieäm laõnh ñaïo moät cheá ñoä suy nhöôïc vì loaïn laïc, ñaõ bò gieát moät caùch theâ thaûm, vì khoâng bieát sôï ñaùm ngöôøi thaân caän cuûa oâng, vì oâng khoâng tin raèng ñaùm ngöôøi naøy laïi coù theå haïi oâng. OÂng ñaõ ñi ngöôïc lôøi khuyeân raên cuûa Haøn Phi Töû, neân ñaõ ñeå boán loaïi ngöôøi thao tuùng cheá ñoä moät caùch deã daøng. Ñoù laø:
(2) Haäu phi – baø Ngoâ Ñình Nhu (tuy baø naøy khoâng ñoùng vai troø moät quyù phi, nhöng raát ñöôïc oâng Dieäm suûng aùi neân coù nhieàu quyeàn löïc trong Dinh Ñoäc Laäp);
(4) Anh em – oâng Ngoâ Ñình Nhu, Ngoâ Ñình Caån, Ngoâ Ñình Thuïc;
(5) Ñaïi thaàn – ñoù laø caùc töôùng ñöôïc oâng Dieäm coi nhö “con nuoâi”;
(6) Ngöôøi noåi danh laø hieàn – ñoù laø caùc chính khaùch coù uy tín trong xaõ hoäi vaø caùc vò tu só cao caáp (keå caû giaùm muïc laãn thöôïng toïa).
Caùi laàm cuûa oâng Dieäm laø oâng khoâng bieát sôï, khoâng muoán duøng quyeàn ñoäc taøi sinh saùt, hoaëc khoâng naém ñöôïc toaøn quyeàn sinh saùt, ñeå baûo veä cheá ñoä nhö caùc laõnh tuï Coäng Saûn thöôøng laøm. Noùi cho cuøng, loái suy nghó vaø haønh ñoäng cuûa oâng Dieäm cuõng khoâng khaùc gì nhöõng ngöôøi Vieät “Quoác Gia”. Ñaïi ña soá chuùng ta ñeàu coù khuynh höôùng ñaët tình caûm gia ñình, baïn beø leân treân quyeàn lôïi coâng coäng. Khoâng moät ai trong chuùng ta coù theå nhaãn taâm nhö caùc ngöôøi coäng saûn mang cha meï ra toøa aùn nhaân daân ñaáu toá (Tröôøng Chinh). Giôø ñaây, ta môùi thaáy moät ñònh lyù raát ñau loøng: trong moät cuoäc noäi chieán ngang ngöûa giöõa hai phe, phe naøo taøn baïo vaø bieát laøm cho daân sôï, thì phe ñoù coù nhieàu hy voïng thaéng hôn. Vì theá, phe Quoác Gia thua traän cuõng khoâng coù gì laø ngaïc nhieân. Nhöõng traùi tim ñaày tình ngöôøi laøm sao choïi laïi ñöôïc nhöõng traùi tim ñaày caêm hôøn!
2. “Baùc” laøm Caùc “Chaùu” Sôï
Tröôùc heát, chuùng ta ñeàu bieát trong baát cöù moät quoác gia naøo, ñaïi ña soá coâng daân ñeàu khoâng ít thì nhieàu phaûi tuaân haønh theo yù muoán ngöôøi laõnh ñaïo, vì ngöôøi laõnh ñaïo naém trong tay moät hay nhieàu quyeàn löïc nhö sau:[14]
(1) Quyeàn uy
Ngöôøi laõnh ñaïo naém ñöôïc quyeàn uy vì coù uy tín neân ñöôïc toaøn daân meán phuïc (charisma) vì ñaõ coù coâng laäp quoác (nhö Georges Washington ôû Myõ), hoaëc cöùu quoác (nhö Mustafa Kemal ôû Thoå Nhó Kyø, Ghandi ôû AÁn Ñoä, v.v.), hoaëc döïa vaøo truyeàn thoáng hay luaät phaùp coù uy tín laâu ñôøi (“Thieân Meänh” ôû Trung Hoa döôùi thôøi phong kieán, Hieán Phaùp Myõ, v.v.). Quyeàn uy cuûa ngöôøi laõnh ñaïo seõ mai moät daàn daàn neáu ngöôøi laõnh ñaïo khoâng bieát thích öùng vôùi thôøi cuoäc ñeå giaûi quyeát nhöõng khuûng hoaûng traàm troïng cho ñaát nöôùc. Thí duï nhö caùc vua chuùa Nhaø Nguyeãn, caùc vò naøy khoâng bieát tìm caùch ñöông ñaàu vôùi söùc maïnh AÂu Taây neân ñaõ maát heát quyeàn uy, vaø laøm cho truyeàn thoáng quaân chuû cuõng maát heát uy tín luoân. Traùi laïi, vua Chu-La-Long-Quoác ôû Thaùi-Lan, cuõng nhö Minh-Trò-Thieân-Hoaøng ôû Nhaät, ñaõ bieát thöïc hieän nhöõng chöông trình caûi caùch caàn thieát, neân khoâng laøm toån thöông ñeán truyeàn thoáng quaân chuû, vì theá con chaùu vaãn coøn giöõ ñöôïc ngai vaøng cuûa mình cho tôùi ngaøy nay.
(2) Quyeàn Töôûng Thöôûng
Ngöôøi laõnh ñaïo naém ñöôïc quyeàn töôûng thöôûng vì coù coâng taïo ra moät ñôøi soáng an hoøa vaø truø phuù cho toaøn daân. Ta cuõng neân bieát quyeàn töôûng thöôûng khoâng laøm cho ngöôøi daân sôï haõi hay meán phuïc baèng quyeàn uy. Vì lyù do ñoù, quyeàn naøy coù tính caùch ñoaûn kyø vaø seõ maát hieäu löïc khi ngöôøi laõnh ñaïo khoâng coøn “khaû naêng nuoâi daân”. Luùc ñoù daân coù theå noåi leân laät ñoå ngöôøi laõnh ñaïo, baèng laù phieáu hoaëc baèng nhöõng cuoäc bieåu tình baïo ñoäng (nhö caùc cuï ñaõ daïy chuùng ta caâu “baïc nhö daân”). Ta cuõng neân bieát, trong caùc nöôùc töï do daân chuû, ngöôøi laõnh ñaïo (toång thoáng hoaëc thuû töôùng) chæ taïo ra moâi tröôøng thuaän lôïi cho söï phaùt trieån kinh teá chöù khoâng tröïc tieáp “nuoâi daân”. Traùi laïi, trong caùc cheá ñoä toaøn trò (totalitarian regime) ngöôøi laõnh ñaïo tìm ñuû moïi caùch cöôùp quyeàn töï löïc caùnh sinh cuûa daân ñeå naém ñoäc quyeàn nuoâi daân vôùi muïc ñích laøm cho daân hoaøn toaøn tuøy thuoäc vaøo cheá ñoä. Cuoái cuøng, “noài côm” laø “Baùc”, “Baùc” laø “noài côm”, theo “Baùc” thì aám no, khoâng theo “Baùc” thì ñoùi raùch.
(3) Quyeàn Tröøng Phaït
Ngöôøi laõnh ñaïo duøng voõ löïc tröøng phaït nhöõng haønh ñoäng “baát tuaân thöôïng leänh” ñeå baét ngöôøi daân phuïc toøng vì sôï haõi. Trong caùc cheá ñoä töï do phaùp trò, quyeàn tröøng phaït cuûa Nhaø Nöôùc bò haïn cheá bôûi luaät phaùp, vì theá ngöôøi daân bình thöôøng chæ caàn phuïc toøng luaät phaùp chöù khoâng caàn phuïc toøng taát caû sôû thích cuûa ngöôøi laõnh ñaïo. Traùi laïi, trong caùc cheá ñoä toaøn trò, yù muoán cuûa ngöôøi laõnh tuï coù söùc maïnh ngang haøng vôùi YÙ Trôøi. Vì theá, döôùi cheá ñoä naøy, luaät phaùp raát mô hoà, vaø thay ñoåi haøng ngaøy tuøy theo yù thích cuûa ngöôøi laõnh tuï. Ta cuõng neân bieát, luaät phaùp caøng mô hoà bao nhieâu, quyeàn töï do tröøng phaït cuûa ngöôøi laõnh tuï caøng gia taêng leân baáy nhieâu. Nhö Phm văn Đồng ñaõ tuyeân boá moät caâu baát huû: “Laøm lut laøm gì để noù troùi tay mình vaøo”. Nhieàu ngöôøi khoâng hieåu roõ ñaëc tính toaøn trò cuûa cheá ñoä, neân thöôøng coi luaät phaùp mô hoà laø moät loaïi “luaät röøng”.
Sau khi trình baøy vaøi neùt ñaïi cöông veà quyeàn löïc, baây giôø toâi xin cöùu xeùt phöông thöùc oâng Hoà Chí Minh ñaõ duøng ñeå cöôùp quyeàn laõnh ñaïo quoác gia, roài baønh tröôùng quyeàn löïc ñaõ naém trong tay thaønh quyeàn toaøn trò. Baét “toaøn daân traêm ngöôøi nhö moät” sôï haõi vaø laøm theo yù muoán cuûa mình laø moät coâng taùc ñaïi quy moâ, ñoøi hoûi nhöõng gian keá quyû quyeät. OÂng Hoà khoâng thieáu khaû naêng naøy, neân ñaõ thaønh coâng treân con ñöôøng tieán thuû vì oâng bieát ñi töøng giai ñoaïn, vaø duøng phöông phaùp “chia ñeå trò” ñeå tieâu dieät ñoái phöông.
Khi môùi böôùc chaân veà nöôùc, oâng Hoà khoâng coù moät löïc löôïng gì ñaùng keå. Trong hai naêm ñaàu (1945-46), oâng khoâng ñaët troïng taâm vaøo noâng thoân, vì caùc ñaûng “Quoác Gia” khoâng coù löïc löôïng choáng ñoái oâng trong caùc thoân xaõ heûo laùnh. Hôn nöõa, ñaïi ña soá noâng daân luùc ñoù raát thôø ô vôùi thôøi cuoäc, tuy bao nhieâu naêm hoï ñaõ bò thöïc daân vaø phong kieán boùc loät neân phaûi soáng trong caûnh ñoùi khoå cuøng cöïc. Laïi coøn vuï ñoùi kinh hoàn naêm AÁt Daäu ñaõ laøm cho thoân queâ mieàn Baéc hoaøn toaøn kieät queä veà tinh thaàn cuõng nhö theå xaùc, neân khoâng coøn buïng daï naøo nghó ñeán uûng hoä hay choáng ñoái baát cöù moät phong traøo chính trò naøo. Vì theá, oâng Hoà chæ caàn loâi cuoán moät soá trí thöùc, vaø tieåu tö saûn sinh tröôûng nôi thaønh thò baèng laù baøi “Cöùu Quoác”. Ta cuõng neân bieát, giai caáp tieåu tö saûn thaønh thò (nhaát laø ñaùm trí thöùc) laø thaønh phaàn bieát raát nhieàu veà chính saùch thöïc daân cuûa Phaùp, neân hoà hôûi chui vaøo baãy cuûa oâng Hoà. Trong khi ñoù, oâng Hoà duøng phöông phaùp Leâ-Nin-Nít (agitprop – vöøa tuyeân truyeàn vöøa tieâu dieät thaønh phaàn ñoái laäp trong caùc thaønh phoá lôùn) ñeå trôû thaønh “Baùc”, moät hình aûnh “cha giaø daân toäc”. (Chöông trình tuyeân truyeàn naøy quaû laø sieâu vieät, vì theo tieáng ta, “baùc” coøn coù quyeàn uy hôn “cha” moät baäc, duø sao “baùc” laø ngöôøi anh cuûa “cha”). Nhôø ñoù, “Baùc” ñaõ naém trong tay moät chuùt quyeàn uy, nhaát laø trong ñaùm ngöôøi yeâu nöôùc moät caùch raát ö laø laõng maïng – “chæ bieát yeâu thoâi, maø chaúng bieát gì” (thô).
Sau khi tieâu dieät caùc ñaûng phaùi “Quoác Gia” ôû caùch thaønh phoá moät caùch deã daøng vì caùc ñaûng naøy thieáu laõnh ñaïo, thieáu toå chöùc, thieáu ñoaøn keát, thieáu söï uûng hoä quaàn chuùng, “Baùc” trôû thaønh laõnh tuï toái cao, vaø “Ñaûng” trôû thaønh moät toå chöùc ñoäc nhaát naém ñoäc quyeàn “choáng thöïc daân”. Khi chieán tranh buøng noå, thaønh phaàn tieåu tö saûn thaønh thò taûn cö veà noâng thoân, tieáp tuïc hoà hôûi giuùp “Baùc” toå chöùc coâng cuoäc chieán ñaáu daønh ñoäc laäp. ÔÛ ñaây, “Baùc” phaûi caïnh tranh quyeàn uy vôùi giôùi ñòa chuû vì nhoùm ngöôøi naøy coù uy tín truyeàn thoáng trong ñaùm noâng daân ñaõ bao nhieâu theá kyû nay (tuy raèng giôùi ñòa chuû vaø phuù noâng thaúng tay lôïi duïng coå tuïc phong kieán ñeå boùc loät caùc noâng daân ngheøo ñoùi). Vì khoâng ñuû haäu thuaãn, “Baùc” ñaønh phaûi döïa vaøo giôùi tieåu tö saûn thaønh thò ñaõ taûn cö veà laøng ñeå thöïc hieän chöông trình ñaùnh ñoå löïc löôïng “cöôøng haøo aùc baù”. Caùc coâ, caùc caäu töø tænh veà soáng nôi buøn laày nöôùc ñoïng töï nhieân caûm thaáy coù boån phaän phaûi theo “Baùc” ñeå giaûi quyeát naïn “Lyù Toeùt” vaø “Xaõ Xeä” maø nhoùm Töï Löïc Vaên ñoaøn ñaõ nhieàu naêm boâi nhoï trong baùo Phong Hoùa vaø Ngaøy Nay tröôùc hoài 1945.
Sau khi ñaäp tan neàn moùng quyeàn löïc coå truyeàn ôû noâng thoân, “Baùc” duøng quyeàn töôûng thöôûng ñeå loâi cuoán ñaùm baàn coá noâng: “Baùc” tòch thu ruoäng ñaát vaø nhaø cöûa cuûa caùc ñòa chuû vaø phuù noâng, roài mang ra chia cho ñaùm noâng daân ngheøo ñoùi. Theá löïc cuûa “Baùc” caøng ngaøy caøng maïnh, thì chöông trình caûi caùnh ruoäng ñaát ôû noâng thoân baét ñaàu ñi vaøo giai ñoaïn quyeát lieät sau khi Mao Traïch Ñoâng naém quyeàn thoáng trò ôû Trung Quoác (1949-1954). Moät soá trí thöùc phaûn ñoái moät caùch tích cöïc thì bò “Baùc” thuû tieâu (cho ñi “moø toâm”, hoaëc ñaày aûi vaøo traïi Ñaàm Ñuøn). Coøn moät soá phaûn ñoái tieâu cöïc thì boû noâng thoân chaïy vaøo “thaønh”, theo Baûo Ñaïi, hoaëc ñoùng vai “chuøm chaên”. Theá laø “Baùc” naém toaøn quyeàn thoáng trò ôû noâng thoân vì luùc naøy noâng thoân khoâng coøn moät löïc löôïng naøo choáng ñoái “Baùc”, tröø moät soá baàn coá noâng coøn nuoâi hoaøi baõo tö saûn noâng nghieäp – töùc laø loøng ham muoán töï löïc caùnh sinh baèng caùch töï mình canh taùc maûnh ñaát ñaõ ñöôïc Nhaø Nöôùc caáp phaùt. Sau khi “Baùc” ñöôïc ngoaïi bang tieáp söùc ñeå toaøn trò Mieàn Baéc, “Baùc” beøn thaúng tay baét giôùi baàn coá noâng vaøo khuoân pheùp trong chöông trình “hôïp taùc xaõ” daäp theo kieåu maãu beân Trung Quoác (1954-1956). Theá laø noâng daân trôû thaønh moät thöù phu ñoàn ñieàn taän löïc keùo caày nuoâi döôõng caùc toå chöùc quyeàn löïc cuûa “Baùc”. Noùi toùm laïi, “Baùc” duøng tuyeân truyeàn vaø nhaát laø quyeàn tröøng phaït ñeå phaùt huy quyeàn löïc cuûa mình, roài laïi coøn töôùc quyeàn “töï löïc caùnh sinh” cuûa noâng daân ñeå taïo ra ñoäc quyeàn nuoâi daân cho chính mình. Ñeán giai ñoaïn naøy, noâng thoân hoaøn toaøn bò ñaët döôùi quyeàn toaøn trò cuûa “Baùc”![15]
Sau khi thaønh thò rôi vaøo tay cuûa “Baùc” (1954), “Baùc” beøn thöïc hieän chöông trình “noâng thoân hoùa” thaønh thò, duøng quyeàn tröøng phaït vaø ñoäc quyeàn nuoâi daân ñeå caûi hoùa daân thaønh thò thaønh moät ñaùm ngöôøi nhaãn nhuïc vaø sôï haõi, khoâng khaùc gì ñaùm baàn coá noâng soáng trong caùc hôïp taùc xaõ noâng nghieäp. Cheá ñoä “hoä khaåu” vaø “bao caáp” giuùp “Baùc” toå chöùc nhaân daân thaønh moät ñaøn cöøu ngoan ngoaõn döôùi söï daãn daét cuûa “Baùc”. Ña soá vaên ngheä só tröôùc kia theo “Baùc” vì yeâu nöôùc, chöù khoâng phaûi vì muoán duy trì quyeàn toaøn trò cuûa “Baùc”. Vì theá moät soá chöa bieát sôï “Baùc”, neân khoâng chòu duøng khaû naêng cuûa mình ñeå ca tuïng “Baùc”. Theá laø “Baùc” thaúng tay haønh haï moät caùch voâ nhaân ñaïo nhöõng ngöôøi ñaõ hy sinh cho “Baùc” hôn 10 naêm trôøi: ngöôøi thì bò tuø ñaày, ngöôøi thì maát heát nguoàn sinh soáng (vuï “Nhaân Vaên-Giai Phaåm”).[16] Ngoaøi ra, moät soá caän thaàn lieàu lónh manh nha muoán “Baùc” veà höu ñeå hoï leân thay theá, thì bò “Baùc” thanh loïc hoaëc tröøng trò moät caùch raát laø khaéc nghieät (vuï aùn “Xeùt Laïi”).[17] Tuy vaäy, “Baùc” vaãn coøn sôï nhöõng coâng thaàn coù uy tín vaø coù khaû naêng cöôùp quyeàn toaøn trò cuûa “Baùc”. “Baùc” khoâng daùm gieát nhöõng ngöôøi coù danh tieáng, nhöng “Baùc” khoâng cho hoï coù dòp naém thöïc quyeàn laõnh ñaïo. Nhöõng teân “maõ taáu raêng ñen” hoaëc “voâ danh tieåu toát” (nhö Leâ Duaån) thì ñöôïc “Baùc” caát nhaéc leân naém quyeàn ñieàu haønh coâng vieäc Ñaûng vaø Nhaø Nöôùc. Kyõ thuaät laõnh ñaïo cuûa “Baùc” laø luoân luoân ngoài ñaèng sau giaät daây, neáu thaønh coâng thì “Baùc” coù theâm uy tín (theâm quyeàn uy), neáu thaát baïi thì teân thi haønh yù muoán cuûa “Baùc” trôû thaønh vaät hy sinh ñeå “Baùc” chaïy toäi vaø giöõ nguyeân veïn uy tín cuûa “Baùc” (thí duï nhö Tröôøng Trinh sau vuï caûi caùch ruoäng ñaát vaø ñaáu toá ñaãm maùu vaø nöôùc maét).
Ñeán giai ñoaïn naøy thì toaøn daân Mieàn Baéc ñeàu sôï “Baùc”. Tuy vaäy, “Baùc” vaãn coøn caûm thaáy mình chöa coù ñuû uy tín (chöa ñuû quyeàn uy) ñoái vôùi toaøn daân. “Baùc” thaáy truyeàn thoáng Vieät Nam troïng thô vaên, “Baùc” beøn dôû troø laøm thô vôùi hy voïng lôïi duïng uy tín cuûa truyeàn thoáng naøy ñeå naâng cao uy tín cuûa mình. Leõ dó nhieân nhöõng caâu veø cuûa “Baùc” khoâng ai daùm pheâ bình hoaëc ngôïi khen moät caùch quaù loä lieãu. Bieát vaäy, “Baùc” ñaønh giôû troø ñaïo vaên, töùc laø töï gaén cho mình laø taùc giaû cuoán “Nguïc Trung Nhaät Kyù” – moät taäp thô raát hay do moät thi só ngöôøi Hoa saùng taùc.[18] Theá laø ñaùm vaên noâ coù dòp ca tuïng taøi thô phuù cuûa “Baùc” maø khoâng sôï ngöôïng moàm. Tuy theá, “Baùc” vaãn coøn caûm thaáy laø mình chöa coù ñuû uy tín. “Baùc” sôï ít ngöôøi bieát ñeán coâng trình ñi tìm ñöôøng cöùu quoác cuûa “Baùc”. “Baùc” beøn taïo ra moät caùn boä töôûng töôïng, vaø keå chuyeän ñôøi cuûa “Baùc” cho ngöôøi töôûng töôïng naøy vieát vaø in thaønh saùch laøm taøi lieäu cho toaøn daân hoïc taäp.[19] Leõ dó nhieân, taùc giaû töôûng töôïng chæ coù theå vieát nhöõng chuyeän “Phong Thaàn”, neân trong cuoán tieåu söû cuûa “Baùc”, ngöôøi ta thaáy chi tieát thaàn thoaïi thì nhieàu, maø söï thaät thì chaúng coù bao nhieâu! Nhöõng caän thaàn cuûa “Baùc” ñeàu bieát taùc giaû cuoán naøy chính laø “Baùc”, maõi sau naøy môùi loä ra raèng “Baùc” duøng teân moät “caùn boä ma” ñeå töï mình naâng boác uy tín cuûa mình.
Nhôø vaäy, “Baùc” naém ñöôïc quyeàn toaøn trò cho ñeán luùc cheát. Sau ñoù, ñaùm ñaøn em cuûa “Baùc” tieáp tuïc duøng quyeàn toaøn trò maø “Baùc” ñaõ taïo ra ñeå huy ñoäng toaøn daân chieán ñaáu choáng Myõ “cho ñeán gioït maùu cuoái cuøng”. Taäp ñoaøn laõnh ñaïo môùi leân naém chính quyeàn khoâng coù ñuû uy tín, neân phaûi döïa vaøo uy tín cuûa “Baùc” (reâu rao laø theo ñuùng “di chuùc cuûa Baùc”). Ñaùm thöøa keá “Baùc” thöøa bieát raèng “Baùc” caøng “vó ñaïi” bao nhieâu, thì “caùc chaùu ngoan cuûa Baùc” caøng coù quyeàn uy nhieàu baáy nhieâu. Vì vaäy, moät chöông trình tuyeân truyeàn nhaèm taêng uy tín xaùc cheát cuûa “Baùc” ñöôïc phaùt ñoäng raát ö laø troïng theå, ngay töø ngaøy “Baùc” naèm xuoáng vaø keùo daøi cho ñeán taän baây giôø. Cuoái cuøng, “Baùc” ñaõ cheát roài maø toaøn daân vaãn coøn sôï “Baùc”, neân khoâng ai daùm “choái boû coâng lao cuûa Baùc”.
Khi chieám ñöôïc Mieàn Nam, taäp ñoaøn laõnh ñaïo Haø Noäi thaáy döïa vaøo quyeàn uy cuûa “Baùc” cuõng khoâng ñuû laøm Mieàn Nam meán phuïc. Nhö daân Caàn Thô ñaõ truyeàn khaåu cho nhau nghe hai caâu thô vònh “Baùc” nhö sau:
Chieàu chieàu ra beán Ninh Kieàu,
Sau löng töôïng “Baùc”, ñó nhieàu hôn daân!
Trong moät xaõ hoäi thieáu “ñaïo ñöùc caùch maïng” nhö vaäy, Haø Noäi chæ coøn caùch duøng quyeàn tröøng phaït vaø ñoäc quyeàn nuoâi daân ñeå baét daân Mieàn Nam vaøo khuoân pheùp XHCN. Mieàn Nam ñaõ phaûi soáng trong kinh hoaøng gaàn moät thaäp nieân (vaán ñeà naøy toâi seõ trình baøy trong moät soá baùo tôùi). Sau khi ñaõ keùo caû Mieàn Baéc vaø Mieàn Nam vaøo khuoân pheùp, theá laø ñaát nöôùc bò “thoáng nhaát” trong voøng sôï haõi. Tuy vaäy, nhoùm laõnh ñaïo Haø Noäi vaãn coøn quaù lo sôï maát quyeàn toaøn trò, neân laøm nhöõng haønh ñoäng ñieân khuøng khoâng ai hieåu noåi. Vieäc gì phaûi ñaøn aùp toân giaùo ñeå mang tieáng vôùi theá giôùi? Phaûi chaêng vì quaù sôï maát quyeàn cai trò neân töôûng raèng vaøi vò tu só hay muïc sö truyeàn ñaïo coù ñuû khaû naêng laät ñoå cheá ñoä coâng an trò. Vieäc gì phaûi trieät haï ñaøi töôûng nieäm caùc thuyeàn nhaân xaáu soá? Phaûi chaêng vì quaù meâ saûng neân nghó raèng haønh ñoäng baát nhaân naøy seõ laøm cho cheá ñoä veû vang hôn, vöõng vaøng hôn, vaø Vieät Kieàu seõ göûi veà nöôùc nhieàu tieàn hôn. OÂi, truyeàn thoáng “cöôøng haøo, aùc baù” naøy bieát bao giôø môùi trieät tieâu ñöôïc.
Chuù Thích
[1] Trong soá nhöõng taøi lieäu choáng coäng, noåi tieáng nhaát laø cuoán saùch xuaát baûn ôû Phaùp do naêm taùc giaû Steùphane Courtois, Nicolas Werth, Jean-Louis Panneù, Andrzej Paczkowski, Karel Bartosek vaø Jean-Louis Margolin, töïa ñeà laø Le Livre Noir du Communism, Crimes, terror, reùpression (Paris: Editions Robert Laffont, 1997) ñöôïc Joanathan Murphy vaø Mark Kramer dòch ra tieáng Anh döôùi töïa ñeà The Black Book of Communism, Crime, Terror, Repression (Cambridge, Massachusetts: Harvard University Press, 1999). Chæ tieác laø phaàn vieát veà Vieät Nam chæ voûn veïn coù hôn 10 trang (tr. 565-575), hieån nhieân laø quaù sô saøi. Buø vaøo ñoù, xin ñoïc Traàn Gia Phuïng, AÙn Tích Coäng Saûn Vieät Nam (Toronto: Non Nöôùc, 2001).
[2] Saùch noùi veà cheá ñoä coäng saûn Vieät Nam noùi chung, vaø Hoà Chí Minh noùi rieâng thì quaù nhieàu, neân toâi khoâng lieät keâ ra ôû ñaây. Veà thö tòch, saùch ñaùng duøng ñeå tham khaûo thö tòch laø cuoán daøy gaàn 800 trang, töïa ñeà laø Hoà Chí Minh, Nhaän Ñònh Toång Hôïp (Virgnia: Tieáng Queâ Höông, 2003) trong ñoù taùc giaû Minh Voõ ñaõ coù coâng giôùi thieäu vaø pheâ bình haøng chuïc cuoán saùch do nhöõng taùc giaû quen bieát vieát veà Vieät Nam. Ngoaøi ra, trong cuoán saùch daøy gaàn 700 trang töïa ñeà laø Phaûn Tænh, Phaûn Khaùng, Thaät Hay Hö (California: Thoâng Vuõ, 1999), taùc giaû Minh Voõ cuõng phaân tích vaø nhaän ñònh gaàn 20 cuoán saùch khaûo luaän vaø kyù öùc cuûa nhöõng taùc giaû ñaõ töøng coù kinh nghieäm soáng trong cheá ñoä coäng saûn Vieät Nam.
[3] “So long as the virtue of respectable women is regarded as a matter of great importance, the institution of marriage has to be supplemented by another institution which may really be regarded as a part of it – I mean the institution of prostitution… She, however, poor woman, in spite of the undoubted service she performs, in spite of the fact that she safeguards the virtues of wives and daughters, is universally despised …” Bertrand Russell, Marriage and Morals (New York: Liverright Publishing Corporation, 1929), tr. 145-146
[4] Rokeach, Milton, Beliefs, Attitudes, and Values; a Theory of Organization and Change, (San Francisco: Jossey-Bass., 1972).
[5] Coù raát nhieàu saùch veà lyù thuyeát phaân taâm hoïc ñaõ ñöôïc xuaát baûn töø ñaàu Theá Kyû 20 ñeán giôø. Ñeå coù moät khaùi nieäm caên baûn veà vaán ñeà naøy, xin ñoïc C. S. Hall, A Primer of Freudian Psychology (Cleveland: World Pubplishing Co., 1954). Muoán bieát theâm, xin ñoïc nhöõng saùch sau ñaây cuûa Freud: A General Introduction to Psychoanalysis (Garden City, N. Y., Garden City Publishing Co., 1943), New Introductory Lectures of Psychoanalysis (New York: Norton, 1933), vaø An Outline of Psychology (New York: Norton, 1949).
[6] Döông Thu Höông, Nhöõng Thieân Ñöôøng Muø (Haø-Noäi: Nhaø Xuaát Baûn Phuï Nöõ, 1988).
[7] Traàn Troïng Kim, Nho Giaùo (Saøi-goøn, Boä Quoác Gia Giaùo Duïc, 1971), tr. 39
[8] Phan Khoang, Trung Dung (Saøi-goøn, Nhaø Saùch Mai Lónh, 1959), tr. 18, 844-885. Nhöõng chöõ trong ngoaëc […] do toâi theâm vaøo cho roõ nghóa.
[9] Nhöõng ngöôøi voã ngöïc töï haøo mình laø ngöôøi “Maùc-sít” thöïc ra laø nhöõng ngöôøi traéng trôïn lôïi duïng hoïc thuyeát Karl Max ñeå thöïc hieän tham voïng caù nhaân cuûa mình. Ngay Karl Max cuõng ñaõ thuù nhaän raèng: “Toâi, Karx Max, khoâng phaûi laø ngöôøi Marxiste”. Toâi xin caùm ôn Baïn Nguyeãn Hoaøi Vaân ñaõ tìm ra nguoàn goác caâu noùi baát huû naøy khi vieát moät baøi khaûo cöùu raát xuaát saéc veà “Nhöõng Ngoä Nhaän Veà Hoïc Thuyeát Marx”, Theá Kyû 21, soá 194, June 2005, tr. 80-86.
[10] Xin ñoïc Vuõ Thö Hieân, Ñeâm giöõa Ban Ngaøy (California: Vaên Ngheä, 1997). Nhöng taùc giaû khoâng ñöôïc soáng gaàn “Baùc” haøng giôø haøng phuùt, neân chæ bieát loái xöû taøn aùc cuûa “Baùc” ñoái vôùi caùc “coâng thaàn”, nhöng khoâng nhìn thaáy noãi sôï haõi aâm æ trong loøng “Baùc”. Traùi laïi, oâng Li Zhisui laø moät vò baùc só ngaøy ñeâm phaûi lo soùc söùc khoeû cho Mao Traïch Ñoâng, neân coù dòp nhaän thaáy teân ñoäc taøi naøy bò aùm aûnh bôûi noãi sôï haõi trieàn mieân, neân nghi ngôø heát taát caû moïi ngöôøi, tröø moät soá nöõ caùn boä sinh ñeïp ñöôïc löïa choïn vaøo “haàu haï” thuù nhuïc duïc cuûa “Mao Chuû Tòch”. Xin ñoïc cuoán The Private Life of Chairman Mao, The Memoirs of Mao's Personal Physician (New York, Random House,1994).
[11] Clare Hollingworth, Mao and the Men Against Him , (London, Johnathan Cape, 1985), Chöông 12, “Final Purge of Liu”, pp 196-213; Chöông 13 “The Fall of Lin Biao”, pp. 214-255, Chöông 19, “Notes on the Ten Men Who Rose Against Chairman Mao”, pp. 345-357. 
[12] Nguyeãn Chí Thieäp, Traïi Kieân Giam
[13] Nguyeãn Hieán Leâ, Haøn Phi Töû : (California: Vaên Hoùa), tr. 439.
[14] Amitai Etzioni coi “tuaân haønh” (compliance) laø neàn taûng cuûa moïi toå chöùc. Muoán moïi ngöôøi trong moät toå chöùc naøo ñoù phaûi tuaân haønh, thaønh phaàn laõnh ñaïo phaûi aùp duïng “quyeàn löïc” (power). OÂng phaân bieät 3 loaïi quyeàn löïc: “coercive power”, “remunerative power”, vaø “normative power”. Xin ñoïc cuoán A Comparative Analysis of Complex Organizations; On power, Involvement, and Their Correlates, (New York: Free Press of Glenco, 1971), tr. 5-6.
[15] Traàn Gia Phuïng, AÙn Tích Coäng Saûn Vieät Nam, op. cit. , 109-148
[16] Hoaøng Vaên Chí, Traêm Hoa Ñua Nôû Treân Mieàn Baéc (Saøi-goøn: Maët Traën Baûo Veä Töï Do Vaên Hoùa, 1959); Traàn Gia Phuïng, AÙn Tích Coäng Saûn Vieät Nam, op. cit. tr. 149-216.
[17] Traàn Gia Phuïng, AÙn Tích Coäng Saûn Vieät Nam, op. cit. 217-270.
[18] Hoïc giaû Leâ Höõu Muïc (tröôùc ñaây laø giaùo sö tieáng Vieät vaø Chöõ Noâm kieâm tröôûng ban Vieät Haùn taïi Ñaïi Hoïc Vaên Khoa) ñaõ döïa vaøo söû lieäu ñeå phanh phui haønh ñoäng giaûn traù cuûa Hoà Chí Minh trong cuoán Hoà Chí Minh Khoâng Phaûi Laø Taùc Giaû “Nguïc Trung Nhaät Kyù” (Toronto: Vaên Buùt Vieät Nam Haûi Ngoaïi, 1990).
[19] Traàn Daân Tieân heát mình ca tuïng loøng hy sinh vaø taøi sieâu vieät cuûa “Baùc” trong cuoán Nhöõng maåu Chuyeän Veà Ñôøi Hoaït Ñoäng cuûa Hoà Chuû Tòch . Sau naøy moïi ngöôøi môùi ñöôïc bieát caùn boä “ma” Traàn Daân Tieân chính laïi laø “Baùc”. Muoán bieát “vaên chöông … loaïng quaïng” vaø taøi khoaùc laùc khoâng maïch laïc cuûa “Baùc”, xin ñoïc cuoán saùch pheâ bình cuûa Kieàu Phong, töïa ñeà laø Chaân Dung “Baùc” Hoà (San Diego, Calif.: 1989).

TRẦN BÌNH NAM * CÁCH MẠNG

Cách Mạng là Tất Yếu
                                                                              Trần Bình Nam  

 
          Trong những tháng qua, những sự việc xẩy ra từ Trung quốc đến Việt Nam cho thấy sự bất mãn của người dân đã đến mức báo động. Nhiều nơi dân nổi dậy đập phá cơ sở công quyền, công khai tụ họp dàn mặt với lực lượng vũ trang, la ó, phản đối bất chấp lệnh cấm của chính quyền.
          Tại Trung quốc, ngày 30 tháng 8 năm 2005, hai nông dân, ông Deng Jianlan 33 tuổi và Deng Silong 38 tuổi bị công an của quận Yantang thuộc miền nam tỉnh Hồ Nam, một vùng sản xuất thuốc lá, đánh chết vì tội chở lậu thuốc lá tươi. Bán lậu lá thuốc tươi tại Hồ Nam là một dịch vụ kiếm được nhiều tiền vì kỹ nghệ thuốc lá là kỹ nghệ quốc doanh.

          Nhưng theo cuộc điều tra của phóng viên Edward Cody của tờ Washington Post thì nguyên nhân thầm kín của vụ công an đánh chết người là do việc dân chống tham nhũng và sự trả thù của nhà cầm quyền địa phương. Deng Silong có một người anh tên là Deng Suilong trước năm 2000 vốn là phó xã trưởng làng Shangdeng thuộc quận Yantang. Lúc còn làm phó xã trưởng ông Deng Suilong có một số kế hoạch sửa sang đường sá cho xã Shangdeng nhưng không chịu đút lót tiền cho chi bộ đảng quận nên không được quận ủy cấp ngân khoản cần thiết. Trong cuộc bầu cử viên chức xã ấp lại đầu năm 2000 ông Deng Suilong đắc cử nhưng đảng ủy quận Yantang cho rằng cuộc bầu cử bất hợp lệ và Deng Suilong bị loại. Trước sự bất công, ông Deng Silong tức giận công khai mắng nhiếc tổ chức đảng quận Yantang. Và công an quận trả thù đánh chết ông trong đêm ông bị bắt chở thuốc lá lậu.

          Dân chúng bất mãn kéo tới bao vây và đập phá cơ sở đảng tại Yantang, và khi ông quận ủy Liu Tangxiong đưa công an đến can thiệp ông bị dân chúng đánh gãy răng. Chiều ngày 30 tháng 8 một đoàn xe chở công an trang bị vũ khí, gậy gộc và thuẫn đến nơi, nhưng có khoảng 200 thanh niên bất chấp nguy hiểm kéo đến bao vây đoàn công an. Trước khí thế của dân và vì không có lệnh trên, đoàn công an rút lui có trật tự.

          Sau đó để thoa dịu dân chúng chính quyền Trung quốc đã bồi thường cho hai gia đình ông Deng Jianlan và Deng Silong mỗi gia đình hơn 20,000 mỹ kim, một số tiền khá lớn đối với một gia đình nông dân, và khuyên bỏ qua nội vụ để duy trì ổn định.

          Vụ việc tại Yantang chỉ là một vụ trong hằng ngàn vụ dân chúng bất mãn xẩy ra tại Trung quốc. Tài liệu của bộ công an Trung quốc ước lượng rằng trong 6 tháng đầu năm 2005 có ít nhất là 1.800 công an bị dân chúng tấn công vì bất mãn, và theo tờ Nhân Dân cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung quốc trong số  đó có 23 công an tử nạn. Các tài liệu khác cho thấy trên toàn quốc năm 1994 có 10.000 vụ dân biểu lộ bất mãn, năm 2004 có 74.000 vụ và số người dân tham dự lên đến 3 triệu 760 ngàn người. Nguyên nhân của những vụ đối đầu giữa dân chúng và nhân viên công lực thường liên quan đến sự chiếm hữu đất đai. Dưới chế độ cộng sản đất thuộc nhà nước nên chính phủ có quyền sung công dựa vào nhu cầu cần đất để phát triển kinh tế mà không bồi thường thỏa đáng vì tham nhũng. Cũng có nhiều trường hợp, sau khi sung công, qua một thủ tục giấy tờ lắt léo biến đất đai của dân thành tài sản riêng của người cầm quyền.

          Vụ dân chúng nổi giận đập phá cơ sở đảng và đánh đập đảng viên cấp ủy tại Yantang đã làm cho chính quyền Bắc Kinh lo sợ đưa đến vụ đàn áp ngày 6 tháng 12 tại làng Đông châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Theo tin tức, nông dân làng Đông Châu bị chiếm hữu đất để xây dựng một nhà máy điện, nhưng tiền bồi thường không xứng. Khi hằng trăm nông dân kéo đến nơi xây cất để đòi tiền bồi thường thì đối diện với lực lượng công an vũ trang. Lần này rút kinh nghiệm vụ Yantang hơn ba tháng trước đó, hình như công an vũ trang đã được lệnh và nổ súng khi dân chúng bắt đầu có thái độ đòi hỏi cứng rắn.

Dân nói công an nổ súng làm chết ít nhất 20 người. Nguồn tin của chính quyền nói là dân đã de dọa sự an toàn của lực lượng công an nên lực lượng này nổ súng để tự vệ và ba nông dân bị giết.

          Tai nạn này được chính quyền trung ương tại Bắc Kinh quan tâm giải quyết,và giải quyết một cách có bài bản. Lúc đầu Bắc Kinh tuyên bố lực lượng công an đã hành động để tái lập an ninh là đúng. Nhưng vài hôm sau Bắc Kinh cho biết viên sĩ quan công an chỉ huy tại chỗ đã phản ứng không thích đáng gây ra thiệt hại nhân mạng vô ích và sẽ bị đưa ra tòa. Như thông lệ tại các nước cộng sản, ai cũng đoán biết viên sĩ quan này sẽ được chuyển qua một địa phương khác và sẽ giữ một chức vụ quan trọng hơn.

          Thái độ của Bắc Kinh cho thấy vụ công an bắn người tại làng Đông Châu là một chính sách trung ương để chận đứng những vụ bất mãn của nhân dân bộc phát bằng hành động. Bắc kinh sẵn sàng bồi thường và nói là sẽ trừng phát những người có trách nhiệm cũng nằm trong chính sách thoa dịu sự công phẫn của dân vừa tránh sự lên án của thế giới. Trung quốc đã có kinh nghiệm về hậu quả của cuộc đàn áp Thiên An Môn tháng 6 năm 1989 mà cho đến giờ này vẫn còn lòng thòng qua lệnh cấm bán vũ khí hiện đại cho Trung quốc của Liên hiệp quốc.

          Và như một thông lệ cái gì có tại Trung quốc sẽ có tại Việt Nam. Nhưng lần này chính quyền Hà Nội đi trước Bắc Kinh một bước. Ba ngày sau vụ Đông Châu, sáng ngày 9 tháng 12 tại thủ đô Hà nội một đoàn xe chở 60 công an cùng với xe hốt rác đột ngột kéo tới vườn hoa Mai Xuân Thưởng bắt tất cả những ai tụ tập tại đó bất chấp đàn bà con nít và các cụ già, và vất bỏ tất cả đồ đoàn của bà con lên xe rác. Số đồng bào tụ tập tại đó vốn là những người đến để đòi hỏi chính quyền giải quyết các vụ oan ức chồng chất của họ như chiếm đất, xử án oan, cường quyền o ép … Và có người quá thất vọng vì chờ đợi trong nhiều năm không được giải quyết như bà Phạm Thị Trung Thu 47 tuổi gốc Đà Lạt đã tẩm xăng tự thiêu tại Hà Nội ngày 29/9/2005. Những người về Hà Nội khiếu kiện giúp đỡ che chở nhau sống tạm qua ngày tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Đối diện với vườn hoa là nhà tiếp dân trung ương.

Theo báo cáo chính thức của chính quyền Hà Nội trong năm 2004 có  81,329 vụ khiếu nại và tố cáo của dân liên quan đến những oan ức trong lĩnh vực hành chánh, tư pháp và đặc biệt là chiếm hữu đất đai. Chỉ riêng trong tháng 8 năm 2005 có 17,400 đơn khiếu nại về đất đai.

Hành động của công an Hà Nội cho thấy đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu lo ngại những người dân khiếu kiện tụ tập tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng có thể theo chân của dân chúng nước bạn ở Yantang và Đông Châu thách thức chính quyền.

          Ba sự việc ở ba địa danh khác nhau, nhưng quan hệ chặc chẽ với nhau. Một Nhà nước độc quyền sinh ra tham nhũng. Tham nhũng tạo bất công. Bất công tạo ra bất mãn. Bất mãn đưa đến bạo động. Chính quyền đàn áp, máu chảy và cách mạng bùng lên. Cái tiến trình có tính tất yếu đó đã từng xẩy ra trong lịch sử loài người từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. Lần  này nó chưa diễn ra hết nhưng sẽ diễn ra, ngoại trừ chính quyền giải quyết những nổi bất mãn và những oan ức của dân.

          Giải quyết cách nào? Đó sự lựa chọn của người cầm quyền.



Trần Bình Nam

December  21, 2005

binhnam@sbcglobal.net

http://www.tranbinhnam.com



Tài liệu tham khảo:

1.     “The people’s rage”, của Edward Cody, The Washington Post National Weekly Edition  Dec. 12 – 18, 2005

2.     “A demo turns bloody”, The Economist December 17 -23, 2005

3.     www.doi-thoai.com , tin tức trong tháng 10, 2005, ngày 11.

4.     Bản Tường Trình ngày 12/12/2005 của “Nhóm phóng viên thời sự” tỉnh Thái Bình gồm Võ Quế Dương, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Thị Hiền & Phạm Xuân Mai ghi.




NGUYỄN THIÊN THỤ * PHỤ NỮ TÂN VĂN

 Phụ Nữ Tân Văn (1929- 1939)
Nguyễn Thiên Thụ
 

I. Sự thành lập
Như tên gọi, Phụ Nữ Tân Văn là một tạp chí của phụ nữ. Trước đó, tờ Nữ Giới Chung (1-2-1918 đến 19-7-1918) của một người Pháp tên là Henri Blaquière, giao cho bà Sương Nguyệt Anh, con gái Nguyễn Đình Chiểu làm chủ bút, nhưng không tồn tại lâu dài.
Phụ Nữ Tân Văn là một tuần báo ra ngày thứ năm, số đầu tiên ra ngày 2-5-1929 tại Sài gòn, và đình bản theo nghị định ngày 20-12-1939 vì tội mạ lỵ ông Bùi Quang Chiêu về việc ông dính líu mật thiết với nhóm thực dân cá mập Homberg.[1]
Phụ Nữ Tân Văn ra đời vào lúc nam bắc đã có những đổi thay lớn về báo chí. Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh có nội dung súc tính, là một tờ báo có tính cách bác học; Đông Tây của
Hoàng Tích Chu là một đổi thay toàn diện từ hình thức đến nội dung. Trong Nam, tờ Thần Chung của Diệp Văn Kỳ được đông đảo độc giả ủng hộ.
Phụ Nữ Tân Văn có cách trình gọn gàng, ngoài bìa có hình ba cô gái Trung Nam Bắc với câu:
Phấn son tô điểm sơn hà,
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam.
Ngay trong số đầu tiên, Phụ Nữ Tân Văn đã nêu lên mục đích của tờ báo là đề cập đến những vấn đề liên quan đến phụ nữ,vai trò và trách nhiệm của phụ nữ trong xã hội. Phụ Nữ Tân Văn có những mục thường xuyên như sau:
< style="font-family: vps helv;">1. Thời sự
2. Vấn đề giải phóng phụ nữ.
3. Phụ nữ và gia đình (gia chánh)4.
4. Vệ sinh, khoa học
5. Tiểu thuyết
6. Nhi đồng
Chủ nhiệm là bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ bút là Đào Trinh Nhất. Phụ Nữ Tân Văn là một sự phối hợp giữa các nhà văn Bắc Nam Trung.
Theo Nguyễn Tấn Long, năm 1935, Hồ Văn Hảo cộng tác với Cao Văn Chánh tục bản PNTV, nhưng sau cũng bị đóng cửa vì những bài đả kích Phạm Quỳnh (VNTNTC 2, 91).
ii. các yếu nhân
1. NGUYỄN ĐỨC NHU

N (1900-1968)
Tại Sàigòn, có ba ông Nguyễn Đức Nhuận: Ông Nguyễn Đức Nhuận thứ nhất, hiệu Phú Đức, nhà văn nổi tiếng về tiểu thuyết kiếm hiệp; ôngNguyễn Đức Nhuận thừ hai là nhà thơ, nhà báo, hiệu Bút Trà, chủ nhiệm tờ Sài gòn, sau đổi thành Sài gòn mới. Ông Nguyễn Đức Nhuận thứ ba là chủ nhiệm Phụ Nữ Tân Văn. Hai ông bà đều hoạt động báo chí.
2.ĐàO TRINH NHẤT(1900-1951)
Ông là con trai của Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ. Đào Trinh Nhất tự Quán Chi, với nhiều bút hiệu Tinh Vệ, Vô Nhị, Nam Chúc, Hồng Phong, Hău Đình, Viên Nạp. . . Ông sinh tại Thuận Hóa (Huế), sau ngụ tại xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Khoảng 1925, ông du học tại Pháp, đến 1929 về Sàigòn. Chính ông có sáng kiến mở đầu việc làm báo Xuân tại Việt Nam với Đuốc Nhà Nam Xuân 1934. Suốt đời ông theo đuổi nghề báo, đã vào Nam ra Bắc, cộng tác với nhiều tờ báo và làm chủ bút như Thực Nghiệp Dân Báo, Hữu Thanh, Trung Hòa Nhật Báo, Phụ Nữ Tân Văn, Thần Chung, Đuốc Nhà Nam, Mai, Trung Bắc Chủ Nhật, Cải Tạo. .
Ông mất ngày 18 tháng giêng năm tân mão tức 23-3-1951 tại Sàigòn, hưởng dương 52 tuổi, an táng tại nghĩa địa Hòa Hưng.
TÁC PHẨM
Thế Lực Khách Trú và Vấn Đề Di Dân vào Nam Kỳ.
Án Cao Đài
Nhật Bản Ba Mươi Năm Duy Tân
Việt Nam Tây Thuộc Sử
Phan Đình Phùng
Đông Kinh Nghĩa Thục
Đời Cách Mạng Phan Bội Châu
Việt Sử Giai Thoại
Lương Ngọc Quyến
Chu Tần Tinh Hoa
Vương Dương Minh
Vương An Thạch
Ông cũng là một tiểu thuyết gia viết truyện dài đăng trên Trung Bắc Chủ Nhật:
Cô Tư Hồng
Con Quỷ Phong Lưu
Lê Văn Khôi
Bùi Thị Xuân
3.PHAN KHÔI
Ông là một nhà cựu học, có tinh thần cách mạng, từng gây nên những cuộc tranh luận trên văn đàn (Sẽ trình bày chi tiết ở phần Thơ mới sau đây, và quyển Văn Học Hiện Đại).
4.BỬU ĐÌNH
Một nhà cách mạng, ngồi tù Côn Đảo, chuyên viết tiểu thuyết.
5.NGUYỄN THị KIÊM
Nguyễn Thị Kiêm, bút hiệu Manh Manh, sinh năm 1914 tại Gò Công. Thân phụ bà là ông Nguyễn Đình Trị, làm tri huyện, cũng là một văn gia thời bấy bấy giò. Nguyễn Thị Kiêm học trường Áo Tím (Gia Long) Sàgon. Sau khi đỗ bằng Thành Chung, bà làm phóng viên báo chí, ra sức cổ võ cho thơ mới
(sẽ trình bày rõ hơn ở thiên Thi Ca)
III.thành tích của PHụ nữ tân văn
Thành tựu lớn lao nhất của PNTV là về văn học. Đây là một tờ báo tụ họp nhiều nhân tài nkhắp ba niền Bắc Trung Nam.
1.CHÍNH TRị
PNTV đã nhiều lần công kích thực dân và quan lại nên bị đóng cửa. Chúng ta không có tài liệu về vụ PNTV công kích Bùi Quang Chiêu để hiểu rõ nội vụ như thế nào.
2.Xã HộI
PNTV đã khơi dậy phong trào giải phóng phụ nữ. Cô Nguyễn Thị Kiêm, bạn của bà Nguyễn Đức Nhuận, chủ nhiệm PNTV, cùng các bà Phan Văn Gia đòi nam nữ bình quyền. Cô cùng Nguyễn Thị Út hô hào nữ giới tập thể dục.
- Tại Hội Chợ do tuần báo PNTV tổ chức tại Sài gòn, từ 1 đến 7-5-1932 , cô Nguyễn Thị Kiêm diễn thuyết về nam nữ bình quyền.
- Tại hội Khuyến Học Sài Gòn đêm 26-7-1933, cô Nguyễn Thị Kiêm ứng khẩu diẽn thuyết tiếng rưỡi đồng hồ về ‘’ vận động phụ nữ’’, ‘’ giải phóng phụ nữ’’ khỏi xiềng xích của hủ tục.
- Lập hội Dục Anh để tiến tới mở viện Dục Anh nuôi trẻ mồ côi.
-Trợ cấp cho học sinh nghèo du học Pháp.
-Triển lãm nữ công
-Lập quán ăn xã hội
3.TIỂU THUYẾT
PNTV đã đăng nhiều truyện dài rất hấp dẫn ký tên B.Đ. như các truyện Cậu Tám Lọ, Mảnh Trăng Thu. B.Đ. tức Bửu Đình, cựu chủ bút tờ Tân Thế Kỷ là một tờ báo đối lập , đang bị ngồi tù Côn Đảo.
4.THI CA
Thành tựu lớn nhất của PNTV là thi ca. PNTV đã là nơi tập trung rất nhiều thi ca của các nhà thơ trong nước mà đa số là thơ cũ.Hơn nữa, một số thi ca trên PNTV rất có giá trị.
Trên Phụ Nữ Tân Văn PNTV 9, 27-6-1929, chúng ta thấy có bài Chơi vườn Bách thú của nữ sĩ Băng Tâm(?) là một bức họa mô tả rõ rệt và đầy đủ thực trạng xã hội Việt Nam thời Pháp thuộc, từ bọn thực dân và tay sai cho đến hạng cùng đinh:
Dưới bóng cây xanh đủ mọi chuồng
Mỗi chuồng nhốt một thứ chim muông.
Kìa trông vua hổ no nằm ngủ,
Nọ ngắm đàn hươu đói chạy cuồng.
Lũ khỉ được no bày lắm lối,
Đàn chim lên giọng hót ra tuồng.
Lại vài chị sói, dăm anh gấu,
Hì hục tranh nhau một miếng xương.
Bài thơ Khuê phụ thán , Tục Khuê phụ thán của Thượng Tân Thị viết về hai vua Thành Thái, Duy Tân đã gây nên một phong trào xướng họa và tranh luận.
Uả này chồng! ũa này con!
Duyên nợ chi xui cuộc chẳng tròn.
Kẻ ở một mình đau chín khúc,
Người đi muôn dặm cách nghìn non.
Ôm lòng biển Ấn trông mù mịt,
Ngóng cổ trời Phi ngó vót von.
Chua xót nỗi này ai có thấu?
Xương mai ngày tháng luống hao mòn.
II
Hao mòn thân xác chỉn lo âu,
Sống thác quê người có biết đâu.
Nước cũ dẫu còn khôn nuốt thảm,
Biển cừu chưa lấp dễ nguôi sầu.
Lưới thưa mở đặng chăng thì mở,
Phận mỏng dù may rủi mặc dầu.
Lưỡng lự ra vào trăng đã xế,
Đồng hồ tích tắc suốt đêm thâu. . .
(Khuê phụ thán)
Những bài thơ trên là những bài thơ hay, nhưng lúc bấy giờ trên các báo kể cả Nam Phong và Phụ Nữ Tân Văn, đa số mang tính cách khuôn sáo. Các thi sĩ phần đông mang cái tật không đau mà rên, không sầu mà khóc.Hễ cầm bút là than thở, buồn bã và khóc lóc. Trịnh Đình Rư trong bài Văn thơ với nữ giới đăng trên PNTV số 14, 1-8-1929 đã phê bình một số thơ ca thời ấy như sau:
Có cô thi Thành Chung không đău mà đến phát ra rằng:
Đêm khuya hiu hắt canh tàn,
Trời hây hây gió , lòng man mác sầu.
Trông về cố quận thấy đâu,
Bên trời góc bể ai sầu hơn ta?
Cùng là:
Kiếp hồng nhan đã long đong,
Khắt khe riêng giận cho ông thợ trời!
thì lời văn dẫu hay song ý tưởng có phải là trần hủ vô cùng không? Ở đời may rủi là thường, thi hỏng thì về, việc chi mà sầu đến như thế? Vả nhân thi hỏng mới nhớ đền cố quận, mới than kiếp hồng nhan thì tầm thường quá lẽ! Có cô dạy học ở nơi xa, đêm thu nhớ nhà mà đến ngâm rằng:
Lạnh ngắt đêm thu nơi lữ xá,
Nhớ nhà gạt lụy suốt năm canh.
thì văn càng sầu thảm quá! Nhớ nhà thì buồn là cùng, can chi mà khóc! Khóc đến suốt năm canh thì cái khóc cũng kỳ thay!
Quan trọng nhất là việc Phan Khôi khởi xướng thơ mới trên PNTV đã gây nên một cuộc cách mạng trong thi ca Việt Nam.Trên Phụ Nữ Tân Văn số 122, ngày 10-3-1932, Phan Khôi đã đăng bài báo như sau:
MộT lối thơ mớI trình chánh giữa làng thơ
Mới đây, tôi có gặp ông Phạm Quỳnh ở Sài gòn, trong khi nói chuyện, ông nhắc đến mấy bài Trúc chi từ của tôi đã làm trên Sông Hương khi gặp ngườI bạn cũ là ông Nguyễn Bá Trác ở ngoại quốc mới về ;ông Phạm tỏ ý khen mấy bài đó và nói chính mình đã dịch nó ra tiếng Pháp. Sau hết ông khuyên tôi nên giữ cái thái độ ngâm thơ như hồi đó thì hơn.
Lời khuyên của ông Phạm đó, dầu có nói giỡn đi chăng nữa, đối vớI tôi phải nhìn là có ý nghĩa. Nhưng sau khi nghe lời ấy, tôi chỉ có thể gật đầu mà làm thinh không dám vội vàng tỏ ra mình đã vui lòng lãnh giáo. Vì con người ta mà muốn thay đổi cách sinh hoạt về tinh thần lại còn khó hơn chánh phủ thay đổi chế độ giáo dục hay chế độ nấu rượu nữa mà không phải việc chơi đâu mà hấp tấp. Duy có nghe lời đó mà tôi nhớ sực lại sự làm thơ. Thật, cái động cơ khiến viết bài này là chính ở mấy lời của ông vậy.
Ông Phạm bảo tôi nên lấy thái độ ngâm thơ hồi trước. Trong đó tỏ rằng bấy lâu tôi đã bỏ mất hay đã đổi cái thái độ ấy đi nghĩa là bấy lâu nay tôi không ngâm thơ. Mà quả thế, gần mười năm nay tôi không có bài thơ nào hết, thơ bằng chữ gì cũng không có.
Trước kia, tôi dầu không có tên tuổi trong làng thơ như ông Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tuấn Khải, song ít ra trong một năm, tôi cũng có được dăm bảy bài, hoặc bằng chữ hán, hoặc bằng nôm. Mà năm bảy bài của tôi, không phải là nói phách, đều là dăm bảy bài nghe được.Vậy mà gần năm mươi năm nay, mót lắm chỉ được một vài bài mà thôi, thời kể như không có.
Xin thú thực với mấy ông thợ thơ, không có không phải tại tôi không muốn làm nhưng tại tôi làm không được! Vậy thì hiện nay, đừng nói tôi không chịu nhận lời khuyên của ông Phạm, dầu tôi nhận đi nữa mà tôi không còn làm thơ được, thì ông mới xử trí cho tôi làm sao? Đó chính là ở cái vấn đề ở đó rồi.
Lâu nay, mỗi khi có hứng, tôi toan giở ra ngâm vịnh thì cái hồn thơ nó lúng túng! Thơ chữ Hán ư? Thì có ông Lý, ông Đỗ, ông Bạch, ông Tô choán trong đầu tôi rồi. Thơ nôm ư? Thì cụ Tiên Điền, bà huyện Thanh Quan đè ngang ngực, làm cho tôi thở không ra. Cái ý nào mình muốn nói, lại nói ra được nữa thì đọc di đọc lại, nghe như họ đã nói rồi. Cái ý nào họ chưa nói, mình muốn nói ra thì bị những niêm, những vận, những luật bó buộc mà nói không được! Té ra mình cứ loanh quanh luẩn quẩn trong lòng bàn tay của họ hoài, thật là dễ tức!
Duy tân đi! Cải lương đi!. . .
( bị bỏ một đoạn dài)
. . . . . . . . . . . .
(xin xem thêm Thiên Thi Ca).
Ở Trung, Lưu Trọng hưởng ứng; ngoài Bắc, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nhất Linh, Đoàn Phú Tứ, Phạm Huy Thông nhất loạt theo gót; và trong Nam, Nguyễn Thị Kiêm đã lên diễn đàn cỏ võ thơ mới, và sáng tác những bài thơ mới đầu tiên, đồng thời tạo nên những cuộc tranh luận về thơ mới và sáng tác thơ mới trên PNTV. Những thi sĩ mới đã xuất hiện đồng thời với Manh Manh trên PNTV rất nhiều như Hồ Văn Hảo, Ba Tiêu, Khắc Minh, Khổng Tuyên, Thiết Mai, Hoàng Xuân Mộng, Minh Tâm, Nguyễn Nhiều, Vân Đài, Vi Ngã. . . PNTV cũng như Phong Hóa đã đóng góp nhiều công lao vào công cuộc xây dựng thơ mới.
PNTV số 210, ngày 3-8-1933 đã đăng bài bình luận có lẽ là của bà chủ nhiệm về cuộc diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm như sau:
ĐÁP L[1]I MộT CUộC BÚT CHIẾN
Cô Nguyễn Thị Kiêm đã diễn thuyết ở hội Khuyến học Sàigòn về lối thơ mơi.
Tất cả các bạn đọc có xem qua cuộc bút chiến to tát của vài tở báo đối với thơ mới đăng ở Phụ Nữ Tân Văn sẽ nhận được ý nghĩa cuộc diễn thuyết này.
Vài năm nay, đành rằng vẫn có nhiều người bảo phải bỏ những khouon khổ cũ trong thi ca An Nam, vì nó không còn thích hợp với tình tứ và tư tưởng của thi sĩ đời nay là đời điễn khí.
Có người cũng đã bắt chước lối Tây hay tự bày ra lốimớI để làm thửmột hai bài thơ.
Nhưng thật ra, chưa có thi sĩ nào dạn dĩ bước hẳn vào con đường mới, không quản sự mai mỉa của nhiều người thủ cựu.
Không ai có thể cãi rằng cô Nguyễn Thị Manh Manh đã đem lại thi cảm thật mà đặt vào khuôn khổ mới, tỏ ra là một tân nhân vật chịu ảnh hưởng trực tiếp của thơ Tây.
Người nào chịu bỏ thiên kiến, không kể những lời chế giễu quá dễ dàng của vài ông túng ‘’ câu chuyện hàng ngày’’, người nào có huấn luyện về văn thơ, người nào chịu khó suy nghĩ trong khi đọc, tất nhận được thi cảm trong những bài thơ mới của cô Nguyễn, và đã tự hiểu rằng: tình tứ mới cần diễn ra trong khuôn khổ mới.
Không những thế, ai hay suy xét tất đã nhận rằng người đời nay dầu tinh tứ với tư tưởng khác xưa đến thế nào, mà hễ đặt mình trong khuôn khổ thơ nhà Đường thì rồi đến cũng lập mãi những câu sáo: non sông,hồ thỉ, tang bồng, giai nhân tài tử v.v.. .như cổ nhân.Về thời đại xưa khuôn khổ ấy vốn thích hợp cho nên có thể sinh ra thi sĩ hay đặng. Ngày nay mọi đường kinh tế và chánh trị đã biến đổi dữ, ai giam mình trong bốn vách nhà Đường tất là hy sanh cái thi tài của mình một cách rất đáng tiếc, vì không ích gì cả.
Cô Nguyễn đã tỏ ra quan niệm mới đối với thơ vần; cô lại là người có thi cảm cho nên sự sáng kiến của cô có ảnh hưởng và nhơn đó mà sinh ra bất tiện cho cô. Ta cứ xem cuộc bút chiến to lớn phi thường về thơ mới thì đủ biết.
Người thi sĩ của báo PNTV đối phó với sức phản động ra thế nào?
Cô đã đăng đàn diễn thuyết để đáp lại những lời chỉ trích; cô đã tỏ ra nghị lực phấn đãu một cách rõ rệt.
Thái độ của bạn này sẽ có ảnh hưởng hay cho vận động phụ nữ; bạn đàn bà có thể tự phụ vì cô Nguyễn đã dạn dĩ phấn đãu như thế! Chúng tôi xin chị em lưu ý tới thái độ của ban biên tập chỉ là vì cơ vận động phụ nữ; chúng tôi nêu việc này ở mục xã thuyết là vì cái ảnh hưởng của nó đối với trào lưu phụ nữ, chớ không phải vì nhà diễn thuyết là bạn của chúng tôi đâu.
Chị em đọc báo tất đã nhận chủ tâm của chúng tôi.
Nhơn cuộc dieên thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm đêm thứ tư tuần rồi, chị em sẽ phát triển năng lực phấn đãu hơn nữa.
Gương một bạn nữ lưu cổi được xiềng xích của hủ tục mà mãnh tiến trên đường phấn đãu sẽ làm cho các bạn đều suy nghĩ.Từ nay trong lịch sử của cuộc vận động phụ nữ nước ta lại ghi thêm một việc đáng ghi: tức là việc một người thiếu nữ đã dám chọi với sức phản động một cách rất quả quyết.
Cử động của cô Nguyễn sẽ không phải là vô ích. . .Trong các phạm vi khác, cũng như trong văn giới, chị em sẽ đáp chuông với người thiếu nữ hoạt động.
PNTV
Một số báo thường có óc bè phái. PNTV thì không thế. PNTV kết hợp các nhà văn, nhà thơ ba miền cho nên được độc giả toàn quốc hâm mộ. PNTV số Xuân 1934 đã đăng bài của Tản Đà châm biếm Phan Khôi và chỉ trích thơ mới.
THƠ MỚI
Từ khi Lý Bạch chết, thiên hạ không chuộng thơ mà thơ kém hay. BởI thế mới có Phan tiên sinh ra đời.
Từ khi Bá Nha chết, thiên hạ không chuộng đờn, mà đờn kém hay. Bởi thế mà có Quách tiên sinh ra đời.
Phan tiên sinh cải lương về nghề thơ, ở đời chưa gặp ai tri kỷ.
Quách tiên sinh cải lương về nghề đờn, ở đời chưa gặp ai tri âm.
Một hôm kỳ ngộ duyên may, hai tiên sinh gặp gỡ..
Trong một nhà ở phố Khâm Thiên, Phan đương nằm hút ở trên gác, bỗng nghe có tiếng đờn nẩy, nhận lâu rất thấy khác thường:tiếng đờn thưt hay mà như không có cung bực. Do bụng hoài nghi, Phan tiên sinh bước xuống bực thang ngó thử coi, thấy ngườI nẩy đờn đó chừng cũng là một du tử,mà coi ra có vẻ cao nhân; nhân bước xuống thang, làm quen nói chuyện chơi. Người đó là ai? Tức là Quách tiên sinh vậy. Rồi đó, Quách tiên sinh nói chuyện đờn, Phan tiue6 sinh nói chuyện thơ.
Rôi Quách đờn một chập, Phan thơ một hồi.
Rồi Quách lại đờn, Phan lại thơ.
Rồi Phan, Quách lại chuyện thơ, chuyện đờn.
Cái thú gặp tri kỷ, khó bút mực nào vẽ cho hết.
‘’Chị chở đò’’ nguyên là một tay tài tình, văn thơ âm nhạc de6đu có hiểu qua; nhân bàng quan một cuộc cầm thi, cũng cảm tác một bài ‘’thơ mới’’:
Đờn là đờn
Thơ là thơ
Thơ thời có chữ, dờn có tơ
Nếu không phá cách vứt điệu luật
Khó cho.thiên hạ đến bao giờ!
Bá Nha xa,
Lý Bạch khuất.
Thơ có họ Phan, đàn họ Quách.
Thơ có chữ
Đờn có tơ.
Đờn thời ngơ ngẩn, thơ vẩn vơ.
Tài tử văn nhân nhường rứa rứa.
Bút huê ngao ngán bận đề thơ.
Tản Đà
Cũng như Phong Hóa, PNTV là trung tâm sáng tạo thơ mới ngay tự buổi đầu. Người đi tiên phong là Phan Khôi, Nguyễn Thị Kiêm, Hồ Văn Hảo và nhiều khuôn mặt trẻ.
HAI CÔ THIẾU N
Nguyễn thị Manh Manh
Hai cô thiếu nữ đi ra đồng
(Một cô ở chợ,một cô ở đồng)
Hai cô thiếu nữ đi ra đồng
Một mảnh lụa hồng, một vóc vải đen.
Hai cô rủ nhau đi xuống đầm,
Cô đi chân không, cô đi dép đầm.
Hai cô rủ nhau đi xuống đầm
Bóng lụa hồng tách bóng vải thâm.
Mỗi người tay xách một giỏ mây,
Băng đi tha thướt dưới bóng nhành cây.
Mỗi người tay xách một giỏ mây,
Cô này bắt cá, cô này hái hoa.
Rồi lại rủ nhau đi về,
Một cô nhẹ nhàng, một cô nặng nề.
Rồi lại rủ nhau đi về,
Giỏ cá cũng gần kề giỏ bông.
Gặp bà lão khóc dựa bên đường
Hai cô mới ngừng đeê hỏi tỏ tường.
Gặp bà lão khóc dựa bên đường
Nghe tỏ tường, cả hai động lòng thương.
Bà kia còn ba mụn cháu thơ
Mồ côi cha mẹ, cùng bà bơ vơ.
Bà kia còn ba mụn cháu thơ
Nhà tranh hết gạo biết nhờ cậy ai?
. . . . . . .
. . . . . . . .
Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng,
Cô ở đồng bay nhẹ bổng tấm lòng,
Hai cô thiếu nữ đi khỏi đồng,
Cô áo hồng mang nặng cái giõ bông.
(PNTV ,1933)
VẦN THƠ B[1]N TRẺ
Hồ Văn Hảo
Tôi thích tuổi thơ trẻ
Vì tuổi hay vui cười.
Trông miệng như hoa tươi,
Lòng tôi thấy vui vẻ.
Các bạn không biết nghiêm.
Tính ngây thơ chất phác,
Các bạn như dđàn chim
Chuyền trện cành ca hát.
Muốn được như các bạn,
Sống quảng đời tỏ rạng,
Và ca mãi ngày xuân.
Tôi hát trong mấy vần
Thơ , mong bạn sẽ hở
Nụ cười như hoa nở
(PNTV số 266, 15-11-1933)
XUÂN SANG
Mme Vân Đài
Chị em ơi!
Nhìn thử coi, cảnh xuân sang đẹp đẽ,
Bóng thiều quang chói sáng khắp non sông
Trăm hoa tươi, cười cợt với gió đông.
Khoe nhan sắc vẻ tân hồng tươi tốt,
Trên cành chim,oanh líu lo vui hót,
Lả lơimàu liễu lục thướt tha đưa
Phô màu xanh lá biếc thướt tha đưa.
Phô màu xanh lá biếc tự năm xưa,
Đã trót hẹn với Xuân năm ngoái đến,
Rờn rợn sông Xuân dòng nước biếc,
Gió xa đưa lớp sóng râp rớn mây.
Lòng yêu Xuân, tôi như dại như ngây,
Tôi thầm nghĩ lúc Xuân về mà tiếc.
Rồi tuổi xanh tôi cũng dần dần dần hết.
Với ngày Xuân thấp thoáng bóng trời chiều.
Lòng nhủ lòng to nhỏ một hai điều.
Sống êm ái như cảnh Xuân đầm ấm.
Hãy cùng người chen lấn,
Cạnh tranh lên cõi sống an nhàn,
Dắt nhau tìm hạnh phúc an toàn,
Ngày vui thú, Xuân về không cómấy.
(PNTV số Xuân 1934)
NHỚ B[1]N
Minh Tâm
TrờI thu bảng lảng bóng tà huân,
Tả tơi lá vàng rụng đày sân.
Theo làn gió hắt hiu khiến lòng này tưởng nhớ.
Tới bạn thơ ngàn trùng cách trở.
Mà hồn ta vẫn theo bên,
Bạn ơi ta chẳng bao quên,
Cái vẻ dịu dàng, cái tình của bạn
. . . . . . . .
. . . . . . . .
Của cái tỉnh bè bạn tinh thần
Nó như gương trong chẳng chút bụi trần.
(PNTV số 267, ngày 22-11-1934)
TUỔI TRẺ NÊN VUI
Vi Ngã
Nếu niên thiếu chỉ là một đoạn,
Trong thời gian vô hạn vô cùng.
Nếu tuổi xanh là lúc rạng đông,
Tươi tốt tựa muôn hồng nghìn tía.
Thì can chi lại đem lòng yếm thế
Mà cho cuộc đời là bể khổ trầm luân.
. . . . . . . .
. . . . . . . .
Đường gian nan chớ chồn chân ngại bước,
Vẫn tươi cười mà dấn bước đi mau.
Can chi ủ rủ âu sầu!
(PNTV số 268 ngày 29-11-1934)
Phụ Nữ Tân Văn tồn tại mười năm là một kỷ lục khá cao của báo chí Việt Nam. Phụ Nữ Tân Văn đã lập được nhiều thành tích to lớn, đặc biệt về văn học Việt Nam cũng như về xã hội. Trên tạp chí Phổ Thông số 13 ngày 15-6-1959, Thiếu Sơn viết bài Một đời người, luận về Phụ Nữ Tân Văn như sau:
Tên của tờ báo là nhằm vào ‘’phái yếu’’ nhưng khi đọc qua, mọi người đều hài lòng, tìm được những bài bổ ích, mặc dầu nội dung không đề cập tới những sinh hoạt chính trị trong nước. Nếu so sánh với hai tờ báokhác ở Nam kỳ là Đông Pháp Thời Báo hoặc Thần Chung thì Phụ Nữ Tân Văn. Có đường lối ôn hòa, tuy nhiên, nếu so vớI báo chí ở Bắc Kỳ thì nó lại tương đối tiến bộ hơn.Bởi vậy nó thu hút được một số độc giả ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Khi cuộc khởi nghĩa Yên Báy nổ bùng, tiếp theo đó là phiên họp của Hội Đồng Đề Hình lên án tử hình các nhà cách mạng thì độc giả ở Bắc Kỳ lại phải tìm Phụ Nữ Tân Văn để đọc, để tìm vài bài bình luận chánh trị viết khéo léo,, thúc đảy dân chúng nên đứng về lập trường của những chiến sĩ đã hy sinh cho Tổ Quốc. Báo chí ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ làm sao có thể đăng tải những bài tương tự -- vì thực dân không cho phép- - (Trích Huỳnh Văn Tòng, 175).
(văn học quốc ngữ)
nguyễn thiên thụ


Thư Tich
Bùi Đức Tịnh. Phần Đóng Góp Của Văn Học Miền Nam: Những Bước Khởi Đầu
của Báo Chí, Tiểu Thuyết và Thơ Mới. Lửa Thiêng, Sài gòn, 1975.
Huỳnh Văn Tòng Lịch Sử Báo Chí Việt Nam. Trí Đăng. Saigon, 1973.
Tạp Chí Phu Nữ Tân Văn.
> Tế Xuyên. Nghề Viết Báo.Khai Trí, Saigon,1968,32.Trích Huỳnh Văn Tòng, 176.
  



 

No comments:

Post a Comment