Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Thursday, 15 December 2016

NGUYỄN THIÊN THỤ=TRẦN THỊ BÔNG GIẤY= HỒ TRƯỜNG AN=NGÔ ĐÌNH DIỆM

NGUYỄN THIÊN THỤ * VĂN HÓA ĐÔNG PHƯƠNG


VĂN HÓA ĐÔNG PHƯƠNG


***
Từ thời Pháp thuộc, dân ta chia làm hai phái. Một phái hân hoan tiếp nhận nền văn hóa Pháp và khinh bỉ văn hóa truyền thống của nhân dân ta. Những người này gồm nhiều thành phần. Nhóm thứ nhất là những nho sĩ tiến bộ, như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi, Phan Kế Bính. Họ đã chịu chịu ảnh hưởng tư tưởng của cách mạng Pháp năm 1789, nhất là tư tưởng của Voltaire, J.J. Rousseau, và Montesquieu qua các tân thư và sách dịch Trung Quốc. Nhóm thứ hai là các nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Nhất Linh. Và nhóm thứ ba là những người cộng sản.

Một phái khác là những nho sĩ yêu nước, thủ cựu, chống Pháp, chống văn hóa Tây phương, trong đó có Trần Tế Xương, Tản Đà. Phái này yếu thế hơn, ở vào cảnh chiến bại.
Phái canh tân đã lập Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội, phong trào Duy tân, Quảng Nam nghĩa hội ở Trung kỳ. Họ đã truyền bá chữ quốc ngữ, hô hào cắt tóc ngắn, mang âu phục. Tại Nam Kỳ , các nhà cách mạng gồm các ông Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn An Khương. . .chủ trương thực nghiệp như lập hội đoàn buôn bán, kinh doanh, sản xuất thủ công và nông nghiệp. Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn là cơ sở của nhóm này ở Nam Kỳ .

Nhất Linh trong các tác phẩm như Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng. . . đã lên tiếng chống việc hôn nhân cưỡng bách, đòi nam nữ bình quyền, chống việc thủ tiết. . .và các tục lệ khác của Việt Nam.
Cộng sản với chủ trương tiêu diệt thương tầng kiến trúc cũ đã nhắm phá bỏ các phong tục cũ như cách ăn mặc, việc thờ cúng, tình gia đình. . .

Sau khi ra ngoại quốc, chúng ta chịu ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ.
Văn hóa Âu Mỹ có nhiều ưu điểm mà ta phải học tập:
+Giữ gìn vệ sinh, sạch sẽ
+Kỷ luật tự giác trong đó có việc xếp hàng chờ đơi, tôn trong người già, người bệnh, trẻ con và phụ nữ. ..


Ngoài ra, pháp luật nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ con.
+Cha mẹ không được đánh con trẻ
+Đàn ông không được đánh vợ, vợ cũng không được hành hung chồng.

Hai điều này thiết cũng hợp lý. Tại Việt Nam, chúng ta có tục lệ đánh con trẻ quá đáng với danh nghĩa "thương con cho roi cho vọt" . Và nhiều đàn ông có thói quen đánh vợ tàn nhẫn, và có thói " chồng chúa vợ tôi".
Pháp luật Âu Mỹ tôn trọng tự do và bình đẳng. Trong đời sống, nam nữ dễ dàng yêu đương và dễ dàng ly hôn. Người Việt Nam tại quốc nội và hải ngoại nay đang theo mốt ly dị.Việc này có phần tốt mà cũng có phần xấu.

Tuy nhiên, không phải người Á Đông nào cũng theo Âu Mỹ triệt để, và người Âu Mỹ nào cũng triệt để tự do, phóng túng.

+ Người Ấn Độ tôn trọng tình gia tộc và truyền thống cũ. Họ vẫn ăn mặc lối y phục cổ truyền, ra ngoại quốc, họ vẫn giữ truyền thống " lá lành đùm lá rách". Trong một gia đình ba người anh em, họ góp tiền cho người thứ nhất mua nhà, rối góp tiền mua nhà cho người thứ hai. Cứ như vậy cho đến khi mọi người có nhà cửa. Người Ấn Độ thuộc loại thông minh và thành công ở Âu Mỹ.


+ Chúng ta không vì quan niệm tự do mà không quản lý con em. Chúng ta phải theo dõi, góp ý kiến và khuyên dạy trẻ con. Gia đình Kennedy thành công vì bố mẹ Kennedy luôn đốc thúc các con phải quyết tâm làm tổng thống Mỹ. Người Việt Nam thành công là vì cha mẹ luôn thúc đẩy con chăm học, và cố gắng đỗ kỹ sư, bác sĩ. Như vậy, việc hướng dẫn con cái là một điều tốt bất cứ xã hội nào.
Tuy nhiên ,chúng ta cũng phải có chừng mực. Phải tuỳ khả năng và năng khiếu của con mình. Người Việt Nam hay bắt chước nhau. Người XHCN thích cho con gái học vũ Balê ,và cho con trai học piano cho giống Liên Xô ! Con cái nó không thích học y khoa, luật khoa tại sao lại bắt nó học học y, học luật trong khi nó thích học nhạc hay văn chương? Mình lo lắng nhưng con nó không thích, hoạc gặp đứa con ngang bướng, thì thôi cũng đành, chẳng nên vì thế mà than ngắn thở dài! Có lẽ mình cũng nên dung hòa, con cái trên 18 là do nó quyết định. Ta nên theo Phật bỏ ngã chấp và Tây phương để con cái tự do lựa chọn mặc dù mình đã hướng dẫn!

+Việc sống chung vợ chồng là một việc rất khó, đòi cả hai bên phải nhường nhịn và thông cảm lẫn nhau. Nếu hai bên thấy không thể kéo dài cuộc sống địa ngục thì nên chia tay là hơn. Tuy nhiên không phải việc gì cũng đưa nhau ra tòa án. Ông bà Clinton đều là luật sư nhưng họ có đưa nhau ra tòa và đòi ly dị như người Á Đông không? Rõ ràng là không. Có thể do nhiều lý do, nhưng trong đó là vì danh dự, vì tham mong ứng cử tổng thống mà bà Clinton đã nhịn. Dẫu sao, đó cũng là một gương tốt người Á Đông nên suy nghĩ!



Chúng ta có nhiều phong tục, tập quán xấu phải bỏ, nhất là những tập quán do công sản gây ra.. Có những tập quán tốt phải duy trì. Và có những phong tục cần dung hòa giữa Đông và Tây.

NGUYỄN THIÊN THỤ * GIÁO DỤC TỰ DO

unday, September 7, 2008


ĐƯỜNG LỐI GIÁO DỤC TỰ DO

==
Gĩữa quốc gia và cộng sản có nhiều điểm khác biệt nhau. Riêng bàn về giáo dục, chúng ta sẽ có nhiều vấn đề quan trọng, không biết phải viết bao ngàn trang giấy mới hết. Ở đây chúng tôi chỉ trình bày đôi nét sơ lược về tính tự do của nền giáo dục trong thế giới tự do.


Khi cộng sản tiếp thu miền Nam, tại đại học Văn Khoa Sài gon, một cán bộ cộng sản nhận xét rằng nền giáo dục đại học miền Nam yếu kém. Cả miền Nam không có một bộ sách giáo khoa đại học.


Thật vậy, ngoài Bắc, đảng lãnh đạo cho nên bất cứ ngành nghề nào cũng phải chịu sự kiểm soát của đảng. Người ta bảo dưới chế độ cộng sản, toàn quốc là một trại lính. Người ta mang đồng phục, đi đúng cùng một dáng điệu, miệng hô một khẩu hiệu, ăn uống giống nhau. Đảng cộng sản vạch kế hoạch năm năm, mười năm. Kết quả chủ trương nhảy vọt của Mao đã giết hàng triệu dân Trung quốc. Về giáo dục, đảng chọn sinh viên và quyết định các ngành nghề cho sinh viên. Con ông cháu cha thi vào đại học Y Dược hoặc kỹ sư, con em bá tánh bình dân thi đẩy qua sư Phạm. Trong chế độ Cộng sản, Sư Phạm là ngành bị khinh rẽ cho bên có câu ca dao bình dân:
Nhất Y, nhì Dược,
Bách Khoa tạm được,
Sư Phạm bỏ qua.



Phải thật lâu, sau 1980, đảng cộng sản mới để cho sinh viên chọn ngành nghề, và mở trường tư mặc dầu trường tư cũng là do cộng sản tổ chức, không phải do tư nhân như ở thế giới tự do. Ở các bậc tiểu học,trung học, cộng sản ra những sách giáo khoa, bắt các giáo viên phải thực hiện đúng từng câu, từng chữ và từng ngày giờ. Sách giáo khoa là pháp lệnh, không ai có quyền sửa chữa, cho dù thấy sai lầm. Vì vậy mà đề thi trong chế độ cộng sản thường là sai lầm.


Tại sao vậy? Tại vì đường lối vô sản chuyên chính. Vô sản chuyên chính nghĩa là phải giết hại, lừa dối và khủng bố, tước đoạt mọi tự do của con người, bắt con người trở thành nô lệ. Đường lối này chỉ làm khổ trí thức, hành hạ nhà giáo, làm ngu học sinh, chỉ cốt làm cho người dân luôn sống trong bất an và sợ hãi, và bọn ngu dốt trong đảng mặc sức hạnh họe với chính sách phê và tự phê và công an giáo dục, công an văn hóa. Thí dụ, khi dạy sử, nếu giáo viên nào dám đề cao Việt Nam quốc dân đảng đã có công trong việc chống Pháp, hoặc Mỹ có công lớn trong đệ nhị thế chiến là giáo viên đó sẽ bị tù về tội phản động. Vô sản chuyên chính là dùng kẻ dốt, kẻ tin cẩn hơn là tài đức. Trong chế độ quân chủ và tư bản, con cái các thành phần đều được tự do học hành và thi cử, và tiêu chuẩn chọn người là tài đức, trong khi cộng sản chủ trương “hồng hơn chuyên”.


Trong 1954, cải cách ruộng đất, họ đã giết, bỏ tù và sa thải các cán bộ thuộc giai cấp tư sản và điạ chủ từ trung ương xuống thôn xã . Rồi trong cải cách ruộng đất, họ giết một số nông dân và thương gia mà họ gán cho tội địa chủ và tư sản. Con cái địa chủ và tư sản không được học đến cấp hai, cấp ba. Chỉ con cái bần nông là vào đại học. Con cái bần nông 5, 6 điểm cũng vào được đại học, còn các thành phần khác phải đạt 16-18 điểm mới vào đại học.



Vì lấy người học kém, cho nên các bậc trí thức xã hội chủ nghĩa hầu hết là dốt. Thực ra, cách chọn người theo tiêu chuẩn “hồng hơn chuyên” và “ vô sản chuyên chính” cũïng chỉ là một cách buôn bán trong xã hội cộng sản. Thầy dốt dạy trò dốt, lưu truyền mãi thành trọng bệnh. Sau này, cộng sản muốn trí thức hóa vô sản, mở các lớp chuyên tu, bổ túc nâng một số chân tay thân tín hoặc vì hối lộ từ thợ thuyền lên kỹ sư và y tá lên bác sĩ. Kết quả là bác sĩ không viết nổi toa thuốc, hoặc cho thuốc thì chỉ quanh đi quẩn lại Vitamin B, hoặc Aspirin. Nhân dân gọi các trí thức xã hội chủ nghĩa là : “ dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”. Sau này, tham nhũng lan tràn, gian dối phổ biến, trong giáo dục, việc thi cử gian lận, mua bán bằng cấp từ phổ thông đến tiến sĩ phổ biến trong hàng ngũ đảng. Đó là do chính sách độc tài, vô sản chuyên chính và tham nhũng. Nói tóm lại, nền giáo dục cộng sản là nền giáo dục ngu dân và tham nhũng, không có lợi cho việc phát triển văn hóa, khoa học và đạo đức.



Thời Việt Nam cộng hòa, bộ giáo dục ra chương trình, nhưng các giáo viên có khá nhiều tự do. Họ có thể dạy bài này trước, bài kia sau, chú trọng bài này mà sơ lược bài kia. Thầy gíáo có thể cho học sinh đọc thêm những tài liệu không có trong chương trình. không nhất thiết phải đúng cùng một lúc. Thí dụ về môn Văn Chương Việt Nam, chương trình lớp 11 có Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương. Các thầy có thể day Nguyễn Khuyến, Trần Tếù Xương trước, Nguyễn Du sau.



Về Nguyễn Du thì dạy Kiều, ông thấy có thể trích giảng đoạn này hay đoạn kia. Tại sao vậy? Bộ giáo dục khi tuyển sinh viên vào trường Sư Phạm, hay tuyển giáo viên vào dạy, là bộ đã chọn người giỏi, đủ khả năng dạy các cấp. Bộ giáo dục Việt Nam tin tưởng ông thầy tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm là có thể dạy cấp I, cấp 2, và ông thầy tốt nghiệp đại học Sư Phạm có đủ khả năng dạy cấp 2, 3. Vả lại, trong chế độ tự do, bộ giáo dục tin tưởng khả năng và lương tâm giáo viên, và bộ để cho giáo sư và giáo viên có tự do lựa chọn, không nghi ngờ, kìm kẹp họ như trong chế độ cộng sản.Hơn nữa, trong chế độ tự do, bộ và ban giám đốc nhà trưòng không ai cho học sinh theo dõi giáo viên, và thầy giáo có quyền về việc chấm thi, còn trong chế độ cộng sản, ban tổ chức tức đảng cộng sản có quyền quyết định về số điểm và tương lai học sinh. Thí dụ, học sinh thuộc đoàn Thanh Niên cộng sản, hay con đảng viên cao cấp, thi học kỳ hay thi cuối năm chỉ 2, 3 điểm vẫn được ban tổ chức cho lên lớp mà không cần hỏi ý kiến giáo viên. Ban tổ chức trong trường mặc tình mua bán và làm giàu trong việc thi cử và bán bằng cấp.



Về đại học, các giáo sư trong xã hội quân chủ hay trong chế độ dân chủ, đa số có bẳng Tiến sĩ hay Thạc sĩ. Họ là những người đạt đỉnh cao trong chuyện môn của họ cho nên họ có quyền giảng dạy theo ý muốn của họ. Lẽ tất nhiên , các giáo sư phải nhận sự phân công tùy theo chuyên môn và nhu cầu của trường. Thí dụ, một vị tiến sĩ Sữ học tất nhiên sẽ dạy Sử học. Việc dạy sẽ tùy theo yêu cầu của trường. Vị ấy có thể dạy Thượng cổ sử hay Cận đại sử hay Việt Sử là do Phân khoa đề nghị. Trong Việt sử, giáo sư có toàn quyền quyết đinh như dạy lịch sử đời Lê hay đời Nguyễn.v. v. . .




Mỗi giáo sư có quyền giảng dạy tự do, bộ giáo dục và trường đại học không hề kiểm soát về nội dung giảng dạy của giáo sư. Mỗi giáo sư có một sách giáo khoa riêng, không cần phải có một bộ sách giáo khoa cho toàn ban hay toàn quốc như trong chế độ cộng sản. Nhờ chính sách tự do, và chọn hoc sinh và sinh viên giỏi, chúng ta đã đào tạo những thợ giỏi, kỹ sư tài ba và học giả uyên thâm. Vì chính sách chuyên chính vô sản, mà chế độ cộng sản đào tạo những ông bà bác sĩ không viết nổi toa thuốc.



Thí dụ vì ngu dốt hay vì tuyên truyền, một số thương binh cộng sản bị thương được bác sĩ cộng hòa băng bó vết thương và khâu bằng chỉ tự tiêu. Khi họ được trao trả về Bắc sau hiệp định Paris 1973, họ bị bác sĩ cộng sản mổ lại, bỏ các chỉ tự tiêu, cho rằng chỉ này là chỉ độc, bọn Mỹ ngụy ngu dốt đã lấy chỉ may áo quần để khâu vết thương. Sau 1975, sau một thời gian bị nhồi sọ, các cán bộ không dám để cho các bác sĩ cũ khám bệnh. Nhưng sau một thời gian, họ thấy được tài năng thật sự các bác sĩ quốc gia. Các cán bộ cao cấp đã tin tưỏng vào bác sĩ cũ. Một cán bộ thành ủy đã hỏi một bác sĩ cũ:
-Ông có thể đào tạo những bác sĩ giỏi như ông không?
-Có thể được nếu các ông để cho tôi chọn sinh viên giỏi.





Gần đây, bang giao giữa Mỹ và Việt Nam được cải thiện. Người Mỹ đã mời một số cán bộ cộng sản qua Mỹ tham quan hay làm việc. Người Mỹ cũng cho phép một số người Việt sang thăm Hoa Kỳ. Khi về, một số người này đã lên tiếng chỉ trích nước Mỹ hết lời. Đó là việc tất nhiên. Không ai dại mà ra mặt ca tụng Mỹ vì như vậy công trạng bao lâu và đảng tịch sẽ bị tước sạch. Mặc dầu bề ngoài Cộng sản xich lại với Mỹ để mưu lợi lộc, bề trong họ rất ghét Mỹ bởi vì tâm hồn họ đã bán cho Trung Cộng. Trong nhiều điều chỉ trich, chê bai xã hội Mỹ, có vấn đề khá bình thường, là vấn đề giáo dục các nước Aâu Mỹ.




Một vị cán bộ sau khi đi Mỹ về viết rất nhiều về chuyến Mỹ du. Sau khi nghiên cứu đủ thứ về xã hội Mỹ, ông viết về giáo dục Âu Mỹ và cho rằng xã hội Âu Mỹ không chú trọng giáo dục bởi vì các học sinh trung học Âu Mỹ không đoạt giải nào về toán quốc tế.



Đúng vậy, Việt Nam và các nước khác thường chú trọng luyện thi Toán để cho học sinh dự giải quốc tế, và Việt Nam đã đoạt nhiều giải.Và họ cho đó là một điều tự hào.( Cộng sản Việt Nam cái gì cũng tự hào!)



Sự thật thì ông cán bộ Cộng Sản đã lầm. Xã hội Âu Mỹ là xã hội tự do và phóng khoáng. Họ để cho học sinh tự do học tập, không bắt buộc nghiêm nhặt như xã hội ta trước đây. Các nhà giáo dục Âu Mỹ đã nghiên cứu tâm lý học sinh và thực tiễn giáo dục, và họ kết luận rằng để cho học sinh tự do học tập, trí tuệ tự do phát triển, thì sau này tài năng mới nẩy nở. Nếu gò ép như chuối dú non, chỉ hại mà không lợi. Tại Âu Mỹ, chương trình nhẹ nhàng, phương pháp dễ hiểu, học sinh tiểu, trung học học học thoải mái, it làm bài tập, không phải trả bài theo lối học thuộc lòng. Nhờ chính sách giáo dục tự do, nền giáo dục Âu Mỹ đã đào tạo nhiều nhân tài, trong đó có nhiều nhà bác học lừng danh thế giới.




Trái lại, học sinh, sinh viên ta từ nhỏ cho đến lớn bị bắt buộc theo khuôn khổ, học ngày, học đêm, bị cha me và thầy giáo kiểm soát nghiêm ngặt. Trong khi đó, học sinh tiểu học và trung học Tây phương rất tự do. Học sinh về nhà cũng phải làm bài tập nhưng không nhiều như học sinh Việt Nam. Vì tiểu học, trung học đã làm mòn mõi trí tuệ, thân thể bệnh hoạn, chí khí tiêu mòn, học xong đại học là đã tiêu hao tất cả, chỉ biết hưởng thụ, hoặc kiếm tiền sinh sống, nuôi gia đình, sống qua ngày tháng, ít ai sau đại học còn tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, sáng chế như người Âu Mỹ. Do đó mà xã hội lạc hậu , khoa học không tiến bộ. Nhất là trong chế độ cộng sản, từ mẫu giáo, đến đại học, học sinh, sinh viên được nhồi sọ ca tụng đảng bác, văn học chỉ biết Hồ Chí Minh và Tố Hữu, thì trí tuệ lại càng non kém hơn các thế hệ thời quốc gia và thời Pháp thuộc.



Việt Nam muốn phát triển quốc gia, phải phát triển giáo dục theo chiều hướng tự do, cởi mở, đồng thời với việc phát triển tự do và dân chủ trong văn hóa, chính trị, tôn giáo, kinh tế, xã hội. . .

KÝ TRẦN THỊ BÔNG GIẤY




TÁC GIẢ
TÁC PHẨM









. Tên thật : Trần Thị Thu Vân .
. Chào đời tại Huế, lớn lên tại Sài Gòn.
. Trước 1975 sinh sống tại Đà Lạt.
. Hiện đang ở San José, Californie, USA.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN

. Nước Chảy Qua Cầu (Bút Ký)
. Gã Cùi và Miếng Dừa Non (tập truyện)
. Một Truyên Dài Không Có Tên (I, II - tâm bút)
. Nhật Nguyệt Buồn Như Nhau (I, II -tự truyện)
. Tài Hoa Mệnh Bạc (I, II, III, biên khảo tiểu sử danh nhân)
. Trần Sa (tự truyện)
. Tài Hoa và Cô Đơn Như Một Định Mênh (tuyển tập tâm bút)
. Con Tằm Đến Thác Vẫn Còn Vương Tơ (tuyển tập tâm bút)
. Điệu Múa Cuối Cùng Của Con Thiên Nga (I, II, tuyển tập tâm bút)
. River of Time (bản Anh ngữ của Nước Chảy Qua Cầu, Trần Thy Hà chuyển dịch)













Tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ










TRĂNG VÀ GỐC ỔI XẺ
CỦA EM TÔI





I.
Ngôi nhà tôi lưu trú thời thơ ấu được dựng nên từ tấm họa đồ do chính tay cha tôi vẽ ra. Tọa lạc trên đường Yên Đổ, quận III Sàigòn, tường nhà sơn màu gạch, cửa sổ màu nâu đậm, một giàn giây leo xanh ngắt bắt từ cổng chính bám lên tận mái. Trong khoảng sân nơi mé hông nhà là một cây ổi xẻ do tự tay cô em gái út trồng nên, chăm bón cẩn thận, thương yêu như thể với người bạn thiết.
Theo ngày tháng, em lớn lên, gốc ổi cũng già đi. Từ một dúm lá non hội tụ trên cái thân mảnh dẽ, gốc ổi biến thành mạnh mẽ, cành lá xum xuê, ngạo nghễ vượt cao hơn cánh cửa sổ lầu hai căn gác phòng tôi. Mùa thu, lá rụng đầy sân, những chiếc lá vàng hết cả mùi thơm, khô dần, bay tan tác theo từng cơn gió.
Những đêm sáng trăng, tôi ưa thích ngồi nơi cửa sổ, nhìn xuống mặt sân những mẩu hình gẫy nét. Con hẻm tĩnh mịch. Ánh đèn đường mờ đi dưới luồng sáng trăng chan hòa rực rỡ. Gốc ổi đơn độc trở thành to lớn. Các cành lá vươn cao, vươn cao như muốn vói tới tận nơi thâm cung ẩn náu của chị Hằng.
Vài năm, sau cuộc đổi thay tháng 4/1975, khi em mười tám, mẹ tôi gửi em vượt biển cùng gia đình một người bà con. Thời gian ngắn trước khi em ra đi, lớp lá xanh trên cành bỗng trở nên héo úa, rơi rụng đầy sân, lưu lại những chiếc nhánh khẳng khiu trơ trọi. Cả nhà tôi đều nhận biết hiện tượng này nhưng chẳng ai màng giữ lâu ý nghĩ
Ngày em từ giã, tôi bận lưu diễn xa. Khi trở về, hay tin chuyến ghe có em tham dự hình như đã bị đắm ngay trong đêm tách bến ở Bà Rịa. Từ ngày ấy, không gia đình nào được biết bất cứ tin tức gì của các người thân có mặt trên ghe.
Phần mẹ tôi, nhiều năm trôi đi, vẫn mang trong lòng niềm tin rằng em còn sống. Niềm tin đáng tội nghiệp, các anh chị em tôi không ai nỡ làm cho tan biến.
Nghe tiếng bất cứ vị thầy bói nào, tốn tiền bao nhiêu cũng mặc, mẹ tôi đều tìm đến. Sau mỗi lần như thế, bà ăn ngủ ngon hơn trong một thời gian ngắn theo những lời phủ dụ của vị thầy. Có lúc, những lời kể phấn khởi của bà cũng làm chúng tôi tin theo rằng em còn sống và đang lưu lạc nơi một đảo hoang nào trên thế giới...
Khi sắp từ giã Việt Nam đi Âu Châu, cả gia đình tôi đều luyến lưu căn nhà cũ. Điều này không chỉ nẩy sinh từ kỷ niệm, mà còn chính tự trong lòng mỗi người đều có chung cảm nghĩ đau xót: “Một ngày kia trở về, em sẽ buồn biết bao khi không còn tìm thấy nơi đâu hình ảnh mẹ và các anh chị thân yêu.”
Thời gian ở Âu Châu, một lần tôi nằm mơ, thấy em rõ nét, khuôn mặt rất đẹp, trên đầu quấn chiếc khăn màu lam, kiểu các ni cô thường quấn. Tôi hỏi: “Sao em không về để mẹ cứ mãi ngóng trông?” Em lắc đầu, đôi mắt vô cùng buồn bã: “Em không thể về. Chị xem này!” Và xổ tung chiếc khăn ra, em để cho tôi thấy cái đầu cạo trọc. Tôi giật mình thức giấc. Hình ảnh em vẫn còn rõ ràng trong cơn chập chờn giao động. Trái tim tôi bàng hoàng run rẩy. Từ ấy, tôi thật sự tin rằng em đã vĩnh viễn rời bỏ trần gian.
* * *
Mùa Xuân 1993, lần đầu về thăm lại quê hương sau nhiều năm lưu lạc, tôi có đi ngang khu phố cũ. Cảm giác bỡ ngỡ lan nhanh trong óc khi cố định ký ức mà chẳng hình dung nổi cảnh vật xưa. Ngôi nhà thời thơ ấu bây giờ hoàn toàn đổi khác. Cái vẻ thơ mộng theo lối kiến trúc Tây Phương được thay thế bằng một tòa nhà ba tầng, giống y như cái hộp khổng lồ hình chữ nhật đứng. Trong óc tôi cứ đảo đi đảo lại câu chuyện Từ Thức từ cõi tiên trở về trần thế. Trước không gian cũ, cả cảnh lẫn người đều tìm không thấy. Gốc ổi xẻ của em tôi cũng chẳng thể nào có được chỗ đứng trong cái đầu khi ấy của tôi.
II.
Đêm nay rằm. Phố khuya êm ả. Tôi rời giường, pha trà, ngồi vào bàn viết, độc ẩm, quạnh quẽ nhưng dạt dào ý tứ. Những tách trà nóng tạo nên cảm giác tỉnh táo sáng suốt. Nhưng tôi thích lơ mơ như khi say hơn. Ưu phiền nhiều quá, bàng hoàng như sự thật quá cũng buồn! Điều thích thú nhất là đừng xác định chi cả. Cứ mặc tâm hồn chìm đắm theo vũng sáng chan hòa thì hơn.
Trước cửa nhà tôi có trồng một cây walnut. Dưới ánh trăng, những tàng lá cũng vẽ trên mặt nhựa đường những mẩu hình gẫy nét. Không dưng, tôi lặng cả người. Khung cảnh làm gợi lên trong óc nhiều hình ảnh cũ càng xa lắc. Ôi! Thật lâu rồi, mọi sự chừng như bị vùi sâu dưới bờ quên lãng, nào dè một thoáng thật nhanh, chúng vẫn tỏ nên được một thứ uy quyền, buộc tôi phải đối diện. Ánh trăng và cây ổi xẻ thời niên thiếu của em tôi.
Tôi nhắm mắt, nghe tan loãng từ từ trong kỷ niệm; những kỷ niệm đậm nét như những nhát dao tàn bạo chém lên thân xác. Những kỷ niệm không chút biến thể bởi mãnh lực thời gian, cơ hồ mới chỉ xảy ra ngày hôm qua!
Em đi thiên cổ buồn ngơ ngác
Sóng vỗ trùng khơi lạnh chốn về
(thơ Trần Nghi Hoàng)
Ngồi một mình trong đêm vắng, khối tâm hồn như chực nát ra thành từng mảnh nhỏ. Tôi vẫn có thói quen ngủ muộn và giữa đêm thường thức giấc. Những khi trở mộng thâm canh, thấy chia lìa trong giấc mơ phùng ngộ vừa đứt đoạn, lòng không khỏi bàng hoàng khi nhìn rõ con người mình, nhìn rõ sự thật mình hằng chối bỏ.
Tại sao chỉ đến rằm, trăng mới tròn và sáng? Tôi nghĩ, trăng cũng giống như tâm hồn tôi, một tháng có đôi ngày khủng hoảng. Như đêm nay, một buổi khuya tháng 4/1996. Ánh trăng tỏa ra những luồng sáng nhòa phai cô tịch. Chiếc màn mỏng xô lệch theo từng cơn gió lùa qua khe cửa. Căn nhà đâm rộng hẳn. Mọi thứ kỷ niệm hiện nguyên hình dáng cũ. Nỗi trống vắng nào phủ chụp tâm can?
Trăng cổ độ hết vương cành trúc
Hẹn đoàn viên, tình thực chiêm bao
Đêm nay lại giống đêm nào
Nhắp xong chung rượu buồn vào tận gan
(Không nhớ của ai?)
Đêm nay, tôi chỉ uống trà, không uống rượu, nhưng từng ngụm trà chui vào gan ruột vẫn không kém phần cay xé như từng sợi rượu. Tâm trạng thật lung linh, nỗi hao hụt gập ghềnh, nhưng tôi vẫn không muốn định lượng, để lỡ khi rớt xuống con hố, còn bò lên được khoảng cao, đứng che mắt nhìn ai đó với nụ cười nở bừng, đôi tay giang rộng. Ý nghĩ có thể lệch lạc, nhưng chắc chắn một điều rằng tôi chỉ thích ướp cuộc đời mình ngát hương thơm kỷ niệm. Với kỷ niệm, tôi rất trân trọng và thường có thói quen quay mặt vào vách, ôn lại trước khi ngủ mỗi đêm, hầu mang luôn vào giấc điệp những ý tưởng dịu dàng nồng ấm.
Cho tôi lại ngày nào
Trăng lên bằng ngọn cau
Me tôi ngồi khâu áo
Bên cây đèn dầu hao...
(Không nhớ của ai?)
Ngồi nhìn trăng hắt vào khung cửa những đợt ánh sáng hao gầy mềm mỏng, tôi lẩm nhẩm hoài trong miệng bài La Belle Dame Sans Merci. Bài thơ, tôi đọc nhiều lần. Đêm nay đọc lại, vẫn thấy hay như thường. Lời thơ của quỷ, mỗi chữ là một giọt máu chứa chan. Tôi yêu John Keats vì ông đã chết năm 26 tuổi, cũng vì bài La Belle Dame Sans Merci héo úa, xanh xao!
Quả tình, sự thanh thản thường khi lúc thức khuya, tôi tìm không thấy. Tôi chỉ mong bỏ tay trong túi, đi vòng vòng đâu đó để đập đổ ý tưởng ma quái cứ lan man hoài trong óc. Đi, và chẳng cần bận tâm đến điều gì khác khi trong tim đang có một cơn bão làm liệt tê ý nghĩ. Cơn bão rớt, rét mướt và thê lương tàn tệ.
Sao tên sông lại là Thương
Để cho lòng ta nhớ?
Người xưa bảo đây đôi dòng lệ nhỏ
Những suối buồn gửi tới mênh mang
(...)
Mưa chiều nắng rạng
Đã bao năm?
Nỗi đau cũ thật không cùng
Sông cũng thành nước mắt ...
(thơ Lưu Quang Vũ).
Tắt đèn, níu tóc dày vò tâm hồn, vẫn cảm tưởng như đang bị bủa vây, theo dõi. Những hơi thuốc liên miên phà khói chẳng giúp cho tâm hồn dịu xuống ở một điểm cần thiết để tìm ra được “đạo”. Tôi đã mất nhiều quá, thật vô duyên, khoảng thời gian đi tìm cái qua rồi lẫn cái chưa tới...
Rõ ràng có sự gì như đang vỡ xô òa khóc: Nỗi trống vắng, niềm đau êm ả sắc như lưỡi lame bất kham nằm trong tay một tên ưa nghịch dao.
Mùa trăng này, mùa trăng sau, hết mọi mùa trăng, nỗi cô đơn của chị Hằng vẫn còn luôn đầy ắp. Mấy chục năm rồi trôi đi, cô bé 13 tuổi trong tôi thấy chưa biến dạng. Tôi vẫn yêu chị Hằng, yêu nỗi cô đơn của chị, nguyên vẹn như thời tuổi nhỏ xa xưa.
Tôi mơ mộng nhiều quá. Mà cuộc đời đâu lúc nào đem được cho con người những điều mơ mộng? Càng yêu chị Hằng, tôi càng thấy sầu chất ngất
Dẫu sao cũng còn một khoảng không gian gần gũi cho tôi chạy trốn những suy tưởng ngặt nghèo đang muốn thúc đẩy tâm hồn xuống tận mép bờ hụt hẫng: Cái bàn viết, ngọn đèn vàng ấm. Có lẽ là như thế.
Tôi nghiêng tai lắng nghe từng tiếng động nhỏ chung quanh. Mọi sinh hoạt đã từ lâu ngừng lắng. Trong trọn khu phố, chắc chỉ còn mình tôi chưa ngủ? Thức khuya, vừa uống trà vừa phì phèo điếu thuốc lá, vừa viết lan man không chủ đề giới hạn, thỉnh thoảng vén màn cửa sổ, lắng tâm hồn nhìn trăng, nghe ngóng từng bước nhẹ của thời gian trôi đi, của kỷ niệm trở về, thật thích!
Tôi cũng đang lội trong giòng thời gian, nhưng ngược hướng.
“U cư sầu cực hốt truy hoan”
(Ở chốn buồn, sầu quá đến độ bỗng thấy vui!)
Hai trăm năm xưa, Nguyễn Du quả có lý lạ kỳ!
(Tháng 4/1996, Cali)





© Cấm trích đăng lại nếu không được sự đồng ý của tác giả .





TRANG CHÍNH TRANG THƠ ĐOẢN THIÊN BIÊN DỊCH HỘI HỌA ÂM NHẠC

SƠN TRUNG * TRÍ TUỆ CON NGƯỜI


TRÍ TUỆ CON NGƯỜI

Quyển Luân Lý Giáo Khoa Thư là một quyển sách rất giá trị, do cụ Trần Trọng Kim và các nhà nho thuở ấy như Bùi Kỷ,Trần Lê Nhân soạn thảo để dạy luân lý cho các trẻ tiểu học và các lớp nhỏ hơn. Quyển này cũng như quyển Cổ Học Tinh Hoa, Thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine, truyện ngụ ngôn của Aesope là những bài dạy triết lý, tâm lý, là túi khôn của loài người, và là những bài học xử thế..


Luân Lý Giáo Khoa Thư ăn sâu trong lòng thế hệ học sinh 1930 - 1945. Thuở nhỏ tôi cũng thích Luân Lý Giáo Khoa Thư mà trong đó có bài nói về trí khôn của loài người là tôi thích nhất. Tôi quên mất tên truyện. Truyện kể rằng một nông dân ra đồng cày ruộng. Anh ta đặt cái ách lên cổ con bò rồi cầm roi đánh vào lưng bò để thúc nó làm việc. Con bò đi chậm, con bò đi không thẳng hàng đều bị đánh một vài roi. Thậm chí con bò làm việc tốt, anh nông dân vẫn luôn miệng quát thét “tắc”, “rì” , “hò” và quơ roi vun vút trong không khí để hăm dọa. Một con cọp ngồi trên bờ, thấy vậy, thương con bò to lớn thế mà bị thằng người nhỏ nhoi cầm roi ánh đập, quát tháo. Nó chờ dịp, đón con bò hỏi chuyện:
Này, Bò! Mày to xác thế mà sao lại bị thằng người đánh đập mày suốt ngày?
Bò buồn rầu trả lời:
-Thưa ông cọp, tôi tuy to xác nhưng không làm gì đuợc loài người vì họ có trí khôn.
Con cọp nghe nói lạ lùng, không hiểu trí khôn là cái gì mà ghê gớm thế. Nó có thể giúp con ngưòi chinh phục thiên nhiên, chế ngự loài vật, bắt loài vật phải làm nô lệ cho loài người. Cọp bèn đón đường hỏi người nông dân:
-Nghe nói mày có trí khôn. Đâu đưa tao xem thử một tí!
Người đáp: Tôi để trí khôn ở nhà, không mang theo đây.
-Mày về lấy cho tao xem ngay.
- Tôi không thể về được, vì tôi phải trông coi con bò cho nó ăn cỏ.
- Mày cứ về đi, để tao trông con bò cho.
- Tôi không tin ông. Lỡ ông ăn thịt con bò của tôi thì sao? Nếu ông bằng lòng, cho tôi trói ông lại thì tôi mới an lòng về nhà lấy trí khôn cho ông xem.

Vì nóng lòng muốn biết trí khôn của loài người như thế nào cho nên cọp đồng ý cho bác nông dân trói lại. Người nông dân bèn lấy dây thừng trói con cọp lại, và tháo bắp cày ra đánh cho cọp một trận, và nói: “ Trí khôn của tao đây”! “Trí khôn của tao đây”!
Câu chuyện chỉ kể đến đây thì chấm dứt. Và lúc đó tôi rất thích thú. Và tôi bao năm
vẫn thích thú câu chuyện này, và sinh thêm lòng tự hào về con người khôn ngoan, trí tuệ.
Nay tuổi đời đã cao, bỗng nhiên tôi nghĩ đến câu chuyện này. Tôi cứ thắc mắc. Không biết sau trận đòn, con cọp bị giêt hay đuợc thả ra. Và sau trận đòn, nó có hiểu trí khôn là gì không.
Câu truyện trên cần phải được xét lại. Con cọp ỏ đây rất nhân hậu, biết thương yêu loài vật. Con cọp ở đây cũng thân thiện với con người, không phải là kẻ thù bất cộng đái thiên như mối tương quan giữa người và cọp ngày nay. Cọp nói chuyện với người, tìm hiểu con người, tìm hiểu sự vật, nó rất thành thật, không ác tâm hại người. Trong khi đó con người gian trá, xảo quyệt. Trí khôn là vật vô hình, không phải là vật hữu hình như cái dao, cái nón, cái cuốc mà bảo là để ở nhà. Đó là lời nói dối. Con người đã dùng mưu mô xảo quyệt để hại cọp. Khi cọp chịu trói thì người trở mặt đánh cọp. Đó là một thái độ tàn bạo, độc ác, thiếu sự thành thật trong giao tế xã hội. Và khi đánh cọp, người nói: “Đây là trí khôn của tao”.
Vậy trí khôn của loài người là cái gì? Trói được người ta, đánh được người ta là khôn sao? Lừa đảo được người ta là khôn sao? Có lẽ đa số con người nghĩ vậy. Họ cho rằng lừa được người tức phải là khôn, và kẻ bị lừa tất nhiên là ngu dại. Nhiều người quan niệm rằng kiếm được tiền bạc, đạt được vinh hoa, phú quý là khôn ngoan, tài gỉỏi. Trong chính trị, ai lắm mưu kế , ai lừa bịp nhiều thì được tôn là giỏi như là Khổng Minh, Tào Tháo. Về quân sự, những ai giết người nhiều, tàn hại sinh linh, phạm tội diệt chủng thì được khen là anh hùng như đại đế Alexandre, Thành Cát Tư Hãn. Người Tây phương dùng súng đạn giêt người, cuớp của, cứơp đất đai, bắt các dân tộc Á Phi làm nô lệ thì được khen là văn minh, tiến bộ và giàu mạnh. . . Có một số khen Hồ Chí Minh là giỏi vì ông ta lắm thủ đoạn tàn ác. Trước đây vài chục năm, đa số kính phục lẫn sợ hãi Lênin, Stalin, và Mao Trạch Đông. Không một nhà tư tưởng, nhà chính trị nào viết được một luận thuyết kết án Marx và đảng cộng sản.

            Trí , hay khôn, hay trí khôn là tiếng Việt, chữ Hán là trí. Khôn, trí khôn hay khôn ngoan trái nghĩa với ngu đần, trì độn, dốt nát, dại dột.
Thanh Nghị giải nghĩa trí khôn ( intelligence, lesprit) là cái khôn, thông minh. Đào Duy Anh định nghĩa trí là hiểu rõ sự lý- thông minh, và trí tuệ là thông minh, linh hoạt. Tự điển tiếng Anh định nghĩa thông minh là khả năng thấy, học, và hiểu. Còn spirit là phần bất tử trong con người giúp ta cảm giác và suy tưởng. Nói chung, trí khôn hay trí tuệ là khả năng giúp ta cảm xúc, suy nghĩ, hiểu rõ, và hiểu nhanh. Khi đã hiểu rõ sự lý, khi đã nhìn thấy vấn đề thì ta phải hành động, phải giải quyết vấn đề. Tuy nhiên không phải lúc nào tri và hành cũng đi đôi. Có khi ta biết mà không thể làm được, vì ta không có khả năng hoặc thời cơ chưa tới.
Như vậy phạm vi của trí khôn rất lớn, bao gồm mọi khả năng tri và hành của con người. Trí khôn hay trí tuệ là khả năng tuyệt vời của con người. Nó giúp con người sáng tạo văn học, âm nhạc, xây dựng kinh tế, kiến tạo quốc gia, nhất là phát minh khoa học. Đó là thành quả tốt đẹp của con người, là khả năng tuyệt diệu của con người. Cũng có nhiều hành động mà con người khó lòng nhất trí, kẻ này bảo thế là khôn, người khác lại chê là dại:
Thế sự đua nhau nói dại khôn,
Biết ai là dại, biết ai khôn.
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại cái văn chương, ấy dại khôn.

         Mưu trí hay mưu kế cũng thuộc khả năng của trí khôn.Nhưng mưu kế thì có nhiều kiểu, mưu kế của thằng ăn trộm, mưu của mấy tên bợm. Tục ngữ có câu: « mưu con đĩ, trí học trò ».
Đứng về phương diện đạo đức, ta có thể chia làm hai loại mưu kế: mưu quân tử và mưu tiểu nhân. Mưu quân tử là mưu cao thượng, mưu tiểu nhân là mưu hèn hạ, bỉ ổi. Kẻ lưu manh sống nhờ mưu kế xảo quyệt.Và bọn này luôn luôn sống bằng mưu kế độc ác hoặc hạ tiện. Loại khôn ngoan này không nên đề cao. Loại mưu kế này chỉ đem lại đau khổ cho quốc gia, dân tộc, cho thế giới. Nó là tai họa, là vết nhơ của con người, không phải là một thành quả tốt đẹp đáng ca tụng. Cái khôn ngoan của con người dùng để lừa gạt là hành động vô đạo đức, không có gì đáng tự hào.
Loại trí khôn đáng ca tụng, cần phát triển đó là loại trí khôn giúp đời tươi sáng, gíúp loài người hạnh phúc và tiến bộ. Còn những trí khôn dùng trong việc chọi gà, đá dế, chơi cờ đều không ích lợi trong việc cứu nước giúp dân. Và loại trí khôn dùng để lường gạt, giết người, hại người thì cần phải bỏ.
            Hình như truyện trên xuất xứ từ nền văn học La Hy, mà sau bọn thực dân sưu tầm và dùng để biện minh cho việc xâm lăng các nước Á Phi và bắt dân da đen làm nô lệ!




LÊ VĂN SIÊU * THĂNG LONG


Lê Văn Siêu viết về Thăng Long cổ kính



Tượng Lý Thái Tổ.
LTS: Nói về Thăng Long mà không đề cập đến Chiếu Dời Đô của Lý Thái Tổ, không nói đến “thế đất” của Thăng Long, không nói về nền văn minh Việt Nam, thì e rằng sẽ thiếu sót.
Người Việt xin giới thiệu trích đoạn sau đây, được trích từ trang 65 đến 72 trong tác phẩm Văn Minh Việt Nam của tác giả Lê Văn Siêu do Nam Chi Tùng Thư xuất bản năm 1964, nhà Xuân Thu xuất bản lại năm 1989 tại Hoa Kỳ. Trân trọng mời bạn đọc theo dõi.
Lời tuyên cáo dời đô của vua Lý Thái Tổ, chúng ta cần hiểu là những lời tóm tắt về quan niệm của ngài đối với một đô thành, và dùng để dẫn đạo cho việc kiến trúc. Lời ấy đã có những ý này: tính việc to lớn, tính việc muôn đời cho con cháu, ngôi nước lâu dài, giữa khu vực của trời đất, có thế hổ cứ long bàn, chính ngôi Đông Tây Nam Bắc, chỗ hướng bội của núi sông, chỗ yếu hội bức tẩu của bốn phương.
Chúng ta hãy xem bản đồ thành Thăng Long coi những kiến tạo có thỏa mãn những điều kiện thần bí về địa lý không.
Chúng ta thấy nội thành đặt đúng trên núi Nùng, sau lưng là cái não thủy Tây Hồ, bên tả là Tam Đảo, bên hữu là Ba Vì, Tay Hổ (bên hữu) thuộc âm, bắt đầu từ chùa Bát Mẫu chạy vòng tới dãy núi Ninh Bình Thanh Hóa và ra đến cửa bể Thần Phù. Tay Long (bên tả) thuộc dương, bắt đầu bằng cửa ô Tam Phụ, (sau đồi là Yên Phụ) để chạy tới dãy núi Yên Tử, Đông Triều và Hương Hải (tức Hongay). Thẳng mặt chính nam là hồ Bảy mẫu đầm sen, cửa ô Kim Liên, đi suốt hồ Linh Đường tới hồ Chùa Bầu (Hà Nam) mới là hết thế địa lý của minh đường.
Tay long dài, tay hổ ngắn. Theo phép địa lý, đó là đất hiền lương, long hổ tương nhượng, nghĩa là vợ chồng hòa thuận, anh em nhường nhịn nhau, không kình chống nhau, không ganh đua nhau cho đến loạn gia cương mà đặt sang thế quốc gia thì là anh em đồng bào trong nước biết kính trên nhường dưới.
Đó là cái thế địa lý mà trong lời tuyên cáo dời đô, vua Lý Thái Tổ đã nói là: chỗ hướng bội của núi sông, chỗ yếu hội bức tẩu của bốn phương, có thế hổ cứ long bàn, chính ngôi Đông Tây Nam Bắc.

Nay chúng ta xem lại sự xây dựng:
Đường vòng chạy xung quanh nội thành biểu tượng cho Thái cực. Hai nhánh sông Tô Lịch, bên hữu có hồ Lãng Bạc là úng thủy, bên tả thông ra đường lưu thủy là sông Nhị Hà, đó là biểu trưng cho lưỡng nghi. Cung điện của nhà vua ở giữa có bốn mặt đều nhau, ấy là tứ tượng. Thêm bốn kiến trúc bốn cổng ấy là bát quái. Tất cả các đường bắt đầu từ vòng Thái cực mà đi, chi chít không biết bao nhiêu, ấy là biến hóa vô cùng vậy.

Đó chính là cái ý 'giữa khu vực của trời đất' mà Vua Lý Thái Tổ đã nói.
Chúng ta lại để ý: sau thành nội, sau trường nuôi voi ngựa là một đường thẳng tắp, từ trung tâm đi ra, gặp thành ngoại, gặp con đê. Ấy là có hậu, với ý nghĩa tồn tại lâu dài.
Trước thành nội có một đường thẳng, đường ấy chạy lệch sang một bên để tránh mũi tên (xuyên tâm) đâm thẳng vào nội điện. Nhưng đường ấy đi thẳng ra đến cửa ô Kim Liên thì cửa ô ấy chiếu thẳng và rất đúng vào chính điện. Nếu kẻ một đường thẳng nối theo đường sau trường nuôi voi ngựa, và suốt xuống ô Kim Liên thì trung tâm vòng Thái cực ở trên đường thẳng ấy.
Hai cửa ô Lương Yên và Thịnh Hào ở trên hai cạnh của hình góc nhọn từ trung tâm vòng Thái cực ra, mà đường thẳng vừa nói là đường phân giác.
Bốn cửa ô Thịnh Hào, Cầu Giấy, Thụy Chương, Yên Phụ cũng ở trên những cạnh của những góc đều nhau đi từ trung tâm vòng Thái cực ra.

Trong nội thành các kiến tạo đã được sắp đặt theo đúng tám hướng: kiền, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài. Ấy là cái thế: 'dữ tứ thời hợp kỳ tự' (cùng bốn mùa giao hợp mà sắp đặt trật tự); 'dữ quỷ thần hợp kỳ linh' (cùng quỷ thần giao hợp mà thiêng liêng).
Chấn và Đoài (Đông và Tây) là dữ nhật nguyệt hợp kỳ minh (cùng với mặt trời mặt trăng hóa hợp mà cùng sáng), Khôn và Kiền (Tây Nam và Tây Bắc) là dữ thiên địa hợp kỳ đức (cùng với thiên địa hợp với cái đức của mình).
Chúng ta để ý thấy mỗi hướng có một ý nghĩa và ở mỗi hướng lại có một sự xây dựng theo ý nghĩa ấy.
Kiền (ở Tây Bắc) dĩ quân chi (chủ vào việc quân) phải cứng rắn cương quyết thì có Giảng vũ đường, chùa Trấn Bắc, Trấn Vũ.
Đối với Kiền là Tốn (ở Đông Nam) Tốn dĩ thuận chi (chủ vào việc thuận hảo) phải mềm dẻo thì có Văn miếu, Trường thi, Quốc tử giám.
Khảm (ở chính Bắc) dĩ hãm chi, chủ dùng mưu mẹo để thắng địch (Địch ở phương Bắc) thì có não thủy Tây Hồ.
Đối với Khảm là Ly (ở chính Nam) Ly dĩ lệ chi chủ sự sáng sủa đẹp đẽ thì có ô Kim Liên (bông sen vàng rực rỡ).
Khôn (ở Tây Nam) dĩ tái chi, chủ lấy sự chịu đựng kiên nhẫn để thủ thắng thì có làng Thịnh Hào.
Đối với Khôn là Cấn (ở Đông Bắc). Cấn dĩ chỉ chi là việc nên ngưng thì phải ngưng ngay chớ tham, thì có làng Nhật Tân, Quảng Bá.
Đoài (chính Tây) dĩ duyệt chi, lấy mềm dẻo làm cho bằng lòng và chịu theo thì có chùa Nhất Trụ.
Đối với Đoài là Chấn (chính Đông) Chấn dĩ cổ chi, là việc cổ động thì có chùa Thạch Cổ (cái trống bằng đất).
Xem như vậy, chúng ta thấy rằng mặc dầu chỉ có mấy nét nguệch ngoạc, đây đã là một tác phẩm kiến trúc vĩ đại gồm cả quan niệm thái cực của đạo Nho, quan niệm địa lý của đạo Lão và quan niệm nghệ thuật siêu thoát của đạo Phật. Điều đặc biệt hơn cả, là sự bao gồm ấy đã được thực hiện theo một tinh thần Việt Nam riêng biệt, cái tinh thần của người lợi dụng được địa hình sẵn có, mà bố trí các kiến tạo, để tự chúng nói lên những ý gì người ta vẫn đã nói một cách rất trừu tượng.
Quý vị độc giả hãy tìm và ngắm tất cả các bản đồ kiến trúc đô thị của tất cả các nước đông tây kim cổ. Quý vị sẽ chỉ thấy được ở bản này hơn bản khác về sự sắp đặt các nhà cửa dinh thự, các khu, các công viên, công ốc, v.v. cho tiện sự sinh hoạt vật chất chính trị, tôn giáo, văn hóa của dân và tiện cho việc thành phố phát triển về sau. Làm gì có bản đồ nào gói ghém những ý nghĩa triết lý vào trong những vị trí và chiều hướng của kiến tạo?
Đứng về phương diện nhân sự hoàn toàn mà nghiên cứu bản đồ, thì thấy có nhiều cái lạ lắm.
Nếu chúng ta lấy thước vạch một đường thẳng suốt đường sau trường nuôi voi ngựa, tới cửa ô Kim Liên thì đường thẳng ấy chạy đúng hướng Bắc Nam và qua trung tâm vòng Thái cực.
Lại nếu từ trung tâm vòng Thái cực ấy, chúng ta kéo các đường thẳng ra tới các cửa ô Thịnh Hào, Cầu Giấy, Lương Yên, Thụy Chương, Yên Phụ, chúng ta sẽ có những hình góc bằng nhau: góc AOB = góc BOC = COD và DOE = EOF, khiến khó tin được là tình cờ, nhưng nếu là có dụng ý thì cũng khó tìm ra được cái mục đích để làm gì.
Mỗi góc AOB, BOC, COD là 1 phần 8 của vòng tròn.
Cả vòng tròn, chia ra làm 8 như thế, nếu bỏ riêng 3 phần 8 của ba góc đã nói, còn lại 5 phần 8. Ta chia ra làm hai thì góc COG bằng 1 phần 2 ấy, nếu chia ra làm bốn thì góc DOF bằng 1 phần 4 ấy, và nếu chia ra làm tám thì mỗi góc DOE và EOF bằng nhau sẽ là 1 phần 8 ấy.

Chúng ta nhớ lại công thức toán học cổ mà các thợ cả trong nghề thợ mộc vẫn áp dụng để tính liên hệ giữa vòng tròn và đường kính là = quân bát, phát tam, tồn ngũ, quân nhị. (Công thức hiện thông dụng của Hi Lạp là C = D (chu vi = Pi x đường kính). Giải nghĩa ra là muốn biết đường kính của một cái cột tròn thì dùng dây đo vòng tròn của cột, chia đoạn dây ấy ra làm 8, bỏ bớt đi 3 phần, còn lại năm phần thì chia ra làm 2 = đường kính là 1 phần 2 ấy.
Ở đây, chắc đã có sự dùng công thức ấy sang phạm vi bề mặt vòng tròn, nhưng dùng giấy mà không dùng dây, cũng quân bát, phát tam, tồn ngũ, quân nhị, rồi lại quân tứ, quân bát.
Mỗi một phần hai, phần tư, phần tám ấy ở thời xưa, đã có thể được dùng làm đơn vị để đo lường diện tích như thế nào? Hhoặc đã có thể được dùng trong kỹ thuật tạo tác ra sao? Để thay cái thước độ góc (raporteur) của văn minh Tây Phương như thế nào? Chúng tôi chưa biết rõ, dám mong quý vị độc giả sẽ tìm tòi và chỉ dậy thêm cho.
Chúng tôi xin ghi nhận ở đây cái phần tinh vi kỷ hà (précision géométrique) trong việc tạo tác. Không rõ những hướng của mỗi cửa ô có được đặt đúng theo nhãn tuyến từ trung tâm vòng Thái Cực ra không vì bản đồ không có chi tiết. Nhưng chúng tôi cho rằng khi người ta ở trung tâm, đã định đặt các cửa ô theo những độ góc có tính toán như thế, thì hướng của mỗi cửa tất cũng phải theo đường nhãn tuyến từ trong ra. Nếu quả đúng như vậy thì mỗi cửa ô theo la bàn đã được đặt theo những chữ gì?
Có một điều làm cho chúng ta phải suy nghĩ là: đến đời nhà Lý này, các sư và các quan đi sứ cũng đã được qua các nước Trung Hoa và Ấn Độ, cùng thăm các đô thị của các nước ấy rồi. Sao không thấy có sự bắt chước theo những bố trí của các đô thị ấy để về làm thành Thăng Long, mà lại sáng tác ra theo một điệu riêng khiến phần nhân tạo hóa hợp với phần thiên nhiên đã có một cái dáng cái duyên riêng như thế?
Lại vị trí của các cửa ô với đường thành ngoại, làm sao mà cong quẹo lạ kỳ? Cả những đường trong thành nữa, đã đành là theo địa hình có sẵn, nhưng còn có ẩn dấu một thâm ý gì nữa chăng? hoặc về phương diện phù chú thần bí, hoặc về phương diện kỳ thác những dấu hiệu hay những chữ mà người sau không tìm ra?
Dầu sao việc xây dựng một thành đô như vậy cũng đã chứng tỏ một cách hùng hồn ý thức tự cường tự lập của người xưa.
Ý thức này đã càng ngày càng được đanh thép hơn, nhờ sự thấu đáo đạo Phật đến phần tinh túy của nó.

Người ta vẫn thường lầm mà cho rằng đạo phật là tiêu cực và người tu phật chỉ là muốn thoát vòng phiền não của cuộc sống thực tại. Nếu như thế thì sao lại có nổi ý niệm đại hùng, đại lực, đại từ bi? Triết lý hành động của đạo phật đã được gồm trong hai câu này trong bài kệ của Huệ Sinh Thiền Sư:
Tri không không giác hữu
Tam muội nhiệm thông chu

Thượng Tọa Mật Thể dịch:
Biết không rồi biết có
Tam muội mặc dung thông.

Người đã đến được cõi giác thì không hành động vì hạnh phúc của riêng mình, hay vì quan niệm xấu tốt, hay dở, thiện ác theo ước lệ của xã hội, mà đã vượt khỏi tất cả để hành động, quyết liệt và hùng mạnh như những luồng bão táp hay những ngọn lửa tam muội đốt hết mọi thứ. Sự hành động ấy đã là hành động không điều kiện và không gây nghiệp, hành động để hòa vào đại ngã và thực hiện đại ngã, dẫu nghiệp có ràng buộc thì giác giả cũng tự thấy vượt ra ngoài vòng ràng buộc ấy.
Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh
Nam nhị tự hữu xung thiên chí
Hữu hướng Như Lai hành xứ hành.

Đó là lời của Quảng Nghiêm thiền sư. Ngô Tất Tố dịch:
Thoát kiếp rồi bàn câu tịch diệt
Không sinh hãy nói chuyện siêu sinh
Tài trai có chí xông trời thẳm
Dẵm vết Như Lai uổng nhọc mình.

Đúng như lời của Krishma thúc giục chàng chiến sĩ Arjuma (trong kinh Bhagavadgita) khi chàng này ngần ngại không muốn lao mình vào vòng chém giết. Krishma bảo cho chàng chiến sĩ biết: 'Con người chỉ thoát nghiệp bằng cách làm trọn nghiệp. Người chiến sĩ phải tranh đấu vì công lý không thể trầm tư trong tịch diệt đời đời. Trốn nghiệp không bao giờ thoát nghiệp, đó chỉ là hành vi hèn nhát của kẻ không xứng đáng làm người, không thể nào đến Nát Bàn được.'
Phật Giáo ở thời Lý cực thịnh đã nung nấu tinh thần con người như thế, thì mới khiến chúng ta hiểu được việc Lý Thường Kiệt đem binh đi phạt Tống bình Chiêm. Mà phạt Tống lại với đại nghĩa là để cứu vớt trăm họ lầm than vì nhà Tống đặt ra những thuế khóa nặng nề quá.

Đến đây thì quốc gia Việt Nam với tinh thần tự cường tự lập vừa nói, đã kể là hoàn toàn vững mạnh rồi. Đời Trần thừa hưởng di sản ấy, lại góp công chỉnh đốn chữ nôm, dùng chữ nôm làm thơ văn và gọi chữ nôm ấy là 'chữ quốc ngữ', ta thấy mỗi thế hệ đều đã đóng góp vào sự xây dựng chung. Thật không hổ thẹn là một 'văn hiến chi bang' vậy.

No comments:

Post a Comment