Search This Blog

Hoi Nghi Dien Hong

Wednesday 14 December 2016

DOÃN QUỐC SỸ=HỒ DZẾNH=DÂN CA HUỀ =

DOÃN QUỐC SỸ * CHIẾC CHIẾU HOA

Doãn Quốc Sỹ
Chiếc chiếu hoa cạp điều
Quê tôi cách Hà Nội chừng 5 cây số. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ thì gia đình tôi tản cư lên Nhã Nam thuộc huyện Yên Thế, Bắc Giang. Đến năm 1948 khi cậu tôi từ Vĩnh Yên lên thăm chúng tôi lần đầu thì toàn thể gia đình chúng tôi ai nấy đều có màu da nửa vàng nửa xám xịt vì sốt rét rừng.
Anh chị phải cho các cháu tản cư về mạn dưới như chúng tôi - lời cậu tôi nói với thầy mẹ tôi - chứ cứ như thế này thì không chết cũng chẳng còn ra hồn người nữa.
Sau ngót hai năm tản cư gia đình tôi khánh tận rồi. Có lẽ vì nghĩ vậy nên thầy mẹ tôi tìm cách nói thác:
- Ngày xưa vùng Yên Thế Thượng này độc nhưng nay vì có nhiều người lên khai phá nên khí hậu cũng không đáng ngại lắm.
Cậu tôi không chịu:
- Anh chị về Vĩnh Yên gần chúng tôi cho có anh có em, vừa tránh được nạn sốt rét rừng vừa có cơ buôn bán khá. (Dạo đó Vĩnh Yên còn là cửa ngõ của việc thông thương giữa Liên khu III với Bắc Việt).
Rồi cậu tôi về Vĩnh Yên. Hai tháng sau người lại lên, nhất quyết đón gia đình tôi xuôi, nói là nơi ăn chốn ở đã thu xếp đâu vào đó cả.
Thế là gia đình tôi xuôi Vĩnh Yên, còn một mình tôi ở lại Sở Thông Tin Liên khu III. Công tác của tôi là đi tuyên truyền mười điều kháng chiến trong toàn huyện Yên Thế. Vì lưu động như vậy nên tôi cũng quên đi nỗi buồn gia đình phân cách đôi nơị Nỗi buồn đó chỉ đến thắc mắc lòng tôi mỗi khi trở về trụ sở kiểm điểm công tác. Trụ Sở Thông Tin ở một làng bên tả ngạn sông Thương, gần một bến đò đẹp vào bậc nhất Bắc Giang, bến đò Lục Liễu. Để tăng phần thơ mộng cho cái tên đó tôi vẫn thường dịch nôm là "Bến đò liễu xanh".
Thư của em tôi tới báo cho hay gia đình đã tới tản cư cùng làng với gia đình cậu mợ tôi. Làng đó ở ngay bến Rau, bên này là Vĩnh Yên, bên kia là Sơn Tây rất thuận tiện cho việc buôn bán.
Rủi thay, thầy mẹ tôi vừa đến Vĩnh Yên thì quân Pháp mở chiến dịch càn quét khắp vùng Sơn Tây rồi thiết lập thêm đồn quân dọc theo hữu ngạn sông Hồng từ Sơn Tây ngược lên đến Việt Trì. Các ngả đường giao thông với Liên khu III đều bị quân Lê Dương phục kích ráo riết.
Cậu tôi đã rơi vào ổ phục kích của chúng, dấn vốn khánh tận may thoát được người. Mẹ tôi phải ngừng chuyện buôn bán.
Nghe nói làng N.H. bên hữu ngạn sông Đáy gần chân dãy núi Tam Đảo là một làng trù mật, chuyên bán đỗ, gia đình tôi bèn chuyển đến đây theo sáng kiến của mẹ tôị khi tới nơi, mẹ tôi mới thấy rằng mình đã nhầm. Trước đấy một năm thì địa điểm này buôn bán được vì hầu như dân chúng toàn hạt Vĩnh Yên đổ xô về để tránh Pháp tấn công, nhưng nay, tình hình tạm yên ai nấy trở về chốn cũ, địa điểm N.H. trở lại chốn trầm mặt của chốn chuyển tiếp giữa vùng trung du bên dưới với vùng đèo heo hút gió bên trên.
Vừa lúc đó tôi xin thôi ở sở Thông Tin về.
Mẹ tôi mừng lắm vì người vẫn thường nói: "Thời loạn lạc gia đình nên gần nhau nhỡ có thế nàọ..". Hình như trong óc người - có thể nói trong óc mỗi người trong gia đình tôi - đều luôn luôn lo sợ cảnh một người bị chết vì bom đạn rồi mất xác vì gia đình không kịp biết để nhìn nhận. Niềm vui đoàn tụ giúp chúng tôi bớt buồn nản khi thu xếp gồng gánh trở lại huyện Yên Lạc. Lần này gia đình tôi không dám ở gần bến đò Rau nữa vì sợ phi cơ oanh tạc, mà ở một làng cách huyện Yên Lạc chừng gần một cây số. Gia đình cậu tôi ở ngay làng bên. Lẽ cố nhiên cả hai gia đình chúng tôi cùng nghèo túng lắm, nghèo túng đến nỗi cậu mợ tôi, thày me tôi cũng không dám sang nhà thăm nhau, chỉ chiều chiều ra gặp nhau trên quãng đường đá nối huyện Yên Lạc với bến đò Rau.
Tôi gặp lại người yêu cũ từ Phủ Lý (Khu III) chạy lên. Chúng tôi thành vợ chồng, tuy có ký giấy tờ tại Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Huyện - cậu mợ tôi là những người làm chứng - nhưng đám cưới hoàn toàn êm ả, y như một đám cưới vụng trộm.
Em gái lớn tôi xoay đi buôn gạo, ngày ngày kĩu kịt đi về 20 cây số kiếm chút lãị Ở Yên Thế tuy bị sốt rét nhưng nhà ở giữa rừng ít lo bị địch tấn công bất ngờ; tuy cũng nghèo túng nhưng còn có đất rộng để tăng gia rau cỏ và nuôi được lợn gà.
Về đây những buổi ăn cháo ngô trừ bữa, mẹ tôi thường có ý khép cửa giữa lại.
Em gái tôi đã phải đi chợ thật xa để đong gạo rẻ mà rồi tính ra lời lãi cũng chẳng được là bao. Các cụ giải thích hiện tượng kinh tế này bằng câu: "Thóc gạo có tinh", mẹ tôi làm tương gánh đi các chợ xa bán để kiếm thêm. Vợ tôi tạng người yếu nhưng khéo tay, không làm được việc nặng, nàng phụ trách những việc nhẹ như rang đỗ tương, ủ mốc, pha muối vào nước tương...
Dạo đó trường Luật mở ở gần chợ Me (Vĩnh Yên), tôi có ghi tên theo học nốt năm thứ ba hy vọng ngày thành tài sẽ ra thẩm phán, đồng lương họa có cao để giúp gia đình. Vì hoàn cảnh kháng chiến các giáo sư thường từ nơi xa lại trường sở dạy liền trong mấy ngày, sau đó sinh viên tự tìm tài liệu nghiên cứu thêm. Có khi thời gian nghiên cứu lấy dài hơn một tháng mới có giáo sư mới. Tôi triệt để lợi dụng khoảng cách này để bon về giúp đỡ gia đình những công việc nặng.
Mùa đông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn buốt như dao cắt từng mảnh thịt hở, thế mà hôm nào mẹ và em gái tôi cũng phải dậy từ bốn giờ rưỡi sáng để sửa soạn gồng gánh ra đị Quần áo và chăn chiếu của gia đình tôi thiếu mất nhiều. Thằng em thứ ba của tôi có được cái chiếu rách mướp vừa nằm vừa đắp, chân thò ra ngoài thì nó lấy rơm phủ lên.
- "Ấy cứ thế mà ấm ra phết anh ạ" - Nó vừa cười khoái trí vừa nói với tôi như vậy.
Các em trai em gái tôi đã lớn cả, chúng tôi hầu như thường thi đua trong việc nhường nhịn nhaụ Mẹ tôi chỉ còn thắc mắc về thằng em út của tôi. Nó còn nhỏ tuổi quá chưa thể tìm nguồn vui ở tinh thần để quên đói rét. Tương đối với cả nhà nó được mặc lành nhất. Nó mặc cái áo đỏ chót có những vệt chữ nho đen và những đường kim tuyến (nguyên đó là chiếc câu đối người ta phúng bà tôi hồi chưa tác chiến). Câu đối đỏ thì may áo, còn nẹp sa teng vàng mẹ tôi cố gạn may thêm cho nó chiếc áo di-lê. Chúng tôi gọi đùa nó là "anh cờ đỏ sao vàng". Đêm đến rét quá không đủ chăn ấm, nó thường khóc khậm khạch. Chỉ cần có thêm đôi chiếu nữa thì cả nhà đủ ấm.
- "Chiếu cói kỵ gió". - Mẹ tôi bảo thế.
Nhưng đến ăn còn chẳng đủ làm sao chúng tôi mua được đôi chiếu bây giờ?
Hôm đó suốt từ sáng sớm đến trưa phi cơ bay từng đoàn bắn phá và dội bom liên tiếp xuống các chợ lân cận: chợ Me, chợ Vàng, chợ An Lạc... Mọi ngày chỉ khoảng bốn giờ chiều mẹ tôi có mặt ở nhà. Ngày đó giời đã xế chiều mà người vẫn chưa về. Toàn thể gia đình tôi bắt đầu sốt ruột tuy không ai nói một câu.
Chiều ngả màu xẫm. Gió bấc rít trong bụi tre già làm nền cho tiếng khàn khàn của lũ quạ lục đục trong ổ, gió bấc xoáy từng vòng cuồng loạn dứt từng vốc lá tre, lá bưởi vàng úa rồi lại nhào vút mất hút ra ngoài cánh đồng bát ngát hiu quạnh.
Mẹ tôi vẫn chưa về.
Trong óc tôi thoáng hiện những cảnh chợ bị phi cơ tàn phá, những hình người không kịp xuống hầm bị đạn chết gục bên cột lều tay còn quờ ôm những đồ hàng của mình, những hình người bị bom napalm thiêu rụi như những thân chuối cháy đen... Và tôi vùng ra cổng.
Thày tôi biết ý hẹn với:
- Con cứ thẳng đường ra bến Rau. Mẹ con thường về đường ấy.
Ra tới cổng làng, tôi đi như bay theo đường đã định, cổ họng nghẹn ngào, dạ cồn lên như lửa đốt. Con đường như rộng thênh thang, cánh đồng ngập trong bóng chiều xẫm và trong gió bấc, càng trở thành mênh mông. Tôi vun vút nhảy qua các hố phá hoại mà đi như một bóng ma cô độc đương muốn biến theo luồng gió.
Từ xa như có bóng người đi lại. Chắc người đó ở chợ Rau về. Để tôi phải hỏi tin tức về việc phi cơ oanh tạc hôm nay.
Hình như trên đòn gánh người đó có vắt ngang một cái gì.
Tôi lướt vội lên. Trời ơi, mẹ tôi!
Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi như gặp nhau ở cửa âm ti.
Tôi hỏi: "Sao mẹ về muộn thế, cả nhà lo tưởng phát điên lên". Mẹ tôi cho biết hàng hôm nay bán ở chợ không hết, người phải đi sâu vào một vài làng lân cận để bán nốt. Rồi khi xuống khỏi đê, qua cái lạch lớn, thấy có chiếc chiếu trôi, vội tìm cách vớt lên và giặt luôn bên lạch. Đó là chiếc chiếu còn khá tốt tuy chiều rộng bị xén đi mất một phần ba.
Mẹ tôi chỉ vào chiếc chiếu phơi trên đòn gánh nói:
- Về đến nhà thì chiếu vừa khô con ạ. Tối hôm nay thằng Tư - tên thằng em út tôi - có chiếu đắp ấm.
- Mẹ ơi, "giàu con út, khó con út", mẹ chẳng để ý gì đến chúng con, chỉ chăm chút cho chú Tư thôi.
Mẹ tôi đi trước, gió ngược chiều nên tiếng tôi mất hút về phía sau. Tuy nghe tiếng được tiếng không nhưng mẹ tôi vẫn hiểu câu nói đùa. Người vừa giữ cái chiếu vừa quay nhìn tôi mỉm cười.
Tối hôm đó khi đi ngủ thằng chú Tư được mẹ tôi đắp cho chiếc chiếu vớt ở lạch. Chân nó thò ra một tí khiến tôi nhận thấy chiếc bí tất cũ vàng xỉn của tôi, chỗ đầu rách được buộc túm lại để các ngón chân xinh của nó khỏi "thoát ly" ra ngoài.
Dạo đó chỉ còn một tháng nữa là tết. Tôi lại có dịp tạm rời trường Luật, đợi đến qua giêng mới có giáo sự Tôi về vừa đúng lúc gia đình đương cần nhân công xay thóc giã gạọ Dấn vốn của gia đình tôi còn đong được năm nồi thóc. Dùng số tiền đó làm tiền đặt mẹ tôi có thể đong về được tám nồi. Theo như mẹ tôi phác tính mỗi nồi thóc làm, được lợi ít ra là hai ca gạo, vị chi với tám nồi thóc, chúng tôi sẽ lợi ít nhất là một nồi rưỡi gạo. Cứ như vậy mà đủ việc liền trong một tháng, nghĩa là vừa đến tết, thì chúng tôi có thừa tiền đong gạo nếp gói bánh chưng và mua thịt cá để đón một mùa xuân kháng chiến tương đối huy hoàng.
Chúng tôi ngoại giao ổn thỏa với các nhà có cối xay cối giã rồi bắt đầu vào việc. Thầy tôi trông nom mấy đứa nhỏ sửa soạn cơm nước. Tôi và thằng em giai xay thóc trong khi mẹ tôi điều khiển vợ tôi và cô em gái sàng gạọ Xay hết thóc chúng tôi đã có gạo đem đi giã, giã đến đâu mẹ và em tôi sàng tấm sẩy cám đến đấy. Trong khi xay thóc tôi nhẩm ôn các đạo luật, các án lệ để sửa soạn kỳ thi cuối niên khóa. Khi giã gạo với vợ, tôi cùng nàng thủ thỉ xây mộng tương lai. Ngày kháng chiến thành công hẳn chúng tôi đã có những đứa con kháu khỉnh, đã trở về quê hương dựng lại căn nhà xinh, sống tự do bình dị trong tổ ấm gia đình.
Ngày đầu chúng tôi làm được tám nồi thóc với số gạo dư là hai nồi. Một cụ già ở đấy gật gù nói: "Vạn sự xuất ư nho, đúng thật. Học trò thì cái gì cũng làm được. Cứ bảo người Hà nội không chịu được lam lũ!"
Ngày hôm sau có tin quân Pháp đánh lên Vĩnh yên. Những người có thóc giữ lại. Mẹ tôi phải vất vả lắm mới mua được bằng giá khá cao sáu nồi thóc để chúng tôi có việc làm.
Quân Pháp chiếm Vĩnh Yên. Tiền Hồ Chí Minh sụt giá vùn vụt. Vẫn số tiền cũ giờ đây chưa chắc mẹ tôi đã mua nổi bốn nồi thóc.
Quân Pháp theo sông đào tiến lên chiếm chợ Mẹ Dân chúng xao xác chuẩn bị chạy. Số tiền trong tay mẹ tôi hầu trở thành giấy lộn. Chúng tôi ăn một bữa quà bánh đúc, lúc giả tiền thấy vợi hẳn túi. Viễn ảnh những ngày đầu xuân có gạo nếp, có thịt gà, thịt lợn bị giập vùi trong khói súng và biến thành một điểm mong manh chết đuối giữa cảnh tàn phá rùng rợn của bom đạn tơi bời cha lạc con vợ lạc chồng, anh em tán loạn mỗi người một phương.
Dạo đó tuy đã có phong trào "rèn cán chỉnh cơ" nhưng chưa có cố vấn Tàu, chưa có chính sách "ba cùng", học tập đấu tố nên mặc dầu kinh tế nguy ngập ai nấy vẫn tin tưởng ở ngày mai huy hoàng của dân tộc, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của già Hồ (như lời tuyên truyền phát thanh chiều chiều).
Sang hạ tuần tháng chạp, suốt ngày mưa phùn gió bấc lạnh như cắt ruột. Không hiểu là vì rét nhiều hơn hay là vì chúng tôi đã bắt đầu giảm khẩu phần! Chiếc chiếu mẹ tôi vớt ở lạch đắp cho thằng em út đã rách xơ xác. Trong khi gia đình tôi giật gấu vá vai tìm cách nhường nhau miếng cơm manh chiếu thì xảy cuộc hỗn chiến giữa quân đội Pháp và quân đội Kháng Chiến ở chân núi Tam Đảọ Để giữ vững ưu thế quân sự về mình tại mặt trận Vĩnh Yên. Tướng Pháp De L. quyết định hy sinh đoàn quân hắn, và hạ lệnh cho thả bom tận diệt đôi bên.
(Trong cái điên ba của một cuộc thế lọc lừa phản trắc, người ta dày xéo lên tình người, điềm nhiên hy sinh xương máu đồng bào đồng loại nơi này cho quyền lợi thực dân, nơi kia cho học thuyết giai cấp. Tôi không ghê tởm những bộ mặt lãnh tụ như chúng sao được?)
Từ chân núi Tam Đảo quân Pháp đánh tỏa ra ba mặt, đồng thời từ hữu ngạn sông Hồng, một toán Lê Dương vượt sang càn quét bến Rau ở tả ngạn. Dân chúng từ bốn mặt chạy về huyện Yên Lạc, đổ xô vào các làng. Mẹ tôi bèn thổi cơm hàng gánh đến bán cho họ.
Trong số rất đông các người ở làng Rau mang đồ đạc chạy đến làng Lũng Thượng, có gia đình ông Lý Cựu vốn là bà con với ông chủ nhà nơi tôi tản cư. Ông Lý nói chuyện với thầy tôi rất tương đắc nhất là khi ông biết tôi đương học trường luật thi ra thẩm phán.
Ông nói:
- Tôi có thằng cháu năm nay lên sáu; giời cho làm người, sau này kháng chiến thành công, tôi nhất định sẽ gởi cháu lên Hà Nội phiền ông bà và cậu Cả trông nom giúp cho thành thân người.
Quân Pháp sau khi từ chợ Me vượt qua sông Đáy tiến sâu vào huyện Lập Thạch đốt phá một ngày rồi rút lui về tỉnh. Cánh quân tiến sang tả ngạn sông Hồng đốt phá bến đò Rau cũng rút lui về vị trí cũ bên hữu ngạn. Dân chúng chạy loạn lục tục đâu trở về đấy ngay để còn kịp sửa soạn tết.
Làng Lũng Thượng trở lại yên tĩnh.
Trưa hôm đó mẹ tôi ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều. Đúng là chiếc chiếu của một gia đình chạy loạn nào khi về mừng quá bỏ quên.
Mẹ tôi nói: "Thôi thế cũng là giời thương mà cho nhà mình!"
Đã lâu lắm, đêm đó tôi mới thấy thằng em út tôi có chiếc chiếu đắp kín chân không trông thấy đôi bí tất buộc túm chỗ rách. Sáng ra, mẹ tôi cẩn thận gấp chiếu rồi vắt lên chiếc giây thừng căng cao ngang mái nhà. Thế là từ đây đêm đêm nghe tiếng gió rít và những hạt mưa táp vào đầu hồi tôi cũng yên chí cho các em đã tạm đủ chiếu nằm, chiếu đắp. Hai ngày sau, tới buổi sớm ba mươi tết, khi sực tỉnh, tôi thấy không khí trong làng có vẻ tưng bừng hơn vì những tiếng bàn tán xôn xao xen với tiếng cười ròn rã ngoài đường xóm. Tôi vùng dậy ra thẳng ngõ. Trời tuy lạnh ngọt nhưng quang đãng và êm ả vô cùng. Tôi gặp mọi người mắt ai nấy sáng sáng ngời tin tưởng. Thì ra ở khắp các tường làng đều đã kẻ khẩu hiệu:
"Chuẩn bị tổng phản công".
Đồng bào thủ đô bàn nhau ngày về nhận nhà nhận cửa, đồng bào địa phương hơi có vẻ ngậm ngùi tưởng như giờ phút chia tay đã điểm.
Buổi trưa hôm đó ông Lý Cựu từ làng Rau mang theo vài thứ xa xỉ phẩm làm quà biếu ông chủ nhà vào dịp tết. Ông Lý Cựu có xuống căn nhà dưới thăm thầy tôi. Câu chuyện vừa xong phần xã giao thường lệ thì ông ngửng nhìn thấy chiếc chiếu hoa cạp điều vắt ở giây thừng, ông đứng nhỏm dậy chạy lại kéo tuột xuống nói gọn:
- Chiếc chiếu này của tôi.
Mẹ tôi chợt có một cử chỉ phản ứng của một người mẹ gìn giữ con trong cơn nguy biến.
Người nói:
- "Ấy chiếc chiếu đó của nhà tôi..."
Mẹ tôi vốn là một Phật tử trung thành. Người chỉ nói được đến đấy thì lương tâm Phật tử trở lại và người lúng túng quay nhìn ra ngõ.
Ông Lý Cựu thản nhiên gấp chiếu lại, cắp gọn nách rồi thản nhiên nói:
- Không, chiếc chiếu của tôi. Tôi mua đôi chiếu cặp điều từ năm mới tác chiến, một chiếc còn trên kia.
Thì ra đôi chiếu đó, ông Lý mang đến gửi ông chủ nhà trong dịp vừa qua, rồi những người đến chạy loạn tự động mượn đem ra giải ở bụi tre nghỉ tạm, lúc về vì chiếu rơi xuống hầm trú ẩn nên họ quên không trả lại chỗ cũ.
Tuy chỉ một thoáng qua nhận biết sự thể là vậy nhưng tôi vẫn chưa chịu và tiếp lời mẹ tôi:
- Chiếc chiếu này mẹ mua của một người ở chợ Lầm. (Ý tôi muốn nói người đó lấy chiếc chiếu ở đây mang ra chợ Lầm bán).
Ông Lý vẫn thản nhiên, thản nhiên một cách cương quyết:
- Không, chiếc chiếu này của tôi.
Rồi ông cắp chiếu đi thẳng lên nhà. Lúc đó tôi cũng vừa trở lại với tôi để nhớ ra rằng cuối năm nay tôi đã thi xong, có thể ra làm thẩm phán. Tôi thoáng nghe phía sau tiếng vợ tôi thở dài rồi quay vào buồng.
Tối hôm đó khi thấy tôi lấy chiếc chiếu rách cũ vớt ở lạch đắp cho thằng em út, mẹ tôi chép miệng nói khẽ:
- Thôi, sang giêng trời bắt đầu ấm, vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!
"Vả lại cũng sắp tổng phản công rồi!" - mẹ tôi nghĩ thật chí lý. Tổng phản công để bờ cõi được vinh quang độc lập, để mọi người được trở về dựng lại quê hương yên vui.
Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó - kể cả hy sinh một chút danh dự cho sự yếu đuối thường tình của con người - tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy vẫn sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang.
Sớm mùng một năm đó mẹ tôi ra chùa lễ. Người quỳ rất lâu trước bàn thờ Phật. Giọng người thành kính thiết tha cầu đức Phật phù hộ cho chóng trở lại ỵên bình, gia đình được qua thì đói khỏi thì loạn.
Tiếng người khấn đôi khi nức nở. Tôi nghe nước mắt như muốn trào ra.
Cộng sản dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý "Vật chất quyết định hết thảy". Chúng lầm! Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào. Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều, tuy thực tình câu chuyện chỉ giản dị có vậy.
Cách đây ít lâu khi mua được đôi chiếu hoa Phát Diệm ở đường Hai mươi về giải lên phản cho con nằm, tôi thấy vợ tôi chợt úp mặt vào hai bàn tay trước bàn gương. Có lẽ nàng nghĩ đến câu chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều khi xưa. Chuyện đó như biến thành chiếc phao xẫm màu, bất chấp mọi giông tố vẫn nổi lềnh bềnh trên biển, biển thời gian của đời, biển kỷ niệm của hồn. Cũng kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành.
Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn, ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành.
Thấy tôi hằng kiềm chế được nóng giận và nhất là vẫn mỉm cười, khi ứa nước mắt các bạn bè thân thường khen tôi có thái độ hồn nhiên của Trang Chu.
Các bạn yêu quý của tôi!
Các bạn có ngờ chăng thái độ hồn nhiên đó là kết quả của biết bao cảnh cơ hàn mà tôi và những người thân của tôi đã trải qua, trong đó có chuyện Chiếc chiếu hoa cạp điều!











Trang chính | Contact | Adobe Acrobat | Microsoft Reader | Flash Play | Font Unicode
Nhóm quản trị: Ct.Ly, Cumusic, Easyman, Huyền Băng, KeDangGhet, Mercury, Mars, Mọt Sách
Nhóm điều hành: Băng Nguyệt, Canary, Ct.Ly, Cumusic, Diên Vỹ, Donation, Easyman, Hoàng Dung, HongYen, Huyền Băng, James Jee, KeDangGhet, Khánh Quỳnh, Kim_Bang_2, Lang Thang, Mars, Mickey, n.trang, NCD, nguyen.bamboo, Nguyên Đỗ, NKT, Phongvans, QV, Saomai1268, Sunflower, Thanh Vân, Tommyboy, Viet Duong Nhan
Bài viết và sách tại vnthuquan.net, thuộc quyền sở hữu của người viết và của vnthuquan.net. Copyright by Thu vien Online © 2002 - 2012 - designed by Phạm Huy Hùng
Trang Sách Truyện hiện có 1268 người đang online

HỒ DZẾNH * CHỊ YÊN

CHỊ  YÊN

Hồ Dzếnh


         Chính tên chị là An. Mẹ tôi gọi tránh ra là Yên. Yên là con nuôi mẹ tôi, nuôi để thay cho người nhà, để có ai hỏi thì bảo: nó là con nuôi tôi. Mẹ tôi thường kể lại rằng mua chị ta với cái giá hai quan tiền vào một năm lụt lội, đói kém. Yên như biết phận mình là con nuôi, nên không bao giờ lên mặt với tôi hết. Ngày tôi còn nhỏ, Yên trông nom tôi. Đó là người bạn gái ngày xưa, để sau này thành một người chị rất tốt. Kể ra, đối với Yên, tôi chịu lỗi nhiều lắm. Lòng tử tế, trung thành của Yên, mỗi lần nhắc đến, tôi không khỏi ngậm ngùi. Ngày nay, tuy Yên không còn sống chung với tôi trên quả đất này nữa, nhưng hình ảnh Yên vẫn theo tôi bên những hình ảnh thân mến khác.

         Chị Yên có một thân hình gầy nhẵng, trái hẳn lại với cái sức dai dẳng của chị. Cái nghệ thuật độc nhất, cái nghệ thuật đạt được đến độ tối cao của Yên, là bổ hết năm tạ củi trong một ngày liền. Mẹ tôi đảm đang là thế mà vẫn phải lắc đầu, mỗi lần thuật lại cái kỳ công ấy.
         Một hôm, chị Yên cầm dao rựa bổ củi, vô ý để lưỡi dao phập vào đầu ngón chân cái bắn ra cách đấy vài thước. Không một tiếng kêu, chị lấy vạt áo bịt ngay chỗ máu chảy, lê dần nhặt đầu ngón chân lìa ra kia, chắp lại. Tuy bị thương, chị vẫn bổ củi, với một vẻ điềm tĩnh không hai.
         Không phải chị Yên bị mẹ tôi bạc đãi, nhưng vì tính chị thích làm, nên Yên tự muốn đầy đọa mình luôn. Người con gái ấy, suốt trong mười mấy năm trời, đã chứng kiến cảnh lên xuống của gia đình tôi, đã chia chung niềm vui vẻ, nỗi nghèo khổ với mọi người trong nhà. Ngày hai lượt, chị gánh hàng cho mẹ tôi đi, về chợ, tiếng kẽo kẹt của chiếc đòn tre trên vai, bình yên nhịp với tháng ngày âm u, vắng mọi xa hoa của một người đàn bà Việt Nam chân chính.
         Chị Yên của tôi không đẹp, nhưng có duyên. Chị ăn trầu cắn chỉ và vá vai một cách tài tình. Đôi khi có ai giễu cợt chị, chị chỉ yên lặng. Tôi không hiểu có phải vì chịu thương chịu khó như vậy mà đời Yên chỉ là một chuỗi ngày đau khổ, nó thu ngắn cuộc sống của Yên lại không?

         Trước sau, dưới sự phán xét nghiêm nhặt của kỷ niệm, đối với chị Yên, tôi vẫn là người bội bạc. Chữ bội bạc, tôi cho còn là nhẹ, tôi toan mượn hai tiếng "dã man". Tôi không thể nào quên được, một hôm, đi học về, lục nồi không thấy cá thu, thứ cá tôi ưa nhất, vì chị đã để cho mèo tha mất rồi, tôi nóng mắt, sẵn đôi giày đang đi, nhằm xương ống chân chị mà chọt một cái thật mạnh. Yên nhắm mắt lại, nghiến răng chịu đựng sự tàn ác của tôi. Chợt nghe tiếng guốc của mẹ tôi xuống nhà, Yên vội đứng lên, xuýt xoa:

         - Khiếp! Cái bậc cửa cao quá, vấp phải luôn!

         Mẹ tôi lườm chị mà mắng:

         - Rõ mù! Người ta đi thì chẳng việc gì. Chỉ được cái bị thịt!

         Tôi không còn biết nói thế nào cả, nên yên lặng. Đợi mẹ tôi đi khỏi, tôi tháo đôi giày tây ra, trói cả hai chiếc làm một, định vất xuống ao. Chị Yên thấy thế, vội can tôi:

         - Đừng em! Vất giày đi lỡ mẹ hỏi không thấy, mẹ đánh chết!

         Tôi phụng phịu trả lời:

         - Nó đá chị, thì em vất quách nó đi.

         Đôi giày ấy, tôi đem ném nó vào một xó, nói thác với mẹ tôi là đau chân phải đi guốc. Tôi vất nó đi, nhưng thỉnh thoảng Yên lại mang nó ra lau chùi, làm tôi phát gắt:

         - Chị còn tiếc nó làm gì nữa. Để em chặt nó ra.

         Tôi chặt nó ra thật. Từ đấy, không bao giờ tôi còn dùng thứ giày tây mõm nhái và có ống như thế nữa. Thậm chí tôi ghét lây cả những người mang nó. Tôi thương Yên ngày một thêm, bởi chỗ tôi đá Yên đã loét thành một mụn sâu quảng, rồi biến thành một vết sẹo thâm đen. Lòng tôi đòi phen thắt lại, rùng rợn nghĩ đến cái cử chỉ hung hãn của mình. Còn Yên, Yên không nghĩ gì hết. Mỗi lần tôi nhắc lại chuyện xưa, Yên chỉ cười mà gạt đi:

         - Trò con nít, nhắc lại làm gì!

         Lòng Yên chỉ biết có trung thành và tận tụy. Yên không thể nào như tôi, một người tự tạo ra đau khổ để sống, để sung sướng vì thấy mình đau khổ hơn người. Tâm hồn mơ ước kín đáo của người con gái ấy chỉ hé mở để rung động vì một trong số những người thích Yên.
        Tôi biết chuyện, trêu Yên, và Yên chỉ đỏ mặt. Yên không biết chữ nên vẫn nhờ tôi đọc các truyện Phạm Công Cúc Hoa cho nghe. Yên thuộc lòng từng đoạn và đôi khi ngâm lên. Dưới ánh sáng của ngọn đèn dầu con, nhiều tối, Yên chăm chú nghe tôi đọc, và đôi lúc đọc theo.

         Cuối năm ấy, người yêu Yên đến hỏi Yên. Mẹ tôi bằng lòng gả, nhưng bảo đợi đến hết tang ba tôi. Non ba năm đối với người con gái ấy có là bao, đó chỉ là một sự đợi chờ nhỏ nhặt, bên cạnh những công việc liên miên. Hơn nữa, chị Yên lại không biết thế nào là phản bội, thì mối tình chị thầm nuôi trong lòng hẳn phải là đẹp đẽ, thủy chung.
         Trong gia đình tôi, sau ngày ba tôi mất, xảy ra nhiều chuyện bất bình giữa mẹ tôi và dì ghẻ tôi, chuyện bất bình kéo theo nó cả một cảnh chia rẽ vĩnh viễn. Hôm cãi cọ đầu tiên, hai người xung đột nhau. Chị Yên giúp mẹ tôi một cách đắc lực. Chị lăn vào gỡ tóc cho mẹ tôi, chị tát, chị xé những người về phái khác, trong khi tôi vừa khóc vừa chạy loanh quanh. Rút cuộc, chị Yên được đôi mắt sưng tím, mất một mảng da đầu. Chị bảo:

         - Giá chúng nó còn đánh mẹ nữa, thì chị cho nhừ đòn.

         Trông chị Yên lúc ấy đến gan dạ. Ai dám bảo đó là một người con gái nhà quê, một người con gái gầy nhẵng, yếu ớt? Yên trung thành trên hết những người trung thành. Tuy nghèo nhưng chị Yên không bao giờ lấy cắp, mặc dù nhiều lúc mẹ tôi giao chìa khóa cho chị giữ.
         Vốn liếng của Yên là vài hào chỉ giắt trong thắt lưng để ăn trầu dần. Chị Yên có cả chiếc gương nhỏ hình bầu dục, cả chiếc lược đồi mồi, và bằng những thức này, Yên giữ gìn nhan sắc để đợi một ngày đẹp đẽ đến trong đời Yên. Người thiếu nữ Việt Nam gương mẫu ấy còn một cách trang sức khác là soi dung nhan mình trên làn nước giếng lặng lẽ, rồi lấy tay từ từ rẽ ra bên tai mái tóc đen lanh lánh.
         Bánh quà nhận được sau mỗi buổi mẹ tôi đi chợ về, tôi đều đem chia cho Yên. Nhưng Yên để dành, trả lại cho tôi. Tôi hỏi chị:

         - Sao bánh ngon thế mà chị không ăn?

         Yên đáp, đôi mắt buồn buồn:

         - Chị lớn rồi, chị không thích ăn nữa.
        
- Chị lớn rồi, chị đi lấy chồng phải không?

         Yên hơi đỏ mặt, đáp:

         - Không, chị không lấy chồng, chị ở với mẹ và em.

         Yên hay ru tôi ngủ. Tiếng hát của Yên rất buồn, buồn vì lòng Yên sẵn buồn, hay vì tự ngàn xưa tiếng hát ru em vẫn buồn như thế? Câu Yên thường hát là:

         Cát bay vàng lại ra vàng
         Những người quân tử dạ càng đinh ninh

        
Nếu văn mà bây giờ tôi tin là người, thì tiếng hát xưa kia, biết đâu, lại không là tâm hồn Yên một ít? Ngủ trong tình thương của mẹ, trong tình thương của Yên, tôi say sưa trọn mười mấy năm trời đằng đẵng, và chỉ tỉnh dậy, cách đây không bao lâu, để tin rằng nước Việt Nam, quê hương thứ hai của tôi, còn đẹp lắm, người nước tôi vẫn rất đỗi hiền lành!
        Đã bao nhiêu lần, cánh mây xuân ngừng trên quãng đồng đầy hứa hẹn, trên dòng nước sông trong, đã bao nhiêu lần, những người đàn bà nhà quê đau khổ, chua xót, nhưng vẫn bị sống quên lãng trong lũy tre xanh!
         Hỡi nước Việt Nam! Tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng nói của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo. Trên dải đất súc tích những tinh hoa của văn chương, những công trạng của lịch sử, tôi còn ghi cả những bóng dáng người xưa tôi thương yêu, và trong số những người này, chị Yên tôi là một.

         Tôi kể nốt chuyện chị Yên.

         Hình như bao giờ chị Yên cũng đứng trước mặt tôi với những nét nhăn nhó, với cái thân hình gầy oặt vì sức gieo nặng của đau thương. Chị Yên chết rồi, nhưng chết như chị Yên là thoát. Tôi sống không hơn một chiếc lá lạc, một cánh mây vương. Tôi lớn rồi, tôi đã hiểu thế nào là bổn phận một người sống. Tôi đã biết thế nào là tha thứ, mặc dầu mỗi khi nhìn lại thời xưa, tôi vẫn căm ghét hình ảnh con người đáng nguyền rủa mà đã có lần tôi từ chối không nhận trong sổ họ nhà tôi.
         Còn hơn hai tháng nữa đến ngày cưới chị Yên thì nhà tôi nhận chứa thêm một người khách: cậu họ tôi. Đó là một cái bóng thân thích lạc đi đâu lâu ngày, rồi một hôm, không hiểu vì túng tiền hay buồn sao đó, sà xuống cái mái nhà quen biết một cách vô lý và hết sức vô duyên. Tôi không ưa được những hạng người như thế, những người sống không ra sống, giằng cướp tay trên hạnh phúc không thuộc về mình.

         Tôi hỏi mẹ tôi:

         - Cái người nào đấy mẹ? Con trông ghét lắm!

         Mẹ tôi trợn mắt lên:

        - Hỗn nào! Cậu mày đấy! Một giọt máu đào còn hơn ao nước lã!

         Cậu thì cậu, tôi nhất định không ưa. Tình cảm của tôi trao cho ai, tôi muốn nó thẳng một mạch. Bắt nó quẹo lại hay xiên đi, tôi rất hậm hực. Đến mỗi bữa cơm, tôi so cho người ấy một đôi đũa xấu nhất, nhưng chị Yên lại đổi ngay cho đôi đũa đẹp, Yên làm như thế chỉ là do lòng tử tế, nhưng có ai hiểu lòng tử tế cho Yên? Yên đã bị hiểu lầm một cách tai hại.
         Cậu tôi trông người xấu thế nào ấy, ăn thì ăn nhiều, ngủ lại ngủ mê mệt đến tám chín giờ. Từ ngày có mặt vị khách ấy, tôi mất vui. Chị Yên chắc cũng không vui gì, nhưng tính tình kín đáo. Yên không để lộ vẻ bất mãn như tôi. Có cái bóng gì hắt lên ngày sống vui tươi của tôi, làm tôi khó chịu.
         Chị Yên hay dậy sớm đun nước pha trà. Biết lệ ấy, cậu tôi cũng lò mò dậy sớm, vào bếp, ngồi ngay cạnh Yên. Mỗi lần xuống bếp, tôi lại lộn tiết lên vì cái dáng điệu đáng ghét của cậu. Tôi bảo chị Yên:

         - Sao chị không chừa cái mặt ấy ra?
         - Chừa mặt làm sao được, vì cậu ấy là người nhà kia mà!

         Tôi biết chị Yên đau khổ lắm. Chị bị vướng, bị ngáng, đủ tình đủ tội. Một hôm không nén được giận nữa, tôi bảo mẹ tôi:

         - Mẹ ạ, mẹ đuổi quách cái cậu gì đi!

         Mẹ tôi ngừng tay khâu, lườm tôi:

         - Lần này là lần thứ mấy rồi hả?

         Tôi ngập ngừng:

          - Cậu ấy... cậu ấy...

         Nhưng tôi im bặt, chạy vội ra ngoài sân. Tôi biết là nếu nói rõ sự thực ra, trong nhà tôi sẽ có sự xô xát, và chị Yên sẽ không còn được "cát bay vàng lại ra vàng" nữa. Cơn tức giận, hằn học, tôi trút cả vào bức thư gửi ra Hà Nội cho anh tôi:

         "Anh ơi, nhà ta có cái người cậu gì ấy. Trông cậu ấy em chỉ muốn đánh chết đi thôi. Cậu ta cứ sán lại gần chị Yên rồi cười thế nào ấy. Em nghĩ giá anh có ở nhà thì mấy mà chúng mình chả làm nên chuyện. Không tin anh cứ về nhà mà xem, em không nói dối đâu. Chúc anh bình yên. Em tức lắm anh ạ."

"
Tái bút: Anh có về thì mua bánh về nhé. Anh mua cả khăn chít đầu của chị Yên nữa. Về mà xem, mau lên anh!"

         Viết xong thư, tôi hả lắm, nhủ thầm:

         - Rồi phen này biết tay nhau!

         Mẹ tôi vẫn không hay biết gì hết, vẫn lặng lẽ ngày hai buổi đi về chợ, đều đều mua cho cậu tôi những thức nhắm rượu. Tôi ngứa mắt lắm, nhưng không biết làm sao được. Yên cũng dần dần lây cái buồn của tôi. Yên hay ngồi một mình, thỉnh thoảng lại thở dài. Một sáng, tôi thức dậy sớm, thì đã nghe tiếng cậu tôi nói trong bếp:

         - Trông Yên ngồi bên lửa hay lắm!

         Không có tiếng trả lời, rồi tiếng tiếp theo:

         - Người ta khen còn làm bộ!

         Tôi vội gọi to lên:

         - Chị Yên ra đây, chị Yên!

         Yên vớ được dịp tốt, chạy ra với tôi, nét mặt hớt hải, xanh ngắt. Tôi cầm tay chị mà tội nghiệp hộ. Yên nhìn tôi, lộ vẻ cảm ơn, rồi lấy dải yếm lau nước mắt. Từ đấy, tôi không gọi cái người kia là cậu nữa, tôi gọi là "ấy" hay "này", mỗi khi bắt buộc phải nói chuyện với.

         Rồi đến một sáng kia - độc ác thay là cái sáng hôm ấy - tôi đang ngủ thì chợt một bàn tay đánh thức tôi dậy. Tôi hốt hoảng nhận ra là Yên, Yên đang khóc. Lúc ấy trời sáng chưa rõ mặt người. Ngọn đèn canh trộm vẫn leo lét cháy, ủ dột. Tôi ngồi dậy, hỏi chị:

         - Sao chị khóc?

         Yên lắc đầu, không đáp, mãi sau mới nức nở:

         - Em ở lại, chị đi đây.

         Tôi rụng rời:

         - Chị Yên đi đâu? Ai đánh chị Yên?

         Yên như chợt biết câu nói của mình là hớ, nên vội chữa lại:

         - Không ai đánh chị hết! Chị đi rồi chị lại về!

         Thấy tôi giữ riết lấy vạt áo, mà bên ngoài thì đã có tiếng gà gáy báo trăng hạ tuần lên, Yên nóng ruột
          - Chị ra tỉnh mua hàng cho mẹ. Em có tiền cho chị vay mấy hào.

         Tôi lục rương đưa cho Yên một đồng bạc, tiền mẹ tôi cho để mua sách. Chị Yên còn nắm tay tôi mấy lượt nữa rồi mới bước ra đi.

         Bên ngoài, tiếng một con chó sủa bóng trăng lạnh. Tôi bắt đầu trở lại giường ngủ, thì chợt nghĩ đến một sự. Tâm linh vô cùng sáng suốt của tuổi trẻ đã cho phép tôi phác vẽ một chuyện ghê người. Tôi nhảy xuống đất, gọi:

          - Cậu! Cậu đâu rồi!

          Không có tiếng thưa. Tôi vặn to ngọn đèn lên, chạy lại lay tay cậu. Sự thông minh riêng làm tôi ngờ rằng cách ngủ của cậu tôi là giả vờ. Đợi tôi lay đến lần thứ năm - người lớn ai lại ngủ mê thế nhỉ - cậu tôi mới choàng tỉnh dậy, làm ra vẻ ngơ ngác nhìn tôi. Trước cặp mắt mở ra không vướng một bóng mệt nào của giấc ngủ, tôi tức điên lên:

          - à, ra cậu gớm thật! Cậu tồi thật!

         Cậu tôi tỏ vẻ kinh ngạc, hỏi tôi:

         - Sao cháu lại bảo cậu tồi?

         Tôi càng tức thêm:

         - Còn không tồi! Được, để tôi mách với mẹ tôi cho mà xem!

         Sáng hôm sau, vị quý khách ấy vội vàng từ giã nhà tôi, nói dối là đã tìm được việc làm.
        Câu chuyện trên kia, tôi không dám nói cho ai biết. Tôi chỉ hiểu nó bằng khiếu thông minh của trẻ nhỏ, mà không bắt được tang chứng. Ròng rã trong hai năm trời tìm kiếm, mẹ tôi tìm thấy chị Yên ở làng Nhồi gần thị xã Thanh Hóa, an phận bên một người chồng ngày ngày xe đá về tạc những hình tượng xinh xinh...

         Tôi sống bên núi Nhồi, bên chị tôi, trong hơn một năm trời nữa, hưởng lại, lúc cuộc đời bắt đầu chớm buồn, những ý vị đậm đà của một mối tình cao quý.

*

         Ở Hà Nội, nhiều lúc tôi bạc bẽo quên mất người chị nuôi của tôi đi, vì phấn son và phù hoa đã quyến tôi đi xa ngày trước quá.
Trong một bức thư gửi ra Hà Nội thăm tôi, mẹ tôi báo tin chị Yên đã chết, một tháng sau chồng và hai tháng trước đứa con trai. Mẹ tôi thêm: "à, ra nhà nó bị trùng làm đấy con ạ".

         Thế là hết, một trong những tấn kịch buồn bã nhất của gia đình tôi. Trên đỉnh núi Nhồi ngày nay vẫn còn nhô lên một mô đá, tượng hình người mẹ dắt con, đợi chồng trong quãng bao la vô hạn. Và ngày nay, mỗi lần về Thanh Hóa, ngồi trong tàu, đưa mắt nhìn mô đá cũ, tôi ngờ đó là hình dáng người chị dắt em...

Hồ Dzếnh
2-1939
(Chân Trời Cũ - nxb Á Châu – 1946)

GIA HỘI * DÂN CA HUỀ

Dân ca Huế
  Gia Hội


Ở đây chúng tôi đề cập đến những câu hò, điệu hát trong dân gian, đã được quần chúng sáng tác và truyền bá tại đất Thần Kinh thơ mộng trong bao thời đại.
Có lẽ Huế là một trong những nơi có nhiều câu hò, điệu hát nhất và xuất sắc nhất.
Về hình thức, ca dao Huế thường dài, biến thể của vè, tứ ngôn, ngũ ngôn,thất ngôn. . .cấu tạo theo yêu vận :
Một vũng nước trong,
Mười giòng nước đục.
Một trăm người tục,
Không được một chục người thanh!
Lấy ai tâm sự như mình,
Mua tơ thêu lấy tượng Bình Nguyên quân!

Về nội dung, ca dao Huế rất phong phú, ý tứ thâm sâu.
Chúng ta thử xét xem nội dung của dân ca Huế qua một vài câu tiêu biểu.

I . TÌNH PHụ TỬ, Mẫu TỬ :

Những bài hát ru con ( ru em ) Huế thường nói đến tình phụ tử, tình mẫu tử:
Ru em, em thét cho muồi ,
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi chợ Quán, Chợ Cầu,
Mua cau Nam phổ, mua trầu chợ Dinh.
Chợ Dinh bán áo con trai,
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim.

Mạ ơi chờ đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau mạ nhờ!

Ca dao thường là những bài học luân lý, khuyên con người phải hiếu thảo với cha mẹ :
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp luột, như đường mía lau.
Tôm rằn lột vỏ, bỏ đuôi
Gạo lúa de An Cựu mà nuôi mẹ già !

Ca dao cũng nói lên tâm trạng của những người con hiếu thảo:
Đêm đêm khấn vái Phật ,Trời
Cầu xin cha mẹ sống đời với con.

Có những bài ca nói lên tâm trạng người con gái ra đi lấy chồng, đã luyến tiếc mái nhà xưa, nhất là đau buồn vì xa cha mẹ:
Ra đi ngó trước, ngó sau,
Ngó nhà mấy cột, ngó cau mấy buồng.

Khi đã về nhà chồng, người con gái thường nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ cha :
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Ngó về quê mẹ, ruột đău chín chiều.

II. Tình yêu quê hương

Dân ca Huế là tiếng nhạc réo rắt của những tâm hồn yêu làng xóm, thành phố, quê hương mình.

Những bài hát ru, những bài ca Huế thường mang dấu tích những làng xã thân yêu của đất thần kinh như là muốn giớI thiệu cùng khách du những địa danh quen thuộc, và cũng là để gợi nhớ cho những lãng tử xa nhà :

Đó ai biết rít mấy chưn,
Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người ?

Đông Ba, Gia Hội hai cầu,
Có chùa Diệu Đế bốn lầu hai chuông.

Nhiều bài dân ca Huế ca tụng những sản vật địa phương, như là niềm tự hào và cũng là một cách gây hoài niệm cho khách lữ thứ, kẻ hoài hương :

Hồ Tĩ nh Tâm giàu sen bạch diệp,
Đất Hương Cần ngọt quit thơm cam.
Ai về Cầu ngói Thanh Toàn,
Cho anh về với một đoàn cho vui.
Ai về Cầu ngói Dạ Lê,
Cho em về với thăm quê bên chồng.

Nhiều câu ca dao đã khen ngợi cảnh đẹp của Huế đô :

Đường vô xứ Huế loanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Thương anh, em cũng muốn vô,
Sơ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang.
Phá Tam giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.

Gió dưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ xương.

Huế mang số phận con ngườI Việt Nam. Huế có buồn, có vui, có vinh có nhục.

Có những người đã chê Huế vì dịa lý :

Sơn bất cao, Thủy bất thâm,
Nam đa trá, nữ đa dâm !
(Núi không cao, nước không sâu,
Nam giớI gian trá, nữ nhân dâm dật.)

Huế thường tự hào về núi Ngự Bình và Hương giang, nhưng Ngự Bình không cao,mà sông Hương thì không sâu,không lớn, không hiểm. Nhưng nói về con người thì ta nên xét lại, vì xứ nào mà chẳng có người tốt, kẻ xấu ?
Và về địa lý,ta cũng nên xét lại.
Một nhà văn Trung quốc , Lưu Vũ Tích (thế kỷ 7-8) trong bài Lậu thất minh ( Căn nhà quê mùa ) há chẳng đã nói :
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh,
Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh.
( Núi không cần cao, có tiên là nổi tiếng,
Sông không cần sâu, có rồng là linh thiêng)

Một nhà thơ Huế đã tỏ ý đau lòng trước cảnh tang thương của đất nước : trong cuộc chiến tranh Việt Pháp, dân chúng nghèo khổ , và Pháp đã phá hoại núi Ngự bình, nên đã có hai câu thơ truyền tụng :
Núi Ngự không cây ,chim nằm đất,
Sông Hường vắng khách đĩ kêu trời !

Tố Hữu cũng như bao người lãng mạn cách mạng, những mơ xây dựng cộng sản chủ nghĩa không còn giai cấp, không còn nghèo đói, không còn tệ đoan xã hội.
Ông cũng như bao người cộng sản đã hứa hẹn , đã tuyên truyền mạnh mẽ trong đám nông dân, thợ thuyền và đám ca kỷ giang hồ trên sông Hương :

Trời ơi biết đến khi mô?
Thân em hết nhục dày vò năm canh?
Tình ơi gian dối là tình,
Thuyền em rách nát còn lành được không ?
-Răng không , cô gái bên sông,
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài.
Thơm như hương nhụy hoa nhài,
Sạch như nước suối ban mai giữa rừng.
Ngày mai gió tới ngàn phương,
Tôi đưa cô tới một vườn đầy xuân.
Ngày mai trong giá trắng ngần,
Cô thôi kếp sống dày thân giang hồ.
Ngày mai bao lớp đời dơ,
Sẽ tan nhu đám mây mờ đêm nay. . .
                                                    (Tiếng hát sông Hương )

Nếu người con gái sông Hương thuở đó còn sống đến bây giờ, chắc sẽ thấy sau mấy chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, dân chúng nghèo hơn và số gái giang hồ đông hơn thời quân chủ và thời Pháp thuộc!
Khoảng 1980, Tố Hữu vào Nam, tham dự một lớp học tập của giáo viên cấp ba, một giáo viên miền Nam đã hỏi Tố Hữu :
‘ Bây giờ đọc lại bài thơ Tiếng hát sông Hương, ông nghĩ gì ?
Tố Hữu đã không trả lời được câu hỏi hóc búa đó!

III.Tình yêu tổ quốc :

Trong hò Huế, chúng ta thấy lòng yêu nước của dân Huế rất mãnh liệt. Lời ca đôi khi mạnh mẽ, cương quyết nhưng đôi khi bóng bảy, kín đáo :

Thuyền từ Đông Ba, thuyền qua Đập Đá,
Thuyền về Vỹ Dạ, thẳng ngã ba Sình.
Lờ đờ bóng ngả chênh chênh,
Giọng hò xa vọng, nhắn tình nước non.

Chúa Nguyễn vào Thuận hóa đã xây dựng xứ sở này thành một xứ trù phú. Khi chúa Nguyễn quyết định lấy Phú xuân làm kinh đô là đã đặt vững niềm tin yêu vào dân Thuận hóa. Và các chúa Nguyễn đã tỏ ra yêu dân cho nên dân chúng yêu mến chúa Nguyễn, cầu mong chúa Nguyễn thống nhất đất nước, đem lại hòa bình , thịnh vượng cho dân chúng:

Lạy trời cho nổi gió nồm,
Để cho chúa Nguyễn thuận buồm trẩy ra.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, chúng đã dùng bạo lực và mọi thủ đọan xảo quyệt để thôn tính nước ta. Quân dân ta đã chiến đãu anh dũng nhưng gươm dáo đã không thắng được súng ống tối tân của địch.

Vua Tự đức mất để lại môt cơn khủng hoảng chính trị.Trong bốn tháng, Việt Nam đã có ba vị vua và quyền hành nằm trong tay một số đại thần mà đứng đầu là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường :

Một nhà sinh được ba vua,
Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài.

Nhất giang lưỡng quốc nam phân thuyết,
Tứ nguyệt tam vưong triệu bất tường.

Trong hai câu đối này có tên Tường, Thuyết.Câu thứ nhất nói : Một con sông hai nước thì không thể nói được. Bốn tháng, ba vua là điềm xấu. Một sông hai nuớc là nói Pháp đóng bên này sông Hương , Tòa Khâm ( gần Đập Đá), còn bên kia sông, là cung vua. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường cương quyết chống Pháp.

Vua Hàm Nghi, vua Thành Thái, vua Duy Tân là những vị vua yêu nước. Câu ca sau đây đã nói về việc vua Duy Tân giả đi câu tại Phu Văn Lâu để gặp các ông Thái Phiên, Trần Cao Vân bàn việc chống Pháp :

Chiều chiều trên bến Văn Lâu,
Ai ngồi ai câu,
Ai sầu ai cảm,
Ai nhớ ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông?
Nghe câu mái đẩy chạnh lòng nước non!

Trong khi những anh hung liệt sĩ và minh quân thánh chúa hy sinh cho đất nước, một số người đã cam tâm làm tay sai cho ngoại bang, phản lại dân tộc.

Đất Thừa Thiên trai hiền gái lịch,
Non xanh nước biếc, điện ngọc, đền rồng.
Tháp bảy tầng ,thánh miếu, chùa Ông,
Trách ai hai dạ một lòng,
Tham đồng bạc trắng phụ lòng dân đen!

Việc thực dân Pháp tàn sát trong ngày 24 ất dậu( 1885 ) và việc cộng sản giết hại dân lành trong tết mậu than ( 1968) đã làm cho dân Huế đã đau thương lại thêm đau thương.

- Mậu thân giặc chiếm Huế đô,
Đốt nhà, cướp của, đào mồ chôn dân!
Làm sao quên được mậu thân,
Cộng quân tàn ác giết dân Huế mình!

- Mậu thân cộng chiếm Huế đô,
Đông Ba, Gia Hội thành mồ chôn dân!

Và trận lụt cuối năm kỷ mão (1999) đã khiến dân Huế đi đến tận cùng của đau khổ.

IV.tình yêu nam nữ

Cũng như ca dao Việt Nam, ca dao Huế để cho tình ca chiếm một địa vị trọng yếu.
Con ngườI thường cô đơn và cô đơn làm cho ngườI ta buồn khổ :

Chiều chiều mây phủ Hải Vân,
Chim kêu gành đá, gẫm thân thêm buồn.

Trong cô đơn, con người mơ ước có một người bạn để cho đời bớt lạnh lẽo:

Thiên sinh nhân,hà nhân vô lộc,
Địa sinh thảo,hà thảo vô căn.
Một mình gĩữa lòng thuyền dưới nước,trên trăng,
Biết cùng ai trao duyên gửi phận cho bằng thế gian?

Và khi đã yêu nhau, ngưòi ta sẽ thấy lòng mình vô cớ buồn bã . Nhìn sông, nhìn nước, nhìn mây, nhìn núi.. . đâu đâu cũng thấy u buồn :

Núi Ngự bình mơ màng trăng gió,
Niềm tâm sự ai thấu rõ cho mình?
Đoái nhìn sông Hương nước chảy thanh thanh,
Sông bao nhiêu nước, dạ sầu tình bấy nhiêu!

Chợ Đông Ba tiếng gà eo óc,
Chùa Thọ Lộc tiếng trống sang canh.
Giữa sông Hương gợn sóng khuynh thành.
Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng!

Ngôn ngữ Việt rất thần tình. Thương và nhớ thường đi đôi với nhau :
Nuớc đầu cầu khúc sâu,khúc cạn,
Chèo qua Ngọc trản đến vạn Kim Long.
Sương sa, gió thổi lạnh lung,
Sông xao,trăng lặn, gợi lòng nhớ thương.

Có gặp gỡ, có nhìn thấy nhau , đôi nam nữ mới cảm thấy thương nhau. Và khi đã thương nhau, người ta phải nhớ nhau, phải mong ước gặp lại lần thứ hai, thứ ba:

Thuyền về Đại Lược,
Duyên ngược Kim Long
Đây là chỗ rẽ của lòng,
Mai tê(kia) rồi còn biết trên sông bến nào.?

Khi yêu nhau, nỗi đau đớn, buồn khổ nhất là chia ly:

Nước chảy xuôi, con cá buôi lội ngược,
Nước chảy ngược, con cá vược lội ngang.
Thuyền em xuống bến Thuận An,
Thuyền anh lại trẩy lên ngàn anh ơi!
Chim xa bầy thương cây nhớ cội,
Người xa người, tội lắm người ơi!
Nỏ ( chẳng )thà không biết thì thôi
Biết mà mỗi đứa một nơi cũng buồn!

Có những cuộc tình xa nhau vĩnh viễn nhưng cũng có những chuyến đi xa hẹn ngày trở lại:

Càu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp,
Anh qua rồi xin kịp về mau.
Kẻo mai tê(kia) bóng xế ngang cầu,
Bạn còn thương bạn biết gửi sầu về nơi mô(đâu) mà tìm?

Vì sợ chia ly cho nên bao giờ người ta cũng không muốn rời xa:

Đi đâu cho thiếp đi cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh lùng có đôi!

Lên non em cũng lên theo,
Xuống thuyền em cũng đắp đeo mạn thuyền!

Cũng như mọi đôi lứa trên thế gian, khi yêu nhau, người ta hứa hẹn, thề bồi chung thủy:

Khi nao cạn nuớc Đồng Nai,
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền!
Tay bưng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau!

Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
Sông An Cựu nắng đục mưa trong,
Đôi ta nguyện kết chữ đồng,
Đá mòn sông cạn mà lòng thủy chung !

Dãy dọc tòa ngang,
Giàu sang có số,
Kim Long , Nam Phổ,
Nước đổ về Sình.
Hai đứa mình chút nghĩa ba sinh,
Dẫu có mần răng( làm sao) đi nữa, cũng không đành bỏ nhau!

Chợ Đông Ba đưa ra ngoài Dại,
Cầu Trường Tiền đúc lại xi mong.
Đôi ta ước nguyện thủy chung
Đá mòn, sông cạn cũng không đổi lòng.

Trong cuộc đời đã có nhiều đôi tình nhân đi đến hạnh phúc trăm năm nhưng cũng có những kẻ yêu nhau nửa chừng mới biết mình bị lường gạt :

Họa hổ họa bì nan họa cốt,
Tri nhân tri diện bất tri tâm.
May mô (sao) chút nữa em lầm,
Khoai lang khô cắt lát, em tưởng cao ly sâm bên tàu!

Theo năm tháng, tình yêu cũng biến chuyển. Trong hai người có một người thay lòng đổi dạ. Và người ta đau khổ vì bị tình phụ :

Sen xa hồ, sen khô,hồ cạn,
Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng.
Vàng trên tay rớt xuống không phiền,
Phiền người bội nghĩa biết mấy niên cho hết sầu!
Em nói với anh như rìu chém xuống đá,
Như rạ( rựa) chém. xuống đất,như mật rót vào tai.
Răng chừ (Sao giờ) em lại nghe ai,
Qua cầu nghiêng nón chạm vai không chào?

Anh nói với em như rìu chém xuống đá,
Như rạ( rựa) chém. xuống đất, như mật rót vào tai.
Bây chừ (giờ) anh lại nghe ai,
Bỏ em ở chốn non đoài thảm chưa ?

Nhiều khi người ta thù hận nhau. Nhưng cũng có  người quên đi mối hận tình, quy trách cho cha mẹ:
                                                Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
                                                Sông An Cựu nắng đục mưa trong.
                                                Bởi vì mẹ thầy lánh đục tìm trong,
                                    Cho nên duyên chàng,phận thiếp cứ long đong mãi hoài.!

Dẫu người yêu say duyên mới, tham phú phụ bần, dẫu cha mẹ ngăn cản, phần đông quy trách là tại duyên số:

                                            Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,
                                            Sông An Cựu nắng đục mưa trong.
                                            Đôi ta như chỉ lộn vồng,
                                            Nợ thì có nợ, vợ chồng không duyên!

Ca dao Huế rất phong phú , diễn tả đầy đủ tâm lý, tư tưởng, tình cảm của một tập thể quần chúng hiền lành,đa tình nhưng rất anh dũng, bất khuất đã bao lần hăng hái chống lại bạo quyền và xây dựng quê hương.Người dân Huế đã là nạn nhân và chứng nhân của bao thời đại.

Tục ngữ có những câu khuyên ta cách xử thế :
                                            ‘Khôn cho người nhái,
                                             Dại cho người thương,
                                             Dở dở ương ương.
                                             Tổ cho người ghét’

                            ‘Đi cho người ta nhớ, ở cho người ta thương’

Người Huế lại dùng một câu tục ngữ để nhận định về xứ Huế . Huế là một cố đô. Huế không hiện đại,không mở mang. Huế là vùng đất nghèo khổ, khắc nghiệt. Lúa gạo Huế sản xuất không đủ ăn. Gạo vải,thực phẩm, dụng cụ...đều mua từ Sàigon đem ra. Hễ bão lụt hay Việt cộng phá cầu, giật mìn, chận đường. ..là Huế thiếu lương thực, thiếu thuốc men, vải vóc! Trước 1954 , thanh niên Huế cũng như thanh niên miền Trung phải ra Hà Nội hoặc vào Sài gon học đại học. Tốt nghiệp, họ ở lại Hà Nội hay vào Sài gòn làm việc.Sau 1954, dân Huế vào Sàigòn học và đi làm việc. Huế chỉ là một cố hương để người ta trở về trong ngày hè, trong dịp tết.. .Huế là nơi ‘ đi để mà nhớ, không phải ở để mà thương!’
                                                Gia Hội

VŨ TRỌNG PHỤNG * ĂN MỪNG

 Ăn mừng
  Vũ Trọng Phụng

Bữa nay cụ Phán Uyên, đã được hiểu rõ cái gì là cái vinh quang, những đồ mừng quý giá, những tấm câu đối đỏ treo la liệt khắp tường, đã đủ an ủi về số tiền bỏ ra. Cái cảnh "ăn uống ầm ầm" hai hôm nay không khiến cụ sốt ruột nữa. Đọc những chữ chúc mừng rất văn chương bằng dạ đen trên nền đỏ, cụ mới khám phá ra rằng: chao ôi thì ra mình xưa nay vẫn có nhiều đức tính mà chính mình không biết, để mà sướng như một kẻ chết được lắm câu đối khóc có thể được thỏa cái vong hồn... Thật là linh đình, và vui vẻ. Thật là vinh dự cho tổ tiên.

Trong hai ngày ăn uống thì hôm qua để cho họ hàng và con cháu trong nhà. Chính hôm nay mới là để mời khách ở tỉnh. Đây, bàn các bạn đồng sự của cụ, phần nhiều là nhà nho, số đông đã có nhiều phẩm hàm, huy chương. Tô điểm cho dăm đám người ấy có một quan Bố và một quan Phủ, họ bên nhà vợ của cụ, và đã làm cho cụ tăng thêm sĩ diện. Kia là bàn các ông cũng tai to mặt nhớn thuộc tân học, bạn hữu của "anh tham" nghĩa là vào hàng con cháu cụ mà thôi. ở buồng xép bên cạnh thì các cô đốc, cô giáo, bạn hữu của con gái cụ vậy. Ai cũng về dự tiệc vui vẻ và đông đủ. Thì phải biết cái cách xử thế xưa nay cụ là tròn trĩnh thế nào! Một khi cụ đã về làng thì cũng phải thế nào cho đẹp mặt với người làng! Khách tỉnh về tới tấp hết lượt này đến lượt khác, phần nhiều bằng xe nhà, và có cả hai chiếc xe hơi đỗ ngoài cửa đình nữa! Nghĩ như thế, cụ lại kiêu ngạo như một đứa bé con...

- Chúng mày đâu cả rồi! Rõ thế đấy! Ngần ấy con người để sai bảo mà gọi lấy thêm có một ít dấm nữa cũng không đứa nào đi lấy được đấy!

Lời gắt của cụ lẫn lộn mất vào tiếng đàn, tiếng trống, tiếng hát, tiếng phách... Cụ nhìn trước nhìn sau, lắc đầu thở dài... Vì có ba tên người nhà thì hai đứa đương bưng những bát cỗ mới hâm cho những bàn ở xa, còn một đứa thì đương chới với, buộc bánh pháo dài vào ống máng. Cụ toan tiến bước xuống phía nhà bếp thì chợt một bàn tay nắm cụ lại, trước một câu nói sốt sắng thế này:

- Cụ ơi, cụ hãy vào đây với con!

Đó là một khách trẻ tuổi, mà cụ không nhớ rõ tên, âu phục chải chuốt khiến cụ kính nể lắm.

- Con tấp tểnh cũng làm được một bài hát để mừng cụ, chẳng biết hay dở như thế nào, xong cũng xin mạn phép các quan khách đây một phen...

Người ấy mời cụ ngồi xuống ghế, đưa ra một bài thơ bằng mực đen giấy trắng, lại nhét luôn cả cái dùi trống vào tay cụ nữa, nói tiếp:

- Bài hát mừng cụ thì xin cụ thưởng thức mấy tiếng trống cho chúng con cùng nghe.

Thẹn quýnh cả người, cụ Phán Uyên đẩy cái trống ra, ấp úng:

- Văn chương của ông... thì xin... để phần ông, vì thật tình, tôi cũng không biết đánh trống cô đầu.

Rồi cụ giương mục kỉnh lên đọc bài hát nói ấy; xong mỗi câu lại thấy mặt cụ vui tươi thêm lên. Sau cùng, cũng không biết bình phẩm dài lời, cụ chỉ đưa trả tác giả bài hát với cái dùi trống và từ chối:

- Hay lắm! Nhưng mà tiếc rằng tôi không biết đánh trống, để xin ông cho nghe... Văn hay lắm!

Khi đưa cho đào nương mảnh giấy, cụ rất hổ thẹn, thấy rằng mình quê mùa một cách đáng giận, và thú ả đào quả thật là một thứ văn chương tao nhã thật, chứ không phải chỉ là những trò bậy bạ như người ta vẫn nói xưa nay.

Cố nhiên, tác giả những câu hát nói kia nhất quyết chối từ. Cuối cùng, danh dự thưởng văn về tay người cao chức nhất bàn tiệc, là quan Bố Chánh, ông anh họ nhà vợ của cụ chủ. Quan Bố gọi cụ Phán đến ngồi bên mình, rót một cốc rượu nhỏ để trước mặt cụ, giao hẹn bằng một thứ tiếng đồng sang sảng, nghiêm nghị và đáng sợ như những lệnh ban ra giữa công đường:

- Đây, cứ mỗi tiếng chát thì ông lại cạn một cốc rượu, vì mỗi tiếng chát của tôi không những là thưởng một câu văn mà thôi, nhưng còn đồng ý với tác giả để ca tụng cái cảnh phú quý, an nhàn của ông nữa.

Mọi người vỗ tay, rồi có đến hàng mấy chục người nữa vỗ tay theo. Bên buồng xép ở tận trong kia, đám phụ nữ cũng bỏ đũa bát để đứng thấp thoáng trong mành nhìn ra, chú ý đến cái đại sự ấy nó làm tăng phần trang trọng cho cuộc vui tuy vậy trước vẫn tẻ ngắt. Cụ Phán Uyên xoa tay xin lỗi một cách hiền lành đáng tức cười:

- Bẩm, mỗi tiếng chát lại một cốc rượu thì có lẽ cũng nhiều quá, vậy xin cho xong bài thì hãy cho một cốc.

Tuy có một vài cụ phản đối lại cụ phán để về bè với quan Bố nhưng sau cùng các quý khách cũng biết nể cái sức khỏe của mái tóc hoa râm. Rồi thì cô đào e hèm dọn giọng, rồi bác kép vặn lại dây đàn, rồi quan Bố tom tom tom cho khách ngừng đũa lắng tai nghe để trở nên một cử toạ nghiêm chỉnh.

Cành mai hạc đậu thêm xinh,
Bốn mươi năm nữa, khang ninh còn dài,
Ngày xuân cảnh thế tươi cười,
Đào nguyên há để riêng người ngày xưa!
Gia nhân chinh cát,
Trên tiệc đào kẻ trước dắt người sau...
Cuộc trăm năm trời có hẹn ai đâu?
Con hạc trắng bấy lâu về bến Nhuệ,
Mai cốt cách mai già mai vẫn thế
Đào nhởn nhơ đào thắm vẻ thêm xuân.
Lắng tai nghe tiếng chúc lẫn cung đàn,
Cất chén cúc mừng người trên thọ tịch,
Khách bạch ốc nào ai tiên trích
Xin dang tay "giật phịch" quả đào tiên...
Cõi trần cũng có Đào nguyên.

Quan Bố ngất ngưởng đánh luôn: tom tom tom chát tom!

Đoạn cụ gật gù nói rõ to:

- Hay thật đấy chứ! Văn chương như thế mới gọi là tân thời... "Xin dang tay giật phịch quả đào tiên". Thế có lẳng lơ không? Chuyến này thì cụ phán nhà tôi sẽ vì câu thơ ấy mà cải lão hoàn đồng!

Quan Bố ngừng một lát, trông trước nhìn sau, rồi vẫy tay gọi một cô trong bốn cô đào rượu mải tiếp cho các quan khác gần đấy:

- Này, cô kia! Cô áo đỏ kia! Lại đây đỡ hộ chén rượu cho chủ nhân cạn hộ đi.

Khi cô đào trẻ tuổi đến đứng bên cụ phán, bẽn lẽn nâng cốc rượu thì nhanh như cắt, quan Bố đã nắm lấy một bên cánh tay cụ phán mà quệt một cái vào ngực cô ả, để rồi cười nức nở cắt nghĩa:

- Này thì đây: xin dang tay giật phịch quả đào tiên! Các ngài đã thấy chưa?

Lúc ấy cụ Phán Uyên đương mải hớp chén rượu, cho nên khi cụ vội lôi được tay ra, cái cử chỉ bó buộc kia cũng đã xong hoàn toàn. Cụ thẹn đỏ cả mặt, sung sướng, đến ứa nước mắt, vì lúc ấy, cử toạ khen cụ sốt sắng như khi họ đi xem đá bóng mà gặp lúc có quả vừa sút vào gôn. Cụ vội vàng đứng lên chạy tuy không biết định chạy đi đâu, như người muốn đi trốn. Sau cùng, cụ đánh trống lảng bằng cách gọi đầy tớ ra mà mắng:

- Lấy thêm ít dấm tây vào bàn này! Sao mày đốn thế, mày để tao gào rát cả cổ!

Tuy nhiên giọng gắt của cụ thật tình lúc ấy cũng không dữ tợn là mấy, vì cụ vẫn còn thấy rõ cái cảm giác dịu dàng về một bên ngực cô đào trẻ nó chưa tiêu tan hẳn mà lại còn như đọng quyện lại ở cả năm đầu ngón tay già nua đã mấy chục năm rồi chẳng còn biết gì là mùi xuân.

Chợt thấy quan Phủ gọi cụ rồi nói một hồi dài:

- Này chủ nhân ơi! Nhà nho là thâm lắm đấy nhé! Thôi xin các ngài cũng đừng ai nỡ ép duyên ông anh tôi nữa. Ông anh tôi đã trình bày cái cảnh ngộ éo le, khó xử, của ông anh tôi, ra với thiên hạ rồi! Đấy các cụ xem: quan Bố tôi vừa mới ép duyên xong thì ông anh tôi tức khắc gọi người nhà lấy thêm dấm. Chao ôi, thế thì ông anh tôi đã đủ thâm trầm hay chưa? Vì rằng trong Kiều có câu: Dấm chua lại tội bằng ba lửa nồng!

Rất nhiều người lại vỗ tay ran, cười to đến vỡ nhà vỡ cửa. Một cụ bảo cô đào non áo đỏ:

- Này em ơi, thôi thế thì em cứ cam chịu ở trầm luân khổ hải thôi chứ người quân tử chẳng vớt em đâu!

Một người trẻ tuổi đứng lên nói:

- Thưa các cụ trăm điều chẳng qua chỉ tại tác giả cái bài hát nói ấy.

Ông khách âu phục trẻ tuổi từ nãy ngồi lặng im vừa thẹn vừa kiêu ngạo về cái bài văn của mình, đương lắng tai nghe xem có ai thì thào chỉ trích gì không, bấy giờ đành phải đứng lên, đón đỡ:

- Bẩm các cụ, chúng tôi không ngờ rằng cụ Bố tôi đây ngài lại hiểu bài văn ấy một cách kỹ đến thế để mà đem lý thuyết thực hành ngay như thế.

Quan Bố cười khà khà, lên râu bảo thiếu niên:

- Thế thì đôi ta tri kỷ lắm chứ còn gì nữa! à quên, xin các cụ thưởng một cốc cho tác giả bài văn hữu tình. Chị áo đỏ đâu, chị lại mời ông ấy cho tôi một cốc nữa.

Lại vỗ tay...

Nhưng chợt một ông khác, cũng trẻ tuổi, mặt đỏ nhất tất cả, đứng lên trịnh trọng nói:

- Bẩm trên các cụ, dưới các ông...

Mọi người giật mình lắng tai nghe biết là sắp có chuyện. Ông kia tiếp:

- Quan Bố chánh thưởng tác giả bài hát nói ấy cốc rượu là vì nó có tính cách hữu tình. Tôi cũng xin hoan nghênh. Nhưng mà xong rồi thì tôi xin các cụ và các ông cho tôi phạt nhà thi sĩ ấy ba chén vì đó là một nhà thi sĩ tham lam! Vì sao? Vì cụ phán nhà tôi đây bữa nay chỉ có khánh thành nhà mới thôi, vậy mà bài hát mừng có câu mừng cả tiệc thượng thọ nữa, thì, cái lối "tiện dịp" như thế là có hại cho tôi, vì sang năm đúng sáu mươi mà cụ phán tôi không khao thượng thọ nữa thì là lỗi ở nhà thi sĩ ấy. Vậy thì phải phạt.

Tác giả bài hát nhìn quanh một lượt thấy trong dăm chục quan khách có một số đông gật gù biểu đồng tình với ông phản đối kia, thì rất lấy làm lo, bèn cãi:

- Tôi xin uống ba chén rượu ông phạt! Nhưng nếu sang năm cụ Phán tôi lại khao thượng thọ nữa, thì ông sẽ đáp tôi ra sao? Và có lẽ ông chưa nghe kỹ bài hát!

Ông kia gân cổ lên, hùng hồn chẳng kém:

- Tôi cho ông phạt trước tôi ba chén nữa, sau khi ông uống ba chén mà các cụ phạt ông!

Nhiều người lên tiếng xôn xao, không chịu nhận trách nhiệm về ba chén rượu phạt ấy, ông kia lại nói:

- Sao tôi lại chưa nghe kỹ! Ông chả có câu: "Cất chén chúc mừng người trên thọ tịch" là gì! Vậy ông thử đọc tất cả câu đối đây xem có ai mừng thọ tịch không?

Có một người cãi hộ:

- Nhưng mà thọ tịch ở đây là ý phụ không phải ý chính!

Tham Châu vỗ vai ông kia, khẽ gắt:

- Thôi đi, tôi van ông nữa, ông đừng gây sự thế! Ông say lắm rồi! Và ông uống ít chứ!

- Thưa chú, tôi chưa say, và trước mặt công chúng thế này, xin chú đừng mắng tôi! Chú còn là đàn em biết chưa!

Ông ấy vừa nói được có thế thì đã đưa tay lên giữ cổ, khòm lưng xuống, rồi nôn ồng ộc ngay ra đấy như một cái ống máng! Thiên hạ ghê tởm quay nhìn đi chỗ khác và nhà thi sĩ thì khẽ so vai một cái hả hê. Đầy tớ mau quét dọn, trong khi Tham Châu nhăn nhó ôm xốc ông quý khách ấy vào bàn đèn thuốc phiện:

- Các ông mau tiêm cho ông ấy một điếu cho giã rượu... Rõ khổ quá, cứ uống như một cái phễu!

Tao Đàn, số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng,
số 1; tháng 12. 1939



ĐÀO VĂN * ME MỸ ME TÂY

Me Mỹ - Me Tây - Me Dốt
 ĐÀO VĂN


Vào các vũ trường, quán bar, cafe fastfood dành cho Tây ở Hà Nội hiện nay người ta gặp không ít cô gái với điện thoại sành điệu, phục trang đắt tiền cứ ngỡ các cô thuộc giới “thượng lưu” lắm tiền.

Thế nhưng để ý, thấy các cô cứ lân la làm quen với các chàng ngoại quốc rồi hai người kề vai dắt nhau về khách sạn, mới biết đó là những “cave” cho Tây, nghề mới của không ít cô gái

Bán mình cho Tây
Vài lần cùng bạn vào các quán bar, cafe fastfood được quy định ngầm “chỉ dành cho Tây” vì giá cả khá mắc tại Hàng Trống, Hàng Hành và ngõ Bảo Khánh, tôi bắt gặp nhiều cô gái Việt khá xinh đẹp, trang điểm son phấn đắt tiền với phục trang sành điệu ngồi xì xồ cùng các chàng ngoại quốc. Philip Mauret, một người bạn Pháp của tôi, khá thân thuộc các địa chỉ vui chơi giải trí ở Hà Nội sau đó đã xác nhận với tôi, đó chính là những cô gái chuyên đi “mồi" khách Tây qua đêm để kiếm tiền.

Qua sự giới thiệu của Philip, tôi làm quen được với Hồng Nga, khách quen của một quán cafe cho Tây tại ngõ Bảo Khánh. Mới gặp không ai nghĩ cô là cave cho Tây. Cô đi xe Dylan đỏ, mang điện thoại Nokia hoa văn gỗ 7200 và mặc toàn quần áo đồ hiệu không hề hở hang. Philip cho biết, Nga đã từng là bạn của anh trong chuyến đi Đà Lạt bảy ngày vào cuối tháng 5 vừa qua. Trước đó, trong vài chuyến đi nghỉ cuối tuần tại Sa Pa, Tam Đảo anh cũng có "mời" cô đi, không kể những lần hai người gặp nhau ở khách sạn, Philip là "mối quen" của Nga, anh thích cái vẻ sành điệu song cũng khá nền nã, lại mang chút "bí ẩn phương Đông” ở cô. Với tôi, Nga tiết lộ, hằng đêm khi các quán cafe trên phố cổ bắt đầu đông nghẹt khách Tây trở về thư giãn sau một ngày lang thang khắp phố phường Hà Nội thì cô cũng đi xe lên, kiếm một chỗ trống ngồi và chờ "mối". Nga cho biết chút ít "kinh nghiệm": “Khách Tây khác với người Việt lắm. Thích nhau chỉ cần một cái nháy mắt, một câu chào ngắn gọn hoặc mời nhau một ly rượu là OK liền". Và ngay chính cô cũng không thể nhớ hết đã có bao nhiêu chàng Tây đã cùng cô qua đêm sau những cái nháy mắt, câu chào hay ly rượu mời nhau như thế. "Tôi chỉ rõ mình có một vài mối quen như Philip thôi".

Thanh Lan, cô gái có kiểu ăn mặc cực kỳ bốc lửa: Quần áo, váy juýp thuộc dạng siêu mỏng và siêu tiết kiệm vải, không bao giờ dài qua 30 cm. Cái nào hơi dài một chút thì lại xẻ sâu hàng chục cm, nhiều khi thấy rõ cả nội y. Cũng là tới bar, tới quán ngồi đợi khách song Lan thường trực tiếp lân la làm quen với "con mồi" tại quầy rượu.

Lan và Nga, chỉ là hai trong rất nhiều các cô gái chấp nhận biến thành đồ giải trí cho những chàng trai ngoại quốc "ưa của lạ" để kiếm nhưng đồng đô la nhẹ hều nhưng có sức nặng vật chất khó cưỡng nổi. Các cô mỗi người một khuôn mặt, vóc dáng, tính cách song ai cũng cố gắng phục sức, trang điểm làm sao cho thật ấn tượng để làm nổi bật mình giữa một rừng "hoa" muôn hồng ngàn tía. Trong số đó có người chọn cách ăn mặc quý phái, gợi cảm theo kiểu huyền bí phương Đông, song phần nhiều là chọn cách ăn mặc bốc lửa với các trang phục cực kỳ bắt mắt kể cả về màu sắc lẫn kiểu cách. Người dân phố Tràng Thi, Hàng Bông, Hàng Trống, Hàng Hành, ngõ Bảo Khánh... chiều chiều vẫn được chứng kiến những màn "diễu võ" đầy ấn tượng của nhiều nàng cave cho Tây với các trang phục vô cùng ấn tượng: Toàn bộ giày dép, quần áo đều một màu cam, xanh nõn chuối hay đỏ rực... với độ ngắn và những đường xẻ táo bạo không còn lời nào để bình luận. "Đó chỉ là phần vỏ thôi, nếu không chăm đến phần lõi thì cũng chẳng có được mối nào. Tây bây giờ cũng tinh lắm? - Hồng Nga tiết lộ với tôi. Theo cô, phần lõi chính là việc chăm sóc cơ thể sao cho thật hấp dẫn. Ai bước vào nghề này mỗi tuần chẳng đến thẩm mỹ viện dăm ba lần chăm sóc da, xăm lông mày, chuốt lại tóc... song nếu lười mà bỏ qua khoản tập thể dục thẩm mỹ cho cơ thể săn chắc thì bao công lao phía trước cũng đành đổ đi.

Giới cave cho Tây cũng có sự phân biệt “hàng chợ” và “hàng hiệu” khác nhau tùy theo nhan sắc và sự sành điệu. Các cô hay lân la săn mồi tại các quán bar, cafe fastfood trên khu phố cổ thường tự coi nình là "hàng hiệu" so với các cô cave, gái nhảy làm việc trong các vũ trường. Lan bảo: Bọn đấy hàng chợ làm sao so sánh được với bọn em. Giá đi khách Tây của chúng nó "bèo" lắm, 20 - 30 USD, kịch kim là 50 - 70 USD. Riêng bọn em cứ phải trăm đô la trở lên. Những hôm không có khách Tây, bọn ấy sẵn sàng gạ khách Việt với giá 200.000 - 300.000 đồng/đêm, riêng bọn em phải thật thích và phải cả không kém Tây mới “đi”! Một người bạn của tôi khá sành sỏi thế giới ăn chơi ở Hà thành còn cho biết, hiện nay giới cave cho Tây còn có một chiêu "tiếp cận" khách hàng khá hiệu quả là dùng điện thoại di động đời mới để vào các sex trước mặt khách. Với kiểu này thì ngay cả những người ngù ngờ nhất cũng hiểu các cô muốn gì. Và đến lượt mình, dù không biết một câu ngoại ngữ bẻ đôi, các cô vẫn có thể "giao dịch" một cách mỹ mãn với khách hàng.

Và nước mắt...
Kiếm được đô la rủng rẻng, tự cho mình thuộc đẳng cấp "quý tộc" trong xã hội khi toàn xài hàng xịn, đi xe đắt tiền, ăn nhà hàng, ngủ khách sạn... song nhiều cô gái Việt chấp nhận dấn thân vào nghề này cũng phải nếm trải không ít cay đắng và tủi nhục chẳng khác gì những cô gái bán thân "bình dân" khác. Những ngày lang thang trong thế giới các cô, tôi được nghe kể nhiều chuyện mà nếu không biết các mặt trái văn hóa nhiều nước phương Tây thì lắm người khó mà tin được. Đó là chuyện của "em Hương" nào đó vớ được một ông ngoại quốc đồng ý trả 200 đô la cho một lần "overnight", Cứ tưởng vớ bẫm, báo hại ông Tây thuộc tuýp bạo dâm. Sau một đêm cô nàng trở về từ khách sạn với mặt mày, thân thể thâm tím phải "nghỉ dưỡng" cả tháng trời sau đó mới bình phục lại. Rồi chuyện của "em Anh" mồi được một khách Tây bèn theo về khách sạn, đến nơi mới biết phải phục vụ những ba gã; sau trận đó cũng "tởn" mất hơn tháng....

Các cô gái chấp nhận bán mình cho Tây có lẽ còn gặp không ít kiểu tai nạn và tủi nhục khác mà người ngoài cuộc không dễ gì biết được, hiểu được. Và thân phận của các cô tự cho mình là "quý tộc" này dường như cũng chỉ là một món hàng.

VŨ THỊ DẠ THẢO * HỒI KÝ

TRANG HỒI KÝ CỦA
MỘT THUYỀN NHÂN
Vũ Thị Dạ Thảo
 
Trung Quốc ngày.. tháng.. năm..
Tôi bắt đầu viết những dòng chữ này trên vùng đất xa lạ không phải là quê hương tôi. Những dòng chữ được kết tụ bằng đau thương và nước mắt. Giấy, bút là những trang vở học trò còn trắng một mặt, và những đoạn bút chì gẫy nhặt được trong thùng rác của một ngôi trường làng. Tôi đã viết bằng một bàn tay lở lói, chỉ còn có ba ngón, để kể lại cho đời nghe cuộc hành trình khốn khổ tìm do của một người con gái vượt biển đã phải trải qua những chuỗi ngày bất hạnh, khủng khiếp nơi xứ lạ, quê người...
oOo
...Đêm hôm đó, những tiếng sấm sét nổ long trời như muốn xé tan màn tối đen kịt của đại dương, cơn bão vẫn dữ dội vùi dập chiếc thuyền tị nạn nhỏ bé cho đến khi nó bị những cột sóng thần đập tan ra từng mảnh. Dưới ánh chớp hình dáng chiếc ghe đã biến mất chỉ còn sót lại trên mặt biển những mảnh ván, những cái đầu người đang sặc sụa lặn hụp, cùng những cánh tay chới với vũng vẫy tuyệt vọng trong vùng nước bao la. Những tiếng thất thanh kêu cứu, tìm mẹ, gọi con bị át đi trong tiếng gầm thét vang trời của gió bão.
Tôi quờ quạng, ngụp lặn trong nước biển. Trong cơn sợ hãi, tôi vẫn còn đủ sáng suốt để nhờ tới Nhung, đứa em gái ruột 17 tuổi cùng vượt biển với tôi. Không biết nó còn sống hay đã chìm mất rồi.
- Chị Lụa ơi! Chị đâu rồi!
Tiếng gọi của Nhung khiến tôi mừng rỡ, bơi tới hướng gọi, gào lớn:
- Nhung ơi! Chị đây nè!
Dưới ánh chớp, tôi nhìn thấy một cái đầu nhô lên khỏi mặt nước, đang bám một tấm ván nhỏ, trôi lại phía tôi. Tôi nhào tới, ôm lấy tấm ván thở dốc. Tôi nhận ra cái đầu là em tôi. Tấm ván chịu sức nặng của hai thân người bị chìm xuống. Nhung vừa phun nước, vừa nói lớn:
-Hai chị em mình cùng đạp phụ cho tấm ván nó nổi.
Chúng tôi cùng nhau đạp, người lạnh run cầm cập. Cứ đạp như thế cho đến khi cơn bão dịu xuống, rồi ngưng hẳn. Biển lại êm dịu với tiếng sóng lao xao. Chúng tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài màn tối ghê rợn đang bao quanh.
Hai chúng tôi đều mỏi chân, ngừng đạp nước. Tấm ván lại từ từ chìm xuống. Chúng tôi lại đạp. Hơi thở hai chị em phì phò. Tôi nói với Nhung:
- Chị nghĩ là mình nên thay phiên nhau đạp thì tốt hơn. Người đạp, người nghỉ, để miếng ván còn nổi, nếu không thì chìm hết đó em ạ!
Nhung nói trong hơi thở mệt nhọc:
- Vậy thì chị nghỉ đi, em đạp trước cho.
Có tiếng quẫy nước bên phía Nhung, tôi buông thõng đôi chân để nghỉ ngơi. Nước biển ngập ngang vai. Thân người tôi đong đưa dưới nước.
- Chị ơi!
- Gì đó em?
- Chị nghĩ có chiếc tầu nào đi qua đây để vớt tụi mình không hả chị?
Nghe Nhung hỏi, tôi không biết trả lời sao, vì chính đầu óc tôi hiện giờ cũng rất hoang mang có khác chi nó. Tôi im lặng một lúc, rồi khẽ nói:
- Có chứ, nhưng phải đợi tới sáng thì họ mới thấy tụi mình được.
Nhung nói đứt quãng trong hơi thở dồn dập:
- Cầu trời...cho...họ..vớt mình.
Thấy Nhung đã mệt, tôi bảo nó:
- Thôi em nghỉ đi, tới phiên chị.
Tôi bắt đầu đạp. Hai đứa chúng tôi im lặng. Trong không gian tối đen, chỉ còn nghe thấy tiếng sóng xô nhè nhẹ, tiếng đạp nước của tôi và tiếng thở mệt nhọc của Nhung. Những ánh chớp vẫn loé lên từ phía chân trời xa. Dường như cơn bão đã di chuyển về nơi đó. Không biết ở vùng đại dương ấy sẽ lại thêmù bao nhiêu chiếc ghe vượt biển nữa bị nhận chìm như chúng tôi. Trời ơi, thế giới có ai hiểu được cái giá của tự do mà chúng tôi phải trả nó đắt như thế nào không. Vậy mà, từng có nhiều chiếc ghe với những thuyền nhân tơi tả còn sống sót sau khi trải qua những nỗi kinh hoàng: bão tố, đói khát và hải tặc, đã bị người ta xua đuổi thậm tệ khi cập được lên đất của họ.
Gió lạnh thổi phơn phớt trên da mặt tôi. Trong ánh chớp, tôi thấy tóc tai Nhung ướt nhẹp. Những lọn tóc ướt rũ xuống từ đỉnh đầu như những cái vòi con bạch tuộc đang bám chặt vào gương mặt tái mét của nó. Tuy sống ở vùng sông rạch Hậu Giang, cả hai chị em đều biết lội, nhưng trong hoàn cảnh sóng nước mênh mông này, chúng tôi không còn cách nào hơn là phải cố bám lấy cái mảnh ván để khỏi chết đuối. Tôi rùng mình chợt nghĩ đến tới lúc hai chị em tôi không còn thể đạp chân, hay bám lấy mảnh ván này nữa vì kiệt sức. Mảnh ván này vuông vức chỉ có thể chịu được sức nặng của một người nằm thu mình trên đó như một tấm phản nhỏ, nổi lềnh bềnh để mặc sóng xô đẩy, nhưng bây giờ cả hai chị em bám vào thì đành phải dìm thân cả hai người xuống nước để nó mới không bị chìm.
Chúng tôi cứ thay phiên nhau đạp. Thời gian của mỗi lần vũng vẫy đôi chân cứ thu ngắn dần. Cho tới khi Nhung đạp được một lúc lâu, chợt nó kêu oái một tiếng thật to. Tôi hoảng hốt hỏi:
- Em làm sao vậy?
Nhung run rẩy cặp môi thâm tím, nói không ra hơi:
- Chân em bị vọp bẻ chị ơi!
- Vậy thì cưng đừng cử động nữa, để mình chị đạp cho.
Tôi vận dụng sức lực còn lại của đôi chân đạp mạnh. Chung quanh chúng tôi, biển vẫn một mầu đen ghê rợn. Chớp đã tắt lịm từ lâu. Tôi chẳng nhìn thấy gì trước mặt mình. Tiếng gió vi vu bên tai nghe lạnh lùng, xa vắng như từ một cõi âm nào đó vọng về. Phải chăng đó là tiếng mời gọi của những linh hồn vừa bị chìm sâu trong đại dương kêu gọi chúng tôi nhập đoàn với họ.
Một lúc sau, có tiếng nói của Nhung hỏi tôi:
- Chị có mệt lắm không?
Tôi cố thở thật nhẹ để Nhung đừng biết tôi đã gần đuối sức:
- Không, chị còn chịu được mà.
- Chị ơi! Em vô dụng quá, ba má biểu em đi để giúp đỡ chị, bây giờ thì...
Giọng nói của em tôi nghẹn ngào, dường như nó đang khóc. Tôi cố lấy giọng thật bình tĩnh để khích lệ tinh thần nó:
- Can đảm đi cưng, chúng mình cầu nguyện với Trời, với ông bà nội, bà ngoại, với những người trong ghe mình vừa mới chết chìm trong biển. Họ sẽ cứu mình đó em.
- Chị tin người chết có thể cứu được người sống à?
- Được chứ, nếu họ nghe thấy lời mình cầu nguyện.
- Họ không quen thân với mình, lỡ họ không thèm cứu mình thì sao chị?
Tôi hơi ngạc nhiên trước những câu hỏi ngây thơ phát ra từ miệng một cô gái đã trưởng thành như Nhung, nhưng tôi nghĩ có lẽ đây chỉ là phản ứng tự nhiên của con người khi lâm vào hoàn cảnh quá tuyệt vọng mà thôi. Tôi trả lời với giọng đầy tin tưởng:
- Nếu họ không cứu mình thì mình cầu ông bà của mình. Ông bà nội, ông bà ngoại khi còn sống thương chị em mình lắm, Nhung còn nhớ không?
- Nhớ, nhưng họ ở xa mình quá làm sao nghe thấy tiếng cầu xin của mình hả chị?
Tôi im lặng, vì quá mệt, không còn hơi sức để nói nữa, Hơi thở tôi phì phò nghe thật rõ, hoà lẫn với tiếng nấc nghẹn ngào của em gái tôi. Thôi, cứ để cho nó khóc, nước mắt sẽ làm vơi đi nỗi lo sợ trong lòng của nó. Có tiếng Nhung nức nở:
- Chị Lụa ơi! Chị cầm giùm em cái gói này đi.
Tôi chưa kịp trả lời, chợt có vật gì cồm cộm chạm vào lưng bàn tay tôi khiến tôi giật mình sờ lại, rồi nhận ra tay Nhung đang đưa cho tôi cái gói nữ trang của nó. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao em không giữ lấy trong người?
- Không, em muốn đưa cho chị.
Tôi mắng nó:
- Em không biết gì cả. Ba má đã giao cho mỗi đứa mộït gói giữ trong người phòng hờ có lạc nhau thì cũng có tiền mà xài.
- Cái nịt ngực của em bị đứt dây rồi. Em sợ nó rơi xuống biển.
Tôi giơ tay cầm lấy gói giấy nhét vào trong ngực mình, rồi mỉm cười chua chát. Tiền bạc bây giờ đối với chúng tôi còn nghĩa lý gì nữa đâu.
Chợt Nhung nấc lên, oà khóc to hơn khiến tôi hốt hoảng:
- Bộ chân em đau lắm hả?
Nhung không trả lời thẳng câu hỏi của tôi, nó nấc lên:
- Chị Lụa, em thương chị lắm, chị biết không?...Nếu em có làm gì chị buồn thì chị hãy tha thứ cho em nghe chị!
Tôi cũng bật lên tiếng khóc:
- Nhung, chị thương em lắm. Chị chẳng bao giờ giận em điều gì cả. Từ nay hai chị em mình mãi mãi ở bên nhau nghe em, nếu có chết...thì...chị em mình cùng chết với nhau tại nơi này..
- Không, mình còn ba má! Chị phải sống!
Tôi nấc lên nghẹn ngào toan mở lời an ủi em gái tôi, nhưng tôi không nghe thấy tiếng nó khóc nữa. Miếng ván nơi tay tôi bỗng nổi nhanh lên mặt nước kéo thân người tôi nhô cao. Tôi vô cùng ngạc nhiên, rồi chợt lạnh người chồm tay qua bên phía Nhung quờ quạng để tìm nó, nhưng em tôi không còn ở đó nữa.
Tôi bỗng gào to lên:
- Nhung ơi! Nhung ơi!
Tôi quờ quạng chân tay trong nước biển để tìm em. Miệng tôi gào to nữa để gọi nó, nhưng chung quanh tôi không có tiếng đáp lời ngoài âm thanh vi vu của gió biển và tiếng sóng xô nhè nhẹ vào tấm ván.
Tôi đau đớn tận cùng, khóc không thành tiếng. Nhung ơi, tại sao em lại làm như vậy. Em muốn chôn vùi thân xác bất hạnh của mình mang theo những ước mơ thật tầm thường của người con gái vào lòng đại dương để hy sinh cho chị sống. Nhung ơi, tội nghiệp đứa em gái xấu số của chị. Đâu ngờ những câu hỏi ngây ngô của em là để chuẩn bị cho việc làm táo bạo này. Em không nghe chị nói là nếu có chết thì chị em mình cùng chết với nhau sao. Em đã tự ý bỏ đi, để chị ở lại một mình trong vùng biển bao la hãi hùng này. Em có biết là dù có hưởng trọn tấm ván thì chị cũng sẽ chết dần, chết mòn vì đói khát không em.
Tôi gục đầu xuống tấm ván tức tưởi khóc. Nhung ơi, em lầm rồi; chị đã dối gạt em; những linh hồn đã chết chẳng bao giờ có thể giúp người sống được gì hết. Họ không thể trở về dương gian để làm những phép lạ. Chị hiểu em muốn chết đi, biến thành một linh hồn siêu phàm để đưa chị vượt đại dương, tới một bến bờ bình yên nào đó có phải không em. Em lầm, chị lầm, và cả nhân loại trên thế gian này đều lầm hết. Người chết là hết. Một khi đã dứt bỏ thế gian khổ ải này thì chẳng bao giờ họ muốn nán lại đây giây phút nào cả để mà trả thù hay báo oán những kẻ đã hại chết họ. Bởi thế, những tên bạo quyền tàn ác mới còn sống phè phỡn, ung dung trên xương máu những người dân vô tội.
Nhung ơi, có lẽ giờ này em đã tìm thấy chốn thiên đàng, và em thấy rằng cái chết là một sự giải thoát, cởi bỏ được cái thân xác cát bụi này cho linh hồn được thảnh thơi, có phải vậy không em. Nếu đúng như thế thì đừng cứu chị nữa, hãy để chị đi theo em nghe cưng.
Tôi cố trườn lên miếng ván, nằm co quắp lả người đi trong mệt mỏi, chán chường. Sóng đưa đẩy miếng ván dập dềnh. Tôi mệt mỏi thiếp đi trong cơn ác mộng chập chờn.
Trời sáng dần. Tôi tỉnh lại. Tôi đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn quanh để tìm em tôi nhưng chẳng thấy gì ngoài vùng nước biển xanh bát ngát Buổi trưa, trời nắng gắt. Đôi môi tôi khô quắt. Tôi giơ báy tay vốc một miếng nước biển rồi đưa lên miệng nhắp thử. Nước mặn chát càng khiến cho tôi khát thêm.
Trời xẩm tối. Gió lạnh lại bắt đầu thổi. Đói, khát, tôi nằm co quắp như con tôm trên tấm ván mặc cho sóng biển đẩy đưa. Bây giờ nếu có ngọn sóng lớn nào hất nghiêng tấm ván, tôi cũng đành buông xuôi cho tử thần mang đi mà thôi.
Bồng bềnh không biết bao lâu trong trạng thái dật dờ nửa mê nửa tỉnh, chợt tôi nghe có tiếng máy ghe nổ bên tai tôi, rồi có tiếng nói lao xao. Phải rồi, chiếc ghe của tôi đó, những linh hồn bị chết oan, trong đó có em gái tôi, đang trở lại để đón tôi đi. Tôi lại thiếp dần trong cơn mê sảng...
Cho đến khi có ai đó tạt nước lạnh vào mặt, tôi mới mở choàng mắt ra, há miệng nuốt ừng ực dòng nước mà họ đang đổ vào mặt tôi. Nước tràn cả vào mắt. Tôi nhắm nghiền mắt lại uống no nê dòng nước ngọt mát rượi đang tưới vào từng tế bào khô héo trong cơ thể tôi.
Nước ngừng đổ. Tôi lại mở to mắt ra để giật mình nhận ra một đám đàn ông đen đủi với những gương mặt hung ác đang ngồi bu quanh tôi. Họ đồng loạt cười rộ thích thú khi thấy tôi gượng chống tay ngồi dậy trong sợ hãi.
Tôi nhìn xuống thân thể mình. Trời ơi, chẳng còn mảnh vải nào che thân tôi cả. Tôi hoảng hốt co rúm người lại, gương mặt kinh hoàng đến tột độ khi thấy mình đang ngồi trên vũng máu lênh láng nơi sàn ghe.
Bọn đàn ông đứa cởi trần, mặc quần đùi, có đứa chỉ mặc cái khố bẩn thỉu. Họ nhìn tôi như diễu cợt, rồi nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ gì đó mà tôi không hiểu được, nhưng trí thông minh cũng cho tôi biết rằng tôi đang lọt vào tay bọn hải tặc.
Tôi bỗng đứng vùng dậy toan bỏ chạy, nhưng những bàn tay thô bạo, rắn chắc đã chụp lấy chân tay tôi, giữ lại. Tôi vùng vẫy la hét. Bọn chúng xách tứ chi tôi lên như khiêng một con vật. Tôi bị chúng đưa xuống dưới khoang ghe, vất nằm tại đó cùng với bộ quần áo ướt của tôi, rồi chúng bỏ đi lên, đóng nắp hầm lại.
Tôi lồm cồm ngồi dậy mặc quần áo vào. Bộ quần áo ướt, lành lạnh khiến tôi rùng mình. Tôi cảm thấy bụng dưới đau quặn lên. Máu vẫn ứa ra ướt đẫm đũng quần tôi. Tôi bỗng ôm mặt oà lên khóc. Gương mặt dịu hiền của mẹ tôi chợt hiện ra trong trí. Má ơi, con đã trở thành đứa con bất hiếu của má rồi. Con chẳng cứu được mạng sống của em con, bây giờ cũng chẳng còn giữ được thân xác mình cho trong sạch.
Tôi lặng người đi nức nở trong tiếng rì rào của biển vang vọng từ bên ngoài như tiếng rên rỉ, khóc than. Nhung ơi, hồn em nếu có còn lẩn khuất nơi đại dương này hãy đến đây dắt chị đi theo em với. Chị sợ lắm, đừng cho chị phải chịu đựng thêm nữa những nỗi kinh hoàng trên chiếc ghe này.
Sóng biển nhồi chiếc ghe nghiêng ngả. Tôi gập người xuống chịu đựng cơn đau đang hành hạ nơi bụng tôi. Rồi tôi lại ngất đi.
Những hôm sau đó, tôi đã trở thành một người nô lệ, hay nói đúng hơn, một con vật cho bọn chúng hành hạ thân xác. Tôi đã ngất đi rồi lại tỉnh trong những tiếng cười man rợ của lũ yêu tinh. Chúng nuôi tôi như nuôi một con chó. Ngày ngày chúng đùa cợt, hành hạ, đánh đập tôi để thoả mãn những thú tính bệnh hoạn của chúng. Chẳng đứa nào tỏ lòng nhân đạo để thương xót cái thân thể tàn tạ, đau đớn của tôi khi những vết thương mà chúng đã gây ra đã làm cho tôi nhiễm trùng, lên cơn sốt. Chẳng đứa nào cho tôi một viên thuốc uống để giảm cơn đau. Đũng quần tôi không lúc nào khô. Tôi không còn đứng dậy bước đi nổi hay ngồi lên được. Dù tôi đã nằm bẹp như một người sắp chết, người tôi hôi hám gớm ghiếc mà bọn chúng cũng không tha. Có lẽ chúng muốn hành hạ tôi cho đến chết để vất xác xuống biển.
Vào một đêm, chúng vất tôi lên ghe, chở đến một vùng biên giới nào đó, rồi giam tôi trong một cái nhà. Người ta cho tôi ăn uống tử tế, Suốt mấy hôm liền không có tên hải tặc nào xuất hiện để hành hạ tôi nữa. Người săn sóc tôi là một người đàn bà Thái Lan. Vì ngôn ngữ bất đồng nên tôi không biết được họ đang toan tính chuyện gì.
Mấy hôm sau, khi sức khoẻ tôi bình phục thì người đàn bà đem lại cho tôi một bộ quần áo đẹp bảo tôi thay. Sau đó tôi được xe chở đến một nơi khác có những phòng ngủ tươm tất. Tôi thấy có rất nhiều cô gái trẻ như tôi, son phấn loè loẹt, bên cạnh là những tên ma cô mặt mũi hung dữ luôn canh chừng chúng tôi. Họ nói ngôn ngữ gì, tôi cũng không hiểu được, nhưng nhìn cách sinh hoạt đàn ông ra vào tấp nập các phòng, tôi biết mình đã rơi vào một ổ điếm.
Biết được số phận mình, tôi đành nhắm mắt đưa chân, mỗi ngày phải tiếp những gã đàn ông đủ mọi hạng, mọi quốc tịch, nhưng chẳng có ai nói tiếng Việt để cho tôi nhờ họ cứu tôi cả. Tôi sống, và làm việc như một người câm. Có ngày tôi tiếp cả hơn hai chục người khách. Cơ thể tôi mệt mỏi, rã rời. Những hôm gặp những người khách khó tính, phàn nàn với chủ điều gì đó, tôi bị bọn ma cô đánh đập tàn nhẫn, rồi phạt tôi nhịn đói.
Tôi nhẫn nhục chịu đựng nuôi hy vọng tìm cách trốn khỏi nơi đây. Nhưng chưa thoát được thì tôi bị mang chứng bệnh giang mai. Bọn ma cô không thèm chữa chạy cho tôi. Một hôm chúng nói là bán tôi cho một người nhà giầu ở Trung Quốc. Chúng đẩy tôi lên nhốt trong một chiếc xe vận tải bít bùng với túi bánh mì khô và can nước. Ngoài ông già lái xe, còn có một tên khác mặt hung ác, đeo súng trường giải tôi đi. Xe chạy ròng rã suốt mấy ngày đêm. Mỗi ngày xe ngừng tại bìa rừng tên cầm súng mở khóa, cho tôi xuống làm vệ sinh, rồi lại nhốt tôi vào.
Trong cuộc hành trình vô định tôi đã khóc nức nở khi nhớ đến Nhung, đến cha mẹ tôi. Ba má ơi, không biết bây giờ nơi quê nhà, ba má ra sao, khoẻ mạnh hay đau yếu. Bao năm trời trôi qua không tin tức gì của chúng con, chắc ba má nghĩ là chúng con đã chết hết, nhưng ba, má đâu có ngờ là chỉ có em Nhung của con mới được cái diễm phúc thoát nợ trần đó mà thôi. Còn con, con đang phải chịu kiếp lưu vong, trong đọa đầy, thống khổ.
Cơ thể tôi mệt mỏi, rã rời. Tôi không bọn chủ chứa Thái Lan sẽ bán tôi cho ai, họ già hay trẻ, hiền lành hay hung ác. Họ mua tôi để làm gì. Làm nô lệ xác thịt cho bọn đàn ông, hay làm đầy tớ không công, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn như bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam đã sa chân vào hoàn cảnh như tôi.
Tối hôm đó xe đến nơi. chỗ tôi ở chẳng phải là khu nhà cửa khang trang, giầu có như họ nói mà tôi lại bị nhốt trong cái kho rơm ngoài cánh đồng hoang. Tôi nằm vật trên đống rơm, thiếp đi. Cho đến khi cảm thấy như có ai đó đè lên người tôi trong tác động ái ân, tôi giật mình thức giấc, nằm bất động trong đêm tối. Thân xác tôi còn gì nữa đâu để mà phản kháng. Tôi hiện đang là một con vật để người khác mua vui. Chắc đây là người đàn ông đã bỏ tiền mua tôi về.
Tôi buông thỏng hai tay chịu đựng, không màng đến lớp mồ hôi hay chất nước gì đó tanh tưởi nhơn nhớt, từ thân người gã đàn ông dính vào da thịt tôi.
Một lúc sau xong việc, người đàn ông lặng lẽ rút lui khỏi căn phòng tối đen như mực. Tôi chỉ nghe được tiếng guốc của gã nện không đều đặn trên sàn xi măng.
Hôm sau một bà cụ già Trung Quốc mang cho tôi mấy củ khoai luộc và cái lu sành đựng nước mưa để uống. Tôi không biết nói tiếng Hoa nên không thể hỏi được bà ta điều gì. Bà cụ lại bỏ đi.
Màn đêm lại buông xuống. Ánh trăng tròn chiếu qua những lỗ thủng trên mái tôn, rọi trên đống rơm những đốm sáng lờ mờ. Tôi lại nằm suy nghĩ miên man. Chợt tiếng guốc khập khiễng của gã đàn ông hôm qua lại tới. Cửa lại mở. Dưới ánh trăng vằng vặc, tôi kinh hoàng khi nhận ra gã đàn ông là một người cùi với gương mặt lở loét. Nước nhờn trên mặt gã lấp loáng ánh trăng.
Tôi rụng rời tay chân, nằm bất động. Gã cùi bước vào lều, khép cửa lại, rồi kéo tôi ra giữa đống rơm. Mùi tanh tưởi khiến tôi lợm giọng, phát nôn ọe. Tôi chợt ngồi vùng dậy, bỏ chạy. Gã cùi giật mình vội nhào tới, ôm chặt lấy người tôi. Tôi vùng vẫy cố xô cái thân hình nhớp nhúa ra để thoát. Gã cùi cào cấu, và cắn vào tay tôi. Tôi dùng hết sức bình sinh đẩy hắn ngã ngửa xuống đất, rồi tông cửa kho chạy thục mạng, bất kể đôi bàn chân không giầy dép đạp lên sỏi đá, gai góc bật máu tươi. Cho đến khi mệt lả người, dừng chân nghỉ, tôi đã nôn ọe không biết bao nhiêu lần với hình hài gớm ghiếc của gã cùi ám ảnh trong trí tôi.
Tôi đã bị lạc ở trong rừng, đói khát nhiều ngày, phải ăn sâu bọ, ếch nhái để mà sống. Những mụn lở trên người tôi lan rộng mưng mủ và loét dần ra. Tôi ngửi thấy mùi tanh tưởi từ những vết mụn lở lói nơi mặt và lỗ mũi mình.
Khi tôi ra được khỏi cánh rừng, những người tiều phu đầu tiên nhìn thấy tôi đều hoảng sợ. Tôi bỏ chạy, soi mình dưới suối và hãi hùng khi nhìn thấy gương mặt lở lói, ghê tởm của mình. Người ta báo cho công an Trung Quốc đến bắt tôi, đưa vào trại cùi chữa chạy. Một tháng sau công an lại tới hỏi cung tôi. Họ yêu cầu trại cùi canh giữ tôi cho đến khi tạm lành bệnh sẽ trả tôi về Việt Nam.
Tôi lo sợ tìm cách trốn trại, đi thật xa, đến một một làng đánh cá hẻo lánh. Ở đó cũng có rất nhiều ăn mày cho nên công an nơi này chẳng thèm đếm xỉa gì tới tôi. Tôi đã trở thành một người ăn mày dơ bẩn nhất trong đám ăn mày trong chợ. Tôi không còn mang hình dạng con người nữa hai lỗ mũi trống rỗng và bàn tay trái đã cụt ngón gần hết khiến người ta ghê tởm xua đuổi tôi. Người ta đã dành cơm thừa canh cặn để nuôi những con heo, con chó hơn là muốn cho tôi ăn để sống. Mặc cho người ta xua đuổi, đánh đập, tôi vẫn lần mò vào các chợ xin ăn, lục lọi những đống rác để nhặt những rau cỏ hư thối, hay đi đến bến cá, nhặt những con cá đã ươn thối nằm phơi mình trên bãi cát, mang về nhà nấu ăn để sống qua ngày.
Người ta đã không cho tôi ở trong xóm. Vài người từ tâm đã chỉ cho tôi một túp lều tranh tồi tàn bỏ hoang trên ngọn đồi cát, xa hẳn dân làng, để trú mưa nắng. Nhiều đêm nằm trong túp lều dột nát nghe tiếng sóng êm ả như lời ru của biển, tôi lại nhớ đến em gái tôi. Nhung ơi, không biết giờ này, hồn em đã về miền cực lạc hay còn quanh quẩn bên chị để cùng khóc cho cuộc đời những người con gái bất hạnh như chị em chúng mình.
Ba má ơi, số phần con chắc kiếp trước đã gây nên nhiều tội lỗi, bây giờ Trời bắt con phải đền trả. Hãy tha lỗi cho con tội bất hiếu không còn được cơ hội phụng dưỡng cha mẹ, để cho con được yên lòng chờ đợi ngày tàn của đời con, đời của một đứa con gái đau khổ đã trót sinh ra làm người dưới một ngôi sao xấu...
Tôi đã nghĩ đến chuyện tự vẫn cho xong một kiếp người bất hạnh, khốn cùng, nhưng trước khi chết, tôi muốn viết lại những dòng nhật ký này bỏ vào cái chai không, thả trôi ra biển Đông, mong rằng nó may mắn được một chiếc tầu nào đó của thế giới tự do vớt lên và cho phổ biến những dòng hồi ký đầy nước mắt này để nhân loại hiểu và thương cho những thuyền nhân Việt Nam trên đường vượt biển đã chịu biết bao tai ương, thống khổ cũng chỉ vì muốn đổi lấy hai chữ Tự Do, để thế giới mủi lòng giang tay cứu vớt những người bỏ nước ra đi như tôi.
Xin vĩnh biệt mẹ, cha và quê hương Việt Nam yêu dấu của đời tôi.
Ký tên
Một thuyền nhân bất hạnh.
Lụa
Vũ thị dạ thảo

TRẦN TRUNG ĐẠO * CHIẾN TRANH

30 năm nhìn lại chiến tranh
Trần Trung Đạo
(Trích một phần bài viết của Trần Trung Đạo )
...Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam nhưng tôi nhìn lịch sử từ hướng con tim và bằng lý trí chứ không nhìn từ điện Kremlin, White House, khu Trung Nam Hải Bắc Kinh hay bằng những kiến thức và lý luận một chiều. Tôi học để hiểu rằng cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp là cuộc chiến tranh chính nghĩa. Đó là cuộc chiến giữa dân tộc Việt Nam bị trị chống lại thực dân Pháp bóc lột và nô lệ đất nước chúng ta. Cuộc chiến đó bắt đầu khi tiếng đại bác của tướng thực dân Rigault de Genouilly bắn vào Đà Nẵng năm 1859 chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược cho đến khi chúng rút ra khỏi Việt Nam vào năm 1954. Trong gần một trăm năm đó, máu của hàng triệu người Việt Nam đã đổ xuống khắp ba miền, từ ruộng lúa Tiền Giang đến châu thổ sông Hồng, từ Côn Đảo đến Réunion, từ dải Trường Sơn trùng điệp đến núi rừng âm u Việt Bắc. Bên tai tôi như vẫn còn nghe tiếng hô "Việt Nam vạn tuế" của Nguyễn Thái Học, lời dặn dò của Phan Chu Trinh, tiếng gào thống thiết của Nguyễn An Ninh, lá thư viết bằng máu của Phan Bội Châu, giọng thơ hùng tráng của Lý Đông A, tiếng sóng Châu Giang vỗ vào thân xác của Phạm Hồng Thái. Người yêu nước bằng tình yêu trong sáng, không đánh thuê, đánh mướn cho một chủ nghĩa, một ý thức hệ ngoại lai vong bản hay cho một quyền lợi đế quốc nào sẽ không bao giờ chết, không bao giờ bị lãng quên.
Khoảng cách giữa thương nước và hại nước không phải là một chiếc cầu dài mà trái lại, rất ngắn và mỏng như sợi tóc. Chiếc cầu nhận thức đó ngắn đến nỗi nếu chỉ bước thêm một bước nữa, một người yêu nước sẽ tức khắc trở thành kẻ bán nước. Đó là thực chất của cuộc chiến gọi là "Chống Mỹ cứu nước" sau 1954 đến 30 tháng 4 năm 1975.
Nhiều người nhìn cuộc chiến Việt Nam như nhìn vào màu nước biển. Tùy theo thời gian và chỗ đứng của mỗi người, nước biển có một màu sắc khác nhau. Nhưng màu thật sự của giọt nuớc không thay đổi dù sáng, trưa, chiều, tối, trong bờ hay ngoài khơi.
Tương tự, cuộc chiến Việt Nam đã được gọi bằng nhiều tên gọi: nội chiến, chống đế quốc, ủy nhiệm, đánh thuê v.v…, nhưng bản chất của cuộc chiến vẫn chỉ là một mà thôi. Như vậy, bản chất của cuộc chiến từ 1954 đến 1975 là gì?
Trong các định nghĩa về chiến tranh, tôi vẫn đồng ý với định nghĩa của Karl von Clausewitz nhất, "chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những phương tiện khác" (War is the continuation of politics by other means). Và từ định nghĩa đó, nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, thay vì đi tìm nhãn hiệu quốc gia nào trên từng vỏ đạn, trên mỗi chiến xa hay thử nghiệm DNA, màu da, chủng tộc của từng xác chết, có lẽ chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và mục đích của cuộc chiến đã xảy ra trên đất nước mình, không phải trong thời chiến mà ngay cả trước và sau cuộc chiến.
Nói về mục đích chiến tranh, khoảng năm 1970, tôi có đọc một cuốn sách của giáo sư Nguyễn Văn Trung. Tôi không nhớ chính xác tên của tác phẩm nhưng nhớ rất rõ giáo sư đã dành nguyên trang đầu để viết mỗi một câu: "Nói cho cùng, cuộc chiến Việt Nam vẫn là cuộc chiến tranh ý thức hệ". Câu nói đó kích thích sự tìm hiểu của tôi rất nhiều về bản chất và mục đích của cuộc chiến Việt Nam mà các bên tham dự đang nhắm đến.
Ở miền Nam, chúng tôi lớn lên với nhiều câu hỏi và rất ít câu trả lời, trong khi đó, thế hệ trẻ miền Bắc lớn lên có tất cả câu trả lời chờ sẳn mà không cần đợi hỏi. Nếu ai hỏi một trăm em, hay thậm chí một ngàn em học sinh Việt Nam tốt nghiệp phổ thông về lý do của cuộc chiến tranh được mệnh danh là "giải phóng miền Nam", tôi tin người hỏi sẽ nhận về những câu trả lời giống hệt nhau, đó là "chống giặc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước". Giặc Mỹ xâm lược? Phải chăng vì "giặc Mỹ xâm lược" Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Tây Đức nên ngày nay các quốc gia này mới trở nên những nước giàu có nhất nhì trên thế giới. Thống nhất đất nước? Vâng, không một người Việt Nam nào muốn cắt đi phần da thịt của mình hay muốn đất nước mình phải chia đôi, chia ba, nhưng nếu để đổi sự thống nhất bằng sinh mạng nhiều triệu người dân vô tội, nhiều trăm ngàn người Việt Nam vẫn còn đang mất tích, hàng vạn cô gái Trường Sơn đã đánh mất tuổi xuân trong rừng sâu núi thẳm, một nền kinh tế đi sau nhân loại hàng thế kỷ, phải chăng là một giá nên đổi? Độc ác như Kim Nhật Thành nhưng sau cuộc thử lửa 1950 đã không còn nuôi giấc mộng xâm chiếm Nam Hàn lần nữa. Bạo chúa cỡ Erich Honecker cũng chưa bao giờ dám nghĩ chuyện phiêu lưu thống nhất nước Đức bằng con đường võ lực.
Trước 1975, tôi nghe rất nhiều về quốc gia, cộng sản nhưng ai cũng bận đánh nhau, chẳng bao nhiêu người dành thời gian nghiên cứu kỹ càng và phổ biến rộng rãi về thế nào là quốc gia và thế nào là cộng sản. Một số không ít các nhà lãnh đạo miền Nam từng là sĩ quan trong quân đội Pháp hay đã phục vụ trong chính quyền thuộc địa Pháp nên cũng không thích nghe quá nhiều những mẩu chuyện khơi dậy lòng yêu nước chống thực dân và họ cũng không đặt nặng việc xây dựng một hệ ý thức quốc gia dân tộc nào hoàn chỉnh. Một số người được gọi là trí thức trong xã hội miền Nam thì xem việc chống chính phủ, chống Mỹ là một thời trang, mặc dù nhiều trong số họ ăn lương Mỹ. Xã hội miền Nam trước 1975 hẳn nhiên không phải là một xã hội lý tưởng. Miền Nam có tham nhũng, có cậy quyền, có lũng đoạn, có độc tài, có tham ô, có lãng phí, nói chung có đủ các biến chứng tiêu cực của một đất nước vừa thoát ra khỏi ách phong kiến và thực dân. Nhưng đồng thời miền Nam cũng có các điều kiện và nhân tố cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ pháp trị. Giống như việc trồng cây ăn trái, những hạt mầm dân chủ cũng phải được gieo, phân bón, tưới nước, chịu đựng nắng mưa, gió bão, truớc khi đâm chồi, nẩy lộc, đơm hoa và kết trái. Mặc dù đang chập chững trên hành trình dân chủ hóa như thế, không có nghĩa là hàng triệu người lính miền Nam chiến đấu không lý tưởng. Một người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân phải làm cho bằng được. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng vĩ đại bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.
Trong suốt 20 năm từ sau 1954, nhân dân miền Nam, không có một con đường nào khác hơn là phải chiến đấu để bảo vệ quyền được sống trong một xã hội họ đã chọn lựa. Phát xuất từ chính sách chia để trị của thực dân và hoàn cảnh trưởng thành, không ít nhà lãnh đạo miền Nam đã bắt đầu cuộc đời chính trị hay binh nghiệp trong hàng ngũ Pháp, nhưng giống như hàng triệu người dân miền Nam khác, họ đã chung lưng nhau chiến đấu để bảo vệ quyền được nói những điều họ nghĩ, quyền được sống nơi họ muốn sống, quyền đi nhà thờ, đi chùa họ chọn, quyền được hát bài hát họ thích. Dù quá khứ khác nhau nhưng họ đều ngã xuống như những người yêu nước. Trong trái tim của nhân dân Việt Nam, Phạm Hồng Thái, Lương Ngọc Quyến hay Đội Cấn, Đội Cung đều là những anh hùng dân tộc. Đừng quên, những người bị gọi là "Ngụy", là "theo Tây", "theo Mỹ" kia không chỉ phải bảo vệ miền Nam mà còn phải chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn để giữ từng cù lao, từng khoảng không gian của vùng trời, từng hải lý của vùng biển Việt Nam. Hạt cát Hoàng Sa vẫn còn đỏ màu máu của họ.
Thế nhưng, số phận các quốc gia nhược tiểu thì ở đâu và thời nào cũng vậy, nếu tương hợp với quyền lợi của đế quốc thì sống và ngược lại thì chết. Bởi vì mục đích của Đảng Cộng sản Việt Nam rất tương hợp với quyền lợi của Liên-Xô và Trung Quốc nên "vinh quang này thuộc về Đảng Lao động Việt Nam" như Lê Duẩn nói, trong lúc nhiều cấp lãnh đạo miền Nam phải tự sát hay sắp hàng đi vào tù bởi vì quyền lợi của nhân dân miền Nam (chiến đấu để bảo vệ và xây dựng các nền móng tự do dân chủ riêng ở miền Nam) không còn tương hợp với sách lược thế giới của tổng thống Richard Nixon. Thật ra, không phải đợi đến khi tổng thống Nixon thay đổi đường lối chiến tranh mới dẫn đến sự sụp đổ của miền Nam, chính sách của Mỹ tại Việt Nam đã thất bại ngay từ trong trứng. Đánh nhau với ba nước tiên phong và hùng hổ nhất trong khối cộng sản quốc tế (Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô) mà chỉ nhằm bảo vệ miền Nam Việt Nam thì sự thất bại là vấn đề thời gian mà thôi. Danh tướng Đức Erwin Rommel chẳng từng viết "Phòng thủ là tự sát" đó sao. Trong chiến tranh Đại Hàn, nếu quân đội đồng minh không đổ bộ Ichon, giải phóng Seoul, vượt vĩ tuyến 38, chiếm cả thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn, mà chỉ lo phòng thủ miền Nam thì số phận Nam Hàn chưa biết sẽ ra sao.
Sau 1975, chính ông bí thư thứ nhất Lê Duẩn đã xác định cuộc chiến từ sau 1954 đến 1975 là chiến tranh ý thức hệ giữa cộng sản và tự do. Trong diễn văn chào mừng chiến thắng vào đầu tháng 5 năm 1975, ông Lê Duẩn không còn che giấu tham vọng nhuộm đỏ cả nước Việt Nam khi tuyên bố: "Vinh quang này thuộc về Đảng Lao động Việt Nam quang vinh, người lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp tiền phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội". Câu nói "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc..." đã trở thành một trong những câu khẩu hiệu phổ biến nhất trong thời kỳ đó. Câu khẩu hiệu dài lòng thòng này đã làm tốn nhiều vải và mực nhất trong những năm mà người dân không có áo mặc sau 1975. Ngoài ra, trong tác phẩm được xem như là kinh điển, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, ông Lê Duẩn cũng nhiều lần khẳng định mục đích cuối cùng của cách mạng tại Việt Nam là đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội hiện đại (công nghiệp, nông nghiệp và khoa học kỹ thuật), tạo điều kiện vững chắc cho chủ nghĩa cộng sản khoa học trong tương lai. Nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập vào năm 1930 cho đến nay, tuy khác nhau về chiến lược của mỗi thời kỳ và hoạt động dưới nhiều tên gọi (Đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân Cách mạng ở miền Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam) nhưng hoàn toàn nhất quán về tư tưởng và mục đích chính trị.
Người đọc sẽ thắc mắc, thế thì công sức của Đảng Cộng sản trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đầy gian khổ nhưng cũng rất vinh quang đó là gì?
Xin thưa, từ nhỏ tôi được dạy rằng khi giúp đỡ ai thì đừng cầu ơn phước, vì giúp người chỉ để mưu cầu lợi lộc riêng tư thì không phải giúp người mà chỉ là một hành động đầu tư trên sự khổ đau của kẻ khác mà thôi. Từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương cho đến 1954, giới lãnh đạo cộng sản đã chiến đấu trong hàng ngũ người Việt yêu nước, vâng, nhưng mục đích cuối cùng của họ không phải là độc lập dân tộc hay thống nhất đất nước. Ba mươi năm, kể từ 1975, một khoảng thời gian đủ dài và một vết chém đủ đau để nhân dân Việt Nam ý thức ra rằng thống nhất đất nước chỉ là điều kiện tiền đề cho mục đích cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam. Hành động đốt sách vở một cách không phân biệt, xóa bỏ mọi tàn tích văn hóa cũ, đổi tiền năm bảy lượt, bỏ tù hàng trăm ngàn người, đày đi kinh tế mới hàng triệu đồng bào là những bằng chứng hiển nhiên đến mức không ai còn có thể chối cãi được. Nếu chỉ đánh Mỹ để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, tại sao họ đã thi hành các biện pháp đầy đọa, trừng phạt, tẩy não vô cùng thất nhân tâm như đã làm sau 1975 đối với chính đồng bào máu mủ của mình?
Trong quan điểm đó, Đảng Cộng sản không có công trạng hay ơn nghĩa gì với dân tộc Việt Nam cả. Họ chỉ là những người cho vay lấy lãi nặng bằng máu xương của bao nhiêu thế hệ Việt Nam. Hãy so sánh cách sống của những ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương đảng và cuộc đời của những người được gọi là chủ nhân đất nước đang lay lắt dưới gầm cầu Long Biên để thấy cái mức lãi mà dân tộc ta phải trả cho Đảng Cộng sản Việt Nam cao đến bao nhiêu. Bất cứ người Việt Nam có một chút kiến thức kinh tế, chính trị và nhìn lịch sử một cách khách quan phải công nhận rằng, nếu không có ý thức hệ cộng sản, Việt Nam không những vẫn là một dân tộc thống nhất mà còn có đời sống tự do, dân chủ, nhân bản và giàu mạnh gấp trăm lần hơn hôm nay.
Trần Trung Đạo
(Forwarded by DAI DOI HaiQuan <h27192@yahoo.com>, Diendandautranh@yahoogroups.com, 4/8/05, 2.07AM

GS. NGUYỄN VĂN PHÚ * CON ONG

câu chuyện con ong
Nguyễn Văn Phú



Đêm đã khuya. Theo thường lệ sau khi kinh hhành tại sân chùa, Tổ lên chánh điện, chậm
rãi đi một vòng, để mắt xem xét.Bỗng Ngài dừng lại, nhìn vào cành hoa cắm trên bình ở bàn
thờ đức Quán Thế Âm.Giữa bông hoa,một con ong vàng đang bò chậm chạp. Nghĩ rằng con
ong này ban ngày bay lọt vào chánh điện, hút nhị hoa rồi vướng chân dính cánh vào đó, giờ
này hãy còn loanh quanh tại đây, Ngài nhẹ nhàng giơ tay với một cây nhang mới, khẻ khều
con ong, hy vọng khi nó bám vào đầu cây nhang thì Ngài sẽ đem ra ngoài mà phóng sinh.
Đột nhiên Ngài giật mình.Trong tiếng vo ve, rõ ràng Ngài nghe tiếng nói:
-Bạch Ngài, không phải con lạc vào đây đâu! Từ lâu rồi, có một lần bay ngang qua đây
kiếm mật, con thấy Ngài giảng về nhân quả luân hồi.Con đậu trên khung cửa nghe được toàn
bài.Từ đó con không trở về tổ của con nữa, chỉ quanh quẩn ở đây để chờ được nghe Ngài giảng
Phật pháp, con chưa đưộc nghe thêm thời pháp nào nhưng ngày ngày con được nghe ba thời kinh
khi thì kinh Di Đà,khi thì kinh Địa Tạng,lúc khác lại kinh Dược Sư, hoặc Pháp Hoa.Con
không hiểu được bao nhiêu nhưng vẫn hy vọng một lúc nào đó sẽ hiểu. Xin Ngài đừng bỏ con
ra ngoài,cứ để con ở nguyên chỗ đó, con đang cầu xin đức Quán Âm...
Tu hành đã lâu, Tổ không ngạc nhiên, và hỏi lại con ong rằng:
-Chú đang cầu xin đức Quán Âm điều gì thế?
-Bạch Ngài, con đang cầu xin đức Quán Âm mở lòng đại từ đại bi cho con được biết kiếp,
con đã gây những nghiệp gì mà kiếp này phải đọa làm thân con ong.và kiếp sau, liệu con còn
có thể khá hơn không?Con cầu xin Ngài lâu rồi, con hết lòng thành khẩn, những mong được
Ngài cảm ứng mà chỉ đường cho con.
Tổ nhắm mắt nhập định, hồi lâu mở mắt, bảo con ong nhỏ bé kia rằng:
-Này chú, đức Quán Âm không bỏ chúng sinh nào miễn là chí thành, chí tịnh cầu xin Ngài.
Diều chú muốn biết, tôi giúp chú được một phần, Kiếp trước chú là một người nữ làm ăn siêng
năng đã thế lại cần kiệm biết dành dụm. Nhưng phạm một điều, chú phạm khẩu nghiệp nặng.
-Bạch Ngài, khẩu nghiệp con ra sao? Nói dối, nói xấu, nói hai lưỡi, nói thêu dệt,không
biết con đã phạm những lỗi nào?
-Chú phạm lỗi nói châm chọc làm cho người ta phát điên, phát khùng,làm cho người ta khổ
sở điêu đứng. Vì thế chú phải đọa làm con ong.
-Lạy Ngài, xin Ngài chỉ đường cho con giải thoát.
Tổ lặng lẽ chỉ tay lên tượng đức Thế tôn. Con ong biết ý bay đến đậu dưới chân đức Thế tôn.
Tổ chậm chạp đi tới, làm lễ quy y cho con ong và ban cho một thời pháp.
It lâu sau, khi chú tiểu bao xái bàn thờ, cầm phất trần phủi bụi ở chân tượng đức Thế tôn,
chú thấy xác một con ong. Đúng lúc đó, Tổ đi tới, Ngài ra tay ra hiệu cho chú tiều ngừng
quét.Ngài nhẹ nhàng nhặt cái xác con ong, đem ra cổng chùa, đến gần cây đa lớn. Ngài dí ngón
chân xuống đất, đặt con ong xuống và phủ đất lên, rồi nhập dịnh.
Kể từ đó, có một thần A tu la nương náu ở gốc đa. Ngoài việc giữ chùa, A tu la đều đặn
nghe kinh, tu tâm sửa tánh, những mong đến kiếp sau nữa, sẽ lại được trở thành người, lần này
nhất định tu pháp môn " Tịnh khẩu nghiệp".
(Trich GÓP NHĂT )

KIỀU MỸ DUYÊN * NHÀ GIỮA RỪNG CÂY

NHÀ GIỮA RỪNG CÂY

KIỀU MỸ DUYÊN
Tôi sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà rộng, xung quanh là rừng cây xanh ngát, tôi yêu màu xanh của cây rừng từ lúc chưa biết nói và lớn lên đi khắp đất nước từ bến Hải đến Cà Mau.
Ngồi trên trực thăng bay thật thấp, nhìn rừng và biển hồ Pleiku, rừng núi đẹp vô cùng, tôi yêu rừng không bao giờ biết sợ rừng núi và tôi mơ ước được có một ngôi nhà uy nghi trên núi nhìn xuống biển. Có lần tôi định mua 33 mẫu đất ở California Ranch để xây nhà, với tôi Ban Mê Thuột, rừng Đà Lạt, rừng Kontum, Pleiku, núi rừng nào cũng rất đẹp, thiên nhiên đẹp vô cùng và có sự quyến rũ tôi cho đến khi... tôi bị muỗi đốt.
Muỗi đốt chiều thứ Bảy trong lúc đi làm phóng sự ở nhà dòng Saint Patrick, đối diện với nhà quàn Peek Family. Sau khi muỗi đốt suốt đêm tôi không chợp mắt, chân sưng chưa bao giờ thấy, những đốm đỏ nổi lên như người cùi. Thấy tình trạng có vẻ đến hồi trầm trọng, bằng hữu của tôi nói:
- Phải đi nhà thương ngay, nếu là muỗi West Nile thì người bệnh sống không quá 6 ngày.
- Ở Fullerton có người bị muỗi West Nile đốt đã qua đời rồi.
Người nói là dược sĩ, có tiệm thuốc tây lâu đời. Ông dược sĩ này rất thận trọng lời ăn tiếng nói.
Tôi xoa thuốc ngày chủ nhật ,sang thứ Hai đi nhà thương, lấy 5 ống máu để thử nghiê.m. Đến nhà thương khoảng 6 giờ chiều, ra nhà thương về đến nhà gần 10 giờ. Đợi bác sĩ cho thử máu, cho kết quả máu, tôi chờ đợi kết quả của West Nile.
Cuối cùng bác sĩ Anh Do bảo
- Cô về đợi thêm 2 ngày nữa.
Tôi sống trong hồi hộp, nếu mạng mình tới đây đã hết thì nên làm di chúc ngay từ bây giờ. Tôi không biết những bệnh nhân bác sĩ bảo còn 1 năm hay 5 tháng nữa qua đời có cảm giác như thế nào? Nhưng với tôi, nếu chỉ còn sống 4, 5 ngày thì đời sống thật là hạnh phúc. Với thời gian này đủ để cho tôi cảm ơn tất cả những người đã giúp mình, những người đã làm việc với mình trong bao nhiêu năm qua, cảm ơn người chết và cảm ơn người sống, cảm ơn Thượng Đế đã cho mình nhiều hơn mình nghĩ, cảm ơn cái nhà mình đang ở thoải mái, yên tĩnh trong nhiều năm qua.
Hai ngày sau, cô y tá của bác sĩ Sheers gọi tôi và nói:
- Tất cả thử nghiệm đều tốt, bình thường, trừ vi khuẩn West Nile chưa biết bà phải đợi thêm 2 ngày nữa.
Tôi đếm từng ngày, 2 ngày sẽ đến. Nếu ngày đó có vi khuẩn West Nile thì tôi còn sống thêm một ngày nữa.
Tôi đã từng nói với những người thân:
- Nếu tôi chết xin quý vị chọn áo nào thật đẹp mặc, ca bài ca nào hay nhất để tiễn tôi lên đường. Đừng buồn, đừng khóc. Ở đâu ở đó, đừng đi tới đi lui mất thì giờ, để thì giờ làm việc khác và hay cầu nguyện cho tôi
Ngày đầu tôi nóng như lửa, ngoài trời 92 độ, người tôi nóng hơn sức nóng của trời, buổi chiều trong phòng mở máy lạnh nhưng tay tôi run rẩy không thể giữ được ly trà nhỏ.
Người hàng xóm nói:
- Có lẽ là phản ứng của thuốc.
Từ từ rồi cơn sốt cũng hạ xuống, tội nghiệp người bạn láng giềng của tôi, Quyên Nguyễn:
- Quyên phải mua củ cải đỏ, rau dền nấu cháo cho cô ăn.
Tôi chỉ nghe thoang thoảng bên tai tiếng nói nhẹ nhàng của Quyên, hình như Quyên xoa dầu vào hai bàn tay, hai bàn chân lạnh ngắt của tôi, rồi Quyên đỡ tôi ngồi dậy đút cháo vào miệng cho tôi. Tôi cứ thế mà nuốt.
Tôi đi vào giấc ngủ, không biết là giấc ngủ hay là mê?
Bác sĩ Nguyễn Hùng chuyên về nội khoa, không biết có phải đây là duyên số - ngày xưa bác sĩ Hùng chăm sóc cho mẹ tôi tới giây phút cuối cùng, khi mẹ tôi vừa tắt thở thì bác sĩ Hùng có mặt ngay trong bệnh viện - lại là người hàng xóm của chúng tôi.
Ông Tony Nguyễn, ngày xưa cũng là quân y, Quyên Nguyễn là y tá, dược sĩ Lắm, bác sĩ Nguyễn Hùng, bác sĩ Nha Khoa Hằng Nguyễn, thầy ba Cầu Bông là những người hàng xóm tốt bụng của chúng tôi, mỗi lần ai hữu sự thì những người đến ngay.
Tội nghiệp cho Trinie Trịnh Vũ, chuyên viên địa ốc của chúng tôi, đưa tôi vào bệnh viện rồi ở mãi với chúng tôi đến khi về nhà, người bệnh nhìn người bệnh thấy thảm thương lắm. Người bệnh có cơ hội nhìn lại mình, làm việc vì cơm áo thì ít mà làm việc
“bao đồng” thì nhiều, nhưng đời sống vui hơn, phong phú hơn.
Khi mua thuốc Trinie nói:
- Con thích làm việc như thế này, khi con già sẽ có người khác lo cho con.
Câu nói này thật đúng với tôi, ai hữu sự kêu tôi đến ngay. Nhớ thuở hàn vi, nửa đêm còn ai mê mẩn gọi tôi, tôi đến đưa vào bệnh viện ngay. Có lẽ vì thế mà bây giờ tôi được như thế này. Tôi ái ngại khi nói xe Hồng Thập tự vì tôi sợ làm phiền hàng xóm khi còi xe Hồng Thập Tự hú lên, xe tư nhân đưa đi nhà thương vẫn đỡ phiền hơn.
Làm phóng viên cũng như nghề buôn bán nhà cửa, quen nhiều, nhưng muốn sống hết lòng hết dạ với bằng hữu hay người thân thì phải có thời giờ, nhưng thì giờ ở đâu mà ra?
Mỗi ngày chúng ta đều có thì giờ như tất cả mọi người nhưng làm việc thì nhiều quá, suy nghĩ nhiều quá. Sống chết có số, sống vui và chết và chết cũng vui, ra đi nên vui vẻ, thoải mái nhẹ nhàng. Về việc nhà cũng thế, muốn có nhà nên có nhà ngay, hãy thực hiện giấc mơ của mình, đừng chần chờ nhỡ mai này chúng ta chết không được ở trong căn nhà thơ mộng mà mình mơ ước.
Hôm qua bác sĩ cho biết trong người tôi không có vi khuẩn West Nile, tự nhiên như có phép mầu, tôi ngồi dậy tìm thức ăn ngon. Phải ăn, phải ăn. Sau 5 ngày ăn cháo, người yếu như bún.
Giấc mơ xây nhà trên núi nhìn xuống biển đêm đêm nghe sóng biển thì thầm trở về và tôi không sợ rừng cây, rừng cây xanh ngát của tôi vẫn ở trong trí nhớ. Cho nên tôi thường khuyên thân chủ nên mua nhà có đất rộng để trồng cây...

VŨ HOÀNG CHƯƠNG * BÀI HÁT CUỒNG

Bài Hát Cuồng
-Vũ Hoàng Chương


    Xuân có sang mà hoa không tươi
    Ý ngát hoài chăng hề tuổi chớm ba mươi
    Nằm say ngõ lạnh
    Buồn nghe mưa rơi
    Chiều xuống chênh song hề gió lên ?ầy trời

    Ta ?ợi bóng hoa nào hiện
    Ta lắng tin hương nào ?ến
    Duyên kiếp gì ?âu hề Ta có chờ Ai
    Hương một sớm ?ã tan hề Hoa ?ã phai
    ?ời họ bỏ ta hề riêng gì kẻ ấy
    Tình trót lầm trao hề Ta hỡi Ta ơi
    ?ốt lửa mà lên hề về ?âu chẳng vậy
    Chới với hư vô hề ném xa hồn Người
    A ha -- ?ập cho nát vụn
    Tuôn châu òa bật lên cười
    Ta có là Ta chăng hề Ai chứ là Ngươi
    Chậu sành tiếng ?ập ngàn năm cũ
    Họa ?iệu chiều nay xác rã rời
    Họa ?iệu chiều nay lòng rạn vỡ
    Bi thương xưa hề ?ột nhập hồn tan tác rơi
    Ta ?ã say hề men chuếnh choáng
    Ta ?ã mê hề khói chơi vơi

O HENRY * ÁI TÌNH THEO KHẨU PHẦN

O. Henry
Ái tình theo khẩu phần
Dịch giả: Nguyễn Việt Long
Xu hướng của đàn bà, - Giep Pitơx nói, sau khi đã có một vài ý kiến bàn về vấn đề này, - thường hướng về phía mâu thuẫn. Đàn bà muốn cái mà các cậu không có. Cái gì càng có ít, đàn bà càng muốn nhiều. Họ thích lưu trữ các loại xuvơnia về những sự kiện thực ra chẳng có trong đời họ. Cái nhìn một phía đối với sự vật không đội trời chung với bản tính đàn bà.
Tớ có một điểm dở bẩm sinh và được những chuyến du lịch phát triển lên, - Giep nói tiếp, mặt đăm chiêu nhìn cái bếp lò nằm lọt giữa đôi chân ghếch cao. - Tớ nhìn một số sự vật sâu hơn đa số mọi người. Tớ đã hít no hơi xăng, đã diễn thuyết trước đám đông hầu như tại tất cả các thành phố của Hoa Kỳ. Tớ mê hoặc người đời bằng âm nhạc, tài hùng biện, sự khéo léo của đôi tay và những thủ thuật ranh mãnh, đồng thời bán cho họ hàng kim hoàn thuốc men, xà phòng, thuốc mọc tóc và đủ thứ tạp nham khác. Trong lúc đi chu du, phần để giải trí, phần để chuộc tội, tớ đã nghiên cứu đàn bà. Muốn hiểu được một ả đàn bà, con người ta cần cả một đời, nhưng những mầm mồng kiến thức về nữ giới có thể đạt được, nếu ta dành cho nó mười năm nghiên cứu cần cù, kĩ lưỡng. Trong lĩnh vực này, tớ đã biết được rất nhiều điều bổ ích khi rao bán ở miền tây kim cương Braxin và đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh, - đó là sau chuyến đi Xavanna của tớ qua vành đai bông. Dạo ấy là thời kì phát đạt đầu tiên của bang Oclahôma. Thị xã Gatơri mọc lên ở giữa bang này, vùn vụt như thổi. Đó là một thị xã điển hình ra đời trong cao trào bùng nổ kinh tế: muốn tắm rửa phải xếp hàng, nếu bạn ngồi ăn trong tiệm lâu quá chục phút thì phải trả thêm tiền chỗ ngồi; còn nếu ngủ đất trong khách sạn, sáng ra xin cứ việc chi tiền như nghỉ biệt thự.
Về quan điểm lẫn tư chất thì ở đâu tớ cũng thích tìm những chỗ đánh chén ngon lành nhất. Tớ tìm được một nơi hết sức vừa ý. Đó là một tiệm ăn căng bạt của một gia đình vừa mới mở. Gia đình ấy đến thị xã này theo vết chân sự bùng nổ kinh tế. Họ đã dựng gấp một ngôi nhà nhỏ vừa để ở vừa để nấu nướng và chăng thêm lều bạt áp vào ngôi nhà làm tiệm ăn. Lều này chăng đầy những tờ quảng cáo nhằm giành giật từ vòng tay tội lỗi của các biệt thự và khách sạn kẻ lữ hành mệt mỏi. “Hãy nếm bánh quy nhà chúng tôi”, “Bánh rán nóng với xirô phong, những món bạn vẫn ăn từ thuở bé”, “Gà rán của chúng tôi lúc sống chưa đến tuổi cục tác” đấy là những dòng chữ có nhiệm vụ kích thích sự tiêu hoá của khách ăn. Tớ mới bụng bảo dạ rằng cái thân xác tớ cần tọng một chút gì đó chiều nay tại chính tiệm ăn này. Sự việc diễn ra đúng như vậy. Chính tại đây tớ đã làm quen được với Mâymi Điugân.
Ông già Điugân - kiểu dân ăn không ngồi ở xứ Inđiana, cao tới sáu bộ (1) - nằm trên ghế xích đu hồi tưởng lại vụ thất bát năm một tám linh sáu. Bà lão Điugân nấu bếp, còn Mâymi thì phục vụ khách.
Chỉ vừa trông thấy Mâymi, tớ đã hiểu ngay là cuộc tổng kê dân số đã phạm một sự nhầm lẫn. Ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đúng ra chỉ có một cô gái mà thôi! Mô tả nàng chi tiết thật là khó. Vóc nàng xấp xỉ một thiên thần, nàng có đôi mắt, lại còn điệu bộ nữa chứ. Nếu các cậu muốn biết nàng là người như thế nào, thì có thể tìm thấy cả một chuỗi xích, trải dài từ cầu Bruclin về phía tây đến tận trụ sở toà án ở Caonsin Blaphơ, bang Inđiana. Những người như nàng kiếm sống bằng cách làm việc ở các cửa hàng tiệm ăn, trong các nhà máy và văn phòng. Họ có gốc gác theo đường thẳng từ bà Eva, chả là họ đã giàng được quyền làm đàn bà, còn nếu như các cậu dám đặt dấu hỏi về cái quyền ấy thì có khả năng ăn một cái tát ra trò. Họ là những người bạn tốt, họ trung thực và tự do, dịu dàng và táo tợn, và họ biết nhìn thẳng vào cuộc đời. Họ gặp gỡ mặt đối mặt với đàn ông và đã đi đến kết luận rằng đàn ông là giống sinh vật thảm hại. Họ đã đinh ninh rằng sự mô tả của đàn ông trong các tiểu thuyết đọc trên tàu hoả tựa như chàng hoàng tử trong cổ tích, chẳng hề được thực tế xác nhận.
Đấy, Mâymi cũng là một cô gái như vậy. Toàn bộ con người nàng toát lên sức sống, sự vui vẻ và tính linh lợi, với khách thì mau mồm mau miệng: thật chết cười mỗi lần nghe nàng đáp. Tớ không ưa khai quật tận lòng sâu các cảm xúc cá nhân. Tớ vẫn theo cái thuyết cho rằng những mâu thuẫn và những mối tơ vò của cái bệnh có tên gọi là bệnh tương tư là những thứ cũng riêng tư giống như cái bàn chải đánh răng. Theo tớ, các bản tiểu sử những trái tim chỉ nên tìm vị trí cho mình bên cạnh các tiểu thuyết lịch sử về đời sống buồng gan trên các tạp chí dành cho việc rao tin. Vì thế xin các cậu thứ lỗi, nếu tớ không liệt kê ra đây danh sách đầy đủ của những tình cảm của tớ đối với Mâymi.
Chẳng bao lâu tớ đã nhiễm thói quen thường xuyên có mặt ở quán vào những lúc ít người. Mâymi tiến lại phía tớ, trong bộ áo dài đen và tạp dề trắng, miệng mỉm cười và nói: “Chào anh Giep, sao anh không đến đúng giờ đã định? Anh cố ý muộn để mọi người phải lo lắng hay sao? Gà rán - bít-tết - thịt lợn - dầu - trứng tráng - với - giăm-bông - … Nàng gọi tớ là Giep, nhưng điều ấy tuyệt nhiên không có nghĩa gì cả. Chẳng qua nàng cũng phải phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Gọi thế thì vừa nhanh, vừa tiện. Tớ thường ăn hai bữa trưa và cố kéo dài chúng như ăn tiệc trong xã hội thưọng lưu, nơi người ta đổi đĩa, đổi vợ và trao qua đổi lại những câu đùa giữa các lần nuốt. Mâymi chịu đựng tất. Có lẽ nào nàng lại làm ầm ĩ lên và bỏ mất một đôla chỉ vì người ăn không đến theo thời gian biểu đã định.
Ít lâu sau lại thêm một cậu chàng nữa tên là Eđ Côliê nảy ra cái thói tọng đồ ăn vào giờ trái khoáy. Vì có tớ và cậu ta mà giữa bữa ăn sáng với bữa ăn trưa và bữa ăn trưa với bữa ăn chiều đã bắc những cây cầu nối thường xuyên. Qnán ăn biến thành rạp xiếc với ba vũ đài, thành thử Mâymi hoàn toàn không còn thời gian nghỉ ở hậu trường nữa. Thằng cha Côliê đầy những thủ đoạn ma lanh. Hắn làm việc đâu như ở đội khoan giếng hoặc bảo hiểm, có quỷ mới biết được - tớ cũng chả nhớ ở đội nào. Hắn cũng khá về khoa ăn nói và dễ gây được thiện cảm. Tớ với hắn đã tạo ra trong quán một bầu không khí tình tự và thi đua. Mâymi giữ mình trên tầm cao vô tư và phân phối đều sự lịch thiệp đối với cả hai người chúng tớ, giống như chia bài ở câu lạc bộ ấy: một quân bài cho tớ, một quân bài cho Côliê, và một quân bài đặt cái. Trong ống tay áo không còn một quân bài nào cả.
Tất nhiên tớ với Côliê đã làm quen với nhau và thỉnh thoảng còn thù tạc với nhau trong bốn bức tường của lều quán. Không kể những trò khôn ranh, cậu ta gây được ấn tượng tốt và sự đối địch của cậu ta cũng rất ngộ.
- Tao thấy mày thích ngồi lì trong phòng tiệc sau khi khách đã tản về hết đấy nhé. - Có một lần tớ nói với Côliê để xem hắn đối đáp như thế nào.
- Ừ, - Côliê nói, vẻ tư lự. - Sự ồn ào cảnh chen vai thích cánh làm thần kinh nhạy cảm của tao khó chịu.
- Thần kinh tao cũng thế, - tớ nói - À, cô bé cũng kháu đấy chứ nhỉ?
- À, thì ra thế, - Côliê bật cười. - Nếu mày đã nhắc đến điều đó, thì tao xin báo để mày rõ là cô bé gây được ân tượng không phải là khó chịu đối với thần kinh thị giác của tao.
- Cô ấy làm tao thích mắt lắm, - tớ nói. - Tao đang tán nó đây. Nói để mày biết.
- Tao sẽ rất trung thực, - Côliê nói. - Nếu như ở các hiệu thuốc có bán đủ dịch vị, tao sẽ cho mày một chầu cho mày tha hồ bị bội thực để đạt được cái đích mới thôi.
Thế là bắt đầu cuộc đua nước rút của chúng tớ. Quán ăn cung ứng liên tục. Mâymi phục vụ chúng tớ, vui vẻ, dễ thương và lịch sự. Thần ái tình và người nấu bếp ở quán Điugân làm việc cật lực.
Một ngày tháng chín tớ đã rủ Mâymi đi chơi với tớ sau bữa ăn tối, khi cô ấy dọn dẹp xong. Chúng tớ đi dạo một tí rồi ngồi lên những khúc gỗ ở khu vực cuối thành phố. Dịp may như thế chắc còn lâu mới có, nên tớ đã thổ lộ hết những gì mình muốn nói. Rằng kim cương Braxin và đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh là nguồn thu nhập của tớ, đủ để đảm bảo ấm no cho cả hai, rằng cả hai thứ ấy dù sao cũng không thể cạnh tranh được với ánh mắt của một nàng, rằng họ Điugân cần phải đổi sang họ Pitơx, nếu không đổi thì xin giải thích lí do.
Thoạt đầu Mâymi chẳng nói gì cả. Sau đó bỗng nàng rùng rùng toàn thân. Thế là tớ nghe được những điều bổ ích. Nàng nói:
- Anh Giep ạ, em rất tiếc là anh đã nói ra. Em cũng mến anh, em mến anh nhiều mặt, nhưng trên đời này sẽ chẳng có người đàn ông nào em lấy làm chồng đâu và sẽ chẳng bao giờ có cả. Anh có biết trong con mắt em, đàn ông là cái thứ gì không? Đó là nấm mồ, là nấm mồ để chôn bít-tết, thịt lợn kho, gan xào, trứng tráng với giăm-bông. Trong tâm khảm em đã in đậm hình ảnh của họ như thế. Em đã thử chống lại cảm giác ấy, những không tài nào chống được. Nghe nói các cô gái khen hết lời chồng chưa cưới của mình, em không hiểu nổi. Đàn ông, cái cối xay thịt và chạn đựng thức ăn đều gây ra ở em những cảm giác giống nhau. Có lần em đi xem kịch, nhìn thấy một diễn viên mà các cô gái đều chết mê chết mệt. Em ngồi xem mà nghĩ bụng, không hiểu anh ta thích loại bít-tết nào - còn tái, chín vừa hay đã rán già và loại trứng nào - còn lòng đỏ nhùng nhùng hay đã luộc nhừ, chỉ có bấy nhiêu thôi. Không, anh Giep ạ. Em sẽ không bao giờ lấy chồng. Để mà toàn trông thấy anh ta sáng đến ngồi ăn, đến trưa lại quay về ăn, rồi cuối cùng lại vác mặt về ăn tối, chỉ ăn, ăn, ăn ấy à…
- Nhưng mà, Mâymi này, - tớ bảo, - cái đó rồi sẽ qua. Tại em đã làm công việc này nhiều quá đấy thôi. Nhất định rồi em sẽ lấy chồng. Đàn ông không phải bao giờ cũng chỉ ăn.
- Còn em thì lúc nào cũng quan sát thấy họ ăn. Không, em sẽ nói cho anh biết em sẽ làm gì. - Mâymi bỗng tràn đầy cảm hứng, đôi mắt nàng sáng lên. - Ở Têri Hot có một cô gái tên là Xiudi Phoxtơ, bạn gái em. Cô bạn ấy làm ở quán điểm tâm ngay nhà ga. Em cũng đã làm hai năm ở tiệm ăn chỗ ấy. Xiudi còn kinh tởm đàn ông hơn, bởi vì những người đàn ông ra ga ăn bao giờ cũng vội cuống vội cuồng. Họ vừa tán tỉnh vừa nhồm nhoàm nhai cùng một lúc. Khiếp! Em với Xiudi đã quyết rồi. Chúng em sẽ dành dụm tiền, khi nào đủ sẽ tậu một ngôi nhà nhỏ và năm acrơ (2) đất. Chúng em đã để ý đến một khoảnh đất. Chúng em sẽ sống với nhau và sẽ trồng hoa viôla. Em khuyên người đàn ông nào phàm ăn tục uống đừng nên đến gần trang trại của chúng em dưới một dặm.
- Ồ, thế chả lẽ các cô gái không bao giờ… - tớ cất tiếng. Nhưng Mâymi đã dứt khoát cắt ngang.
- Không, không bao giờ. Họ chỉ nhấm nháp gọi là đôi chút thôi.
- Anh thì cho rằng kẹo…
- Lạy trời, anh hãy nói sang chuyện khác đi, - Mâymi đáp.
Như tớ đã nói, kinh nghiệm này đã chứng minh cho tớ rằng bản tính đàn bà đời đời hướng tới những ảo ảnh và ảo tưởng. Hãy lấy nước Anh mà xem - bít-tết đã tạo nên nó, nước Đức thì do xúc-xích đẻ ra, còn chú Sam hùng mạnh như ngày nay là nhờ bánh rán và gà rán. Nhưng các cô thiếu nữ có tin điều ấy đâu. Họ cho rằng tất cả là do Sếchxpia, Rubinxtên và đội khinh kị binh của Thêơđo Rudơven làm nên.
Tình thế của tớ thì ai mà chẳng nản lòng. Không thể có chuyện cắt đứt Mâymi được. Thế nhưng cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ thói quen ăn uống xưa nay thì tớ lại buồn nẫu ruột. Tớ đã nhiễm phải cái tật ấy từ sớm quá. Hai mươi bảy tuổi đời mà tớ đã mù quáng lao đầu vào thảm hoạ và ngả theo tiếng gọi mê hoặc của con quái vật khủng khiếp là thực phẩm. Thay đổi muộn quá rồi. Tớ đã trở thành loại nhai lại hai chân hết phương cứu vãn. Có thể đánh cuộc bằng món tôm hùm với món bánh rán, cuộc đời tớ thế là đi đứt vì cái thói ấy.
Tớ tiếp tục ăn ở quán Điugân, hi vọng Mâymi rủ lòng thương. Tớ tin vào tình yêu chân chính và nghĩ rằng nếu nó thường đã phải chống chọi lại với sự vắng mặt của một bữa ăn thịnh soạn thì biết đâu, nó sẽ biết chống chọi lại với sự có mặt của chính bữa ăn ấy. Tớ vẫn tiếp tục chịu sự điều khiển của tật xấu tai hại, nhưng mỗi lần tớ bỏ một miếng khoai tây vào mồm trước mặt Mâymi là tớ cảm thấy có lẽ mình đang chôn vùi những hi vọng ngọt ngào nhất của bản thân.
Côliê hình như cũng ngỏ lời với Mâymi và cũng nhận được câu trả lời tương tự. Ít ra thì có một hôm hắn chỉ gọi một tách cà phê và một mẩu bánh lương khô rồi ngồi nhấm nháp miếng bánh hệt như một tiểu thư khuê các trước đó đã nếm thịt bò xào bắp cải dưới bếp. Tớ liền bắt chước và cũng chỉ gọi cà phê và bánh lương khô. Kể cũng láu cá đấy chứ hả? Ngày hôm sau, hai đứa lại lặp lại như thế. Ông già Điugân từ bếp lên bưng cái món đài các của chúng tớ.
- Các cậu mắc chứng ăn không ngon hả? - Bác ấy hỏi với giọng của người cha, tuy không phải không có sự châm biếm. - Tôi đã đổi con Mâymi xuống bếp rồi, cho nó nghỉ ít lâu. Phục vụ bàn này cũng không vất vả, không ảnh hưởng lắm đến bệnh thấp khớp của tôi.
Tớ với Côliê đành phải quay trở lại với những thứ thực phẩm nặng dạ dày. Lúc ấy tớ bỗng phát hiện ra mình ăn ngon miệng kinh khủng, đúng là “ngồi ăn núi lở”. Tớ ăn đến nỗi nếu có bước qua ngưỡng cửa vào gặp Mâymi lúc ấy thì nàng sẽ căm ghét tớ lắm. Sau đó tớ phát hiện ra mình đã trở thành nạn nhân của một mánh khoé đầy báng bổ và đê tiện mà Eđ Côliê đã rắp ranh bẫy tớ. Tớ với hắn ngày nào cũng đi uống lai rai trong thành phố để làm dịu bớt cơn đói. Cái thằng xỏ lá ấy đã mua chuộc gần chục gã phục vụ, thế là những gã này đã rót vào từng cốc rượu uytxki của tớ một lượng đáng kể thứ chất cay làm từ táo kích thích sự ngon miệng do hãng Anacôn sản xuất. Nhưng còn trò bịp cuối cùng mà hắn định chơi tớ, còn khó quên hơn nhiều.
Một hôm không thấy Côliê ló mặt đến quán nữa. Một người quen chung có nói rằng buổi sáng hắn đã rời bỏ thành phố. Như vậy là kẻ thù duy nhất của tớ chỉ là tấm bảng món ăn. Vài ngày trước khi đi biệt tăm, Côliê đã tặng tớ hai chai uytxki hảo hạng, tuồng như là của người anh họ ở Kentơcki gửi cho hắn. Bây giờ tớ có cơ sở để nghĩ rằng thứ uytxki ấy hầu như chứa toàn món chất cay Anacôn là từ táo kích thích sự ngon miệng. Tớ vẫn tiếp tục ngốn hàng tấn thực phẩm. Trong con mắt Mâymi, hơn bao giờ hết, tớ vẫn là loài hai chân chuyên nhai lại.
Khoảng một tuần sau khi Côliê mất hút, có một đoàn triển lãm trưng bày của lạ đến thành phố và ở trong một lều bạt gần đường sắt. Một buổi chiều tớ ghé vào chỗ Mâymi, thì bà mẹ nàng bảo với tớ rằng Mâymi cùng đứa em trai là Tômat đã đi xem triển lãm rồi. Việc này lặp đi lặp lại tuần ba lần. Chiều thứ bảy tớ lại bắt gặp Mâymi đi xem triển lãm về. Tớ bèn rủ nàng ngồi lại một lát. Nàng đã thay đổi hẳn. Đôi mắt dịu dàng hơn và long lanh sáng. Thay vì một Mâymi Điugân chỉ chực trốn chạy khỏi tính tham ăn của giới đàn ông, đi chăm sóc hoa viôla, trước mặt tớ là một Mâymi đáp ứng được với dự liệu của Chúa trời và cực kì thích hợp với việc sưởi lòng trong ánh kim cương Braxin và những đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh.
- Chắc là em đang bị lôi cuốn rất nhiều vì cái triển lãm chưa từng có về các sinh vật kì diệu và lạ mắt? - Tớ hỏi.
- Dù sao cũng giải trí được ạ. - Mâymi đáp.
- Rồi em sẽ phải đi tìm sự giải trí để thoát khỏi sự giải trí ấy, nếu ngày nào em cũng đi xem.
- Đừng nổi nóng lên thế, anh Giep! Chẳng qua em chỉ muốn bứt khỏi những ý nghĩ về bếp núc.
- Những sinh vật kì diệu ấy không ăn à?
- Không phải tất cả. Một số bằng sáp.
- Đừng có dính vào đấy là được. - Tớ nói nặng tuy không có ẩn ý gì, chẳng qua quen mồm mà thôi.
Mâymi đỏ mặt. Tớ chẳng hiểu ra làm sao nữa. Trong lòng tớ bừng lên một hi vọng là bằng sự chung thuỷ của mình tớ sẽ làm nhẹ bớt tội ác khủng khiếp của cánh đàn ông là công nhiên nhồi nhét thực phẩm vào cơ thể. Mâymi loáng thoáng nói đến các vì sao, trong những ngôn từ lịch sự nhất. Tớ cũng hứng chí tán về sự kết giao của những con tim, về tổ ấm gia đình sưởi bằng tình yêu chân chính và những đồ nhóm lửa đã được cấp bằng phát minh. Mâymi lắng nghe không nhăn mặt, thế là tớ đã bụng bảo dạ “Chú mày đã làm nhẹ được sự căm ghét trùm lên những kẻ phàm ăn tục uống rồi đấy! Chú mày đã giẫm được lên đầu con rắn ẩn trong lọ nước chấm rồi đấy!”.
Chiều thứ hai tớ lại mò đến Mâymi. Nàng với cậu em trai lại đi xem triển lãm các vật kì diệu mất rồi.
“Lạy trời cho bốn mươi lăm hà bá quơ cái triển lãm ấy đi cho rồi! - Tớ rủa. - Tròi đánh thánh vật đời đời cái triển lãm ấy! Amen! Ngày mai ta phải đích thân đến đấy xem có cái chết tiệt gì mà hấp dẫn thế. Chả lẽ một con người được tạo hoá sinh ra để thừa kế đất đai, lại có thể bị mất người yêu thoạt đầu vì thìa dĩa, rồi sau đó vì một cái triển lãm mà vé vào cửa chỉ có mười xu?”
Chiều hôm sau, trước khi đi xem triển lãm, tớ tạt vào nhà Mâymi và được biết nàng không có nhà. Lần này nàng không đi với Tômat, vì cậu này đã đón tớ ngay trên bãi cỏ trước lều quán để gạ tớ.
- Anh Giep, anh sẽ cho em gì nào, nếu em nói chuyện này cho anh nghe?
- Cái gì đáng giá thì anh sẽ cho.
- Chị Mâymi phải lòng kì quan ở triển lãm rồi. Em chẳng thấy thích. Nhưng chị ấy lại thích. Em đã nghe lỏm được họ nói chuyện với nhau. Em nghĩ chắc anh thích nghe. Anh Giep này, hai đôla đối với anh có nhiều quá không? Ở trong thành phố có bán một khẩu súng, em muốn…
Tớ lục túi và đổ vào mũ cho Tômat một đồng xu bạc. Tin Tômat báo như dao đâm vào tớ, khiến ý nghĩ của tớ chao đảo mất một lúc. Rót tiền lẻ cho Tômat, tớ mỉm cười một cách ngớ ngẩn, mà trong lòng tan nát. Tớ nói giọng nửa ngố nửa pha trò.
- Cảm ơn Tômat… cảm ơn… em nói cái kì quan… ấy à? Nó có gì đặc biệt, cái của quái dị ấy, hả Tômat?
- Đây này, - Tômat vừa nói vừa lôi từ trong túi ra tờ chương trình bằng giấy vàng khè và dúi vào mũi tớ. - Anh ta là vô địch thế giới về nhịn đói. Chắc là vì thế mà chị Mâymi cứ bám lấy anh ta. Anh ta không ăn gì cả. Anh ta sẽ nhịn đói bốn mươi chín ngày. Hôm nay là ngày thứ sáu… Anh ta đây này.
Tớ nhìn dòng chữ mà ngón tay Tômat chỉ vào: “Giáo sư Eđuacđô Côliêri”.
- À! - Tớ thốt lên thán phục. - Giỏi thật, Eđ Côliê. Xin chịu ông cái khoản nhanh trí. Nhưng tôi không nhường cô gái cho ông đâu, hiện tại nàng chưa phải là kì quan phu nhân.
Tớ rảo bước đến ngay triển lãm. Khi tớ tiến vào lối cửa sau thì có một người nào đó thò đầu ra như con rắn, đứng thẳng chân lên và lao thẳng đến tớ như chú ngựa muxtang. Tớ tóm ngay cổ người đó và quan sát kĩ dưới ánh sao. Đó là giáo sư Eđuacđô Côliêri mặc quần áo của giống người, với nỗi tức giận trong một con mắt và sự sốt ruột trong con mắt kia.
- Hêlô, kì vậy! - Tớ nói. - Đợi một chút nhé, để tao ngắm mày cái nào. Chà chà, làm kì quan của thế kỉ chúng ta, hoặc là của lạ từ đảo Boocnêô thích thật! Thế trong chương trình người ta tôn xưng cho mày cái tên gì?
- Giep Pitơx này, - Côliê nói khe khẽ. - Thả tao ra, không thì tao nện mày bây giờ. Tao đang vội chết đi được đấy. Bỏ tay ra!
- Nhẹ nhàng nào, nhẹ nhàng nào, Eđi, - tớ nói, tay vẫn giữ chặt cổ áo anh chàng. - Cho phép một người bạn cũ chiêm ngưỡng mày cho thoả đã. Mày bày ra trò này phải nói là đại bợm đấy, con ạ, nhưng chớ có to mồm về chuyện đấm nhau: mày không thích hợp với việc ấy đâu. Cái tối đa mà mày có bây giờ - đó là sự táo tợn kha khá với cái dạ dày rỗng.
Tớ đoán không nhầm, hắn yếu như sên. Hắn lên tiếng:
- Giep ơi, tao sẵn sàng tranh cãi với mày về chủ đề này bao nhiêu hiệp cũng được, chỉ cần tao có nửa tiếng luyện tập và một thỏi bít-tết diện tích hai bộ vuông để luyện. Tổ sư đứa nào sáng tạo ra nghệ thuật nhịn ăn! Hãy xích nó lại đời đời cách cái giếng không đáy chứa toàn bít-tết nóng sốt chỉ hai bước chân! Tao bỏ cuộc đấu đây, Giep ạ. Tao đào ngũ đây. Mày sẽ tìm thấy nàng Điugân trong lều: nàng đang ngắm một xác ướp sống và một con lợn bác học ở đấy. Nàng thật là một cô gái kì diệu, Giep ạ. Lẽ ra tao đã thắng trong cái trò này, nếu như chịu được trạng thái không ăn uống thêm một thời gian nữa. Mày phải thừa nhận rằng đường đi nước bước của tao trong trò tuyệt thực này đã được suy tính để hoàn toàn có khả năng thành công. Tao đã tưởng như thế. Người ta bảo tình yêu lay chuyển cả núi non. Cứ tin tao đi, đấy chỉ là lời đồn sai lệch… Không phải tình yêu, mà là hồi chuông gọi đi ăn buộc núi non phải rung chuyển. Tao yêu Mâymi Điugân. Tao đã trải qua sáu ngày nhịn ăn để chiếm được tình cảm của nàng. Suốt thời gian này tao chỉ có một lần xơi một miếng, đó là lúc tao đẩy cái thằng xăm đầy mình và giật của nó miếng bánh xanđuych để ăn. Ông chủ cúp sạch lương của tao. Nhưng tao đến đây không phải vì mấy đồng lương, mà là vì cô gái ấy. Vì nàng tao có thể hiến dâng cuộc đời, còn vì miếng thịt lợn rán tao sẽ hiến dâng tâm hồn bất tử của mình. Đó là một cực hình, Giep ạ. Cả tình yêu, cả sự nghiệp, cả gia đình, cả tôn giáo, cả nghệ thuật, cả tinh thần yêu nước đều chỉ là những lời nói suông trống rỗng, khi con người ta đói.
Eđ Côliê tâm sự với tớ bằng giọng lâm li. Chẩn đoán bệnh rất dễ: những đòi hỏi của trái tim cậu ta và những đòi hỏi của dạ dày đang xung đột với nhau, và phái hậu cần đã thắng. Quả thực, tớ luôn thấy mến Côliê. Tớ lục tìm một câu an ủi nào đó, nhưng chẳng tìm thấy câu nào thích hợp cả. Côliê nói tiếp:
- Bây giờ mày hãy thương tao mà để cho tao đi. Số phận đã giáng cho tao một đòn nên thân, nhưng bây giờ tao sẽ giáng cho đồ ăn thức uống một đòn mạnh hơn. Tao sẽ khua sạch tất cả các tiệm ăn trong thành phố. Tao sẽ ngâm mình ngập đến thắt lưng trong món thịt philê và sẽ tắm trong trứng tráng với giăm-bông. Thật kinh khủng khi một người đàn ông phải đến nước từ bỏ một cô gái chỉ vì cái ăn. Thật còn tệ hơn cái anh chàng tên gì nhỉ? Ixav, kẻ đã bỏ cả bản quyền tác giả vì một con lôi. Đói là một điều khủng khiếp. Xin lỗi mày nhé, tao đang ngửi thấy mùi giăm-bông rán ở phía xa xa, nên đôi chân tao đang thúc giục tao băng về hướng đó.
- Chúc mày ăn ngon miệng, Côliê ạ. - Tớ nói - Nhưng đừng có giận tao nhé. Trời sinh ra tao cũng là một đứa phàm ăn nên tao thông cảm với nỗi đau khổ của mày.
Đúng vào phút ấy mùi giăm-bông rán đã bay đến trên đôi cánh của gió trời. Nhà quán quân nhịn ăn chép miệng rồi phi nước đại về phía có mồi ăn.
Tiếc rằng các vị văn hoá xưa nay vẫn quảng cáo về ảnh hưởng thần diệu của tình yêu và lãng mạn không nhìn thấy cảnh này! Thì đây, Eđ Côliê, một con người tinh tế, đầy khôn ngoan mưu mẹo. Vậy mà cậu ta đã bỏ một cô gái, đang làm chúa tể trái tim cậu ta và nhảy sang địa hạt của dạ dày trong cuộc truy tìm cái ăn hèn kém. Đó là cái tát đối với các thi sĩ, là sự nhạo báng chủ đề câu khách nhất của văn chương. Cái dạ dày rỗng là đối trọng tốt nhất đối với một con tim tràn trề tình cảm.
Tất nhiên tớ hết sức quan tâm đến việc Mâymi mù quáng tin vào mánh khoé của Côliê đến mức nào. Tớ bước vào trong lều, nơi tổ chức cái triển lãm có một không hai đó, thấy Mâymi ở đó. Dường như nàng ngạc nhiên, nhưng không để lộ sự lúng túng.
- Hôm nay ngoài phố thật là một buổi tối tuyệt vời. - Tớ lên tiếng. - Mát mẻ dễ chịu làm sao, còn tất cả các vì sao thì đứng sóng hàng theo một trật tự tuyệt vời. Em có muốn nhổ toẹt vào những sản phẩm phụ của cái vương quốc loài vật này để đi dạo với một con người bình thường chưa có tên trong chương trình được không?
Mâymi e dè né sáng một bên, và tớ hiểu điều đó có nghĩa là gì. Tớ bèn nói:
- Ôi, anh nói điều này ra với em quả là không dễ chịu, nhưng cái vật kì diệu chỉ nuốt không khí mà sống của em đã chuồn rồi. Hắn vừa mớibò ra khỏi lều bằng lối cửa sau. Bây giờ hắn đã hoà nhập làm một với cái phần háu ăn của nhân loại ở trong thành phố.
- Anh một số chỉ anh Eđ Côliê phải không? - Mâymi hỏi.
- Đúng thế. Nhưng điều đáng buồn nhất là hắn lại bước lên con đường tội lỗi. Anh đã gặp hắn ngoài lều, và hắn đã tuyên bố với anh về ý định tiêu diệt số thực phẩm dự trữ của thế giới. Buồn không thể tả được, khi thần tượng của em đã bước khỏi bục danh dự để biến thành một con châu chấu đi tìm cái ăn.
Mâymi nhìn thẳng vào mắt tớ không rời cho đến khi làm tắc tị những ý nghĩ của tớ.
- Anh Giep, nói những điều ấy thật không giống với con người anh chút nào. Anh đừng có đem anh Eđ Côliê ra làm trò cười. Một con người có thể làm những điều buồn cười, nhưng không vì thế mà anh ta trở nên buồn cười trong đôi mắt của cô gái bởi lẽ vì cô, anh ta làm những điều buồn cười ấy. Những người như Eđ ít khi gặp được lắm. Anh ấy từ bỏ ăn uống chỉ cốt làm vừa lòng em. Em thật tàn nhẫn và bội bạc, nếu như sau việc này lại đối xử không tốt đối với anh ấy. Còn anh, anh có gan làm những việc hi sinh như thế không?
- Anh biết, - tớ nói, sau khi hiểu nàng ngả về hướng nào. - Anh đã có phốt rồi. Anh chẳng thế làm gì được nữa. Vết chàm của kẻ phàm ăn đã đóng lên trán anh. Bà Eva đã định trước điều này khi nghe lời con rắn (3). Thật là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Hiển nhiên anh là nhà vô địch thế giới về ăn.
Tớ nói với giọng cam phận, nên Mâymi cũng mềm lòng chút ít.
- Quan hệ của em với anh Eđ Côliê rất tốt, - nàng nói, - cũng như với anh thôi. Em cũng đã trả lời anh ấy như trả lời anh: đối với em, không có chuyện hôn nhân đâu. Em chỉ thích gặp gỡ, chuyện phiếm với anh ấy. Em cảm thấy dễ chịu vô cùng mỗi khi nghĩ rằng có một người không bao giờ sờ đến dao và dĩa chỉ vì em.
- Thế em không yêu anh ta à? - Tớ hỏi hết sức không đúng chỗ. - Em không có tí ý định nào muốn trở thành kì quan phu nhân à?
Điều này với ai chả có thể xảy ra. Tất cả chúng ta đôi khi đều vượt quá phạm vi những lời nói có suy nghĩ thấu đáo. Mâymi khoác lên mặt một nụ cười mát mẻ, trong đó có bao nhiêu đường thì cũng có bấy nhiêu băng và nói bằng giọng hết sức lịch sự.
- Anh Pitơx, anh không có quyền đặt cho em những câu hỏi như vậy. Trước tiên anh hãy nhịn ăn bốn mươi chín ngày để giành được cái quyền ấy đã, rồi sau có thể em mới trả lời anh.
Vậy là, ngay cả khi Côliê, bằng sự thèm ăn của mình, không còn ngáng trở tớ nữa, thì triển vọng quan hệ riêng của tớ với Mâymi cũng không khá lên. Rồi công việc ở Gatơri cũng chẳng ra làm sao cả.
Tớ đã ở đó quá lâu. Kim cương Braxin mà tớ bán đã dần dần kém đi, còn đồ nhóm lửa thì dứt khoát không chịu cháy những khi trời ẩm. Trong công việc của tớ bao giờ cũng có cái giây phút mà ngôi sao may mắn bảo tớ: “Hãy chuyển sang thành phố lân cận”. Hồi đó tớ du ngoạn trên chiếc xe ngựa có mui để khỏi bỏ sót các thị trấn nhỏ, thế là sau đó mấy hôm tớ thắng ngựa và đánh xe đến chào Mâymi. Tớ chưa bỏ cuộc đâu. Tớ chỉ định đến Oclahôma Xity có công chuyện độ một hai tuần, sau đó sẽ trở về và tiếp tục mở các cuộc tấn công Mâymi.
Các bạn có thể hình dung được không, - tớ đến nhà Điugân thì thấy Mâymi ở đó, kiều diễm trong bộ áo dài xanh, và ở cửa có cái hòm của nàng. Hoá ra là cô bạn của nàng tên là Lôtti Ben làm nghề đánh máy ở Têri Hot, thứ năm tới sẽ đi lấy chồng và Mâymi sẽ đi một tuần để tham dự lễ cưới ấy. Mâymi đang mong một xe hàng chở nàng đến Oclahôma. Tớ khinh bỉ nhìn chiếc xe rồi xung phong nhận chở hàng. Bà mẹ Điugân thấy chẳng tội gì phải từ chối cả, - vì chở hàng xưa nay vẫn phải mất tiền mà lại, - nên nửa tiếng sau tớ đã cùng Mâymi ngồi trên chiếc xe có bộ díp nhẹ và nhắm hướng phía nam lên đường.
Buổi sáng hôm ấy thật đáng khen hết chỗ nói. Làn gió nhẹ thổi hây hây, cây cỏ hoa lá toả hương, những chú thỏ con vểnh đuôi chạy qua đường cho thêm phần vui nhộn. Cặp ngựa hồng Kentớcky của tớ hướng thẳng về phía đường chân trời; đến nỗi chói hoa cả mắt, khiến lắm lúc tớ phải quay mặt. Không nhìn đường chân trời căng tựa dây phơi quần áo, Mâymi phấn khởi ra mặt, nàng bô lô ba la như trẻ con, nào chuyện về ngôi nhà cũ, nào những trò nghịch ngợm thời đi học, nào những thứ nàng yêu thích, nào những cô ả đáng ghét nhà Giônxơn ở ngay phía đối diện, nơi quê hương nàng, bang Inđiana. Nhưng tịnh không một lời nào về Eđ Côliê, về ăn uống và những đề tài khó chịu đại loại như vậy.
Khoảng gần trưa thì Mâymi mới phát hiện ra giỏ đồ ăn mà nàng định mang theo, đã nằm lại ở nhà. Tớ không phản đối chuyện lót dạ tí ti, nhưng Mâymi không tỏ ra một chút khó chịu nào về chuyện nàng chẳng có cái ăn, nên tớ cũng nín lặng. Đây chính là điểm chốt của vấn đề, nên tớ tránh nói động đến bất cứ đồ ăn dưới bất cứ dạng gì.
Tớ xin rọi chút ánh sáng vào sự việc tớ bị lạc đường trong hoàn cảnh nào. Đường không rõ ràng, bị cỏ che lấp nhiều, mà bên cạnh tớ là Mâymi, người đã thâu tóm hết tâm trí và sự khôn ngoan của tớ. Điều này có thể biện hộ được hay không thì tuỳ các bạn xem xét. Chỉ có điều là tớ bị lạc đường, và trong cảnh chạng vạng, đáng lẽ phải ở Oclahôma rồi, thì chúng tớ lại luẩn quẩn trên địa giới nào đó, trong lòng khô của một con sông còn chưa khai thông, mà mưa đang quất vào người. Ở một bên, giữa đầm, chúng tớ nhìn thấy một căn nhà gỗ trên gò khô. Xung quanh cỏ mọc cùng những loài cây hiếm. Ngôi nhà nhuốm vẻ buồn bã gợi thương cảm. Theo sự đồ chừng của tớ thì hai đứa chúng tớ phải náu mình qua đêm ở đó. Tớ giảng giải cho Mâymi nghe, và nàng dành quyền quyết định cho tớ. Nàng không tỏ ra nôn nao lo lắng, và không làm mình làm mẩy ra dáng khổ ải như đa số những người phụ nữ khác nếu ở vào địa vị ấy, mà chỉ nói: “Thôi được”. Nàng biết rằng nào ai muốn cơ sự này.
Ngôi nhà không có người ở. Trong đó có hai phòng trống. Ngoài sân có một nhà kho nhỏ ngảy xưa vẫn nhốt súc vật. Trên gác xép còn ít cỏ khô từ năm ngoái. Tớ dẫn ngựa vào gian nhà kho cho chúng ăn một ít cỏ khô. Lũ ngựa nhìn tớ bằng cặp mắt buồn bã, dường như chờ đợi sự xin lỗi. Chỗ cỏ khô còn lại thì tớ ôm thành từng bó vào nhà làm nơi ngả lưng. Tớ cũng mang kim cương Braxin và đồ nhóm lửa, vì cả hai thứ ấy không thể chống chọi được tác dụng phá hoại của nước.
Tớ với Mâymi ngự toạ trên sàn, trên nệm gối lấy từ trên xe xuống. Tớ dùng cả đống đồ nhóm lửa, vì đêm ấy trời lạnh. Nếu tớ phán đoán đúng thì toàn bộ sự việc trên khiến Mâymi lấy làm thích thú. Đối với nàng, đó là một cái gì đó mới lạ, một vị trí mới từ đó mà nhìn cuộc đời. Nàng cười nói huyên thuyên, và đồ nhóm lửa của tớ cháy không sáng rực bằng đôi mắt nàng. Tớ có mang theo bên người bao thuốc lá, nên về phần mình, tớ cảm thấy tớ như chàng Ađam trước khi mắc tội. Cả hai chúng tớ đúng là đang ở trong vườn Địa Đàng xưa tốt đẹp. Đâu đó trong đêm tối là con sông Xiôn chảy dưới mưa, và vị thiên thần cầm thanh kiếm lửa còn chưa treo tấm biển “Cấm đi trên cỏ”. Tớ mở hộp ra lấy cho Mâymi đeo lên người nào nhẫn, nào vòng, nào dây chuyền, hoa tai, thắt lưng và khánh hình trái tim. Nàng lấp la lấp lánh như một nàng công chúa triệu phú cho mãi đến khi má rực hồng và nàng đòi có gương đến suýt phát khóc.
Đêm đến, tớ sửa soạn cho Mâymi một chiếc giường tuyệt vời trên sàn bằng cỏ khô, áo khoác của tớ và chăn từ xe đem xuống, rồi khuyên nàng ngả lưng. Còn tớ thì ngồi ở căn phòng khác hút thuốc, lắng nghe mưa rơi và nghĩ đến chuyện biết bao sự khó nhọc đổ xuống đầu con người ta khoảng bảy chục năm trước khi anh ta được mai táng.
Gần sáng có lẽ tớ hơi thiếp đi, bởi vì mắt tớ đã nhắm tít lại, mà khi mở ra thì trời đã sáng và trước mặt tớ là Mâymi, đầu tóc gọn gàng, sạch sẽ, quần áo tươm tất, với đôi mắt sáng lên niềm vui cuộc đời.
- Hêlô Giep, - nàng thốt lên. - Em thấy đói rồi đấy! Giá em được ăn…
Tớ chăm chú nhìn nàng. Nụ cười biến khỏi khuôn mặt nàng và nàng ném vào tớ cái nhìn đầy khinh thị lạnh lùng. Thế là tớ bật cười và lại nằm lăn ra đất cho dễ chịu hơn. Tớ thấy vui nhộn kinh khủng. Về bản tính và gien di truyền thì xưa nay tớ là thằng hay cười thượng hạng, nhưng lúc này tớ cười ngất, vượt xa mức thường. Khi tớ đã cười chán chê, Mâymi ngồi quay lưng lại phía tớ và toàn thân chứa đầy cảm giác tự tôn.
- Đừng giận, Mâymi, - tớ lên tiếng. - Anh không thể nào nhịn cười được. Em chải đầu buồn cười quá. Giá như em được trông thấy…
- Đừng có kể chuyện cổ tích ở đây, - Mâymi nói giọng lạnh lùng và quyền uy. - Tóc em đâu vào đấy chỉnh tề cả. Em biết anh cười cái gì rồi. Nhìn này, anh Giep, - nàng vừa nói vừa ghé nhìn qua kẽ hở giữa các súc gỗ căn nhà ra ngoài trời.
Tớ mở ô cửa sổ nhỏ bằng gỗ và nhìn ra. Toàn bộ con sông đã chìm cả dưới nước và cái gò mà trên đó có ngôi nhà chúng tớ đang ở, đã biến thành hòn đảo, vây quanh là dòng nước lũ vàng điên cuồng rộng tới một trăm yat. Mưa vẫn trút xuống. Chúng tớ chỉ còn cách ngồi đây đợi một chú chim bồ câu đem cành ôliu tới.
Phải công nhận rằng trò chuyện và giải trí ngày hôm đó mang rặt một vẻ ảm đạm. Tớ ý thức được rằng Mâymi lại chuốc cho mình cái nhìn hết sức một chiều đối với sự vật, nhưng tớ không đủ sức thay đổi cái nhìn ấy. Bản thân tớ thì rạo rực một mong muốn được ăn. Những ảo ảnh thịt băm và những giấc mộng giăm-bông không buông tha tớ và lúc nào tớ cũng nghĩ thầm: “Nào, bây giờ mi sẽ đánh chén cái gì đây, hả Giep? Mi sẽ gọi món gì đây khi người phục vụ đi đến?”. Tớ chọn cho mình những món ăn ưa thích nhất trong thực đơn và hình dung ra cái giây phút chúng được đặt lên bàn trước mặt tớ. Có lẽ điều này xảy đến với tất cả những ai đói cồn đói cào. Họ không thể tập trung ý nghĩ vào cái gì khác ngoài cái ăn. Hoá ra, cái chủ yếu nhất không phải là sự bất tử của tâm hồn, cũng không phải là hoà bình thế giới, mà là một cái bàn ăn xinh xắn với cái bát ăn, nước chấm giả kiểu Uxtơ và chiếc khăn ăn để lau những vết cà phê trên khăn trải bàn.
Tớ ngồi bần thần nhai đi nhai lại, than ôi, chỉ những ý nghĩ của mình và tranh luận kịch liệt với chính bản thân mình về việc tớ sẽ ăn loại bít-tết nào - với nấm hương hay là theo kiểu con cháu những người Âu sang châu Mỹ vẫn ăn. Mâymi ngồi đối diện vẻ trầm ngâm, đầu tì xuống cánh tay. “Khoai tây thì cứ rán theo kiểu quê, - tớ nhủ thầm, - còn bánh cuốn thì cứ tráng lên chảo. Cũng trên cái chảo ấy sẽ rán chín quả trứng”. Tớ lục kĩ các túi xem vô tình có còn sót lại củ lạc hay vài hạt ngô nào không?
Sang đến buổi chiều thứ hai, dòng sông càng dâng cao, mưa vẫn đổ xuống. Tớ nhìn sang Mâymi và bắt gặp trên mặt nàng nỗi buồn vẫn thường hiện lên trên mặt các cô gái khi đi ngang qua quầy bán kem. Tớ biết rằng cô nàng tội nghiệp của tớ đang đói, có lẽ lần đầu tiên trong đời. Nàng có cái nhìn ưu tư thường gặp ở phụ nữ khi đi ăn trưa hơi muộn hoặc khi cảm thấy đằng sau váy bị tuột cúc.
Có lẽ đã đến mười một giờ rồi. Chúng tớ ngồi trong gian nhà xơ xác, mặt lầm lì và lặng im thin thít. Tớ cố xua đuổi khỏi đầu những hình ảnh ăn uống, nhưng chúng cứ trôi dạt về đúng chỗ cũ trước khi tớ kịp xích chúng vào chỗ khác. Tớ nghĩ đến tất cả những món cao lương mĩ vị đã từng được nghe kể. Tớ chìm đắm trong suy nghĩ về những năm tháng niên thiếu và với sự hồ hởi, sùng bái, tớ hồi tưởng bánh bích-quy tẩm mật và xúc-xích chấm nước mắm. Sau đó tớ đi dọc những năm tháng cuộc đời, dừng lại ở những quả táo tươi và táo ướp, ở bánh rán và xirô phong, ở cháo ngô, ở gà con quay kiểu Vơgini, ở ngô luộc, thịt lợn băm viên và ở bánh khoai lang, và kết thúc bằng món ragu Brunxuych là đỉnh cao của tất cả những thứ ngon lành, vì nó chứa tất cả những thứ ngon lành.
Người ta thường bảo trước mắt người sắp chết đuối hiện ra toàn bộ cuộc đời. Cũng có thể. Vậy thì khi con người ta đói, trước mặt người đói hiện lên bóng ma của tất cả các món ăn anh ta đã nếm trong đời. Và anh ta sáng tạo ra những món ăn mới có thể đem lại vinh quang danh giá cho người đầu bếp. Giá có ai cất công thu thập những lời trăng trối của những kẻ chết đói thì hẳn sẽ phát hiện thấy trong những lời ấy có ít tình cảm, nhưng được cái dồi dào tư liệu cho một cuốn sách dạy nấu ăn in đến triệu bản bán cũng hết.
Nhiều phần chắc là những tư duy bếp núc đã hoàn toàn ru ngủ trí óc tớ. Bất giác tớ thốt lên thành lời với một người hầu bàn tưởng tượng:
- Hãy cắt cho dày dày một chút và rán tai tái thôi, sau đó đổ trứng vào - sáu quả nhé.
Mâymi quay đầu lại ngay. Đôi mắt nàng sáng lên và nàng mỉm cười rồi nói líu tíu:
- Còn tôi thì ba quả trứng rán vừa chín với khoai tây. Ái chà, được thế thì còn gì bằng, anh Giep nhỉ. Em sẽ gọi thêm món cơm gà rán, món kem…
- Nhẹ thôi! - Tớ cắt ngang. - Thế còn bánh gan gà, thận xô-tê, lại cả cừu non rán…
- Ôi, - Mâymi ngắt lời tớ, toàn thân run lên, - với nước chấm cay… Cả xalát với thịt gà tây, cả quả ôliu, cả dâu nữa…
Cứ như vậy trong suốt mười phút chúng tớ duy trì cuộc đối thoại cao lâu này. Chúng tớ vòng đi vòng lại trên con đường huyết mạch rồi rẽ vào tất cả các nhánh đường con của đề tài ăn uống, do Mâymi dẫn đường, vì nàng rất có tri thức về các loại danh mục đồ ăn, và những món ăn mà nàng gọi tên càng làm tăng sự thèm khát của tớ. Có cảm tưởng Mâymi đã hoà nhập được với thực phẩm ăn uống và nàng nhìn cái thói háu ăn tội nghiệp ít khinh bỉ hơn so với trước đây.
Sáng ra, chúng tớ thấy nước đã rút. Tớ thắng ngựa và cả hai lên đường, lần theo bùn lầy cho tới khi gặp được con đường khi trước. Chúng tớ chỉ đi lạc mất vài dặm và hai tiếng sau đã ở Oclahôma. Vật đầu tiên chúng tớ dõi mắt thấy trong thành phố là tấm biển lớn của một tiệm ăn, thế là chúng tớ phóng ngay tới. Tớ ngồi vào bàn với Mâymi, giữa chúng tớ là dao, dĩa, đĩa ăn, còn trên gương mặt nàng không phải là sự khinh bỉ, mà là nụ cười, một nụ cười đói và đáng yêu.
Tiệm ăn mới bày biện rất khá. Tớ trích đọc cho người phục vụ rất nhiều dòng trong tờ thực đơn, khiến anh ta ngó ra ngoài xe ngựa của tớ, băn khoăn không rõ còn bao nhiêu người nữa sẽ chui ra từ xe vào đây.
Chúng tớ ngồi như vậy và người ta bắt đầu bưng các món ra. Đó quả là một bữa tiệc cho mười hai quan khách, vả lại chúng tớ cảm thấy mình cũng đúng là bằng mười hai quan khách. Tớ nhìn qua bàn sang Mâymi và nở nụ cười vì sực nhớ ra một điều. Mâymi nhìn bàn ăn như một cậu bé nhìn chiếc đồng hồ có khoá vặn đầu tiên của mình. Sau đó nàng nhìn thẳng vào mặt tớ, và hai giọt lệ to ứa lên trong mắt nàng. Người phục vụ đi xuống bếp lấy thêm món ăn bổ sung.
- Anh Giep ơi, - Mâymi dịu dàng cất tiếng, - em thực là một con ngốc. Em đã nhìn mọi thứ không đúng. Trước kia em chưa bao giờ phải chịu cảnh này. Đàn ông ngày nào cũng phải chịu cảnh đói, phải không anh? Họ to khoẻ là thế, họ làm công việc nặng nhọc là thế, cho nên họ ăn không phải để trêu tức những cô ả phục vụ ngốc nghếch, phải không anh? Đã có lần anh nói… nghĩa là… anh đã hỏi em… anh muốn… Vậy thì, anh Giep ơi, nếu anh còn muốn… thì em sẽ rất sung sướng… em muốn có anh luôn ngồi đối diện với em bên bàn. Giờ thì hãy cho em ăn thêm một chút gì nữa, mau lên, anh nhé.
*
* *
- Như tớ đã bảo các cậu, - Giep Pitơx kết thúc câu chuyện, - đàn bà thỉnh thoảng cần phải thay đổi quan điểm của họ. Một cảnh mãi cũng làm họ phát chán - nếu vẫn cảnh cái bàn ăn, cái bồn rửa mặt hoặc cái máy khâu. Hãy cho họ sự đa dạng một chút: một chút du lịch, một chút nghỉ ngơi, một chút hờn dỗi nũng nịu xen với những bi kịch nội trợ, một chút vuốt ve âu yếm sau cảnh om sòm trong gia đình, một chút xao xuyến và lẵng nhẵng nói dai, và xin cam đoan với các cậu là hai bên cùng có lợi.
Chú thích:
(1) 1 bộ (foot) = 30,48 cm
(2) 1 acrơ (acre) = 0,4 hecta
(3) Nhắc đến sự tích trong Kinh Thánh, khi Eva nghe lời xui của con rắn, cùng chồng ăn trái cây thiện ác và bị Chúa trời trừng phạt khiến con cháu về sau chịu nhiều đau khổ.
Đánh máy: conbo2
Nguồn: Vnthuquan - Thư viện online

HỒ TRƯỜNG AN * ĐẶNG PHÙNG QUÂN

BẢY SẮC CẦU VỒNG
BẢY NHÁNH SÔNG 

Hồ Trường An
Đặng Phùng Quân với Miền Thượng Uyển Xưa
và Một Dặm Tương Thân




Khi tôi ngỏ ý muốn đề cập tới một số truyện ngắn trong hai tập truyện Miền Thựợng
Uyển Xưa (chung với các truyện ngắn của Nguyễn văn Sâm) và Một Dặm Tương Thân
(chung với các truyện ngắn của Hàn Song Tường) thì Đặng Phùng Quân có gửi thư cho tôi
biết một cách khái quát hành trình và hành trạng văn chương của anh trong hai tác phẩm
ấy như sau:
Miền Thượng Uyển Xưa:
Mưa núi là truyện ngắn đầu tiên viết năm 1975 - bẵng một thời gian năm năm không
sáng tác vì hoàn cảnh thời thế - viết tại đảo Galang. Tôi gọi nó là văn chương thời thế - ở
vào giai đoạn nhà văn không là một hiện tượng riêng lẻ nhưng là một tập thể, viết để
khôi phục một khí hậu văn chương đã mất, một ngôn ngữ đang băng hoại.
Trong Tiểu thuyết khả hữu, tôi giải thích: trong những đoản thiên tiểu thuyết, tôi
chuyển từ nhân vật tôi sang chàng/ nàng không phải như những nhân xưng trong tiểu
thuyết quy ước, mà là sự xóa bỏ cấp độ nhân xưng, vô danh trong nghệ thuật tha hóa.
Trong nỗi nhớ của một ngày, Một dặm tương thân hành trạng của nhân vật ở cùng
một lịch sử, đối nghịch với nhân vật Mưa núi, Ở một phương trời xa như hai mặt thực tại.
Đọc những đoản thiên tiểu thuyết trong Miền thượng uyển xưa theo một mạch nhất
quán. Những thế giới của chàng đang chập chờn đan lẫn vào nhau... những tâm cảm
rung động dạt dào của tự do mới đến... hạnh phúc khi nghĩ đến một người, có một người
để nghĩ đến... đó không phải là thiên đường, mà một miền hạnh phúc nào đó trong một
đời chỉ bắt gặp một lần nhưng sẽ nhọc nhằn nhớ mãi không nguôi... bao nhiêu năm, tìm
kiếm một cái gì thất lạc. Nhưng không sao nhớ ra được... như một khung cảnh rất xưa
trong đời. Nàng lái xe theo con lộ mới mở ngang qua cầu, trời vẫn còn mưa sớm, nàng
dừng xe lại bên lề, đi xuống phía bờ sông, ngồi trên kè đá nhìn giòng nước chảy lững lờ,
bất giác nàng đưa hai tay bưng lấy mặt như muốn ôm lấy cái hạnh phúc vừa bắt gặp...
tiếng gọi thôi thúc trở lại chốn cũ, như tìm lại một giòng sông trong cuộc đời.
Một Dặm Tương Thân:
Một dặm tương thân khởi đầu từ: Thuở nàng còn là một thiếu nữ mới lớn, tuổi của
con nàng bây giờ... xác định một thuyết thoại ở thời hiện tại, song nhân vật sống hay
chết như trong truyện kể vẫn còn mơ hồ. Không thể xác định cảnh trạng ở ngôi vị nào:
thật tội nghiệp nếu nàng biết cuộc gặp gỡ ấy chẳng phải tình cờ trong ba phân cảnh
chính, hai phân cảnh đầu về nàng và nàng không hiện hữu ở phân cảnh cuối. Gián cách
của cảnh trạng và liên tục của thuyết thoại.
Người đàn bà ở Ch. Ha là một tiểu thuyết lịch sử, nếu hiểu lịch sử là một ý thức.
Hình ảnh những cánh tay giơ cao theo ngọn cờ độc lập, tự do chập chờn dưới màn khói tử
thi xương trắng la liệt khắp nơi. Lịch sử như thế đó.
Dung nhan và Tìm kiếm một người nào là những tiểu thuyết phá thể viết trong khí
hậu '' tiểu thuyết mới'' và kết thúc ở Dung nhan và Tìm kiếm một người nào là những
tiểu thuyết phá thể viết trong khí hậu '' tiểu thuyết mới'' và kết thúc ở Đêm lạ là một câu
văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là
một, là không. Đêm lạ là một câu văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng
không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là không.
Mạch sáng tác của Đặng Phùng Quân ngừng lại vào năm 1987. Phải đợi tới năm
1997, anh trở lại với độc giả qua cuốn Tự Truyện. Dù trải qua 10 năm, anh sáng tác ít oi,
nhưng s ự nghiệp văn chương của anh (thành quả sáng tác cộng với công trình biên
khảo) vẫn là một tòa kiến trúc nguy nga trong văn giới.
Miền Thượng Uyển Xüa gồm có 8 truyện ngắn của Đặng Phùng Quân : Müa Núi, Thư
Nhà, Trong Nỗi Nhớ Của Một Ngày, Bên Trời Lăn Đận, Ở Một Phương Trời Xa, Miền
Thượng Uyển Xüa, Cơn Bão Lạ, Sau Cuộc Hội Nghị.
Một Dặm Tương Thân gồm có 6 truyện ngắn của Đặng Phùng Quân : Một Dặm Tương
Thân, Người Đàn Bà Ở Ch. Ha, Dung Nhan, Tìm Kiếm Một Người Nào, Tưởng, Tưởng Nhớ
và Đêm Lạ.
Đọc sách của Đặng Phùng Quân (biên khảo, tiểu luận, truyện ngắn, ngay cả thơ nữa)
chúng ta phải vận dụng trí óc để tìm kiếm những dấu vết của thần trí sáng tạo, những sợi
đan sợi dệt của tinh thần canh tân mà tác giả hằng đeo đuổi. Tác giả phủ nhận điều nầy,
nhắm tới để tiền pháo hậu xung những điều kia. Hành trạng cách viết của anh rất ít nhà
văn dám động tới. Tuy nhiên giọng điệu anh không hung hăng, sự tấn công của anh
không rền nổ, công trình kiến trúc cái mới của anh rất bình thản. Nhưng đó là những đợt
sóng ngầm dưới đáy vực sâu, những cơn đ?a chấn nằm im dưới tầng sâu vạn trượng của
quả địa cầu.
Trong công cuộc tìm hiểu và thưởng ngoạn văn chương anh, độc giả phải vật lộn với
hành trình của chữ nghĩa cùng cách diễn tả của anh. Và nhờ thiện chí lẫn kiên nhẫn, họ
sẽ tìm ra nhiều điều lý thú. Công việc đó đã từng có Nguyễn Nghiệp Nhượng, Huỳnh Phan
Anh làm cuộc văn chương song hành cùng anh. Anh không lẻ loi. Anh ung dung tiến bước
trên lộ trình sáng tác lẫn biên khảo của mình suốt một phần ba thế kỷ.
Từ lâu, cái thói quen cố hữu của người đàn ông sống một mình là ưa xê dịch, ngay cả
cái đoạn đường đi về mỗi ngày cũng thay đổi lộ trình. Dường như chàng không muốn
nhìn lại những dấu hiệu chỉ đường quen thuộc điều khiển. Cũng không nơi ở cố định.
Phòng trọ đơn chiếc, không trẻ con, không nuôi thú.Những ngọn đèn tù mù lối vào hành
lang cư xá thăm thẳm, tĩnh mịch như một tu viện. Chàng đã giam kín cả những tình cảm
sôi sục một thời. Bất ngờ, cơn mê xưa thức giấc. tại sao nàng. Chàng vẫn nghĩ người đàn
bà ấy đã yên phận ở một khung trời êm ả, trên miền đất xa lạ này.Cuộc sống hẳn cuốn
hút con người phải hội nhập, bằng lòng với những tập tục mới, bận rộn, máy móc.
Có những đêm chàng lái xe lên đồi cao, ngồi ngoài trời lộng gió uống rượu và ngó
mông xuống vùng không gian bao la, lối chảy ra biển, lối đưa vào nội địa, ngắm hút say
mê những giòng ánh sáng ngoằn ngoèo di động xa xa của đoàn xe chạy xuôi ngược,
tưởng tượng những linh hồn trong cái xã hội lạnh lẽo này cũng như những ngọn đèn ấy đi
mãi không bao giờ gặp nhau. Thuở nhỏ, chàng hay tỉ mỉ quan sát những đoàn kiến leo
tường, châu đầu vào nhau rồi lại tiếp tục bỏ đi không biết về nơi hang ổ nào. Trong cái
kiến trúc trật tự đều đặn ấy, chàng cảm như thấy cái buồn nản của đời người. Những
ngày đầu đến định cư ờ thành phố ồn ào này, chàng cũng lặng lẽ ẩn thân để ngắm nhìn
thiên hạ. Cảnh sống vẽ ra phía trước ngăn nắp, nhưng khoắng lên cái hốt hoảng trong
tâm hồn chàng. Liệu mình có cưỡng lại được guồng máy để kịp gìn giữ cái tự do quay trở
về. Chàng nhớ, một người bạn trẻ cũng có cái phản ứng tự nhiên như vậy. Hắn muốn di
chuyển mãi, với những đồng bạc cuối cùng đủ mua một cái vé xe, một mẩu bánh kẹp và
(may mắn) cuốn sổ điện thoại ghi những nơi vô định sắp tới. Cái mù loà chập choạng ở
phía trước chỉ phản ảnh lại cái quá khứ chập chùng, nặng chĩu những đam mê, thân yêu
vàng ngọc. Bởi thế, đến nơi ở mới của chàng vẫn nhớ một hình ảnh yêu dấu ấy hiện diện
nhưng chàng vẫn ương ngạnh nhốt kín trong kỷ niệm.
(Miền Thượng Uyển Xưa, các trang 145, 146)
Đa số độc giả đọc sơ sài các tác phẩm văn chương của Đặng Phùng Quân vội đổ hô
anh làm văn chương như một ông Tây, ông Mỹ với tư tưởng ngoại lai bắt nguồn từ những
trường phái triết học Tây Phương. Họ lầm! Bé cái l?m vì đều võ đoán một cách bất công.
Những thắc mắc siêu hình, những thôi thúc của tri thức đã tạo cho nhân vật của anh
trong truyện ngắn Một Dặm Tương Thân nầy một chiều hướng lao tới Phật giáo nói riêng,
lao tới tư tưởng và triết học Đông Phương Á Châu nói chung. Cho nên trong đoạn chót
của lá thư mà tác giả gửi cho tôi, tôi rất tâm đắc với anh qua những dòng như sau: Dung
nhan và Tìm kiếm một người nào là những tiểu thuyết phá thể viết trong khí hậu '' tiểu
thuyết mới'' và kết thúc ở Đêm lạ là một câu văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng
nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là không. Đêm lạ là một câu văn duy
nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là
không.
Trong giáo lý của kinh điển Đại Thừa tất cả vạn pháp đều là Không, tất cả đều quy về
Một. Không gian và thời gian chỉ là huyễn hoặc, chỉ hiện hữu do mê vọng của chúng sinh.
Ở nhận định nầy, Đặng Phùng Quân chứng tỏ anh nắm bắt khá nhiều tinh thần then chốt
của Phật giáo, của Lão giáo và ngay cả cái then chốt giáo của phái Soufisme (của Hồi
giáo) là chối bỏ cái tinh thần nhị nguyên. Lại nữa, những giáo chủ tư tưởng Đông Phương
như ông Thích Ca, ông Lão tử, ông Trang tử hay một vài đạo sư các tôn giáo, các giáo
phái hay các hệ phái bên Ấn Độ rất kỵ sách vở từ chương. Đối với họ, những nét tạo
hình, những hình ảnh biểu kiến, những gì năm giác quan chúng ta tiếp xúc, những ý nghĩ
(ý niệm, tư tưởng) mà các học giả uyên bác đưa vào sách vở, thật ra chỉ đưa chúng ta
vào một thế giới vô thường quen thuộc. Đó là cảnh giới mộng ảo của người mê vọng,
đoạn lìa với cái thực tại tuyệt đối tức là cái thực tại thường hằng và bất biến. Trong khi
đó, chân lý (còn cái tên sự thật tuyệt đối, sự thật cuối cùng) thì lọt ra khỏi cái thế giới
quen thuộc đó. Ở đây, Đặng Phùng Quân lại cho rằng không gian và thời gian chỉ là ý
niệm. Nếu là ý niệm thì không phải là sự thật tuyệt đối, một thực thể thường hằng. Chỉ
bởi cái mê vọng của chúng ta nên sự thật bị cắt chia từng manh mún, cho nên thời gian
cũng bị phân chia thành ba giai đoạn gồm quá khứ, hiện tại và vị lai. Cũng thế, không
gian cũng bị cắt rời thành chỗ này, chỗ kia, chỗ khác. Đối với nguời chứng ngộ thì bản
thể của vạn pháp vốn là không (cái không tuyệt đối, chứ không phải cái không đối
nghịch với cái có) thì làm gì còn vướng víu thêm ý niệm? Làm gì có sự thời gian và
không gian để bị chia chẻ? Chúng ta có thể tự hỏi: Đành rằng nhà văn Đặng Phùng Quân
tiêm nhiễm triết học Tây phương nhiều hơn triết học Đông phương Á Châu, nhưng vì sao
anh đã đi vào một hành trình khá sâu của tư tưởng Phật giáo qua truyện Đêm Lạ? Có
phải Phật pháp là cái chìa khóa passe partout đã từng mở mọi ổ khóa, luôn cả những ổ
khóa rắc rối? Hay đây là trường hợp những tư tưởng lớn gặp nhau? Dù tác giả còn cho
rằng thời gian và không gian chỉ là một ý niệm; nhưng anh đã đưa hai yếu tố ấy đạt tới
cái gọi là một là không thì đã đến gần tư tưỏng nhà Phật rồi.
Trong truyện ngắn Đêm Lạ, Đặng Phùng Quân một mạch bằng một câu văn duy nhất
làm tôi nghĩ đến các họa gia theo pháp môn Thiền bên Nhật Bản. Họ chỉ vẽ một mạch
bằng một nét duy nhất để làm hiển lộ tinh thần bất nhị (le non-deux, le non-dualisme),
cái cốt tủy của kinh điển Đại Thừa. Và bút giả cũng không quên bốn câu thơ thấm nhuần
Thiền phong Thiền vị trong bài thơ bất hủ của Thiền Sư Chân Nguyên (1846- 1726) như
sau:
Hữu thuyết giai thành báng
Vô ngôn diệc bất dung
Vị Quân thống nhất tuyến
Nhật xuất lĩnh đông hồng
Họa gia kiêm văn gia Võ Đình dịch như sau ( trong quyển Hương Thiền) :
Nói ra là bị kẹt
K hông nói cũng chẳng xong
Vì anh đưa một nét
Đầu núi ánh dương hồng.


Chỉ một nét vạch ra mà tâm thức của Thiền sư sáng bừng trong vòng một sát-na để
đi vào đốn ngộ. Một nét vạch ấy tức là một hành động quyết liệt do một trực giác thù
thắng và tuyệt vời hướng dẫn để Thiền giả đưa vạn hữu và vạn pháp quy về một mối.
Truyện ngắn Đêm Lạ gồm 8 trang trong hai phân đoạn, mỗi phân đoạn chỉ có dấu
phẩy (,), không có dấu chấm (.), kkông có dấu chấm hỏi (?) và cũng không có dấu chấm
than (!). Cuối phân đoạn đầu lại có nhiều chấm (...) ở chữ chót.


 Để làm sáng tỏ lối viết
theo tôn chỉ mà tác giả dã nêu ra, tôi xin trích ra một vài dòng trong phân đoạn chót:
Chàng không nhớ rõ ra khỏi khu phố chợ, đi trên con đưòng nhỏ trồng những rặng
cây găng san sát như hàng dậu ngăn cách những căn nhà thấp thoáng ánh đèn phía sau,
tiếng giầy chạm lên những viên đá nhỏ, mùi dạ lan quyện trong không trung đưa chàng
phiêu bồng vào một cõi xa lạ, lần đầu trong đời chàng cảm thấy hơi thở của thiên nhiên
chạm vào da thịt, khứu giác như mở ngỏ đón nhận huơng đêm, phân biệt mùi lá cỏ, khí
trời sắc bén đến độ tế vi, chàng nhận ra thân xác cũng nhẹ nhỏm, như thể một phần nào
đang mờ nhạt trong bóng tối, có thể lý trí vẫn linh hoạt, tiếng nhủ thầm của người nói
chuyện một mình, hay phần não b? cựa quậy, bước chân đi mộng du vào cảnh trí mời
gọi, đêm ngăn trở tầm thị giác, nhưng đêm mở rộng những chiều kích thực tại, chàng
quên hẳn phương hướng, dường như một ngọn đèn lẩn khuất đâu đó, cũng là dấu mốc,
tai nghe như muôn điệu âm thanh đang chìm dần mất hút vào hư vô, có lúc một điệu
nhạc dìu dặt vọng ra từ căn nhà nào đó khuất trong những lùm cây kia, điệu nhạc không
rõ lời chắc hẳn phát xuất từ đài bá âm thành phố, ý nghĩ lại miên man - khoảng cách của
đời sống, thu gọn trong một khoảnh khắc, những ảnh tượng nơi trí nhớ có phải ký ức
thực sự, chàng không rõ, bỗng dưng khuôn mặt người đàn ông cận thị vừa gặp ban chiều
ở văn phòng nhà trường lại hiện ra, liệu ông ta có gia đình chưa, tại sao ông lại chỉ chàng
đến một nơi tạm trú chàng không hề được giới thiệu, chàng cũng quên bẳng hỏi tên
người học trò đó, khuôn mặt ông như đã quen thuộc trong cuộc đời, và lúc này chàng
nghĩ, ông ta có còn nhớ đến chàng, nên quay trở lại tìm kiếm ông, hẳn ông đang đợi
chàng ở một điểm hẹn, ông ta thử thách chàng, lối đi trước mặt có thể dẫn đến ngôi
trường - chàng nhớ lại, ông ta nói ở đây không an ninh vì gần cơ sở đồn trú quân sự,
thỉnh thoảng xảy ra những đợt pháo kích, ông ta có dọa nạt chàng, bóng đêm thị trấn
thật hiền hòa, vùng đất đặt chân lên như chao xuống một thung lũng dấu kín hình thể,
rồi trong màn đen một vệt sáng từ từ tiến về phía chàng, tiếng máy nổ lớn dần, những
người lính ngồi thu mình trên chiếc xe tuần tiễu, ánh đèn quét một vòng qua mặt chàng
nhưng không ai lên tiếng hỏi, ánh sáng lại lui dần vào phía sau lưng, dấu tích tao loạn
đánh thức chàng trở lại vùng kỷ niệm thất lạc đã lâu, hình ảnh người đàn bà thoát khỏi
đời chàng, cơn mộng mị triền miên rơi vào khoảng trống, nỗi mất mát đau đớn, khiến
chàng ăn năn để nàng ra đi, cơn sốt toàn thân trở lại lúc này...
(Đêm Lạ, các trang 188, 189)

Tôi tạm dùng nhiều chấm (...) sau chữ này để tạm ngưng phân đoạn chót của Đêm
Lạ. Cách viết tuy có luông tuồng, nhưng nhờ những dấu phẩy (,) phân câu nên đọc tới
đâu chúng ta hiểu tới đó. Chúng ta không cần mằn mò để hiểu từng chi tiết nhỏ. Chúng
ta chỉ biết nhân vật chàng đứng trong bóng đêm của vùng bất an ninh, đầu óc suy nghĩ
lung tung, kỷ niệm từng đợt lao xao như cánh bướm đậu trên dòng suy tư triền miên của
chàng. Cái thơ mộng (hương dạ lan, điệu nhạc) xen lẫn những dấu tích tao loạn qua cuộc
tuần tiễu trộn vào nhau, tạo cho đoạn văn trên cái đẹp bi thương qua hình ảnh cô Trà
Hoa Nữ mang bệnh lao phổi, qua hình ảnh thảm cỏ mượt nhung ngụy trang mìn bẫy, hố
chông.

Không kiên nhẫn, không tìm ra thú đọc sách đặc thù, chúng ta sẽ cảm thấy văn
chương Đặng Phùng Quân phiền nhiễu, rối rắm. Nắm bắt được hai đức tánh khi đọc sách
như đã nói trên đây, chúng ta sẽ tìm gặp văn chương anh có một cái hậu vị ngọt đằm
thắm của miếng cơm nhạt nhẽo nhai lâu trong miệng, như bắt gặp nước gỗ của bộ ván
nằm lâu năm bóng ngời lên vóc lụa.


Tôi không dám bảo rằng mình hiểu khá nhiều đường lối và cái vũ trụ văn chương
của Đặng Phùng Quân. Cũng thời một vận sự mà tác giả nêu ra, tôi hiểu theo chiêu cảm
của tôi, người khác hiểu theo chiêu cảm của người khác. Ở đâu đó, tôi bắt gặp một câu
của nhà văn Albert Camus; hình như trong cuốn Những Nhà Văn Nữ Việt Nam của Uyên
Thao thì phải; tôi hoàn toàn không đồng ý với nhà văn nước Pháp đã từng đoạt giải Nobel
kia. Rằng: En écoutant ces appréciations sur mon livre, un sentiment singulier me vient:
ce n'est pas cela! (nghe những lời nhận định về quyển sách của tôi, một cảm giác lạ lùng
đến tôi: nào phải vậy!). Bởi sao? Đọc loại văn chương sâu sắc, độc giả chỉ có thể có một
vài cảm nhận tương đồng với những gì trên mặt chữ mà tác giả đã viết ra. Nhưng sau
lưng mặt chữ, hay dưới tầng lớp sâu kín của mặt chữ, mỗi người có một chiêu cảm riêng,
một khai phóng và óc tưởng tượng riêng. Tóm lại thế giới trong loại văn chương mới
không chỉ ở những điều mà tác giả đã viết ra mà còn ở những điều do độc giả liên tưởng
và mường tượng nữa. Đem vấn đề thưởng ngoạn qua câu chữ đâu nghĩa đó trong văn
chương mới, tôi e rằng đọc sách như vậy không nắm bắt được gì nhiều ở vũ trụ văn
chương của tác giả.
Tác giả đã cho chúng ta biết rằng: Mưa núi là truyện ngắn đầu tiên viết năm 1975 -
bẵng một  thời gian năm năm không sáng tác vì hoàn cảnh thời thế - viết tại đảo Galang.
Tôi gọi nó là văn chương thời thế - ở vào giai đoạn nhà văn không là một hiện tượng
riêng lẻ nhưng là một tập thể, viết để khôi phục một khí hậu văn chương đã mất, một
ngôn ngữ đang băng hoại. Trong truyện nầy, tác giả kể chuyện chàng đã vượt biên và
hiện đang ở đảo, gặp nàng (một kẻ vượt biên như chàng). Cả hai rằng buộc bởi một tình
cảm mù mờ, có thể là tình yêu, có thể là đồng cảnh tương lân. Mối tình đó như một vệt
sương mỏng hay một bóng mây nhẹ lướt qua thế giới tình cảm của họ nhưng cũng đủ
làm say mê và thấm thía cho độc giả nào có tâm hồn lãng mạn. Tuy nhiên điểm chính
câu chuyện là con người đi tìm điểm tựa cho tình cảm và điểm tựa cho tinh thần để tạm
khỏi đối diện với cô đơn. Truyện thứ hai là truyện Thư Nhà kể lại chuyến vượt biên gian
khổ của chàng cùng đứa con trai khi họ luồn lách theo đuờng bộ qua ngả Căm-bốt. Và
xen vào đó là những đoạn bức thư của vợ chàng kể lể nỗi nhớ nhung ở quê nhà và vụ
mất chiếc xe đạp, cả một tài sản của kẻ sống nhục nhằn dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.
Trong truyện Trong Nỗi Nhớ Của Một Ngày, độc giả bắt gặp chàng (một kẻ theo Cộng
Sản và thoát ly Cộng Sản) từ trại tị nạn đi máy bay đến phi trường El Paso để gặp gỡ
nàng. Và có thể để chung sống với nàng luôn hay trong một thời hạn nào đó.
Nếu sắp thứ tự thì Sau Cuộc Hội Nghị phải xuất hiện đầu tiên, kế đó là Thư Nhà,
Mưa Núi, Trong Nỗi Nhớ của Một Ngày. Có thế, biến cố của lịch sử đời chàng mới xuôi
một dòng luân lưu theo dòng thời gian. Các truyện ngắn của Đặng Phùng Quân trong tập
truyện Miền Thượng Uyển Xưa rốt cuộc chỉ là ba chương trong một quyển tiểu thuyết.
Còn những truyện ngắn như Bên Trời Lận Đận, Ở Một Phương Trời Xa, Miền Thượng Uyển
Xưa, Cơn Bão Hạ, nếu chúng ta sắp kế tiếp theo 4 truyện ngắn vừa nêu trên, nhưng phải
theo dấu mốc của thời gian thì sẽ làm cho truyện dài thêm dài hơn, xuôi theo một đường
thẳng mạch lạc. Cái nhất quán trong văn chương của Đặng Phùng Quân là đó.
Theo tác giả: Trong Tiểu thuyết khả hữu, trong những đoản thiên tiểu thuyết, tôi
chuyển từ nhân vật tôi sang chàng/ nàng không phải như những nhân xưng trong tiểu
thuyết quy ước, mà là sự xóa bỏ cấp độ nhân xưng, vô danh trong nghệ thuật tha hóa.
Đây không phải là công việc làm mới mẻ. Ở vài truyện ngắn của các nhà văn thời
thượng như Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn Đình Toàn, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nghiệp
Nhượng, ngay cả nhà luôn văn áp dụng bút pháp cổ điển như Võ Phiến qua một vài bài
tùy bút trong hai quyển Phù Thế và Ảo Ảnh cũng đã làm công việc nầy. Vâng, công việc
đó xóa bỏ cấp độ danh xưng, không tôi, không anh, không chúng tôi, không các anh,
không bọn họ... Nhưng lại kẹt ở ngôi thứ ba trong cấp độ nhân xưng (nàng/ chàng hoặc
nó, hắn, y ta, y thị, ả, đương sự...). Nhưng đây là bước đầu của sự phủ nhận mà ngành
văn nghệ mới thường chủ trương và xiểng dương, tức là xóa bỏ quy ước trong cách xưng
hô mà loại văn chương cổ điển, văn chương quy ước thường áp dụng. Nhân vật trở thành
vô danh, ai nghĩ sao cũng được. Và vì đó là nhân vật vô danh nên hắn có hình dáng, chân
dung, thân thế, hành trạng bập bềnh trong sương khói mông lung của cõi mường tượng
và cõi ấn tượng của độc giả. Nó là nhân vật đơn thuần tức là có thật trong cuộc đời (le
vrai personnage) hay là nhân vật hư cấu tức là nhân vật giả tưởng (le personnage
fictif), điều đó không quan hệ. Có quan hệ chăng là nó làm cho thế giới tuởng tượng của
độc giả thêm mênh mông, lưu lượng ý tưởng của họ thêm dồi dào và lênh láng như con
sông mùa tuyết tan băng rã. Vậy thì có phải nhờ vô danh, nhân vật có thể là người này,
người nọ hay người khác trong cái mà tác giả gọi là nghệ thuật tha hóa? Và trong một
bức thư Đặng Phùng Quân bảo tôi rằng nghệ thuật trong cái thế giới tha hóa là nghệ
thuật trong cái thế giới điên loạn (le monde aliéné/ le monde cassé). Có thể chăng đây là
một manh nha, một khởi thủy của phong trào phủ nhận nhân vật? Đúng ra, tác giả chỉ
phủ nhận cái tên của nhân vật chứ chưa phủ nhận chủng loại hoặc sự hiện hữu của nhân
vật. Lâu lắm rồi, tôi có đọc một đoạn văn trong quyển L'Ère du Soupçon của bà Nathalie
Sarraute do học giả Nguyễn văn Trung dịch ra tiếng Việt. Eo ơi, bà ta tả một sinh vật
người không ra người, con bạch tuột không ra con bạch tuột, tôi không hiểu bà ta muốn
xếp sinh vật ấy vào chủng loại nào? Đây là quái vật đúng hơn sinh vật. Nhưng có người
bảo đó là máu, là phún xuất thạch (tức là magma) Và tôi tự hỏi bà ta có chủ ý chủ tâm
làm cái gọi là phủ nhận nhân vật hay không?
Nhưng dù gì thì dù, đọc văn của Đặng Phùng Quân độc giả không chú ý lắm nhân vật
chàng và nàng lắm đâu. Họ chỉ để tâm trí theo dấu chân ngôn ngữ và ý tình cùng nhân
sinh quan và đôi khi tư tưởng triết học của tác giả hơn.
Trong Sau Cuộc Hội Nghị, tác gi ả trình bày thân phận các nhà trí thức miền Nam
sau khi bị Cộng quân miền Bắc cưỡng chiếm. Họ phải l?ng nghe và cỗ vỏ một cuốn sách
của tên Viện trưởng viết theo chỉ thị của Đảng:
Không có báo cáo khoa học nào được đọc trong hội nghị.Viên thư ký đưa ra một bản
đúc kết theo một quan điểm nhất định, phù hợp với đường lối và tình hình hiện tại. Người
ta tin rằng có những ẩn ý trong các báo cáo, nên tốt hơn hết là không nên đọc trước diễn
đàn. Viện trưởng mở đầu cuộc thảo luận. Hắn nhấn mạnh, đây là một hội nghị chuyên
môn trong nội bộ, các đồng chí cứ mạnh dạn phát biểu mọi suy nghĩ. Một người ngồi bên
cạnh, ghé tai chàng thì thầm. Cậu biết không, cái tên ở ngoài nớ vừa trình làng cuốn sách
do Viện xuất bản đã đi gặp mấy tên 30 để đi bỏ nhỏ anh em là đừng đem sách của y ra
chỉ trích. Y viết theo yêu cầu vấn đề chuyên môn của anh em mình nên biết trước là nói
mò nhiều lắm. Nhưng làm thế nào hơn. Sức hiểu biết hạn chế. Quyển sách của y – chàng
hiểu - chỉ là một loại đơn đặt hàng. một sản phẩm phải qua những giai đoạn kiểm tra về
tính đảng, có lồng vào được trong đó những trích dẫn của lãnh đạo không.
Vấn đề đang xoay quanh thảo luận về những điểm tích cực. Một người ở góc bàn bên
kia đang bênh vực quan điểm tích cực. Y phát biểu, điều đó đã giúp y giác ngộ con đường
đấu tranh. Giọng nói chứa sự bực tức. Chàng thoáng hiểu, có một giai đoạn y được chức
thứ trưởng trong cái chính phủ lâm thời đã bị khai tử. Bây giờ là dịp con chim hót lần cuối
cùng. Hót phản kháng với một cường điệu yếu ớt, uất hờn. Chàng liên tưởng đến bên kia
trời Âu, những trí thức khuynh tả đang tỉnh mộng. Trong một tờ báo lọt về, chàng đọc
thấy cuộc vận động Một con tàu cho Việt nam, dấu hiệu đầu tiên của sự thức tỉnh. Điều
đó có liên hệ gì với hội nghị hôm nay. Rà lại đám trí thức cũ ở đây. Hay chỉ để hoàn tất
một công tác đã đề xuất trong kế hoạch, cán bộ Viện đã lĩnh tiền công tác phí ra vào
trong Nam. Cái vòng đã vẽ sẵn, tri thức đã chết. Không thể có tri thức, tất cả những gì
khác chỉ là chủ nghĩa xét lại. Những khuôn mặt chìm dần trong ánh sáng vàng vọt của
căn phòng hội.
Tội nghiệp thân phận trí thức. Những hình ảnh khốn khổ. Khuôn mặt xương xẩu của
viên Viện trưởng Ngoại văn nói trước đám cử tọa trí thức khi nhắc đến giai đoạn đấu tố,
chính ông bố của y cũng bị đem ra tố khổ. Trong thoáng giây mau đó, y khựng lại như để
nuốt trôi cục nghẹn ở cổ họng. Khuôn mặt điểm râu tóc bạc phơ của nhà sử học già nua
bùi ngùi nhắc lại quãng đời Nhân Văn, như một kẻ đào ngũ không được giảng dạy phải về
ngồi nghiên cứu, trong một hội nghị hôm nào. Hình ảnh kẻ chấp bút viết ba ngàn trang
bản thảo cho lãnh tụ cũng chỉ là một thứ công cụ. Khi quyền lực độc chiếm cả tiếng nói
văn hóa. Văn hóa cũng cạn tuyệt, như cái chết tức tưởi của một người đồng nghiệp dưới
lưỡi búa khảo cổ mới đây, trả lại cái nghiệp chưa trọn.
(Thư Nhà, các trang 42, 43)
Tuy nhiên những đoạn trong ba truyện ngắn đó tuy sống thực và tuy rất suspens,
nhưng chỉ tạo cho tác giả trở thành một nhà văn tả chân già dặn, một nhà văn thời thế
tuyệt vời. Nhưng đó không phải là điều mà tác giả mong mỏi. Có lẽ đa số độc giả sẽ tâm
đắc với tác giả qua câu chuyện văn hóa và thân phận văn nghệ sĩ dưới chế dộ Xã Hội Chủ
Nghĩa trong truyện ngắn Sau Cuộc Hội Nghị. Vì sao? Đa số các nhà văn hải ngoại chỉ
thích trình bày thảm cảnh những lớp quần chúng ở các lãnh vực gần gũi với bậc trung lưu
từ cấp thấp trở xuống. Và hình như chưa có tác giả nào khai thác nỗi nhục nhằn của giới
trí thức, giới làm văn hóa dưới ch ế độ Cộng Sản cả.
Những nét đặc thù trong văn chương Đặng Phùng Quân là anh tạo cho văn chương
thời thế của mình những nhân vật chính đều có cái thế giới ưu tư riêng lẻ. Ưu t ư bám sát
họ không rời, họ thắc mắc, họ nhìn ngoại cảnh và xã hội chung quanh, họ nhìn sâu vào
nội giới của mình. Nói rõ hơn, họ suy nghĩ về cá nhân, về gia đình, về tổ quốc, về các
biến động trên dòng sinh mệnh của đồng bào, trên những chặng lộ trình cam go tiếp nối
của lịch sử v.v... Họ lại còn suy nghĩ về phận người, thắc mắc những vấn đề siêu hình,
những trái cựa của tâm cảm và nội giới cùng những cái nghịch lý và phi lý của cuộc đời.
Cho nên chẳng có nhân vật nào được hạnh phúc cả.
những lúc ngồi vớ nhau ở bờ giếng, ánh trăng phản chiếu xuống mặt nước, trên
cao đồi sắn chạy dài thầm thầm trong đêm tối, ngăn cách với bên này qua những vòng
rào kẽm gai, nàng lại nhớ.
Những ngày công tác ở nông trường. Nghĩ lại thật buồn cười. Thi đua vun sới cho bo
bo lên cao, trổ bông. Rốt cuộc cũng hoang phí như tuổi trẻ. Nông trường thí iđểm đầu
tiên của thành phố, dựng lên trên ruộng đất của nông dân vùng kháng chiến. Những kẻ
lặn lội trong các hầm địa đạo, ngây ngất với danh xưng đất thép thành đồng và một giấc
mơ nho nhỏ, ngày nào thành công sẽ được cầy trên mảnh ruộng nhỏ bé của mình. Để rồi
ngày thắng lợi, chỉ ăn những cái bánh vẽ khẩu hiệu với chủ nghĩa, lại đấu tranh bằng bạo
lực. Dùng súng bắn máy cầy. Tội nghiệp cho những đồng đội của nàng, cũng ngây ngất
tiêm nhiễm liều ma túy phả bằng mớ kinh kệ lao động đổ mồ hôi sức lực, hóa thân làm
nô lệ cho một trận tuyến chính sách, kế hoạch mà bên trong là sự xung độtthầm lặng
nhơ bẩn giữa hai đám Bắc, Nam.
Nàng tâm sự, ngày đầu tụi em còn mang ảo tưởng là mình đang đi xây dựngnhững
kibbutz như kiểu Do Thái lập quốc. Đưa ý nghĩ đó ra bị kiểm thảo gay gắt. Rồi tự an ủi
với nhau, phải học tập để biến đổi cái thói quen thành thị tư sản. Phải biến xanh thành
chuyên hồng. Xa thành phố cả năm trời, không chứng kiến những cảnh đổi đời quái đản
đang diễn ra trên đất nước. Lớp cầm quyền mới thống trị trên sắt máu bạo lực, cũng đê
hèn nô lệ ngoại bang, cũng tham nhũng thối nát như bọn cầm quyền trước kia. Điều uất
ức của tuổi trẻ là sự dối trá lại được vẽ vời bằng những lý tưởng hoang đường mà chính
kẻ đứng trên bục giảngcũng đang tự biết nói những điều lừa người, lừa mình. Cho đến khi
nông trường hoàn toàn thất bại, cả về thu hoạch lẫn ý nghĩa. Viên giám đốc bị hạ tầng
công tác, bao nhiêu công lao trí vận ngày xưa đổi lấy một sự hy sinh của một con cờ trên
mặt trận chính trị. Ngày trở về thành phố, em tưởng như một người rừng. Không phải
gặp cái không khí xa hoa thành thị, nhưng tại tinh thần mình lạc hậu trước một quang
cảnh xã hội điêu tàn ngoài trí tưởng tượng của
mình...
(Bên Trời Lận Đận, các trang 91, 92)
Nói thế, không phải các nhân vật chàng luôn sống trong dằn dặt đau thương không
nguôi đâu. Thỉnh thoảng họ cũng bắt gặp một mảnh vụn hay bóng dáng hạnh phúc.
Nhưng theo tác giả thì: Những thế giới của chàng đang chập chờn đan lẫn vào nhau...
những tâm cảm rung động dạt dào của tự do mới đến... hạnh phúc khi nghĩ đến một
người, có một người để nghĩ đến... đó không phải là thiên đường, mà một miền hạnh
phúc nào đó trong một đời chỉ bắt gặp một lần nhưng sẽ nhọc nhằn nhớ mãi không
nguôi... bao nhiêu năm, tìm kiếm một cái gì thất lạc. Nhưng không sao nhớ ra được...
như một khung cảnh rất xưa trong đời. Như thế, dù chàng nầy vượt biên thành công, dù
chàng kia khi ở đảo có một mối tình, dù chàng khác nữa sớm được sang Hoa Kỳ định cư,
dù chàng thứ 5 hay thứ 6, thứ 7 khác nữa tìm gặp lại vài cố nhân mà họ đã từng gắn bó
tình cảm thiết tha, nhưng chưa chắc độc giả tin rằng có chàng nào được hạnh phúc.
Hạnh phúc hiện lên cuộc đời họ trong một thời hạn nào đó qua bóng dáng, qua mảnh
vụn. Bóng dáng thì có bao giờ mà được trường tồn hay vĩnh cửu? Còn mảnh vụn chỉ là
một phần cái có thật, chứ không thể là một sự thật nguyên vẹn. Ưu tư làm các chàng
thống khổ, dĩ vãng trên cố hương làm các chàng bị dằn dặt không nguôi. Làm sao họ tìm
gặp một thiên đường giữa cơn xáo trộn của lịch sử, trong cái lạc lõng bơ vơ dù đã tìm gặp
đất nước tự do để dung thân?
Tác giả đã cho tôi biết: Trong nỗi nhớ của một ngày, Một dặm tương thân hành trạng
của nhân vật ở cùng một lịch sử, đối nghịch với nhân vật Mưa núi, Ở một phương trời xa
như hai mặt thực tại.
Nhân vật chàng ở Trong Nỗi Nhớ Của Một Ngày và nhân vật chàng trong Một Dặm
Tuơng Thân thuộc thành phần bên kia giới tuyến của chủ nghĩa Quốc Gia. Còn nhân vật
chàng trong Mưa Núi thuộc người Quốc Gia vượt biên tìm tự do và nhân vật chàng trong
Ở Một Phương Trời Xa là người Quốc Gia du học ở Hoa Kỳ rồi trở về nước và kẹt luôn sau
bức màn tre khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản. Các chàng đều trưởng thành trong cuộc
nội chiến, đều tham dự vào các cuộc biến động lịch sử dù ở bên này hay bên kia. Khuynh
hướng chính trị, nhân sinh quan, thời điểm xuất hiện của họ trong văn chương của Đặng
Phùng Quân tuy có khác, nhưng các điểm chung của họ là cùng trong một giai đoạn lịch
sử, cùng là mẫu người ưa phân tích mọi vấn đề, luôn luơn quay mòng bởi những vấn nạn
của thời cuộc hay những vấn đề thuộc về siêu hình (như tự do tinh thần bị tước đoạt, như
sự tìm kiếm cái hạnh phúc đích thực, như sự phản kháng trước những giả trá lừa lọc của
chủ nghĩa...).
Thế giới dưới mắt chàng, là một con đường hầm hun hút. Bạo hành phục kích
cùng khắp.Trong đêm tối, chúng ta đi tìm nhau. Hay đi tìm ngõ thoát. Từ cái cuộc sống
êm ả này, con người đang thiêm thiếp trong một khoang xe đầy hơi ngạt. Quờ quạng như
kẻ mộng du. Chuyến tàu vẫn chạy, vẫn mải miết lao vào bão lửa. Cơn hồng thủy mấp mé
trên những quãng đường chúng ta đi qua. Hình ảnh ấy hiện ra trong trí tưởng, từ lúc
chàng trở lại hoạt động. Có phải, nơi tâm thức mỗi con người chúng ta, nỗi bất ổn thao
thức ấy thúc giục chúng ta không thể bỏ cuộc. Niềm ấm áp như một thoáng gió nam
mát rợi trong lòng, chàng nghĩ, ở một nơi nào đó, nàng và người bạn đời của nàng cũng
đang có mặt. Trên trận tuyến mới. Những cuộc biểu tình. Phản kháng. Vận động. Thuyết
phục. Những sợi mắt xích đang kết hợp thành dàn công sự sắt thép. Khởi đầu của sức
mạnh. Chỉ có sức mạnh mới chống lại được bạo ngược. Từ độ đó, nàng không viết thêm
gì nữa. Sinh hoạt như triều biển dâng đã tạo thành những thnôg báo thay cho cánh thư.
Còn gần gũi hơn. Bởi vì, khoảng xa của ngàn trùng cách biệt chẳng còn ý nghĩa. Chúng
ta đang thấy nhau ở tuyến đầu. Dầu ánh sáng chưa hiện ra ở cuối chân trời mù mịt. Dầu
chúng ta đang thắp từng ngọn lửa nhỏ. Dầu lối đi vẫn là sạn đạo gian truân. Dầu một
ngày, như những chiến sĩ tiền phong khác trong vòng vây thù nghịch, cảnh dầu sôi lửa
bỏng, người bạn đời của nàng cũng biệt tích nơi rừng già giăng đầy cạm bẫy của kẻ
thù....
(Ở Một Phương Trời Xa, trang 124)
Trước khi sang qua quyển Một Dặm Tuơng Thân, chúng ta hãy cùng đọc những gì tác
giả Đặng Phùng Quân viết cho bút giả về nội dung các truyện ngắn của anh trong tác
phẩm nầy:
Một dặm tương thân khởi đầu từ: Thuở nàng còn là một thiếu nữ mới lớn, tuổi của
con nàng bây giờ... xác định một thuyết thoại ở thời hiện tại, song nhân vật sống hay
chết như trong truyện kể vẫn còn mơ hồ. Không thể xác định cảnh trạng ở ngôi vị nào:
thật tội nghiệp nếu nàng biết cuộc gặp gỡ ấy chẳng phải tình cờ trong ba phân cảnh
chính, hai phân cảnh đầu về nàng và nàng không hiện hữu ở phân cảnh cuối. Gián cách
của cảnh trạng và liên tục của thuyết thoại.
Người đàn bà ở Ch. Ha là một tiểu thuyết lịch sử, nếu hiểu lịch sử là một ý thức.
Hình ảnh những cánh tay giơ cao theo ngọn cờ độc lập, tự do chập chờn dưới màn khói tử
thi xương trắng la liệt khắp nơi. Lịch sử như thế đó.
Dung nhan và Tìm kiếm một người nào là những tiểu thuyết phá thể viết trong khí
hậu '' tiểu thuyết mới'' và kết thúc ở Dung nhan và Tìm kiếm một người nào là những
tiểu thuyết phá thể viết trong khí hậu '' tiểu thuyết mới'' và kết thúc ở Đêm lạ là một câu
văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là
một, là không. Đêm lạ là một câu văn duy nhất viết một mạch, tưởng chừng nhưng
không/ thời gian chỉ là một ý niệm, là một, là không.
Tôi đã đề cập ít nhiều tới Đêm Lạ ở phần trên. Truyện ngắn nầy được coi như phần
kết thúc của ba truyện ngắn phá thể: Dung Nhan, Tìm Kiếm Một Nguời Nào và Đêm Lạ.
Tiếp theo đây, tôi chỉ cần nói qua 5 truyện ngắn của Đặng Phùng Quân trong tác
phẩm Một Dặm Tương Thân. Đó là: truyện ngắn cùng tựa với tập truyện cùng Người Đàn
Bà Ở Ch. Ha, Dung Nhan, Tìm Kiếm Một Người Nào, cùng Tưởng,Tưởng Nhớ và Đêm Lạ.
Người Đàn Bà Ở Ch. Ha được tác giả xem như một tiểu thuyết lịch sử nếu hiểu lịch
sử như một ý thức. Đây là câu chuyện chàng và đứa con trai vượt biên bằng đường bộ
qua ngả đất Chùa Tháp. Trên lộ trình, chàng gặp nhiều người tốt như người dẫn đư?ng,
người chủ nhà ở thị trấn địa đầu và người đàn bà ở Ch. Ha. Đây là người đàn bà Miên
thuộc thành phần trí thức, lấy chồng Việt nhưng anh ta sống trên đất Miên từ nhỏ. Chồng
du học bên Pháp, rồi trở về Nam Vang làm công chức cao cấp bên phe Quốc Gia. Còn
nàng theo Khờ-me đỏ. Sau khi Khờ-me đỏ cưỡng chiếm Cao Miên, chồng nàng bay ra
ngoại quốc. Còn nàng ở lại để làm nhân chứng cuộc tàn sát diệt chủng cũa lũ Miên Cộng.
Hãy kể cho em nghe cuộc sống của anh trong suốt quãng đường đời đã qua, hình
dung một người đến từ miền xa lạ, mang theo những thăng trầm hằn dấu trên mái tóc
điểm sương, những nét nhăn của khuôn mặt, khóe mắt còn mệt mỏi. Ánh sáng đã lu mờ
theo ngọn bấc lụi dần không đủ soi vòng tay trong nhau, hội ngộ tình cờ từ thuở nào.
Chàng không kịp nghĩ đến tại bóng tối đồng lõa, hay niềm thân mật của con người đồng
tình trong cảnh huống lận đận đã thấy nơi nhau chia sẽ nỗi an ủi ở một tâ trạng khốn khó
bên vực thẳm thời thế. Chàng vẫn là người khách lạ. Không chỉ trong đêm nay. Khi chào
đời, đã không được quyền chọn lựa nơi sinh trưởng, lớn lên trong cảnh đất nước qua
phân, xuất thân ở một gia đình nghèo nhưng cha mẹ cũng cố gắng lo cho học hành tốt,
hấp thụ nền giáo dục phương Tây như nàng, cũng nếp sống, nếp nghĩ lạc lõng trước khi
thức tỉnh tìm thấy lại những gì thân quen quên lãng. Những biến cố triền miên của xứ sở
nội chiến khiến tâm thức nghiêng ngửa trước những ngả đường đối lập. Bạn bè, sách vở
quanh ta, thôi thúc, dằn vặt, thách đố. Cũng như nàng, thế giới chung quanh thật lạ mặt
với chàng hơn vùng trời xa xôi. Trước ngày lên đường, chàng còn xao xuyến khi dấn thân
vào nơi đất nghịch. Lúc vượt ngang trạm biên phòng, ghe dừng lại những bến nước đìu
hiu, ngước nhìn qua khe liếp thấy con dốc xoai xoải lên phía đồi cao hoang vắng, cây
cành xum xuê, khung cảnh tự nhiên gợi lại trong lòng quê hương đã mất, tâm hồn bâng
khuâng như muốn níu kéo lại sợi tơ trời mong manh của khoảnh khắc tư lương chùng
chình, cả giây phút vượt qua tường thành nhà ga lọt vào trong khuôn viên để đáp chuyến
xe lửa lên miền Bắc, nhìn những người Miên lam lũ đang vội vã chạy ngược xuôi tìm một
chỗ đứng trong khoang, hay xô đẩy nhau leo lên nóc xe, cái hình ảnh đám đông hỗn độn
trong buổi sớm chen chúc nhau ấy - giữa những tiếng súng bắn chỉ thiên dọa nạt của lính
canh ngoài cổng - gợi lên trong lòng chàng nỗi ưu uất cảm hoài về thân phận dân tộc bị
áp bức đời đời kiếp kiếp ở vùng trời khốn khó này. Nơi đâu, con người cũng quằn quại
dưới bạo lực. Chàng liên tưởng đến những dinh thự rợp bóng cờ và biểu ngữ, những bức
chân dung lãnh tụ đồ sộ diễu cợt đám quần chúng cùng khổ. Hình ảnh những cánh tay
giơ cao theo ngọn cờ độc lập, tự do chập chờn dưới màn khói tử thi xương trắng la liệt
khắp nơi.
(Người Đà Bà Ở Ch. Ha, các trang 91, 92)
Một chàng trí thức Việt Nam khước từ một đất nước bị khống chế tự do, một người
thiếu phụ Miên cũng thuộc thành phần trí thức lại còn là mẫu người lý tưởng, nhưng bị
chủ nghĩa Cộng Sản gạt gẫm; cả hai gặp nhau để cùng hàn huyên tâm sự về chủ nghĩa,
về tình người. Họ nhìn về cái ánh sáng tự do chiếu lộng lẫy trên các đất nước Tây Âu để
rồi thông cảm nhau, để chàng Việt Nam khi từ giã nàng và tiếp nối tiếp lộ trình vượt biên
sẽ nhớ mãi tới nàng mà không cần biết tên nàng. Chàng chỉ biết nơi nàng ẩn cư là Ch. Ha
để có một kỷ niệm tuyệt vời, để thỉnh thoảng gợi nó ra và để cho tâm hồn phì nhiêu tình
ý.
….. Sau chiến thắng, cuộc hồng thủy thanh trừng nội bộ, những kẻ điên loạn diễn tập
chính sách cai trị kỳ dị (phân biệt dân mới - cũ, lập công xã và những nhà tù tàn sát tập
thể kiểu Tuol Sleng...) Chàng vẫn còn thấy vẻ kinh hoàng của những người sống sót sau
cơn khủng cụ trên mỗi nét mặt người dọc đường. Chàng hỏi, lúc bấy giờ nàng ở đâu? Cha
mẹ mất tích trong đám đông bị lưu đày vào vùng công xã xa xôi nào đó. Lại một lần nữa,
nàng rời bỏ thành phố trốn lên miệt biên giới, tận mắt thấy những đống xương trắng vô
định, thoát khỏi những cuộc loạn dâm tập thể, những đồng chí đã cùng chia sẻ một thời
gian khổ giờ đây trở thành vệ binh đỏ cuồng tín. Nỗi đau rã rời của kẻ mất trí. Nàng
mong mỏi cuộc đổi thay - niềm hy vọng mơ hồ của kẻ bất lực. Đôi lúc, tâm thần giao
động kinh hoàng vì ngờ vực phản bội, nàng tự hỏi, còn ai muốn sống trong cuộc tự sát
dân tộc này.....
.....
(Người Đàn Bà ? Ch. Ha, trang 94)
Cuộc vượt biên bằng đuờng bộ trong truyện ngắn Người Đàn Bà Ở Ch. Ha kéo dài
trên 6 trang, phản ảnh rất sống thực cuộc vượt biên của tác giả. Nó nằm trong lịch sử
của cuộc đời tác giả. Tác giả có thể thuyết phục độc giả tin rằng đây là câu chuyện có
thật 99% một cách trơn tru, dễ dàng. Nhưng từ lúc người đàn bà Miên xuất hiện thì hiệu
quả của sự thuyết phục yếu dần vì ai biết được chỗ nào hư cấu, chỗ nào có thực? Nếu
trong hàng ngũ độc giả có 50% người tin tưởng cũng là quý lắm rồi. Do đó, đây là một
chuyện dã sử đúng hơn nếu nói theo bản chất. Dã sử thì dựa vào những chi tiết, những
biến cố, những phân đoạn của lịch sử để tác giả dựng lên một câu truyện hư cấu giả
tuởng. Nhưng nếu tác giả dùng ý thức để xem Người Đàn Bà Ở Ch. Ha thành một câu
truyện lịch sử thì đây là một biến cố trong lịch sử của cuộc đời Đặng Phùng Quân đúng
hơn, chứ không phải là giai đoạn lịch sử của dân tộc Việt Nam hay lịch sử của 3 chủng tộc
Việt Miên Lào. Nhưng mà thôi, dù lịch sử hay dã sử gì gì đi nữa thì đây là một truyện
ngắn có tầm vóc nguy nga của một tòa kiến trúc bất hủ, gieo trong lòng độc giả một dư
âm lưu luyến thiết tha khó nguôi ngoai khi họ đọc xong. Và dù có bịa ở đoạn người đàn
bà Miên xuất hiện thì tác giả bịa rất khéo, y như là ghi chép một đoạn biến cố có xảy ra
thực sự. Văn chương vốn cần bịa khéo như thật chứ không cần ghi chép sự thật một cách
khô cứng và vụng về, có phải?
Dung Nhan là một truyện ngắn thật đặc thù. Nhân vật xưng tôi, trong một buổi sinh
hoạt của nhóm người trẻ tuổi có gặp một cô thiếu nữ. Độc giả không hiểu cái mức độ
quyến luyến họ như thế nào, nhưng nhân vật xưng tôi đặc biệt chú ý tới nàng khi ngắm
nàng nằm ngủ sau khi ăn cơm trưa. Rồi cả hai cùng về thành phố. Trước khi chia tay, cô
gái yêu cầu đuợc gặp lại đương sự. Nhân vật sau đó đến một khu tịch mạc gần trại cưa
để tìm nàng. Tác giả không nói rõ nhân vật xưng tôi đã vào trong ngôi nhà nàng hay
không, nhưng đương sự cho nguời dùng để đối thoại (gọi người ấy bằng bạn) biết nhà
nàng bày biện như thế nào. Bạn sẽ bắt gặp nàng tắm xong, nhưng chưa lau khô mình
mẩy mà đến bàn phấn chải tóc, soi gương và uống một ly rượu. Ở đoạn mô tả đó, nhân
vật xưng tôi cố tình vắng mặt để ngôi thứ hai (bạn) xuất hiện trên trang sách và quan
sát bên trong nhà nàng và dự khán cái sinh hoạt của nàng. Nhưng độc giả sẻ thắc mắc:
Cái bên trong ngôi nhà và sinh hoạt của nàng có phải đúng như sự thực mà nhân vật
xưng tôi mô tả cho bạn biết hay không? Hay đó chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng và
vẫn còn nằm trong dự phóng, trong cõi mường tượng sa đà của đương sự? Tác giả không
nói rõ. Anh muốn độc giả chúng ta nêu lên một nghi vấn. Người bạn dùng để đối thoại có
phải chăng là cái tôi dự phóng của nhân vật xưng tôi, chứ chưa hẳn là người có thật để
đương sự dùng làm kẻ đối thoại? Thế có nghĩa đó không phải là cái tôi đích thực mà là cái
tôi dùng để chứng kiến bên trong ngôi nhà và cái sinh hoạt của nữ chủ nhân do nhân vật
xưng tôi tưởng tượng ra. Đọc Dung Nhan, độc giả dễ bị chi phối bởi sự trà trộn giữa cái
thực và điều tưởng tượng trong thế giới dự phóng hay trong cõi mường tượng của nhân
vật xưng tôi. Và qua Dung Nhan, bút giả không hiểu đó có phải là loại văn chương phá
thể hay không? Vì rằng ở truyện nầy lằn mức hư thực bị xóa mờ. Do đó cái cấu trúc của
nó lạ lẫm, vượt loại văn chương quy ước bằng những nét sắc sảo.
Tìm Kiếm Một Người Nào là một câu truyện tình giữa anh chàng vừa thi hành xong
nghĩa vụ quân sự và trở về định cư trong thành phố và một người đàn bà lang bạt kỳ hồ
(une aventurière) từ ngoại quốc về thăm thành phố (có thể là thành phố Sài Gòn hay
một thị trấn nào trên miền Nam đất nước). Còn thời điểm thì sao? Tác giả cũng không
xác định giai đoạn nào trên dòng cuồng lưu của lịch sử. Dưới ngòi bút của Đ?ng Phùng
Quân thì tình yêu của họ mơ hồ quá, dù tác giả có gài vào trang áp chót (trang 142) ba
chữ nỗi đam mê. Nhưng ba tiếng ấy đó không gợi cho độc giả một ngọn lửa nóng bỏng
trên từng phân đoạn, trên từng dòng chữ như những mối tình say đắm của văn chương
thông thường. Cả hai hôn nhau trong rạp hát, cả hai đưa nhau đi ăn, đi bát phố, rồi làm
tình khi cả hai về nhà chàng. Chàng còn có đi tắm theo kiểu người Thổ Nhĩ Kỳ. Tới ngày
nàng phải lên đường để trở về với công viêc ở ngoại quốc thì nàng hủy bỏ chuyến bay.
Rồi cả hai mướn một biệt thự để sống chung nhau. Nhưng rồi cả hai phải chia tay nhau.
Cuộc chia tay cũng không được diễn tả, chỉ được nói qua quít một câu ngắn ngủn. Xin
đọc:
...... Như kỳ hạn sống chung của chúng tôi đã lần lữa kéo dài. Thói quen mới không thể
thiếu, nỗi thân mật riêng tư mỗi ngày nhắc lại vẫn như khám phá điều còn ẩn giấu, nàng
thường gỡ đôi kính của tôi « để nhìn sự vật cho bớt rõ » - khi hai thân xác gần bên nhau,
điếu thuốc lá đốt lên, đầu lửa đỏ cháy soi không gian tịch mịch - những người xa ở nơi
nào, bây giờ dường như nghe nói đến tựa hồ tuyệt âm hao, hay thảng thốt chia cách giữa
đôi biên giới không có hy vọng nào trùng phùng tái ngộ. Trong biệt thự, mà chúng tôi
tưởng chừng như xa cách với thế giới người từ lâu lắm. Bạn hữu đã bỏ đi cả. Những lá
thư lười biếng hồi âm cũng bặt dần. Thành phố ở thật xa. Nỗi đam mê ngày càng làm trí
nhớ quên dần. sự thích thú tăng dần lên với lòng bồn chồ, chúng tôi càng nóng nẩy.
Nàng đã nhận được những thủ tục làm xong có thể lên đường đi Âu Châu nhận việc mới,
ngày khởi hành còn không bao lâu nhưng nàng vẫn ương ngạnh chờ đợi sự chia ly bất
ngờ. Dịp kia đã x ẩy đến khi tôi nhận được lệnh gọi đi thụ huấn. Chúng tôi đã lên đường
cùng ngày.
(Tìm Kiếm Một Người Nào, trang 142)
Cuộc tình và diễn biến được thuyết thoại nhiều hơn là mô tả. Nhưng xen vào những
dòng kể lể là những câu nổi bật những đường nét tạo hình rất sống thực, rất sắc sảo cứa
mạnh vào ấn tượng độc giả. Đây là một truyện ngắn đắm chìm trong cái không khí uể
oải, với động tác chậm chạp và buồn bã của nhân vật làm bút giả liên tưởng tới những
séquences trong các cuốn phim Ý như Le Bel Antonio của Mauro Bologhini (1960) hay
phim Huit Et Demi của Federico Fellini.
Theo tôi, Tưởng, Tuởng Nhớ không phải là một truyện ngắn mà là một tùy bút có
nhiều đoạn rất thơ mộng. Đây là một bài tác giả gửi gấm tâm tình của mình vào công
việc viết văn. Công việc đó theo thiển ý của tôi, gồm có hai yếu tố chính là thần trí sáng
tạo (esprit de création) và cảm hứng (les inspirations).
Từ bấy lâu nay, bút giả có cái định kiến như sau: Muốn khích động hai yếu tố đó, mỗi
nhà văn có một thái độ riêng: có kẻ cuồng nhiệt coi văn chương như một tôn giáo, có kẻ
hành xử một cách hung hăng như theo kiểu bạo dâm (lesadisme), có kẻ khổ hạnh, có kẻ
lâng lâng thống khoái như kẻ làm cuộc hành hương tận ngôi thiền tự trên đỉnh núi v.v...
Đâu đó, tôi bắt gặp hai câu tuyên ngôn của nhà văn Huỳnh Phan Anh: Viết là đâm nổ
mặt trời/ Viết là thách thức thần linh. Những hành trạng cá biệt của kẻ cầm bút, tôi
không dám phê phán. Nhưng tôi biết chắc rằng muốn thắp sáng thần trí sáng tạo, muốn
khơi dậy cảm hứng, nhà văn thuờng lôi kéo cuộc sống nội tâm lệch lạc qua một bên để
tìm những khe trống cho ngọn lửa thần bí soi sáng và khơi dậy hai yếu tố đã kể trên
đây. Một cuộc sống nội tâm ngăn nắp quá, lành lặn quá thì làm sao nứt nẻ ra những khe
trống?
Riêng nhà văn Đặng Phùng Quân thì hiền lành quá đỗi, có thể bảo là ngoan lành và
điềm đạm một cách dễ thương trong công việc viết lách. Vậy mà thần trí sáng tạo của
anh vẫn bừng tỏa, cảm hứng của anh vẫn tràn trề lênh láng. Anh chỉ cần tưởng và tưởng
nhớ là bắt gặp hai cái nhu cầu của mọi nhà văn.
... Chưa bao giờ chàng thấy đêm diệu kỳ như lúc này khi hai người tiếp tục lại câu
chuyện vừa đứt quãng, bởi một ý tưởng vừa lén động tới lúc họ cùng nhắc lại một kỷ
niệm, của vùng ký ức nào đó miên man theo ngày tháng, những quãng sống dày đặc
tưởng như gánh nặng của một đời, có phải, xe vẫn chạy, những tàng tích nào quá khứ
vừa quật khởi, những giai đoạn trầm mình trong đớn đau thử thách của thời thế, bạo
hành lộng khởi, quyền lực thấp hèn, tất cả rồi cũng qua như một trò đùa, bởi vì sau cùng
người chứng đã thoát ra bên ngoài, nhìn lại không thấy mình, không thấy người, chỉ thấy
những hoạt cảnh câm nín, không lời; có chăng, cái còn lại là những điều đã viết ra, viết
dường như không thể ngừng lại, viết như đi hoang vu vào cõi sa mù nào để tìm lời đồng
vọng, bỗng dưng chàng nói với bạn về những cảnh huống gặp nhau, về một nhà xuất bản
mang tên 68, thời điểm của một cuộc nổi dậy, về một người đàn bà Zdena ; viết như một
hẹn ước trùng phùng trên những hội điểm vô hình, viết trong một luân hồi vĩnh viễn đi
trên những sợi dây đu cao thế, viết để thấy nhịp đập của tim còn co thắt trước những tấn
áp chuyên chính, viết để gọi lại lời khấn đi trong đêm sao băng tàn khốc, viết nín cùng
hơi thở dồn dập của tình yêu chia cách, viết của một cái bắt tay bằng hữu từ miền Trung
Đông Âu mù ám, cũng hoạn nạn, cũng mịt mùng, viết cho nhau nghe những thống khổ
ngục tù, những kinh nghiệm xe tăng và đại bác xâm lược, viết lên tìm kiếm vòng quay
lịch sử tân dân chủ nhiễu nhương, viết cùng người, cùng ta, cùng thù nghịch, cùng đền
đài, lăng miếu xác hoa và da thịt, hóa thân trong một cuộc truy hoan vô tính, viết chừng
như bay lên cùng trời đất. Có những điều viết mười mấy năm vẫn còn ám ảnh, vẫn đi
tìm, như thể hành trạng một đời, viết trong khung hẹp của một thời, viết để mở ra cửa
ngõ sáng tạo.
(Tưởng, Tưởng Nhớ, các trang 163, 164)
Đặc sắc nhất trong các truyện ngắn của Đặng Phùng Quân trong tập truyện Một Dặm
Tương Thân là truyện ngắn cùng tựa.Trong truyện, nàng là một cô thiếu nữ có nếp sống
khép kín, phức tạp, dường như tiêm nhiễm cái triết lý khắc kỷ . Nàng bám chặt một ý
định, hay một lý tưởng và sống chết với nó cho tới cùng. Cho nên trong cuộc tình phất
phơ, ngô không ngô, khoai chẳng ra với chàng, nàng vẫn xem đó là một mối tình thiên
thu hiện hữu bởi một định mệnh oan nghiệt do nghiệp lực từ thời tiền kiếp nào đưa đẩy:
... Tuổi dậy thì, bằng hữu thủ thỉ cho nhau nghe những điều hiểu biết về một thế giới
bên ngoài, những chuyện tình lí thú, những tưởng tượng về một đối tượng khác phái,
thân xác đàn ông, những nụ hôn đầu vụng dại, những cảm xúc hiếu động, thăm thú
trong khung cảnh hẹn hò hoang sơ của tuổi trẻ. Nàng cũng tò mò lắng nghe những câu
chuyện gẫu của bạn bè. Hình ảnh người đàn ông qua hiện thân chàng lại tha thiết trong
cõi riêng nàng. Có lần một người bạn hỏi nàng đã biết yêu chưa, nàng chỉ mỉm cười
không trả lời. Nói thế nào về người yêu, nàng tưởng chừng như đã vĩnh viễn trao thân gửi
phận cho chàng. Điều bí mật ấy của riêng nàng. Ngày tháng qua, vết thương lòng như
dao cắt không lành tưởng chừng như tuổi đời đã già cỗi, tưởng chừng như người yêu
không còn trên thế gian này. Nàng thấy mình thật lớn, nhưng khờ dại. Có lần người bạn
gái mới quen ở năm cuối cùng bật Trung học nhất định đòi nàng nghe một chuyện thầm
kín. Nàng yêu người thầy học cũ, cuộc tình ấp ủ đã hai năm. Làm thế nào để người mình
yêu hiểu tâm sự, cô bạn hỏi. Nàng lại nhớ chàng, ý nghĩ thoáng đến trong tâm tưởng
nghi hoặc về chuyện của mình. Liệu chàng có thật yêu nàng hay nàng chỉ là một người
bạn nhỏ bé chưa bao giờ ghi khắc trong trái tim chàng. Nếu chàng yêu, dù khó khăn cách
trở chàng cũng phải tìm về nàng. Nhớ giây phút thân mật, chàng lại vùng bỏ trốn. Nàng
muốn ngỏ với bạn, nhưng nàng ngại những điều nói ra làm thương tổn hình ảnh chàng,
khiến nàng ngờ vực cuộc tình của mình. Người bạn gái quả quyết, nhất định sẽ chiếm
hữu hoài vọng của mình. Rồi một ngày mình phải được yêu, dầu có thế nào. Tình yêu chỉ
đến một lần, nàng chẳng biết chủ động. Và kỷ niệm như chìm sâu. Những giọt nước mắt
sầu muộn dưng dưng khi nàng ngồi thơ thẩn một mình trước những tập sách vở trên bàn
học. Nàng viết những ý nghĩ lần đầu trên một cuốn sổ nhỏ, tưởng chừng như để nói với
chàng, để chinh phục chàng (những ý nghĩ đến từ một vùng trời thân ái, thật táo bạo, khi
ngỏ cho chàng hiểu tâm hồn thơ đã dào dạt những say đắm đam mê ngày gặp gỡ, những
ý nghĩ thám hiểm cõi yêu mông lung đầy ác mộtng, những giận dữ nổi loạn đời, những
thoáng kỷ niệm trong căn nhà cũ, những nét phác họa dở dang một không gian suối hoa
mật ngọt nào của tương lai, song điều chân thật sâu kín nhất của nàng là niềm nhớ mãi
khi hai thân xác gần kề vẫn ám ảnh không rời, nàng nhớ chàng, nỗi nhớ của một người
tình chăn gối...)
(Một dặm Tương Thân, các trang 22, 23)
Còn chàng thì khác, ưa thay đổi, ưa nổi loạn phản kháng, không tìm được cho mình
một chỗ đứng, một lý tưởng thích nghi. Do đó mà chàng không hạnh phúc, chàng khổ sở
vì bị dằn co với những t? tưởng phức tạp, phiền toái. Cái hệ lụy ấy do chàng chủ trương,
chàng chính là nạn nhân của cái nghịch lý của đời sống mình, cái mâu thuẩn của nội tâm
mình.
...Thế giới của chàng. Không, nàng nghĩ, cái thế giới ấy phải của hai đứa, với một
biên cương ngăn cách với xã hội bên ngoài. Từ cái lối đi qua một phố chợ, những bức
tượng tôn giáo cao hơn người thật bày ngổn ngang bên lề đường của mấy tiệm tạc tượng,
khi mưa đầu mùa tới làm ngập lụt, nàng phải vén cao ống quần trắng, tay xách dép khi
tới căn nhà của chàng. Căn nhà lá phủ một lớp tôn trên mái, cửa nhìn ra bụi chuối bên
một con mương đầy lá xanh. Thế giới của chàng đó, những nét vẽ đầy khắp, trên vách,
trên hai cánh cửa, trên giá gỗ ở ngoài trời. Những mẫu phác họa vội vã, còn nguyên sơ
hình ảnh vừa bắt gặp, như những sợi tơ trời bay lượn trong không gian tinh khôi. Và bây
giờ, thêm sự hiện diện của nàng. Con người chàng, sự nổi loạn vô trật tự. (Tại sao anh
đang theo học Y khoa, lại bỏ ngang sang Văn Khoa. Rồi chưa đầy một năm, anh lại xin
vào Mỹ Thuật. Tai sao anh lại bỏ học. Những th ắc m ắc tìm hiểu về sự hoang đàng phá
phách đang diễn ra trong tâm hồn chàng)... Những kinh kệ - nói theo ngôn ngữ của
chàng - như ám ảnh chàng thường trực, ru chàng vào một vòng lưới hoài nghi khôn
cùng. Kiến thức đời không giữ gìn chàng yên phận. Chàng không muốn giam mình trong
bốn bức tường trắng bệnh viện, khi những vết đau da thịt không trầm trọng bằng cơn nội
thương xã hội - con người cá thể có nghĩa lý gì trong hạnh phúc toàn bộ đại thể đang
đắm chìm trong khổ nạn. Mà xã hội, viên thày thuốc không còn đủ thiên chức, khi mảnh
bằng chuyên môn được đánh giá bằng tiền bạc. Sách vở từ chương cũng chẳng tạo thêm
niềm tin cho thế giới trước mặt hiện tại. Học vẽ, không gian của thẩm mỹ như đưa nhãn
quan vào một cảnh giới khác, những tạo hình như đoạn lìa trước mặt. Trốn lánh thực tế
trước mặt có phải? Không, chàng đang đi tìm một chân trời tự do chưa hiện nét. Nàng với
trực giác linh khiếu nào đó, như thầm hiểu điều đó. Như tình yêu vừa chớm nở. Kể cả,
tính bướng bỉnh vô cùng của chàng. Trong cái guồng máy xã hội nhập nhằng, những
quán lệ bàn giấy giăng mắc, cuộc chiến tàn bạo đến đâu, chàng đã từ khước tuân hành,
kể cả một thủ tục đơn giản như khai báo bằng cấp....
(Một Dặm Tương Thân, các trang 14, 15)
Cuộc sống ở ngoài xã hội và cuộc sống nội tâm của cả hai (chàng và nàng) không
đơn giản. Cuộc sống ngoài cuộc đời của họ với những xã hội phồn tạp do một mãnh lực
huyền bí lôi kéo họ vào, nhận chìm họ, đọa đày họ. Nếu hiểu theo thuyết nhà Phật tâm
cảnh tương ưng thì đây là một thí dụ điển hình.
Tác giả kể mọi diễn biến ở thời hiện tại. Truyện có ba phân cảnh chính. Hai phân cảnh
đầu nói về nàng. Còn phân cảnh thứ ba nói về chàng. Tuy nhiên, ở phân cảnh một vẫn
có một đoạn nói cuộc gặp gỡ giữa chàng và nàng tại một quán sách: nàng nhờ chàng
dịch cho nàng nghe một đoạn trong tập thơ của Saint
John Perse. Và tác giả cũng có nói qua loa về thân thế, tánh nết, cuộc sống nội tâm cũng
hoài bão và nhân sinh quan của chàng, cái kỷ niệm ôm ấp yêu đương ngắn ngủi của cả
hai trước khi chàng bị bắt vì tội bất phục tùng nghĩa vụ quân sự. Nhưng ở phân cảnh nầy
chàng chưa xuất đầu lộ diện đâu.
Phân cảnh hai bị nàng chiếm trọn. Ở đây, độc giả biết được một vài đoạn đời của
nàng. Nàng lấy chồng do mẹ nàng sắp đặt. Nàng không yêu chồng, vẫn hoài hoài tuởng
nhớ tới chàng. Nỗi lòng nàng, những ý tưởng của nàng hướng về chàng được ghi trên tập
nhật ký bị bại lộ. Chồng nàng ghen và mới hiểu rõ tại sao cuộc chung sống lứa đôi củavợ
chồng mình không hạnh phúc. Cảnh đồng sàng dị mộng kéo dài không biết bao giờ mới
hết. Nàng bồng đứa con gái trở về sống với mẹ của nàng. Chồng nàng leo cao trên chiếc
thang danh vọng, càng quên vợ con. Riêng nàng, nàng vẫn tìm cách gặp chàng. Và rồi
cuộc tái ngộ cũng đến, nhưng chàng bị giam trong trại kỷ luật vì tội hành hung một viên
cố vấn Mỹ. Nàng chỉ biết đứng ngoài vòng rào nhìn chàng. Sau cùng, nàng trao cho
chàng quyển nhật ký của mình.
Phân đoạn ba là phân cảnh dành trọn vẹn cho chàng. Ở đoạn đầu, tác giả có nhắc
tới chút ít những sinh hoạt của chàng trước khi gặp nàng và yêu nàng. Chàng theo sinh
viên biểu tình chống M ỹ khi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên Đà Nẳng. Có thể,
theo bút giả (chứ không phải tác giả) suy luận, chàng tiêm nhiễm nhận định ngây thơ về
chính trị và lòng nhân đạo mù quáng của lũ trí thức Tây Âu nên thấy quân đội Mỹ có cái
tinh thần kiêu căng và cái thói ưa giật dây dụi để điều khiển kẻ khác (la manipulation)
nên chàng gia nhập vào nhóm sinh viên phản chiến. Khi bị cưỡng bức nhập ngũ, chàng
càng thấy lính Mỹ đáng ghét hơn vì : Nơi bãi trận rộng lớn, chàng tận mắt thấy những
lính Mỹ biểu hiện tinh thần Yankee đối với dân bản xứ, đùa rỡn diễu cợt trên xác chết
(sic). Chàng hành hung với tên cố vấn Mỹ, rồi bị trọng cấm. Rồi chàng bỏ hàng ngũ Quốc
Gia theo người giao liên vào mật khu Cộng Sản và hoạt động cho họ. Trong gian lao khổ
ải, khi cận kề cái chết, chàng có quyển nhật ký của nàng bên mình. Chàng gặp một thiếu
nữ từ ngoài Bắc tình nguyên vào lực lượng thanh niên xung phong để chiến đấu trong
Nam. Thế là cả hai kết hôn nhau. Nhưng ở trong hàng ngũ Cộng Sản, chàng bỡ ngỡ và đi
đến thất vọng khi thấy:
.... Cuộc sống đôi lứa chẳng bình thường như thời hòa bình, mỗi người một phần vụ
công tác, có những lúc nàng ở hẳn bên đơn vị khác, họ cũng chẳng có thời giờ để nghĩ
đến nhau, nỗi nhớ của người tình chăn gối. Và tình thế gấp rút theo những biến động
chung trên toàn đất nước - từ cuộc chiến lan rộng những mật khu ven giới, tin tức về
những trận không chiến ác hiểm, những lực lượng chính quy từ miền Bắc tăng viện với
những đoàn cơ giới ngày đêm di động trên khắp nẻo đường mòn...Mật bầu không khí
khẩn trương dàn trải – ý nghĩa cuộc chiến toàn diện thay đổi hẳn. Vị thế của lực lượng địa
phương thu hẹp (từ thất bại của cuộc nổi dậy mùa Xuân, hàng ngũ tan tác, song các cấp
ủy vẫn gia sức tuyên huấn về sách lược trường kỳ tất thắng, đề cao hy sinh cho đại
cuộc). Chàng như bơi theo giòng lũ...Chung quanh chàng dần dần mất hút những bằng
hữu bám trụ, sống yêu thương từng hàng kinh, rạch, ruộng, đồng, sống cho một lý tưởng
đơn sơ giành lại quê hương khỏi áp bức bất công. Những đồng đội mới đến từ một xã hội
đã thiết lập ổn định, biểu lộ một thái độ bàn giấy lạ lùng. Đời sống không phải nằm trong
ý nghĩa chiến đấu, mà nằm trong sách lược nhất định của Đảng...Lần thứ hai trong đời,
chàng lại nhói lên trong tâm khảm cái bất ổn rã rời như khi lìa bỏ gia đình ra đi...
(Một Dặm Tương Thân, các trang 48, 49)
Rồi cuốn nhật ký của nàng bị thất lạc. Rồi vợ chàng sang Đông Âu du học. Khi miền
Nam lọt vào tay Cộng Sản, chàng theo toán người tiếp thu về thành phố.Chàng vẫn
mang sự bất mãn và tinh thần phản kháng trầm kha nên chàng bị giam giữ. Một người
bạn cũ làm an ninh cho tòa Đai Sứ nhận ra chàng, giúp chàng làm thủ tục định cư ở
nước thứ ba. Và rồi trên đất nước Hoa Kỳ chàng mường tượng lại khuôn mặt nàng và vẽ
lại chân dung nàng với cái tựa trích trong câu thơ của Perse: Un grand poème né de rien
. Thế là vào hôm triễn lãm, chàng gặp một cô thiếu nữ xưng là con gái của nàng sau khi
ngắm bức tranh. Cháu biết tên bác rồi. Ngưòi trong tranh là mẹ cháu (sic). Cô gái cho
biết r?ng mẹ cô trước khi lâm chung có yêu cầu ông ngoại bà ngoại cô giúp cô vượt biên.
Kết cuộc câu truyện được tác giả hạ bút như sau :
... Trong những ngày sau cùng, cô bé nói, mẹ cháu yếu đuối đến độ suy nhược. Mẹ
chỉ muốn đi thật xa, thoát khỏi cái thế giới đổ nát với những mảnh vụn tan tành của
khung kính vạn hoa đã vỡ. Mẹ muốn trốn chạy một đời sống giả trá. Một quá khứ chập
chùng. Moôt người đợi chờ trong tuyệt vọng. Lắng nghe con gái nàng tâm sự, những hình
ảnh dĩ vãng hiện về dấu tích mê lầm để lại nơi kẻ mộng du không trọn vẹn. Chiều xa dần
khoảng trùng dương bao la, cõi đất người thu hẹp lại tầm mắt. Chàng như tìm lại bản
thân, một hình thể khác đoạ đày. Cô đơn thống thiết, khi người thiếu nữ chia tay trở về
campus. Lại một cuộc trốn chạy những gì thân yêu nhất, chàng để lại bức họa chân dung
ấy cho con gái nàng, gửi lại tâm hồn mình lạc lõng rong chuyến lên đưòng.
(Một Dặm Tương Thân, các trang 58, 59)
Chúng ta có thể coi truyện ngắn Một Dặm Tương Thân như một truyện tình thời
chiến dựa trên một xâu chuỗi biến cố của lịch sử để dựng nên những bối cảnh lót nền cho
câu chuyện thêm màu sắc thời đại. Tác giả trong thâm tâm, anh
không cố tình viết truyện tình thời chiến như Nhã Ca trong Tình Ca Trong Lửa Đỏ hay
như Từ Tốc trong Tinh Tinh Nguyệt Lượng Thái Dương (mà Liêu Quốc Nhĩ dịch với cái tựa
Những Tinh Cầu Cô Độc). Anh muốn đi thật xa hơn cái trạm mà các tác giả viết chuyện
tình nhắm tới trên lộ trình cam go của văn chương. Vì sau mặt chữ của câu chuyện trong
Một DặmTương Thân có những điều viễn thâm chôn giấu khá nhiều. Đó là những xung
đột của tâm cảnh, của lý tưởng. Đó là những điều dằn co của khuynh hướng vào đời,
những xâu xé nội tâm,
những thần tượng và chủ nghĩa mới bừng sáng cho người hằng chuộng lý tưởng chẳng
được bao lâu lại sụp đổ tan hoang. Và đó cũng là bạo lực được ngụy trang bằng mặt nạ
đẹp đẽ, bằng xảo ngữ điêu ngôn để rồi bị phơi bày khuôn mặt thật ghê tởm ra.
Đặng Phùng Quân viết văn với tinh thần của một nhà thám hiểm. Anh nhìn trước
nhìn sau, nhìn ngang nhìn dọc, nhìn trong nhìn ngoài đối tượng quan sát. Chưa đủ! Anh
còn sục sạo tìm những cái bí ẩn mà những trào lưu, những trường phái văn chương có
tinh thần cầu tiến đòi hỏi. Anh muốn xóa bỏ những quy ước, những lối cũ đường mòn đã
từng làm cho văn chương hóa thạch, đã từng làm cho tinh thần sáng tạo chai cứng và
đóng băng. Anh miệt mài soi tìm những hang ổ, những tụy đạo sâu kín dưới bình diện
phẳng lặng của hiện hữu để tìm những cái bí nhiệm trong cuộc sống, trong nội tâm con
nguời, để đưa vào văn chương. Cuộc hành hương và lộ trình của anh không có mấy ai
muốn dấn thân. Cho nên anh ít có bạn đồng hành và cũng ít có ai chịu hướng mắt theo
dõi.

NGUYỄN THIÊN THỤ * NGUYỄN TRÃI



NHÖÕNG HUYEÀN THOAÏI VEÀ NGUYEÃN TRAÕI
 NGUYỄN THIÊN THỤ
          Thôøi coå, quoác gia naøo cuõng coù nhöõng thaàn thoaïi. Cuoái theá kyû 19 ñaàu theá kyû 20, tinh thaàn toân troïng khoa hoïc lan roäng qua nhieàu quoác gia. Ngoâ Vaên Trieän khi vieát Nguyeãn Traõi, keå nhieàu huyeàn thoaïi veà Nguyeãn Traõi maø coù ngöôøi chæ trích. Chöa keå quoác gia naøy chæ trích vaên hoùa quoác gia kia, toân giaùo naøy cheâ bai tín ñieàu cuûa toân giaùo noï.
          Khoa hoïc laø gì? Laø nghieân cöùu caùc ñònh luaät, cheá taïo caùc tieân ích cho con ngöôøi ñeå naâng cao kieán thöùc vaø ñôøi soáng con ngöôøi. Muoán phaùt trieån khoa hoïc phaûiø môû caùc ñaïi hoïc, caùc trung taâm nghieân cöùu, toân troïng trí thöùc chöù khoâng phaûi laø hoâ haøo bieän chöùng phaùp, vieát vaøi trang veâ kyõ thuaät sô ñaúng, vaø keâu gaøo coâng nhaân giai caáp laõnh ñaïo.  Chæ coù caùc quoác gia giaøu maïnh môùi coù neàn khoa hoïc tieán boä. Neáu baét daân nhòn ñoùi ñeå cheá taïo vuõ khí laø khoâng phaûi khoa hoïc. Khoa hoïc laø töï do, haïnh phuùc, neáu ñaøn aùp, boùc loät thì chæ laø khoa hoïc aáu tró, khoa hoïc hình thöùc, hay noùi ñuùng hôn ñoù laø hình thöùc khuûng boá nhaân daân, ngaên chaän töï do tö töôûng, töï do phaùt bieåu yù kieán. Ngaøy nay, caùc quoác gia tieán boä khoâng bao giôø chæ trích, baét bôù veà toäi meâ tín, dò ñoan nhö thôøi trung coå. Nhaät Baûn vaãn theo Thaàn Ñaïo, caùc toân giaùo caøng phaùt trieån nhaát laø sau suïp ñoå Ñoâng AÂu vaø Lieân Xoâ. Buoàn cöôøi nhaát laø truôùc ñaây, khi coøn laø moät löïc löôïng khuûng boá, Lieân Xoâï ñaõ chuù troïng saûn xuaát caùc phim thaàn thoaïi!
            Töø tröôùc, caùc nöôùc AÂu Myõ ñaõ laáy thaàn thoaïi La Hy laøm nguoàn caûm höùng thi ca, tieåu thuyeát, cuõng nhö oâng cha ta ñaõ laáy caùc ñieån tích Trung Hoa laøm chaát lieäu vaên chuông. Caùc söû gia Nhaät Baûn vaãn laáy thaàn Maët Trôøi, söû gia Trung Hoa vaãn laáy Phuïc Hy, Thaàn Noâng vaø VIeät Nam vaãn laáy Roàng Tieân laøm nguoàn goác daân toäc. Ngöôøi ta xem ñoù laø nhöõng ñaëc tröng vaên hoùa cuûa daân toäc, vì beân caïnh chính söû vaãõn coù daõ söû vaø thaàn thoaïi.
Daãu sao, chuùng ta phaûi ghi nhaän  vaên chöông truyeàn khaåu  coù giaù trò vaên chöông, thì thaàn thoaïi coù giaù trò trieát lyù  nhaèm giaûi thích caùc nguyeân nhaân trong trôøi ñaát, xaõ hoäi vaø con ngöôøi. Giaûi thích ñoù sai hay ñuùng? Coù ñònh meänh khoâng? Coù quyû thaàn khoâng? Coù  baùo aân, baùo oaùn khoâng? Thuaät phong thuûy coù giaù trò khoâng?  Tin hay khoâng laø tuøy ôû moãi ngöôøi.  Daãu sao, nhöõng thaàn thoaïi hay huyeàn thoaïi ñeàu coù nguoàn goác töø vaên hoùa. Caùc vaên gia, söû gia chæ ghi cheùp laïi nhöõng truyeàn thuyeát trong daân gian. Hoï chæ thuaät laïi chöù khoâng saùng taùc.Quaàn chuùng nhaân daân môùi laø ngöôûi saùng taùc vaø löu truyeàn tuïc ngöõ, ca dao, coå tích vaø thaàn thoaïi. Hoï khoâng phaûi laø nhaø khaûo coå, nhaø khoa hoïc hoaëc thaùm töû ñieàu tra. Hoï giaûi thích söï kieän theo traùi tim ñôn sô vaø thaønh thaät cuûa hoï. Khi laøm nhö vaäy, hoï cuõng voâ tình, hoaëc chuû quan vì meán yeâu, thöông tieác vaø toân kính.
          Töø buoåi bình minh cuûa nhaân loaïi, quoác gia naøo cuõng coù nhöõng trang huyeàn söû. CaÙc baäc giaùo chuû nhö Phaät, Gieâ Su, Laõo Töû, Khoång Töû ñeàu bò bao phuû bôûi caùc thaàn thoaïi. Khoâng rieâng Nguyeãn Traõi maø vua Quang Trung, Gia Long, Hoaøng haäu Ngoïc Haân , ñöùc thaày Taây An ñeàu coù nhöõng huyeàn thoaïi.  Nguyeãn Traõi ñöôïc nhaân daân ta kính yeâu. Ai cuõng chuù yù ñeán vieäc laøm vaø cuoäc ñôøi cuûa Ngaøi cho neân hoï ñaõ tieåu thuyeát hoùa, thaàn thoaïi hoùa cuoäc ñôøi cuûa Ngaøi. Khoâng ai coù nhöõng trang söû nhö vaäy. Ñoù laø nhöõng ñaùm maây muø laøm cho khuoân maët Nguyeãn Traõi nhö aån nhö hieän trong moät theá giôùi huyeàn aûo, bí maät. Vaø ñoù cuõng laø haøo quang laøm raïng ngôøi khuoân maët thoâng minh vaø phuùc haäu cuûa ÖÙc Trai töôùng coâng.
          Vì toân troïng ÖÙc Trai töôùng coâng vaø coâng trình saùng taïo cuûa nhaân daân bao ñôøi, chuùng toâi xin thuaât laïi nhöõng ñieàu ñaõ ñöôïc truyeàn laïi trong daân chuùng vaø trong söû saùch ñeå ñoäc giaû roäng ñöôøng tham khaûo.
I.  NGUYEÃN TRAÕI TÌM ÑEÁN LEÂ LÔÏI
          Ngay töø ñaàu, lòch söû Nguyeãn Traõi ñaõ laø nhöõng huyeàn thoaïi. Nguyeãn Traõi theo cha ñeán Nam Quan hay theo cha sang Trung Quoác roài trôû veà? Nguyeãn Traõi coù bò baét khoâng? Taïi sao quaân Minh baét Nguyeãn Phi Khanh maø khoâng baét Nguyeãn Traõi? Nguyeãn Traõi coù sang Trung Quoác khoâng-? Luùc naøo? Nhöõng ñieàu naøy ñaõ ñöôïc trình baøy ôû chöông I ( theo UTT,haï, 590 ). Khi trôû veà thaønh Nam, Nguyeãn Traõi theo lôøi cha ñi tìm chaân chuùa. OÂng gaëp Leâ Lôïi luùc naøo? Ñoù laø nhöõng môù boøng bong, aån hieän trong söông khoùi.
          Traàn Khaéc Kieäm keå:
Khi quaân ñoäi phöông Baéc tôùi chieám cöù, oâng voán saønh khoa thieân vaên, coù bieát laø nöôùc ta roài coù chaân chuû. OÂng muoán tìm tôùi giuùp, maø bò giaëc baét giöõ taïi trong thaønh. OÂng thöôøng laøm thô noâm loái thuû vó ngaâm ( Thô coøn truyeàn trong Quoác AÂm Thi Taäp ). Ngöôøi Baéc thaáy oâng coù taûi, yù muoán ñöôïc ñeå duøng. Nhöng bieát chí oâng khoâng theo thì laïi caøng kính neå. Sau oâng laäp keá thoaùt thaân ñöôïc, tôùi yeát kieán Thaùi toå Cao Hoaøng Ñeá taïi LoÃi Giang, hieán baøi saùch Bình Ngoâ. Ñeâm ñoù trong moäng, vua thaáy thaàn nhaân baùo cho bieát ngaøy mai seõ coù ngöôøi taøi tôùi giuøp. Khi oâng tôùi, vua thaáy traïng maïo gioáng nhö ngöôøi ñöôïc thaáy trong moäng, môùi laáy laøm kyø laï, roài giao cho chöùc Thöøa chæ hoïc só, ñeå ôû gaàn luoân, phaøm caùc vieäc quaân, vieäc nöôùc, ñeàu baøn ñònh (UTT haï, 587)
Theá Bieân cho bieát sau khi oâng töø bieät cha trôû veà
Caàu moäng taïi Daï Traïch ( coù baûn cheùp laø Traán Vuõ quan ). Moäng thaày thaàn baûo Leâ Lôïi ôû Lam Sôn laø thieân töû. Theá laø coâng laàn tôùi Loãi giang, gaäp roài phuïng söï Leâ Thaùi Toå  (UTT haï, 591)
ÖÙc Trai Taäp  cheùp raèng Nguyeãn Traõi tìm ñeán Leâ Lôïi ôû Lam Sôn xin laøm toâi tôù. Nhaân ngaøy gioã cha, Leâ Lôïi thaùi thòt treân thôùt roài ngoài aên. Nguyeãn Traõi khinh bæ cho laø ngöôøi thoâ loã beøn boû ñi. Sau ra beán Döông Xaù, trong quaùn troï, nghe maáy ngöôøi Taøu xem thieân vaên  baøn taùn raèng minh chuû nöôùc Nam saép xuaát hieän, laø moät hoå töôùng, ña saùt, aên uoáng thoâ loã. . .Nguyeãn Traõi beøn trôû laïi Lam Sôn, tìm ra nôi Leâ Lôïi vaø Leâ Thu hoïp bí maät, tính  soá thaùi aát, ñònh ngaøy khôûi nghóa. OÂng lieàn xuaát hieän, cuøng Leâ Lôïïi baøn baïc. Phaû kyù cuûa nhaø Leâ Thuï cuõng cheùp vieäc naøy (UTT, haï,595).
Tang Thöông Ngaãu Luïc cuûa Phaïm Ñình Hoå vaø Nguyeãn AÙn cho bieát vieäc Traàn Nguyeân Haõn ôû Sôn Taây ñi baùn daàu nguû troï ñeàn Lyù OÂng Troïng nghe caùc thaàn trong ñeàn noùi chuyeän Thöôïng ñeá ñaõ ñònh cho Leâ Lôïi laøm vua, Nguyeãn Traõi laøm toâi. Traàn Nguyeân Haõn ñi tìm Nguyeãn Traõi, keå laïi vieäc treân. Sau caû hai oâng ñ caàu moäng ñeàn baø Tieân Dung, baø cuõng cho bieát Leâ Lôïi laøm vua, Nguyeãn Traõi laøm toâi. Caû hai tìm ñeán Lam Sôn, vaøo nhaø Leâ Lôïi. Nhaân ngaøy gioã, hai ngöôøi thaáy Leâ Lôïi caét thòt aên uoáng thoâ loã, ben boû maø ñi, veà ñeàn Tieân Dung traùch cöù. Tieân Dung baûo soá trôøi ñaõ ñònh nhöng chöa ñeán ngaøy töôùng tinh xuaát loä, vaäy haõy trôû laïi chôø it böõa. Sau Leâ Lôïi ñöôïc binh thö vaø thaån kieám, ñem ñeâm ngoài ñoïc saùch, Nguyeãn Traõi vaø Traàn Nguyeân Haõn nay cöûa böôùc vaøo,trình baøy söï thöïc, caû hai ñöôïc Leâ Lôïi ñoùn nhaän. Nguyeãn Traõi cho boâi môõ vaøo caùc caây caønh trong röøng nuùi thaønh caâu Leâ Lôïi laøm vua, Nguyeãn Traõi laøm toâi. Moïi ngöôøi ñeàu tin, ngaøy caøng ñeán quy thuaän ñoâng ñaûo (UTT ha, 705-706)
II. RAÉN BAÙO OAÙN
         
          Saùch Phuï Khaûo Söû Löôïc cheùp vieäc raéùn baùo oaùn.
Nhaø toå tieân oâng Traõi ba ñôøi tröôùc, nhaø coù vöôøn, trong vöôøn coù hang raén. Moät hoâm oâng Traõi sai doïn vöôøn ñeå caát nhaø. Ñeâm hoâm ñoù, meâ thaáy moät ngöôøi ñaøn baø aüm con tôùi xin hoaõn cho ba ngaøy ñeå choïn nôi ôû khaùc. Sôùm oâng chöa thöùc daäy, thì boïn toâi tôù ñaõ san vöôøn, chaët ñuoâi moät con raén lôùn, gieát ñöôïc hai con raén con. Khi oâng daäy, hoái khoâng kòp. Ñeâm ñoù ngoài ñoïc saùch, boãng thaáy moät gioït maùu rôi xuoáng thaám ba tôø giaáy. OÂng sôï bieát raén seõ baùo oaùn ñeán ba ñôøi. Ñeán khi oâng ñöôïc vinh hieån, moät hoâm ôû trieàu veà ñi qua haøng baùn chieáu, thaáy ngöôøi con gaùi saéc ñeïp khaùc thöôøng, môùi laáy laøm thieáp. Ngöôøi con gaùi laø Nguyeãn Thò Loä, gioûi vaên thô, thuoäc KInh söû, vua yeâu laém, thöôøng trieäu vaøo haàu. Ñeán naêm ñoù, xaõy ra chuyeän gieát vua, Traõi bò toäi tru luïc. Thò Loä khi saép bò haønh hình, thì bieán thaønh hình con raén lôùn, xuoáng nöôùc ñi maát  (UTT haï, 631)          
Tang Thöông Ngaãu Luïc cuõng cheùp vieäc raén baùo oaùn, nhöng chi tieát coù khaùc truyeän ôû Vieät Söû Löôïc Khaûo. Töông truyeàn khi coøn daïy hoïc ôû Nhò Kheâ, coâng baûo hoïc troø ngaøy mai doïn saïch mieáng ñaát ngoaøi ñoàng ñeå döïng tröôøng hoïc. Ñeâm ñeán, coâng moäng thaáy moät ngöôøi ñaøn baø tôùi noùi ngöôøi yeáu, con laïi nhoû, xin dung cho ôû ba böõa nöõa ñeå tìm nôi khaùc seõ doïn. Tænh daäy coâng ra ñoàng thì moïi vieäc ñaõ xong. Hoïc troø trình leân hai caùi tröùng vaø ñaõ noùi ñaõ cheùm moät con raén ñöùt ñuoâi. Coâng ñem hai tröùng raén veà nuoâi. Ñeâm ñeán, coâng thaáy moät ngöôøi ñaøn baø leo leân noùc nhaø, maëc aùo traéng, roû maùu xuoáng saùch, truùng chöõ ñaïi vaø öôùt ba tôø giaáy. Coâng bieát raén seõ baùo oaùn ñeán ba ñôøi. Sau tröùng nôû thaønh hai con raén, coâng sai thaû xuoáng soâng Toâ Lòch, sau thaønh giang thaàn. Thò Loä ñöôïc vua yeâu roài vua cheát, ñình thaàn tra  taán, Thò Loä  khai laø do coâng sai khieán. Khi bò haønh hình, Thò Loä bieán thaønh raén xuoáng nöôùc boû ñi
(UTT haï,708)
          Quyeån Vaên Thaàn Leâ Traõi Thi noùi ñeán coâng nghieäp cuûa Nguyeãn Traõi vaø vieäc raén baùo oaùn:
Veà luùc coù tuoåi, laáy Thò Loä laøm vôï. .  . Töông truyeàn laøng Nguyeãn Traõi coù goø ñaát cao, coù moät con raén lôùn. Toå tieân Traõi tröôùc daïy hoïc, laäp keá gieát ñöôïc. Ñeán vôï Traõi laø Thò Loä, döôùi buïng coù ba vaåy, khi Traõi bò hoïa, ngöôøi ta cho laø raén baùo thuø. Ñeán ñôøi chaùu ñi qua hoà Ñoäng Ñình, laïi bò raén baùo. Caùc con chaùu vaãn thöôøng e ngaïi (UTT ha, 714)
Truyeän Huaân Hieàn Nguyeãn Traõi theo Nhaân Vaät Chí Lòch Trieàu Hieán Chöông,  cuûa Phan Huy Chuù, cheùp veà tieåu söû Nguyeãn Traõi, trong ñoù coù ñoaïn veà raén baùo oaùn (UTT haï, 720):
          Chuyeän raén baùo oaùn coøn keùo daøi ñeán ñôùi sau nöõa. Tang Thöông Ngaãu Luïc cheùp veà vieäc coâng ñöôïc taåy oan, con trai cuûa coâng laø Anh Voõ,  sinh hai trai, moät trai ñöôïc laøm Tri Chaâu Phuï Chaâu.
Sau Tri chaâu phuïng meänh ñi söù, khi thuyeàn ñeán Ñoäng Ñình Hoà, thaáy moät con raén lôùn hieän leân maët hoà, Tri Chaâu khaán xin chôû xong vieäc nöôùc. Soùng gioù ngöøng ngay. Sau khi xong vieäc söù trôû veà thì thuyeàn chìm  (UTT haï, 708).
            Truyeän raén baùo thuø voán coù nguoàn goác saâu xa trong trong truyeän coå Vieät Nam.  Daõ Traøng voán laøm ngheà saên baén. Nôi anh ôû coù moät caëp raén thaàn, haèng ngaøy anh thöôøng gaëp. Moât hoâm anh ñi qua moät khu röøng, thaáy con raén caùi ngoaïi tình vôùi moät con raén khaùc. Anh ruùt teân gieát con raén ñöïc khoâng ngôø truùng con raén caùi laøm cho con naøy cheát. Con raén choàng ñi taàm thuø, nghe Daõ Traûng than thôû, môùi bieát vôï mình thaát tieát. Anh ñöôïc raén thaàn taëng moät vieân ngoïc raén, coù khaû naêng hieåu tieáng loaøi vaät. .  .
          Trong kho taøng vaên hoïc Trung Quoác, ta thaáy coù nhieàu truyeän raén baùo oaùn maø nhöõng truyeän naøy raát gioáng  vôùi truyeàn thuyeát veà Nguyeãn Traõi[1].  Coù theå ngöôøi ta ñaõ ñem truyeän naøy gaén vaøo thaûm hoïa gia ñình Nguyeãn Traõi ñeå giaûi thích noãi oan khuaát cuûa ÖÙc Trai tieân sinh.
          1.TRUYEÄN PHÖÔNG CHÍNH HOÏC
Oâng noäi cuûa  Phöông Chính Hoïc ñôøi Nguyeân cheát, ngöôøi nhaø ñaøo huyeät ñeå choân. Cha Phöông Chaùnh Hoïc naèm mô thaáy moät baø giaø ñeán xin thö thaû ñeå dôøi ñi choã khaùc. Hoâm sau ñaøo huyeät thaáy moät oå raén beøn ñaùnh cheát. Meï Phöông Chính coù mang thaáy moät luoàng haéc khí bay vaøo mình. Khi ra ñôøi Phöông Chính Hoïc coù löôõi raén. Veà sau Phöông Chính Hoïc bò hoïa dieät toäc, laø do ñaøn raén thaùc sinh ñeå baùo thuø.
2.TRUYEÄN NGOÂ TRAÂN
          Ngoâ Traân laøm quan ñôøi Toáng, ra leänh ñoát khu röøng raäm ôû Kim Bình. Moät baø giaø daét con ñeán xin hoaõn laïi. Ngoâ Traân maéng ñuoåi baø giaø. Hoâm sau lính baùo coù hai con raén bò ñoát cheát. Moät luoàng haéc khí bay vaøo buïng con daâu Ngoâ Traân, sau ñeû ra Ngoâ Hy, roài bò hoïa dieät toäc.
          3. TRUYEÄN CHU TUEÄ VAØ KIEÀU OANH
          Chu Tueä moät ñaïi hoïc só ñôøi Minh, bò ñuoåi veà queâ Haøng Chaâu, gaàn soâng Tieàn Ñöôøng. Moät hoâm oâng naèm mô thaáy moät ngöôøi ñaøn baø ñeán xin oâng hoaõn vieäc doïn vöôøn ñeå meï con thu xeáp. Tænh daäy thì gia nhaân ñaõ doïn xong vöôøn, vaø hoï cho bieát ñaõ gieát 5 con raén con. Ñeâm moät con raén boø treân xaø haù mieäng nhoû moät gòoït maùu leân saùch, thaám ba trang giaáy. Ngaøy xuaân oâng du ngoaïn treân soâng gaëp Chu Kieàu Oanh, hai beân xöôùng hoïa, roài laáy laøm thieáp. Moät hoâm, thaùi  töû gheù thaêm, Chu Tueä môû tieäc, sau moïi ngöôøi ruùt lui, chæ coøn thaùi töû vaø Kieàu Oanh. Hoâm sau, thaùi töû cheát cöùng beân caïnh Kieàu Oanh, Chu Tueä bò tru di tam toäc.
          Caâu truyeän naøy gioáng truyeän Nguyeãn Traõi vaø Thò Loä. Chu Tueä vaø Kieàu Oanh cuøng xöôùng hoïa thô:
Chu Tueä hoûi Kieàu Oanh:
          Ngoïc nhaân haø xöù lai,
            Vaán quaân hoa höõu toàn?
            Nieân canh ña thieåu kyû
            Phu töû naõi taïi moân?
            Ngöôøi  ñeïp töø ñaâu  tôùi?
            Hoa  ñaõ heát hay coøn?
            Xuaân xanh  bao nhieâu tuoåi
            Coù choàng chöa?  maáy con?
Coâ gaùi baùn hoa Kieàu Oanh ñaùp:
            Ngaõ taïi Haøng Chaâu, taïi Myõ Hoa,
            Haø quaân vaán ngaõ höõu hoa toàn.
            Nieân canh song baùt hoaøn dö höõu,
            Phu khuyeán haø töû taïi gia moân?
           
            Thieáp taïi Haøng Chaâu, thieáp baùn hoa,
            Côù chi chaøng hoûi heát hay coøn?
            Xuaân xanh vöøa ñoä traêng troøn leû,
            Choàng coøn chöa coù, coù chi con?
Nhö vaäy laø ai ñoù ñaõ ñoïc truyeän naøy trong khoaûng cuoái Leâ, trong khi röôïu sôùm traø tröa, hay trong buoåi yeán tieäc, ñaõ saùng taïo ñoâi chuùt, ñoåi nhaân vaät chaùnh laø Nguyeãn Traõi- Thò Loä ñeå keå truyeän vui cho baø con, baïn beø nghe, roài truyeàn tuïng trong daân gian laâu ñôøi thaønh huyeàn thoaïi. Vaäy truyeän raén baùo oaùn vaø thô ñoái ñaùp giöõïa Nguyeãn Traõi vaø Thò Loä laø khoâng thaät.
III. HOAØNG PHUÙC VAØ NGOÂI MOÄ TOÅ NHAØ
          NGUYEÃN TRAÕI
Tang Thöông Ngaãu Luïc cuõng cheùp vieäc naøy. Xöa trong traän Maõ Yeân, quaân Bình Ñònh vöông baét ñöôïc Hoaøng Phuùc,laø moät vò thöôïng thu nhaø Minh, coù taøi ñòa lyù. Gaëp NGuyeãn Traõi, Hoaøng Phuùc baûo raèng moä toå nhaø toâi coù Vaên Xaù tinh, daãu bò baét roài traêm ngaøy cuõng ñöôïc thaû. Coøn oâng coù hoïa dieät vong. Nguyeân moä toå Nguyeãn Traõi ôû Nhò Kheâ ñuùng vaûo caùch töôùng quaân phaát côø, hoaëc töôùng quaân maát ñaàu. Hoaøng Phuùc nghieân cöùu caùc moä taïi Vieät Nam, vaø ghi chuù veà ngoâi moä naøy: Nhò Kheâ maïch ñoaûn, hoïa thaûm tru di. Khi oâng bò gieát, oâng coù than: Tieác raèng ta khoâng nghe lôøi Hoaøng Phuùc! Phaïm phaû cheùp raèng tröôùc khi cheát, coâng than raèng ñaõ khoâng nghe lôøi Hoaøng Phuùc vì tröôùc ñaáy, Phuùc thöôøng khuyeân coâng neân caûi taùng ngoâi moä toå ôû Nhò Kheâ, nhöng coâng khoâng nghe (UTT haï, 630)
IV. NGUYEÃN THÒ ÑAØO
         
          Nhö ñaõ trình baøy ôû phaàn tröôùc, Gia phaû hoï Nguyeãn ghi raèng baø Traàn thò Thaønh sinh ba trai, vaø moät gaùi teân laø Nguyeãn thò Ñaøo. Taøi lieäu Truùc Kheâ cheùp raèng ngöôøi vôï thöù laø Phaïm Thò Maãn ngöôøi laøng Thuïy Thuù ( Thuïy phuù, huyeän Phuù Xuyeân, Haø Ñoâng )  sinh ñöôïc moät gaùi vaøi tuoåi, teân laø thò Ñaøo. Sau coù mang vaøi thaùng thì gia ñình gaëp naïn sau sinh ra Anh Vu (132-139)õ.  Baø Traàn thò Thaønh, con gaùi vaø con daâu phaûi laøm quan tyø ( noâ tyø cho nhaø quan).
Thò Ñaøo ñöôïc quan boä Hình giao cho moät hoaïn quan nuoâi naáng ñôïi khi lôùùn seõ sung noâ tyø. Thò Ñaøo xinh xaén nhöng bò caâm. Khi vieân hoaïn quan beänh cheát, thò Ñaøo löu laïc tôùi moät nhaø ñaøo nöông. Naøng khoâng haùt ñöôïc nhöng goõ seânh phaùch raát hay.
Baø meï vua Thaùnh Toâng laø baø Ngoâ thò, moâng thaáy thieân ñeá cho tieân ñoàng giaùng sinh. Ñoàng xin cho moät ngöôøi vôï. Ñeá chæ beân phaûi moät ngoïc nöõ vaø noùi: Ñoù, cho maøy. Ngoïc nöõ cöôøi khoâng noùi. Tænh moäng roài sau sinh ra vua.
Moät hoâm Thaùnh toâng chaùn nhöõng ñieäu haùt trong cung, ra leänh cho thaùi giaùm ra ngoaøi tìm moät ban haùt. Noäi giaùm tìm ñeán nhaø ñaøo nöông cuûa thò Ñaøo. Khoâng ai haùt xöùng yù vua. Thaáy thò Ñaøo  ngoài goõ seânh phaùch, vua hoûi:
-Taïi sao con beù kia khoâng ñöùng leân haùt thöû?û.
Naøng tuaân lôøi vaø ñöùng leân caát tieáng haùt raát hay, nghe nhö nhaïc Quaân thieân ôû treân trôøi. Baø Quang Thuïc thaùi haäu nhìn cöû chæ y nhö ñaõ thaáy ôû treân trôøi. Baø baûo:
-AÛ naøy haùt raát hay. Hoaøng ñeá neáu roäng loøng thöông thì cho noù ôû laïi chaàu haàu trong cung.
Theá laø töø ñoù,naøng ôû laïi trong cung, roài daàn daø ñöôïc phong laøm chieâu nghi. Sau khi vua chieâu tuyeát cho Nguyeãn Traõi, naøng coâng khai nhaän laø con gaùi Nguyeãn Traõi, (UTT ha, 638). Theá laø gaëp hoïa thaønh phöôùc. Meï con, anh em ñöôïc ñoaøn tuï.
Tuy nhieân, vieäc naøy coù ñieàu khoâng hôïp lyù. Ngaøy xöa, ñöôïc  vaøo laøm cung phi phaûi qua cuoäc tuyeån choïn, vaø caùc tuù nöõ phaûi laø con nhaø quan, khoâng theå naïp moät coâ gaùi khoâng lai lòch, laïi ôû choán xöôùng ca laøm moät cung phi vaø thaêng ñeán chieâu nghi.
Theo töï ñieån  Wikipedia, Nguyeãn Thò Ñaøo ñöôïc Leâ Thaùi Toâng yeâu, sau sinh ra Leâ Thaùnh Toâng [2]. Ñieàu
naøy khoâng theå ñöôïc vì thò Ñaøo hôn Leâ Thaùnh Toâng moät hai tuoåi.
          Khoâng ai coù nhieàu huyeàn thoaïi nhö Nguyeãn Traõi, ñieàu ñoù noùi leân loøng thöông yeâu vaø toân kính cuûa nhaân daân Vieät Nam ñoái vôùi Uc Trai töôùng coâng thaät to lôùn, chöa ai ñöôïc höôûng vinh dö naøy !


[1] Nguyeãn Ñoång Chi,  Kho Taøng Truyeän Coå Tich Vieät Nam 4 taäp. KHXH, Hanoi, (1963-1972.
[2] Unfortunately, Le Thai Tong had a weakness for pretty young women and his palace was filled with intrigue as he shifted his attentions from one girl to another. His first wife was the daughter of Le Sat, his second wife was the daughter of Le Ngan, his third favorite was Duong thi Bi, who gave birth to his first son Nghi Dan (who ruled briefly in 1459). He soon shifted his affections to Nguyen thi Dao and Nguyen-thi-Anh. This last young woman gave birth to his third son (and immediate heir) Le Nhan Tong. However, Nguyen thi Dao would give birth to his greatest son, Le Thanh Tong.

 

 

No comments:

Post a Comment